Đàn áp Quảng trường Thiên An Môn: ‘Sự kiện ngày 4 tháng 6’ năm 1989 nói về vấn đề gì

Jun Mai | Trà Mi

  • Số người chết được thông báo khác nhau, từ con số chính thức của Hội đồng Nhà nước Trung Hoa là khoảng 300 người đến ước tính của hội sinh viên là 4.000.
  • Ngày nay, sau khi phản ứng dữ dội của cả thế giới đã phai nhạt, có rất ít dấu hiệu về thảm kịch đó ở Bắc Kinh và hầu hết mọi người ở Trung Hoa đã học cách quên
Một người đàn ông đứng trước đoàn xe tăng tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 5/6/1989. Ảnh: AP

Vào năm Bức tường Berlin sụp đổ và các quốc gia trước đây là cộng sản ở Đông Âu chấp nhận nền dân chủ, một phong trào tự do song song ở Trung Hoa đã đột ngột kết thúc bằng một cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội đối với những người biểu tình kêu gọi dân chủ hơn và sự minh bạch của chính phủ ở Bắc Kinh.

Tiếng súng nổ ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, sẽ vang dội trong suốt nhiều chục năm sau. Hơn 30 năm sau, cuộc thảo luận về thảm kịch Quảng trường Thiên An Môn vẫn bị chính quyền Hoa lục kiểm duyệt trên internet của Trung Hoa và những người trong giới hoạt động Trung Hoa đấu tranh để giữ lại ký ức về những sự kiện ngày đó còn sống đã bị giam giữ.

Nó đã được ghi nhớ hàng năm tại một buổi lễ dưới ánh nến ở Hong Kong kể từ năm 1990, mặc dù sự kiện này đã bị cấm từ năm ngoái với lý do giới hữu chức lo ngại về sự lây lan của Covid–19.

Dưới đây là những điều bạn đọc cần biết về cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, mà đôi khi còn được gọi là “sự kiện ngày 4 tháng 6”.

Biểu tình về vấn đề gì?

Sau Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, những năm 1980 đã báo trước một kỷ nguyên tự do hóa chính trị và tư nhân hóa kinh tế do nhà lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, với người đứng đầu đảng có tư tưởng cải cách Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang)và lãnh đạo và thủ tướng Triệu Tử Dương.

Đảng CSTH vào thời điểm này đang trong sự cân bằng quyền lực liên tục thay đổi giữa phe tự do – dễ chịu hơn trong việc thả lỏng kiểm soát chính trị và kinh tế – và phe bảo thủ rất nghi ngờ về những thí nghiệm đó.

Hồ Diệu Bang (trái) và Đặng Tiểu Bình trong Đại hội Nhân dân Toàn quốc năm 1978. Ảnh: China News Service

Mặc dù được sự yêu mến của người dân, nhưng Hồ Diệu Bang đã đánh mất lòng tin của những người cán bộ lão thành trong đảng sau khi bày tỏ thiện cảm với các phong trào sinh viên kêu gọi giải phóng chính trị.

Ông ấy đã bị loại khỏi vai trò tổng bí thư, vị trí cao nhất trong đảng, vào năm 1987 và đã bị gạt qua một bên vì đã dung túng “tự do hóa tư sản”. Nhưng người kế nhiệm ông, Triệu Tử Dương, được biết đến với việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, sau này hóa ra cũng rất đồng tình với các phong trào của sinh viên.

Sự tức giận của công chúng về lạm phát và tham nhũng đã có được sức hút vào những năm 1980 dưới “hệ thống song phương”của Zhao, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là bước chuyển tiếp sang “thị trường hóa” hơn nữa nền kinh tế Trung Hoa.

Hệ thống này liên quan đến hai bộ hệ thống định giá – hàng hóa dưới hạn ngạch do nhà nước ấn định được bán theo giá hiện có, được trợ cấp theo nền kinh tế kế hoạch tập trung của Trung Hoa, trong khi hàng hóa được sản xuất trên hạn ngạch có thể được bán theo giá thị trường xác định.

Cựu thủ tướng Triệu Tử Dương (trái) và cựu tổng bí thư Hồ Diệu Bang. Ảnh: Xinhua

Việc này tạo ra của cải khổng lồ cho những người có khả năng mua sản phẩm với giá được nhà nước trợ cấp và bán chúng với giá thị trường cao hơn.

Thật không may, nhiều người trong số những người được hưởng lợi nhiều nhất lại là những người gần giới nắm quyền lực: con trai và con gái của giới lãnh đạo đảng.

Quan liêu, hay trục lợi chính thức, đã trở thành mục tiêu chung trên toàn bộ hệ thống chính trị, và sự bất bình của xã hội về tỷ lệ lạm phát gia tăng và tham nhũng sau một thập kỷ tự do hóa chính trị và tư nhân hóa kinh tế đạt đến đỉnh điểm vào năm 1989.

Trong bối cảnh đó, cái chết của Hồ Diệu Bang vào tháng 4 năm 1989 đã trở thành một tiêu điểm chính trị và khoảng 100.000 người biểu tình – phần lớn là sinh viên nhưng cũng có trí thức, nhạc sĩ, nghệ sĩ, công nhân, chủ doanh nghiệp nhỏ và thậm chí một số viên chức chính phủ – đã biểu tình tuần hành trên Quảng trường Thiên An Môn, một trong những địa danh mang tính biểu tượng của Bắc Kinh, để thể hiện sự tức giận, buồn bã và thương cảm đối với cựu lãnh đạo đảng.

Họ treo những bức chân dung lớn của Hồ Diệu Bang bao quanh với những vòng hoa và biểu ngữ, đồng thời kêu gọi một hệ thống minh bạch hơn và chấm dứt tham nhũng – hai mục đích mà ông đã tranh đấu cho.

Vào thời điểm mà quyền kiểm soát của đảng đối với truyền thông ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, tin tức về các cuộc biểu tình lan truyền nhanh chóng trong nước, tạo ra sự ủng hộ khổng lồ trong cả nước. Các cuộc biểu tình đã bùng nổ trên khắp Hoa lục trong những tuần kế tiếp.

Sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: Arthur Tsang Hin–wah

Vào tháng 5, một số sinh viên bắt đầu tuyệt thực và ngồi tại Quảng trường Thiên An Môn chưa đầy hai tuần trước khi chủ tịch Liên Xô lúc bấy giờ là Mikhail Gorbachev dự định ​​đến Bắc Kinh.

Gorbachev, người đã đi tiên phong trong cải cách chính trị và kinh tế ở đất nước mình, là nhân vật lãnh đạo Liên Xô đầu tiên đến thăm Trung Hoa kể từ năm 1959. Tuyệt thực tại Quảng trường Thiên An Môn sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Hoa lúng túng trong một cuộc đối thoại, giới sinh viên nghĩ như thế.

Những người biểu tình đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của quốc tế khi các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh, đến đó để đưa tin về chuyến thăm của Gorbachev, bắt đầu đưa tin về cuộc tuyệt thực của sinh viên.

Ngày 22 tháng 4 năm 1989: sinh viên biểu tình ngồi đối mặt với cảnh sát bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh sau cái chết của Hồ Diệu Bang. Ảnh: AFP

Quân đội đã nhập cuộc như thế nào?

Giới lãnh đạo đảng ban đầu bị chia rẽ về cách phản ứng với những cuộc biểu tình. Một số, chẳng hạn như Triệu Tử Dương, ủng hộ đối thoại với học sinh, trong khi những người khác thúc đẩy hành động nghiêm khắc hơn. Cuối cùng, giới lãnh đạo cấp cao do Đặng Tiểu Bình đứng đầu đã quyết định abn hành thiết quân luật vào ngày 20 tháng 5 năm 1989.

Ban đầu, việc di chuyển quân vào thành phố bị chậm lại do đám đông biểu tình áp đảo, một số nằm trên đường phố để ngăn cản quân đội tiến lên.

Nhưng đến đêm 3 tháng 6, quân đội nổ súng.

Trong một cuộc đàn áp đẫm máu kéo dài sang ngày hôm sau, quân đội đã sử dụng hơi cay, súng máy và thậm chí cả đạn nở – một loại đạn nở ra bên trong cơ thể nạn nhân để có thể gây thương nặng nhất – chống lại người biểu tình.

Số người chết được thông báo rất khác nhau, từ con số chính thức của Hội đồng Nhà nước Trung Hoa là khoảng 300 người đến con số của Liên minh Sinh viên Độc lập Bắc Kinh – một trong những nhóm đầu tiên tham gia vào các cuộc biểu tình – là 4.000 người.

Chuyện gì đã xảy ra sau cuộc đàn áp?

Cộng đồng quốc tế đã Phản ứng dữ dội và nhanh chóng. Thụy Điển và Hòa Lan đóng băng quan hệ ngoại giao với Trung Hoa, trong khi Mỹ và một tổ chức tiền thân của Liên minh châu Âu tuyên bố áp đặt vô số lệnh trừng phạt. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Trung Hoa nổ ra ở Mỹ, Canada, Đài Loan và Ma Cao.

Tại Hong Kong, lúc đó vẫn còn là thuộc địa của Anh, hơn một triệu người đã xuống đường ủng hộ phong trào sinh viên và phản đối các hành động của quân đội Bắc Kinh.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989: một tài xế xe tăng bị bắt được các sinh viên giúp đưa đến chỗ đỡ an toàn khi đám đông đánh đập anh ta trong cuộc đàn áp đẫm máu đối với phong trào ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Reuters

Sau cuộc đàn áp, đảng chuyển sang gạt sang một bên những lãnh đạo chủ chốt trong cánh tự do của đảng. Khi đó, tổng bí thư Triệu Tử Dương, người đã ủng hộ các cải cách thị trường tự do và đồng cảm với những người biểu tình sinh viên, đã bị thanh trừng về mặt chính trị và bị quản thúc trong suốt phần đời còn lại của ông.

Một cuộc truy quét toàn quốc cũng diễn ra sau đó, sau khi Thủ tướng Li Peng khi đó kêu gọi những người ủng hộ hoặc tham gia biểu tình phải bị bỏ tù.

Một chiến dịch giải cứu bí mật mang tên Chiến dịch Hooàng điểu được thành lập ở Hong Kong, và được cho là đã giúp hàng trăm người bất đồng chính kiến ​​trốn thoát khỏi Trung Hoa đại lục. Cjieesn dịch này nhận được sự ủng hộ tài chính từ các doanh nhân và người nổi tiếng, cũng như công chúng.

Hong Kong và Bắc Kinh đã ghi nhớ về cuộc đàn áp Thiên An Môn như thế nào?

Theo thời gian, chính phủ Trung Hoa đã phần lớn quét sạch vết tích của thảm kịch. Ảnh hưởng của phản ứng dữ dội trên thế giới đã mờ dần trong những năm qua, chỉ còn lại lệnh cấm vận vũ khí của EU và những tuyên bố lẻ tẻ của giới lãnh đạo phương Tây vào ngày kỷ niệm ngày 4 tháng 6 là lời nhắc nhở.

Tại Hong Kong, địa phận được Anh trả lại cho Trung Hoa vào năm 1997, lễ thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân đã được tổ chức hàng năm vào ngày 4 tháng 6 kể từ năm 1990 tại Công viên Victoria.

Theo những người tổ chức cho biết, sự kiện mang tính biểu tượng cao đã trở thành một chỉ dấu chính cho bầu không khí chính trị của thành phố. Vào năm 2019, vì sự tức giận đối với dự luật dẫn độ với Trung Hoa trùng với kỷ niệm 30 năm sự kiện ngày 4 tháng 6, buổi canh thức đã tập hợp đến ​​180.000 người tham dự, tăng kỷ lục so với sự kiện năm 2012 và 2014.

Năm 2007, khoảng 1.000 người tham gia cuộc tuần hành trước ngày 4 tháng 6 trên đường phố Hong Kong để đánh dấu kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu. Ảnh: Martin Chan

Năm ngoái, lần đầu tiên cảnh sát đã cấm sự kiện thường niên, với lý do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid–19, nhưng một cuộc canh thức trái phép vẫn thu hút khoảng 20.000 người, gồm cả nhà hoạt động đối lập Joshua Wong Chi-fung. Wong và ba ủy viên hội đồng huyện đã bị kết án tù hồi tháng 5 vì tham gia sự kiện này.

Lễ canh thức đã bị cấm một lần nữa trong năm nay, và giới lãnh đạo cốt lõi của nó hoặc đang ngồi tù hoặc sẽ ở sau song sắt vào ngày kỷ niệm 32 năm diễn ra. Nhưng giới tổ chức vẫn đang lên kế hoạch ghi dấu ngày này – lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quc gia lên Hong Kong vào tháng 6 năm 2020 – mặc dù ở hình thức giảm bớt. Ví dụ, một cuộc chạy marathon hàng năm để kỷ niệm cuộc đàn áp đã diễn ra, nhưng người tổ chức đã bỏ lời kêu gọi “chấm dứt chế độ độc tài độc đảng” đã có từ lâu.

Ngày nay ở Bắc Kinh, còn rất ít dấu hiệu về thảm kịch ngày 4 thang 6. Với việc các phương tiện truyền thông và internet ở Trung Hoa dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, hầu hết công chúng đã học cách quên đi trang sử đãm máu đó.

Nhưng hầu như mỗi năm, người ta lại có một thông báo ngắn ít ai để ý đến, một hay hai ngày trước nagfy kỷ niệm, về sự đóng cửa tạm thời vài lối ra vào của trạm xe điện ở Muxidi, khoảng 5km (3 miles) về phía tây cuarQuarng trường Thiên An Môn.

Chính tại khu vực đó, quân đội đã xả súng vào các sinh viên đã dựng rào chắn, giết chết hàng chục người biểu tình và những người đi qua là một trong những cảnh đẫm máu nhất của cuộc đàn áp.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Tiananmen Square crackdown: what the ‘June Fourth incident’ in 1989 was about  | Jun Mai | SCMP | May 28, 2021.