Mattis đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam khi Mỹ đang căng thẳng với Trung Quốc

DCVOnline | Tin AP

WASHINGTON | Đến Việt Nam trong chuyến đi thứ hai trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis báo hiệu việc chính quyền Trump đang cố gắng chống lại việc Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự để trấn an các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

 

Jim Mattis, Ngô Xuân Lịch. Nguồn ảnh: AP

Chuyến thăm bắt đầu vào thứ ba cũng cho thấy mối quan hệ Mỹ-cộng sản Việt Nam đã tiến khá xa kể từ những năm sau Chiến tranh Việt Nam.

Mattis, một vị tướng về hưu, đã gia nhập Thủy Quân Lục Chiến trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam nhưng không phục vụ ở đó, đã đến thăm Hà Nội vào tháng Giêng. Cuộc viếng thăm đầu năm nay trùng hợp, chỉ vài ngày trước, lễ kỷ niệm lần thứ 50 Cộng sản Bắc Việt mở cuộc Tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân, năm 1968. Tết Mậu Thân là một bước ngoặt tong cuộc chiến khi quân cộng sản Bắc Việt mở một loạt tấn công vào những mục tiêu chính ở miền Nam, gây bất ngờ cho Washington và đẩy mạnh phong trào phản chiến ở Mỹ dù cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại quân sự vè mặt chiến thuật.

Ba tháng sau chuyến thăm của Mattis, một tàu sân bay Hải quân Mỹ, USS Carl Vinson, đã ghé vào hải cảng tại Đà Nẵng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ khi hết chiến tranh và cũng để nhắc nhở Trung Quốc rằng Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực như một đối trọng đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Biểu hiện sinh động nhất của sự quyết đoán bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là việc bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhỏ và ở các vị trí khác trong vùng biển phía Nam Trung Hoa thành các tiền đồn chiến lược. Chính quyền Trump đã chỉ trích Trung Quốc về việc đưa hỏa tiến phòng không và các loại vũ khí khác đến một số tiền đồn trên biển. Vào tháng 6, Mattis cho biết việc Trung Quốc đặt các vũ khí này ở Biển Đông có “liên hệ trực tiếp vào mục đích quân sự với mục đích đe dọa và ép buộc.”

Lần này Mattis đến thăm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất và trung tâm kinh tế của Việt Nam. Sài Gòn là tên của thủ đô Việt Nam Cộng hòa trước khi bị quân cộng sản Bắc Việt chiếm vào tháng 5, năm 1975; sau đó Sài Gòn bị đổi tên thành Tp Hồ Chí Minh.

Mattis cũng có kế hoạch đến thăm một căn cứ không quân Việt Nam ở Biên Hòa, một căn cứ không quân chính cho quân đội Mỹ trong thời chiến tranh, và gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Ngô Xuân Lịch.

Chuyến thăm của Mattis xẩy ra giữa sự chuyển tiếp lãnh đạo sau cái chết vào tháng 9 của Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang. Đầu tháng này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm nhiệm chức Chủ tịch Nước. Người ta tin rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn để ông Trọng giữ trọn quyền lực lãnh đạo.

Mặc dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia được các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thường đến thăm, nhưng hai chuyến viếng thăm trong một năm là việc không bình thường, và Thành phố Hồ Chí Minh hiếm khi nằm trong lộ trình thăm viếng. Người đứng đầu Ngũ giác đài cuối cùng đã đến thăm thành phố Hồ Chí Minh là William Cohen vào năm 2000; ông là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Quan hệ ngoại giao chính thức giữ hai nước đã được khôi phục vào năm 1995 và Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ trang chiến tranh vào năm 2016.

Ban đầu, chuyến đi của Mattis gồm cả một trạm ngừng ở Bắc Kinh, nhưng trạm dừng này đã bị hủy bỏ vì sự căng thẳng đang tăng trong cuộc chiến thương mại và một số vấn đề quốc phòng. Gần đây, Trung Quốc đã từ chối lời yêu cầu của Mỹ về một chuyến ghé thăm cảng Hồng Kông của một tàu chiến Mỹ, và mùa hè năm ngoái Mattis đã rút lại lời mới Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận lớn trên biển ở Thái Bình Dương. Trung Quốc đã bãi bỏ một cuộc viếng thăm Ngũ Giác Đài trong tháng 9 của vị thủ lĩnh hải quân Trung Quốc và đòi Washington hủy bỏ việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Những căng thẳng này đã làm nổi bật tiềm năng cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam.

Josh Kurlantzick, một chuyên gia cao cấp về châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Việt Nam trong những năm gần đây đã chuyển hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng cân bằng cẩn thận quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ nghiêng về phía Washington. Đề cập đến những gì chính quyền Mỹ gọi là “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Kurlantzick nói,

“Tôi thấy Việt Nam rất phù hợp với một số chính sách của Trump. Chính sách này nhấn mạnh việc bảo đảm tất cả các nước trong khu vực không bị o ép và giữ c được các đường hàng hải tự do vận chuyển, đặc biệt là ở vùng Biển Đông đang có tranh chấp, mở cửa cho thương mại quốc tế.

“Việt Nam, không kể Singapore, là quốc gia có nhiều nghi ngại nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và là đối tác tự nhiên nhất đối với Hoa Kỳ.”

Vị trí của Việt Nam bên cạnh Biển Đông làm cho nó trở thành một nước quan trọng trong những tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ trên các đảo nhỏ, bãi cạn và các vùng đất khác trên biển. Việt Nam cũng đã có chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979.

Tuy luôn cảnh giác với người hàng xóm khổng lồ phương bắc, Việt Nam có cùng hệ thống độc đảng cai trị như Trung Quốc. Việt Nam ngày càng đàn áp những người bất đồng chính kiến nhiều hơn và cùng lúc cũng thanh lọc hàng ngũ tham nhũng, với hàng loạt một số cán bộ công chức cao cấp và giám đốc điều hành đã bị bỏ tù kể từ năm 2016 dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng.

Những thay đổi về kinh tế trong 30 năm qua ở Việt Nam đã mở cửa đón đầu tư và thương mại nước ngoài, và biến nó trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng Đảng Cộng sản vẫn không chấp nhận mọi thách thức đối với chế độ một đảng cai trị của nó. Mặc dù vậy, chính quyền Trump đã nỗ lực tập trung để tiến gần hơn tới Việt Nam hơn trước.

Khi ông rời Hà Nội vào tháng Giêng, Mattis cho biết chuyến thăm của ông đã cho thấy rõ rằng người Mỹ và người Việt Nam đã có cùng một số lợi ích, một số đã có trước cả thời kỳ đen tối của Chiến tranh Việt Nam. Mattis nói

“Cả hai nước chúng ta không thích trở thành thuộc địa.”

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Mattis pushes closer ties to Vietnam amid tension with China
| AP, Oct 14, 2018.