Gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây?
Trần Phá Không – Hồ Như Ý dịch
Có một quan điểm phổ biến cho rằng nếu thế kỷ 19 là của Châu Âu, thế kỷ 20 là của Mỹ và Châu Âu thì thế kỷ 21 sẽ là của Châu Á.
Nói tới sức ảnh hưởng của phương Đông, đầu tiên cần phải khẳng định là sự trỗi dậy và phát triển của phương Đông đến từ sức ảnh hưởng của phương Tây. Vào thế kỷ 20, trước tiên có Nhật Bản với công cuộc Tây hoá và hiện đại hoá, tiếp đến là sự trỗi dậy của “Bốn con rồng Châu Á”. Trong đó thì Hàn Quốc được lợi từ mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ; Đài Loan nhận được sự bảo vệ từ chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ; Hong Kong là thuộc địa của Anh Quốc; Singapore là quốc gia pháp trị với nền tảng luật pháp từ Anh Quốc, bảo vệ được nền chính trị độc tài độc đảng liêm khiết, quốc gia này lại được Hoa Kỳ đưa vào trong chiếc ô an ninh của mình.
Ngày nay, khi nói đến sức ảnh hưởng của phương Đông, người ta nghĩ đến Trung Quốc và Ấn Độ, trong bài này chỉ đề cập đến Trung Quốc – đế quốc mặt trời đỏ đang trỗi dậy nhanh chóng, hiện tại đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là siêu cường mới nổi hung tàn của thế giới.
Nói tới ảnh hưởng của Trung Quốc, cách nói phổ thông được nhắc đến nhiều nhất là khẩu hiệu “Trung Quốc lãnh đạo thế giới”; trên thực tế thì Trung Quốc cũng không thể lãnh đạo nổi chỉ mình Châu Á. Ở Châu Á, nhằm tranh đoạt địa vị lão đại ca châu lục với Hoa Kỳ và Nhật Bản, Trung Quốc cao giọng tổ chức đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, can dự càng ngày càng nhiều các sự vụ của khối ASEAN, đi cùng với đó là các hành vi bành trướng đối địch với các quốc gia láng giềng trong khu vực dẫn tới sự đối địch và nghi kỵ của các quốc gia này với Trung Quốc.
Hiện tại Trung Quốc bốn bề thọ địch, gần như rơi vào trạng thái cô lập hoàn toàn. Ở phía Đông, Trung Quốc ý đồ tranh chấp quần đảo Senkaku đang được quản lý thực tế bởi Nhật Bản từ hơn 100 năm qua, đẩy tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia lên cao. Ở phía Nam, khu vực biển Đông, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ý đồ cướp đoạt các đảo nhỏ trong vùng biển này, xây dựng các đảo nhân tạo, tạo ra xung đột lâu dài và căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippine, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đồng thời xung đột lợi ích với các quốc gia khác ở Châu Á Thái Bình Dương khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Ở phía Tây Nam, Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp lãnh thổ từ lâu; ở vùng biên giới, hai cường quốc này bố trí một lượng lớn quân đội, thường xuyên xảy ra tranh chấp đối đầu căng thẳng. Phía Đông Bắc, sự ủng hộ ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đưa mối quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc trở nên lạnh nhạt, trở thành một dạng có thể là kẻ thù; trong khi đó mối quan hệ Bắc Triều Tiên-Trung Quốc cũng không hoà thuận, luôn có những mâu thuẫn không thể điều hòa. Ở phía Bắc, Trung Quốc và Liên bang Nga bề ngoài xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược”, bên trong. bất quá chỉ là lợi dụng lẫn nhau, cùng nhau chống lại phương Tây, nếu một trong hai quốc gia có quan hệ hoà hoãn với phương Tây, liên minh bề ngoài này sẽ tan rã ngay.
Còn có một cách nói khác tương đối phổ biến, đó là “Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới”. Vậy nhưng, chúng ta có thể nhìn một chút, kể cả khi tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ là Donald Trump đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP thì các quốc gia tham gia TPP còn lại cũng không hề bày tỏ ý định mời Trung Quốc tham gia, càng đừng nói tới việc chủ đạo đứng đầu TPP. Lý do rất đơn giản: một Trung Quốc không tôn trọng quy tắc trò chơi, không tuân thủ uy tín trong các mối quan hệ đa phương, các tổ chức quốc thế, không thể nào đáp ứng được những tiêu chuẩn thương mại tự do để gia nhập TPP, đặc biệt là không thể đáp ứng được những điều khoản về bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo hộ bản quyền.
Một trong những điều kiện tiên quyết của tự do thương mại là tự do thông tin. Một quốc gia tự mình xây tường lửa phong toả thông tin như Trung Quốc làm sao có thể để đáp ứng mong chờ của các quốc gia khác mở cửa thực thi tự do thông tin? Trung Quốc phong toả mạng internet, tách biệt với thế giới bên ngoài bằng mạng cục bộ của bản thân với tên gọi “Trung Quốc Võng”. Trung Quốc tiến hành phong toả, triệt hạ những VPN, nâng cấp hệ thống Vạn lý tường lửa và các biện pháp phản văn minh khác, là ví dụ điển hình cho chủ nghĩa cô lập cực đoan. Ngày 1/06/2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân danh quyền lợi dân người dân Hoa Kỳ đã thông báo quyết định rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Vậy nhưng Trung Quốc cũng không trở thành nước lãnh đạo của Hiệp định khí hậu này, Bắc Kinh cũng không có ý định thay thế Hoa Kỳ bổ sung đóng góp mức kinh phí thiếu hụt sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định.
Không thể phủ nhận, Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ hai thế giới, có được sức mạnh kinh tế đáng nể, với chính quyền chuyên chế Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể thu được món lợi khổng lồ từ 1.3 tỉ người dân Trung Quốc. Đồ vật nhiều nhất mà chính phủ Trung Quốc có trong tay đó là tiền, chính phủ Trung Quốc thông qua việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, khởi động kế hoạch “Một vành đai một con đường”, gây ảnh hưởng và chi phối về kinh tế đối với một số quốc gia đang phát triển, nhưng sự chi phối về kinh tế này không thể kháng cự lại xu hướng địa chính trị của khu vực, cũng không cách nào đạt tới mức độ hợp tác toàn cầu. Kế hoạch “Một vành đai một con đường” vừa là chiến lược quốc tế nhằm chinh phục thế giới, cũng là xuất phát từ nhu cầu chính trị trong cuộc chiến tranh giành quyền lực nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó có hai mục tiêu: thứ nhất, dùng danh nghĩa iện trợ và phát triển kinh tế, thao túng các quốc gia nằm trong vành đai kinh tế này, thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, xây dựng mạng lưới kinh tế toàn cầu với trung tâm là Bắc Kinh; thứ hai, chuyển dịch năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa bên trong nội địa Trung Quốc sang các quốc gia kém phát triển, từ đó chuyển dịch những nguy cơ và khủng hoảng suy thoái của kinh tế Trung Quốc.
Vậy nhưng, “Một vành đai một con đường” không những bị các quốc gia phương Tây ghẻ lạnh, mà ngay cả những quốc gia vốn có tiếng thân Trung Quốc cũng bày tỏ sự hoài nghi. Các dự án thuỷ điện, đập chứa nước ở ba quốc gia gần gũi với Trung Quốc nhất là Pakistan, Nepal và Miến Điện đều gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương và dừng lại. Nguyên nhân bên trong, hoặc là giá thầu của phía Trung Quốc đưa ra quá cao (thường đưa ra yêu cầu hưởng 90% lợi nhuận dự án), hoặc là điều kiện vay vốn của phía Trung Quốc quá hà khắc, hoặc là dự án đưa tới những ảnh hưởng to lớn đến môi trường tự nhiên trong khu vực.
Nếu so sánh kế hoạch “Một vành đai một con đường” với “Kế hoạch Marshall” nổi tiếng của Hoa Kỳ viện trợ cho các quốc gia Châu Âu phục hồi kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng kế hoạch viện trợ của Hoa Kỳ đã đưa tới những lợi ích thực tế đối với các quốc gia nhận viện trợ. Trong những năm từ 1948 cho tới 1952, châu Âu phát triển nhanh chưa từng thấy. Sản lượng kỹ nghệ tăng 35%. Sản xuất nông nghiệp vượt đáng kể so với mức trước chiến tranh. Tình trạng nghèo đói cùng cực ngay sau khi chiến tranh biến mất. châu Âu bước vào một thời kỳ tăng trưởng chưa từng có kéo dài đến hai thập kỷ, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Trong khi đó kế hoạch của phía Trung Quốc đưa ra thì người nhận được lợi ích lớn nhất chính là các tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc, đặt biệt là lợi ích của tầng lớp tinh anh tư bản thân hữu. Ngoài ra, “Một vành đai một con đường” còn là một kênh chuyển tiền có được do tham nhũng ra nước ngoài một cách hợp pháp đối với giới tư bản thân hữu ở Trung Quốc.
Nói tới vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ, đó là vị thế tự nhiên được hình thành sau hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh lạnh. Bản thân là người chiến thắng sau ba cuộc chiến, ngoài sức mạnh cứng không thể tranh cãi của Hoa Kỳ, quan trọng hơn là cả thế giới thấy được sự hấp dẫn số 1 thế giới về sức mạnh mềm của Hoa Kỳ: các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp trị. Hoa Kỳ đảm nhiệm sứ mệnh cảnh sát quốc tế, duy trì và bảo vệ hoà bình thế giới, qua đó trở thành người lãnh đạo thế giới.
Sức mạnh mềm của Hoa Kỳ, vừa vặn chính là những thứ mà Trung Quốc hiện nay đang rất thiếu. Chưa nói tới những thiếu sót ở phương diện văn minh chính trị của Trung Quốc như dân chủ, nhân quyền, chỉ cần trong lĩnh vực văn minh kinh tế thì Trung Quốc cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Có thể kể ra đây:
- Không tôn trọng quy tắc thương mại, phá hoại trật tự kinh tế thế giới;
- Ăn cắp sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn;
- Hối lộ tham nhũng, dùng hình thức kinh tế tư bản nhóm lợi ích ngăn cản kinh tế thị trường; tất cả đều là những hành vi vô đạo đức.
Những hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc không những làm cho các quốc gia láng giềng lo ngại và đề phòng, thậm chí là các quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc cũng đều phản cảm và bài xích.
Đài Loan, một hòn đảo hơn 36 nghìn Km2 nằm cách bờ biển Phúc Kiến của Trung Quốc 180 km, từ trước đến nay luôn được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc xem là một bộ phận lãnh thổ, nhưng tuyệt đại đa số người dân Đài Loan đều không tự coi họ là một phần của Trung Quốc. Đài Loan dân chủ đối ngược về quan niệm giá trị với Trung Quốc độc tài; về kinh tế, tuy đang bị động dung nhập với kinh tế của Trung Quốc, nhưng về chính trị thì không muốn nhìn nhận vị thế lãnh đạo của Trung Quốc.
Hong Kong đã từng là thuộc địa của Anh Quốc, kể từ sau khi quay trở lại Trung Quốc năm 1997 đã trở thành một bộ phận của Trung Quốc, nhưng giới trẻ Hồng Kông hiện nay ngày càng mất kiên nhẫn và có ý thức chính trị hơn, đã công khai chỉ trích nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đã hứa trao quyền tự trị cho đặc khu hành chính này đến tận năm 2047, từ chối ảnh hưởng mà Bắc Kinh áp đặt lên đặc khu hành chính này.
Tân Cương là một khu vực địa chiến lược giáp ranh với Trung Á và là nơi đặt đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan giúp cho Bắc Kinh phần nào bớt lệ thuộc vào Trung Đông. Tân Cương cũng nằm trên “Một vành đai một con đường” giúp Trung Quốc xâm nhập thị trường sang Trung Á. Năm 1933, người Uyghur đã giành độc lập tại Tân Cương và thành lập nước Cộng Hòa Đông Thổ (East Turkestan); nhưng đến tháng 10 năm 1949 thì quốc gia này bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm, sát nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và biến thành khu tự trị Tân Cương trên danh nghĩa. Số phận của người Uyghur tại khu tự trị Tân Cương cũng giống như người Tạng sống ở Tibet – tuy cả hai có diện tích chiếm một phần ba Trung Quốc – nhưng đang bị tiêu diệt dần dần bởi chính sách Hán hóa của Bắc Kinh và hiện trở thành một sắc dân thu hẹp dần trong hai khu tự trị này. Cả hai khu vực này hiện tại đang trong tình trạng bán thiết quân luật và cuộc phản kháng đẫm máu của người dân nơi đây với chính quyền Kinh vẫn đang tiếp tục.
Nói cách khác, sức ảnh hưởng của Trung Quốc không đi ra khỏi biên giới nước này, thậm chí không với tới Hong Kong, miễn cưỡng bao phủ Tibet và Tân Cương. Cái gọi là sức ảnh hưởng Trung Quốc chỉ là hành động người si nói mộng, một khi ra nước ngoài, giống như tuyết tan dưới ánh mặt trời. Thực tế, không chỉ là Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Tibet không thừa nhận mà ngay cả rất nhiều người Trung Quốc cũng không tán đồng với chế độ chính trị và phương thức xã hội của chính nước này. Tháng 3 năm nay, Tập Cận Bình sửa đổi Hiến pháp 1982, huỷ bỏ quy định về nhiệm kỳ chủ tịch nước, dẫn tới phản ứng kịch liệt của dư luận Trung Quốc. Sau 40 năm tiến hành cải cách mở cửa, Tập Cận Bình lại quay đầu xe đi ngược với xu hướng phát triển của quốc gia và thế giới, ý đồ đưa Trung Quốc quay lại thời đại Mao Trạch Đông, điều này không thể thuyết phục được chính người dân Trung Quốc.
Ngoại giao là cánh tay nối dài của nội chính. Vì thế một chính quyền không giảng đạo lý với người dân trong nước, không thể nào nói chuyện đạo lý phải quấy tử tế, không thể nào tuân thủ luật chơi với các quốc gia khác; một chính quyền ra sức bức hại ngay cả với chính những công dân cùng dân tộc cùng dòng máu với chính mình thì không thể nào đối đãi tử tế với người dân các quốc gia khác.
Từ đầu thập niên 1980 Trung Quốc bắt đầu mở cửa đất nước và một lần nữa vươn lên, trải qua 40 năm dưới sự giúp đỡ của các quốc gia phương Tây, ngày nay Trung Quốc đã trở thành thế lực thương mại lớn trên thế giới. Nhưng xuất phát là quốc gia toàn trị độc đảng, chính phủ Trung Quốc đã bóp nghẹt sức sáng tạo của người dân, kỹ thuật, kỹ nghệ của Trung Quốc phần lớn đến từ việc copy và gián điệp ăn cắp kỹ thuật của các quốc gia phương Tây, Nhật Bản. Một số kỹ thuật công nghệ khác đến từ Trung Quốc thu mua, hợp nhất các doanh nghiệp phương Tây có kỹ thuật nền tảng, nhờ đó cải tiến, gia công. Chính quyền Trung Quốc tự vỗ ngực xưng là đã có bước “đại nhảy vọt về công nghệ”, sự thực thì hoàn toàn ngược lại, bởi vì tất cả những công nghệ kỹ thuật cao gần như đều đến từ các quốc gia Châu Âu và Nhật Bản. Châm biếm nhất, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra sức tuyên truyền bài trừ tư tưởng, văn hoá phương Tây ở trong nước, thì ở trong chính Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn đem tư tưởng Marx làm kim chỉ nam lãnh đạo tư tưởng cho toàn bộ người dân Trung Quốc. Một người phương Tây lại được đem làm lão tổ tông của dân tộc Trung Hoa có lịch sử 5000 năm ư?
Sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế đã tới mức độ “gió Đông thổi bạt gió Tây”? cho đến hiện tại thì lối nói huyênh hoang này không cách nào trở thành sự thực. Trung Quốc muốn trở thành một quốc gia có sức lãnh đạo toàn cầu, trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự, cần vượt qua ba trở ngại sau: thứ nhất là tạo dựng hình tượng đạo đức quốc tế, tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, nhân quyền mà không phải là tìm mọi cách ngăn trở tiến trình dân chủ hoá Trung Quốc; thứ hai, là tuân thủ pháp trị và các quy tắc luật pháp quốc tế, thực thi thương mại công bằng với các quốc gia khác; thứ ba, từng bước trở thành người bảo vệ và thúc đẩy hoà bình thế giới mà không phải trở thành kẻ lưu manh quốc tế, đem lại bất an sợ hãi cho toàn thế giới. Trong tương lai, chỉ có một Trung Quốc dân chủ hoá, hợp sức bắt tay cùng hai nền dân chủ lớn nhất Châu Á là Ấn Độ và Nhật Bản, cùng chung sức kiến tạo thì mới có thể làm cho thế giới thật sự cảm nhận được sức ảnh hưởng từ phương Đông.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: 中国影响力上升,东风压倒西风?陈破空 | RFA, 2018-05-07.