Khi nào người hoạt động được các tổ chức nhân quyền quốc tế hỗ trợ?

Vũ Quốc Ngữ

Các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ hỗ trợ người hoạt động ôn hoà với mục tiêu đấu tranh về các quyền con người, dân sự và chính trị, và họ không hỗ trợ những người sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.

Nhiều người cho dù không thực hiện hành động bạo lực nào, nhưng do là thành viên hoặc có liên quan đến các nhóm hoặc tổ chức cổ suý bạo lực thì cũng không được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Như chúng ta đã biết, gần đây nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ nhiều thành viên của tổ chức Chính phủ quốc gia lâm thời Việt Nam của ông Đào Minh Quân, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt. Tuy nhiều người trong số họ chưa từng có hành động bạo lực nào nhưng bị kết án rất nặng nề mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế chính vì ông Đào Minh Quân chủ trương sử dụng bạo lực để giải thể chế độ cộng sản.

Tương tự là một số tổ chức khác như tổ chức Chính phủ cách mạng Việt Nam tự do. Năm 2018, anh G., cựu thành viên của tổ chức này từng ngồi tù gần 20 năm vì rải truyền đơn, cùng gia đình sang tỵ nạn ở Bangkok. Tôi có nhận được sự cầu cứu hỗ trợ của anh nhưng cho dù tôi ra sức thuyết phục một tổ chức nhân quyền hỗ trợ tài chính cho vợ con anh trong thời gian đầu của cuộc đời tỵ nạn, nhưng tổ chức này nhất quyết từ chối với lý do anh là thành viên của một tổ chức cổ suý bạo lực.

Một trường hợp khác là Lê Thương, cũng tỵ nạn ở Bangkok. Anh này là một cựu sỹ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì có bất đồng chính kiến, anh này chạy sang Thái Lan và khẩn cầu giúp đỡ từ một tổ chức nhân quyền quốc tế. Anh cũng bị từ chối vì có ý định tập hợp các cựu quân nhân để lật đổ chế độ cộng sản bằng vũ lực.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế có thể trợ giúp gì?

Trước tiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế có thể vận động để cộng đồng quốc tế lên tiếng và gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vận động quốc tế này thường có hiệu quả hơn và Hà Nội thường lùi bước khi đang đàm phán một hiệp định thương mại hay đầu tư nào đó. Cho dù sự vận động này chưa có kết quả rõ rệt, nhưng khi một người được quốc tế vận động thì sẽ nằm trong danh sách ưu tiên phóng thích trong trường hợp nhà cầm quyền cộng sản nhượng bộ vì một lý do nào đó.

Hỗ trợ thứ 2 là Cung cấp hỗ trợ khẩn cấp: Một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Freedom House, Front Line Defenders hoặc một quỹ nhân quyền của Liên hiệp Châu Âu (EU) có cung cấp các gói hỗ trợ cho người hoạt động đang gặp nguy hiểm để thuê luật sư, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ mua thiết bị (máy tính, điện thoại) hoặc điều trị y tế cho các bệnh có liên quan đến hoạt động như bị đánh đập bởi công an hoặc mật vụ.

Nguồn: https://www.philrights.org/

Tuy không có khả năng tài chính để hỗ trợ người hoạt động ở Việt Nam, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders, DTD) sẵn sàng hỗ trợ bằng cách giúp người hoạt động làm hồ sơ gửi lên các tổ chức có hỗ trợ, hoặc làm người kiểm chứng, vì mỗi hồ sơ cần có ít nhất 2 người/tổ chức xác nhận tình trạng của người xin hỗ trợ.

Trong 5 năm qua, DTD đã trực tiếp xin hỗ trợ hoặc cùng một số tổ chức khác xin hỗ trợ cho người hoạt động, với tổng số tiền lên tới 200.000 Mỹ kim, bên cạnh việc cung cấp thông tin cho các tổ chức quốc tế trong việc vận động cho người hoạt động ở Việt Nam.

Nếu quý vị thấy mình, người thân của mình hoặc một người nào đó cần sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền, và không có khả năng liên hệ trực tiếp với họ, thì hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ trợ giúp quý vị miễn phí nếu xét thấy trường hợp của quý vị phù hợp với tiêu chí đặt ra của các tổ chức nhân quyền.

Xin hãy chia sẻ thông tin này đến với những người hoạt động đang gặp hiểm ngụy

Người Bảo vệ Nhân quyền
Email: [email protected]

Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Vũ Quốc Ngữ, Khi nào người hoạt động được các tổ chức nhân quyền quốc tế hỗ trợ? Facebook, 16 Jun, 2020