Huế Mậu Thân (p1)

Nguyễn Văn Lục

Người ta tự hỏi tại sao ở Huế cuộc chiến với cộng quân lại kéo dài như vậy và tổn thất không biết bao nhiêu là sinh mạng. Trách nhiệm về ai?

Huế những ngày đầu tết Mậu Thân

Cái miền đất mà ngay như cụ Huỳnhh Thúc Kháng khi chọn đặt trụ sở tờ báo Tiếng Dân đã viết cho Xử lý thường vụ toàn quyền Pasquier, khâm sứ Frirès vào ngày 26-11-1926 như sau:

“Chọn Tourane là một thành phố thương mại, không chọn Huế là một trung tâm Văn Hóa, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và chính kiến dị biệt, chắc chắn có những tư tưởng không hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân.”

Huỳnhh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng nhấn mạnh, bản chất vốn không ưa những nơi náo nhiệt và thích làm việc trong những nơi thanh tịnh nên chọn Đà Nẵng. Tiếng Dân sẽ ít bị ảnh hưởng vì những áp lực chính trị đa tạp như ở Huế. Tranh luận riết rồi cụ Huỳnh cũng phải chấp nhận đặt trụ sở Tiếng Dân ở số 123 đường Đông Ba.[1]

Huế là như thế đó. Cái miền đất mà vào năm 1936, theo thống kê của French/Indochina mới chỉ có 26 ngàn dân trên tổng số 23 triệu dân của toàn cõi Đông Dương. Ấy là chưa kể khoảng ngót nghét 10 ngàn người có liên hệ huyết thống, có dây mơ rễ má với Hoàng tộc. Trừ 10 người ngàn người đó đi, chỉ còn lại 15 ngàn thứ dân. Và chỉ với dân số ít ỏi đó cũng đủ làm cụ Huỳnh Thúc Kháng phải lo ngại.

Phố mưa (Huế). VOV

Qua cầu Trường Tiền, sang phía bên kia sông là trí tuệ của Huế với niềm hãnh diện của trí thức Huế, với kỷ niệm ngọt ngào của Quốc Học, của Đồng Khánh. Tà áo Huế qua đò đến trường vẫn là nét đẹp nhất của Huế. Tôi ra Huế ngót nghét đến trên 10 lần và dưới 20 lần, cộng lại khoảng ba năm đầy cũng chỉ vì những nét thanh tân đó. Tôi chỉ có thể gọi là: Huế khôn nguôi. Tôi yêu gái Huế đến mê mệt. Dù vậy chưa một lần để lại giọt tình, dù tính cả những đêm ngủ đò. Thiếu tà áo đó Huế còn gì? Nhưng Huế trí tuệ không thể quên cái Đại Học trẻ trung và năng động sản sinh ra hàng ngàn đám trí thức trẻ. Không có cái đại học đó, họ sẽ đi tha phương cầu thực, tốn tiền tốn bạc, xa nhà, ăn mày chữ nghĩa. Thứ trí thức, phần đông là tả phái. Thứ trí thức sinh ra từ cái lò đào tạo ấy mà chẳng bao lâu sau, chính họ là người khai tử cái người khai sinh ra cái đại học đó, khai tử luôn cả cái người là linh hồn của cái đại học đó. Cũng từ đó tờ báo Đại Học vốn làm nên dáng đứng trí thức hàng đầu của Huế được thay bằng tờ báo Lập Trường. Tờ Lập Trường lớn lên qua những vận động chính trị thời đó và cũng chết đi khi mà những vận động chính trị đi vào chỗ tắt lụn.

Huế với thành quách Đại Nội như cái mặt của Huế đầy rong rêu phủ che lấp nhửng u uẩn của những kiếp người của cả một thời kỳ lịch sử vàng son. Những vết nhăn lịch sử còn sót lại trên những bức tường xiêu mà không đổ, thủng lỗ chỗ mà không lọt vì quá dày. Những con đường chung quanh bờ thành đại nội ngập ngụa với những tàn cây tuổi già hơn những con cháu ngoại thuộc của Huế còn sót lại bên những căn nhà lụp xụp mái tôn. Còn những dòng máu chính thống đã bỏ Huế mà đi từ thuở hoàng hôn của triều đại.

Cảnh họp chợ ở chợ Đông Ba thập niên 1920. https://vietnammoi.vn/

Đến cái chợ Đông Ba mới thấy được cái Huế ròng, Huế thật. Huế của cuộc đời với biết bao nhiêu mồ hôi và lao đao khốn khổ. Huế lủn xủn từng đồng xu cắc bạc. Huế của những buôn bán tảo tần, tranh dành vật lộn. Nghĩ mà thương Huế. Cũng chính những người con Huế ấy đã đóng góp miếng nước, miếng cơm, cổ vũ cho những ngày tranh đấu 63. Họ, bạn hàng chợ Đông Ba đã làm nức lòng những người tuổi trẻ 63. Nhưng sau đó, tôi đã nhìn thấy cảnh sau 63, 64, 65. Cái cảnh chỉ cần nghe một chú thanh niên cầm cái loa hô lên một tiếng, những mẹ, những ôn, những chị te tái, xất bấc xang bang, thu vén vội vã như có cướp để đình công bãi thị, để đi biểu tình.

Chẳng mấy chốc những cảnh đó cũng đến hồi tàn cuộc. Kẻ đi, kẻ ở lại, kẻ trùm chăn, kẻ nhập cuộc, kẻ đấu tranh, kẻ lên đường. Sau tết Mậu Thân là màn chung cuộc. Nhiều ngã rẽ tạo ra một Huế phân mảnh như một miền đất No Man’s land.

Chính cái tết Mâu Thân là điểm chung cuộc. Từ đó Huế phân mảnh, rã đám với nhiều lựa chọn, thay đổi toàn bộ thanh niên trí thức Huế. Huế không còn như trước nữa. Hay ít nữa thì những kẻ ở lại, những kẻ không có chọn lựa nào khác ngoài cái chọn lựa ở lại Huế trở thành hiền lành cho đến bây giờ.

Và cuối cùng, cái Huế còn lại là con tim của Huế. Con tim đó có thể là Vĩ Dạ, có thể là lăng tẩm vua chúa, có thể là chùa Linh Mụ, có thể là những chuyến đò, có thể là những vườn đêm hay có thể là những vườn trăng. Nơi mà những cuộc tình, những hẹn hò như những cửa sổ Huế mở ra. Mở ra vội vàng vì chỉ là những cuộc tình vụng trộm và lén lút.

Vì những thứ như thế mà đến năm 2006, tôi đã trở lại Huế, ngót 10 ngày. Cũng như hồi Tết Mậu Thân, mưa Huế dai dẳng cầm giữ tôi trong nhà. Đến Huế mà như không biết Huế.

Tôi đã để lại nhiều thứ và chẳng mang theo thứ gì. Nếu không chỉ còn là một lời nguyền không trở lại Huế nữa.

Và chỉ còn trong đầu một ý tưởng. Về là phải viết. Phải nhìn lại Mậu Thân Huế.

Ký giả chính của CBS News Walter Cronkite  tường thuật từ một tòa nhà bị ném bom sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân tại Huế, tháng Hai năm 1968. CBS

Mậu Thân ở Huế bắt đầu bằng tiếng pháo giao thừa và tiếng súng mở đầu của bộ đội Bắc Việt. Có 28 tỉnh lỵ miền Nam cùng lúc bị tấn công. 18 tỉnh lỵ yên tĩnh hoặc chỉ bị pháo kích. Riêng các tỉnh như Kontum, Pleiku, Bình Định, Daklak, Khánh Hòa, Quảng Nam đã bắt đầu bị tấn công từ đêm 30 Tết.

Một ngày sau đó, tức đêm Mồng một Tết mới đến lượt Huế/Thừa Thiên vào lúc 2 giờ đêm rạng sáng Mồng 2. Trước đó, biện pháp phòng thủ trải dài từ Huế đến Quảng Trị là con số 50 ngàn binh sĩ đủ loại. Sư đoàn dù được lệnh tăng cường Huế. Sư đoàn không vận 1 của Hoa Kỳ cũng vậy. Thật ra, đó chỉ là con số ảo. Thực tế, không có con số chẵn như thế. Nội cái con số quân nhân về quê ăn tết nhiều nơi chiếm đến một phần ba.

Trong khi đó con số bộ đội CS tấn công vào Huế là khoảng 5000 người. Khi vào là 5000, nhưng lúc rút lui thì hơn 60% bị thương vong. Nghĩa là bộ đội CS chỉ còn có 2000 quân tháo chạy.

Một thất bại nặng nề về mặt quân sự. Theo Lê Minh, phó bí thư Trị Thiên/Huế thú nhận rằng bộ đội Bắc Việt rơi vào tình trạng đói ăn, quân số hao hụt. Vậy mà họ đã cầm cự được suốt gần tháng trời? Ai đã tiếp tế cho họ?

Trong khi bộ đội CS tấn công Huế thì ông Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng Thừa Thiên Huế là Trung Tá Phan Văn Khoa đã trốn biệt. Nhiều người tưởng ông mất tích hoặc đã chết. Suốt trong thời gian đó, quân đội Bắc Việt tự do thong dong đi lại trong các khu phố không bị bất cứ một phản ứng quân sự nào cụ thể về phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Sáng Mồng Một Tết, chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh còn đến dự lễ chào cờ đầu năm ở Phú Văn Lâu. Lúc sau đó, lệnh cấm trại mới được ban hành tức khắc. Nhưng lệnh đó có thể là đã trễ không. Mặc dầu tướng Trưởng đã ngủ lại bộ Tư lệnh không về nhà. Có thể lúc mà tướng Trưởng ở Phú Văn Lâu thì một số Việt Cộng đã có mặt khắp thành phố Huế rồi.

Điều này phải cắt nghĩa thế nào về vai trò của Chuẩn tướng Trưởng, một vị tướng được coi là giỏi của VNCH. Người dân thường chỉ thấy cái bề ngoài là ngay từ những phút đầu tiên khi quân Cộng Sản tấn công Sài Gòn thì đã có mặt tướng Loan ở đó rồi. Ở Huế thì không thấy như vậy. Quân cộng sản Bắc Việt chỉ mất một đêm đã có thể chiếm toàn bộ các vị trí chiến lược của thành phố Huế. Và cho mãi đến ngày Mồng 5 Tết, quân VNCH mới thực sự bắt đầu phản công.

2 giờ sáng Mồng Hai Tết. Cộng Sản rót hằng trăm quả cối 82 ly vào Bộ Tư lệnh sư đoàn, Bộ chỉ huy tiểu khu, Trung tâm huấn luyện Đống Đa và Thiết đoàn 7 kỵ binh ở An Cựu.

Bản đồ hướng tấn công của Cộng quân vào Huế ngày 30-31 tháng 1, 1968: gồm các tiều đoàn 800, 802, và lực lượng du kích đã bí mật xâm nhập vào thanh nội trước. Ngày 21 cộng quân tăng cường tiểu đoàn 804 nhằm chặn đứng các lực lượng tiếp vận của Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã không xẩy ra đụng độ: Thành Mang Cá và khu Cố vấn Mỹ MACV bị chiếm đóng. Nguồn: Michael F. McNamara | Ngày 07/03 năm 2018 | Lịch sử, Lãnh đạo, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Việt Nam

Cho đến 5 giờ sáng. Quân cộng sản làm chủ khu Đại Nội, cột cờ, chợ Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Chánh Tây, cửa An Hòa. Chiếm đóng khu sân bay Tây Lộc, rồi khu Mang Cá. Phía cầu Bạch Hổ, trại Cảnh Sát dã chiến, binh sĩ đồn trú bỏ chạy về phía Linh Mụ. Chiếm các cơ quan Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên, khu đại học. Trừ Tiểu khu Thừa Thiên, khu MACV, Đài phát thanh. Quân VNCH vẫn làm chủ.

Nói chung sáng Mồng Hai Tết, tình hình Huế rất nghiêm trọng. Các đơn vị quân đội trú đóng của ta bị cô lập, không liên lạc với nhau được.

Trung Tá Phan Hữu Chí là sĩ quan đầu tiên hy sinh khi bị B.40 bắn vào thiết vận xa của ông.

Cuộc tấn công và chiếm đóng Tết Mậu Thân Huế kéo dài 26 ngày. Đó là những ngày dài nhất của Huế và cũng dài nhất của toàn miền Nam. Hãy so với các tỉnh thành khác để cho rõ.

Cuộc tấn công vào Nha Trang chỉ kéo dài trong 12 giờ và sau 40 giờ thì quân VNCH đẩy lui toàn bộ cộng quân. Tại Quảng Trị, tuyến đầu của miền Nam,  quân Cộng sàn đã không xâm nhập được vào thị xã. Hai phi trường Đông Hà và Ai Tử vẫn nguyên vẹn. Ngày 6/2, Ban Mê Thuột đẩy lui cộng quân. Quy Nhơn cũng vậy.

Ở Sài Gòn, tại đài phát thanh, các chiến sĩ nhảy dù phản công lúc 5 giờ sáng, quân VNCH làm chủ trước 7 giờ sáng. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ chiếm lại được sau 6 tiếng. Bộ tư lệnh Hải quân, vẫn do quân VNCH làm chủ từ đầu đến cuối. Dinh Độc lập cũng vậy. Cộng quân đã thất bại khi vào bằng lối cửa hông đường Nguyễn Du. Toàn bộ kế hoạch tấn công Bộ Tổng Tham Mưu nơi cổng số 4, số 5 cũng thất bại. Tại khu phi trường Tân Sơn Nhứt, trung tá Lưu Kim Cương chỉ huy phản công và bị thương vào đùi ngay từ lúc đầu. Năm tháng sau đại tá Lưu Kim Cương, tư lệnh không đoàn 33 đã tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, 6/6/1968, được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng

Các sĩ quan VNCH ngồi trước trường Phước Đức trước khi xảy ra vụ bắn nhầm, ngày 2 tháng 6 năm 1968. hinhanhlichsu.org

Cũng xin nói thêm là tại trường Phước Đức, số 266 đường Khổng Tử, ngày 2 tháng 6, năm 1968 phi cơ trực thăng Hoa Kỳ đã bắn nhầm vào bộ chỉ huy hành quân của quân đội VNCH và và gây tử thương cho 6 vị sĩ quan cao cấp là: Trung Tá Nguyễn Văn Luận (GĐ Cảnh sát Đô thành), Trung Tá Lê Ngọc Trụ (Trưởng ty Cảnh sát Q5), Trung tá Đào Bá Phước (Chỉ huy Trưởng LĐ5/BĐQ), Trung Tá Phó Quốc Trụ (GĐ NHa Thương Cảng Sài Gòn), Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh (Phụ tá GĐ Cảnh sát Đô thành), Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy (Chánh sở An Ninh Đo thành, em của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị). Dư luận cho đó là một vụ thanh toán. Nhưng đây chỉ là một vụ bắn nhầm, bởi vì mục tiêu là nhà hang Soái Kinh Lâm, phía sau trường Phước Đức chỉ cách khoảng 100 thước. Bốn sĩ quan khác bị thương gồm: Đại tá Văn Văn Của (Đô trưởng Sài Gòn), Đại tá Nguyễn Văn Giám (Tư lệnh Biệ jhu Thủ đô), Trung tá Trần Văn Phấn (Phụ tá GĐ Cảnh sát Quốc gia), và Thiếu tá Lê Ngọc Tô (Tiểu đoàn trưởng TĐ5 Cảnh sát Dã chiến).

Ngày 2 tháng 6 năm 1968, trong khi chuẩn tiêu diệt mục tiêu ở nhà hàng Soái Kình Lâm (ở phía sau trường Phước Đức khoảng 100m), máy bay đã bắn nhầm vào Ban chỉ huy hành quân của Lữ đoàn 5 Biệt Động Quân đang đóng tại trường Phước Đức. Vụ bắn nhầm làm thiệt mạng 6 sĩ quan và 4 sĩ quan khác bị thương. hinhanhlichsu.org

Cho đến 5 giờ 30 sáng, quân VNCH vẫn làm chủ phi đạo. 3 giờ sáng, hai đại đội nhảy dù thuộc tiểu đoàn 8 nhảy dù được tăng phái đến phi trường Tân Sơn Nhứt để bảo vệ phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Trung Tâm huấn luyện Quang Trung cũng bảo toàn lực lượng vì đã được bộ Tổng Tham Mưu thông báo kịp thời nên tăng cường thêm tại vọng gác một đại liên. Khu Trần Quốc Toản thanh toán bọn CS sau một ngày. Khu An Quang, ngày 2/2. Khu Ngã Ba Hàng Xanh cũng ngày 2/2 tức chiều Mồng 3 tết. Khu An Nhơn Gò Vấp thanh toán xong ngày 6/2. Thông Tây Hội ngày 7/2. Khu Bàn cờ 7/2. Khu Vạn Hạnh ngày 8/2

Người ta tự hỏi tại sao ở Huế cuộc chiến với cộng quân lại kéo dài như vậy và tổn thất không biết bao nhiêu là sinh mạng. Trách nhiệm về ai?

Tình báo của VNCH kể như vô hiệu.

Ngày Mồng Một Tết mà tướng Trưởng còn thong thả và bình chân như vại đi duyệt đoàn quân danh dự. Huế thực sự đã bị bỏ ngỏ vào tay Cộng Sản. (Tóm lược theo Trung Tá Phạm Văn Sơn trong Phạm Văn Sơn, Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa của Việt-Cộng Mậu Thân 1968, 1969. trang 197).

Huế cuối cùng chỉ là những ngày mưa. Mưa dầm dề, mưa phũ phàng như cuộc sống của Huế suốt từ những ngày giáp Tết đã mưa rỉ rả liên tiếp cho đến tận 13 tháng 2 mới tạnh. Chỉ có Huế mới có thứ mưa như thế trong khi miền Nam mưa nắng rạch ròi, mưa ào ào một lúc rồi tạnh. Thiên nhiên Huế làm khó con người. Cái mưa, cái nắng, cái gió, cái nóng gió Lào, cái đắng ngắt, cái cay xè. Làm sao vô tư được? Cái mưa đó gián tiếp, tiếp tay cho bộ đội Bắc Việt. Quân đội ta đành thúc thủ vì máy bay không lên được. Đành phải chờ vây thôi. Bầu trời Huế nay mới thấy máy bay lượn vòng trên không đem thêm chút hy vọng cho những người dân Huế khốn khổ.

Chưa kể 2000 tội phạm ở lao xá thuộc đủ thành phần được thả ra vào ngày Mồng 4 tết và được trang bị súng ống. Bọn này gây thêm một thứ áp lực mới như làm chỉ điểm hay là trả thù?

Trách nhiệm này về ai?

Khi tiếng súng đã tạm ngưng. Khi Cộng Sản đã bị xua ra khỏi thành phố thì tức thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tới ủy lạo dân chúng vào ngày 25/2/1968. Phu nhân TT Thiệu và một số bà cũng đi theo ủy lạo và phát chẩn cho dân chúng.

(Còn P2 và Kết)

©2006-2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Loạt bài đã đăng lần đầu trên ngày 16-18 tháng 8 2006. DCVOnline.net biên tập và minh họa và bổ túc và cập nhật 2021.

[1] Chính Đạo, Báo Tiếng Dân (1927-1943). Vài tư-liệu mới. Hợp Lưu số 86, trang 16