Chủ nghĩa dân tộc ở Quebec là vấn đề cho Thủ tướng Canada nếu muốn tranh phiếu của cử tri tại đây

David Ljunggren | DCVOnline

OTTAWA (Reuters) — Khoảng 25 năm sau khi Quebec tổ chức cuộc trưng cầu dân ý (dù thất bại) về việc tách rời khỏi Canada để trở thành quốc gia độc lập, chính phủ tỉnh bang này đang có một nỗ lực mới nhằm củng cố căn cước của nền văn hóa tiếng Pháp. Điều này đưa ra một thách thức khó xử cho Thủ tướng Justin Trudeau vài tháng trước khi có thể có một cuộc bầu.

Mọi người đi ngang qua một bảng hiệu cửa hàng viết bằng tiếng Pháp ở Montreal. © Reuters / Christinne Muschi

Quebec, một mặt trận chính trị chiếm gần một phần tư trong số 338 ghế trong Hạ viện liên bang, có lịch sử của những chính phủ có khuynh hướng ly khai, một trong số đó đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để trở thành quốc gia độc lập năm 1995 nhưng thất bại.

Thủ tướng Qeebec Francois Legault là một người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng bác bỏ chủ nghĩa ly khai đồng thời muốn có nhiều quyền hơn cho Quebec, tỉnh bang chỉ có 8,5 triệu dân, không ngừng băn khoăn về di sản ngôn ngữ và văn hóa của mình trên một lục địa có hàng trăm triệu người nói tiếng Anh.

Trong tháng này, Legault tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp của Canada để công nhận tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức duy nhất của Quebec và gọi Quebec là một “quốc gia” để nhấn mạnh vị trí riêng biệt của nó, nhưng không để khẳng định rằng Quebec là một quốc gia riêng biệt.

Legault cho biết ông sẽ làm như vậy bằng một thẩm quyền hiếm khi được viện dẫn để đơn phương thay đổi một phần của Hiến pháp liên bang nhưng chỉ ảnh hưởng đến một tỉnh bang. Quyết định thái này phần lớn mang tính biểu tượng, vì tiếng Pháp đã là ngôn ngữ chính thức duy nhất của tỉnh và Quốc hội liên bang vào năm 2006 đã công nhận Quebec là một “nước” trong Liên bang Canada.

Nhưng một số chuyên gia pháp lý cho rằng thay đổi của Legault là vi hiến, và nó đã làm dấy lên lo ngại trong và ngoài Quebec rằng nó có thể gây ra những căng thẳng mới cho sự đoàn kết quốc gia vào thời điểm một số tỉnh miền Tây tỏ ra không hài lòng với các chính sách liên bang.

Legault, thuộc đảng CAQ phải đối diện với cử tri trong cuộc bầu cử cấp tỉnh bang vào tháng 10 năm 2022, nói rằng ông đang muốn giải quyết những lo ngại rằng việc sử dụng tiếng Pháp đang giảm sút.

Đó là một tình thế khó xử đối với Trudeau, một người nói tiếng Pháp thông thạo có cha là cựu Thủ tướng Canada, Pierre Trudeau, phản đối quyết liệt chủ nghĩa ly khai ở Quebec khi ông còn tại chức nhưng lại là người đầu tiên ban hành đạo luật công nhận tiếng Pháp là một trong hai ngôn ngữ chính thức của Canada.

Một cuộc thăm dò của tổ chức Leger trong tuần này cho thấy đại đa số dân nói tiếng Pháp của Quebec ủng hộ các đề nghị của Legault. Nếu Trudeau phản đối Legault, ông có thể làm một số ghế mà Đảng Tự do nắm giữ trong tỉnh lung lay.

Ông Trudeau nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng: “Tất cả chúng ta đều đã trải qua những tranh chấp về hiến pháp trong nhiều chục năm qua để lại nhiều vết sẹo cho nhiều người.”

Ông nói rằng ông có thể chấp nhận đề nghị thay đổi mà Legault đưa ra, tuy nhiên, nói thêm rằng quyền của cả những người nói tiếng Pháp và tiếng Anh phải được bảo vệ.

Người Quebec nói tiếng Anh rất bất bình

Trudeau phải gia tăng sự ủng hộ của đảng ở Quebec so với kết quả của cuộc bầu cử cuối cùng vào năm 2019 nếu ông muốn giành lại đa số trong quốc hội. Giống như Trudeau, giới lãnh đạo của các đảng liên bang khác – kể cả đảng Bảo thủ đối lập chính thức — không lên án hành động  của Legault.

Daniel Beland, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Canada tại Đại học McGill ở Montreal, cho biết: “Tôi nghĩ chủ nghĩa thực dụng bầu cử đang đóng một vai trò nào đó ở đây.”

Đảng Tự do hiện có 35 trong số 78 ghế của Quebec, nhiều hơn Bloc Quebecois (ly khai) có 32. Theo một cuộc thăm dò của Leger trong tháng này, đảng của Tự do của Trudeau đang dẫn đầu ở Quebec, nhưng chỉ hơn Bloc Qubecois 3%.

Mạng lưới những Cộng đồng Quebec tìm cách bảo vệ khối thiểu số nói tiếng nói tiếng Anh tại đây, cho biết các biện pháp do Legault đề nghị “đàn áp những quyền cơ bản của con người và sẽ làm xói mòn sức sống của cộng đồng thiểu số nói tiếng Anh của chúng tôi.”

Dân số nói tiếng Anh của Quebec, khoảng 10% tổng số dân của tỉnh bang, tập trung ở các khu vực bầu cử quốc hội quan trọng và những người trong đảng Tự do cũng phải giữ cho họ hài lòng. Một người thuộc Đảng Tự do có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này cho biết,

“Cộng đồng nói tiếng Anh rất tức giận. Rủi ro không nhiều đến mức họ sẽ ủng hộ một đảng khác — nhưng rủi ro lớn hơn là họ có thể không đi bỏ phiếu.”

Một đảng viên đảng Tự do, người yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của tình hình, cho biết,

lá phiếu của những người nói tiếng Anh ở Quebec là “cần thiết để đưa chúng tôi về đích và nếu họ ở nhà có thể tạo ra sự khác biệt giữa thắng và thua.”

Một mối quan tâm khác là quyết định của chính phủ của Quebec sẽ đặt ra một tiền lệ có thể khiến chính phủ các tỉnh bang khác đi tìm những thay đổi hiến pháp vì lý do chính trị.

Một dân biểu đảng Bảo thủ cho rằng Alberta, nơi một đảng ly khai mới thành lập đang tìm cách tận dụng sự bất bình với Ottawa, có thể đơn phương thay đổi hệ thống dóng góp vào ngân sách liên bang —  theo đó các tỉnh giàu hơn trợ cấp cho các tỉnh nghèo hơn — để giữ thêm thu nhập từ thuế do tỉnh bang thu được.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Quebec nationalism push poses election challenge for Canada PM Trudeau | David Ljunggren | Reuters | May 27, 2021. (David Ljunggren viết tin; Steve Scherer và Peter Cooney biên tập)