Từ lăng Mao đến lăng “Bác”

Nguyễn Văn Lục

Lenin đã chết vào ngày 21/1/1924 ở thành phố Gorky. Hai ngày sau quan tài được chở về Moscow và được để ở điện Kremlin, để trong lồng kính, mặc dầu có sự phản đối của bà goá phụ Lenin.

Nadezhda Kruskaya thời ấy đã lợi dụng việc xây lăng này cho quyền lợi của đảng ông. Rồi đến lượt Stalin chết. Lại ướp xác. Lại để cạnh mộ Lenin. Xác ướp trưng bày chẳng được bao lâu thì đến năm1961, Khrushchev, quyết định dời lồng kính của Stalin mang chôn dọc bức tường điện Kremlin như các nhân vật chính trị khác.

Lăng Mao Trạch Đông. Nguồn: the Beijinger

Đây có thể nói là một cuộc thanh trừng nội bộ, mà đặc biệt là thanh trừng một xác chết.

Đến lượt ông Mao Trạch Đông cũng đã nối gót Staline? Cũng muốn chôn sống mình trong lồng kính để mọi người có dịp chiêm ngưỡng?

Nga vẫn trưng bày xác Lenin. Nguồn: 7ummitmagazine.com

Tất cả quý vị ấy đều qua mặt các xác ướp Ai Cập vì nay là xác ướp với khuôn mặt như thể còn sống?

Đến lượt ông Hồ Chí Minh chỉ còn là bản sao các lăng tẩm trên từ cấu trúc, đến viên đá, những hàng cột, những tấm đá cẩm thạch mầu đen và mầu đỏ, (in red plum marble) đến hình dáng uy nghiêm, đồ sộ, lạnh lùng đến các kỹ thuật ướp xác?

Và cả tòa kiến trúc đó có mình ông lặng lẽ nằm một mình. Khi sống ông ở nhà tranh vách đất và ở với mọi người. Nay ông ở một mình, hỏi ông có buồn không ông?

Cứ giả dụ rằng không có xác ướp Lenin thì cũng không có xác ướp Hồ Chí Minh và cũng không có quảng trường Ba Đình. Và nếu lãnh đạo đảng tôn trọng chúc thư của ông Hồ muốn hỏa thiêu thì cái quần thể kiến trúc đó đã chẳng bao giờ được xây cất?

Khi vào đó, quý vị được khuyến cáo phải im lặng, phải ăn mặc chỉnh tề, phải có thái độ thành kính, cẩn trọng, không được xỏ tay túi quần, không được chụp hình. Xem hình tại chỗ thì được, nhưng tuyệt đối không được chụp hình? Lăng được mở các ngày thứ ba, thứ năm và cuối tuần, từ 8-11 giờ.

Và thường sẽ đóng cửa tháng 10 đến tháng 11 để đưa xác sang Moscow tu bổ và tân trang lại.

Thật ra ai cũng biết chết là hết. Nhưng hết là hết với người chết, kẻ chôn dưới lòng đất, dưới mộ. Nhưng không hết đối với người còn sống. Vì thế, đối với loại người chết như chủ tịch Mao hay ông Hồ, họ vẫn còn đó. 100 năm sau, hơn thế nữa, những năm sau nữa, người chết vẫn là đối tượng cho những niềm thán phục, quý mến hay bình phẩm, khen chê.

Câu chuyện kể trên chính ra được bắt đầu như thế này. Đài BBC Luân Đôn có đăng tải một lá thư trên tờ Khai Phong ở Hồng Kông kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc đem thi hài của ông Mao ra khỏi lăng của ông ta ra khỏi Bắc Kinh. Lá thư rất là nghiêm chỉnh. Bởi vì được ký bởi một số nhà văn, người cầm bút và phê bình báo chí, trong đó có những người hiện đang sống tại Trung Hoa đỏ. Họ đề nghị đưa xác ông Mao về chôn tại quê ông ở tỉnh Hồ Nam.

Lý do họ đưa ra là đưa ông Mao ra khỏi lăng là bước đầu hòa hợp, hòa giải dân tộc và cải tổ chính trị.

Đài BBC đã phỏng vấn một trong những tác giả ký trong lá thư là ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), tốt nghiệp tiến sĩ triết, giảng viên Đại học Fudan, Shanghai, Trung Quốc. Theo ông Đức thì việc để thi hài Mao tại quảng trường Thiên An Môn là một trở ngại cho Trung Quốc hoà nhập vào cộng đồng Quốc tế vì Mao đã phạm nhiều lỗi lầm:

  • Thứ nhất, chiến dịch thanh trừng năm 1957, có 530.000 người Trung Quốc đã bị đàn áp, thanh trừng, bị đưa vào trại lao động.
  • Thứ hai, trong cuộc đại nhảy vọt năm 1958, khi người nông dân bị đưa vào hợp tác xã thì có đến 30 triệu người Trung Hoa bị chết đói.
  • Thứ ba, tệ hơn nữa, cuộc cách mạng văn hóa đã trở thành một bi kịch lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Cuối cùng, đài BBC đã hỏi một câu so sánh: ông nghĩ gì về những lăng tương tự, chẳng hạn lăng ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam?

Tôi phản đối mọi hình thức xử dụng thi hài người đã mất để làm thành biểu tượng tôn thờ. Hình thức sùng bái này diễn ra hầu như riêng ở các nước cộng sản như Nga (Liên xô cũ), Việt Nam và Bắc Hàn. Tôi chống lại việc biến thi hài người chết thành biểu tượng sùng bái như vậy, dù ở Việt Nam hay tại đâu đi nữa.

Sau khi loan tin này thì đài nhận được 6 lá thư, hầu hết là giới trẻ Việt Nam hiện sống trong nước hay ngoài nước đồng ý di chuyển xác ướp ông Hồ Chí Minh về quê ông ở Nghệ An. Lý do họ đưa ra thì nhiều, tựu chung là:

  • Cả ông Mao lẫn ông Hồ đều không để di chúc phải xây lăng và để xác ướp như vậy.
  • Tốn kém quá trong khi người dân nghèo khổ đến cùng cực. Ông Hồ nằm đó hẳn không yên? Tốt hơn hết là nên dùng tiền cho cái lăng này để xây toà nhà Quốc Hội. Hay bất cứ cái gì như cung văn hoá. Bảo tàng viện hay cùng lắm làm nhà tế bần, nhà giữ trẻ hay gì gì đó.
  • Xem lại lịch sử các vị anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Hai Bà Trưng đời đời người dân vẫn ghi công đức của họ mà đâu cần lăng tẩm đồ sộ giữa lòng Thủ đô Hà Nội?
  • Vấn đề chính chính là hòa giải, xóa bỏ sự đố kỵ và hận oán vẫn kéo dài nhiều năm nay.
  • Thực tế, có người như Quốc Bảo ở Alaska thẳng thừng hơn: Đây là thời đại mới, thế kỷ mới. Let the past go. Please.
  • Dư luận chung thì như vậy. Nhất là giới trẻ, họ không muốn cứ giữ một xác người chết ở giữa thủ đô giống như nhà lúc nào cũng có tang, vận nước không phát được (Cao Phúc, TP. Hồ chí Minh).

Đấy là dư luận, phần tôi xin đóng góp thêm bằng những luận cứ, những cái nhìn từ nhiều góc độ để một lần nữa đưa vấn đền này ra trước công luận.

Thật ra, cái ý tưởng dời lăng ông Hồ khỏi Ba Đình không phải mới mẻ gì. Chuyện đã đến lúc phải nói tới và đã có người dám nói rồi. Trước đây, ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã có cái can đảm đưa vấn đề này ra rồi. Đưa ra là một chuyện, chẳng ai dám đáp ứng. Phía chính quyền cũng như phía người dân đều có thái độ theo cái kiểu có miệng thì nắp, sợ cắp thì đậy. Phần ông Trần Khuê, không bị bắt là may rồi.

1. Về nhân vật Hồ chí Minh.

Đây là một nhân vật lịch sử của Việt Nam (VN) thế kỷ thứ 20 mà tầm vóc lịch sử vượt ra khuôn khổ của một nước. Từ bất cứ phía nào, từ góc độ nhìn của người chống hay tôn sùng đều phải nhận với nhau như thế. Hình ảnh ông Hồ đi liền với Cộng Sản Quốc Tế và Cộng Sản Việt Nam cũng như công cuộc chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sự nghiệp chính trị của ông từ năm 1945 đến 1969 dừng lại ở đó. Ấy là chưa kể đến việc năm 1950, ông rước Nga Tầu vào giải quyết chiến trường VN dựa vào sự chi viện quân sự, kinh tế, tài chánh và cả tư tưởng ý thức hệ của họ nữa. Thành tích đã có vết nám. Không có vết nám này thì đất nước đã khác. Những chuyện cải cách ruộng đất với đấu tố, bản án “Nhân Văn Giai Phẩm” với nạn nhân là 30 nhà văn, nhà trí thức bị sỉ nhục chỉ cần một lời xin lỗi đã kể như đủ. Nói đến Nhân Văn Giai Phẩm mà chỉ kể tên 30 nhà văn là nạn nhân của cuộc thanh trừng văn hóa ấy là hiểu hẹp, hiểu cạn. Phần đông thiên hạ đều chỉ chúi mũi thương hại cho 30 người ấy. Không, phải thương cho tất cả dân chúng miền Bắc: Thương vì bị bịt mắt đui mù, thương vì chỉ còn một thứ văn học phải đạo. Rồi thương cho thế hệ trẻ. Chúng không còn cái đầu của chúng nó nữa. Cái đầu biết suy tư, biết phân biệt phải trái, biết phán đoán, biện bạch. Hèn gì mà cái câu nói bất hủ của ông: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn là là ước mơ của nhiều người hay là lời mỉa mai thâm độc nhất cũng của nhiều người.

Những người viết về ông thì nhiều lắm. Gần đây nhất có William J. Duiker, với cuốn Hồ Chí Minh – a life, sách dầy đến 696 trang, rồi Pierre Brocheux với cuốn Hồ Chí Minh, dầy 236 trang. Phía Việt Nam thì có Hồ chí Minh toàn tập, 12 cuốn, do nhà xuất bản chính trị Quốc Gia ở Hà Nội xuất bản. Chưa kể đến nhiều bài báo có giá trị của Lữ Phương với: Huyền thoại Hồ chí Minh. Ông Nguyễn Minh Cần, một người đã bỏ đảng và cư trú chính trị ở Nga với bài: Thêm vài mẩu chuyện về cuộc đời của Hồ chí Minh và ông Bùi Tín với bài: Về nhân vật Hồ chí Minh.

Các bài viết trên đều rất hay, rất có giá trị, rất súc tích, rất tài liệu, rất biện bạch lý giải giúp mọi người nhìn rõ chân diện ông Hồ và còn nhiều cái rất nữa. Nhưng người ta vẫn có thể quên hết. Đọc rồi bỏ. Quên mà không sao.

Nhưng không thể quên được những bài viết của giới trẻ như bài: Vài suy nghĩ về Bác Hồ, ký tên: Sinh viên du học, hay: Hãy cho thế hệ trẻ chúng tôi biết sự thật, ký tên sinh viên du học. Tiếp đến bài: Viết về chủ tịch Hồ chí Minh, của Phương Nam, Australia. Hoặc một bài viết chui ở trong nước đã lâu đời: Tiếng nói chân thật của giới trẻ Việt Nam, số 5, tháng 8, 1999 nhằm tố cáo các vị lãnh đạo tham nhũng. Hay vào tháng 10, có phóng sự truyền hình Viet Nam – Daring to speak out của truyền hình Australian Broadcasting Corporation (ABC) do phóng viên Evan Williams thực hiện với sự lên tiếng của nhà văn Dương Thu Hương, bà Vũ Thúy Hà (vợ ông Phạm Hồng Sơn) và một người bí mật, mặt bị làm nhòa đi. Trong mục Tư duy Thế kỷ, phóng viên Hồng Nga thảo luận về những suy nghĩ của giới trẻ với Nguyễn Bích Hằng, một cựu sinh viên đã qua Úc từ lúc 6 tuổi. Hay chị Ngô Ngọc Anh, 23 tuổi, sinh viên năm cuối của trường đại học ngoại thương Hà Nội và là đoàn viên đoàn thanh niên Cộng Sản. Và nhất là bài: Linh Nghiệm của một nhà văn trẻ, anh Trần Huy Quang, đăng trên tờ Văn Nghệ. Rất tiếc, bài báo đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản tịch thu.

Những bài viết của giới trẻ này nó là chứng chỉ thời đại cho thấy bước rẽ, bước ngoặt không thể khác được. Tầm lý luận, tầm nhận thức ở cái độ cao nhất, khả tín nhất, độ thuyết phục của họ làm ta bàng hoàng, choáng váng vì đã tước bỏ đi tất cả những lớp vỏ bọc ngoài của tuyên truyền, của huyễn hoặc quá độ, của gian dối lừa lọc.

Họ viết với độ trong sáng, độ thành thực ngây ngô mà diễn giải ra ngôn ngữ thông tục là có sao nói vậy. Chính ở đó bàng bạc chân lý, bàng bạc lẽ phải đánh đổ mọi lý luận đanh thép hoành tráng, cấu trúc tư tưởng đồ sộ.

Đã đến lúc, hãy để cho tâm trí được thảnh thơi khỏi những luồng gió chướng của tuyên truyền phách lối về tệ nạn tôn sùng cá nhân biến những người như ông Hồ thành những ông thánh sống. Thời đại này, thế kỷ này là thế kỷ của những người trẻ do khả năng thông tin vô biên của tin học giúp giải mã, phơi bầy sự thật ở mức độ sát nhất, gần nhất của sự thật.

Đọc họ mới hiểu được những ước mơ làm người Việt Nam tự do, có hoà bình, có cơm no áo ấm, có dân chủ bình đẳng được trả bằng máu, nước mắt. Những cơ cực khốn khổ bỗng chốc trở thành cơn ác mộng kéo dài hơn nửa thế kỷ. Hoài bão con người được trang bị bằng những tư tưởng thời đại trong sáng và đẹp đẽ nhất trong sách vở, bỗng dưng trở thành tồi tệ trong thực tại. Câu hỏi bắt đầu và câu hỏi chót hết là con người đã được gì sau những năm tháng đó? Hãy để người trẻ, thế hệ bây giờ lên tiếng và tìm câu trả lời cho chính họ và tương lai của họ. Những tô hồng lỗi nhịp, lạc điệu cuộc sống hay những lời nguyền rủa về những điều đáng lẽ không cần được nói tới đều nên tắt tiếng.

Vì tiếng nói thời đại là tiếng nói của người trẻ, vượt khỏi những lằn ranh đối nghịch ác nghiệt. Chúng ta đã nghe quá nhiều, nhưng lại nghe chưa đủ lời nói chân thật. Chúng ta đã sống quá nhiều, bầm vập đủ thứ, nhưng vẫn chưa tìm ra được lối thoát cho chính mình.

Quá khứ vẫn day dứt, thực tại vẫn quay quắt, tương lai vẫn mù mịt.

Thế hệ Hồ chí Minh đã hết, một thế hệ sống trong lừa phỉnh, dối gạt nếu còn lại chỉ là những thanh niên, thiếu nữ cả đời hoang phí tuổi thanh xuân, nay chỉ còn lại như những tàn dư phế loại.

2. Thực chứng của người trẻ

Có một điều người viết vẫn tự đặt ra cho mình là: Có nên cứ tiếp tục huyễn hoặc về nhân vật Hồ Chí Minh không? Gần đây nhất toàn bộ guồng máy chính quyền , đảng và nhà nước trước dịp tết vẫn vào thăm bác như một thông lệ không có không được. Tờ Sàigòn Giải Phóng vẫn nhạt nhẽo trích đăng lại bài: Ngày xuân, kể chuyện bác Hồ: Bác Hồ thích đi bộ với đôi dép cao su huyền thoại. Trong khi thực tế thì ngay từ thời Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thì Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã không còn có trong mắt của đám Lê Duẩn, Thọ nữa. Như lời ông Lê Xuân Tá viết khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biên Phủ, để vượt trội cả Hồ chí Minh đến Võ nguyên Giáp. Khát vọng đó được Lê Đức Thọ đồng tình. Lập trường chủ chiến có nguồn gốc sâu xa như vậy (Trích Chia tay Ý thức hệ của Hà Sĩ Phu, phần 4).

Vậy mà lúc ông Hồ chết, họ vẫn trơ trẽn xây dựng lăng bác, bất kể lời di chúc, bất kể gây tổn phí cho dân. Ông Võ Nguyên Giáp khi vào thăm miền Nam cũng nhắn nhủ cán bộ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là gì hỏi ra thì từ trên xuống dưới mấy ai đã nắm được?

Vấn đề là nó có đâu mà nắm?

Nắm được đã mấy ai tin tưởng mang ra thực hành. Mà biết để làm gì cơ chứ trong thời đại tin học này. Phải chăng đó là tư tưởng của Mác xít mà chính bản thân các người lãnh đạo vị tất đã đọc, và vị tất đã hiểu. Phải chăng, đó là tư tưởng trong cuốn Những kinh nghiệm tiến nhảy vọt của Trung Quốc ký tên Trần Lực, bí danh của ông Hồ trong đó ca ngợi những sáng tạo nấu thép trong sân nhà nông dân và đuổi chim bằng hò hét. (Trích lại trong: Về nhân vật Hồ Chí Minh của Bùi Tín).

Đối với giới trẻ, qua rất nhiều phát biểu của họ về ông Hồ và chế độ cho thấy họ đã dứt khoát chối từ, quay lưng lại quá khứ. Hãy lắng nghe những tiếng nói trong suốt, những ưu tư của họ phát ra từ đáy lòng họ.

Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi đi học cấp 1, cấp 2 cấp 3, rồi đến đại học, rồi đi làm.. từ bé đến giờ, tôi luôn luôn được tuyên truyền về hình ảnh một con người siêu phàm cả về tài năng và đạo đức mà tôi chưa từng được gặp mặt. Đơn giản bởi vì người đó đã chết trước khi tôi ra đời.

Từ sách vở, ca nhạc cho đến đài báo, rồi sau này cho đến truyền hình đều không ngừng, không nghỉ đưa vào óc tôi những câu chuyện, lời ca và hình ảnh về công việc, cuộc sống, đức tính. Nói chung là đủ mọi thứ của một con nguời. Bác Hồ.

Đêm nay Bác không ngủ
Ngày mai Bác ngủ bù
Anh đội viên gật gù
Ồ sao bác khôn nhỉ?

Bên kia giường cá biệt
Bác đang rất miệt mài
Bộ dạng rất khoan thai
Thì ra… Bác đang dán tiền rách
(Theo ý thơ Minh Huệ, 1951). Nguồn: YouTube

Bài hát đầu tiên tôi thuộc khi tôi mới 3 tuổi, mà tôi không thể nhớ nổi bao nhiêu lần, tôi đã hát Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Khi đi học ở trường cấp 2, tôi đã phải học mất bao đêm học cho bằng thuộc những bài thơ dài dằng dặc về bác Hồ. Không hiểu thế nào mà đến bây giờ tôi chỉ nhớ được bài thơ nhái theo chứ không thể nào nhớ được bài thơ gốc. Đêm nay bác không ngủ, vì có quả đu đủ… chắc chắn các bạn đều thuộc cả. Tôi không còn phải kể ra đây nữa làm gì..

Tôi phải kể ra dài dòng như vậy là để cho các bạn biết là tôi đã qua một quá trình bị tuyên truyền nhồi sọ nặng nề và lâu dài như thế nào? Y thế mà không hiểu tại sao trong suốt hơn 20 năm của cuộc đời tôi chưa từng bao giờ có chút thiện cảm chứ chưa nói đến chuyện tôn Bác Hồ lên làm thần tượng của mình bao giờ.

Một lần, tôi được xem một đám đông có vẻ đang rất đau đớn và thương tiếc vì Bác Hồ đã ra đi đột ngột trong khi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước còn dang dở.

Tôi hỏi mẹ tôi: Lúc đó mẹ ở đấy không. Mẹ có khóc không. Có con ạ. Tại sao mẹ lại khóc, mẹ thương Bác Hồ quá ạ? Không con ạ, mẹ thấy xung quanh ai cũng khóc nên mẹ cũng khóc thôi. Tối hôm trước đám tang, ông tổ trưởng dân phố đến từng nhà phát khăn tang và dặn mọi người phải có mặt đầy đủ và đeo khăn tang trong ngày hôm sau. Nhưng mẹ phải đi chợ bán rau cơ mà? Thì mẹ phải nghỉ chợ một ngày. À ra thế, cái mình nhìn thấy chưa chắc đã hoàn toàn như thế.

Tôi đã dồn hết tâm trí vào rồi mà tôi vẫn không hiểu được tư tưởng Hồ chí Minh là cái quái gì? Tại sao cái tư tưởng của một con người đã có lần tự nhận rằng mình chẳng có tư tưởng gì cả lại có thể linh nghiệm cho một đất nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới?

Không. Như thế đã quá đủ rồi. Hãy để chúng tôi được nghe cái chúng tôi muốn nghe, thấy cái chúng tôi muốn thấy, làm cái chúng tôi muốn làm. Đừng tiếp tục bắt lũ trẻ tội nghiệp chúng tôi ngồi im lặng mà nghe người ta chỉ bảo, phải như thế này, không được như thế kia.

Không, tôi sẽ không bao giờ giống mẹ tôi, bật khóc chỉ vì thấy mọi người xung quanh đều khóc. Không, tôi sẽ không bao giờ gật, chỉ vì mọi người đều gật.

Không, tôi sẽ không giống bố tôi, giả bộ ngoan ngoãn để được yên thân. Tôi sẽ chỉ là tôi thôi.

Không, tôi sẽ không phải là tôi của ngày hôm nay. Tôi sẽ là tôi của ngày mai, bước ra khỏi đám đông, đạp đổ mọi thần tượng giả hình, xây tượng đài mới của chính mình – Tự do và trí thức.

Tôi xin trích dẫn cảm tưởng của một cậu bé 5 tuổi đáng cho chúng ta suy nghĩ hơn hết. Nhiều lúc trẻ 5 tuổi lại có thể l thầy dạy cho tất cả chúng ta? Và đây là cái cảm giác làm tôi cảm thấy xúc động hơn cả những bi bo tranh biện, bác học. Thôi thì xin cùng đọc:

Hồi tôi được 5 tuổi, lớp mẫu giáo của tôi được vào lăng viếng bác. Chúng tôi đứa nọ túm áo đứa kia lần lượt bước qua cái cửa có hai người lính cảnh vệ bồng súng đứng hai bên. Vừa bước vào bên trong, tôi thấy lạnh toát người, vì khí lạnh tỏa ra từ các máy lạnh trong lăng. Sau khi ra khỏi lăng, bọn tôi mỗi đứa được phát không một chiếc bánh mì vừa to, vừa thơm. Lúc đó cả nhà tôi đang phải ăn gạo mốc có đầy mọt, cho nên chiếc bánh mì đó thực sự là một đặc sản. Tôi ăn ngay nửa chiếc, nửa còn lại, tôi đem về cho thằng em gầy còm suy dinh dưỡng ở nhà. Kỷ niệm về lần duy nhất trong dời vào lăng viếng Bác thật đặc biệt nên tôi không bao giờ quên.

3. Vài lời kết về lăng Hồ Chí Minh.

Lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Nguồn: Mint Images

Lăng ông Hồ có cần phải di dời hay không di dời chưa hẳn đã là điều cần, nhưng chưa hẳn đ đến cái Timing phải di dởi. Chưa di dởi cụ thể, nhưng lịng người đ di dời từ lu rồi, ngay cả cc vị lnh đạo đảng. Vấn đề là lòng dân. Ông nằm đó mà dân không ngó ngàng thì phỏng có ích gì? Ông ở đó như một món hàng cho khách du lịch, một địa điểm mà chưa chắc được nhiều người lui tới như vịnh Hạ Long, cảnh chùa Hương, bãi biển Sầm Sơn? Nếu thật như vậy thì tội cho ông quá. Hãy để cho người đã chết an nghỉ. Đó là điều mà nếu còn sống, được phép nói, ông sẽ nói với nhà nước đương quyền. Bao lâu mà chính quyền còn cần một biểu tượng thì bấy lâu ông Hồ còn nằm đó. Hiện nay, chính quyền vẫn cần một biểu tượng, dù là một biểu tượng có cơ nguy bị xóa nhoà. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa CS khó có cơ may tồn tại. Trung Quốc từ hai năm nay đã đặt ra rồi. Theo nhiều người, thời Võ Văn Kiệt, lúc là thủ tướng chính phủ, ủy viên chính phủ đã tính đòi xóa bỏ Chủ nghĩa Xã hội, bỏ điều 4 hiến pháp, thực hiện dân chủ triệt để?

Đó là những thách thức đặt ra cho chính quyền đương đại và là niềm hy vọng của chúng ta. Vấn đề là bao giờ. Chuyện di dời lăng ông Hồ, đem về chôn cất ở Nghệ An lúc đó tự nhiên phải đặt ra. Lúc này kể ra còn quá sớm chăng?

Nhưng từ khi tôi về thăm Hà nội thì nảy sinh ra nhiều điều trăn trở. Đất nước mình cần một biểu tượng đến thế sao? Tôi đã đi qua khu Ba Đình mà không dám vào và cũng không muốn vào. Chung quanh những khu ấy và đằng sau là Chùa Một Cột nằm khuất lấp như bị chen lấn đến chỗ như cái cảnh chiếm đất, dành dật? Cái thắc mắc là khu Cổ Thành được khám phá sau này có liên quan gì đến việc xây lăng ông Hồ? Kể ra hai địa điểm cũng gần nhau lắm? Thứ hai, đâu đâu những con đường chung quanh đều là tên các vị lãnh đạo nhà nước Đảng Cộng Sản. Sau này lấy đường đâu ra cho những vị kế tiếp như Trần Đức Lương, Phan Văn Khải hay Nông Đức Mạnh?

Không lẽ lịch sử đất nước này chỉ có những vị đó sao?

Dù cho miền Nam như thế nào. Tôi không chọn sống chung với những nhân vật lãnh đạo tự nhận mình làm nên lịch sử đất nước này. Nhưng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên mà ngày nay rất nhiều người ở Hải ngoại hò hét bôi nhọ, chửi bới nơi mà họ cũng đã cùng chung sống cái thời điểm dung thân đó như tôi. Chửi bới tôn giáo đủ thứ, chửi bới chế độ độc tài đủ thứ, chính trị đủ thứ và chửi bới quân đội và tất cả các sinh hoạt văn học, văn hoá đủ thứ mặc dầu nghe CS vào, họ đã là những người trưóc tiên chạy vắt dò lên cổ chạy ra nước ngoài.

Tôi tự hỏi họ ở đâu mà ra? Họ có thuộc loại bọn vô ơn không?

Và thắc mắc lớn nhất của tôi chưa lời giải đáp là trong suốt 20 năm đó, không có những bải báo bài bác tôn giáo, mà tự do viết đấy nhé. Nó không bao giờ bị phỉ báng như bây giờ ở Hải ngoại, cho dù trong những tình thế đối đầu ngặt nghèo và bi kịch nhất.

Chỉ riêng ông Trần Chung Ngọc, trong 6 năm nay viết bài bác tôn giáo, số lượng trên dưới 100 bài, gấp nhiều lần của tất cả những bài báo tranh cãi về tôn giáo của toàn miền Nam trong 20 năm cộng lại.

Viết như thế, chẳng còn chút xíu đồng xu teng nào về cái uy tín đối với độc giả. Xếp ông vào loại người khủng bố tôn giáo cũng không hẳn là quá đáng. Mình ông đủ làm nhiễm độc tôn giáo cả một cộng đồng kéo theo một số người khác chạy theo. Một trong những người cùng trong nhóm đồng hành với ông nay đã rã ngũ, đã nói với tôi: Ông chửi như thế, ra rả ngày đêm, chỉ lảm mỗi công việc lắp ráp đủ loại tài liệu một chiều, ông làm gì có crédit đối với người đọc. Vậy để ý làm gì?

Vẫn nhìn lại đời mình và vẫn cho rằng những năm tháng đẹp nhất trong quãng đời tuổi trẻ của tôi. Phải là miền Nam và không ở đâu khác.

Tôi nhớ ơn miền Nam và chẳng thể nào nói khác được. Hay dở gì cũng là miền Nam thân yêu.

© 2006-2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu ngày 22-23 tháng 6, 2006. DCVOnline biên tập và minh họa.