Tại sao nên hạ bệ tất cả hình tượng

Tại sao nên hạ bệ tất cả hình tượng
Tranh tổng hợp của The Guardian

Gary Younge | Trần Giao Thủy

Tượng của các nhân vật lịch sử là lịch sử lười biếng, xấu xí và xuyên tạc. Từ Cecil Rhodes đến Rosa Parks, hãy loại bỏ tất cả

Đã từng là một người da đen cánh tả phụ trách chuyên mục của nhật báo The Guardian hơn hai mươi năm, tôi hiểu rằng tôi sẽ được coi là đích ngắm trong cuộc hoảng loạn đạo đức có thể xuất hiện trên các tờ báo lá cải cánh hữu. Không phải là tôi đã không đưa nguyên liệu cho họ. Trong cả sự nghiệp đến nay, tôi đã viết những bài có tựa đề như “Bạo loạn là một hành động thanh cao”, “Hãy nói chuyện cởi mở và trung thực về người da trắng”“Chấm dứt mọi biện pháp kiểm soát nhập cư”. Tôi cũng có thể đã vẽ đích bắn ngay trên lưng mình. Nhưng lần duy nhất tôi bị trù dập trên những tờ báo lá cải không phải vì những lời tố cáo của tôi về chủ nghĩa tư bản hay phân biệt chủng tộc, mà vì một bức tượng – hay nói chính xác hơn là sự vắng mặt của một bức tượng.

Hôm 6 tháng 6, 2021 Một bức tượng của Egerton Ryerson, một trong những kiến trúc sư của hệ thống trường nội trú cho trẻ em bản địa Canada, nằm trong khuôn viên của trường đại học mang tên ông sau khi bị lật đổ trong phong trào đang đòi đổi tên đại học này ở Toronto, Ontario, Canada. (Evan Mitsui / CBC)

Câu chuyện bắt đầu vào giữa thế kỷ 19, khi nhưng người vẽ mẫu Quảng trường Trafalgar quyết định sẽ có một cột khổng lồ cho Horatio Nelson và bốn bệ nhỏ hơn cho các bức tượng xung quanh. Họ đã đặt ba bức tượng trước khi hết tiền, để bệ thứ tư trần trụi. Một nhóm cố vấn do chính phủ triệu tập vào năm 1999, đã quyết định bệ thứ tư này nên giành cho cuộc triển lãm luân phiên các tác phẩm điêu khắc đương đại. Thị trưởng mới của London, Ken Livingstone, chịu trách nhiệm về Quang trường Trafagar.

Livingstone, người mà tôi không biết, đã hỏi liệu tôi có  muốn tham gia vào ủy ban  của thành phố hay không. Tôi đã tham gia vào năm 2002. Ủy ban họp sáu tuần một lần, tìm ra cách phổ biến nhất để thu hút công chúng tham gia vào công việc này. Tôi được hỏi liệu tôi có muốn chủ tọa nhưng phiên họp không vì họ muốn một người nào đó ngoài lĩnh vực nghệ thuật và tôi đã đồng ý. Có việc gì có thể sai không?

Thôi thì Thái hậu vừa băng hà. Chuyện đó không liên quan gì đến tôi. Bà đã 101 tuổi, sự ra đi của bà ấy là một sự kiện được nhiều người chờ đợi, dù rất buồn. Ít được mong đợi hơn là lời đề nghị của Simon Hughes, một dân biểu Đảng Dân chủ Tự do và có thể là ứng cử viên tranh chức thị trưởng London, rằng hình ảnh của Thái hậu nên được đặt trên bệ thứ tư đang bị bỏ trống. Thế giới đụng đầu.

Ngày hôm sau, Daily Mail đăng dòng tựa đề trên trang nhất: “Hãy khắc tên bà trong niềm tự hào – Hãy tham gia chiến dịch của chúng ta để dựng tượng Hoàng Thái hậu ở Quảng trường Trafalgar.” Trang trong, một bài xã luận hỏi liệu ủy ban của chúng tôi “có thực sự đáp ứng tình cảm quốc gia và đồng ý lập đài tưởng niệm ở Quảng trường Trafalgar” hay không.

Đừng bận tâm về việc một ủy ban, do quốc hội triệu tập, đã quyết định trưng bày ở bệ còn để trống như thế nào. Quên đi việc đó sẽ là một bức tượng cưỡi ngựa và Thái hậu chưa bao giờ được biết là người cưỡi ngựa. Đừng nghĩ tới việc không ai trong hoàng gia hoặc bất kỳ vị dân cử nào đã liên lạc với chúng tôi.

Một ngày sau đó, một tựa đề chạy hai trang lên báo, “Họ có lấy cái bệ không?” Cùng với phần trích dẫn, ngoài ngữ cảnh, các bài báo tôi đã viết vài năm trước, được đưa ra với tựa đề “Suy nghĩ của Chủ tịch Gary”. Một lần nữa những người viết bài xã luận lại chú ý đến chúng tôi: “Câu chuyện về cái bệ trống là một ví dụ khác về khoảng cách buồn nản giữa tầng lớp thượng lưu đô thị đang chiếm đoạt đất nước này và phần lớn những người bình thường chỉ muốn lấy lại nước Anh là nước của họ.”

Những trích dẫn của tờ Daily Mail chân thực hơn những gì nó dám tưởng tượng. Họ kêu gọi mọi người viết thư, nhưng rất ít bạn đọc hưởng ứng. Không ai quan tâm đến việc có tượng Thái hậu ở Quảng trường Trafalgar. Chiến dịch đã chết một cái chết đáng buồn và thảm hại. Thật may mắn cho tôi, hóa ra là, nếu có khoảng cách giữa bất kỳ ai và những người dân bình thường của nước Anh về vấn đề này, thì Daily Mail đã sai lầm.

Tuy nhiên, đây chỉ là nỗ lực nài nỉ nhất để tìm ra một người đứng trên bệ còn trống. Qua nhiều năm, đã có nhiều đề nghị đưa David Beckham, Bill Morris, Mary Seacole, Benny Hill và Paul Gascoigne lên đó. Không ai trong số những nhân vật này được biết đến đặc biệt về việc cưỡi ngựa. Nhưng với mỗi yêu cầu mà tôi nhận được, tôi đã đề nghị cho người khởi xướng: nếu quý vị có thể nêu tên những người đang ở ba bệ còn lại, thì bệ thứ tư là tượng mà quý vị đề nghị. Tất nhiên, chuyện đó không thực sự nằm trong lời hứa của tôi. Nhưng điều đó không quan trọng vì tôi biết mình sẽ không bao giờ phải giữ lời cam kết. Tôi biết câu trả lời vì tôi đã xem đó là việc của mình. Ba người còn lại là Thiếu tướng Sir Henry Havelock, người đã nổi tiếng trong thời kỳ mà ngày nay được gọi là Cuộc nổi dậy của người Ấn Độ năm 1857, khi một cuộc nổi dậy của hàng ngàn người Ấn Độ kết thúc trong một cuộc tàn sát; Tướng Sir Charles Napier, người đã dẹp tan một cuộc nổi dậy ở Ireland và chinh phục tỉnh Sindh, ngày nay là Pakistan; và Vua George IV, một kẻ nghiện rượu, nợ như chúa chổm và một người lăng nhăng với phụ nữ.

Những người khởi xướng đề nghị đều không biết những nhân vật có tượng ở Quảng trường Trafagar là ai. Và cuối cùng khi họ thừa nhận điểm đó, tôi sẽ hỏi họ: “Vậy tại sao quý vị lại muốn đưa người khác lên đó để chúng tôi có thể quên họ hay sao? Tôi hiểu rằng quý vị muốn lưu giữ ký ức của họ. Nhưng quý vị vừa cho thấy rằng đây không phải là cách đặc biệt hiệu quả để ghi nhớ mọi người.”

***

Ở Anh, chúng ta dường như có một bị ám ảnh một cách kỳ quái, đặc biệt với những bức tượng, khi chúng ta tìm cách hóa đá diễn ngôn lịch sử, bọc xi măng lịch sử, nâng nó lên cao và nhấn mạnh như đó là một tuyên bố vĩnh viễn về thực tế, văn hóa, sự thật và truyền thống không bao giờ có thể bị nghi ngờ, được chạm vào, hị loại bỏ hoặc đúc lại. Sự ám ảnh với tượng đài là lầm lẫn sự nịnh bợ với lịch sử, lầm lịch sử với di sản và  lầm di sản với ký ức. Suy ghĩ đó cố gắng tách quá khứ khỏi hiện tại, hiện tại khỏi đạo đức và đạo đức khỏi trách nhiệm. Tóm lại, hình tượng loại đó cố gắng đúc sự hiểu biết của chúng ta về những gì đã xảy ra thành đá, không còn có thể giải thích, điều tra hoặc phê bình.

Nhưng lịch sử không đúc trong đá. Nó là một khoa học sống, kiến thức nhân loại mở rộng bằng những cuộc khai quật, tiến hóa và trưởng thành. Sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ luôn thay đổi. Quan điểm của chúng ta về quyền bầu cử, tình dục, y học, giáo dục, nuôi dạy con cái và nam tính không giống như cách đây 50 năm và sẽ lại khác sau 50 năm nữa. Nhưng trong khi ý thức của chúng ta về con người của chúng ta, những gì có thể chấp nhận được và những gì có thể thay đổi theo thời gian, thì những bức tượng lại không. Chúng đứng giữa đời nhưng thờ ơ với sự kiện xung quanh, miễn nhiễm với những luồng suy nghĩ có thể cuốn trôi chúng và những luồng gió thay đổi xoay quanh chúng – hoặc ít nhất là chúng là như thế cho đến khi chúng ta quyết định hạ bệ những tượng đài đó.

Công nhân dỡ bỏ bức tượng của tướng Liên minh miền Nam JEB Stuart ở Richmond, Virginia, tháng 7 năm 2020. Ảnh: Jim Lo Scalzo / EPA

Trong những tháng gần đây, tôi là thành viên của một nhóm tại Trung tâm Động lực học Sắc tộc (CoDE) của Đại học Manchester nghiên cứu tác động của phong trào Black Lives Matter (BLM) đối với các bức tượng và đài tưởng niệm ở Anh, Mỹ, Nam Phi, Martinique và Bỉ. Các cuộc biểu tình phản đối vào mùa hè năm ngoái, sau khi viên cảnh sát giết chết George Floyd ở Minneapolis, đã lan rộng trên toàn cầu. Một trong những tiêu điểm, ở nhiều quốc gia, là những bức tượng. Bỉ, Brazil, Ireland, Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Greenland chỉ là một vài trong số những nơi dân chúng đã phản đối những tượng đài. Trên đảo Martinique của Pháp, bức tượng của Joséphine de Beauharnais, con gái một gia đình thực dân giàu có[1] tại đây, sau này trở thành vợ cả và hoàng hậu của Napoléon, đã bị một đám đông dùng gậy và dây thừng dỡ bỏ. Nó đã bị chặt đầu 30 năm trước.

Tượng Josephine (đã bị chặt đầu) trước Thư viện Schoelcher tại Công viên de la Savane ở Fort-de-France, Martinique. https://azmartinique.com/
Cuộc tháo dỡ tượng Joséphine de Beauharnais diễn ra vào Chủ nhật 26/07/2020 tại Fort-de-France. Ảnh chụp màn hình video Witness/Twitter/https://www.lefigaro.fr/

Trên khắp nước Mỹ, các tượng đài các tướng lĩnh của Nam quân  bị lật đổ hoặc bị bỏ phiếu hủy bỏ. Tại thị trấn nhỏ Lake Charles, Louisiana, thiên nhiên đã thử thách bồi thẩm đoàn cảnh sát giáo xứ địa phương. Vào giữa tháng 8 năm ngoái, bồi thầm đoàn đã bỏ phiếu 10-4 để giữ một tượng đài tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ miền Nam trong cuộc nội chiến. Hai tuần sau, cơn bão Laura đã thổi bay tượng đài những người lính đó. Bây giờ bồi thẩm đoàn ở đó phải quyết định không phải là gỡ nó xuống, mà là có đặt tượng lên trở lại hay không.

Và sau đó, tất nhiên, ở Anh có bức tượng Edward Colston, một người buôn bán nô lệ ở Bristol, đã bị ném xuống bến cảng Bristol. Các thành phố lớn của Anh, kể cả Manchester, Glasgow, Birmingham và Leeds, đang tiến hành việc đánh giá các tượng đài của họ.

Nhiều lập luận giả đã được đưa ra về những hành động này, và tôi sẽ bàn đến chúng sau. Nhưng cuộc tranh luận xung quanh nghệ thuật đại chúng và việc tưởng niệm, liên quan đến các bức tượng, nên tham gia chứ không nên tránh. Một đề nghị mà tôi đã nghe được là chúng ta thậm chí nên công bằng cho đôi bên bằng cách dựng những bức tượng của người da đen, người theo chủ nghĩa bãi nô, những phụ nữ nổi bật và những nhân vật khác không được biểu dương đúng mức. Tôi hiểu những động lực đó. Để thấy một xã hội đa diện và đầy đủ hơn về phạm vi kinh nghiệm, tiếng nói, màu sắc và ý thức hệ đã tạo nên con người của chúng ta. Để đảm bảo rằng nghệ thuật đại chúng bắt nguồn từ cuộc sống của toàn thể công chúng, không chỉ một phần của nó, và tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong những nhân vật được đại diện.

Nhưng dù có thể hiểu nó, tôi không đồng ý với nó. Vấn đề không phải là chúng ta có quá ít tượng, mà là quá nhiều. Tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt khi rất nhiều bức tượng của những kẻ cướp phá, cưỡng đoạt, những kẻ tin mù quáng và những tên trộm đã bị hạ bệ. Tôi nghĩ rằng những bức tượng đó chướng tai gai mắt. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng nên bị gỡ xuống vì chúng gây khó chịu. Tôi nghĩ rằng chúng nên được gỡ xuống vì tôi nghĩ rằng tất cả các bức tượng nên được gỡ xuống.

Ở đây, để nói rõ hơn, tôi đang nói đến những bức tượng người, chứ không phải những công trình tưởng niệm trước công chúng khác, như Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington DC, đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin hay đài tưởng niệm Nạn đói ở Dublin. Tôi nghĩ những công trình như thế này giữ vai trò quan trọng trong việc tưởng niệm nơi công cộng, và nhiều công trình có thêm lợi ích là rất đẹp.

Nhưng không thể nói như vậy đối với những bức tượng người. Tôi nghĩ rằng đó như những tác phẩm nghệ thuật đại chúng tồi và không phụ vụ công chúng trong việc tưởng niệm ghi nhớ lịch sử. Nói ngắn gọn hơn, đó là những công trình lười biếng và xấu xí. Vì vậy, vâng, hạ bệ những kẻ buôn bán nô lệ, những kẻ chinh phục cho đế quốc, những kẻ thực dân giết người, những kẻ hiếu chiến và những kẻ bóc lột diệt chủng. Nhưng nhân tiện, hãy hạ bệ luôn những người đấu tranh cho tự do, những người hoạt động công đoàn, những người đấu tranh cho nhân quyền và những người cách mạng. Vâng, hãy dẹp tượng Columbus, Leopold II, Colston và Rhodes. Nhưng cũng hãy hạ luôn tượng Mandela, Gandhi, Seacole và Tubman.

Tôi không nghĩ rằng hai nhóm đó là bình đẳng về mặt đạo đức. Tôi đánh giá cao những người đã đấu tranh cho bình đẳng và hội nhập và chống lại sự cố chấp và đặc quyền. Nhưng giá trị của ho đối với tôi không cần phải được đúc bằng đá và nâng lên đài. Ý thức về giá trị bản thân của tôi không phụ thuộc vào việc nhìn thấy những người đại diện cho quan điểm, lịch sử và la bàn đạo đức của tôi bị nhồi nhét cho công chúng. Theo lời của Nye Bevan, “Đó là sự thật của tôi, bạn nói cho tôi biết sự thật của bạn.” Chỉ cần lưu ý rằng nếu bạn nói với tôi sự thật của bạn quan trọng hơn sự thật của tôi, và do đó xứng đáng để tôi thấy chúng ở trên phố xá hoặc công viên, thì có thể tôi sẽ không lắng nghe bạn lâu đâu.

***

Đối với tôi, vấn đề bắt đầu với mục đích của một bức tượng. Đó là một trong tác phẩm có thể biểu hiện nghệ thuật đại chúng bảo thủ căn bản nhất. Chúng được dựng lên với dự tính vĩnh cửu – một vật cố định trong quang cảnh. Không bao giờ được di chuyển, loại bỏ, điều chỉnh hoặc vượt quá mức sự tôn kính bình thường. Bất kể giá trị nào mà chúng thể hiện đều là sự bảo tồn của cơ chế. Để đặt một bức tượng, bạn phải là chủ khu đất mà nó đứng và có thẩm quyền và phương tiện để làm như vậy. Như vậy, chúng đại diện cho hệ thống giá trị của cơ chế tại bất kỳ thời điểm nhất định nào sau đó được phóng chiếu vào vĩnh viễn.

Thái độ đó không bền vững. Nó cũng kiêu ngạo. Các xã hội phát triển; quan điểm thay đổi; thái độ tiến bộ. Lấy ví dụ ông trùm khai thác mỏ, người theo chủ nghĩa đế quốc và người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng không nao núng Cecil Rhodes. Ông đã đóng góp một số tiền đáng kể và bày tỏ mong ước rằng ông sẽ được tưởng nhớ trong 4.000 năm. Chúng ta mới qua 120 năm, nhưng điều ước của ông ấy có thể đã thành hiện thực. Vấn đề là ý định của ông ta là ông sẽ được ghi nhớ một cách trìu mến. Và không ai có thể mua được tình yêu đó, cho dù người ta có bỏ  ra  bao nhiêu tiền bạc. Vì vậy, ở cả Nam Phi và Anh, chúng ta đã mắc kẹt với những tượng đài ghi nhớ Rhodes.

Việc rắc rối là đó không phải là di sản duy nhất của ông ấy. Các hệ thống nô dịch hóa chủng tộc ở miền nam châu Phi, mà ông là kiến ​​trúc sư chính, vẫn tồn tại với chúng ta. Sự chênh lệch về thu nhập và giàu nghèo ở khu vực đó không phải do may rủi hay làm việc chăm chỉ. Chúng được tạo ra hệ thống theo mẫu. Mẫu xã hội của Rhodes. Đây là người đã nói:

“Người bản xứ phải được đối xử như một đứa trẻ và không có quyền hay đặc quyền. Chúng ta phải áp dụng một hệ thống chuyên quyền, chẳng hạn như các hoạt động ở Ấn Độ, trong quan hệ của chúng ta với tình trạng man rợ ở Nam Phi.”

Cecil Rhodes

 Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu con cháu của những người được gọi là thổ dân đó, phần lớn sống trên chính đất của họ, không nhớ đến ông một cách trìu mến.

Một bức tượng của Cecil Rhodes được dời khỏi khuôn viên Đại học Cape Town, Nam Phi, 2015. Ảnh: Schalk van Zuydam/AP

Một câu chuyện tương tự có thể được kể ở các tiểu bang miền nam nước Mỹ. Trong cuốn sách Standing Soldiers, sử gia người Mỹ Kirk Savage viết về khoảng thời gian 30 năm sau cuộc nội chiến:

“Các tượng đài nơi công cộng có ý mang lại sự quyết tâm và đồng thuận, không kéo dài xung đột… Ngay cả bây giờ để tưởng nhớ là tìm sự kết thúc lịch sử, để đúc kết các chuỗi ý nghĩa khác nhau trong một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử và cô đọng ý nghĩa của nó.”

Kirk Savage

Rõ ràng những bức tượng này – của những người lính Nam quân ở Mỹ, hoặc của Rhodes ở Nam Phi và Oxford – không đại diện cho một sự đồng thuận hiện nay. Nếu được như vậy, chúng đã  không bị phản đối như bây giờ. Không ai quan tâm phản đối bức tượng người tán thành mở rộng quyền bầu cử (đặc biệt là cho phụ nữ) Millicent Fawcett ở Quảng trường Quốc hội, bởi vì không ai nghiêm túc phản đối quan niệm về quyền bầu cử của phụ nữ. Cũng không có ai muốn có kết thúc lịch sử bằng việc dỡ bỏ một bức tượng. Những câu hỏi mà một số trong số những tượng đài này nêu ra – về bất bình đẳng chủng tộc, quyền tối cao của người da trắng, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ – vẫn còn rất nhiều trong chúng ta. Có một lý do tại sao những bức tượng đặc biệt này, chứ không phải là của Robert Raikes, người đã thành lập trường học Chủ nhật, nằm trên Victoria Embankment Gardens ở London, bị nhắm làm mục tiêu trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter.

Nhưng những bức tượng này không bao giờ đại diện cho một sự đồng thuận, ngay cả khi chúng được dựng lên. Tiêu biểu là những bức tượng của các nhân vật của Nam quân ở Richmond, Virginia là tâm điểm của các cuộc biểu tình mùa hè năm ngoái. Là những bức tượng đại diện cho những người bên thua cuộc trong cuộc nội chiến, chúng chắc chắn không đại diện cho sự đồng thuận trong cả nước nói chung. Các tiểu bang phía bắc sẽ không đánh giá cao chúng. Nhưng gần hơn, họ thậm chí cũng không đại diện cho ý chí chung của Richmond vào thời điểm đó. Phần lớn dân số người Mỹ gốc châu Phi của thành phố sẽ khó có thể hài lòng khi thấy tượng Nam quân ở đó. Và cũng không có nhiều người da trắng ủng hộ. Khi đảng lao động nắm quyền kiểm soát hội đồng thành phố Richmond vào cuối những năm 1880, một liên minh của người da đen và người da trắng thuộc tầng lớp lao động đã từ chối bỏ phiếu cho một cuộc tập hợp khai trương tượng đài vì nó sẽ “chỉ mang lại lợi ích cho một giai cấp nhất định”.

Những lời kêu gọi dỡ bỏ những bức tượng cũng làm dấy lên cáo buộc rằng các tác phẩm nghệ thuật đại chúng lâu đời đang nằm dưới sự kiểm soát của loại chính trị bất chợt. Họ kêu than, “Không có gì thiêng liêng nữa sao?” Rồi họ hỏi, “Tiếp theo là ai?” Nắm chặt những viên ngọc quý và họ chỉ về phía Churchill. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bức tượng này không bị dỡ bỏ như một thứ mốt nhất thời hoặc trong một thời điểm cháy bỏng vì bất hợp tác. Mọi người đã kêu gọi loại bỏ chúng từ nửa thế kỷ rồi. Và vấn đề không bao giờ chỉ giới hạn trong chính những bức tượng. Nó luôn là về những giá trị mà những bức tượng đại diện: những vấn đề phổ biến và dai dẳng còn lại, và di sản của bất cứ giái trị nào mà những bức tượng được dựng lên để biểu tượng.

***

Một trong những điều gây phiền nhiễu lớn nhất khi nói đến việc dỡ bỏ các bức tượng là lập luận rằng xóa một bức tượng là xóa bỏ lịch sử; rằng thay đổi điều gì đó về một bức tượng là làm xáo trộn lịch sử. Điều này thật vô nghĩa và khó để biết bắt đầu từ đâu, vì vậy tôi tin  rằng bắt đầu ngay từ đầu sẽ rất hợp lý.

Tượng không phải là lịch sử; chúng chỉ đại diện cho các nhân vật lịch sử. Chúng có thể được dựng lên để ghi lại những đóng góp lịch sử của một người, nhưng chính chúng không phải là lịch sử. Nếu hạ bệ bức tượng bán thân của Nelson Mandela ở Bờ Nam của London, người ta vẫn không xóa được lịch sử của cuộc đấu tranh của ông chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tượng là biểu tượng của sự tôn kính; chúng không phải là biểu tượng của lịch sử. Chúng nâng tầm một cá nhân ở một thời điểm lịch sử và tôn vinh họ.

Không ai nghĩ rằng khi người dân Iraq dỡ bỏ những bức tượng của Saddam Hussein trên mọi miền đất nước, họ muốn ông bị lãng quên. Hoàn toàn ngược lại. Họ muốn ông, và những tội ác của ông ấy, được ghi nhớ mãi. Họ chỉ không muốn ông ta được tôn kính. Thật vậy, nếu những người xóa bỏ một bức tượng đang cố gắng xóa bỏ lịch sử, thì họ quá tệ khi làm việc đó. Vì nếu việc dựng tượng là một sự thật của lịch sử, thì việc dỡ bỏ nó cũng không hơn không kém. Nó cũng có thể mang ý nghĩa nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức về lịch sử. Nhiều người biết về Colston và những gì ông ấy đã làm vì bức tượng của ông ấy bị gỡ xuống hơn bao giờ, hơn cả khi nó được dựng lên. Thật vậy, chính những người vận động xóa bỏ các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ cũng chính là những người muốn chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ được giảng dạy nhiều hơn trong trường học. Những người muốn duy trì hình tượng nói chung là những người muốn chúng ta không nghiên cứu những gì những người này thực sự đã làm.

Nhưng để khẳng định rằng những bức tượng đại diện cho lịch sử không những chỉ đơn thuần xuyên tạc vai trò của những bức tượng, mà nó còn là sự hiểu sai về lịch sử và vị trí của chúng trong lịch sử. Hãy quay lại các bức tượng của Nam quân một chút. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865. Miền Nam bại trận. Phần lớn nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của miền nam đã bị lãng phí. Gần một phần sáu đàn ông da trắng miền Nam từ 13 đến 43 tuổi đã chết; thậm chí có nhiều người hơn đã bị thương; nhiều người hơn nữa đã bị bắt.

Người miền Nam phải quên đi thực tế của cuộc nội chiến trước khi họ có thể vinh danh nó. Họ không muốn nhớ về cuộc nội chiến như một tập phim mang đến sự tàn khốc và nhục nhã. Rất ít tượng đài được dựng lên trong những thập kỷ ngay sau chiến tranh. Theo Trung tâm Luật Đói nghèo miền Nam, gần 500 tượng đài cho Nam quân đã được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1915. Hơn một nửa được xây dựng trong vòng bảy năm, từ năm 1905 đến năm 1912, nghĩa là hơn 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt.

Một bức tượng Nam quân bị lật đổ ở Chapel Hill, Bắc Carolina vào năm 2018. Ảnh: Sipa US/Alamy

Thời điểm không phải là ngẫu nhiên. Đã đủ lâu kể từ cuộc nội chiến khủng khiếp đến mức nó có thể bị nhầm lẫn như một biện pháp cao cả bảo vệ cho nền văn hóa vùng miền phân biệt chủng tộc hơn là chỉ nô lệ. Vì vậy, nó đại diện cho một phiên bản lịch sử từng phần và có gạn lọc, ít dựa trên thực tế hơn là nỗi luyến tiếc và u sầu độc hại. Không phải lịch sử là những gì những người bảo vệ những bức tượng này đang bảo vệ: mà đó là chuyện thần thoại.

Colston, một nhân viên cao cấp của của Công ty Hoàng gia châu Phi, được biết đã bán khoảng 100.000 người Tây Phi làm nô lệ, đã chết vào năm 1721. Bức tượng của ông ấy mãi đến năm 1895, hơn 150 năm sau mới xuất hiện. Đây cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Một nửa số tượng đài trong vòng tranh chấp trong năm qua được dựng lên từ năm 1889 đến năm 1919. Đây một phần là khuynh hướng thẩm mỹ của cuối thời đại Victoria. Nhưng có lẽ sẽ ít ngạc nhiên khi những bức tượng mà những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc muốn gỡ xuống là những bức tượng được dựng lên khi khu phân biệt màu da của Jim Crow được xây dựng vững chắc ở Mỹ, và trong giai đoạn mở rộng thuộc địa.

Những bức tượng luôn cho chúng ta biết nhiều hơn về giá trị của thời kỳ chúng được dựng lên hơn là về câu chuyện của người được dựng tượng. Hai năm trước khi Martin Luther King qua đời, một cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ không có quan điểm thuận lợi đối với ông. Bốn thập kỷ sau, khi Barack Obama công bố đài tưởng niệm ông King ở Washington DC, 91% người Mỹ đã tán thành. Thay vì dạy chúng ta về quá khứ, bức tượng của ông đã bóp méo lịch sử. Như tôi đã viết trong cuốn sách Bài phát biểu: Câu chuyện đằng sau giấc mơ của Tiến sĩ Martin Luther King Jr (The Speech: The Story Behind Dr Martin Luther King Jr’s Dream).

“Người Mỹ da trắng đến ôm lấy ông King theo cách mà người Nam Phi da trắng đến ôm Nelson Mandela: một cách miễn cưỡng và biết ơn, nghĩ lại, có chọn lọc, không thanh nhã hay thủ đoạn. Bởi vì vào thời điểm họ nhận ra rằng sự căm ghét của họ đối với ông ấy đã tiêu tan và vô ích, ông ta đã tạo ra một thế giới mà tình yêu đối với ông ấy là vì lợi ích của chính họ. Bởi vì, tóm lại, họ không có lựa chọn nào khác.”

***

Người ta tuyên bố cho việc không hạ bệ một số bức tượng về những người đã có những hành động quá đáng là chúng ta không nên đánh giá những người của thời khác theo tiêu chuẩn ngày nay. Tôi gọi đây là lập luận “Nhưng đó là trước khi kỳ thị chủng tộc là xấu” hoặc, như những người khác đã gọi nó, biện hộ của Jimmy Savile.

Thứ nhất, điều này đối với tôi là một biện luận rất tốt cho việc hoàn toàn không dựng tượng, vì không có gì bảo đảm rằng bất kỳ sự đồng thuận nào sẽ cứ dai dẳng mãi. Chỉ vì có thể có cảm kết thúc bây giờ không có nghĩa là những vấn đề đó sẽ không được mở lại một ngày nào đó. Nhưng ngoài ra, vào thời điểm nhiều bức tượng này được dựng lên, đã có sự phản đối đáng kể đối với những việc làm đã khiến những người này (và gần như tất cả đều là đàn ông) trở nên giàu có và nổi tiếng. Ở Anh, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ hơn 60 năm trước khi bức tượng của Colston được dựng lên. Cuộc nội chiến đã qua 30 năm trước khi hầu hết các bức tượng của các vị tướng Nam quân được dựng lên. Cecil Rhodes và Vua Leopold II của Bỉ đều bị những người đương thời chỉ trích vì những hành vi và quan điểm phân biệt chủng tộc thấp hèn. Nói cách khác, không chỉ những gì họ làm sai mà còn được biết đến rộng rãi là sai vào thời điểm họ làm. Vào thời điểm họ trở thành tượng đá/đồng đã có những phong trào quan trọng, nếu không phải là luật pháp, lên án chính những thứ đã làm cho họ trở nên giàu có và nổi tiếng.

Một bức tượng của Leopold II bị phá hủy ở Arlon, Bỉ vào năm ngoái. Ảnh: Jean–Christophe Guillaume / Getty Images

Một đánh giá trung thực hơn về lý do tại sao việc dỡ bỏ những bức tượng đặc biệt này lại khiến nhiều người khó chịu là họ không thực sự muốn dính líu đến lịch sử mà chúng đại diện. Quyền lực, và sự giàu có đi kèm với nó, có rất nhiều cha mẹ. Nhưng sự tàn bạo mà nó cần để có được nó thường là một đứa trẻ mồ côi. Theo một cuộc thăm dò của YouGov năm ngoái, cứ 1 trên 20 người Hòa Lan, 1/7 người Pháp, 1/5 người Anh, và 1/4 người Bỉ và Ý tin rằng đế chế cũ của họ là điều đáng xấu hổ. Nếu những bức tượng này được cho là để kể câu chuyện của chúng ta, thì tại sao sau hơn một thế kỷ, rất ít người thực sự biết đến nó?

Điều này đưa tôi đến luận điểm cuối cùng. Những bức tượng không chỉ không dạy chúng ta về quá khứ, hoặc đưa ra một ý tưởng sai lệch về những người cụ thể hoặc sự kiện lịch sử cụ thể – chúng còn làm sai lệch cách chúng ta hiểu về chính lịch sử. Vì khi dựng một bức tượng để tôn vinh một thời điểm lịch sử, người ta giảm thời điểm đó xuống cho một người duy nhất. Cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử. Nhưng họ không tự làm nên lịch sử. Luôn có nhiều người khác cùng tham gia. Và vì vậy những gì được gọi là thuyết Con người vĩ đại về lịch sử đã bóp méo lịch sử như thế nào, tại sao và do ai mà lịch sử bị giả mạo.

Hãy xem xét bức tượng của Rosa Parks đứng ở điện Capitol Hoa Kỳ. Parks là một phụ nữ vĩ đại, người đã từ chối nhường ghế cho một phụ nữ da trắng trên xe buýt ở Montgomery, Alabama đã thách thức luật phân biệt đối xử của địa phương và khơi dậy phong trào dân quyền. Khi Parks qua đời vào năm 2005, đám tang của bà đã có hàng nghìn người tham dự, và đóng góp của bà cho cuộc đấu tranh dân quyền đã được lưu danh khắp thế giới.

Nhưng thực tế phức tạp hơn. Parks không phải là người đầu tiên không nhận tội sau khi chống lại luật phân cách của Montgomery trên xe buýt ở đó. Trước Parks, có một cô gái 15 tuổi tên là Claudette Colvin. Colvin được coi là biểu tượng của phong trào dân quyền cho đến khi cô mang thai. Vì là một thiếu nữ chưa lập gia đình, cô đã bị các bô lão bảo thủ của nhà thờ địa phương, những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào, bỏ rơi. Khi tôi phỏng vấn Colvin 20 năm trước, cô ấy chỉ sống qua ngày ở Bronx như  một phụ tá y tá, tất cả đều bị lãng quên.

Và trong khi những gì Parks đã làm là chất xúc tác cho sự phản kháng, sự kiện buộc những người theo chủ nghĩa phân tách phải leo xuống không phải là công việc của một cá nhân trong một khoảnh khắc, mà là nỗ lực tập thể kéo dài cả năm của những người Mỹ gốc châu Phi ở Montgomery, những người đã tẩy chay xe buýt – những người giúp việc, những người làm vườn đã tuần hành hang dặm dù trời mưa hay nắng, bất chấp nhưng đe dọa, những người đã đưa nhưng người khác đến nơi họ cần có mặt, những người đã hy sinh thời gian và công sức cho cuộc đấu tranh. Những người lính vô danh của dân quyền. Đây là những người đã làm nên phong trào dân quyền. Tượng của họ ở đâu? Vị trí của họ trong lịch sử là ở đâu? Các diễn viên chính có thể bị loại một cách dễ dàng và cố ý đến mức nào.

Tôi đã từng phỏng vấn nhà văn người Uruguay, Eduardo Galeano, ông đã thú nhận rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của mình là “tất cả chúng ta đều mất trí nhớ”. Tôi hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về sự hay quên này? Ông giải thích,

“Đó không phải là một người. Đó là một hệ thống quyền lực luôn nhân danh loài người quyết định ai đáng được ghi nhớ và ai đáng bị lãng quên… Chúng tôi nhiều hơn những gì người ta kể lại. Chúng tôi đẹp hơn rất nhiều.”

Eduardo Galeano

Những bức tượng phủ bóng dài lên vẻ đẹp đó và che lấp sự phức tạp ngay cả những người mà chúng tôn vinh. Bây giờ, tôi yêu Rosa Parks. Không phải vì câu chuyện thường kể về bà ấy khác xa với con người của bà ấy. Bà ấy không chỉ là một người phụ nữ không may vấp ngã vào lịch sử vì bà ấy mệt mỏi và muốn ngồi xuống. Đó không phải là lần đầu tiên bà ấy bị đuổi xuống xe buýt. Bà từng nói: “Tôi gần như đã có một lịch sử nổi loạn chống lại việc bị ngược đãi với màu da của mình.” Bà ấy cũng là một người hoạt động, một nhân vật tranh đấu cho nữ quyền và một người tôn sùng Malcolm X. Bà cũng đã nói, “Tôi không tin vào chủ nghĩa tiệm tiến hay bất cứ điều gì nên làm cho thế giới tốt hơn mà phải mất cả thiên thu mới làm xong.”

Tất nhiên tôi muốn Parks được nhớ đến. Tất nhiên tôi muốn bà ấy chiếm vị trí xứng đáng trong lịch sử. Và lại càng có ít lý do hơn để giảm bớt ký ức đó bằng cách đúc tượng bà ấy bằng đồng và dựng bà ấy ra ngoài bộ nhớ.

Vì vậy, chúng ta đừng tạo gánh nặng cho các thế hệ tương lai với sức nặng của ký ức lỗi lầm và những điều dối trá trong thần thoại nửa vời của chúng ta. Chúng ta đừng đặt những người mà chúng ta bề ngoài yêu quý để họ có thể bị lãng quên và phớt lờ. Hãy để chúng ta vinh danh họ, và những người khác – trong chương trình giảng dạy, bằng học thuật và viện bảo tàng. Chúng ta hãy để cho họ phải nhận những lời phê bình mà họ xứng đáng nhận, có thể chuyển họ từ những mô hình vô tri của con người trước đây thành những con người phức tạp và thường thiếu sót như họ. Chúng ta hãy đấu tranh để đưa các giá trị của những người chúng ta ngưỡng mộ vào chính trị và văn hóa của chúng ta. Hãy đưa tin về những ngày kỷ niệm họ trên phương tiện truyền thông và đưa chúng vào các bài thi. Nhưng điều cuối cùng chúng ta nên làm là phủ bê tông và đặt họ thành tượng đá.

Tác giả | Gary Younge là giáo sư xã hội học tại Đại học Manchester và là thành viên của Trung tâm Type Media

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why every single statue should come down | Gary Younge | The Guardian | Jun 1 2015. Meghan Tinsley, Ruth Ramsden–Karelse, Chloe Peacock và Sadia Habib đưa tin bổ túc.


[1] Gia đình Tascher de La Pagerie  của Joséphine de Beauharnais là chủ đồn điền trồng mía với nhiều nô lệ. Nguồn: Site officiel de la famille Tascher de la Pagerie  và Patrimoine de la Martinique – La Pagerie