Sông biển Việt Nam


Nguyễn Văn Lục

Xin mượn tựa đề một tác phẩm của tác giả Ngô Thế Vinh Nhan làm nhan đề bài viết kỳ này. Ngô Thế Vinh đã viết 2 cuốn sách viết về sông Mekong, “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” và “Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng”.

“Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng”

Nguồn: Amazon.com

Tác giả Ngô Thế Vinh có thể chỉ quan tâm đến tình trạng cạn kiệt của sông Mekong mà chưa có diều kiện để đặt vấn đề Biển Đông một cách đầy đủ. Ta hãy cứ tạm chấp nhận như vậy đi. Nhưng ngay trong phạm vi được tác giả đặc biệt quan tâm là Dòng sông Cửu Long, ông đặt ra nhiều vấn đề về hậu quả hệ sinh thái trên môi trường thiên nhiên rất thuyết phục, nhưng đáng tiếc là chưa đưa ra một khẳng định dứt khoát, sòng phẳng: Ai, nước nào một cách cụ thể đưa đến tình trạng hủy hoại môi trường sông Cửu Long?

Tôi vẫn kỳ vọng ở tác giả có một giọng văn cứng rắn hơn và quyết liệt hơn trong những suy nghĩ về sự sống còn của đất nước. Mà chính ở chỗ ấy, thái độ khẳng định quyết liệt hơn sẽ đụng chạm đến tương lai miền đất mới có thể là mấu chốt của cuộc đụng độ giữa nhiều nước. Và cũng trong tương lai có thể đưa đến một cuộc tranh chấp mang tầm vóc quốc tế giữa quyền lợi nước Tầu và Việt Nam ở cuối nguồn?

Khi đụng đến những điều sống còn, chọn lựa cái sống, cái chết  ở chỗ đường cùng của cả một vùng hạ lưu của một dòng sông thì nào ai tiên đoán được điều tệ hại nào sẽ xảy ra. Nhiều điều cho thấy, nó không chỉ còn là cuộc đối đầu trên lẽ sống còn của  một dòng sông – dù là dòng sông vĩ đại- mà đụng đầu với một tham vọng lớn hơn thế nữa của một nước Tầu bước vào thiên niên kỷ thứ ba! Một đất nước Tầu chuyển biến với tốc độ chóng mặt đến độ ta đến một nơi mà chỉ cần quên trong chốc lát, đến lúc nghĩ tới quay về thì có thể bị lạc lối vì mọi vị trí đã thay đổi. Lối ví von ở trên có thể hơi thậm xưng, nhưng lại  phơi bầy cho thấy sự chuyển động kinh tế của nước Tầu như một bộ máy khổng lồ vượt mọi dự đoán của mọi người.

Đã có nhiều cuộc Hội thảo Quốc tế từ những năm 1957. Và trong các cuộc Hội thảo ấy (Mekong river Commission-1995) người ta đi đến một quyết dịnh rất quan trọng là: Không một Quốc gia Hội viên nào có quyền phủ quyết (veto power).


(Ngô Thế Vinh, Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, trang 96).

Nhưng càng ngày 6 Quốc gia — Tầu, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia, and Việt Nam — bên bờ sông Cửu Long đều vội vã tìm cách khai thác cái lợi thế của sông Cửu Long như để bắt kịp những năm tháng chậm trễ của họ về dòng sông này.


Last Days of the Mighty Mekong, By Brian Eyler. Nguồn: www.zedbooks.net

Mới đây, ông Brian Eyler, một chuyên gia Mỹ có nhiều năm làm việc ở vùng Vân Nam và cũng là người có nhiều dịp làm việc ở các quốc gia hạ lưu sông Cửu Long, trong đó có Việt Nam đã viết một cuốn sách nhan đề Last days of the Mighty Mekong (Những ngày cuối cùng của con sông Mekong vĩ đại).

Xem thêm bài “Sông Mekong, có phải ngày tàn đã đến?” của ký giả Kính Hòa, đài RFA, ngày 21-02-2019 cảnh cáo về những tổn hại không đo lường được trên hệ sinh thái và đặc biệt lưu ý đến sự cạn kiệt dòng nước ngọt đến nảy sinh ra nạn hạn hán trầm trọng tại Đồng Bằng sông Cửu Long năm 2015-1016.

Âm thanh: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-the-last-days-02212019114540.html/Last_Days_of_Mekong.mp3

Để có được nước ngọt, người nông dân đã phải lấy nước ngầm, đào giếng để lấy nước ngọt cho việc ăn uống, trồng trọt. Hậu quả việc đào giếng này như thế nào?

Dòng nước ngọt nuôi dưỡng dân miền Nam nay phần lớn nằm trong tay Trung Cộng chi phối từ thượng nguồn. Đấy là tiềm năng nguy hiểm mà Trung Cộng đang làm và tiếp tục tiến hành.

Chưa kể một nửa số lượng đất phù sa tưới tiêu cho vùng hạ lưu đã bị các đập nước trên thượng nguồn giữ lại. Nước Tầu có tham vọng biến dòng sông Mekong thành một thứ sông  “Rhin Asiatique”, nghĩa là có thể làm thế nào đào sâu lòng sông, sẻ đường cho Tầu bè có thể lưu thông qua lại, biến dòng sông từ bên Vân Nam có thể dùng đường thủy xuống tận Luang Prabang (Lào) mặc cho sự phản đối của dân cư sống ở hai bên bờ sông.

Đã vậy, song song với đập thủy điện Tam Hiệp (Three Gorges Dam) trên sông Dương Tử hay Sông Dài (Dương Tử Giang hay Trường Giang) xây dựng tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc vào năm 2003, trừ phần khóa, đã hoàn tất và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 7, 2012,  cũng đã gây nhiều nỗi lo sợ.

[DCVOnline: Đập Tam Hiệp hiện là đập thủy điện lớn thứ nhì trên thế giới sau đập Itaipu trên sông Paraná nằm ở biên giới giữa Brazil và Paraguay. Đập Robert-Bourassa La Grande trong dự án Vịnh James ở Quebec hiện đứng hạng thứ 10 trên thế giới. Tam Hiệp chỉ là 1 trong 4 đập thủy điện của Trung Cộng lớn hàng đầu thế giới. 
Đập thủy điện Tam Hiệp (Three Gorges Dam) ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Nguồn: Google Maps
Cùng với việc sản xuất thủy điện, con đập này nhằm tăng khả năng vận tải trên sông Dương Tử và giảm nguy cơ lụt lội ở hạ lưu bằng cách cung cấp hồ trữ nước. Dự án này là một công trình vĩ đại cũng như thành công về mặt xã hội và kinh tế, sử dụng những tuabin lớn hiện đại, đồng thời hạn chế khí thải nhà kính. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp đã làm ngập nước những khu đất khảo cổ và văn hóa, di cư khoảng 1,3 triệu người và đã gây ra những thay đổi sinh thái đáng kể, gồm cả việc gia tăng nguy cơ sạt lở đất. Công trình kỹ thuật này đã gây tranh cãi cả trong và ngoài nước. Nguồn: Three Gorges Dam, Wikipedia,org)]

Trung Quốc một lần nữa nhìn vào sông Mekong để khai thác một nguồn năng lượng vĩ đại với hai đập Manwan và Dashaoshan rồi đến đập Xiaowan với một bức tường cao nhất thế giới, 292 mét vào năm 2010 và thiết kế tất cả là 8 đập. Ngày 19 tháng 3, năm 2005, tờ Newyork Times cho chạy tít  “In Life on the Mekong, China’s Dams Dominate” (Đập thủy điện của Tầu đe dọa dòng sông Mekong) của tác giả Jane Perlez.  Nhiều tiếng nói từ các chuyên gia trong nước như các ông Lê Anh Tuấn, Dương văn Ni Đại Học Cần Thơ cũng phụ họa tiếng nói cảnh báo của họ.

Nhưng các tiếng nói quan tâm ấy hầu như chỉ là tiếng kêu trên sa mạc. Việc xây đập vẫn tiến hành nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm cho kịp tiến độ thi công đã đề ra.

Thế còn, chính sách và đường lối của chính quyền cộng sản Hà Nội đối với vấn đề sông Mekong như thế nào? Đã can thiệp và đạt kết quả gì?

[DCVOnline: Năm 1995, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã thành lập Ủy ban sông Mekong (MRC) để quản lý và điều phối việc sử dụng các nguồn tài nguyên của sông Mekong. Năm 1996, Trung Quốc và Myanmar đã trở thành “đối tác đối thoại” của MRC và 6 quốc gia hiện đang hợp tác với nhau. Nguồn: Mekong River Commission.]
 Dòng sông nghẽn mạch

Dòng sông nghẽn mạch để báo động tình trạng khô cạn kiệt của đồng bằng sông Cửu Long mà đáng lẽ everybody lives downstream. Có nghĩa mọi người, mọi nước từ thượng nguồn đến cuối nguồn đều được thụ hưởng một cách chính đáng!

65 triệu dân gồm 6 nước như Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam sống rải rác hai bên bờ sông. Mỗi nước, nhất là nước Tầu nhìn dòng sông Mekong như sông Rhin Á Châu trong vai trò thẩm quyền chi phối với tư cách một nước ở thượng nguồn.

Việt Nam nhìn Mekong  như một vựa lúa của miền Nam. Dòng sông được chia ra 9 nhánh với chiều dài  220 cây số trước khi  thoát ra biển. Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những đồng bằng phì nhiêu nhất thế giới với 40.000 kilô mét vuông, chuyên chở hàng ngàn tấn lúa.

Giao thông đường biển thì tấp nập ngày đêm hầu như không lúc nào ngừng nghỉ. 18 triệu dân sống hai bên bờ sông trong chờ mùa nước nổi với lượng phù sa chảy về  đem lại mầu mỡ cho việc trồng trọt, cầy cấy. Nhưng cũng có năm đem lại tai ương như lụt lội với những cánh đồng ngập nước, bát ngát trải rộng ra đến tận chân trời. Nước là nước. Chỗ nào cũng là nước. Trên là trời, dưới là nước. Chưa kể Mekong còn là một vùng địa lý chiến lược từ đó một cánh cửa mở ra biển. Tiếc thay, nó có thể trở thành những cơ hội tạo ra những xung đột trong vùng Đông Nam Á. Những công trình xây đập có cái giá phải trả về môi sinh, môi trường mà con người sẽ phải trả trong tương lai. Và ai là người có thể dự đoán hết được hậu quả của nó cũng như hướng giải quyết như thế nào?

Ý tưởng khai thác dòng sông Mekong không phải mới mẻ gì!  Những nhà thám hiểm Pháp ngay từ những năm (1866-1868) do Ernest Doudart de Lagrée đã mơ ước đi lên thượng nguồn đến tận Vân Nam. Những chuyến thám hiểm đã gặp phải thất bại khi đụng phải những thác nước Tang Ho (ở Lào). Rồi những cuộc chiến tranh không dứt làm tan loãng ý tưởng các chuyến thám hiểm sau đó (1940-1954) (1954-1975). Phải đợi cho đến giai đoạn ổn định, năm 1990 từ đó việc khai thác con sông Mekong mới được quan tâm. Năm 1992 mở ra chương trình Greater Mekong Subregion (GMS) do Ngân hàng Phát triển Á Châu (BAD) đề xướng. Chương trình nhắm đến sự hợp tác của các quốc gia trong vùng và đề xướng sự xây dựng hạ tầng cơ sở. Việc đầu tư ban đầu từ 1998-2003 với số tiền lên đến 2 tỉ đô la và dự trù thêm 10 tỉ đô la cho 2003-2013. Nhiều công trình xây dựng đáng kể đã hình thành như việc xây dựng một xa lộ từ bên Trung Hoa sang Thái Lan qua ngã Lào. Cũng như dự liệu xây xa lộ từ nước Tầu sang Singapore. Quan thiết nhất là việc xây dụng các cây cầu như cây cầu hữu nghị(pont de l’amitié) được khánh thành năm 1994 giữa Vientian (Lào) và Nong Khai (Thai Lan). Trong việc xây dựng này, nước Trung Hoa là nước hưởng lợi nhiều hơn cả, mặc dầu mức sống trong các khu vực còn quá chênh lệch. Như nước Lào đến 75% dân chúng mà mức lợi tức trung bình một ngày chỉ 2 đô la/đầu người.

Vì thế, tương lai dòng sông Mekong  tùy thuộc rất nhiều vào khả năng quản trị nguồn lợi ích của 6 Quốc Gia trong vùng.

Muốn hiểu một dòng sông thì trước tiên cần tìm hiểu cội nguồn của dòng sông, những bờ kinh rạch cũng như những cánh đồng mà dòng sông chảy qua cũng như các sắc dân và bản làng sống bên cạnh bờ sông đó tạo nên một văn minh, văn hóa, sắc thái địa phương đặc chủng của mỗi miền.

Sông Mekong vĩ đại này dồn tất cả sức mạnh của nó thành một dòng chảy xuất phát từ yết hầu của Tây Tạng, ở độ cao 3800 mét chảy qua 6 nước. Mà lưu lượng nước là 475 triệu mét khối mỗi năm. Nó đổ xuống Vân Nam – thủ phủ là Côn Minh – với 44 triệu dân. Tương lai của Vân Nam sau này tùy thuộc vào dòng sông này với nhiều dự án như mở con đường thương mại xuống phía Nam cũng như xây các đập thủy điện cung cấp điện cho toàn vùng. Đó là giấc mơ thủy điện lực chẳng những của Vân Nam mà còn của các vùng và các tỉnh phía Tây Nam như  Quý Châu (Guizhou) hay Nghiễm Tây (Guangxi) cũng như điện năng cho các kỹ nghệ như mỏ chì, mỏ đồng, mỏ thiếc.

Quyền lợi và tham vọng như thế nên trong môt Hội Nghị vào năm 2005 nhan đề: The Second GMS Summit gồm các lãnh đạo trong vùng với sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Á Châu. Phát ngôn viên của Bộ trưởng năng lượng Trung Quốc tuyên bố:

“Aucune loi internationale n’oblige un pays à demander l’autorisation de ses voisins pour construire un barrage.”

(Không một luật Quốc tế nào bắt buộc một nước khi xây đập phải xin phép các nước láng giềng của mình)


(GEO, Le Mekong , số 321, novembre 2005, trang 114)

Tuyên bố trên như một gáo nước lạnh đối với các nước ở hạ nguồn.

[DCVOnline: Đọc Bản tuyên bố chung 7 trang  “Joint Summit Declaration: 2nd GMS Summit of Leaders” (PDF) do ADB phát hành tháng 7, 2005 sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Côn Minh.

“27. Environmental conservation and sustainable management and use of shared natural resources in the Mekong river basin are vital to the sustainable development in the subregion.”

Trong đó có đoạn viết

“27. Bảo tồn môi trường và quản lý bền vững và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chung trong lưu vực sông Mekong rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong tiểu vùng.”]
Nguồn: Mekong River Commission

Vì thế, có tình trạng mạnh nước nào nước ấy làm và có chính sách riêng. Thái Lan chuyển ngưồn nước sông Mekong để tưới tiêu cho vùng khô hạn Korat. Và để đủ nguồn năng lượng điện cho nhu cầu đô thị hóa của mình, Thái Lan đầu tư vào Lào xây các đập thủy điện ở vùng Nam Leuk hay Nam Theun. Nước Lào trở thành cục Pile điện cho sự phát triển kỹ nghệ của Thái Lan.

Phần người Tàu, họ đã xây dựng 8 con đập mà nghi vấn đặt ra là: liệu đây có phải là một mối đe dọa trực tiếp về nguồn nước ngọt cho hạ nguồn?

Trên nguyên tắc, sông Mekong là tài sản chung của 6 nước và mỗi nước đều trông chờ một phúc lợi riêng cho mình.

Nói chung thì dòng sông nào cũng có những nét đẹp quyến rũ của nó khi chảy qua mỗi miền qua những buổi bình minh hay buổi mặt trời lặn. Ngay cả sức mạnh như thác lũ với dòng chảy bạo liệt đến không thuyền bè nào có thể qua lại được.. Nhưng lại có vùng dòng sông lặng lờ chảy qua mà thuyền bè qua lại như lá che như Đồng bằng sông Cửu Long. Như Chợ Nổi ở Cái Răng. Châu Đốc nổi tiếng với các căn nhà nổi và những nơi điện thờ đủ loại. Cam Bốt với hồ Tonles Sap. Với Angkor Vat. Thái Lan với đền thờ Phra That Phanon, với công viên Quốc Gia Pha Taem, Miến Điện với vùng Tam giác vàng. Lào với cung điện Luang Prabang, dưới chân núi Phousi.. thác nước Khone như một Niagara của Á Châu. Tầu với với Dali, thủ phủ từ đời nhà Minh.

Nhiều người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sống trên những chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là chỗ nuôi cá. Nhiều hộ dân như ở Cần Thơ sống trên những bè nổi trong nhiều thế hệ với 700 chiếc bè nổi như thế. Như trên dòng sông Hậu Giang  (Basac), trên dùng làm nhà ở, ở dưới dùng làm chỗ nuôi cá Ba-sa. Mỗi lượt nuôi kéo dài 7 tháng và mỗi con cá nặng khoảng 2 kilô. Chẳng những dòng sông Cửu Long đem lại những lợi ích kinh tế mà còn những nét đẹp trong cuộc sống không đâu có được.

Dòng sông Mekong đầy nét huyền bí từ trên cao thượng nguồn xuống các đồng bằng phì nhiêu-hoang sơ-kỳ diệu-thần thánh- đã bị thuần hóa hay còn ở tình trạng nguyên thủy. Dòng sông này đem đến sự sung túc hoặc no đủ cho các sắc dân và là trung tâm của các nền văn minh sông nước như đồng bằng sông Cửu Long.

 Hãy cứ nhìn một vài hoạt cảnh buôn bán, làm ăn ở Cần Thơ với một sự nhộn nhịp đầy sức sống hai bờ sông với chợ nổi, buôn bán hoa quả, rau tươi rồi lúa gạo vvv..

Người viết nhìn cảnh ấy, nhìn lối sống ấy rồi tự hỏi có một ngày nào đó không xa. Dòng sông ấy sẽ cạn kiệt, ruộng vườn  bị nhuốm mặn, đất đai nứt nẻ không canh tác được. Con người lấy gì để sống? Phải đã từng sống ở những nơi ấy hay ít lắm đã nhiều lần đã nhìn, đã nhìn lại những nơi chốn ấy để thấy được những vẻ đẹp của sông nước với con người như hòa vào nhau trong từng cảnh ngộ, trong từng nếp sống dân giã không thể nào phai mờ.

Đôi dòng kết luận về Dòng sông nghẽn mạch

Câu kết thúc ở đây là làm thế nào dòng sông Mekong đem lại phúc lợi cho những người dân quê sống theo dọc dòng sông? Muốn đạt được điều ấy thì phải loại trừ cho bằng được tinh thần Dân tộc chủ nghĩa hẹp hò nơi mỗi quốc gia. Nhưng ai, tác nhân nào có khả năng loại trừ tinh thần dân tộc chủ nghĩa- mà nó giống như một hệ thống giá trị áp bức tâm lý- đè nặng lên tâm tư mỗi người! Nó kềm hãm con người trong sự che đậy những yếu kém, bất lực, nhượng đất, nhượng biển và vẽ ra một ảo vọng anh hùng vốn không có thực. Hoặc một thứ dân chủ giả hiệu bề ngoài.

Đó là những lời tuyên bố muộn màng đầy tính khoa trương, không nhằm mục tiêu đòi lại những phần lãnh thổ hay lãnh hải đã bị mất. Chẳng hạn như hai Hiệp ước ký năm 1999 và năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ nhằm một cách hợp thức hóa những vùng đất và biển đã nhượng cho Tàu. Chẳng hạn mất 200 mét đất tại Đại Nam Quan,  mất ½ Thác Bản-Giốc, nhất là mất 11.000 km2 biển trong vịnh Bắc Việt.

Hiệp ước này được ký tại Hà Nội ngày 30 tháng 12 năm 1999 thành hai bản, một bản tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Sau đó, Hiệp Ước đã được Quốc Hội Việt Nam dưới thời Nông Đức Mạnh  làm chủ tịch, khóa X, thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000.

(Xem Nhân Tuấn, Ngô Quốc Dũng, “Biên giới Việt-Trung 1885-2000. Lịch sử thành hình và những tranh chấp”, nxb Dũng Châu, 2005)

Ông Trương Nhân Tuấn đã đưa ra một nhận xét rất hữu lý là giữa cột mốc biên giới do đồ tuyến vẽ do sở Địa dư Đông Dương năm 1893 thì nay đã có sự di dời các cột môc:

“Nếu người ta so sánh bản đồ 1/100.000 vẽ năm 1893 với bản đò cùng tỉ lệ 10 hay 11 năm sau thì thấy rằng hai bản đồ đó không chồng lên được với nhau. Việc này không lạ nhưng điều đáng ngạc nhiên là vị trí cột mốc không còn trùng hợp. Người ta không có phương tiện nào để làm sáng tỏ sự khác biệt đó.”


(Trương Nhân Tuấn , Ibid, trang 534)

Trên thực tế thục địa, nước Tầu đang bày ra một cuộc chiến tranh môi sinh rất tàn độc, bất chấp luật lệ, bất chấp mọi cảnh báo quốc tế, bất chấp các Hội nghị mà Trung Quốc tham dự cho tham vọng bá quyền nước lớn. Nước Tầu đã phát động “ không tuyên chiến” một cuộc phá hoại môi sinh môi trường với 5 nước ở hạ nguồn mà sự thiệt hại lớn nhất trong 5 nước ấy là Việt Nam ở hạ nguồn. Chỉ cần đưa ra một suy nghĩ nhỏ: mật độ dân số của Việt Nam có nơi là 2500 người/một cây số vuông. Trong khi mật độ dân số của Lào có nơi là 5 người/trên một cây số vuông.

Trong khi ấy, trước đây, người dân Hà Nội ra rả khẩu hiệu tuyên truyền thuộc lòng của Hồ Chí Minh, người lãnh đạo đảng C.S Việt Nam, cũng là người có trách nhiệm lớn nhất nhượng đất, nhượng biển cho Tầu và cũng là tác giả câu, “Các Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta có công giữ nước.”

Thực tế, bác cháu họ không hề giữ nước. Đấy là chưa dám nói bán nước. Nếu có vua Hùng thì cái tội trước vua Hùng của họ là lỗi nặng, không tha thứ được.

Biển Đông dậy sóng
The Economist

Biển Đông dậy sóng để báo động một tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, chủ quyền trên 80% Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò” mà nhiều khu vực lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác. Bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài Quốc Tế The Hague, Hòa Lan bác bỏ “lưỡi bò” của Bắc Kinh. Họ coi Biển Đông như một thứ ao nhà, bất khả xâm phạm và không cần bàn cãi nữa. Lợi ích của Biển Đông không còn thu hẹp vào một số quốc gia trong vùng như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v. mà liên quan đến quyền lợi sống còn của nhiều nước trên thế giới.

Đây là một thách đố táo bạo của Trung Quốc.

Và nay họ đã hoàn tất việc biến 7 bãi đá ngầm tại Trường Sa mà họ đã cướp của Việt Nam năm 1988 thành 7 căn cứ quân sự. Và dưới mắt của Đô Đốc Philip S. Davidson khi ra điều trần trước Quôc Hội Hoa Kỳ, Viên Đô Đốc Hải quân đã tuyên bố: “Chúng ta đã mất Biển Đông”

Vấn đề chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông hay Biển Hoa Đông đụng chạm không phải chỉ các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản mà cả cộng đồng Quốc tế cũng đã lên tiếng. Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ biển bao quanh Trung Quốc.

Trước đòi hỏi “ vô lý” này, chuyên gia Pháp,  bà Valérie Niquet, đứng đầu bộ phận Châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lựợc FRS (Fondation pour la Recherche stratégique) trong dịp trả lời báo La Croix đã cho rằng:

“Chế độ Bắc Kinh suy yếu từ bên trong đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bá quyền để lấy lại tính chính đáng bá quyền trên biển. Cho nên, việc đòi hỏi này nó không có tính chính đáng. Nếu như thế thì Hy Lạp cũng có thể đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung Hải.”


(Les tensions en mer de Chine révèlent la fragilité du pouvoir chinois. La Croix, ngày 16-06-2014)

Phần Trung Quốc, tại dĩễn đàn LHQ, Vương Nghị tuyên bố: “ chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không cần bàn cãi nữa”.

Đi xa hơn nữa, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng cách mang dàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam với lực lượng quân sự bảo vệ hùng hậu chưa từng có trong 30 năm qua. Việc làm đó bất chấp pháp luật Quốc tế, bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới vào ngày 02-06-2014.

Trong khi đó, đã gần hai tháng trôi qua, người dân trông đợi một Nghị quyết của Quốc Hội. Quốc Hội Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng. Thực tế cho thấy, gần 500 đại biểu vẫn giữ thái độ im lặng hầu như không quan tâm gì đến chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

Phần dân chúng thì đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình bạo dộng nhắm vào các cơ sở của Trung Quốc và cả Đài Loan.

(Năm 2007, có 541 cuộc đình công biểu tình. Năm 2008 có 775 vụ. Năm 2011 có 857 vụ).

Ý nghĩa các cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể mang hai bộ mặt hoặc ba bộ mặt cùng một lúc.

  • Bộ mặt thứ nhất: chính quyền cộng sản gián tiếp ủng hộ các cuộc biểu tình trong tinh thần chống Tầu để dằn mặt Trung Quốc đừng làm quá. Mượn tay dân chúng để cảnh cáo Tàu. Đó là cái khôn láu cá của chính quyền. Như hiện nay, 2-2019 cho báo chí nhà nước chửi xả láng Trung Quốc là kẻ xâm lược. Ý đồ gì? Nào ai biết được?
  • Bộ mặt thứ hai: Người đi biểu tình chống chủ nghĩa bành trướng của Tầu là một mặt, nhưng mặt khác họ lợi dụng dịp này chống luôn cả chính quyền cộng sản độc tài như tay sai của Tàu. Vì thế chính quyền tìm cách bắt bớ giam cầm những người cầm đầu các cuộc biểu tình này.
  • Bộ mặt thứ ba: các cuộc biểu tình hàng loạt của toàn tỉnh như tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh hay của các sinh viên Cần Thơ, của công giáo địa phận Vinh, Phật giáo Hòa Hảo. Đây là những cuộc biểu tình mang tính chất chính trị chống Tầu cộng sản như một loại trừ, chọn lựa đi với thế giới Tây Phương. Các cuộc biểu tinh kiểu này làm chính quyền lo ngại nhất chẳng những có thể xảy ra bạo động lớn mà còn có nguy cơ chính quyền không thể kiểm soát được.
  • Nhưng thay vì thừa nhận sự yếu kém, bất lực của chính quyền cộng sản, họ đổ cho Việt Tân gây rối trong các vụ biểu tình nêu trên.

Điều này càng bộc lộ cho thấy tính lưỡng nan của Việt Nam khi phải đối đầu với Trung Quốc. Tính lưỡng nam ấy cho thấy, lãnh đạo Đảng đứng trước hai thực thể: tinh thần dân tộc hay quyền lợi phe đảng? Họ phải  chọn lựa một là quyền lợi dân tộc, hai là quyền lợi của Đảng. Và dĩ nhiên, họ đã chọn Đảng. Họ rơi vào tình trạng khó xử, tiến thối lưỡng nan. Cho nên, không lạ gì khi sang Việt Nam gặp Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương khiết Trì vào ngày 18/6/2014 cho rằng ông sang Việt Nam kỳ này để kéo  đứa con hoang đàng về với Trung Quốc.

Người ta cũng không quên được là Nhật Bản đã cho máy bay cất cánh hơn 400 lần trước những sự cố liên quan đến Trung Quốc.

Trước việc này, giáo sư Thayer đưa ra một lời khuyên:


Việt Nam phải lên tiếng bây giờ nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi.”


( Đài VOA, ngày 27/6/ 2014)
Nạn nhân thường trực của Trung Quốc: dân chài lưới.

Trong một tài liệu nhan đề: Chronologie non exhaustive des agressions chinoises sur les pêcheurs du Centre Viet Nam (2002-2014), 09-06-2014, tác giả André Menras-tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, một nhà sưu tầm độc lập đã lập một danh sách đầy đủ tất cả nhũng thuyền đánh cá của dân miền Trung trong suốt các năm từ 2002 đến tháng 6-2014 bị tầu Trung Quốc phá hoại như thế nào.

 Đôi dòng giới thiệu về ông Hồ Cương Quyết (Nguồn: Facebook Nhật ký yêu nước)

Các tài liệu do ông Hồ Cương Quyết ghi chép lại một cách tỉ mỉ cẩn thận giúp tạo thành một hố sơ về sự bạo hành xủa Tầu cá Trung Quốc đối với ngư dân miền Trung, nhất là tại đảo Lý Sơn. Đây đều là tài liệu chính thức do trạm gác biên giới 328 của quận Lý Sơn ghi lại. Một số khác do các báo Tuổi Trẻ, Thanh niên, Vietnam.net, Pháp luật, Dân Trí, Sàigon tiếp thị, Lao Động và BBC. Những tài liệu này do vậy không đầy đủ, vì nhiều trường hợp “nhạy cảm” , nhà cầm quyền đã không cho phổ biến trong khi dân chài lưới chịu trận không có phương tiện ghi chép lại.

Người dân chài chịu thiệt thòi mất tài sản, mất tầu cá do tầu hải cảnh hay tầu cá bọc sắt đâm thủng mà không cầu cứu vào ai, không được đền bù vì chính quyền Việt Nam vẫn luôn luôn “Hèn với giặc, ác với dân”.

Họ và gia đình họ là những nạn nhân thật sự của một chính sách khủng bố chính trị nhằm loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của các dân đánh cá miền Trung vốn không được bảo vệ và thay thế vào đó là các thuyền đánh cá thường là Tầu sắt của Trung Quốc được trang bị đầy đủ.

Cho đến hiện nay, các tổ chức Quốc Tế như cơ quan Amnesty international được kêu gọi lên tiếng trước sự đối xử tàn bạo của tầu cá Trung Quốc, đã không có hành động gì cụ thể.

Phần chính quyền cộng sản Việt Nam vốn hèn chẳng những đã không bảo vệ các Tầu cá VN, ngay cả không dám tập trung họ lại để lên tiếng phản đối chính thức Trung Quốc trươc các Tòa án Quốc tế về quyền của họ trên biển.

Nói chung từ 2002-2014, có khoảng 2000 dân chài lưới là nạn nhân của sự bạo hành từ phía Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Nhiều người đã bị chết, những người khác đã bị mất hết tài sản, mất cả tương lai, sức khỏe và mất cả con cái.

Theo tài liệu của ông Hồ Cương Quyết ở trên thì các vụ bạo hành gia tăng kể từ năm 2008 và tiếp tục gia tăng mạnh từ các năm 2010-2011-2012-2013..Nhiều thuyền đánh cá còn ghi lại số hiệu thuyền của Tầu Trung Quốc. Nhưng nếu có thông báo tin tức thì thường ghi là bị “ tầu lạ” “ nước lạ” đâm thủng mà không dám thẳng thừng hài tên tầu Trung Quốc.

Vào tháng tư-2014, Hải quân vùng Thượng Hải đã tịch thâu một thương thuyền của Nhật và nại cớ thời chiến tranh đã phá hủy hai Tầu thuyền của Trung Quốc. Họ đòi bồi thuongf thiệt hại lag 30 triệu Đô la. Nhật đã phải trả số tiền bồi thường đó.

Nếu như thế thì hàng trăm Tầu cá của ngư dân miền Trung bị đánh chìm cũng như các tầu chiến của Hải quân bị phá hủy thì chính quyền Trung Quốc phải bồi thường bao nhiêu cho đủ về những thiệt hại vật chất, mạng người cũng như công ăn việc làm của ngư dân trong nhiều năm nay?

Bao lâu chưa trả lại cho Việt Nam quần đảo Hoàng Sa thì mọi con đường đi đến thương thuyết đều thất bại và chỉ là một ảo tưởng, một giải pháp tạm thời.

Kết luận về tranh chấp tại Biển Đông.

Từ chữ “ Mer de Chine” đổi ra “ Mer de la Chine” dù chỉ thêm một chữ nhỏ, nó hàm chứa một tham vọng lớn. Trong tương lai, tham vọng làm bá chủ Biển Đông còn là bài toán thử khả năng ứng sử và đoàn kết của các nước trong vùng và nhất là ngoài vùng.

 Bài toán thử ấy nay cho thấy không đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc mà chỉ làm lộ diện tham vọng của họ. Hoa Kỳ nay có nhiều lợi thế và nỗ lực để chính phủ Hoa Kỳ chiếm lại vai trò chủ động trong vùng trong chính sách xoay trục từ thời Obama. Nước Anh là nước đồng minh cố cựu của Hoa Kỳ nay cũng muốn nhập cuộc, đi tìm các căn cứ quân sự ở các nơi trước đây vốn là thuộc địa của Anh.

 Đó là cái thế cô lập của Trung Quốc khó mà mua chuộc được các nước khác làm đồng minh. Tình trạng ấy cũng báo động một tương lai không sáng sủa cho sáng kiến chiến lược về một con đường tơ lụa kiểu mới.

Trong việc tranh chấp ở Biển Đông- một thứ Địa Trung Hải của  miền Đông Nam Á- xét về mặt lịch sử, xét về  mặt công pháp quốc tế, xét về mặt di sản để lại trong quá khứ, biển đó không thuộc đặc quyền của Trung Quốc dù chỉ là trên danh nghĩa…

 Nó thuộc tài sản chung trước hết là cho những nước có bờ biển tiếp giáp, sau đó đến cộng đồng Quốc tế ngày càng gia tăng các chuyến đi lại ở vùng biển này.

Nhưng nếu nói  riêng về các quần đảo thì ngay trước thời kỳ thuộc địa(Période précolonial), các quần đảo ấy đã thuộc về chủ quyền không chối cãi được của Việt Nam.

Các Chúa Nguyễn những năm 1702 đã gửi các thanh niên ra Hoàng Sa, còn được gọi là Cát Vàng, thuộc làng An Vinh mà nay các hậu duệ của họ còn sinh sống tại Ly Sơn.. Và hàng năm các nhà Chúa vẫn gửi các thanh niên  ra các quần đảo đó thu nhặt những vật liệu trôi dạt vào bờ cũng như những sản phẩm từ biển.

Đến thời các vua nhà Nguyễn- Gia Long 1816 tuyên bố chủ quyền của Hoàng đế Annam trên quần đảo còn được gọi là Cát Vàng. Minh Mạng 1833-1836 cho xây một ngôi đền, cho dựng một tấm bia chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam cũng như cho trồng cây. Tự Đức- 1867- đã ban danh chữ anh hùng cho những binh lính đã chết trên hành trình ra Hoàng Sa..

Và biết bao nhiêu hành vi mang ý nghĩa một nước của các nhà vua để chứng minh một cách trọn vẹn chủ quyền của nhà vua Annam mà không có bất cứ một phản kháng nào từ bất cứ Quốc gia nào.

(Xem thêm “André Menras : « Tâche D’huile » Et « Coups De Bélier » – L’affaire De La Plateforme De Forage Chinoise”. Mémoires d’Indochine, 30/05/2014.)

Sau này, từng bước một như vết dầu loang về mặt chiến thuật, nước Trung Hoa cứ lợi dụng những giai đọan có khoảng trống hoặc yếu kém để lợi dụng xâm chiếm như khi người Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, người Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1974.

Về điều này, cặp bài trùng Nixon-Kissinger đã bỏ mặc cho Tầu xâm chiếm các quần đảo nằm 1974, mặc dầu có hạm Đội 7 gần kề. Kissinger viết,

“Lập trường của Mỹ là không ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của VNCH về các đảo.”


(Foreign relations of the United States 1969-1976; volume VIII; China 1973-1976: Document 66).

Hoặc lợi dụng sự yếu kém của miền Bắc khi không còn được sự hỗ trợ của Liên Xô cuối những năm 1970, v.v..

Chiến thuật vừa đánh, vừa đàm, vừa chia rẽ hoặc từ chối trọng tài quốc tế hay sự can thiệp đàm phán đa phương.. Đó là những sách lược quen thuộc mà người Tầu trong ngoại giao thường đêm ra áp dụng.

Ở biển Đông, quyền lợi của Việt Nam là sinh tử về nhiều mặt, trong đó có mặt lịch sử nữa. Nhưng quyền đi lại giao thông hàng hải của của các nước tư bản trên toàn thế giới sẽ gánh cái trách nhiệm mà Việt Nam không thể gánh nổi so với Trung Quốc. Cuộc chiến trên biển phần lớn dựa vào sức mạnh khí tài, khả năng đáp ứng mau lẹ và hiệu quả. Việt Nam tỏ ra  đi chậm trong việc phòng thủ biển mà nay đang phải gấp rút ngắn thời gian bằng cách mua các khí tài của nhiều nguồn cung câp.

Phần Trung Quốc, để lấn ép đàn em láng giềng, thường ra lời dọa dẫm đòi bồi hoàn các chi phí cung cấp võ khí trong cả hai cuộc chiến mà số tiền tổng cộng tính ra 870 tỉ Đô la. |Lấy gì mà trả?

Tất cả bài toán cho Việt Nam là tạo ra những liên minh kinh tế, quân sự và ngoại giao để không phụ thuộc vào nước nào. Cái mà ta gọi là định vị và soay chuyển cho thích hợp từng giai đoạn.

Trong cái định vị lại quan trọng nhất là cần nhất thiết thoát ra khỏi cái móng vuốt của Trung Cộng. Muốn thế, Việt Nam cần tạo một thế dân chủ để được sự ủy nhiệm và tin tưởng của dân chúng. Điều này nhà cầm quyền Việt Nam đang làm ngược lại; họ theo hướng của Trung Quốc.

Nước Tầu yếu vì không được lòng dân. Việt Nam cũng vậy.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể.lệ.trích.đăng.lại.bài.từ.DCVOnline.net


Nguồn:  DCVOnline đề tựa, biên tập, minh họa và phụ chú.