Stanislav Petrov, ‘Người đã cứu thế giới,’ vừa qua đời

Greg Myre (NPR) | DCVOnline

Stanislav Petrov là một trung tá trong Lực lượng Phòng không Liên Xô, và công việc của ông là giám sát hệ thống vệ tinh tìm và báo động khi thấy bất kỳ vũ khí hạch tâm nào có thể được Mỹ phóng lên.

Stanislav Petrov, một cựu sĩ quan quân đội Liên Xô, ngồi tại nhà riêng gần Moscow vào năm 2015. Năm 1983, ông đang ở trạm trực khi vệ tinh báo động sớm của Liên Xô đưa tín hiệu Hoa Kỳ đã bắn vũ khí hạch tâm vào Liên Xô. Ông nghi ngờ đúng, đó chỉ là một báo động sai và không lập tức báo lên thượng cấp. Petrov qua đời ở tuổi 77. Nguồn: Pavel Golovkin / AP

Ông đang trực ca đêm vào sáng sớm ngày 26 tháng 9 năm 1983, khi những máy tính phát thanh báo động,  ầm ĩ  là Hoa Kỳ đã phóng 5 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có trang bị vũ khí hạch tâm. Petrov nói với BBC năm 2013,

“Tiếng còi hú, nhưng tôi chỉ ngồi đó trong vài giây, nhìn chằm chằm vào chữ ‘phóng’ trên màn hình lớn, đỏ rực.”  

Stanislav Petrov, 2013

Đó đã là một khoảnh khắc căng thẳng tột độ trong Chiến tranh Lạnh. Vào ngày 1 tháng 9 năm đó, Liên Xô đã bắn rơi một chiếc máy bay của Hãng hàng không Nam Hàn bay lạc vào không phận Liên Xô, giết tất cả 269 hành khách và phi hành đoàn, có cả một dân biểu Hoa Kỳ. Sự kiện này đã khiến Hoa Kỳ và Liên Xô lên tiếng cảnh cáo và đe dọa lẫn nhau.

Petrov đúng ra đã phải có hành động nhanh chóng. Hỏa tiễn của Hoa Kỳ có thể rơi xuống Liên Xô chỉ sau hơn 20 phút.

Petrov nói với BBC,

“Không có điều khoản nào về thời gian chúng tôi được phép suy nghĩ trước khi báo lên thượng cấp khi có hỏa tiễn tấn công. Nhưng chúng tôi biết rằng mỗi giây chần chừ lấy đi thời gian quý giá, và ban lãnh đạo chính trị và quân sự của Liên Xô cần được báo cáo không chậm trễ. Tôi chỉ cần nhấc điện thoại; đường giây gọi thẳng đến những vị chỉ huy cao nhất của chúng tôi —  nhưng tôi không thể di chuyển tôi cảm thấy như mình đang ngồi trên chảo dầu sôi.”

Stanislav Petrov, 2013

Petrov cảm thấy có gì đó không được ổn.

Ông đã được huấn luyện để đợi một cuộc tấn công hạch tâm toàn diện từ Hoa Kỳ, vì vậy có vẻ lạ khi hệ thống vệ tinh chỉ phát giác một vài hỏa tiễn phóng đi. Và hệ thống báo động này này khá mới. Ông không hoàn toàn tin vào nó.

Chuyên gia kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis thuật lại sự kiện đó trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm ngoái với NPR:

“[Petrov] chỉ có cảm giác rằng có gì đó không đúng. Chỉ có 5 hỏa tiến phóng đi. Có vẻ như không đủ. Vì vậy với tất cả những nghi thức phải làm đã được huấn luyện thì ông ấy đã phải báo ngay lên cho thượng cấp, và như thế, ngày nay có lẽ chúng ta đang nói chuyện về đại chiến hạcch tâm năm 1983, nếu trong chúng ta có người còn sống sót.”

Jeffrey Lewis, 2018

Sau vài phút lo âu, Petrov đã không báo cho thượng cấp là máy tính đã báo động có hỏa tiễn của Mỹ phóng đi. Ông đã xem lại coi máy tính có bị trục trặc không.

Ông đã đoán đúng. Năm 2013, Petrov kể lại,

“Hai mươi ba phút sau tôi biết rằng không có chuyện gì xảy ra. Nếu có một cuộc tấn công thực sự, thì tôi đã biết về điều đó. Đúng như đã trút được gánh nặng ngàn cân.”

Stanislav Petrov

Sự kiện 1983 đó và cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba năm 1962 được coi là thời điểm hai nước Mỹ và Liên Xô đã gần đi đến chiến tranh hạch tâm. Và trong khi cuộc Khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba đã được soi rọi kỹ lưỡng thì hành động của Petrov lại ít được quan tâm đến hơn.

Theo những bản tin  hôm thứ Hai, 23 tháng 9, 2019, Petrov đã qua đời vào ngày 19 tháng 5, 77 tuổi, ở một vùng ngoại ô ngoại ô Moscow. Ông đã nghỉ hưu từ lâu và sống một mình. Tin về cái chết của ông dường như không được ai biết tại thời điểm đó.

Karl Schumacher, một người hoạt động chính trị — đã nhắc lại và nhấn mạnh về tầm quan trọng của hành động của Petrov trong những năm gần đây — đã cố liên lạc với Petrov để chúc ông một sinh nhật hạnh phúc. Nhưng Schumacher chỉ gặp được Dmitri, con trai của Petrov, và được cho biết Petrov đã qua đời hồi tháng Năm.

Petrov cho biết ông đã bị kỷ luật chính thức vì đã phạm lỗi khi ghi lại nhật ký công tác ngày 26 tháng 9 năm 1983.

Năm 2011, ông được trao Giải thưởng Truyền thông Đức công nhận những người có đóng góp đáng kể cho Hòa bình Thế giới, vì đã tránh được một cuộc chiến tranh hạch tâm. Ảnh: Kurir

Câu chuyện của Petrov không được công bố vào thời điểm đó, nhưng nó đã xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông đã được một số giải thưởng quốc tế trong những năm cuối đời. Vào năm 2015, một cuốn phim tài liệu có tên là ‘Người đã cứu thế giới’ nói về Petrov do Kevin Costner thủ vai chính.

Nhưng Petrovkhông bao giờ coi mình là anh hùng. Ông nói,

“Đó là việc của tôi. Nhưng họ đã may mắn là tôi trực ca tối hôm đó.”

Stanislav Petrov

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Stanislav Petrov, ‘The Man Who Saved The World,’ Dies At 77 | Greg Myre | NPR | September 18, 2019. Greg Myre, @ gregmyre1, là phóng viên về an ninh quốc gia cho NPR.