Những ủng hộ viên thượng thặng của chủ nghĩa Trump

Xifan Yang | Người dịch: Phạm Hồng-Lam

Tại sao những người vận động dân chủ đối kháng ở Trung Hoa, Đài Loan và Hong Kong mê cựu tổng thống Trump?

Chỉ vài ngày sau cuộc bạo loạn tại Washington xuất hiện một cuốn sách ngợi ca hết mình vị cựu Tổng Thống Mỹ: „Chủ Nghĩa Trump. Tập I. Bảo Tồn Những Giá Trị Truyền Thống. Tái Lập Sự Huy Hoàng Của Nước Mỹ.“ Trên trang bìa in hình những lọn tóc vàng óng ánh như chuỗi hào quang. Nhưng điều lạ, là cuốn sách được viết bằng chữ Trung Hoa.

Đó là một tập hợp những bài luận thuyết, chỉ có thể mua được dưới dạng sách điện tử ở bên ngoài bức tường kiểm duyệt của Trung Hoa. Cuốn sách mô tả Donald Trump như là một anh hùng có số phận bi thảm: một mình ra sức chống trả lại tinh thần thời đại, như nhân vật Sisyphos trong thần thoại hy lạp xưa.

Cong Riyun, giáo sư chính trị học được nhiều người biết tiếng ở Bắc Kinh đã viết „Thời hậu hiện đại đã tháo tung những ước vọng của con người, trong khi chủ nghĩa bảo thủ giữ vững những chuẩn mực nền tảng của văn minh.“ Theo ông, Trump chẳng „ngăn cản được sự sụp đổ của Mỹ“, nhưng đã giữ cho đà này chậm lại.

Hơn một chục nhân vật đối lập nổi tiếng chống lại Đảng Cộng Sản Trung Hoa (ĐCSTH) đóng góp bài vở cho cuốn sách. Họ được coi là những trí thức cổ xuý Tự Do, ủng hộ Dân Chủ. Nhiều người trong số đó là những giáo sư dạy các khoa học xã hội và nhân văn, đã phải chịu nhiều sự đàn áp hoặc đã bị mất việc trong thời gian qua.

Cái gì đã thôi thúc họ đi tới việc tôn thờ một ông Trump vốn không coi nền Dân Chủ ra gì cả? Giáo sư Cong nói, người ta xem Trump chỉ là một thương gia. Nhưng quả thật ông ta đã thành công đẩy Trung Hoa vào những nan đề chưa bao giờ gặp. Đồng tác giả với ông, chuyên gia kinh tế Zhao Xiao, ca ngợi phương thức hành động của Trump là „đơn giản và rất thật: giữ lời hứa, không ba hoa rỗng tuyếch, luôn hành động nhắm thẳng tới đích“. Và Zhao hi vọng, nếu Trump không trở lại chính trường nữa, thì có lẽ những người khác sẽ tiếp tục con đường của ông: „‘Chủ nghĩa Trump không có Trump‘ sẽ là một định hướng lâu dài.“

Các tác giả trong tập sách là những người đứng ở tuyến đầu của một phong trào lạ lùng của những người yêu Dân Chủ chống lại ĐCSTH ở Trung Hoa, Hong Kong, Đài Loan và ở hải ngoại. Họ nuối tiếc về sự kết thúc của thời đại Trump. Một vài trí thức đối kháng chế độ tới nay sau nhiều tháng vẫn còn tin vào thuyết âm mưu cho rằng, cuộc thắng cử của Trump đã bị đánh cắp. Động cơ của những người tôn thờ Trump này không giống nhau. Một vài người trong họ, chẳng hạn như Wang Dan, một trong những người lãnh đạo phong trào dân chủ ở Thiên An Môn, coi con người Trump là thứ không ra gì, nhưng lại nghĩ rằng, chính sách của ông đối với Trung Hoa là vũ khí hữu hiệu chống lại sự thống trị của ĐCSTH. Những người khác, như giáo sư xã hội học ở Bắc Kinh Guo Yuhua, thì lại cầu nguyện cho ông cựu Tổng Thống và chửi những kẻ chỉ trích Trump là „đám côn đồ“ (Hooligans).

Tân tổng thống Joe Biden thì ngược lại bị họ coi là kẻ ngưỡng mộ ĐCSTH: Ông ta quỳ mọp trước Bắc Kinh, tán thành việc đàn áp người Uighur của cộng sản Trung Hoa, sẵn sàng để cho Trung Hoa kiểm soát hệ thống màng lưới điện của nước Mỹ. Chẳng có điểm nào ở đây đúng cả. Việc Joe Biden gần như hoàn toàn tiếp nối chính sách cứng rắn đối với Trung Hoa của Trump đã bị những người ngưỡng mộ Trump này cố tình đẩy ra khỏi bong bóng kiến thức của họ.

Nơi những người đối lập của phong trào dân chủ ở Hong Kong lại có một sự so sánh kỳ lạ. Họ coi cuộc bạo loạn chiếm Capitol và cuộc chiếm cứ Quốc Hội Hong Kong của họ trong tháng Bảy 2019 có cùng một ý nghĩa như nhau: cả hai đều là hành vi đối kháng của người dân chống lại chế độ độc tài, bên này là chống lại độc tài cộng sản Trung Hoa, bên kia là chống lại cái được cho là chủ trương độc tài của đám thiên tả người Mỹ.Và khi bút khoản (account) của Trump trên Twitter bị khoá lại trong tháng Giêng vừa rồi, nhiều người trong họ đã lấy hình của Tổng Thống Mỹ thế vào hình trên bút khoản của mình, để tỏ tình đoàn kết với nhân vật được coi là bị Twitter bịt miệng.

Những gì không hợp với cái nhìn của phe hữu chống cộng ở Mỹ đều bị xoá đi

Mùa thu vừa rồi, theo Viện Thăm Dò ý Kiến Yougov của Mỹ, có 36% dân Hong Kong muốn Trump thắng hơn là Biden thắng. Ở Đài Loan có tới 42% người được phỏng vấn cho biết, họ muốn Trump thắng cử, một con số cao nhất trong các cộng đồng bên ngoài nước Mỹ. Lý do giải thích cho hiện tượng này: Sự hung hãn gây chiến của ĐCSTH đã đẩy dân Hong Kong và Đài Loan vào vòng tay của thế lực đối nghịch.

Số người đối kháng ở Trung Hoa lục địa và nơi những cộng đồng người Hoa tị nạn ở hải ngoại yểm trợ Trump còn cao hơn. Không có số liệu chính thức về điểm này, nhưng Teng Biao, một người thông thạo trong lãnh vực này, đoán rằng, „có tới 80% những người dấu tranh cho nhân quyền ở hải ngoại và những trí thức ‚yêu Tự Do‘ ở lục địa yểm trợ Trump“. Teng là một luật sư nhân quyền và chính ông cũng thuộc vào hai nhóm này, nhưng ông không ủng hộ Trump. Năm 2003 ông cùng với một số nhà đối kháng khác đưa ra đòi hỏi dân chủ hoá hiến pháp của Trung Hoa. Ông là luật sư biện hộ cho những nhân vật đối kháng chống chế độ và bị tù nhiều năm. Năm 2014, nhân chuyến du hành sang Mỹ do Đại Học Harvard mời, ông ở lại và sinh sống tại đây từ dạo đó.

Luật sư nhân quyền Trung Hoa Teng Biao cho biết ông buộc phải chạy trốn khỏi Hoa lục vì lo sợ cho tính mạng của mình CBC Feb 25, 2020. Nicholas Kamm / AFP qua Getty Images.

Có khá nhiều người đối kháng như ông đã rời nước dưới thời Tập Cận Bình. Ở Mỹ, Teng gặp lại nhiều người bạn đấu tranh của mình. Qua điện thoại Teng cho hay, thiện cảm của họ đối với Trump là một diễn tiến âm thầm lớn lên với thời gian. Lúc đầu nhiều người coi Trump „là một tay ngớ ngẩn“ (Idiot). Rồi một vài người tỏ ra thích „chính sách Rambo“ của ông đối với chế độ của Tập. Mỗi đợt tấn công của Bắc Kinh vào các quyền tự do của dân Hong Kong, Đài Loan và Uighur, thiện cảm của họ đối với Trump lại càng gia tăng, dù đa số trong họ đều biết rõ rằng, Trump chẳng quan tâm gì tới nhân quyền cả. Nhưng cường độ gia tăng mạnh diễn ra vào dịp tháng Năm vừa qua, „khi nhiều người trong họ bắt đầu chửi Black Lives Matter. Họ cho rằng, dân da đen là đám phá phách, chứ chẳng có chính sách kỳ thị chủng tộc về mặt cơ cấu nào cả ở xứ này“. Teng không tán đồng lối nhận định đó. Và ông đã bị họ chửi là „đồ đi theo xã hội chủ nghĩa“, là „tay sai của đảng cộng sản“. Trong buổi đại hội Đảng Cộng Hoà, người đấu tranh nhân quyền Cheng Guangcheng, một người bạn và là khách hàng trước đây của Teng, đã lên diễn đàn ca ngợi ông Trump. Ông nói, Trump là một người đấu tranh can trường cho Tự Do và Dân Chủ. „Chúng ta phải cùng với tổng thống Trump chiến dấu cho hạnh phúc của toàn thế giới.“

Teng cho hay, giờ đây ông không còn liên lạc gì nữa đối với đa số những người bạn cũ của mình. Ông tự hỏi, điều gì đã khiến cho những người vốn đấu tranh cho Dân Chủ nơi quê hương mình lại quay ra ủng hộ một tay thích chuyên quyền?  Teng bảo, ông đã nhìn ra được nguyên do của lối suy nghĩ nơi những người đối kháng đó. Theo ông, ĐCSTH là thuộc „phe tả“ (dù họ chủ trương một chính sách tư bản man rợ). Và ai chống lại sự toàn trị độc đảng, người đó được kể là thuộc „phe hữu“.

Một số người đối kháng ghét cay ghét đắng những thành viên đảng Dân Chủ ở Mỹ, bởi họ cho rằng, Clinton và Obama đã giúp cho Trung Hoa có được sức mạnh vũ bão trên bàn cờ quốc tế; rằng đảng Dân Chủ đưa ra chiêu bài Nhân Quyền, nhưng thật ra họ luôn luôn chỉ nghĩ tới làm ăn thương mại. Và vì chương trình của đảng Dân Chủ hiện nay quá ngã về phía tả, nên họ xếp đảng này vào hàng đồng chí đồng dạng với ĐCSTH.

Tất cả những gì không hợp với cái nhìn của phe hữu chống cộng ở Mỹ, phe mà các nhà đối kháng người Hoa coi là thế lực bảo vệ cho họ, đều bị loại ra khỏi góc nhìn của họ. Thật ra những cuộc làm ăn lớn với Bắc Kinh đã khởi đi dưới thời tổng thống bảo thủ Regan và Bush cha.

Những nhà đối kháng người Hoa rất thường kết hợp những diễn biến ở Mỹ vào trong nếp nghĩ và kinh nghiệm của mình. Phong trào đấu tranh dân quyền mới ở Mỹ sau cái chết của George Floyd đã khiến những người Hoa ủng hộ Trump liên tưởng tới những hình ảnh về cuộc Cách Mạng Văn Hoá, khi đất nước Trung Hoa bị chìm ngập trong nỗi sợ hãi do Vệ Binh Đỏ gây ra. Nhà chính trị học Cong Riyun viết trong tập sách ca ngợi chủ nghĩa Trump nói trên: „Đập phá, cướp bóc, đốt nhà, bắt người khác phải tự phê bình và quỳ mọp nhục nhả; Black Lives Matter là cuộc Cách Mạng Văn Hoá ở Mỹ.

Hình ảnh nước Mỹ thời Reagan là trụ điểm bất biến trong đầu óc những người đối kháng

Tả là kẻ thù của Tự Do, hữu mới là kẻ duy nhất đấu tranh cho những giá trị tây phương: Mô hình suy nghĩ này nơi những nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng vốn là một hiện tượng mang tính thế hệ. Yao Lin, 37 tuổi, giáo sư chính trị học ở Đại Học Yale và là đại biểu cho thế hệ trẻ hơn, đã xác nhận về khuynh hướng ngã theo cánh hữu nơi tầng lớp trí thức già vốn cổ xuỳ cho Dân Chủ và Tự Do. Ông tin rằng, những người thuộc thế hệ 50 tới 60 tuổi, những người vốn kinh qua cuộc thảm sát phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trên công truờng Thiên An Môn (1989), đều giữ nơi mình một hình ảnh Lý tưởng về nước Mỹ. Trong một bài viết, ông gọi hiện tượng đó là „Beaconism, dựa theo câu nói của Ronald Reagan lúc đó: nước Mỹ là một „beacon of hope“, một „ánh đuốc hy vọng“ dân chủ cho thế giới.

Giáo sư Lin viết, hình ảnh nước Mỹ thời Reagan là một trụ điểm bất biến nơi đầu óc của nhiều người đấu tranh đã trải qua kinh nghiệm chính trị trong những năm 1980‘. Họ tán dương nền dân chủ tây phương. Nền dân chủ này, dưới con mắt họ, được thể hiện qua thị trường kinh tế tự do do Friedrich ở Hayek và Milton Friedman định hình; và mô hình này cho tới nay vẫn tiếp nối với tư tưởng của Samuel Huntington về sự đụng độ giữa các nền văn minh, qua đó văn minh tây phương nắm ưu thế. Cũng theo giáo sư Lin, những người đối kháng đã khoác vào mình niềm tin rằng, vì „thiển cận“ văn hoá, nên Trung Hoa đã bước vào tàn lụi kể từ thế kỷ 19, và con đường tự giải thoát duy nhất của nước này là phải biết „hướng ngoại“, đi theo tư tưởng tiến bộ của tây phương. Khi nhận vào mình những quan niệm như Nhân Quyền và Tự Do, các nhà đối kháng đồng thời thường tiếp thu luôn chủ trương kỳ thị chủng tộc của thực dân và chủ nghĩa Darwin về mặt xã hội.

Yao Lin sợ rằng, những người ủng hộ chủ trương của Trump đã „bị tiêm nhiễm sâu xa nếp suy nghĩ của những người hữu phái ở Mỹ“. Những người đối kháng thuộc lớp già đi theo Trump, trớ trêu thay, là những người thiếu kiến thức tiếng Anh. Nhiều người trong họ sống trong tình trạng thiếu vắng mọi cơ hội trao đổi và thảo luận: Trong nước, chẳng ai có thể nghe được tiếng họ; những cơ hội trao đổi trực tiếp với bên ngoài ở phương tây thì lại không có.

Ai Weiwei. News und Infos | ZEIT ONLINE

Nhưng Ai Weiwei, có lẽ là nghệ nhân Trung Hoa nổi tiếng nhất hiện nay và đã ở ngoại quốc nhiều năm, không thuộc vào nhóm trên đây. Trả lời câu hỏi của Die Zeit về hiện tượng ngã theo cánh hữu của những đồng hương của mình, ông cho hay: Ông không có thiện cảm với Trump. Ông chẳng thân Cộng Hoà mà cũng chẳng mến Dân Chủ. Đối với ông, đảng nào cầm quyền thì cũng thế, bởi vì nền Dân Chủ ở Mỹ đã biến thành trò hề.

Những người Hoa ủng hộ Trump bảo, Ai Weiwei là „tay đần độn“. Nhưng Ai Weiwei cũng nghĩ như họ về một số điểm. Ông cũng liên tưởng tới đám vệ binh đỏ của Mao, khi thấy những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc ở Mỹ giật đổ tượng của các tướng lãnh miền nam và thay đổi tên một số trường học, vì các trường này mang tên của những nhân vật lịch sử có vấn đề. Việc Twitter và Facebook khoá bút khoản của Trump được ông gọi là một cuộc „đảo chánh“. Theo ông, „không được lấy đi quyền tự do ngôn luận của một vị tổng thống được bầu lên“.

Phản ứng của Ai Weiwei trước mọi hình thức kiểm duyệt là điều dễ hiểu, vì ông vốn là một nạn nhân bị bịt miệng bởi nhà cầm quyền Trung Hoa. Khi được Die Zeit hỏi tiếp: việc Trump cứ phao tin dối trá về chuyện bị đánh cắp kết quả bầu cứ có phải thật sự là tự do phát biểu quan điểm hay không, và lời khẳng định của ông về sự gian lận bầu cử có đúng hay không, thì Ai Weiwei lại nhất mực trả lời: không có bằng chứng là Trump nói dối: „Kiểm duyệt do tả phái ở Mỹ hay kiểm duyệt ở Trung Hoa hiện nay thì cũng là một, chẳng có gì khác nhau.“

Khi một người nhìn xa thấy rộng như Ai Weiwei mà lại có những khẳng định như thế, thì hẳn thế giới đang đứng trước một sự rối loạn thông tin lớn không ngừng lan toả. Mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt gữa Trung Hoa và phương tây cũng như sự phân hoá trong nội bộ nước Mỹ đã tạo ra một trận chiến rối mù đặt nền trên những so sánh sai về những sự kiện tương đồng.

Sự lầm lẫn nơi những trí thức Trung Hoa nổi tiếng nhất đang đặt ra một vấn nạn đầy âu lo. Trước câu hỏi, liệu có hy vọng nào cho khả năng mở cửa chính trị ở Trung Hoa hay không, một vài người trong họ trả lời: Làm sao có được cơ may thay đổi cho đất nước, khi những đầu óc cởi mở của nước này giờ đây lại chủ trương một chính sách thiếu cởi mở?

Tác giả | Xifan Yang là ký giả phụ trách văn phòng toà soạn tuần báo DieZeit  của Đức tại Bắc Kinh.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Xifan Yang, Super-Trumpisten. DieZeit, 25.02.2021.