Biến thể Delta là một mối nguy nghiêm trọng đối với người chưa được tiêm chủng

Dhruv Khullar | Hồn Việt

Tuy nhiên, đối với những người vẫn chưa được tiêm chủng, vì họ lựa chọn hoặc lý do tình cờ, Delta đại diện cho phần mới nhất trong một chuỗi kinh hoàng đang diễn ra. Đó là một mối đe dọa nham hiểm hơn bất kỳ mối đe dọa nào khác — một nguy cơ đe dọa bất kỳ trạng thái cân bằng bấp bênh nào đã bén rễ. Trong một thế giới chỉ mới được tiêm chủng một phần, Delta cho thấy tính hai mặt của thế giới chúng ta đang sống và chết.

Các chuyên gia dịch tễ tin rằng biến thể Delta, phát giác đầu tiên tại Ấn Độ, có thể lây lan cao hơn nhiều so với loại virus đã xé toạc thế giới hồi năm 2020. — Photograph by Raj K Raj / Hindustan Times / Getty

Một nửa nước Mỹ đã được bảo vệ. Phần còn lại đang đến gần thời khắc nguy hiểm trong đại dịch.

Lineage B.1.617.2, hiện được gọi là biến thể Delta, đầu tiên được phát giác ở Ấn Độ, vào tháng 12 năm 2020. Một phiên bản tiến hóa của sars-CoV-2, Delta có ít nhất một tá đột biến, gồm một số đột biến trên protein đột biến của nó làm cho nó dễ lây lan hơn và có thể gây chết người và đề kháng thuốc chủng ngừa mạnh hơn các chủng khác. Ở Ấn Độ, biến thể Delta đã góp phần vào làn sóng coronavirus tàn phá mạnh mẽ nhất mà thế giới đã chứng kiến ​​từ trước tới nay; bây giờ, nó đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia, kể cả Hoa Kỳ. Ở Mỹ, tuy chiếm một số ít trường hợp — nhưng chủng Delta nhanh chóng vượt qua các biến thể khác và có khả năng sẽ sớm trở thành dòng siêu vi biến thể thống trị.

Phần lớn những gì chúng ta biết về Delta chỉ mới là sơ bộ và dựa trên các báo cáo từ Ấn Độ, và gần đây là từ Vương quốc Anh, nơi chủng Delta hiện chiếm hơn 90% các trường hợp mới nhiễm dịch. Bốn phần năm số người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một mũi thuốc chủng ngừa COVID-19 và hơn một nửa được tiêm chủng đầy đủ — nhưng biến thể này đã lan đủ rộng trong số những người vẫn dễ bị tổn thương, làm tăng gấp bốn lần số ca mới nhiễm dịch và tăng gấp đôi số ca phải vào bệnh viện trong tháng qua. Phần lớn các trường hợp biến thể Delta dường như xảy ra ở người lớn dưới năm mươi tuổi, là những người có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với người lớn tuổi hơn. Tuần trước, Thủ tướng Boris Johnson đã thông báo rằng việc mở cửa trở lại hoàn toàn nước Anh, ban đầu được dự trù vào ngày 21 tháng Sáu, có thể sẽ phải hoãn lại.

Đầu năm nay, các nhà khoa học ước tính rằng dòng B.1.1.7 — biến thể Alpha, đầu tiên được cô lập ở Anh – có thể lây truyền cao hơn khoảng 60% so với phiên bản gốc của Sars-CoV-2.  Nay thì các chuyên gia tin rằng biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với Alpha — khiến nó dễ lây hơn nhiều so với loại siêu vi đã xé nát thế giới vào năm 2020. Tuy vẫn chưa thể kết luận rằng Delta gây chết người nhiều hơn, nhưng bằng chứng ban đầu từ Anh cho thấy rằng, so với Alpha, nó làm tăng gấp đôi nguy cơ người nhiễm dịch phải vào bệnh viện. Ngay cả khi biến thể này rốt cục không có nguy cơ gây chết người cao hơn, thì khả năng lây truyền lớn hơn của nó có nghĩa nó có thể gây ra tổn thương cao hơn cho một cộng đồng, tùy thuộc vào số người vẫn chưa được tiêm chủng khi biến chủng này tấn công.

Về mặt này, thì tình trạng gia tăng như sắp đến ngày tận thế của Ấn Độ là bản Triển lãm A.

Bản đồ chỉ những nơi xuất hiện của biến thể đang được theo dõi. Nguồn: https://www.gisaid.org/hcov19-variants/

Vào tháng 5, ở đỉnh của làn sóng bùng phát, vai trò của biến thể Delta vẫn chưa rõ ràng. Một số yếu tố —  gồm sự tụ tập đông người trở lại, tình trạng suy giảm của việc đeo khẩu trang và một chiến dịch tiêm chủng chậm chạp — đã dẫn đến một thảm họa ít nhiều khó tránh khỏi. Nhưng bây giờ có vẻ như sự nổi lên của Delta đã đẩy cuộc khủng hoảng thành một thảm họa lan rộng và nhanh chóng đến kinh ngạc. Trong vài tuần, hàng triệu người đã bị nhiễmdịch và hàng chục ngàn người chết; hệ thống y tế quốc gia đang phải đối phó với sức nặng của một loại siêu vi đột biến. Một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của sự gia tăng tại Ấn Độ là nhiều trẻ em bị lâm bệnh. Tuy nhiên, hiện tại không có dữ kiện cho thấy Delta gây ra tỷ lệ lâm trọng bệnh ở trẻ em nhiều hơn; thay vào đó, có vẻ như khả năng lây truyền tuyệt đối của biến thể chỉ đơn thuần là dẫn đến con số lượng trẻ em bị nhiễm dịch cao hơn.

Một phát giác vô cùng quan trọng từ Anh và Ấn Độ là thuốc chủng ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả ngoạn mục đối với chủng Delta. Theo một cuộc nghiên cứu ở Anh, một liệu trình đầy đủ của thuốc chủng ngừa Pfizer-BioNTech có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa người nhiễm dịch phải vào bệnh viện vì biến thể Delta; thuốc chủng ngừa của AstraZeneca làm giảm nguy cơ phải nhập viện 92%. Nhưng những phát giác này cũng có kèm theo một số cảnh giác. Đầu tiên là, với Delta, tiêm chủng một phần dường như kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh: một nghiên cứu khác cho thấy, đối với những người chỉ tiêm mũi đầu tiên, thuốc chủng ngừa chỉ có hiệu quả 33% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng của dịch. (Liều đầu tiên dường như vẫn cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại việc phải vào bệnh viện hoặc thiệt mạng.) Thứ hai là ngay cả các liều thuốc chủng ngừa đầy đủ cũng có vẻ kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bị lây nhiễm từ chủng Delta. Điều này có thể đặc biệt đúng với các thuốc chủng ngừa không phải loại mRNA. Một nhóm các khoa học gia ở Scotland đã khám phá rằng cả hai liều thuốc chủng ngừa của AstraZeneca đều làm giảm khả năng nhiễm Delta chỉ tới 60% — tuy là một biểu hiện đáng kể, nhưng kém hơn so với những gì thuốc chủng ngừa này chống lại các chủng khác. (Thuốc chủng ngừa Pfizer-BioNTech thì đã chứng minh được 79% hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm biến thể Delta, tức cũng sút giảm ít hơn, khi sử dụng chống lại các chủng khác).

Tổng hợp lại, những khám phá này đã khiến một số chuyên gia đề nghị điều chỉnh chiến lược tiêm chủng. Muge Cevik, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học St. Andrews và là cố vấn của chính phủ Anh, nói rằng, với sự xuất hiện của Delta, điều quan trọng là phải hỏi “mục đích chính của chúng ta khi tiêm chủng là gì.” Bà nói tiếp, “Nếu mục tiêu chính của chúng ta là giảm số ca phải nhập viện và tử vong, thì liều thuốc đầu tiên vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ rất tốt. Nếu muốn ngăn chặn sự lây truyền, thì liều thứ hai trở nên khá quan trọng. Tôi nghĩ rằng, đặc biệt là ở những điểm nóng, chúng ta cần phải đầy mạnh liều tiên chủng thứ hai”. Những người khác thì đề nghị ý tưởng tiêm thuốc chủng ngừa mRNA cho những người Mỹ đã tiêm thuốc chủng ngừa Johnson & Johnson, tương tự như thuốc chủng ngừa AstraZeneca, sử dụng công nghệ không phải mRNA. Hướng dẫn chính thức của C.D.C. cho người dân Mỹ biết rằng “loại thuốc chủng ngừa COVID-19 tốt nhất là loại đầu tiên có sẵn cho mình. Đừng chờ đợi một loại thuốc chủng ngừa cụ thể nào đó”. Nhưng lời khuyên đó đã được đưa ra khi nguồn cung thuốc chủng ngừa bị hạn chế. Những bằng chứng thu thập đã khiến nhiều người tự hỏi liệu thuốc chủng ngừa mRNA, từ Moderna và Pfizer, có thích hợp hơn thuốc chủng ngừa do Johnson & Johnson cung cấp hay không, và liệu biến thể Delta có khiến chúng trở nên như vậy hay không. Angela Rasmussen, nhà siêu vi học tại Tổ chức Vaccine and Infectious Disease Organization Vaccine thì nói,

“Có thể J. & J. sẽ cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại nguy cơ lâm trọng bệnh, nhưng vì là phác đồ chỉ tiêm một mũi nên nó có thể không mang lại sự bảo vệ chống lại nhiễm dịch đối với một biến thể có thể lây truyền cao như Delta. Mũi tiêm thứ hai kích hoạt lại hệ thống miễn dịch đối với thuốc chủng ngừa và cho phép cơ thể tạo ra các kháng thể tốt hơn nữa.”

Dr. Angela Rasmussen

Rasmussen tiêm thuốc chủng ngừa J. & J.; bà sống ở Canada, nơi các cơ quan y tế khuyến khích mọi người nên tiêm chủng theo phương thức kết hợp các loại thuốc chủng ngừa. Bà cho biết “đang cân nhắc việc tăng cường hệ thống miễn dịch của mình bằng một liều Pfizer, đó là điều đáng để suy tính.”

Ở một mức độ đáng kể, sự xuất hiện của một biến thể như Delta là điều có thể dự đoán được, và với việc tiêm chủng nhanh chóng và phổ quát, mối đe dọa mà nó gây ra có thể được giảm bớt. Nhưng sự xuất hiện của chủng Delta vẫn mang tính hậu quả đáng kinh ngạc. Delta thúc đẩy nên một khoảng cách thậm chí còn rộng hơn giữa những người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Họ đã sống trong những thế giới riêng biệt, đối diện với những nguy cơ bệnh tật và cái chết rất khác nhau; và bây giờ, mức độ rủi ro của họ sẽ còn khác biệt hơn nữa. Những người đã được tiêm chủng đầy đủ nói chung có thể thấy tin tưởng vào khả năng miễn dịch mà họ đã nhận được. Nhưng những ai còn trong tình trạng dễ bị nhiễm dịch thì nên hiểu rằng, đối với họ, đây có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất của đại dịch.

Eric Topol, giám đốc Viện Scripps Research Translational Institute, nói:

“Tin tốt là chúng ta có thuốc chủng ngừa có thể làm chết biến thể Delta. Còn tin xấu là gần như không có đủ người được tiêm chủng. Một phần đáng kể người Mỹ vẫn đang ngồi ì ra đấy. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được một bức tường tiêm chủng đủ mạnh. Chúng ta cần một bức tường Delta —một cấp độ tiêm chủng sẽ ngăn không cho biến thể mới lây lan.”

Dr. Eric Topol

Topol nói thêm: “Vẫn còn rất nhiều cụm dân cư lớn chưa được tiêm chủng tại Mỹ và điều đó có thể trở nên rất tồi tệ.” Vì khoảng một nửa dân số Mỹ đã được tiêm chủng và hàng triệu người khác có một số khả năng miễn dịch vì đã bị nhiễm dịch trước đó, biến thể Delta, ông nói tiếp, “sẽ không gây ra những cuộc bộc phát khủng khiếp  lấn át hệ thống y tế”. Nhưng chủng Delta lây lan rất dễ dàng trong số những người chưa được tiêm chủng đến độ một số cộng đồng có thể sẽ trải qua sự gia tăng đáng kể về số người tử vong và nhiễm dịch vào mùa hè và mùa thu này.

Ở Mỹ, tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Ở một số tiều bang, phần lớn ở miền Nam, chỉ khoảng một phần ba dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Đã có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về số người mắc COVID-19: các trường hợp nhiễm dịch và nhập viện đã giảm mạnh ở một số nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhưng vẫn giữ nguyên hoặc tăng thêm ở những nơi khác. May mắn thay, gần 90% người Mỹ lớn tuổi — nhóm có nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng nhất — đã được tiêm ít nhất một mũi, và 3/4 đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, rõ ràng từ kinh nghiệm của Ấn Độ và Vương quốc Anh, biến thể Delta vẫn có thể mang tới mức độ lây nhiễm lớn ở những người trẻ hơn, là số người chưa được tiêm chủng.

Trong một bài viết gần đây, tôi (tức tác giả, Dhruv Khullar) đã ví một xã hội đang mở cửa trở lại khi được tiêm chủng một phần là “một con tàu đang tiến gần đến một tảng băng trôi”. Con tàu là sự trở lại cuộc sống bình thường và sự phơi nhiễm virus mà nó mang lại; tảng băng trôi là số người chưa được tiêm chủng. Các biện pháp phòng ngừa như giữ khoảng cách với nhau trong xã hội có thể làm chậm tốc độ của con tàu, và việc tiêm chủng có thể thu nhỏ kích thước của tảng băng trôi. Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội mở cửa nào mà không thể tiêm chủng cho tất cả mọi người, thì sự va chạm giữa siêu vi corona và những người dễ bị tổn thương là chuyện không thể tránh khỏi.

Do khả năng truyền nhiễm đặc biệt của nó, biến thể Delta gần như chắc chắn sẽ tăng cường lực của sự  va chạm. Vương quốc Anh, bằng cách hoãn mở cửa hoàn toàn trở lại, đang cố gắng làm nhẹ bớt sự va chạm. Nhưng Hoa Kỳ đang thúc đẩy tiến về phía trước — có lẽ vì sự ngạo mạn, hoặc bởi vì các viên chức hy vọng rằng chiến dịch tiêm chủng có thể vượt qua sự lây lan của Delta. Tuần trước, New York và California, trong số các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, hầu như đã hủy bỏ tất cả các hạn chế sinh hoạt. Trong khi đó, các tiểu bang có tỷ lệ tiêm chủng chỉ bằng một nửa New York hoặc California thì đã mở cửa lại trước đó nhiều tuần. Có rất nhiều phụ thuộc vào vị trí và tốc độ lan truyền của chủng Delta.

Các giới chức liên bang, tiểu bang và địa phương đang cố gắng đẩy nhanh việc tiêm chủng. Các thống đốc đã công bố những biện pháp khuyến khích như xổ số, tặng học bổng đại học, thẻ quà tặng và bia miễn phí cho những người đi chủng ngừa; Riêng California có kế hoạch chi hơn một trăm triệu đô la cho việc khuyến khích chích thuốc chủng ngừa. Chính quyền Biden đã đặt mức đạt được 70% người Mỹ trưởng thành tiêm chủng trước ngày 4 tháng 7 là mối ưu tiên trọng tâm và tuyên bố tháng 6 là “tháng hành động quốc gia”. Chính quyền liên bang đã cấp các khoản bớt thuế cho những chủ nhân cho phép nhân viên được nghỉ có lương để mọi người đi tiêm chủng, mở các trung tâm tiêm chủng hàng loạt, tài trợ cho các trung tâm y tế cộng đồng và hợp tác với các tổ chức địa phương, những người nổi tiếng và tình nguyện viên để đẩy mạnh việc tiêm chủng. Toà Bạch Ốc mới đây thông báo rằng bốn trong số các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em lớn nhất nước sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí cho những cha mẹ muốn chủng ngừa trước ngày 4 tháng 7; Uber và Lyft thì đã cung cấp việc chuyên chở miễn phí đến các điểm tiêm chủng trong nhiều tuần.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vẫn chưa gia tăng trở lại. Về phần mình, Topol tin rằng trở ngại lớn đối với việc tiêm chủng trên bình diện rộng là trong thực tế cơ quan F.D.A. vẫn chưa phê duyệt đầy đủ các thuốc chủng ngừa COVID-19; ngay bây giờ, họ chỉ ủy quyền sử dụng khẩn cấp (hoặc E.U.A.)  Khoảng một phần ba số người Mỹ chưa tiêm chủng nói rằng việc chấp thuận của F.D.A. sẽ cho họ có nhiều khả năng được chủng ngừa hơn. Việc phê duyệt đầy đủ cũng có thể mở ra một con đường rõ ràng hơn cho thẩ quyền tiêm chủng trong trường học, doanh nghiệp và quân đội. Topol lập luận rằng các thẩm quyền tiêm chủng này sẽ cho phép chúng ta dựng bức tường chặn Delta nhanh hơn – cũng như các bức tường chặn các biền chủng tương lai Epsilon, Zeta và phần còn lại của bảng chữ cái Hy Lạp. Cả Pfizer và Moderna đều đã đăng bộ để được sự chấp thuận của F.D.A., nhưng không rõ là bao lâu nữa thì mới nhận được, theo quy trình thông thường phải mất từ 6 đến 10 tháng. Topol nói:

“Hàng trăm triệu người đã sử dụng những loại thuốc chủng ngừa này một cách an toàn, nhưng vẫn có một số ý kiến ​​cho rằng chúng vẫn chỉ là thử nghiệm. E.U.A. so với sự chấp thuận hoàn toàn nghe có vẻ giống ngữ nghĩa, nhưng nó thực sự là một B.F.D. [thế hệ thuốc chủng ngừa mới.]”

Eric Topol

Trên toàn thế giới, số người chết vì coronavirus trong nửa đầu năm nay đã nhiều hơn so với tất cả số người thiệt mạng hồi năm ngoái — một thực tế đáng kinh ngạc, trong khi đã có thuốc chủng ngừa. Sự thật bi thảm là đối với phần lớn thế giới, có thể không hề có thuốc chủng ngừa. Một mặt, Hoa Kỳ đang tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi; mặt khác, nhân viên y tế, người cao niên và bệnh nhân ung thư ở nhiều quốc gia khác vẫn không có khả năng tự vệ. Ba phần tư số liều thuốc chủng ngừa COVID-19 đã được tiêm chủng chỉ ở 10 quốc gia, trong khi các quốc gia nghèo nhất mới chỉ nhận được ít hơn một nửa của 1% nguồn cung cấp thuốc chủng ngừa toàn cầu. Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc W.H.O., đã gọi đây là một “sự bất công khủng khiếp.”

Chính quyền Biden mới đây đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ nửa tỷ liều thuốc chủng ngừa cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu; và hy vọng sẽ giao 200 triệu liều vào cuối năm nay. Vương quốc Anh và các nước Âu châu khác cũng đã cam kết tặng hàng trăm triệu liều cho Covax, sáng kiến ​​quốc tế để phân phối thuốc chủng ngừa cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những nỗ lực này rất quan trọng và sẽ giúp ích rất nhiều — nhưng không phải được ngay trong nhiều tháng tới, mà có lẽ phải đến năm 2022. Trong khi đó, nhiều quốc gia sẽ phải tiếp tục vật lộn với những thách thức xã hội và kinh tế do các đợt bộc phát do biến thể tác động và những biện pháp y tế công cộng cần thiết để ngăn cản chúng. Ngay cả ở những nơi có ý chí chính trị để tiếp tục những biện pháp đối phó thì điều đó không phải là vô hạn; các quốc gia không thể tiếp tục trong tình trạng  bị phong tỏa mãi mãi.

Theo một nghĩa nào đó, Delta là biến thể của thời hậu tiêm chủng. Có một cụm gười của nhân loại — có lẽ khoảng 500 triệu người trong số 7,6 tỷ người — được bảo vệ chống lại nó, bất chấp khả năng lây lan mạnh mẽ; đối với họ, chương mới nhất của đại dịch là một phần kết, vì trên thực tế, câu chuyện chính đã được kết thúc. Tuy nhiên, đối với những người vẫn chưa được tiêm chủng, vì họ lựa chọn hoặc lý do tình cờ, Delta đại diện cho phần mới nhất trong một chuỗi kinh hoàng đang diễn ra. Đó là một mối đe dọa nham hiểm hơn bất kỳ mối đe dọa nào khác — một nguy cơ đe dọa bất kỳ trạng thái cân bằng bấp bênh nào đã bén rễ. Trong một thế giới chỉ mới được tiêm chủng một phần, Delta cho thấy tính hai mặt của thế giới chúng ta đang sống và chết.

Tác giả | Dhruv Khullar là một cộng tác viên của tạp chí The New Yorker, một bác sĩ đang hành nghề và cũng là Phó giáo sư tại Weill Cornell Medical College.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Người dịch gởi. DCVOnline minh họa. Nguyên bản anh ngữ: The Delta Variant Is a Grave Danger to the Unvaccinated. One half of America is protected. The other is approaching a perilous moment in the pandemic. By Dhruv Khullar | The New Yorker | June 23, 2021