Đôi điều suy nghĩ về “Hồi ức và Suy nghĩ”

Người Sài Gòn

Đọc qua cuốn hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” mới thấy sự nhu nhược của chính quyền trong nước trước Trung Quốc là một sự dễ hiểu.

DCVOnline | Tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của ông Trần Quang Cơ (1920-2015) lưu chuyển trong nước từ đầu năm 2003. Tác giả nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, thành viên Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hội nghị Paris (68–73) về Việt Nam (1).

Đã có nhiều bài nhận định và phê bình chung quanh Hồi ức và Suy nghĩ từ khi Tập hồi ký lưu hành trên mạng Internet(2). Đa số người viết sống cùng hay gần thế hệ với tác giả Trần Quang Cơ. Hôm nay, DCVOnline xin giới thiệu đến bạn đọc vài cảm nhận của người trẻ, những người chưa hề sống qua cuộc chiến Việt Nam. DCVOnline xin cảm ơn Tạp chí Truyền thông đã đồng ý cho đăng lại hai bài Đôi điều suy nghĩ về “Hồi ức và Suy nghĩ” và Nhân Đọc Quyển “Hồi Ức Và Suy Nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao của CHXHCN Việt Nam.

 

Người Sài Gòn

Ba mươi năm rồi cũng qua đi, qua rồi cái thời người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm và qua rồi cái cảnh con heo chỉ ăn lục bình và rau muống để chờ ngày hóa kiếp. Đất nước cũng đã thay đổi với ngần thời gian ấy, nhưng những vết hằn trong tâm trí người dân khó mà đổi thay, những bàng hoàng của những năm đầu sống trong xã hội mới chưa nguôi ngoai thì những lần đổi tiền trong nửa đầu thập niên 80 như những vết cắt làm điêu đứng bao con người Việt… Những vết hằn kia khó mà phôi phai, những vết cắt kia khó mà liền da bởi những bất công vẫn xảy ra hàng ngày ở mọi nơi, bởi những định kiến mà chính quyền hiện tại dành cho những gì có liên quan đến chế độ cũ, bởi những khối đen vô hình luôn đè lên đời sống xã hội và đời sống chính trị của người dân.

Chiến trường K. Nguồn Getty Images/Gamma-Rapho Jean-Claude LABBE

Trong vô vàn nỗi đau 30 năm không thể không kể đến nỗi đau của những bà mẹ mất con, nỗi đau của những người vợ mất chồng, của con mất bố, của những chàng trai bỏ lại một phần thân thể và quãng đời tuổi trẻ ở chiến trường K (Kampuchia). Cho đến ngày hôm nay nhiều người không hiểu ngoài lí do “Nghĩa vụ quốc tế cao cả” mà chính quyền đưa ra thì còn lí do nào khác đã đẩy con em họ vào cuộc chiến đó? Một cuộc chiến được cho là “Nghĩa vụ quốc tế cao cả” mà sao có nhiều thanh niên thời đó “trốn nghĩa vụ” đến như vậy?

Không một ai được giải thích thấu đáo về lí do của cuộc chiến nhưng hậu quả của nó thì mọi người đều thấy rõ! Những thương phế binh một chân tuổi bốn mươi tìm không khó ở đất nước này nhất là ở miền Đông và Tây Nam bộ; Một xã có đến hàng trăm thương binh, nhiều gia đình có 3 con là liệt sĩ… Thế có ai đã hỏi về những hậu quả của Cuộc chiến Biên giới Tây Nam ngoài hậu quả trên, xin thưa đó là tâm trạng hoang mang của giới trẻ vào những đợt khám nghĩa vụ quân sự và hơn tất cả là đất nước bị quốc tế cô lập ròng rã hơn mười năm trường.

Tôi cũng như bao người khác đã không tin đó là sự thật; tin rằng cuộc chiến trên là nghĩa vụ cao cả; tin rằng giai đoạn khó khăn đó là thời kỳ quá độ để đất nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội mà sách giáo khoa về môn lịch sử bậc trung học luôn nhắc đến; tin rằng “người Mỹ” không bang giao với Việt Nam là do họ “bại trận” trong Cuộc chiến Việt Nam. Nhưng qua cuốn hồi ký của Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, tôi phần nào hình dung ra được nguyên nhân của những sự việc trên…

Than ôi! Trong Cuộc chiến Biên giới Tây Nam phía sau của cái gọi là “Nghĩa vụ Quốc tế cao cả” là một sự thật quá phũ phàng xương máu người Việt chỉ là công cụ để bành trướng Chủ nghĩa Cộng Sản theo ý chủ quan của người Cộng Sản. Hay xương máu người Việt đổ xuống trong cuộc nội chiến Nam Bắc vẫn chưa bảo đảm sự an toàn cho vị thế của Đảng Cộng Sản trên đất nước này nên họ cần phải xây dựng tiếp những thành trì bảo vệ… Vì thế chiến trường K là nơi để Đảng Cộng Sản nướng bao sinh linh người Việt, tại sao vấn đề ý thức hệ lại được đặt cao hơn cuộc sống cơ cực của dân tình, không lẽ đất nước được thu về một mối vẫn chưa là mục đích sau cùng của cuộc nội chiến Nam Bắc mà Đảng Cộng Sản cho là “Cuộc chiến đánh đuổi Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngụy quyền”, là “Công cuộc Giải phóng Dân tộc”. Và Chiến trường K cũng là nơi Đảng Cộng Sản nhấn chìm tương lai đất nước Việt Nam tiếp theo những việc làm sai lầm đối với người Việt, sao không chấp nhận cuộc bầu cử đa đảng ở Kampuchia để đất nước có được nhiều mối bang giao rộng rãi hơn, âu điều đó có lợi cho dân tộc Việt Nam hơn cả.

Suốt hơn hai mươi năm trường đời sống người dân thiếu thốn mọi bề, cứ nghĩ rằng đất nước bị nước Mỹ cô lập nhưng nay mới thấy đất nước rơi vào tình trạng bị quốc tế cô lập là do chính sách ngoại của Đảng và Nhà nước. Chính sách ngoại giao không lấy lợi ích của dân tộc làm trung tâm và càng thất vọng hơn khi thấy trong quá khứ và cho đến hiện tại Chính quyền đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội bang giao với những quốc gia Phương Tây chỉ vì chính sách ngoại giao không khôn khéo; Chẳng hạn như trong vấn đề bang giao với Hoa Kỳ cơ hội đã đến từ nửa cuối thập niên 70, nếu ngay từ thời điểm đó chính quyền giữ đường lối ngoại giao trung lập, quyết tâm xây dựng đất nước thì…

Đó là những ưu tư trăn trở cho quá khứ, cho những hậu quả gây ra từ những sai lầm của Đảng Cộng Sản mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu, chúng làm cho tim ta đau nhói mỗi thấy một đoàn người ở vùng quê miền Bắc vào lập nghiệp ở Đồng Tháp Mười, nơi mà cuộc sống cũng khác gì cuộc sống của họ nơi cố hương, khác chăng là họ không còn lo vỡ đê sông Hồng mà thay vào đó họ phải chống chọi với những cơn lũ của sông Cửu Long mà hơn mười năm nay lũ miền Tây Nam bộ trở nên hung hăng và đầy phẫn nộ… Do Trung Quốc xây quá nhiều đập nước ở thượng nguồn sông Mê-Kông.

Không chỉ có sông Mê-Kông, biên giới phía bắc và cả vấn đề Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nhưng người dân sẽ bàng hoàng hơn khi biết được sự nhân nhượng một cách nhu nhược và khó hiểu của Chính quyền Việt Nam. Người dân nào biết được Hiệp định Biên giới Việt-Trung đã cướp đi Thác Bản Dốc và Ải Nam Quan đã gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ đã khoét sâu vào hải phận của Việt Nam. Và sẽ thật tê tái lòng khi người dân biết được ngư dân Thanh Hóa, qua báo chí được kêu gọi giúp đỡ, bị lính tuần duyên Trung Quốc sát hại bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc gán cho cái tội cướp biển. Chính quyền Việt Nam đâu rồi?

Đọc qua cuốn hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” mới thấy sự nhu nhược của chính quyền trong nước trước Trung Quốc là một sự dễ hiểu; trong quá khứ họ đã “cúi đầu” nhận Đảng Cộng Sản Trung Quốc làm “người thầy” hướng dẫn họ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trên đất nước này, hướng dẫn họ “cải tạo” người dân… Cho nên ngày nay, vì Chủ nghĩa Xã hội vì lý tưởng Cộng Sản mà họ phải im lặng khi người dân bị ngoại bang sát hại. Im lặng trước tội ác cũng chính là thỏa hiệp với nó; người dân đất nước tôi phải sống với chế độ độc tài Cộng Sản cho đến bao giờ đây? Ngày nào còn sống với nó dân tộc tôi còn phải chịu hai gộng kềm: một là đảng Cộng Sản Việt Nam, hai là đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Sài Gòn, tháng 4, 2005

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Tạp chí Truyền Thông Communications, Số Mùa Đông 2004 & Mùa Xuân 2005.

DCVOnline: 

(1) Hồi ức và suy nghĩ của cán bộ xã hội chủ nghĩa, Trần Giao Thủy, Tạp chí Truyền Thông Communications, Số Mùa Đông 2004 & Mùa Xuân 2005.

(2) – Thời sự đầu năm 2004 và Giáp Thân: Con đường thoát hiểm là phóng nhanh ra phía trước để hội nhập hoàn toàn với thế giới dân chủ và văn minh, Bùi Tín.
– Những Dấu Hiệu Thay Đổi Chính Sách Ngoại Giao Của Hà Nội, Âu Dương Thệ.
– Góp ý lãnh đạo đảng và nhà nước, Trần Gang Thép.
– Đi Tìm Đồng Minh, Nguyễn Trọng Tuyến.
– Việt Nam trước thế chiến lược của các siêu cường, Nguyễn Đình Toàn.
– Góp ý với ông Âu Dương Thệ về bài ‘Những dấu hiệu thay đổi chính sách ngoại giao của Hà nội, Bùi Tín.
– Người ngủ trên mây, Ngô Nhân Dụng.
– Cuộc Quật Khởi Của Toàn Dân Việt hay là Toàn dân Việt chuẩn bị cho công cuộc phạt Bắc bình Nam, Lê văn Xương.
– Liên–hệ Quốc–tế và Vấn–đề Dân–chủ–hoá Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bích.
– Tù Binh Và Chính Trị: Hà Nội Thật Sự Am Hiểu Đến Mức Độ Nào?, Bill Bell và George J. Veith, Chuyển Dịch: Nguyễn Phúc.