Mau hơn nữa. Xa hơn nữa. Mạnh hơn nữa. Đâu là biên giới? (P1)
Nguyễn Văn Lục
Nhớ lại hồi còn thiếu niên, chúng tôi ở trong nội trú với hơn 100 đứa trẻ mà chỉ có ba bàn bóng bàn. Giờ nghỉ ai chơi, ai không chơi? Chúng tôi tự đặt ra hai luật: kẻ chạy ra rờ tay vào bàn trước thì được chơi trước. Kẻ nào đánh thắng thì tiếp tục chơi tiếp.
Kính tặng hương hồn anh Phạm Hữu Trác, một người mê bóng đá và thể thao
Sự cạnh tranh trong thể thao đã lấp ló đâu đây. Muốn thắng để được chơi tiếp thì nên chịu khó gò, cù cưa để rồi thắng. Sau này kỹ thuật này không ngờ được áp dụng. Đó là trường hợp tay bóng bàn quốc tế Mai Văn Hòa đã áp dụng chiến thuật này.
Nhưng vui hơn cả là trong những ngày nghỉ lễ lớn, nghỉ cả ngày, chúng tôi có thể ra sân đá banh chơi thả cửa suốt ngày mà không thấy mệt.
Đó là những kỷ niệm về niềm vui của tuổi trẻ trong những năm chiến tranh 1946-1954. Và tôi có thể tự hào, dù đời sống rất thiếu thốn lúc bấy giờ, ăn không đủ no, không có bất cứ một thú vui giải trí gì như xem chớp bóng, đọc sách, v.v.. Thú vui duy nhất vẫn là chơi thể thao như đá banh. Và đó vẫn là giờ phút khó quên.
Sự bền bỉ và tránh được nhiều bệnh tật như tôi ở tuổi già, tôi thầm nghĩ và tạ ơn Trời là nhờ chơi thể thao. Trừ thời gian ngắn ở Việt Nam không lao động tay chân. Sang xứ người, tôi “chơi thể thao” bằng cách chỉ làm những công việc tay chân nặng nhọc, hùng hục suốt ngày, xét cho cùng lại có ích cho tôi về lâu về dài. Chẳng lẽ, tôi lại làm công việc ca tụng thân xác? Nhưng thành thực mà nói, cuộc sống hiện hữu, hiện tại đích thực đến 90% là do nhu cầu thân xác cả.
Ai nói khác là không tưởng, Ai coi thường thân xác như “ăn chay”, đánh tội, hãm mình, ép xác, theo tôi là không hiểu gì về một con người. Nhưng ngày nay, một đe dọa tiềm năng ngoài vấn đề môi sinh, môi trường còn là sự lợi dụng vô giới hạn thân xác trong đủ mọi thứ nhu cầu: như chiến tranh, kinh tế và ngay cả những lãnh vực xem ra lành mạnh như lãnh vực thể thao. Bài viết này nhắm tới mối đe dọa tiềm năng của lãnh vực thể thao!
Trở lại thời hồng hoang tuổi trẻ thì rõ ràng thời đó, chơi thể thao là “lành mạnh” chơi để giải trí, để vui sau những giờ học.
Để chơi nên kỹ thuật chỉ là phần phụ. Chơi mà vất vả, hành xác thì chơi làm gì?
Nếu có chút kỹ thuật gì đó là trường hợp ông cha giáo người Gia Nã Đại. Tên ông là Trépanier. Ông vóc người nhỏ thó hơn chúng tôi ngoài bộ râu quai nón còn ở chỗ ông đi giày, chúng tôi đá chân đất. Ông lại có chiếc áo chùng thâm vốn chỉ để xác nhận ông là người tu hành, nhưng nó được việc, có lợi thế khi đá banh. Ông lợi dụng chiếc áo quét đất nên dẫn banh chẳng những bằng hai chân mà còn nhờ chiếc áo nên rất thuận lợi. Ông dẫn từ sân bên này sang sân bên kia, 3,4 đứa chúng tôi đuổi theo, trái banh vẫn lẩn quẩn trong chiếc áo chùng thâm. Khi ông ngừng lại, trái banh núp trong chiếc áo chùng không thấy đâu cả. Tức mà vui!
Nói đến chuyện bổ ích thì học là dùng trí để tăng bồi trí tuệ hiểu biết. Thể thao là dùng thân xác là chính bồi bổ cơ thể. Vì thế, Việt Nam quen gọi một nền giáo dục nhân bản bao gồm Trí, Đức, Dục. Nó thể hiện con người là một toàn diện gồm một thân xác và một trí năng.
Trường học ngày nay, thiết yếu phải đóng vai trò giáo dục con người toàn diện. Nếu chỉ có lớp học, có phòng thí nghiệm mà không có sân chơi là một thiếu sót. Bởi vì thời gian chơi thường là những giây phút năng động và vui thú nhất cho đứa trẻ. Trẻ học được nhiều thứ trong khi chơi như tính lanh lẹn, tính cạnh tranh, trí thông minh, óc tìm tòi khám phá, sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cơ thể.
Dựa vào tiêu chuẩn trên, tôi thấy trẻ con Việt Nam hiện nay bị đẩy vào việc học hơn việc chơi. Một số trẻ em nữ cũng không nằm trong thế giới trẻ thơ vì không chơi thể thao.
Nói chi đến những em gái Hồi Giáo. Thật là tội nghiệp cho chúng quá.
Xét về mặt thế giới thì 10% trẻ em không chơi thể thao. Người ta bỏ hàng tỉ đô la để cải tiến kỹ thuật thể thao! Nhưng có được bao nhiêu tỉ để cho mọi người, trẻ đến già, đều có cơ hội “ Chơi” thể thao thay vì “ Xem” thể thao.
Thể dục thể thao và thế giới ngày nay
Ngày nay nhờ kỹ thuật và khoa học đã đẩy các môn thể dục thể thao để làm thế nào đạt được các kỷ lục. Và người ta tự hỏi, kỹ thuật và khoa học đã đẩy thân xác con người vượt qua những giới hạn mà thân xác có thể thực hiện được?
Tôi vẫn có một thứ “ triết lý củ khoai” là cái gì quá mức, quá độ thì tốt trở thành xấu. Phải chăng đó là thứ triết lý Trung Dung, đứng giữa, vừa phải?
1. Về tốc độ
Thế nào là tốc độ có khả thể chấp nhận được? Năm 1936, Jesse Owens, gốc Mỹ chạy 100 thước với 10.2 giây. Gần nửa thế kỷ sau, Usain Bolt, người Jamaica, phá kỷ lục thế giới hai lần vào các năm 2008, 2009 với 9,69 rồi 9,58 giây.
Và Bolt được coi như người chạy nhanh nhất thế giới vượt qua mặt những người từng đạt kỷ lục chạy nhanh nhất thế giới như Jesse Owens! Nhưng rồi ai sẽ là người thế chỗ của Bolt? Và thế chỗ để làm gì mới được? Hàng tỉ tỉ người không chạy được như Bolt thì có sao? Những chữ nhanh hơn, mạnh hơn, xa hơn xét toàn diện đời sống một con người thì nó chỉ là một điều vô nghĩa!
2. Về mặt giáo dục, “dạy con nên người” chứ không ai dạy con mạnh hơn, xa hơn!
Một vài giây không là gì, một vài centimet cao hơn chẵng nghĩa lý gì trong đời thường. Nhưng lại có giá trị quyết định cho tương lai một lực sĩ điền kinh. Giữa vài giây đồng hồ ấy có ngĩa lý gì? Tôi hoàn toàn không chấp nhận điều ấy. Bởi vì tôi nghĩ đến số phận hàng ngàn, hàng vạn, hàng tỉ những người kém may mắn không đạt được thành tích, ôm mối hận cả đời! Cứ nghĩ đến những kẻ thắng cuộc thì lương tâm tôi nghĩ về những kẻ thua cuộc.
Thế giới này đâu chỉ là chỗ cho những người đứng đầu thế giới? Họ chả là gì đối với tôi cả.
Để đạt được thành tích vài giây ấy. Rất nhiều kỹ thuật cần tuân thủ như thể lực, cách ăn ăn uống, thuốc men trợ lực, thời gian tập luyện, quần áo mặc, các máy móc đo đạt đánh giá các thành tích về thể lực và về tinh thần. Cạnh đó, thay đổi các đôi giầy cho nhẹ bằng ni lông hay chất dẻo khác cho đến cái mũi giầy. Tính toán lại cái điểm khởi hành (Piste de départ) với trụ mốc tạo ra lực đẩy, lợi thêm được vài giây. Đường băng chạy bằng chất dẻo nhân tạo có tính co giãn. thay vì đường băng bằng than rải đường trơn trượt. Máy đo trước đây chỉ có thể đo được 1/5 của giây nay có thể đo được 1/100 giây. Sự chính xác đến chỗ tuyệt đối.
Trong ngành bơi lội, người ta tính toán từ cái mũ đội đầu, đôi kính đen, bộ quần áo không thấm nước, các đường ranh bơi lội để tránh bị tạt nước của đối thủ. Chưa kể nào bác sĩ chuyên ngành, các chuyên viên về quang tuyến X, các chuyên viên xoa bóp bắp thịt, các huấn luyện viên thường là những người có kinh nghiệm thi đấu.
Các kết quả trước trở thành tiêu chuẩn cho các vận động viên sau này phải vượt qua. Chính cái sự cạnh tranh thi đua đã đẩy xa các thành tích cũ và nguyên tắc căn bản là: Làm thế nào để các lực sĩ khi thi đấu đạt được một sức khỏe toàn diện, hoàn hảo.
Nếu cần có tất cả những kỹ thuật khoa học tinh vi ấy thì tôi chỉ cần ngồi trên một cái xe máy chạy điện, rất đơn giản cũng vượt xa Bolt! Tôi thích xem các chương trình về thú vật hoang dã. Có loài chim ở Phi Châu rời bỏ xa mạc hoang vu vì thiếu thức ăn, với thân chim nặng vài trăm gram, nó đã bay xa cả 5000 cây số để tìm nơi trú ẩn. Con người nào đã hơn một con chim nhỏ?
Sự tai hại vô lường
Tham vọng của con người đôi khi là vô hạn ở bất cứ lãnh vực nào. Nhưng tiềm năng của thân xác con người thì có giới hạn.
Vì thế, những mặt tiêu cực thì không thiếu. Cái ám ảnh “hơn người”, phải nhanh hơn, phải mạnh hơn đã đưa đến hậu quả tai hại. Nó làm biến chất căn tính cơ thể con người.
Ben Johnson trong Thế vận hội, 1988 tại Hán Thành đã dùng chất kích thích tố đồng hóa (Anabolic steroid) mà lực sĩ bị cấm sử dụng và khi bị khám phá đã mất chức vô địch. Tay đua xe đạp Lance Armstrong, người Hoa Kỳ cũng vậy. Các lực sĩ Nga trong Thế vận mùa đông năm 2018 cũng không tránh khỏi.
Chất là chất kích thích tố androgen gồm các chất kích thích tố tự nhiên như testosterone cũng như các androgen tổng hợp có cấu trúc liên quan và có tác dụng tương tự với testosterone vốn có ít hơn ở người phụ nữ nên tạo cho phụ nữ dùng có một lợi thế rõ rệt hơn đàn ông về mặt nét đẹp.
Về mặt thẩm mỹ, tôi không thể thích một người phụ nữ có bắp thịt tay gồ ghề, bụng có múi, có râu mép.
Đã thế, sự luyện tập phải bền bỉ. Một động tác có thể phải tập đi tập lại đến ngàn lần đến nhuần nhuyễn, đến như một cái máy. Phải hy sinh tất cả cho tập luyện. Thời giờ, thú vui giải trí cá nhân, bạn bè, hôn nhân và gia đình. Luyện tập và luyện tập. Hình ảnh các trẻ em gái bên Tàu, được chọn lọc và bắt đầu tập luyện ngay từ lúc 4 tuổi. Nhiều em vừa tập vừa khóc ròng. Chưa kể những thương tật do tập luyện. Các trẻ gái tập vũ điệu Ba Lê, tập nhón chân trên đầu ngón chân. Cả sức nặng cơ thể đè trên hai ngón chân mà sau này sẽ trở thành thương tật! Cháu gái tôi năm nay 13 tuổi đã tập vũ điệu này từ 7 năm mà vẫn múa may chưa đâu vào đâu. Và đấy chỉ là tập chơi chứ không có tính cách chuyên nghiệp!
Và tuổi tthi đua của một lực sĩ thường ngắn hạn! Có lực sĩ nào đã vượt quá tuổi 40 mà vẫn thi đua được? Nhiều khi đạt được thành tích xong thì tuyên bố về hưu!
Và ngày nay, tiềm năng của thân xác có thể đã đạt đến mức bão hòa. Con người nghĩ đến phải xử dụng tối đa khả năng tinh thần của con người như ý chí. Rõ rệt nhất là các tay thể thao chơi quần vợt. Cứ nhìn xem các lực sĩ chơi quần vợt để đánh giá được ai thua, ai thắng không khó. Cái thua được một phần do thiếu ý chí. Không có tinh thần quyết thắng thì đánh ra ngoài hay vào lưới.
Vậy thì cần có máy móc đặt vào vỏ não (Cortex) để đo lường các phản ứng và kích thích ý chí. Thân xác và tinh thần phải là một tập hợp toàn diện cái nọ bổ túc cho cái kia. Và những thành tựu của các cuộc đua thể thao trong tương lai lệ thuộc vào ý chí và tinh thần quyết thắng của vận động viên!
Như lời tuyên bố của Bruce Gemmell, huấn luyện viên của Katie Ledecky và Andrew Gemmell. như để kết thúc bài viết này
“Chúng tôi không nghĩ rằng, chúng ta đã không khai thác thật sự đủ các tiềm năng của bộ óc. Đó là cái giới hạn sẽ thúc đẩy con người phải bận tâm trong 30 năm sắp tới: nghĩa là làm thế nào huấn luyện cái tinh thân con người như người ta đã huấn luyện cái thể xác.. Chính ở phương diện này sẽ quyết định các năm sắp tới.”
(Xin xem số đặc biệt về thể thao trong National Geographic, số tháng bảy năm 2018, trang 69. Bài này dùng một số dữ kiện trong số báo này như một gợi hứng cho người viết.)
Gớm thay sự lợi dụng thân xác con người cho những nhu cầu đủ loại!
Thân xác con người cuối cùng chỉ như một đồ dùng cho nhiều trao đổi khác nhau. Thân xã trở thành thân xác được đem cho thuê. Trên thực tế, đã có lính đánh thuê. Có đẻ thuê. Có cửa mình cho thuê. Sự cho thuê ở trên mặc dầu có giới hạn về mọi mặt, nhưng lại trở thành đầu đề cho những bận tâm tranh luận về đạo đức.
Thế còn việc cho thuê biến toàn bộ con người thành một bộ máy Robot thì đã đến lúc có nên đặt lại vấn đề ranh giới giữa đạo đức và con người chưa!
(Còn p2)
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn:Bài của tác giả. DCVOnlune biên tập và minh họa.