Vấn đề bê tông hóa quyền lực của đảng cộng sản hiện nay

Nguyễn Văn Lục

Trong khoảng 25 năm trở lại đây, đã có nhiều thay đổi về mặt kinh tế, kỹ thuật và mức sống của người dân Việt Nam. Có nhiều cơ xưởng tại các khu kỹ nghệ, cao ốc mọc lên như nấm tại các đô thị, lại thêm xa lộ, cầu chằng chịt như  một đô thị tân tiến tại các nước phát triển.

Mưa ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Dương

Xe gắn máy, xe hơi nối đuôi nhau nườm nượp tạo ra cảnh kẹt xe trầm trọng trong giờ tan sở. Lớp trẻ , điện thoại cầm tay, ăn mặc đúng thời trang, kiểu cọ thể hiện cách sống của một thế hệ mới đang lên. Phố xá tấp nập với nhiều nhà hàng ăn sang trọng, nhiều siêu thị đủ cỡ, có cả siêu thị của Nhật sang trọng, bán đủ mọi mặt hàng, biểu lộ một nếp sống văn minh mới.

Không ai có thể phủ nhận được điều đó và lợi tức đầ người tính chung hơn 2000 đôla/năm cũng được coi là khá.

Nhiều khu vực xung quanh hồ Gươm ngập sâu sau trận mưa lớn chiều 11-5-2021. Ảnh: OFFB

Tuy nhiên, bản chất của đảng cộng sản như “Đảng ta bao giờ cũng đúng” hoặc “Bảo vệ sự thống nhất của đảng như bảo vệ con mắt của mình” xem ra vẫn thế.  Và nó càng ngày càng có cơ sở vững chắc, tạo tin tưởng trước một số thành tựu tiến bộ về kinh tế, chính trị trong nước và cả ngoài nước.

 Cái tâm lý chung của những người lãnh đạo từ chỗ thoát nghèo, từ chỗ các cửa hàng mậu dịch tại các phường khóm, từ chỗ cơm ăn độn ngô khoai, từ chỗ phụ nữ sang Đài Loan, sang Đại Hàn lấy chồng hầu như chỉ còn là một quá khứ đã bị quên lãng.

Ngay sau 1975, người ta còn nhớ các loa phóng thanh đặt trước các phường khóm và các cột đèn để thông tin, cổ động và tuyên truyền cho Đảng. Loa nay đã lỗi thời rồi.

Thay loa là cả một hệ thống tuyên truyền với các đài truyền hình VT1, VT2, VT3, VT4, VT5, VT6, VT7, VT8 tinh xảo, có bài bản và xảo quyệt gấp bội lần, lộng giả thành chân. Đó là các cơ quan chỉ để “bốc thơm” đảng và nhà nước về mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, v.v..

Sự thật lẫn lộn với giả trá. Chưa kể gần ngàn tờ báo giấy đủ loại. Mỗi ngày chỉ thấy những thành công vĩ đại “vượt chỉ tiêu”  “ngang tầm thế giới”.

Nói chung chưa thấy một thất bại cụ thế nào. Mà thật sự thất bại, sai lầm nhan nhản đến không thể che dấu được trong thời đại thông tin hiện nay. Đó là cái bẫy sập, hầm chông, tự chôn mình một ngày không xa. Cái bẫy sập đó, chính là ảo tưởng vĩ cuồng như những con ngựa bị bịt mắt, chỉ thấy có con đường trước mặt.

 Nói thì nhiều. Làm thì ít. Toàn là những lời dối trá, lừa bịp. Mẩu chuyện sau đây được viết lại  trong Hồi ký  “Đời” của Hồ Ngọc Nhuận khi nhắc lại chuyện gặp Lê Đức Thọ ở Hà Nội năm 1975,

“Nguy… nặng 

 Ông Lê Đức Thọ và ông Xuân Thủy, như đã quen đi với nhau từ hồi Hội nghị Paris về hòa bình Việt Nam, cùng đến thăm chúng tôi ở Thắng Lợi, trong chuyến đi đầu tiên của chúng tôi tại Hà Nội.

Gần như chỉ một mình ông Lê Đức Thọ nói, còn ông Xuân Thủy thì đi vòng vòng sau lưng chúng tôi, thỉnh thoảng mới chêm vào một câu. Như khi ông Thọ nói đến tiếng “ngụy” là tiếng cần phải bỏ đi, không nên dùng nữa, thì ông Xuân Thủy phụ họa: “Bây giờ mà còn dùng chữ ngụy thì sẽ bị… mất cái dấu nặng!””

Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký, “Đời hay Chuyện về những người tù của tôi”, (Bản thảo năm 2010, có bổ sung), www.vietnamvanhien.net, bản pdf, trang 5

Sau đó, ông Hồ Ngọc Nhuận trích dẫn một công văn của Cục báo chí xuất bản.  Số 06/BCXB.

Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký, “Đời hay Chuyện về những người tù của tôi”, (Bản thảo năm 2010, có bổ sung),

Khoảng cách từ ngày văn bản ký đến nay kéo dài 46 năm mà thực tế nó vẫn chưa được thi hành.

 Nhiều người đã lên tiếng cảnh cáo về tính cách một chiều,  “đồng phục” miễn cưỡng và o ép.

Tôi xin nhắc lại một nhận xét để đời của ông Phan Khôi:

“Trong nghệ thuật ngụ cái cá tính của mỗi người một khác, do đó nghệ thuật tính của văn nghệ của mỗi tác giả một khác. Có thế thì mới có được cái quang cảnh “trăm hoa đua nở”. Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.”

Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. 1959. Bản PDF

Lời cảnh cáo của ông Phan Khôi vẫn không thay đổi được gì; 62 năm sau mà tính đồng phục còn vững chắc như được bê tông hóa, không nhúc nhích đi được.

Đảng được thần thánh hóa như tôn giáo! Nên chỉ có người của đảng mới được khen và nhất là chê. Về khen, chuyện Trần Văn Giàu đến thăm tờ Tin Sáng:

“Giáo sư Trần Văn Giàu đã đến thăm Tin Sáng vài lần, khi về lại miền Nam. Lần đầu ông nói: “ Các anh làm báo cộng sản như… cộng sản.” Lần sau: “ Các anh làm báo cộng sản hơn… cộng sản!””

Hồ Ngọc Nhuận, Ibid.

Hai lần nhận xét chỉ khác nhau một chữ “hơn” thay chữ “như”. Lần nào ông Trần Văn Giàu nói thật?

“Ngày 13-11-1988, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật từng đăng bài viết “Về một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học” của Lý Chánh Trung.”

Lam Điền, “Giáo sư Lý Chánh Trung từ trần ​ở tuổi 89”, Tuổi Trẻ Online, 13/03/2016.

Không xong rồi. Thật ra nhiều người trước đó đã nói rồi. Trần Văn Giàu cũng đã từng nhận xét như thế. Nhưng khi Lý Chánh Trung lên tiếng thì bị phản ứng từ các ông Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh:

 “Mẹ kiếp, cái đảng của chúng tôi, cái Mác Lê của chúng tôi thì chúng tôi biết chứ! Đau xót lắm chứ. Nhưng chúng tôi mới nói được. Anh là người ngoài đảng, anh không nói được.”

Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định X. Trong nước, ngoài nước. 1994-1998, trang 5. Bản chụp lại.

 Cái tội của Lý Chánh Trung về phạm vi cá nhân là tội ngây thơ vô số tội, tội tin đảng.

Về phạm vi tập thể ý thức hệ là Đảng vốn được coi như thần thánh – như một hòn đá tảng – đã bê tông hóa rồi, không hề sai lầm. Thế tục hóa đảng là muốn đảng phái sửa sai, phải lột xác, không coi đảng như một quyền uy, tối cao như một tôn giáo. Thế là động chạm đến cái cốt lõi của đảng rồi. Cái đã làm nên đảng là đảng. Mất cái đó, đảng còn là gì? Suy nghĩ khác đảng đích thị là địch.

Rất tiếc sau này ở hải ngoại, một số người Việt ăn phải “bả cộng sản” cũng suy nghĩ y như thế. Không  suy nghĩ giống họ hẳn là cộng sản. Rất nhiều người dù ở hải ngoại đã được đội nón cối của cộng sản. Đó là một thứ bệnh chính trị cộng sản như thứ virus hay lây. Vì thế, làm gì cũng được. Ăn chơi, chửi đổng, hủ hóa, bất lương, vợ nọ con kia đều có thể được. Nhưng tránh cho hai chữ chính trị. Chính vì nó đã làm nhiều người điêu đứng cả một đời bằng nhiều cách vì hai chữ này.

Nguyễn Văn Trung đã có nhận xét để đời về bài học cộng sản.

“Tham gia cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.”

Nguyễn Văn Trung: “Tưởng niệm Việt Nam Cộng hòa” (In memoriam Việt Nam Cộng hòa), Tạp chí Văn Học (Cali) năm 2000, Thư Tòa soạn

Cũng vậy, đảng CSVN vẫn yêu cầu mọi người dân góp ý, xây dựng đảng. Nhưng tin là chết. Vì thế mới có cái nạn cộng sản lại sợ chính cộng sản chẳng khác gì sợ các thế lực thù địch. Vì thế nghịch lý mà nói: cái lầm than của đảng cộng sản nằm ở chỗ cao cả không ai với tới được!

Về tâm lý, nó là cái bệnh ảo tưởng cộng sản, bệnh sợ chính mình. Dùng bạo lực lại sợ chính bạo lực. Dùng sự giả dối lại sợ chính giả dối! Từ đó nảy sinh ra các vụ thanh trừng, phe này thủ tiêu phe kia.  Như các trường hợp Lê Duẩn-Võ  Nguyên Giáp. Các thế hệ sau này như Nguyễn Tấn Dũng-Nguyễn Phú Trọng cũng thế. Và sự thanh trừng theo hệ thống chiều dọc, từ trên xuống dưới, vây cánh đàn em, ngay cả họ hàng bà con thân thuộc, con cái.. cũng dính chùm.

Đó là sự khủng bố có dây chuyền, một viên đạn bắn hai con chim.

Quyền lực bê tông hóa như một lẽ sống còn, không gì lay chuyển. Không còn luật pháp và lây lan sang người dân trong tinh thần sống chết mặc bay. Từ đó nảy sinh bạo lực, bất nhân, bất đạo, bất nghĩa.

Nghĩ tới điều này tôi liên tưởng đến thời Pháp thuộc để so sánh hai lối suy nghĩ, hai cách sống và tự hỏi rằng chế độ thực dân và chế động cộng sản, ai thực dân hơn ai? Giả dụ không có người Pháp thì Việt Nam sẽ ra sao? Ai chống Tàu bảo vệ Việt Nam, quyền lợi của Pháp và ai bán nước,  vì quyền lợi đảng, lệ thuộc Tàu?

Đành rằng việc khai thác thuộc địa là bản chất cốt yếu làm nên chế độ thuộc địa. Không ai phủ nhận điều đó.  Nhưng đứng ở vị tri người Âu Châu thời đó thì nên hiểu rằng có một tâm trạng của óc phiêu lưu, óc mạo hiểm như một giấc mơ của đời họ. Họ mơ đến những vùng đất xa xôi, hiểm trở. Nó không khác gì giấc mơ đi về miền viễn tây của người Mỹ. Không chỉ riêng người Pháp mà người Anh, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều ước mơ những cuộc viễn du. Không có người Pháp thì có nước Pháp nhảy vào thế chỗ. Thực tế thì chỉ vì quyền lợi riêng mỗi nước. Trước như thế, bây giờ có khác chi? Nhưng gián tiếp cái lợi của nước yếu có thể không ai dự đoán hết được.

Vì thế, người Pháp vẫn có thể hãnh diện về sự có mặt của họ ở Việt Nam. Họ ra đi rồi mà tâm tư họ còn ở lại. Họ vẫn nhắc nhở đến những người đã có công trạng với Việt Nam như Paul Doumer, Alexandre de Rhodes, Joseph Pigneau de Béhaine và những di tích, phong cảnh đẹp như như Trang An, Lăng Cô, Côn Đảo cũng như các dân tộc miền núi như một quê hương thứ hai của họ. (Tạp chí Géo, Le Viet Nam, janvier-2015).

Cầu Long Biên (Hà Nội) khi mới khởi công vào cuối thế kỷ 19, lúc đó có tên là Doumer – đặt theo tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Người Hà Nội khi ấy thường thuộc bốn câu thơ: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong /Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…” Cầu được người Pháp xây từ năm 1898, khánh thành năm 1902. Nguồn Ảnh: nhiếp ảnh gia Pháp Pierre Dieulefils cuối thế kỷ 19
Cầu Long Biên 24/06/2020. Nguồn: VOV

Đó cũng là chủ đề của chủ bút tờ Géo Histoire trong số  L’Indochine. Un siècle de présence francaise au Việt Nam, au Laos et au Cambodge. Số tháng tư và năm 2014. Một thế kỷ sự có mặt của người Pháp ở Vietnam, Lao và Cam Bốt). Chỉ đáng tiếc là đi kèm với giấc mơ ấy là có lưỡi gươm.

Một trong những tác giả người Pháp từng viết sách sử về Việt Nam, Pierre Brocheux trong bài “Les Français respectaient ces vieilles traditions” (trang 20, Géo Histoire) vẫn tôn trọng nền văn minh cổ truyền của Viet Nam như đạo giáo, tập tục, lối sống bản địa. Các di tich bản địa như lăng mộ nhà Nguyễn, di tích tháp Chàm, các đền đài cung điện vẫn được bảo tồn. Báo chí ở trong Nam  được phát triển mạnh mẽ.

Khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã làm gì ? Truy quét, hủy diệt, tù đầy các nhà văn tạo ra một khoảng trống văn học. Vẫn một bài bản kể từ vụ Nhân Văn giai phẩm còn kéo dài để lại.

Một tỉ dụ thứ hai. 5 năm dưới quyền Joseph Athanase Paul Doumer từ năm 1897-1902 qua cuốn Hồi ký L’Indo-Chine Francaise[1] của ông. (Dịch giả tiếng Việt gồm Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy. Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. nxb Thế Giới & Alp, 29-03-2017)

Nhờ có ông Toàn Quyền Doumer mà xứ Đông Dương xây dựng được ba cây cầu. Lớn nhất và vĩ đại nhất, khó khăn nhất là cầu Doumer — sau đổi ra cầu Long Biên — bắc qua sông Hồng[2]. Tôi đã được nhìn lại cây cầu sắt vĩ đại này. Ở giữa là đường rầy xe lửa. Hai bên có lối đi rộng rãi dành cho xe đạp và người đi bộ.

L’Indo-Chine française, souvenirs / Paul DoumerAuthor :  Doumer, Paul (1857-1932). Auteur du texte. Publisher :  (Paris)Publication date :  1905. Language :  frenchFormat :  XVI-392 p.-XII pl. : portr., fig., pl. et carte ; Gr. in-8Format :  Nombre total de vues : 452Description :  Collection numérique : Bibliothèque Francophone Numérique

Thứ đến cầu Thành Thái, sau này đổi tên là Tràng Tiền. Tràng Tiền nơi hai bên bờ sông Hương cho xứ Huế và sau cùng là cầu đường sắt Bình Lợi (1902-2019) bắc qua sông Sài gòn.

Paul Doumer (đội mũ đen, ngoài cùng hàng đầu bên phải) tại trường thi Nam Định năm 1897. Ảnh: Firmin André Salles (1860-1929)

Ông cũng là người xây dựng hải cảng Hải Phòng, xây đường đường sắt từ Nam ra Bắc và mãi đến năm 1937 mới hoàn thành. Alexandre Émile Jean Yersin (22 tháng 9 năm 1863 – 1 tháng 3 năm 1943) là bác sĩ y khoa, một chuyên gia về vi khuẩn học, và cũng là người ưa thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông là người đồng tìm ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Ông cũng là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội)[3].

Ông Toàn Quyền Doumer cũng là người đưa cây cao su trồng ở miền Nam, trở thành cây kỹ nghệ xuất cảng. Nhân lực chính là các người nông dân miền Bắc, không có miền Naam, nghèo với hàng vạn người vào lập nghiệp, ký giao kèo làm việc ba năm. Sau  giao kèo ba năm, nhiều người đã bỏ trốn vì nhiều lý do, như công việc quá cực nhọc và có thể nhớ làng xóm quê hương miền Bắc, nhưng bị bắt lại.

 Hãng  Michelin là công ty chính khai thác nhựa cao su cho đến tận 1975.

Họ đã diệt trừ được bệnh sốt rét ở miền Nam mà ngoài Bắc cho đến năm 1975 vẫn còn ở các vùng Ninh Bình hay các tỉnh vùng cao nguyên. Nhất là sau đó, họ tránh được nạn đói năm Ất Dậu ở miền Nam mà dân chúng ngoài Bắc là nạn nhân hàng đầu.

Về Văn hóa, ông là người có công thiết lập trường Viễn Đông Bác cổ, trường Cao đẳng Hà nội.

Nhìn lại những người tiền nhiệm của chế độ thực dân, người Pháp dù họ là thứ thực dân chính hiệu, một cách nào đó cũng trở thành người bạn gián tiếp giúp người Việt Nam, cũng có công với nước ta, nhất là đuổi được người Tàu không xâm lấn Việt.

Về công cuộc bình định xứ Bắc Kỳ, đánh đuổi các quân Tàu cũng đã được Toàn quyền Doumer, tóm lược khá chi tiết trong cuốn Hồi ký  của ông.

Nhưng gần đây, chúng tôi nhận được môt bản dịch từ dịch giả Nguyễn Duy Chính: Việt Nam trong cuộc chiến Trung-Pháp dưới dạng bản thảo. Tác giả là Long Chương, giáo sư tiến sĩ sử học tại Fribourg, Thụy Sỹ- 1962- Nguyên tác Hoa Văn, 1993.

Nhận thấy tài liệu có nhiều chi tiết nêu rõ các mối tương quan giữa triều đình Huế, nhất là đời Tự Đức với Trung Hoa cũng như mối tương quan giữa  nước Pháp và triều đình Huế và quan trọng hơn cả mối tương quan giữa Pháp và Trung Hoa – mà cả hai đều cho rằng họ có chủ quyền về Việt Nam.  Ở đây, chỉ xin tóm lược vài ý chính của bản dịch nói trên.

Phần triều đình Mãn Thanh lúc bấy giờ suy yếu dần chỉ là loạn bên trong, họa bên ngoài.

Với người Pháp cho rằng tương quan giữa Trung Hoa và Việt Nam chỉ là quyền hữu danh vô thực. Như Henri Cordier cho rằng:

“Trong nhiều thế kỷ, việc triều đình Trung Quốc sắc phong Annam không có tác dụng thực tế chỉ là hư văn và quan hệ Việt Nam Trung Quốc chỉ là truyền thống.”( Trang 15)

Từ đó, vì quyền lợi đôi bên đã đưa đến chung cuộc là cuộc chiến Pháp-Trung mà kết quả là người Pháp đã loại bỏ được Trung Hoa ra khỏi Bắc Kỳ, buộc họ phải rút lui về biên giới  Hoa Việt.

Truớc khi có cuộc xung đột võ trang với Trung Hoa (1984-1885) thì người Pháp đã có 8000 quân ở Bắc Kỳ (trang 168). Sau đó đôi bên đến ký Hiệp ước Thiên Tân. Nhưng khi tiếng súng đã nổ thì Hiệp ức Thiên Tan chỉ còn là tấm giấy lộn.

  Người Trung Hoa hồi ấy ngang bướng chủ trương rằng: Quân ở đâu thì đất họ ở đấy. Mặc dầu triều đình nhà Nguyễn đã chịu nhượng bộ người Pháp nên đã chịu ký Hòa ước Giáp tuất. Nhưng triều đình Việt Nam xưa nay vẫn lệ thuộc Trung Hoa, vẫn giữ thể lệ triều cống, vẫn nhờ cậy Trung Hoa trong ý đồ đuổi được người Pháp ra khỏi Đông Dương nhờ tay Tầu.

Thủ tướng Pháp Jules Ferry đã quyết tâm bành trướng thế lực, giữ trọn Đông Dương và xảy ra cuộc chiến tranh Trung-Nhật vào năm 1884.

Người Pháp đã thông báo cho Trung Hoa rằng: Bắc Kỳ vẫn phụ thuộc về Sài Gòn. Thương cảng Bắc Kỳ kéo dài đến biên cảnh Trung Hoa. Trung Hoa thì vẫn cho rằng Việt Nam là thuộc quốc của họ. Nước Pháp động binh, đánh đuổi bọn người Hoa ô hợp tại Bắc Kỳ và cương quyết phủ nhận quyền tông thủ của Trung Hoa. Kết quả sau cùng là Trung Quốc đành chấp nhận:

  • Quân đội Trung Hoa rút ra khỏi Bắc Kỳ.
  • Vân Nam là nơi khai phóng, buôn bán với Trung Hoa.
  • Không đề cập đến quyền Tông chủ.
  • Từ bỏ về khu vực phía Nam Trung Quốc.

Cuối cùng vấn đề biên giới Việt Nam Trung Hoa và Pháp được ký kết ở Bắc Kinh ngày 26-6-1887- Quang Tự năm 13. Giữa đại diện Trung Hoa và Công sứ Pháp Ernest  Constannts. (trang 305)

Giả dụ không có người Pháp, liệu biên giới Bắc Kỳ sẽ nằm ở đâu?

Tuy nhiên, hãy tạm quên những điều đó. Và dưới mắt nhiều người thì điều quan trọng hơn cả là người Pháp đã để lại một di sản văn hóa, hành chánh và hệ thống pháp lý phân quyền. Họ thiết lập được một chế độ hành chánh hợp lý, phân lập công tư với một nền tài chánh vững chãi, một nền văn hóa bản địa như một khuôn đúc của Pháp.

Đó không phải chỉ là khai thác mà còn khai hóa. Khai thác thì nhất thời. Nhưng khai hóa là nền tảng bền vững vun trồng vốn liếng tinh thần làm nên văn hóa, một bản sắc người Việt Quốc Gia, cả một thời đại miền Nam sau này. Gần một thế kỷ cai trị, di sản văn hóa của người Pháp để lại cuối cùng là ở chỗ di sản văn hóa này. Đó là thứ căn cước của người miền Nam của một miền đất tự do và hào phóng, nhân bản và cổ súy tình người.

Cũng chính ở chỗ đó, sau 1954, hai miền Nam-Bắc khác biệt là ở chỗ này.

Trong Nam, có sự phân biệt xã hội dân sự, phân biệt được xã hội công và xã hội tư. Xã hội công dựa trên trật tự pháp lý và xã hội tư dựa trên đạo lý và tình người. Nó khác nhau, nhưng không đối lập và bổ túc cho nhau. Có đời công và có đời tư.

Một người công chức, một  người quân nhân ở miền Nam, trước 1975, ngoài nhiệm vụ đời công như một xã hội lý. Nhưng khi về nhà là một xã hội tình, xã hội riêng tư. Cởi bỏ bộ đồ lính, họ có thể là nhà văn, nhà buôn mà chính quyền tôn trọng và không can thiệp vào. Đó là tính cách đa dạng, cởi mở và tự do, nhân bản khác với văn hóa đồng dạng ở miền Bắc

Và trách nhiệm chỉ tùy thuộc một cá nhân. Không có cảnh quýt làm cam chịu, trách nhiệm liên đới. Bố theo kháng chiến, theo Việt Minh. Con vẫn được ăn học tử tế và không có chủ nghĩa lý lịch.

 Phan Nhật Nam có bố đi theo kháng chiến vẫn được học khóa sĩ quan Đà Lạt và nổi tiếng một nhà văn chống cộng sản với cuốn “Mùa hè đỏ lửa”. Cuốn sách đã làm ông nổi tiếng. Nguyễn Trọng Văn đã quá vãng. Bạn bè không ai biết ông là một người gốc Hoa[4], lấy vợ cũng người Hoa làm nghề châm cứu. Hai bố con nói rặt tiếng Hoa mà nào ai biết. Ông ngả theo cộng sản từ hồi dạy học ở Vĩnh Long, bạn bè biết, nhưng không tố cáo. Vì ông biết chắc rằng, tình bạn trên hết nên đã không sợ bị tố cáo.

Nhưng đó cũng là lý do thua cuộc của người miền Nam. Nhưng cái thắng cái thua, ai thắng ai thì nay không nằm ở chỗ chiếm được đất đai, chiếm tài sản vật chất.

 Nó nhất thiết nằm ở chỗ di sản văn hóa, tinh thần. Âm nhạc miền Nam mang cái ấn tượng sâu sắc đó. Nó có sức chuyển tải đến mê hoặc lòng người. Cho nên, những cái gì mà cộng sản muốn phế bỏ, muốn tiêu diệt thì nay họ trở về rập khuôn lại những gì họ đã phế bỏ. Hai từ ” Đổi mới” như một khẩu hiệu hãnh diện nói cho cùng chỉ là trở về với cái cũ đã từng bị loại bỏ. Tư bản là bóc lột thì nay “ Tư bản đỏ” bóc lột hơn ai hết. 

Nhiều người cộng sản phải chịu khó học lại các bài học cũ. Nhiều người miền Nam trước 1975 cũng phải xem xét lại mình, thấy ưu điểm của chính mình.

 Người cầm bút trước 1975 ở miền Nam, trước và sau là một khoảng cách chia đôi, dù chống đối chế độ bằng nhiều cách thì biết rõ một điều là không phải lo ngại về an ninh chính trị của bản thân và của gia đình mình.

Nói cách khác. Viết mà không sợ.  Đó là trường hợp của Thảo Trường, thiếu tá an ninhb quân đội viết cho các tờ Đất nước và Hành Trình với cuốn truyện Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp. Và đó cũng là trường hợp  Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức trên tờ Đại Dân Tộc và sau này là Tin Sáng. Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín trên tờ Đối diện. Nguyễn Trọng Văn công khai nhục mạ Phạm Duy với cuốn Phạm Duy đã chết như thế nào và ra mắt sách do Phong trào Tự trị đại học tại trường Đại Học Văn Khoa tổ chức ngày 6-6-1971.

Thế Nguyên, chủ trương tờ Trình bày, một cán bộ nằm vùng với cuốn Hồi Chuông tắt lửa nổi tiếng một thời, 1963. Ông cũng là tác giả của Bóng mát, Nuôi con nhơn tình.

Vũ Hạnh, cộng sản nằm vùng bị cảnh sát bắt điều tra. Hết Võ Phiến, phó chủ tịch Văn Bút, đến lượt Thanh Lãng, chủ tịch Văn Bút cũng can thiệp thả. Nói chi đến Thích Nhất Hạnh và Trịnh Công Sơn. Tôi vẫn mê nhạc Trịnh như nhiều người.

 Tính cách phóng khoáng và tự do tư tưởng còn được thể hiện rõ nét cho thấy chương trình Việt văn các lớp Trung học đệ nhị cấp- ngoài nhóm Tự Lực Văn Đoàn còn các nhà văn ở bên kia như Tú Mỡ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Văn Cao. Các nhà văn tiền chiến còn được dạy trên Đại Học như Nam Cao với truyện Lão Hạc, nhất là truyện Chí Phèo.

Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao ghi ghi lại bốn câu thơ như sau:

“Ai làm cho khói lên giời.
Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly
Ai làm cho Nam Bắc phân ly
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân.”

1943. Truyện ngắn tuyển chọn Nam Cao. Đời thừa, trang 287

Trong Nam, trước 1975, mấy ai xa lạ với Ngô Tất Tố với Việc Làng, Trần Tiêu, Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Cho đến nay, đọc lại tuyển tập Nguyên Hồng, ba tập, nxb Văn Học, 1985, tôi vẫn không giữ nổi những cảm xúc thương cảm về ông. Làm nhà văn miền Bắc thật khổ. Phải nói thật. Số phận họ không bằng con chó cảnh nuôi trong nhà ở miền Nam.

Chỉ riêng Tố Hữu, không có cuốn thơ nào ở miền Nam.

 Đã thế, ngay cả như chủ nghĩa Mác xít cũng được công khai giảng dạy trên đại Học, dựa trên nguyên tắc tự trị đại học, do các giáo sư trách nhiệm như Trần Văn Toàn. Bên cạnh đó còn có triết học Nho giáo và Phật giáo. Chỉ riêng có thần học công giáo chỉ được giảng dạy trong ngành triết, Đại học Đà Lạt.

Yếu tố văn hóa, tinh thần tự do rộng mở, tính nhân bản sẽ mãi mãi định hình con người Việt Nam giữa Cộng sản- Quốc Gia, giữa chính và tà.

Tà với bạo lực một ngày nào đó sẽ tự tiêu diệt.

Quyền lực dựa trên bạo lực nhất thời có thể chế ngự. Phải gây thêm biết bao kẻ thù, phải triệt tiêu biết bao đối thủ? Bị cô lập vì mất bạn bè, niềm tin của người khác, điều mà Cộng sản Trung Hoa đang làm.

Điều chính yếu không hẳn là ta đã diệt được Pháp, thắng được Mỹ, đã giết và thủ tiêu bao nhiêu kẻ thù đối lập mà chìa khóa của vấn đề là chinh phục được lòng người, có thêm bao nhiêu bạn.

Tương lai Việt Nam sau này tùy thuộc vào cái lý lẽ đơn giản là thêm bạn bớt thù theo một nghĩa rất rộng.

Kẻ thù hiện nay không phải ai khác mà là chính họ. Đó là cuộc chiến đấu giữa những người cộng sản- cộng sản. Nói rõ hơn giữa Cộng sản đảng viên và cựu đảng viên, giữa hàng hai triệu công an các cấp từ trung ương đến khu, xóm. Và hàng 5 triệu đảng viên ăn bám và đục khoét ngân quỹ nhà nước.

 Tiêu vong hay không là do chính họ mà chẳng ai khác ngoài họ.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.

[1] Trong cuốn “L’Indo-Chine francaise, souvenirs, ở phần “Les Chemins de Fer”, Paul Doumer (1857-1932), viết,

“Certes, te Gouverneur général actuel n’a pas la prétention de durer plus qu’un autre; mais les institutions peuvent et doivent durer”  

Trang 325

Thể chế ở đây là thể chế của chính quyền thuộc địa… “phải tồn tại lâu dài”.

“La question des chemins de fer dans tout l’Extrême-Orient est aujourd’hui à l’ordre du jour, comme en témoignent les efforts des rivaux de la France et les missions officielles envoyées en Chine… L’Angleterre, avec une hardiesse que, de notre côté, nous n’avons pas montrée jusqu’ici, se met en marche par la Birmanie vers le Yunnan et le Ssetchouen qui semblaient réservés à notre pénétration commerciale.”

Trang 326

Doumer cho thấy mối quan tâm của thực dân Pháp trong việc xây đường xe lửa nằm trong chiếng lược chống/chạy đua với kẻ thù, Đế quốc Anh từ Miến Điện đang tiến và Vân Nam, Tứ Xuyên ở Trung Hoa mà Doumer xem đó là vùng đất thương mại dành cho Đế quốc Pháp.

“Aussi, le Gouverneur général a-t-il d’abord cherché à créer, en Indo-Chine, les ressources nécessaires à la construction de ce réseau, en développant les recettes du budget dans tes pays qui en avaient le moins. Ces ressources créées et permettant de donner confiance aux capitaux français, c’est à ces capitaux qu’il faut s’adresser maintenant, en les appelant en Indo-Chine sous une forme ou sous une autre.”

Trang 326
“Vì vậy, trước tiên, Toàn quyền tìm cách tạo ra ở Đông Dương nguồn tài nguyên cần thiết để xây dựng mạng lưới này, bằng cách phát triển nguồn thu ngân sách ở những quốc gia có ít nhất. Những tài nguyên này tạo ra và nó có thể tạo niềm tin cho giới tư bản của Pháp. Chính nguồn vốn này là vấn đề chúng ta phải giải quyết ngay bây giờ, chúng ta phải kêu gọi họ tới đầu tư ở Đông Dương dưới dạng này hay một dạng khác.”

Doumer cho thấy ông muốn xây dựng hệ thống đường sắt để khai thác, cai trị, phát triển ở thuộc địa, đơn giản là để phục vụ đế quốc Pháp.

[2] Cầu Long Biên hiện chỉ dùng cho xe lửa, xe đạp và người đi bộ, tất cả các loại xe cộ khác khác đã được chuyển sang cầu Chương Dương và một số cây cầu mới xây: Cầu Thanh Trì, Cầu Thăng Long, Cầu Vĩnh Tuy và Cầu Nhật Tân. Cuối năm 2005 xe gắn máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc kẹt xe trên cầu Chương Dương. Đối với chính quyền thuộc địa Pháp, việc xây dựng có tầm quan trọng chiến lược trong việc năm giữ quyền kiểm soát miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1899 đến năm 1902, hơn 3.000 người Việt Nam đã tham gia xây cầu Long Biên. Một dự án với sự hỗ trợ và nợ từ chính phủ Pháp hiện đang được tiến hành để khôi phục lại hình dáng ban đầu của cây cầu.

Khi xây dựng cầu Doumer, nhiều người Việt Nam đã chết, như bài vè lưu truyền trong dân gian:

“Lập mưu xây được cây cầu – Chế ra cái chụp để mà bơm lên
Bơm hết nước đến bùn đen – Người chết như rạ, phải len mình vào
Vỡ bơm nước lại chảy vào – Chết thì mặc chết, ai nào biết không.”

Phạm Nguyễn, “Nhầm lẫn về lịch sử dẫn tới ngộ nhận”, Nhân Dân Điện tử, 01-02-2016

[3] Alexandre Yersin, Wikipedia.org

[4] Một số người Việt gốc Hoa ở Việt Nam: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Mạc Cửu, La Hối, Bẩy Viễn, Hồ Dzếnh, Vương Hồng Sển, Phó Đề đốc Điệp Quang Thủy, ca sĩ Bạch Yến, nhà giáo Cung Giũ Nguyên, Chú Hỏa, nhà thơ Quách Tấn, nhạc sĩ Lam Phương và nhiều người khác.