Giao cảm giữa Đất-Trời-Người

Nguyễn Văn Lục

Tôi đơn giản nghĩ rằng cái gì do con người làm thì hãy trả lại cho con người. Tôi vẫn tin như thế vì nghĩ rằng sự tin tưởng đôi khi nghịch lý lại chỉ được nhìn rõ nhất trong bóng tối.

Hoài niệm một thời

Từ lúc nào đã dần hình thành một khái niệm trở thành khuôn mẫu, đặt để con người vào thế trung tâm vũ trụ gọi là tam tài (Thiên-địa-nhân[1]. Tiếng dân gian còn gọi một cách bình dân là Trời che đất chở hay cùng một bọc). Di sản để lại hiếm hoi là các kiến trúc như chùa chiền, miếu đền còn như đượm sắc thái tinh thần Á Đông cổ kính ấy. Mái chùa thường ẩn núp sau những cây đa, cây cổ thụ như một ấp ủ cận kề. Thật đáng quý làm sao, nhưng nay còn đâu?

Nhưng con người thuở ấy lấy đất như  một chỗ đứng, một điểm tựa khởi đầu và kết thúc- Đầu đội Trời, chân đạp đất mà thật sự có một tiến trình trọn gói là Đất-khí-gió và lửa. Bốn vật thể ấy tụ vào nhau, khác nhau mà bổ xung hỗ trợ nhau mà nhờ đó muôn loài có thể sinh tồn. Mà thiếu một cũng không thể được. Đã còn biết bao nhiêu hành tinh mà sự cấu thành không đủ túc số ấy vẫn vắng bóng con người.

Trong đó con người xuất hiện muộn màng nhất!

Sự muộn màng ấy phải chăng như một sắp xếp, an bài một cách nào đó có “chuẩn bị” kéo dài hàng tỉ năm trước cho muôn loài, nhất là cho con người. Đã có biết bao nhiêu biến đổi khôn lường bộ mặt thiên nhiên đó. Non cao biến thành sông hồ, biển cả, chỗ chồi, chỗ sụt, chỗ thành đồng bằng, chỗ thành sa mạc.

(Đọc thêm cuốn Sapiens- une brève histoire de l’humanité  của Yuval Noah Harari). Một cuốn sách không nên bỏ qua.

Mặc dầu vậy, tổ tiên loài người, thời còn ăn lông ở lỗ cũng đã phải nhiều niên kỷ “vật lộn” với thế giới hoang dã, trước thiên nhiên vô cùng lớn cũng như vô cùng nhỏ mà so ra con người chỉ là một hạt cát trên sa mạc, chỉ là cát bụi. Vậy mà đến cuối cùng  lại muốn cao ngạo trở thành Homo Deus. Une brève histoire de l’avenir của cùng một tác giả.

Đó là tóm tắt hành trình nhân thế mà con người lần lượt trải qua hết lớp này đến lớp kia. Mặc dầu so với thế giới chung quanh, con người trước sau chỉ như một hạt cát trong cái mông mênh vô cùng lớn của vũ trụ. Một hạt cát xem ra nhỏ bé, nhỏ bé đến vô nghĩa của thế giới đến kinh hãi khi nghĩ tới thân phận người. Nhưng hạt cát vô nghĩa ấy lại có tham vọng vô biên Đội đá lấp trời. Thiên nhiên làm một thì con người làm hai, làm ba, làm bốn. Cái họa thật vô lường từ chỗ ấy, nói sao cho vừa.

Chính ở thái độ bất kính này mà vũ trụ-con người không còn như trước nữa. Cần một trật tự vãn hồi, nhất là sự đánh thức lương tri con người trước những mối họa của hành tinh này, bởi vì tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Giới trẻ hơn ai hết đã lên dường.. Phải diệt trừ lòng tham vô đáy, phải sống hòa với thiên nhiên của thuở hồng hoang một thời.

Bài viết này trong cõi vắn hạn của kiếp người giúp tìm lại mình và đồng loại và nghe đâu đây có tiếng vẫy gọi nhau làm người như một sự thúc dục từ bên trong.

Trong dân gian, mối giao cảm thể hiện rõ nét nhất bắt đầu từ những người nông dân chân lấm tay bùn qua bài đồng dao “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…” Mười lần cầu khẩn, may ra một lần được. Phải chăng Trời làm mưa là một hồng ân Trời ban cho khi mưa thuận gió hòa?

Thoạt tiên Đất dưới mắt người nông dân chỉ thị hình thái về mầu sắc và phân loại. Như đất đỏ, đất bùn, đất đen, đất phù sa, đất rừng, đất cát, đất phèn, đất mầu mỡ như ruộng được phân loại thành chân nhất đẳng, chân nhị đẳng hay ruộng đồng chiêm, ruộng đồng mùa.

Tôi còn nhớ đã đọc đâu đó hình ảnh người nông dân cầm nắm đất như thể nó có một linh hồn. Tiến sang những tình tự của con người gửi gắm, nhắn nhe như đất Hà Tiên, đất Châu đốc, đất Hà Nội để chỉ nơi ta đã sinh ra và lớn lên như cội nguồn.

Tiến thêm một bậc nữa, đất tượng trưng cho tình dân tộc, lịch sử, ngôn ngữ so với các dân tộc khác. Người ta có đất nước tôi, đất tổ tiên, đất mẹ ngay cả đất khổ.  Năm 1975,  có tình cảm mất nước mặc dầu nước vẫn còn đó, chỉ thay đổi thể chế.

Ở xứ người, cơm no áo mặc gấp nhiều lần so với quê hương cũ, không phải đương đầu với chiến tranh vẫn có những hoài niệm tỏ ra bất xứng như Mảnh đất tạm Dung. Nghĩa là cõi tạm, sống nhờ, chờ ngày quê hưởng trở lại.  Đó là một ảo vọng phóng chiếu quá khứ thành hiện tại. Một hiện tại khô trồi mà không có gì có thể mọc lên trên đó được.

Tôi vốn xuất thân từ con nhà nông dân tại một vùng trũng quanh năm chống lũ lụt và thiên tai cảm nghiệm được từ bản thân rồi nhân rộng ra nên mới có bài viết này như một lời tỏ bầy tri ân tất cả, không trừ.

Hẳn là nhiều người đã không quên được truyện ngắn của Khái Hưng viết chung với Nhất Linh, Anh phải sống. Câu chuyện hai vợ chồng nghèo, Thức và Lạc, vớt củi trên sông Hồng trong mùa mưa lụt. Chẳng may thuyền chìm. Người vợ lẳng lặng buông vai chồng để chồng bơi vào bờ:

Nguồn: Đời Nay

“Bỗng Lạc run run khẽ nói:

– Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.”

Khái Hưng & Nhất Linh, Anh phải sống

Quả thực văn chương nghệ thuật bằng cách riêng của họ đã đi vào tình tự thiên nhiên với con người.

Viết đến đây, tôi đành tóm gọi tất cả mối giao cảm Người-Thiên nhiên trong quá trình hình thành là Mối giao cảm tầng một với nhiều tình tự cấp độ khác nhau và nhiều khi được nhân cách hóa và nhân bản hóa.

Một trong những cảm nghiệm sống động, rất người này là về những trận mưa đầu mùa. Một trong những nỗi vui khó tả là khi mưa gần tạnh hột thì hàng đàn cá rô theo rạch nước bờ ao lội ngược lên sân nhà.. Những con cá rô bóng nhảy đem chiên trên chảo thành cá rô rang muối ăn với cơm nếp, vừa nóng hổi, vừa béo ngậy. Tôi chỉ biết vậy mà không cần giải thích. Ôi chao hạnh phúc là chừng nào. Mẹ tôi đã hoàn tất công việc mà thiên nhiên đã để lại như món quà tặng nho nhỏ.

Nhưng mưa còn là cái gì hơn thế nữa. Tôi gọi cái đó tóm gọn, là cái đắt giá nhất trong triết học Đông Phương là coi Đất-Trời nằm trong một bọc. Bọc cả trong nghĩa tinh thần cũng như nghĩa vật lý.

Như trời che đất chở qua những cơn mưa đầu mùa, như sự qua lại, hài hòa, biểu tỏ sự tươi tốt và hơn tất cả làm trỗi dạy các mầm sống trong sinh vật, cây cỏ. Cơn mưa vừa xong là tiếng hoan ca của các loài run, dế, cóc nhái kêu õm ọp, inh ỏi! Sự vươn lên của các thực vật như sự thức dạy được tắm gội. Sự sinh tồn tiếp nối. Thật là một điều kỳ diệu. Những hạt mưa nặng hột rơi rào rào như những cánh chuồn như đất trời đang giao hợp. Con người giao hợp sinh ra con cái, đất trời giao hợp sinh ra tươi tốt muôn loài như một cuộc tái sinh.

Nhiều khi đó chỉ là những khoảnh khắc chóng vánh đến rồi đi như bắt được của trời trong phút giây bất chợt.

Cái bất chợt vốn là điều thú vị nhất.

Trẻ con người lớn đều reo lên như một hưng phấn. Mối giao cảm tầng một này còn được cảm nghiệm qua đứa trẻ nhà quê tắm chuồng mỗi khi có cơn mưa rào. Tại sao trẻ trai gái đều thích tắm mưa? Mát cũng có, vui đùa cũng có, nghịch té nhau cũng có.. Và con hiểu ra rằng còn có điều gì hơn khác và hơn thế nữa! Phải chăng Mưa là cơ hội đầu đời giúp trẻ trai cũng như gái cảm nghiệm được sự phân biệt phái tính.  Phải chăng trẻ nhà quê đều biết sớm chuyện này đã biết phân biệt Tôi là ai, Em là ai? Chúng ta là ai.

Câu hỏi đặt ra xác định có một hiện hữu khác biệt, một hiện hữu Thiếu-Thừa. Từ đó nảy sinh ra một thứ tự hào của đứa trai và đồng thời tự ty nơi trẻ gái? Tự hào thì tìm cách phơi ra, tự ty thì che dấu khép lại như khi lồng ngực bắt đầu nhú ra như trái ổi. Chưa kể nhiều thứ lắm như khi có kinh lần đầu như một sự xấu hổ.

Biện chứng khép-mở hình thành những chiều hướng thuận nghịch như chối từ, mặt khác như một lời mời gọi không tên trong biện chứng cho và nhận và khi đã chín mùi như trái cây vừa chín tới.

Từ lúc nào đã tạo ra mối giao cảm từ người-thiên nhiên trở thành Mối giao cảm tầng hai người-người. Mối giao cảm tầng hai này kết dệt duyên nên vợ nên chồng rồi sinh con đẻ cái, rồi lên bậc cha mẹ-con-cháu đầy đàn.

Nhưng chẳng may trong muôn một, nếu nửa đường gẫy cánh, gây oan nghiệp, không nhìn nhau trong phận người mà hình như chỉ có con người mới có. Biện chứng khép mở một lần nữa được xác định với những đường biên giới thiên nhiên  trở thành thân nghiệp với buồn vui và đau khổ.

Kinh nghiệm ấy ai có qua cầu mới hay. Không còn đi chung một chuyến đò, thuyền tình đứt gánh! Giao cảm tầng hai gẫy cánh.

Cảm nghiệm tầng một và tầng hai này một lần nữa, tôi cũng bắt gặp lại như một điều kỳ diệu. Trong mảnh vườn nhỏ sau nhà, tôi có trồng vài cụm rau mùng tơi mà hương vị nó thật khó quên. Nhất thiết là để nhìn chứ không hẳn là để ăn. Mỗi ngày tôi chăm chỉ tưới bón mong nó lớn lên từng phân ly. Tưới bón thế nào như cũng không đủ, hình như không làm nó vừa lòng hay không phải thứ nước mà nó mong đợi.

Và nó ẩn nhẫn chờ đợi điều mà tôi không thể làm được.

Rồi một trận mưa rào ập tới sối xả, hung hãn như quất xuống mặt đất.

Cây cối trong vườn như chan hòa, tắm gội như thể một cuộc hóa thân có chủ đích và ngoài sự mong đợi của tôi.

Sáng hôm sau thức dạy, nhìn vườn rau như có gì đổi khác. Cọng rau mùng tơi như có phép mầu dài ra cả gang tay. Lá mũm mĩm, da thịt mềm mại với màu xanh khó mà vẽ lên được. Ôi kiếp người và thực vật hóa ra cùng một bọc, cùng một kiếp phù sinh, giao hợp hay giao hòa rồi sinh ra, tồn tại và trụy kiệt. Nhưng nếu kiếp người cứ cho là trăm năm thì kiếp mùng tơi cứ cho một ngày là 5 tuổi.

Dù là kiếp gì thì cứ quay một vòng tròn hiện sinh, quay hết một vòng là sự trở về… Một tìm lại nhau như một điểm hội tụ đồng quy như Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.

Một lần nữa, tôi cũng cảm nghiệm được sự giao hòa kỳ diệu của đất trời trong một lần tắm biển vào buổi chiều ở bãi biển Boston. Bãi biển vắng người vì mặt trời đã lặn. Không biết từ đâu tới như có hẹn hò mà cả một đàn cá, lúc nhúc quậy sóng cả một vùng biển đen ngòm. Sự lạ ấy xảy ra chỉ trong vài phút giờ thì tiếp theo một sự lạ khác. Từ trên không làm thế nào mà cả một đàn chim vài trăm con, bay rợp và từ trên không lao thẳng xuống như những mũi tên để bắt cá. Ai đã sắp xếp tấn kịch thiên nhiên này mà nhìn thấy choáng váng không tin vào mắt mình? Và chỉ trong một thời khắc, đàn chim đã biến mất, đàn cá cũng không còn trả lại mặt biển im lìm mà như thể trước đó đã không có gì xảy ra!! Lúc ấy, trời đã nhá nhem tối và bãi biển trước mặt là một vùng bãi biển đen bùn vì thủy triều đã rút ra xa. Tôi men theo bãi biển và đi theo ra xa chừng vài trăm thước. Nỗi sợ đến kinh hoàng ập đến trong tôi để chúng kiến một cảnh tượng hi hữu không hai đó. Mặt nước biển nay rút ra xa đến cả cây số mà trước đây là mặt biển mênh mông để trơ một bãi đất đen còn ướt nhẹp. Quay lại nhìn bãi biển chỉ còn lại vài người như những đốm đen nhỏ li ti.

Tôi cất giữ cho riêng mình những kỷ niệm ấy mà không cần thiết đến những giải thích khoa học. Có nhiều bí nhiệm đẹp cần cất giữ cho tuổi thơ, như sự tích ông già Noel. Và sau này huyền thoại trở thành thứ văn hóa chung của nhân loại.  Không có huyền thoại, con người như nghèo đi một mặt phong phú.

Kinh nghiệm thứ hai với Gió từ tầng một sang tầng hai. Một lần nữa, ta mượn câu chuyện Nhặt lá bàng của Nhất Linh. Hai chị em đi nhặt lá bàng, gió làm lá bàng rụng tơi tả, nhặt không kịp. Người chị cuống lên mắng thằng em quên chổi. Câu chuyện thật dễ thương thấm vào lòng người. Gió đã góp phần làm nên chuyện cho hai chị em.

Nguồn: Vấn Đề.

“Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.

— Mau lên chị ơi, nhặt cả hai tay chị ạ.

— Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Thằng nỡm, mày chẳng nghe tao bao giờ… Thằng nỡm.”

Nhất Linh, Nhặt lá bàng
Lá bàng

Dưới góc nhìn phân tâm học, Gió được coi như ưu thế có thành phần Nam tính. Gió  trước hết đùa như trẻ con tinh nghịch. Nó trêu chọc người khác để đổi lấy một nụ cười. Nó bất đồ hất một cái nón của một cô gái đang thì đang thả bộ dọc bờ biển. Đùa nhả hơn nữa, nó hất tà áo dài cô gái làm hở châu thân, cô gái xấu hổ, đỏ mặt vội vàng khép tà áo lại.

Nhưng sự nhân cách hóa còn đi đến đỉnh điểm của nó khi Gió đóng vai người tình, như trong câu trách nhẹ của một phụ nữ có chồng phương xa chưa về:

“Đêm thu gió lọt song đào

Chồng ai xa vắng gió vào chi đây?”

Tản Đà, “Hát tạp (lối phong dao)”
Nguồn: BXB Tân Dân, Hà Nội

Lời trách móc nửa như lời thú tội, nửa như hờn dỗi! Hình như, nó biết thỏm nỗi lòng cô quạnh của thiếu phụ. Để chắc ăn, nó đợi đêm khuya khoắt mới lẻn vào.

Gió đã đi vào văn chương bằng cửa chính với nhiều tác phẩm còn để lại như trong ca dao, trong Cung oán ngâm khúc và nhất là trong truyện Kiều.

Mà không dừng ở đấy, một trong những giao cảm tầng hai, ở cấp độ cao nhất, linh thiêng ở từ điểm khởi đầu, rồi kết thúc thành như một thứ tôn giáo như tục Thờ cúng tổ tiên mà khó tìm thấy ở các nền văn hóa xứ người. Nhiều người được hỏi khi cần khai lý lịch, họ vỏn vẹn khai: Tôi theo đạo ông bà. Chữ Hiếu làm đầu và tội bất hiếu trở thành điều không thể tha thứ..

Và từ đây từ tầng giao cảm giữa tầng hai, giữa người-người, ở cấp độ cao nhất thành giữa người sống và người chết. Nó trở thành một thứ giao cảm không thể lý giải bằng con mắt trần thế! Thần linh có mặt và sự chết không phải là hết mà chỉ là dòng miên tục có kế thừa như một ngọn nến trường sinh.

Lại một điều kỳ diệu.

Và cũng nên nhắc nhở nhau rằng: cái hiển nhiên chưa hẳn là sự thật.

Đôi dòng kết luận

Để kết thúc những dòng hoài niệm này. Tôi nghĩ rằng đất nước này đem lại cho tôi một cuộc sống an vi mọi mặt. Nhưng qua trận Đại Dịch COVID-19 này cho thấy thiên nhiên vẫn là một thách thức với con người. Không còn ông Trời trong mối giao hòa Đất-Trời- Người và được thay thế bằng Chúa, Phật, Muhammad. Và người ta đã mượn danh các Đấng ấy cho những tham vọng mang tính trần thế.

Tương giao Người-Người đã bị bẻ gãy, nói chi đến Thần thánh?  Vì thế, tôi cũng rất đố kỵ với nhà tranh biện thời danh của La Mã một thời. Ông Marcus Tullius Cicero[2] là một nhà ngụy biện mà nhiều người hiện nay nên tôn vinh ấy là bậc Thầy.

Tôi đơn giản nghĩ rằng cái gì do con người làm thì hãy trả lại cho con người. Tôi vẫn tin như thế vì nghĩ rằng sự tin tưởng đôi khi nghịch lý lại chỉ được nhìn rõ nhất trong bóng tối.

Người xưa đã nói: Chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một dòng sông[3]. Phải chăng đó là sự thật đau lòng của ngày hôm nay?

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập, chú thích và minh họa

[1] Triết lý Thiên – Địa – Nhân bắt nguồn từ tư tưởng cổ của Trung Hoa. Theo Kinh Dịch trong mỗi quẻ đơn Bát quái đều có ba vạch biểu hiện Tam Tài (ba cõi), sau phát triển thành các quẻ kép 6 hào (hai hào trên là Thiên, hai hào giữa là Nhân, hai hào dưới là Địa).

Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên). 

Đổng Trọng Thư đã hình thành thuyết “Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể” và “Thiên Nhân tương dữ” nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của vũ trụ: “Trời, Đất và Người là nguồn gốc của vạn vật. Trời sinh ra vạn vật, Đất nuôi chúng, Người hoàn thành chúng.” (Thiên Địa Nhân, vạn vật chi bản dã. Thiên sinh chi, Địa dưỡng chi, Nhân thành chi). Theo đó, Thiên là bầu trời, ông Trời, các hiện tượng thiên nhiên, Địa là mặt đất với giới tự nhiên, vạn vật. Nhân là con người, cộng đồng xã hội người.

[2] Cicero được coi là bậc thầy của văn xuôi Latin; Quintilian tuyên bố rằng Cicero “không phải là tên của một người đàn ông, mà là của chính tài hùng biện.” Những từ tiếng Anh ‘Ciceronian’ (có nghĩa là “tài hùng biện”) và ‘cicerone’ (nghĩa là ‘người hướng dẫn ở địa phương’) bắt nguồn từ tên của Cicero. Ông được xem là người đã biến tiếng Latin từ một ngôn ngữ thực dụng khiêm tốn thành một phương tiện văn học linh hoạt có khả năng diễn đạt những suy nghĩ trừu tượng và phức tạp một cách rõ ràng. Julius Caesar ca ngợi thành tích của Cicero khi nói rằng “mở rộng biên giới của tinh thần La Mã  quan trọng hơn rất nhiều so với biên giới của đế chế La Mã.” Theo John William Mackail, “Vinh quang độc đáo và không thể chạm tới của Cicero là ông đã tạo ra ngôn ngữ của thế giới văn minh, và sử dụng ngôn ngữ đó để tạo ra một phong cách mà mười chín thế kỷ chưa thay thế được, và ở một số khía cạnh hầu như không thay đổi.” (Nguồn: Quintilian, Institutio Oratoria 10.1.1 12; Harper, Douglas. “Ciceronian”. Online Etymology Dictionary; Harper, Douglas. “cicerone”. Online Etymology Dictionary; Merriam-Webster’s Encyclopedia of Literature, “Ciceronian period” (1995) p. 244; Pliny, Natural History, 7.117; Cicero, Seven orations, 1912)

[3] “No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man.” — Heraclitus (535- 475 BCE)