Trương Nghệ Mưu tạm đầu hàng?

Christopher Orr – Trà Mi

Đạo diễn nổi tiếng trở thành người biện hộ cho cộng sản Trung Hoa?

Chính xác, Zhang Yimou (Trương Nghệ Mưu) đang định nói với chúng ta điều gì? Sau bao nhiêu năm làm phim về sự đàn áp và bất công trong xã hội Trung Hoa – Ju Dou, Cúc Đậu; Raise the Red Lantern, Treo đèn lồng đỏ – Zhang Yimou luôn gặp phiền toái, phải thường xuyên đối đầu với sở kiểm duyệt Trung Hoa. 

Năm 2002 Trương Nghệ Mưu làm cuộn phim thiên hùng ca võ hiệp đồ sộ Anh Hùng (Hero) và đây lại là một bài tán tụng chủ nghĩa độc tài và chính sách “một Trung Hoa ” (Luận điệu nhàm tai “ổn định chính trị” của độc tài cộng sản – TM) nô dịch hoá Tây Tạng (Tibet) và Đài Loan (Taiwan). Người ta dường như đều công nhận Zhang Yimou làm phim Hero này như là một đầu hàng tạm thời, là một cách để nhà nước cộng sản tha cho, không làm khó dễ thêm nữa. Và quả thật như thế, phim tiếp theo của Trương Nghệ Mưu là anh hùng ca Shi Mian Mai Fu (Thập Diện Mai Phục hay tên Anh ngữ là House of Flying Daggers – TM). Thập Diện Mai Phục ngầm bảo rằng tình yêu hay sự phản bội của từng cá nhân còn quan trọng hơn những xung đột giữa các đạo quân của thiên triều.

Tài tử trong phim Mãn thành tận đái hoàng kim giáp – Áo giáp vàng phủ kín cả thành đô. Nguồn: ent.sina.com.cn

Tuy nhiên, một lần nữa, Zhang Yimou lại đầu hàng nhà nước cộng sản Trung Hoa qua tác phẩm mới nhất có tựa đề Curse of the Golden Flower (Lời nguyền rủa của hoa cúc vàng hay Mãn thành tận đái hoàng kim giáp(1) [Man cheng jin dai huang jin jia – Áo giáp vàng phủ kín cả thành đô – TM]; Không lộ liễu khấu đầu trước bạo lực như phim Anh Hùng, nhưng khán giả xem phim khó mà không nhìn ra những điểm tương tự: một bạo chúa khác, một anh hùng nổi loạn khác, một âm mưu láu cá khác – và một kết luận đạo đức, tốt lắm cũng chỉ là đạo đức mù mờ.

Có lẽ Zhang Yimou hiểu thông điệp của truyện phim đen tối nên đã dùng màu sắc sáng rực rỡ như ông thường sử dụng để gây ấn tượng đến hoa mắt (như đã dùng trong hai phim Cúc Đậu và Anh Hùng – TM), nhưng với người xem đây là một chịu đựng gần như bị đấm vào mắt.
Khung cảnh chuyện phim là hoàng cung nhà Đường (Tang) vào năm 928 sau công nguyên, một cung điện lớn xây bằng thuỷ tinh, màu vàng chanh, màu hồng dưa hấu, màu đỏ kẹo táo.

Hoàng hậu (Gong Li). Nguồn: sonyclassics.com

Đời sống trong hoàng cung chẳng có gì là hạnh phúc. Bị hoàng đế Ping (Chow Yun-Fat, Châu Nhuận Phát) cho rằng bà bị bệnh thiếu máu (thiếu hồng huyết cầu), hoàng hậu Phoenix – Phượng Hoàng (Gong Li, Củng Lợi) phải uống dược trà mỗi hai giờ, năm này qua năm khác. Về sau, hoàng đế ra lệnh cho thêm nấm độc vào trà để hoàng hậu chết dần mòn. Nguyên nhân của cuộc tình không hạnh phúc này chưa khi nào được nói thẳng, nhưng người ta cho rằng cớ sự xảy ra vì hoàng hậu đã ngoại tình từ 3 năm qua với hoàng thái tử Wan – Nguyên Tường (Liu Ye, Lưu Diệp thủ diễn), con của hoàng đế với vợ trước. Trong khi ấy, hoàng tử thứ nhì, con với hoàng hậu hiện tại, tên Jai (Ca sĩ Đài Loan nổi tiếng Jay Chou, Zhou Jie Lun hay Châu Kiệt Luân thủ diễn) vừa trở về từ chiến trận. Hoàng tử Jai bị vua cha đưa ra mặt trận vì phạm tội mà phim truyện không tiết lộ. Quay về vòng tay của mẹ, chẳng mấy chốc hoàng tử Jai trở thành một thế lực tiếp tay cho âm mưu lật đổ vua cha. Bên lề những cuộc tranh chấp này là hoàng tử Yu – Nguyên Thành, em thứ ba (Junjie Qin, Tần Kiệt Tuấn) âm thầm ôm hận không ai để ý tới mình.

Đạo diễn Zhang Yimou để cho các phe phái tranh giành quyền lực lộ diện từ từ, với những cái liếc mắt thâm độc hay những bùng phát cuồng dại đầy cảm tính của từng vai tuồng.

Không phải là loại võ hiệp đấu đá như Hero, cũng không phải là chuyện tình phiêu lưu ướt át như Thập Diện Mai PhụcLời nguyền rủa của hoa cúc vàng tự nó xếp mình vào một loại kịch mê lô kiểu Shakespear. Tài nghệ diễn xuất của các diễn viên thượng thặng như Gong Li và Chow Yun-Fat rất đạt. Tuy nhiên, cả hai, Củng Lợi và Châu Nhuận Phát, đều không nổi lên như một con người riêng biệt.

Cung tần mỹ nữ.Nguồn: imdb.com

Dù tình tiết truyện phim tròng chéo trên tròng chéo, nhưng không chi tiết nào thân tình hay đáng ngạc nhiên như hai thiên hùng ca trước của Trương Nghệ Mưu. Và cũng không có nhiều đoạn tranh đấu thư hùng; Mãi đến nửa phim mới xuất hiện toán ám sát hắc y tay cầm lưỡi hái và mác, phóng từ đỉnh trời xuống như loài nhện độc. Toán ám sát sau đó phải đương đầu với đội quân hoành tráng mặc giáp vàng, và đạo quân này sẽ lại giao tranh với đoàn quân mặc quần áo bạc. Khung cảnh biển người hùng vĩ người như thế là những đoạn phim thật bắt mắt, nhưng đang trở thành nhàm chán trong thời đại phim ảnh số, không còn sức gây kinh ngạc cho khán giả.

Tuy có những thiếu sót như thế, Curse of the Golden Flower là một truyện phim đủ để giải trí, hơi nhạt so với 2 phim trước – hơi dễ dãi để truyện phim và cảnh đấu đá nhường bước cho màu sắc, y trang và hậu cảnh. Kết luận của cuộn phim đã đục phá mọi tín nhiệm từng có, cống hiến một bài học không vừa lòng khán giả về mặt tình cảm và lại lộn xộn ở mặt đạo đức.
(Lời nhắn: không nên đọc tiếp nếu muốn xem phim).

Cuối cùng, cuộc nổi loạn do hoàng hậu Phoenix và hoàng tử Jai chủ mưu bị hoàng đế dập tắt một cách thô bạo. Hoàng đế chấp nhận tha tội cho hoàng tử Jai với một điều kiện: chính hoàng tử phải dâng độc dược trà cho mẹ đến khi hoàng hậu chết. Lựa chọn của hoàng tử Jai là rút kiếm tự sát sau khi xin lỗi đã không cứu được mẹ; hoàng hậu trở nên người mất trí. Hai hoàng tử khác cũng đã chết (hoàng tử út bị chính vua cha rút dây lưng đánh cho đến chết), còn lại một mình hoàng đế chiến thắng, quang vinh trên ngai vàng đẫm máu.

Ngoài chính kết luận, hoàn toàn không thoả đáng này của truyện phim, có lẽ không còn thông điệp nào khác. Nhưng với những ai đã xem Anh Hùng những tương đồng trong chủ đề hai phim không còn là điều cần tranh luận. Curse of the Golden Flower là bi kịch gia đình thay vì là một bi kịch địa lý-chính trị như phim Anh Hùng, hoàng đế ở phim này không phải là một bạo chúa diệt chủng. Tuy nhiên, dưới lớp áo mỏng của một quân vương nhiều xúc cảm là một quái vật chủ mưu giết vợ, vợ trước và cả vợ sau (chưa kể tới những tội ác khác). Nếu so sánh Hoàng đế nhà Đường này với Rudy Giuliani (thị trưởng thứ 107 của New York, 3 đời vợ, sau bị liệt dương vì điều trị ung thư tiền liệt tuyến – TM) có lẽ ông cựu thị trưởng Mỹ là người chồng lý tưởng. Đúng thế, tuy được xem như vai lương thiện hơn các kẻ thù khác trong phim, hoàng đế, không còn nghi ngờ gì, chính là một vai sát nhân tàn độc nhất trong cả chuyện phim.

Cũng như trong phim Anh Hùng, bạo chúa nhà Đường suýt nữa đã bị một dũng sĩ trẻ trung lật đổ ngai vàng vì mục đích cao quý (tình yêu nước trong phim trước, tình yêu mẹ ở phim này). Nhưng, một lần nữa, người dũng sĩ can trường lại thảm tử, không chỉ chết cái chết bình thường mà chết như truyện phim cho là đáng chết. Cái chết của hoàng tử Jai có lẽ có tiếng vang bi thảm hơn sự hy sinh kỳ quái của dũng sĩ Vô Danh trong phim Hero, nhưng nó vẫn không được được xem là cái chết bất công. Trước khi tự sát, hoàng tử Jai nói, “Tôi vẫn biết đây không phải là một cuộc chiến tôi có thể thắng được”.

Tưởng Nga, con gái quan Ngự y, và Thái Tử Nguyên Tường (Li Man và Liu Ye). Nguồn: sonyclassics.com

Có phải đây là thông điệp Zhang Yimou mong gởi đến khán giả nước ông về giá trị của sự bất đồng quan điểm? Đây cũng là một tố cáo khá nặng nề cho một người đã từng là một cá nhân hầu như-bất đồng quan điểm như Trương Nghệ Mưu. Nhưng đánh giá Zhang thế này, dù khó, nhưng vẫn có thể hiểu được. Zhang Yimou, nói gì thì nói, đã có vị trí ngon lành lắm sau cú đầu hàng nhà nước bằng cuộn phim Anh Hùng. Đó là phim thành công nhất, hốt bạc nhiều nhất lịch sử điện ảnh Trung Hoa. Tiếng dội của Hero hay Lời nguyền rủa của hoa cúc vàng được thực hiện với ngân sách khổng lồ, lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, cho phép Zhang thuê hàng ngàn diễn viên phụ và xây dựng diễn trường vĩ đại ngoài trời làm hậu cảnh cung điện. Tuy nhiên, ấn tượng nhất và có lẽ cũng là chỉ dấu rõ nhất, Trương Nghệ Mưu đã được Bắc Kinh chọn làm đạo diễn (cùng với đạo diễn múa Zhang Jigang của quân đội Giải phóng Nhân dân) lễ khai mạc Thế Vận Hội Beijing 2008, một màn trình diễn mà Trung Hoa đánh giá cao nhất hiện nay. Cái ghế đồng đạo diễn lễ khai mạc Thế Vận Hội có đủ để Zhang Yimou làm phim lấy lòng đảng cộng sản?

Hai lần, trong mười phút đầu phim, Zhang cho tuyên bố tinh thần chính của truyện phim. Lần đầu, trong lời đối thoại giữa hoàng hậu Phoenix và hoàng thái tử Wan. Hoàng hậu khẳng định “Nhiều việc có thể thay đổi được”, nhưng Wan đã phản biện, “Thực ra, không điều gì có thể đổi thay được”. Một lát sau, hoàng đế lên lớp hoàng tử Jai, “Có nhiều vật trên thiên đàng và và hạ giới, nhưng con chỉ có thể có những gì ta ban cho”. Xếp lại gần nhau, những mẩu đối thoại này đưa cho khán giả một thông điệp rõ ràng: Hãy vui nhận những gì nhà nước ban cho vì các ông bà có làm gì cũng không thể thay đổi cục diện.

Thật là khó để không hiểu đây chính là thông điệp bảo kê trấn an cho giới độc tài Trung Hoa và lời cảnh cáo ngầm gởi đến tất cả những ai có ý đồ đối lập.

Nhận định của Trà Mi

Trước khi bàn đến tình ý của Trương Nghệ Mưu xin có vài hàng về nghệ thuật y trang của phim Curse of the Golden Flower. Yee Chung Man đã được đề cử giải Thiết kế Y trang cho phim này tại Liên hoan phim Oscar 2007.

Ngân sách lần này đến 45 triệu đô-la nên Zhang Yimou sài xả láng và có lẽ đã đi quá trớn và hơi chệch hướng. Y trang của nam diễn viên có phần bị ảnh hưởng mão, giáp của sĩ quan (samurai) Nhật trước thời kỹ nghệ hoá. Trang phục cho nữ tài tử rõ ràng ảnh hưởng cách phục sức của châu Âu thời Phục Hưng, nhất là phần từ eo trở lên. Trong phim này Trương Nghệ Mưu đã quá tay, bóp cam Trung Hoa thành bưởi Hong Kong, coi xốn con mắt. Về điểm này, Củng Lợi đã lên tiếng bào chữa cho người yêu cũ, “Y trang như thế mới hợp với phụ nữ Á châu”. Chắc không mặc áo như thế thì Gong Li sợ khán giả nhìn nữ tài tử, sau lưng hay trước mặt cũng như nhau, đều như “chiều phi trường” cả?

Trương Nghệ Mưu và Hoàng đế (Châu Nhuận Phát). Nguồn: sonyclassics.com

Xem xong phim khán giả sẽ nhớ được bao nhiêu tình tiết éo le của truyện, nhớ được mấy đường thương, mũi kiếm tuyệt diệu, những cú phi thân ngoạn mục hay còn sót lại chỉ toàn là cam với bưởi trắng phau phau? Y trang của phim Hoàng Kim Giáp có khả năng phản tác dụng, xoá nhoà giá trị mà Trương Nghệ Mưu định chuyển tải.

Về mặt nội dung, cái ông đạo diển nổi tiếng của Trung Hoa này làm phim truyện nhà Đường và nói chuyện không chỉ ở bên tàu mà còn là chuyện của bên ta.

Bạo chúa nhà Đường bỏ vợ trước, giết vợ sau. Lịch sử thường hay lập lại, nhưng quái lạ, nó lại lập lại ở nước Việt Nam dưới đời nhà Hồ (không phải nhà Hồ đầu thế kỷ XV mà ở thế kỷ XX). Cũng chuyện hôn quân lăng nhăng nhiều thê lắm thiếp, giết vợ bỏ con và những tội ác giết nhiều người khác trong Cải cách ruộng đất, Tổng công kích Mậu Thân, …

Biên tập viên Christopher Orr của tờ The New Republic, và có lẽ nhiều bạn đọc/khán giả khác cũng phải đổ quạu với Zhang Yimou vì lấy điểm với Bắc Kinh nên hù doạ người đối lập, bất đồng quan điểm ngay giai đoạn lịch sử mà dân chủ đã là xu thế toàn cầu.

Trương Nghệ Mưu hù doạ bà con hay trong những phim ảnh đó cũng có chút nào sự thật?
Trong phim Anh Hùng (dựa theo Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên) thích khách Vô Danh vì sự “ổn định chính trị” đã chọn cái chết lãng xẹt: nhận trăm mũi tên bắn vào người sau khi từ khoảng xa 10 trượng đã chọc đuôi kiếm vào ba sườn nhưng lại tha chết cho Tần Thuỷ Hoàng! Vô Danh được đem đi chôn như một anh hùng có phải là một điều an ủi?

Trong Lời nguyền rủa của hoa cúc vàng, Trương Nghệ Mưu làm tới luôn, cho tất cả những thế lực thù nghịch với hoàng đế và bọn diễn biến hoà bình chết toi và chết tiệt. Thái tử Wan, nhu nhược, bất nghĩa, hai mang – vừa trèo lên giường mẹ kế, vừa làm chuyện mây mưa với con gái ngự y và cũng muốn leo lên ngai hoàng đế. Thái tử vừa đánh răng vừa huýt sáo hay vừa làm cách mạng và lại muốn đổi mới nữa. Chung cuộc, Nguyên Tường bị phế rồi bị hoàng tử út đâm chết để đòi ngai vàng. Hoàng đế Ping nổi nóng rút giây lưng quần đánh con út luôn một trận cho thịt nát xương tan. Hoàng tử Jai, không đầu hàng, xin tạ lỗi vì đã không cứu được mẹ, rồi rút gươm tự sát. Hoàng hậu hoá ra người mất trí.

Đấy là chuyện trong phim tàu. Chuyện thật ở nước ta không hẳn như thế dù Zhang Yimou hay Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng có hù doạ hay không. Việt Nam ở đầu thế kỷ 21 có nhiều “hoàng tử Jai”: có người hiên ngang hô “Đả đảo triều đình” ngay trước vành móng ngựa, có kẻ tay còng chân xích dũng cảm bước vào nhà giam, không viết giấy đầu hàng, cũng không đọc lời thú tội, nhiều “hoàng tử Jai” vô danh khác đang ở trong tù hay đang âm thầm tranh đấu đòi thay đổi, đòi công bằng, đòi dân chủ tự do.
Những “hoàng tử Jai” của Việt Nam thế kỷ 21 sẽ không xem lời hù doạ của Zhang Yimou có kí lô nào hết. Họ đơn thuần là những người đòi quyền bình đẳng, không chấp nhận tha cho bạo chúa để bị giết chết rồi đem chôn như một “anh hùng” vô danh trong phim Hero. Họ cũng không chấp nhận đầu hàng bạo lực – dù đầu hàng tạm thời hay đầu hàng vĩnh viễn.

Những người chấp nhận đầu hàng hay đang đánh đu với bạo chúa ở Việt Nam hiện nay được những gì? Có được hứa cho ghế nào ở quốc hội khoá 12 hay không? Trong họ có ai được bọn độc tài ban cho ân sủng nào khác hay giỏi nhất cũng chỉ được cho ăn những cái bả vinh danh nhảm nhí, vẫn bị đối xử phân biệt, vẫn bị truy bức và sách nhiễu thường xuyên hay tệ hơn nữa vẫn ngồi bóc lịch trong tù.

Trương Nghệ Mưu đã cho diễn rất đạt cảnh cảnh vợ tố chồng, con chống cha, gia nhân chống chủ, em giết anh và quân đội đánh nhau với ngự lâm quân. Đó chính là kết quả tất yếu của phong kiến, độc tài, hôn quân bạo chúa – một xã hội vô đạo đức, loạn luân, bất nhân phi nghĩa.

It nhất, Zhang Yimou đã so sánh và khẳng định lãnh đạo độc tài cộng sản như bạo chúa diệt chủng, là hôn quân sát nhân tàn độc để quang vinh trên ngai vàng đẫm máu.
Tự do, thời đại nào cũng thế, không phải và không thể nào là chuyện xin-cho.

© 2007-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Has a famous Chinese filmmaker become a government apologist? – All about face, by Christopher Orr, TNR Online | Đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 21/04/2007.

(1) Tựa phim (tiếng Hán) Mãn thành tận đới hoàng kim giáp là câu cuối trong bài thơ Đường Bất đệ hậu phú cúc tả hoa cúc vào ngày hội Trùng dương (9 tháng 9), của Hoàng Sào, một lãnh tụ khởi nghĩa nông dân nổi tiếng trong thời kỳ cuối của nhà Đường. Hoàng Sào ví hoa cúc là áo giáp vàng. Như thế tựa đề phim có nghĩa là hoa cúc vàng che phủ cả thành phố (kinh đô Tràng An)

不第后赋菊
作者: 黄巢
待到秋来九月八,
我花开后百花杀。
冲天香阵透长安,
满城尽带黄金甲。

Bất đệ hậu phú cúc
Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai hậu bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành tận đới hoàng kim giáp

Chrysanthemum
When autumn comes on Double Ninth FestivalMy flower [the chrysanthemum] will bloom and all others perish.When the sky-reaching fragrance [of the chrysanthemum] permeates Chang’an,The whole city will be clothed in golden armour.(Nguồn: wikipedia.org)
Tạm dịch nghĩa là

Hoa Cúc
Khi mùa thu đón hội Trùng dương
Hoa (cúc) anh nở thắm, tàn hoa khác
Hương hoa bay vượt khắp Tràng An
Kinh thành sẽ phủ hoàng kim giáp

Trong bài Tạp Ghi Quỳnh Giao: Gong Li mạ vàng (Người Việt Online, 18/4/2007), tác giả Quỳnh Giao cho rằng:

Tựa đề cuốn phim lấy cảm hứng từ một bài thơ nổi loạn hay làm loạn của Hoàng Sào viết về hoa cúc để nói về giấc mơ làm chúa của mình. Bài “Ðề Cúc Hoa” có hai câu kết: “Năm tới mà ta làm hoàng đế thì truyền cho (hoa cúc) cùng nở với hoa đào ở khắp nơi”.

Bài “Ðề Cúc Hoa”, ngoài tựa đề nói đến “cúc hoa”, 28 chữ, cả bài thơ chỉ nói tới “hoa đào”; nguyên bản bài thơ của Hoàng Sào như sau:
题 菊 花

黄 巢
飒飒西风满院栽,
蕊寒香冷蝶难来。
他年我若为青帝,
报与桃花一处开。

Đề cúc hoa
Táp táp tây phong mãn viên tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai

–Dịch nghĩa–

Viết về hoa cúc
Gió tây thổi ào ạt trong vườn hoa mới nởNhị khô hương lạnh bướm khó bay đếnNăm khác nếu ta làm chúa xuânsẽ truyền cho hoa đào nở ở cùng một chỗ đây.
–Bản dịch của Khương Hữu Dụng–
Vi vút đầy vườn thổi gió tây,Nhuỵ rầu hương lạnh bướm khôn bay.Nếu xuân năm tới ta làm chúa,Truyền với hoa đào nở khắp đây.

Bản dịch của Song Nguyễn HànTú
Hoa Cúc
Gió Tây lồng lộng rít quanh nhà
Hương nhụy lạnh lùng bướm ngại qua
Ví thử được trời phong hoa chúa
Truyền cùng khoe sắc với đào hoa
(Nguồn: hoasontrang.us)