Không có gì gọi là chủng tộc cả

Robert Wald Sussman | DCVOnline

Chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào lịch sử của loài người.

Năm 1950, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) tuyên bố khẳng định rằng tất cả mọi người thuộc cùng một loài và “chủng tộc” không phải là một thực tế sinh vật học mà là một huyền thoại. Dưới đây là một tóm tắt những khám phá của một nhóm chuyên viên trong giới nhân chủng học, di truyền học, xã hội học và tâm lý học quốc tế.

“The Myth of Race: The Troubling Persistence of an Unscientific Idea” của Robert Wald Sussman. Copyright © 2014 by the President and Fellows of Harvard College. Used by permission. All rights reserved.

Có rất nhiều bằng chứng tích lũy vào thời đó để hậu thuẫn cho kết luận này, và những người làm việc khoa học là những người đang nghiên cứu và có nhiều kiến thức về chủ đề về sự khác nhau của con người. Kể từ đó các tuyên bố tương tự đã được Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ và Hiệp hội Chuyên gia Nhân chủng Vật chất Hoa Kỳ phát hành, và có một số lượng rất lớn các dữ liệu khoa học hiện đại đã biện minh cho kết luận này.

Ngày nay phần lớn những người làm nghiên cứu về sự khác nhau của con người đồng ý rằng các chủng tộc sinh vật học không hiện hữu trong nhân loại. Trong số những người nghiên cứu, những người sử dụng và chấp nhận các kỹ thuật khoa học hiện đại và luận lý, thực tế khoa học này là có giá trị và đúng cũng như thực tế là trái đất là tròn và xoay quanh mặt trời.

Tuy nhiên, gần đây, vào năm 2010 nhà báo Guy Harrison đã viết:

“Một ngày vào những năm 1980, ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp nhân chủng học đầu tiên, tôi thật muốn tìm hiểu thêm về cái loài kỳ lạ và quyến rũ này mà tôi đã sinh ra và là một phần tử. Nhưng ngày hôm đó tôi đã học được nhiều hơn tôi đã mong đợi khi lần đầu tiên nghe nói rằng chủng tộc sinh vật học ưu việt là điều không có thật. Sau khi được nghe một số lý do hợp lý tại sao đại đa số các loại sinh vật học không hợp lý, tôi bắt đầu cảm thấy bị xã hội của mình phản bội. ‘Tại sao tôi đến bây giờ tôi mới biết đến điều này? . . . Tại sao không ai nói với tôi điều này ở tiểu học?’ […] Tôi chưa bao giờ, trong suốt 12 năm trước khi bước vào đại học, nghe được điều quan trọng là hầu hết chuyên gia trong giới nhân chủng học bác bỏ khái niệm chủng tộc sinh vật học.”

Thật không may, cùng với niềm tin vào thực tế của các chủng tộc dựa trên sinh vật học, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rất nhiều ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Tại sao lại có thể như thế được khi có quá nhiều bằng chứng khoa học chống lại nó [huyền thoại chủng tộc này]?

Những người có học vấn nhất sẽ chấp nhận sự thật rằng trái đất không phẳng và nó xoay quanh mặt trời. Tuy nhiên, rất khó để họ có thể chấp nhận khoa học hiện đại liên quan đến sự khác nhau của con người. Tại sao lại như vậy?

Có vẻ như niềm tin vào chủng tộc của con người, còn mang theo thành kiến và hận thù của “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, đã hằn sau trong văn hoá của chúng ta và đã là một phần không thể tách rời của thế giới quan của chúng ta trong một thời gian dài đến nỗi nhiều người trong chúng ta cho rằng nó phải là sự thật.

Phân biệt chủng tộc là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ở mọi mặt của cuộc sống, trường học, sở làm, giữa người đồng nghiệp, cách mọi người đối xử với nhau, cách được chăm sóc, đối xử trong hệ thống y tế và pháp luật đều bị ảnh hưởng vì chủng tộc của mỗi người.

Trong 500 năm qua, người ta đã được học cách diễn giải và hiểu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng ta được cho biết có những điều cụ thể liên quan đến chủng tộc, như độ thông minh, hành vi tình dục, tỷ lệ sinh sản, chăm sóc trẻ sơ sinh, đạo đức nghề nghiệp và khả năng, kiềm chế cá nhân, tuổi thọ, tuân thủ pháp luật, sự gây gỗ, vị tha, thói quen kinh tế và kinh doanh, sự liên hệ trong gia đình, và thậm chí cả kích cỡ của não.

Chúng ta đã học rằng chủng tộc được cấu trúc theo trật tự có thứ bậc và một số chủng tộc tốt hơn các chủng tộc khác. Ngay cả khi không phải là người phân biệt chủng tộc, cuộc sống của người ta cũng bị ảnh hưởng bởi cấu trúc có thứ tự. Chúng ta sinh ra trong một xã hội phân biệt chủng tộc.

Điều mà nhiều người không nhận ra là cơ cấu chủng tộc này không dựa trên thực tế. Các nhà nhân chủng học đã cho biết từ nhiều năm nay rằng không có thực tế sinh vật học đối với loài người. Không có hành vi phức tạp nào có liên quan trực tiếp với những gì có thể được coi là những đặc điểm của “chủng tộc” của hoài người.

Không có mối quan hệ vốn có giữa độ thông minh, tuân thủ pháp luật, hoặc tập tục kinh tế với chủng tộc, cũng như không có mối quan hệ giữa mũi, chiều cao, nhóm máu, hoặc màu da và bất kỳ hành vi phức tạp nào của con người với chủng tộc.

Tuy nhiên, trong 500 năm qua, chúng tôi đã được một nhóm trí thức, chính trị gia, chính khách, doanh nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế và các cuốn sách của họ dạy rằng chủng tộc sinh học của con người là có thật và một số chủng tộc có sinh học tốt hơn các chủng tộc khác.

Những giáo điều nói trên đã dẫn đến những bất công lớn đối với người Do Thái và người không phải là Kitô hữu trong thời kỳ Tòa án dị giáo Tây Ban Nha; bất công với người da đen, người Mỹ bản địa, và những người khác trong thời thuộc địa; bất công cho người Mỹ gốc châu Phi trong thời chế nô lệ và tái thiết; bất công cho người Do Thái và người châu Âu khác trong thời Quốc xã tại Đức; và bất công với các nhóm người từ châu Mỹ Latinh và Trung Đông, cùng với những người khác, trong thời đại chính trị hiện đại.

Trong cuốn sách của tôi, “Huyền thoại chủng tộc: Sự kéo dài đáng ngai của một ý tưởng phi khoa học” (The Myth of Race: The Troubling Persistence of an Unscientific Idea), tôi đã không dựa vào tất cả những thông tin khoa học mà giới nhân chủng học, sinh vật học, di truyền học và các nhà khoa học khác đã thu thập liên quan đến thực tế là không có gì gọi là chủng tộc sinh vật học của loại người. Việc này đã được nhiều người thực hiện trong năm mươi năm qua.

Những gì tôi làm là mô tả lịch sử của huyền thoại về chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Khi mô tả lịch sử này, tôi nghĩ rằng bạn đọc sẽ hiểu tại sao nhiều người trong giới lãnh đạo và những người theo chân họ đã lừa dối để chúng ta tin vào những ngụy biện phân biệt chủng tộc này và cách chúng vẫn sinh tồn từ cuối thời Trung Cổ đến hiện tại.

Nhiều chính sách căn bản của chúng ta về chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được dựng lên như một cách để giữ cho giới lãnh đạo và những người theo họ kiểm soát được cách chúng ta sống trong cuộc sống hiện đại. Những người lãnh đạo này thường tự coi họ là người giỏi nhất và thông minh nhất. Phần lớn lịch sử này đã giúp thiết lập và duy trì Tòa án dị giáo Tây Ban Nha, chính sách thuộc địa, chế độ nô lệ, chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa ly khai chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt đối xử, và các chính sách chống nhập cư.

Mặc dù các chính sách liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dường như đang ngày càng được cải thiện, tôi hy vọng sẽ giúp làm sáng tỏ lý do tại sao huyền thoại [chủng tộc] này vẫn tồn tại và vẫn phổ biến ở Hoa Kỳ và khắp Tây Âu với những mô tả lịch sử của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bằng cách khai phá những khái niệm nhân chủng học về văn hoá và thế giới quan đã thách thức và phủ nhận giá trị của quan điểm phân biệt chủng tộc như thế nào.

Trong khoảng 500 năm trở lại đây, nhiều trí thức và sách của họ đã viết nên câu chuyện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của chúng ta. Họ khai triển ý tưởng ban đầu của chúng ta về chủng tộc trong xã hội phương Tây và củng cố thái độ và niềm tin mà dần dần theo dưới ảnh hưởng của những chính sách kinh tế và chính trị của họ.

Sau đó, cách đây khoảng 100 năm, nhà nhân chủng học Franz Boas đã đưa ra một lời giải thích khác cho lý do tại sao những người ở các khu vực khác nhau hoặc sống trong những điều kiện nhất định khác nhau lại cư xử khác nhau. Con người có lịch sử cuộc sống khác nhau, những kinh nghiệm chia sẻ khác nhau với những cách ứng xử đặc biệt đối với những khác biệt này. Tất cả chúng ta đều có một thế giới quan, và tất cả chúng ta đều chia sẻ nhân sinh quan với những người khác có kinh nghiệm tương tự. Chúng ta có văn hóa.

Phải mất nhiều năm Boas và những người theo trường phái của ông mới khai triển được ý tưởng này và truyền bá nó cho những người khác. Tuy nhiên, trong năm mươi sáu mươi năm qua, chuyên gia trong giới nhân chủng học, sinh vật học và di truyền học đã viết rất nhiều bài báo và sách giải thích lý do vì sao không có chủng tộc sinh vật học ở loài người.

Ban đầu, giới khoa học đã cố gắng phân loại các chủng tộc người dựa trên khác biệt về những đặc điểm như màu da, màu tóc và hình dạng, màu mắt, khuôn mặt, và các nhóm máu. Trong thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học, như Franz Boas, xếp loại chúng ta giữa ba và hơn ba mươi chủng tộc khác nhau, nhưng không thành công. Hầu hết các “chủng tộc” giả định này thành hình dựa trên những giả định về mối quan hệ di truyền và sự phân bố giữa các nhóm người khác nhau.

Vào năm 1942, Ashley Montagu, một học trò của Franz Boas, tuyên bố rằng “không có chủng tộc nào hết, chỉ có những tập hợp những dị biệt giữa những sinh vật đồng loại.” Những đặc điểm được coi là thược về “chủng tộc” thực sự phân bố độc lập và phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường và hành vi. Đa số, mỗi đặc điểm có một sự phân bố không giống với những đặc điểm khác, và những đặc điểm này hiếm khi chỉ do một yếu tố di truyền đơn độc xác định.

Kiểu phân bố một đặc tính sinh vật học này được gọi là cline – tập hợp những dị biệt giữa những sinh vật đồng loại. Ví dụ, màu da có liên quan đến lượng bức xạ mặt trời, và có người da sẫm màu ở Châu Phi, Ấn Độ và Úc. Tuy nhiên, nhiều tính trạng di truyền khác ở các dân tộc trong các khu vực này không giống nhau. Hơn nữa, các đặc điểm tương tự như màu da có tính hội tụ; các gen khác nhau có thể gây ra những đặc trưng hình thái và hành vi tương tự.

Ví dụ, những con đường di truyền đưa đến da đen khác nhau giữa người Tamil Nadu và người ở Nigeria. Các đặc tính di truyền thường không tương quan với nhau và không phân bố ở cùng một vị trí hoặc theo cách tương tự, theo thời gian.

Chủng tộc sẽ cho chúng ta biết vài điều về lịch sử di truyền của con người. Ai có liên hệ với ai? Dân số đã tiến triển theo thời gian như thế nào và cách họ đã từng bị cô lập trong quá khứ ra sao?

Những nghiên cứu gần đây cho thấy con người đã di cư từ khi Homo sapiens phát triển khoảng 200.000 năm trước. Cuộc di cư này không theo một hướng nào nhưng đã xảy ra qua lại giữ những nơi khác nhau. Gen đã được pha trộn từ khi chúng ta tiến hóa, và cấu trúc di truyền của chúng ta trông giống như một cái lưới đan xen phức tạp hơn là giống một cột đèn đơn giản.

Rất khó để nói được nền tảng di truyền đặc biệt của chúng ta là gì qua dòng lịch sử của con người. Là một nhóm con người chúng ta giống nhau hơn là chúng ta giống nhau trong bất kỳ loại chủng tộc hay một loại gen nào. Nhiều cuốn sách nhân chủng học đã giải thích hiện tượng này.

Quan điểm của chúng ta về di truyền cũng đã thay đổi trong thời gian gần đây. Mặc dù nhiều người vẫn tin rằng gen, hoặc một chuỗi các gen, trực tiếp xác định một số đặc tính hành vi hoặc nhận thức phức tạp nhất của chúng ta, thực tế phức tạp hơn thế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mỗi gen chỉ giữ một vai trong một bộ phim kỳ diệu rắc rối liên quan đến sự tương tác không cộng hưởng của gen, protein, hormones, thức ăn và kinh nghiệm sống và học tập tương tác để ảnh hưởng đến chúng ta ở các mức độ khác nhau về chức năng nhận thức và hành vi. Mỗi gen có ảnh hưởng đến nhiều loại hành vi, và nhiều hành vi bị ảnh hưởng của nhiều gen cũng như những yếu tố khác. Giả định rằng chỉ có một gen là nguyên nhân có thể đi đến các kết luận không chính đáng và sự diễn giải quá mức về bất kỳ liên kết di truyền chính thống nào.

Tuy nhiên trước khi bắt đầu câu chuyện này, điều quan trọng là [người ta] phải hiểu cách giới khoa học xác định khái niệm chủng tộc như thế nào. Ở phạm trù sinh vật học chủng tộc được định nghĩa ra sao? Chúng ta định nói gì khi dùng từ chủng tộc để mô tả nhưng khác biệt của quần thể những động vật lớn như loài người? Những tiêu chuẩn dùng để mô tả những sự khác biệt có đứng vững không khi chúng ta xem xét những khác biệt quần thể của con người?

Về mặt sinh học, khái niệm chủng tộc gắn liền với tiến trình tiến hóa và nguồn gốc của các loài. Nó là một phần của tiến trình hình thành các loài mới và có liên quan đến sự khác biệt phụ. Tuy nhiên, vì điều kiện có thể thay đổi và loài phụ có thể và đã hợp nhất, tiến trình này không nhất thiết dẫn đến sự sinh ra các loài mới.

Trong sinh vật học, một loài được định nghĩa là một tập hợp của những cá thể có khả năng giao phối và sinh con khỏe mạnh; có nghĩa là con cái cũng thành công trong việc tiếp tục sinh sản. Sự hình thành các loài mới thường xảy ra chậm trong một thời gian rất dài.

Khái niệm chủng tộc con người là có thật. Tuy nhiên, đây không phải là một thực tế sinh vật học, mà là một thực tế văn hoá. Nguồn: Robert Wald Sussman

Ví dụ, nhiều loài có sự phân bố địa lý sinh sống trong phạm vi gồm các vùng sinh thái đa dạng. Nếu những khu vực này rộng lớn so với khoảng cách di cư trung bình của các cá thể trong các loài thì sẽ có nhiều giao phối, và do đó sẽ có sự trao đổi nhiều gen hơn, giữa các vùng.

Trong khoảng thời gian rất dài (hàng chục ngàn năm), người ta dự đoán sẽ có sự khác biệt được giữa các quần thể cùng một loài sống ở vùng xa xôi. Một số khác biệt này có thể do phải thích nghi với sự khác biệt về sinh thái trong phạm vi địa lý của quần thể, trong khi một số khác có thể là ngẫu nhiên.

Theo thời gian, nếu có ít hoặc không có giao phối (hoặc trao đổi gen) xảy ra giữa các quần thể xa xôi này, sự khác biệt di truyền (và liên quan đến hình thái học) sẽ tăng lên. Cuối cùng, qua hàng chục ngàn năm sống cách biệt, nếu có ít hoặc không có sự giao phối giữa các quần thể sống riêng biệt, sự khác biệt di truyền có thể trở nên thật lớn đến nỗi các cá thể trong những quần thể khác nhau không thể giao phối và sinh con khỏe mạnh.

Hai quần thể này lúc đó được coi là hai loài riêng biệt. Đây là tiến trình phân loại. Tuy nhiên, một lần nữa, không một tiêu chuẩn nào trong số này đòi hỏi sự thành hình của một loại khác cuối cùng sẽ xảy ra.

Vì sự hình thành loài trong quá trình tiến hoá phát triển rất chậm nên cần biết giai đoạn trung gian trong quá trình này. Các quần thể của một loài đang trải qua tiến trình vi phân sẽ cho thấy sự biến đổi di truyền và hình thái do sự phát triển của sự khác biệt di truyền nhưng vẫn có thể sinh sản và có con có thể sinh sản thành công.

Chúng ở trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình hình thành loài trong quá trình tiến hoá nhưng chưa phải loài nào khác. Trong thuật ngữ sinh vật học, chính những quần thể này được xem là “chủng tộc” hay “phân loài”. Về cơ bản, phân loài trong một loài là địa lý, hình thái, và các quần thể khác biệt về di truyền học nhưng vẫn duy trì khả năng lai giống thành công.

Do đó, sử dụng định nghĩa sinh vật học về chủng tộc này, chúng ta giả định rằng các chủng tộc hoặc phân loài là quần thể của một loài có sự khác biệt di truyền và hình thái do các rào cản trong sự giao phối. Hơn nữa, việc ít giao phối (hoặc không có trao đổi di truyền) giữa họ đã kéo dài trong một thời gian rất dài, vì thế khiến những cá thể trong một quần thể có một lịch sử tiến hóa chung và riêng biệt.

Với những tiến bộ trong khoa di truyền học phân tử, ngày nay chúng ta có khả năng khảo sát quần thể các loài và phân loài và xây dựng lại lịch sử tiến hóa của chúng một cách khách quan và rõ ràng. Bằng cách này, chúng ta có thể xác định tính chất hợp lệ của định nghĩa truyền thống về chủng tộc “bằng cách khảo sát các mẫu và số lượng di truyền đa dạng tìm thấy trong và giữa các quần thể con người” và bằng cách so sánh sự đa dạng này với các động vật có vú khác có phân bố khu sinh tốn địa lý rộng lớn.

Nói cách khác, chúng ta có thể xác định độ khác biệt giữa những quần thể của một loài và làm thế nào lại có sự khác biệt đó.

Một phương pháp thường sử dụng để định lượng sự đa dạng di truyền giữa các nhóm bằng sự khảo sát dữ liệu phân tử, dùng thống kê đo sự khác biệt di truyền trong và giữa các quần thể của một loài. Sử dụng phương pháp này, các nhà sinh vật học đã đặt ra một bậc thấp nhất cho số lượng của sự khác biệt di truyền cần thiết để xác nhận phân loài.

So với các loài động vật lớn có vú khác sinh sống trong khu vực địa lý rộng lớn, con người không đạt tới bậc này. Trên thực tế, ngay cả khi con người có sự phân bố rộng nhất, đo lường sự đa dạng di truyền của con người (dựa trên mười sáu quần thể từ châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Mỹ và khu vực Úc Thái Bình Dương) nằm dưới bậc thềm được dùng để nhận dạng các chủng tộc khác loài và là một trong những trị số thấp nhất cho các loài động vật lớn có vú. Điều này đúng ngay cả khi chúng ta so sánh con người với loài vượn (tinh tinh).

Sử dụng một số dấu phân tử đã cho thấy rằng mức cô lập giữa các quần thể con người cần có để hình thành các phân loài hoặc chủng loại sinh vật không bao giờ xảy ra trong suốt 200.000 năm tiến hóa hiện đại của nhân loại.

Dữ liệu di truyền kết hợp cho thấy từ khoảng một triệu năm trước tới hàng chục ngàn năm vừa qua, sự tiến hóa của con người đã bị hai lực tiến hóa chi phối: (1) di chuyển dân cư liên tục và mở rộng phạm vi sinh tồn; và (2) sự hạn chế về giao phối giữa các cá nhân xẩy ra chỉ vì khoảng cách.

Do đó, không có bằng chứng về sự cô lập địa lý cố định và lâu dài giữa các quần thể. Ngoài một số sự kiện cách ly tạm thời, chẳng hạn như sự cô lập của thổ dân Úc, các quần thể lớn của con người đã kết nối với nhau bằng các cơ hội giao phối (và do đó có hỗn hợp di truyền) trong suốt 200.000 năm qua (từ khi có người hiện đại, Homo sapiens, đã hiện hữu). Như được A.R. Templeton, một trong những nhà di truyền học nổi tiếng nhất thế giới, tóm tắt:

“Do có rât nhiều bằng chứng về sự trao đổi di truyền vì sự di chuyển quần thế và luồng gen trở lại xảy ra ít nhất hàng trăm ngàn năm trước, chỉ có một dòng dõi tiến hóa của nhân loại và không có phân loài hoặc chủng tộc…

Sự tiến hóa và cơ cấu quần thể của con người vẫn và được mô tả bằng nhiều quần thể địa phương có sự khác biệt ở cùng một thời điểm nhưng với sự liên hệ với nhau đủ để làm cho toàn thể nhân loại là một dòng dõi duy nhất có chung lịch sử tiến hóa lâu dài.”

Do đó, với các dữ liệu khoa học hiện tại, hiện nay không có các chủng tộc sinh học giữa con người hiện đại, và chúng chưa bao giờ hiện hữu trong quá khứ. Với những bằng chứng khoa học rõ ràng như thế này và dữ liệu nghiên cứu của rất nhiều người trong giới sinh vật học, nhân chủng học và di truyền học đã chứng minh không có các chủng tộc sinh học giữa nhân loại, thì tại sao “huyền thoại” những chủng tộc của loài người vẫn còn tồn tại?

Nếu chủng tộc không hiện hữu như là một thực tế sinh vật học, tại sao rất nhiều người vẫn tin rằng có chủng tộc? Trên thực tế, mặc dù không có những chủng tộc sinh vật học, khái niệm chủng tộc rõ ràng vẫn còn là một thực tế, cũng như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn. Đây là những phần tử thường thấy và dai dẳng trong cuộc sống hàng ngày và là những quan điểm được hầu hết mọi chấp nhận của nền văn hoá của chúng ta.

Kỳ thị (phân biệt) chủng tộc. Nguồn: https://samharris.org

Do đó, khái niệm chủng tộc con người là có thật. Tuy nhiên, đây không phải là một thực tế sinh vật học, mà là một thực tế văn hoá. Chủng tộc không phải là một phần của sinh vật học của chúng ta, nhưng nó chắc chắn là một phần của nền văn hoá của chúng ta. Chủng tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào lịch sử của loài người.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: There Is No Such Thing As Race. By Robert Wald Sussman. Newsweek, 11/8/14.