Thay đổi chính quyền dựa trên thay đổi xã hội
Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch
Nói tóm lại, con đường để Trung Quốc đi đến một xã hội tự do, chủ yếu dựa vào sự cải thiện tiệm tiến từ dưới lên trên; rất khó khăn để trông chờ vào một cuộc cách mạng từ trên xuống theo “mô hình Tưởng Kinh Quốc”(1).
Trải qua hơn hai mươi năm tiến hành cải cách, bởi vì sự ích kỷ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng bởi vì sự phân tán của các lực lượng xã hội, trước mắt trong thời gian ngắn còn không nhìn thấy được bất cứ lực lượng chính trị nào đủ sức mạnh để có thể thay đổi chế độ; về phía quan trường thì không nhìn thấy được lực lượng nào mang tính chất tiến bộ như Gorbachov hay Tưởng Kinh Quốc, lực lượng xã hội cũng không cách nào có thể tụ tập được một sức mạnh đủ để chống chọi lại sức mạnh chính trị nhà nước. Bởi vậy, trong quá trình Trung Quốc chuyển hướng về xã hội tự do, nhất định sẽ phải trải qua những trắc trở khúc chiết, thời gian cần để thay dổi cũng sẽ mức vượt khỏi cả những ước đoán bảo thủ nhất.
Đồng thời, khi so sánh với xu thế lớn mạnh của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nói, lực lượng xã hội vẫn nằm ở thế yếu, dũng khí của người dân không đủ và tâm trí còn non nớt; xã hội dân sự vẫn còn đang trong quá trình phát triển ban sơ, vì thế trong thời gian ngắn cũng không cách nào phát triển trở thành lực lượng chính trị có khả năng thay thế chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, bất kỳ thay đổi nào trong hệ thống chính quyền và thể chế chính trị Trung Quốc, bất kỳ kế hoạch, cương lĩnh thậm chí là hành động nóng vội chỉ nhằm vào lợi ích trước mắt thì đều chỉ là chuyện vô ích giống như lầu cao giữa trời.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là không hề có chút hy vọng nào cho Trung Quốc tự do trong tương lai. Bởi vì, bầu trời chính trị Trung Quốc trong thời đại hậu Mao Trạch Đông đã không còn là nơi mà một bàn tay của nhà độc tài toàn trị có thể che trời, mà nó xuất hiện hai màu hắc ám và quang minh. Mối quan hệ giữa chính quyền và người dân đã không chỉ còn là ngoại trừ ngưỡng vọng “hô cao vạn tuế” chính là một màu hắc ám im hơi lặng tiếng. Xuất hiện song song tồn tại giữa trấn áp của chính quyền là sự phản kháng của người dân, giữa cứng nhắc về chính trị của chính quyền và sự thức tỉnh về quyền lợi của người dân. Tính độc tài của chế độ vẫn y nguyên, nhưng xã hội đã không còn ngu muội; sự bá đạo của chính quyền vẫn y nguyên, nhưng phong trào tự bảo vệ quyền lợi của người dân vẫn phát triển, chỗ này hạ xuống chỗ kia dâng lên; sự khủng bố của văn tự ngục vẫn y nguyên, nhưng đã không còn tiếp tục sản sinh ra được sức mạnh răn đe “giết một doạ trăm” như trước đây; “ý thức thù địch” của chính quyền vẫn y nguyên, nhưng “thành phần nhạy cảm” đã không còn là thứ “ôn dịch” bị người người sợ hãi né tránh.
Trong thời đại Mao Trạch Đông, sở dĩ có thể thiết lập được chế độ toàn trị cá nhân, nhất thiết phải đồng thời thoả mãn 4 điều kiện lớn sau:
Một là việc quốc hữu hoá toàn diện đã dẫn tới tình trạng không hề có tính tự chủ cá nhân về kinh tế; chính quyền trở thành bảo mẫu toàn quyền đối với mọi người dân trên toàn quốc. Sự phụ thuộc kinh tế của cá nhân đối với chính quyền đã tới cấp độ nhà nước bao cấp toàn bộ từ khi sinh ra đến tận khi xuống mồ.
Hai là mức độ xâm nhập của các tổ chức nhà nước đã đạt tới khắp mọi ngóc ngách của xã hội khiến cho tự do nhân thân của cá nhân hoàn toàn biến mất,. Tổ chức trở thành chứng minh duy nhất cho thân phận hợp pháp của người dân Trung Quốc; rời khỏi tổ chức liền trở nên một bước cũng khó đi. Sự phụ thuộc của người dân đối với chính quyền đã diễn tiến tới mức độ là không có sự bảo hộ của tổ chức thì người dân sẽ bị xã hội không thừa nhận;
Ba là những đàn áp cứng rắn từ phía cỗ máy chuyên chính bạo lực của chính quyền trực tiếp tác động lên thân xác của toàn xã hội một cách thô bạo. Xã hội nhân trị cực đoan cùng với ý thức thù địch đã hình thành nên bầu không khí độc tài chuyên chế với toàn dân được quân sự hoá; sự cảnh giác cùng giám sát được tiến hành khắp mọi nơi chốn, ngóc ngách, thậm chí là mỗi một đôi mắt đều biến thành cỗ máy giám sát,. Mỗi một người đều được đặt dưới sự giám sát của đơn vị, ngõ xóm, láng giềng thậm chí là người thân bạn bè.
Bốn là có được ý thức hệ với lực ngưng tụ và sức lôi cuốn mạnh mẽ cùng với phong trào quần chúng quy mô lớn tạo ra nền chuyên chế bạo ngược bằng tinh thần áp đặt lên toàn thể người dân Trung Quốc. Sùng bái cá nhân và quyền uy lãnh tụ một cách cực đoan đã hình thành nên kiểu kiểm soát tinh thần và tư duy của toàn dân chỉ với bộ não của lãnh tụ mà thôi. Những “Người bất đồng chính kiến” được người khác tạo ra không những phải chịu sự bức hại trên các phương diện kinh tế, chính trị, địa vị xã hội, mà ngay cả trên phương diện nhân cách, tôn nghiêm cá nhân, tinh thần đều phải chịu sự sỉ nhục. Cái gọi là “đánh cho đổ, đánh cho thối bốc mùi” chính là triển khai đòn tấn công kép cả về thể chất và tinh thần. Kết quả là, tuyệt đại đa số những nạn nhân đều phục tùng dưới sự bạo ngược về tinh thần như vậy, tiến hành tự mình sỉ nhục bản thân không có hồi kết trước công chúng.
Tuy vậy, trong thời đại hậu Mao Trạch Đông, một xã hội quan quyền chỉnh thể đã không còn tồn tại, xã hội đã bắt đầu thay đổi to lớn và đi theo hướng đa nguyên hóa, quyền lực nhà nước đã không còn cách nào có thể thao túng toàn bộ xã hội; nguồn tư bản xã hội đang không ngừng trưởng thành đã và đang thẩm thấu, gặm nhấm đi nền tảng kinh tế nhà nước của chính quyền; giá trị quan niệm đang ngày càng phân hóa trực tiếp thách thức ý thức hệ của chính quyền; các phong trào bảo vệ nhân quyền trong xã hội đang ngày càng lớn mạnh tăng dần mức độ thách thức đối với quyền lực chính phủ ngang ngược; dũng khí của xã hội không ngừng trưởng thành và do đó làm thu hẹp lại những hiệu quả của nỗi sợ hãi chính trị được tạo ra bởi chính quyền.
Đặc biệt là từ sau Lục Tứ 1989, trong số bốn trụ cột lớn để xác lập và duy trì độc tài toàn trị cá nhân thì có ba trụ cột đã mục ruỗng và sụp đổ ở các mức độ khác nhau: Sự phụ thuộc về kinh tế của cá nhân vào thể chế dần được thay thế bằng độc lập cá nhân;, việc mỗi người tự mình kiếm lấy bát cơm cho bản thân đã cung cấp một nền tảng vật chất cho sự lựa chọn tự chủ, cũng đưa tới sự đa nguyên hoá cho các chủ đề lợi ích trong xã hội; Sự phụ thuộc của cá nhân đối với tổ chức cũng dần bị thay thế bởi tự do cá nhân nửa vời, người Trung Quốc không còn phải sống trong các tổ chức vì không còn sự lựa chọn nào khác, thời đại mà khi rời khỏi tổ chức thì đi nửa bước cũng khó khăn cũng đã một đi không trở lại; xã hội Trung Quốc dần chuyển dịch về phía tự do, gồm tự do đi lại, tự do lưu động và tự do lựa chọn nghề nghiệp; về mặt ý thức hệ, sự thức tỉnh về ý thức cá nhân và ý thức quyền lợi đã dẫn đến sự sụp đổ của ý thức hệ đại nhất thống do chính quyền đưa ra; sự đa nguyên hoá về giá trị quan đã buộc chính quyền chỉ có thể đưa ra những lời bào chữa cho việc điều chỉnh ý thức hệ một cách bị động; hệ thống giá trị công dân độc lập với hệ thống giá trị của chính quyền đang dần được hình thành, mặc dù chủ trương nhồi sọ những lời dối trá cũng như kiểm soát ngôn luận vẫn đang tiếp tục được tiến hành, nhưng sức hấp dẫn răn đe đã giảm mạnh; đặc biệt là cuộc cách mạng thông tin do mạng internet gây ra, đã đem lại quyền được biết thông tin cũng các kênh tiếp nhận thông tin của người dân được đa nguyên hoá, dẫn tới công cuộc phong toả thông tin của chính quyền cũng như thủ đoạn kiểm soát quản chế không cho phép người dân bàn luận chính trị đã thất bại về cơ bản.
Trong số bốn trụ cột chính của chế độ toàn trị, chỉ còn thừa lại đơn nhất hoá chính trị và trấn áp bạo lực cứng nhắc. Nhưng bởi vì bố cục xã hội bao gồm đạo đức chính nghĩa nằm trong tay người dân trong khi quyền lực nằm trong tay chính quyền dân được hình thành,; chính quyền chuyên chế tàn bạo kép vừa tiêu diệt thể xác lại chà đạp về tinh thần như trong thời đại Mao Trạch Đông đã không còn tồn tại; hiệu quả của khủng bố chính trị cũng giảm mạnh. Sự bức hại của chính quyền đối với nạn nhân bị hại không còn có được hiệu ứng vừa sử dụng nhà tù để tước đoạt tự do nhân thân lại vừa dùng đấu tố phê phán nhằm sỉ nhục nhân cách tôn nghiêm. Bức hại chính trị có thể gây ra tổn thất về mặt kinh tế cho nạn nhân, có thể tước đoạt tự do nhân thân, nhưng không cách nào gây ra tổn thất về uy tín xã hội cho người bị hại, càng không cách nào đẩy người bị hại bị xã hội cô lập bốn bề là kẻ thù; chính quyền không cách nào dùng phương thức tấn công tinh thần vào nhân cách và tôn nghiêm qua đó đánh đổ nạn nhân. Ngược lại những cách làm đó dần trở thành bàn đạp để toàn thành về mặt đạo đức chính nghĩa đối với những nạn nhân bị hại;, người bị hại được xem là “lương tri xã hội” hay “anh hùng nói sự thật”. Ngược lại những kẻ côn đồ tay chân lại trở thành công cụ “làm công việc bẩn thỉu”. Đa số các nạn nhân không cần dùng hình thức tự kiểm điểm bản thân để tìm kiếm lấy sự tha thứ của tổ chức nữa, cũng không còn phải tiến hành tự sỉ nhục bản thân trước mặt công chúng, ngược lại họ có thể tự mình biện hộ một cách lẫm nhiên hiên ngang trước áp lực từ phía tổ chức thậm chí là trong vai trò bị cáo đứng trước tòa án, đem những tổ chức chính trị và tòa án của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ở vị trí bị cáo trên phương diện đạo đức chính nghĩa.
Đồng thời, kể từ sau sự sụp đổ của trận doanh Liên Xô và các quốc gia Đông Âu cộng sản, xu hướng tự do hóa dân chủ hóa trên toàn thế giới ngày một mãnh liệt. Áp lực của ngoại giao nhân quyền từ các quốc gia chủ chố cũng như các tổ chức nhân quyền đã làm cho chi phí để duy trì thể chế độc tài và chính trị khủng bố ngày càng tăng cao, tính hiệu quả và sức răn đe của chính quyền không ngừng hạ xuống, do vậy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không thể không tiến hành những màn biểu diễn về nhân quyền và dân chủ nhằm đối phó với áp lực cai trị và áp lực ngoại giao ở trong nước và quốc tế.
Nói cách khác, bất luận là thực tiễn phản kháng phi bạo lực lâu dài hay là những lời tiên tri rằng chế độ tự do sẽ kết thúc lịch sử, thì suy cho cùng chúng đều là thuộc về bản tính của con người. Con người, không chỉ tồn tại bằng nhục thể, càng là có sự tồn tại của nhận thức đạo đức về mặt tinh thần,; cốt lõi của nhận thức đạo đức là trở thành một con người có tôn nghiêm cá nhân; sự tôn trọng đối với tôn nghiêm cá nhân chính là nguồn gốc tự nhiên của nhận thức công lý. Khi một chế độ hay một quốc gia cho phép mỗi người dân đều có cuộc sống có tôn nghiêm có nhân phẩn, thì nó sẽ nhận được sự đồng thuận một cách tự nguyện từ phía người dân. Nó cũng giống như cách mà Thomas Aquinas mô tả về đạo đức chính trị. Một chính quyền tốt có đức hạnh không chỉ nằm ở duy trì hệ thống một cách có trật tự, càng là nằm ở chỗ xác lập được tôn nghiêm phẩm giá con người. Nếu không phải vậy, nó sẽ đưa tới các hình thức phản kháng khác nhau; lương tri bất tuân phục chính là một trong những hình thức phản kháng chủ yếu. Sở dĩ chế độ tự do có thể dần thay thế chế độ độc tài, sở dĩ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc được xem là sự kết thúc lịch sử, chính vì chế độ tự do thừa nhận và tôn trọng phẩm giá tôn nghiêm của con người; ngược lại chế độ độc tài lại không công nhận tôn nghiêm phẩm giá con người, hơn nữa, nó đem tôn nghiêm đó vứt bỏ.
Điều vĩ đại của công cuộc phản kháng phi bạo lực nằm ở chỗ, khi nhân loại buộc phải đối mặt với chính quyền bạo ngược cũng như những khổ nạn từ chính nó, những người bị hại thì lại dùng tình bác ái để đối mặt với thù hận, dùng khoan dung đối mặt với thiên kiến, dùng khiêm nhường để đối mặt với ngạo mạn, dùng tôn nghiêm đối mặt với sỉ nhục, dùng lý tính đối mặt với cuồng bạo, chính là sự khiêm nhường của những nạn nhân bị hại cùng với tôn nghiêm và lòng bác ái chủ động kêu gọi những kẻ thủ ác quay lại với những quy tắc lý tính, hoà bình, nhân ái, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn “dùng bạo lực đáp trả bạo lực”.
Trong xã hội độc tài không có tự do, dưới tiền đề không có cách này thay đổi tính chất độc tài của chính quyền trong thời gian ngắn, thì những con đường và phương thức nhằm của người dân nhằm thúc đẩy xã hội Trung Quốc chuyển đổi theo chiều hướng từ dưới lên là:
1, Phong trào hoạt động phi bạo lực không truy cầu mục tiêu giành chính quyền, mà là nỗ lực xây dựng một xã hội nhân văn nơi từng cá nhân có thể sống một cách có tôn nghiêm nhân phẩm. Đó là thông qua thay đổi phương thức sinh tồn của người dân. Phương thức sinh hoạt vừa ngu muội vừa khiếp nhược, cam chịu làm nô lệ chuyển sang chủ trương nỗ lực vì một xã hội công dân độc lập. Đầu tiên là nỗ lực mở rộng không gian và nguồn lực của xã hội dân sự tại những điểm mà sự kiểm soát của chính quyền yếu kém; tiếp đó là dùng phương thức phản kháng phi bạo lực không ngừng nghỉ nhằm chèn ép không gian xã hội mà phía chính quyền kiểm soát; sau đó thông qua những chi phí xã hội dân sự tích lũy được để tăng chi phí thống trị mà chính quyền độc tài phải bỏ ra, hình thành niên cục diện tiệm tiến dân quyền tăng một phần, quan quyền thu hẹp một phần.
2, Phong trào hoạt động phi bạo lực không cần thiết phải truy cầu mục tiêu tổng thể hoành tráng, mà cam kết nỗ lực giành lấy tự do trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày, thông qua những khởi phát, khai sáng về tư tưởng, quyền biểu đạt ngôn luận và hành động bảo vệ quyền lợi trong cuộc sống hàng ngày; đặc biệt là tích lũy liên tục qua từng vụ án bảo vệ quyền lợi riêng rẽ, chúng sẽ giúp tích lũy nguồn lực đạo đức chính nghĩa xã hội, nguồn lực tổ chức và kinh nghiệm đấu tranh của xã hội dân sự. Khi mà lực lượng xã hội dân sự còn chưa đủ mạnh để thay đổi môi trường chính trị vĩ mô, thì ít nhất có thể dựa vào lương tri của cá nhân và hợp tác giữa các đoàn thể nhỏ nhằm thay đổi môi trường chính trị vi mô trong khả năng có thể đạt tới được. Ví dụ, nhà báo lâu năm Lô Dược Cang, Lý Đại Đồng và những người khác sở dĩ đạt được những thành quả nhất định khi phản kháng lại chế độ báo chí nhà nước, chính là dựa vào tình trạng tốt đẹp trong môi trường phạm vi nội bộ của tờ “Báo Thanh Niên Trung Quốc”.
3, Bất luận những chính quyền và chế độ không chấp nhận tự do có sức mạnh to lớn ra sao, mỗi một cá thể cũng cần cố gắng hết mình để giành lấy cuộc sống như một con người tự do cho bản thân, tức là nỗ lực để có một cuộc sống có tôn nghiêm, trung thực. Trong bất kỳ xã hội độc tài nào, khi mà tự do được những người truy cầu tự do công khai lên tiếng hơn nữa dùng thân thể của họ thực hiện điều đó; chỉ cần có thể làm được tới mức độ không hề sợ hãi những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, thì những lời nói và hành động trong cuộc sống hàng ngày liền sẽ trở thành sức mạnh mang tính nền tảng nhằm lật đổ thể chế nô dịch. Ví dụ như nếu bạn tin rằng bản thân mình vẫn tồn tại lương tri cơ bản của con người hơn nữa nghe theo lời kêu gọi của lương tri; vậy thì hãy đem lương tri của bạn công khai dưới ánh nắng công khai của dư luận công cộng, để cho lương tri của bạn tỏa sáng; tức là để dư luận nhìn thấy lương tri, càng là để cho kẻ độc tài được nhìn thấy nó.
4, Vừa tuyệt đối không thể rời bỏ kiên định các giá trị của chủ nghĩa tự do, cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc khoan dung; đề xướng đối thoại đa nguyên, đặc biệt là khi xã hội dân sự xuất hiện các tiếng nói bất đồng cùng với các lựa chọn khác nhau; những tiếng nói và lựa chọn phản kháng kịch liệt, cấp tiến hơn nên xem những tiếng nói và lựa chọn phản kháng mang tính thỏa hiệp hơn, ít nổi bật hơn như là một loại bổ sung mà không phải tự cho rằng bản thân là anh hùng tuyệt đối và lên tiếng chỉ trích. Bởi vì, ngay cả khi áp đặt đạo đức khác với áp đặt về chính trị, nhưng nó vẫn còn khoảng cách rất xa so với sự khoan dung mà chủ nghĩa tự do yêu cầu. Một cá nhân tự nguyện trả một cái giá rất lớn cho sự lựa chọn về lý tưởng của bản thân, nhưng điều đó không hề đủ sức để trở thành lý do biện bạch cho việc cưỡng ép người khác cũng phải có những hành động hy sinh tương ứng với lý tưởng đó.
5, Bất luận là thân phận người bên trong thể chế hay bên ngoài thể chế, cũng bất luận là thúc đẩy từ trên xuống hay là từ dưới lên, đều phải tôn trọng quyền phát ngôn của nguồi khác. Ngay cả với phát ngôn và hành vi của các tổ chức dựa vào chính quyền, chỉ cần không tạo thành cưỡng bức đối với những phát ngôn độc lập của xã hội dân sự hoặc phong trào hoạt động bảo vệ quyền lợi dân sự, thì nên được xem là một sự thăm dò, nghiên cứu có lợi đối với sách lược chuyển đổi xã hội; hơn nữa, cần tôn trọng đầy đủ quyền phát ngôn của họ. Với những nhân sĩ có chủ trương chuyển đổi xã hội theo phương thức từ trên xuống, cũng cần bảo trì sự tôn trọng cần thiết đối với những thành phần xã hội dân sự có chủ trương chuyển đổi xã hội từ dưới lên. Dưới tiền đề tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng, thì những tranh luận và đối thoại giữa những người theo hai chủ trương thay đổi theo phương thức từ dưới lên và từ trên xuống càng sẽ tạo nên nhiều lợi ích và đóng góp cho sự đồng thuận xã hội dân sự giúp hình thành nên con đường chuyển đổi xã hội.
Cái gọi là “Mọi con đường đều dẫn tới Rome” chính là như vậy.
Tuy nhiên, khoan dung tuyệt không phải là ngầm chấp nhận chính quyền chuyên chế bạo ngược, cũng không có nghĩa là lún vào vũng lầy của chủ nghĩa tương đối tuyệt đối. Lằn ranh mấu chốt đối với lập trường dân sự của chủ nghĩa tự do là đặc biệt kiên quyết phản đối bất cứ áp bức mang tính cưỡng ép nào của chính quyền về phát ngôn và hành động của xã hội dân sự, bất luận sự áp bức này xuất hiện dưới phương thức nào — đe dọa, mua chuộc, chỉnh đốn, khai trừ, ngăn cấm, bắt bớ và lập pháp — tất cả đều cần kiên quyết phản đối.
6, Luôn có ý thức thường thức là phải đối mặt trực diện mà không phải né tránh quyền lực độc tài; đem quyền chủ động về việc cải thiện địa vị của người dân không có quyền lực nắm giữ trong tay của chính bản thân, mà không phải là đặt hy vọng vào sự xuất hiện của một minh chủ hay đấng minh quân nào cả. Trong cuộc chơi cạnh tranh giữa xã hội dân sự và chính quyền, bất luận chính sách của chính quyền có thay đổi như thế nào đi nữa, điều thiết yếu nhất là khích lệ và giúp đỡ phong trào bảo vệ quyền lợi dân sự cũng như kiên trì giữ vững lập trường độc lập của xã hội dân sự. Đặc biệt là trong tình trạng những kẻ ca tụng công đức đông đảo và những người dũng cảm đối diện với chính quyền tà ác lại ít ỏi, nên nỗ lực dùng lập trường của người bên ngoài thể chế để phê phán và phản đối chính quyền độc tài. Khi tầng lớp quyết sách của chính quyền cứng nhắc thì cần phải ép buộc để nó trở nên nới lỏng, linh hoạt; khi thái độ của chính quyền bắt đầu buông lỏng thì cần chớp thời cơ nhằm mở rộng không gian và nguồn lực cho xã hội dân sự. Đồng thời với việc ủng hộ những quyết sách mang tính cởi mở, khai minh bên từ bên trong thể chế, vẫn cần kiên trì tuân thủ lập trường từ bên ngoài thể chế và giữ vững lập trường phê phán.
Nói tóm lại, con đường để Trung Quốc đi đến một xã hội tự do, chủ yếu dựa vào sự cải thiện tiệm tiến từ dưới lên trên; rất khó khăn để trông chờ vào một cuộc cách mạng từ trên xuống theo “mô hình Tưởng Kinh Quốc”(1). Cải cách theo đường lối từ dưới lên cần phải có được sự tự giác của dư luận xã hội và cần có những phong trào bất tuân dân sự của công dân hay phong trào bảo vệ quyền lợi dân sự một cách tự phát và phát triển không ngừng. Cũng có nghĩa là, theo đuổi những lực lượng xây dựng tự do dân chủ trong xã hội, không theo đuổi những phương thức thay đổi chính quyền quá mức cực đoan; cấp tiến nhằm xây dựng lại toàn bộ xã hội, mà là thông qua phương thức tiệm tiến thay đổi xã hội để ép buộc sự thay đổi từ phía chính quyền, chính là dựa vào xã hội dân sự đang không ngừng trưởng thành để cải tạo chính quyền vốn không có đầy đủ tính chính danh và hợp pháp.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Lưu Hiểu Ba phát biểu lần đầu trên trang mạng “Quan Sát” ngày 26 tháng 2 năm 2006.
https://blog.boxun.com/hero/liuxb/518_1.shtml
http://www.2008xianzhang.info/xiaobo/0paper3.html
(1) Tưởng Kinh Quốc: 蔣經國 (1910 – 1988) là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. Ông là con trai Tưởng Giới Thạch. Tưởng Kinh Quốc kế nhiệm cha làm Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1972 – 1978, rồi Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1978 tới khi mất năm 1988. Dưới thời của ông, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, dù vẫn độc đảng, bắt đầu cởi mở hơn với các phong trào chính trị đối lập. Về cuối đời, Tưởng giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền với các phương tiện truyền thông, cũng như cho phép người bản địa Đài Loan tham gia nắm quyền, như người kế nhiệm ông là Lý Đăng Huy.