Lời cuối của Jamal Khashoggi — dành cho các nhà báo khác, như ông

Robin Wright | TM

Vào ngày 3 tháng 10, ngày sau khi Jamal Khashoggi mất tích, tờ Washington Post nhận được một bài cuối cùng ông để lại cho người phụ tá khi sang Thổ Nhĩ Kỳ để kết hôn. Một bài viết bảy trăm từ, sâu sắc và riêng tư và thật là một thiên sử thi, vì bây giờ ông không còn nữa. 

Jamal Khashoggi không không phải là tiếng nói đơn độc lên án sự đàn áp chính trị ở Trung Đông, như ông đã thừa nhận trong bài viết sau cùng đăng trên The Washington Post. Ảnh của Denis Allard/REA/Redux.

Khashoggi viết,

“Thế giới Ả Rập đã căng tràn hy vọng vào mùa Xuân năm 2011. Các nhà báo, giới hàn lâm và dân chúng nói chung đã tràn đầy mơ ước thấy một xã hội Ả Rập xán lạn và tự do trong những quốc gia của họ. Họ mong đợi sẽ được giải phóng khỏi quyền bá chủ của chính quyền và sự kiên định can thiệp và kiểm duyệt thông tin của giới thống trị.”

Nhưng không, sau mùa Xuân Ả Rập ngắn ngủi những người nắm giữ quyền lực ngày càng đàn áp dân chúng hơn nữa.

Khashoggi viết, ngày nay, hàng trăm triệu người trên khắp Trung Đông “không thể giải quyết sự việc một cách thỏa đáng, hãy khoan nói đến việc thảo luận công khai về những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực và cuộc sống hàng ngày của họ. Họ hoặc là “không được thông tin hoặc được thông tin sai lạc” bằng sự kiểm duyệt không khoan nhượng và tuyên truyền dối trá của nhà nước. Như tựa đề của bài viết cuối cùng của ông khẳng định, “Điều mà thế giới Ả Rập cần nhất là quyền tự do ngôn luận.”

Cái chết của Khashoggi, một nhà báo Ả Rập và là người từng ủng hộ chính phủ, rồi trở thành một người phê bình Thái tử Ả Rập hiện nay một cách mạnh mẽ và không sợ hãi, đã thu hút sự chú ý của thế giới nhiều hơn khi ông còn sống hay đã có thể làm được. Những chi tiết khủng khiếp về vụ sát nhân và cưa cắt thân thể của ông đã có những hiệu lực mà Khashoggi sẽ không bao giờ tưởng tượng được – chúng đang đặt một câu hỏi nghiêm túc về số phận của một người lãnh đạo Ả Rập Saudi, mục đính của chính sách ngoại giao của Mỹ ở vùng sôi bỏng nhất thế giới là gì, ngay cả những chính sách đã bảo vệ quyền lực chonhững kẻ độc tài. Hậu quả của những chính sách đó chỉ mới bắt đầu.

Nhưng Khashoggi hầu như không phải là một tiếng nói đơn độc công khai chỉ trích sự đàn áp chính trị ở Trung Đông, như ông đã công nhận nhận trong bài viết sau cùng trên tờ Washington Post. Ả Rập Saudi có thể là chính phủ độc ác và tàn nhẫn nhất trong khu vực, nhưng nó cũng chỉ sử dụng các chiến thuật của những kẻ độc tài, những người lãnh đạo Hồi giáo, và Tổng thống của cả hai mươi hai quốc gia ở đó.

Năm 2014, chính phủ quân phiệt ở Ai Cập đã tịch thu tất cả các ấn bản của tờ báo Al-Masry Al-Youm, tên tờ báo đó nghĩa là “Ai Cập ngày nay.” Al-Masry Al-Youm là tờ báo tư nhân hiếm thấy trong thế giới Ả Rập với những phóng viên trẻ dám đặt câu hỏi về chính sách của chính phủ trong các bài xã luận gay gắt và điển hình cho sự đột phá trong làng báo. Khashoggi viết,

“Việc chính quyền Ai Cập tịch thâu toàn bộ những bản đã in của tờ báo, al-Masry al Youm, đã không gây phản cảm hay kích động được phản ứng từ những người trong giới truyền thông. Những hành động loại này không còn đưa đến hậu quả là những phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, chúng chỉ có thể gây ra việc lên án nhanh chóng rồi sau đó là sự im lặng.”

Khashoggi viết, thế giới, đặc biệt là phương Tây, có lỗi một phần vì đã ngoảnh mặt làm ngơ. Thật mỉa mai và bi thảm khi thế giới chú ý đến cái chết của Khashoggi, nhưng vẫn không đặt lên bàn thảo luận về một vấn đề lớn có thể định hình tương lai của cả một khu vực gồm hai mươi hai quốc gia và bốn trăm triệu người. Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steve Mnuchin, thông báo rằng ông sẽ không tham dự hội nghị đầu tư Saudi mệnh danh là “Davos trong sa mạc”, một hội nghị then chốt của Thái tử MBS trong kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu của vương quốc này. Bộ trưởng thương mại Anh, các bộ trưởng tài chính Pháp và Hòa Lan, và chủ tịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng rút lui sau khi Khashoggi mất tích. Nhưng không có chính phủ nước ngoài nào lên tiếng về những thực tế chính trị tổng quan hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác, hoặc bất kỳ trường hợp nào khác, ở Trung Đông.

Trong bài viết sau cùng, Khashoggi đã thu hút sự chú ý của tế giới đến các đồng nghiệp bị giam giữ mà không ai biết đến. Ông viết,

“Người bạn thân mến của tôi, bỉnh bút nổi tiếng người Saudi Saleh al-Shehi, đã viết một trong những bài nổi tiếng nhất từng được đăng trên báo chí Ả Rập Saudi. Chẳng may, ông ấy bây giờ đang thụ án tù năm năm không chính đáng vì những ý kiến được coi là trái ngược với chính quyền Saudi.”

Shehi, có hơn một triệu người theo trên Twitter, bị buộc tội “sỉ nhục triều đình” vì những tuyên bố của ông về sự tham nhũng tràn lan trong chính phủ trong những bài viết của ông cho tờ báo Al Watan và trong một chương trình truyền hình địa phương.

Michael Abramowitz, chủ tịch của Freedom House và cựu biên tập viên quốc gia của tờ Washington Post, nói với tôi rằng Khashoggi đã xác định chính xác tầm quan trọng lớn hơn. Ông nói,

“Bài viết sau cùng của Khashoggi đã xác định chính xác sự thiếu vắng quyền chính trị và tự do dân sự ở phần lớn của thế giới Ảrập, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận của mỗi người.”

Khashoggi bắt đầu bài viết sau cùng bằng cách trích dẫn báo cáo năm 2018 của Freedom House – và thực tế là chỉ có một quốc gia Ả Rập, Tunisia, được xếp hạng là “tự do”. Abramowitz nói với tôi,

“Điều đặc biệt đáng buồn là, trong khi chúng ta tập trung đúng vào hành động thái quá của chính phủ Saudi nhằm bịt miệng một người chỉ trích họ, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng còn có vô số các blogger, nhà báo và những người cầm bút khác đã bị bỏ tù, bị kiểm duyệt, bị đe dọa hành hung và thậm chí bị sát hại – và không được thế giới biết đến. Và, trong một vài trường hợp, đáng chú ý như Ai Cập, tình hình đã xấu đi.”

Ở những nước vùng Vịnh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi lại một trăm bốn mươi trường hợp – một con số được chọn dựa trên giới hạn ban đầu số ký tự trên Twitter, mặc dù thực tế có nhiều, nhiều hơn nữa – nơi mà những chính phủ đã bịt miệng những người chỉ trích ôn hòa chỉ vì những hoạt động trực tuyến của họ. Trong số những người nổi tiếng nhất là Raif Badawi, một blogger trẻ người Ảrập đã điều hành một trang web có tên là Mạng lưới Tự do Saudi, đã dám thảo luận về những hạn chế cứng nhắc của quốc gia Hồi giáo này về mặt văn hóa. Một bài viết chế nhạo lệnh cấm mừng Ngày Valentine, như tất cả các ngày lễ không phải của Hồi giáo, đều bị cấm ở Ả Rập Saudi. Năm 2014, Raif Badawi bị kết án mười năm tù, bị đánh một nghìn roi, và tiền phạt vượt quá một phần tư triệu đô la. (Tôi đã viết về trường hợp của anh ta vào năm 2015.)

Chị của blogger Raif Badawi là Samar – người đã nhận Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2012 tại một buổi lễ ở Tòa Bạch Ốc do Michelle Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton tổ chức – đã bị bắt vào tháng Bảy. Hồi tháng Tám, khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Chrystia Freeland, bày tỏ quan tâm về chị em nhà Badawi, vương quốc Saudi đã phản đối bằng việc trục xuất Đại sứ Canada, triệu hồi Đại sứ ở Ottawa, đóng băng tất cả mọi giao thương và đầu tư mới, đình chỉ các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia đến Toronto, và ra lệnh cho hàng ngàn sinh viên Saudi phải rời khỏi Canada. (Tôi đã viết về vụ này hồi đó</a..)

Tại Bahrain, Nabeel Rajab, một trong những người ủng hộ nhân quyền nổi tiếng nhất trong thế giới Ả Rập, đang ở trong tù sau khi bị kết án 5 năm vì đã đưa tin trên twitter về những vụ tra tấn ở một vương quốc Hồi giáo nhỏ xíu này và chỉ trích cuộc chiến của Ả Rập Saudi tại Yemen. Tại các vương quốc Ả Rập thống nhất, Ahmed Mansoor, người điều hành một trang web tập trung vào sự đổi mới, đã bị kết án mười năm tù vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội kêu gọi cải cách.

Sarah Leah Whitson, giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Trung Đông và Bắc Phi, nói với tôi:

“Người Ả Rập đang khát khao có tin tức và thông tin thực sự, và các chính phủ Ả Rập đang cố gắng hết sức để đảm bảo họ không bao giờ có được những điều đó. Truyền thông không bị kiểm duyệt trên mạng xã hội đã cho báo giới và những người cầm bút ở Trung Đông niềm hy vọng được trao đổi quan điểm và thông tin một cách tự do, nhưng đó cũng là lý do tại sao những chính phủ khối Ả Rập lại sợ hãi tiếng nói của chính những công dân của họ, và vội vã ban hành những đạo luật tội phạm hóa việc truyền thông trực tuyến và bỏ tù người cầm viết và người hoạt động chỉ vì những tin nhắn của họ trên twitter.”

Phần lớn thế giới nghe theo luận điệu của chính quyền Saudi rằng Thái tử Mohammed bin Salman, và thực tế là người lãnh đạo vương quốc này có khuynh hướng cởi mở, đổi mới đất nước. Có thể như một lời tiên đoán, báo chí tự do ở những nơi khác trên thế giới đã đặt câu hỏi đầu tiên về việc Khashoggi mất tích ngày 2 tháng 10, sau khi vào tòa lãnh sự Ả Rập Saudi ở Istanbul, làm giấy tờ để có thể kết hôn. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy của Vermont nói,

“Thế giới nên lưu ý rằng chính báo chí tự do, chứ không phải chính phủ Saudi hay Tòa Bạch Ốc, đã kiên quyết đi tìm sự thật về những gì đã xảy ra cho ông Khashoggi. Một lần nũa, nó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng nền báo chí tự do là một cột trụ cần thiết của xã hội để chống lại những chế độ bạo ngược, bất lương, và bất khả xâm phạm.”

Robin Wright đã là một bỉnh bút viết cho The New Yorker từ năm 1988. Bà là tác giả cuốn “Rock the Casbah: Rage and Rebellion Across the Islamic World.”

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Jamal Khashoggi’s Final Words—for Other Journalists Like Him | By Robin Wright| The New Yorker |October 18, 2018.