Trật tự trong Hỗn loạn

Trật tự trong Hỗn loạn
Khẩu hiệu và bích chương chống dịch COVID-19 của Việt Nam lặp lại, theo đúng nghĩa đen, Khẩu hiệu chống Mỹ, thay B-52 bằng COVID-19. Việt Nam đang nhận viện trợ thuốc chủng ngừa Moderna của Mỹ (Ảnh tổng hợp: UNICEF và OntheNet)

Huong Le Thu | Trà Mi

Phản ứng COVID-19 của Việt Nam đã là một trong những cách giải quyết hiệu quả nhất trên thế giới. Ít người nhiễm bệnh và thiệt mạng và thành quả kinh tế đang ghi nhận trong năm đầu của đại dịch toàn cầu đã nâng cao danh tiếng của Việt Nam trên toàn thế giới.

Dịch bùng phát do biến thể Delta thách thức chiến lược ứng phó với COVID-19 của Việt Nam

Kết quả kinh tế tốt đã khiến Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tự tin ngay khi đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo. Một nghiên cứu thực hiện tại 23 quốc gia vào tháng 5 năm 2020 cho thấy những người Việt Nam được hỏi ghi mức độ hài lòng cao thứ hai sau người Trung Hoa, với 77% đánh giá tích cực về phản ứng của chính phủ họ đối với cuộc khủng hoảng COVID-19. Năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với chính trị Việt Nam, vì vai trò ngoại giao quan trọng trong tư cách là chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và vì Đại hội Đảng, mỗi 5 năm, lần thứ 13 vào đầu năm 2021. Ngoài ra, Đại hội Đảng lần thứ 13 là một trong những đại hội quan trọng nhất kể từ năm 1986, khi Việt Nam bắt tay vào công cuộc Đổi mới, diễn ra trong khung cảnh đấu đá chính trị và thay đổi thế hệ trong đảng.

Nhưng với sự gia tăng gần đây của biến thể Delta, cùng với tỷ lệ chích ngừa thấp đến kinh ngạc, dư luận về thanh quả của Việt Nam đang bắt đầu tàn lụi.

Như nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus này, lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 4 năm 2021. Trước khi biến thể Delta xuất hiện, Việt Nam báo cáo có ít hơn 3.000 người nhiễm và 35 người chết trong hơn 15 tháng kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng Giêng năm 2020. Nhưng đến tháng 7 năm 2021, số mới nhiễm bệnh tăng lên hàng nghìn người mỗi ngày và ngày càng khó kiểm soát. Kỷ lục trong một ngày cao nhất (cho đến nay) là 9.684 người nhiễm bệnh vào ngày 8 tháng 8, tương đương với bốn lần số người nhiễm bệnh trong cả năm 2020 tại Việt Nam. Tổng số người nhiễm bệnh hiện là 220.000 người và 3.757 người đã thiệt mạng, một số rất lớn đã chết trong tháng 7, năm 2021. Điều này chứng tỏ biến thể Delta nguy hiểm như thế nào.

Nhà chức trách Việt Nam đã phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan hiện tại bằng các phương pháp mà họ đã dùng trước đây, cô lập, phong tỏa và theo dõi. Ổ dịch đã bùng phát nhiều nơi ở 63 địa phương, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận — trung tâm kinh tế, kỹ nghệ của cả nước — và các vùng tương đối đông dân cư. Lệnh phong tỏa được áp dụng kể từ tháng 7 ảnh hưởng đến việc làm và sinh kế của người dân Việt Nam, đồng thời gây áp lực lên lượng sản xuất của quốc gia, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Những công ty lớn trong ngành may mặc, giày dép và điện tử như Adidas, Nike và Apple, lo lắng về nguồn cung và giá cả của họ khi dợt dịch do biến thể Delta tiếp tục thách thức Việt Nam.

Tại sao chiến lược hiệu quả trước đây của quốc gia không ngăn chận được đại dịch?

Một lý do là biến thể Delta lây truyền rất nhanh so với các chủng SARS-VoV-2 trước đó. Một nguyên nhân khác là việc chích ngừa chậm của Việt Nam có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Chính phủ Việt Nam đã tỏ ra tự mãn — một cái bẫy mà nhiều quốc gia đã thành công ban đầu trong việc ngăn chặn virus đã rơi vào, như Úc, Đài Loan và New Zealand.

Tỉ lệ nhiễm COVID-19 của người Việt Nam vượt xa Đài Loan, Úc và New Zealand. Nguồn Our World in Data.

Không cho phòng dịch và chống dịch là việc khẩn trương do tỷ lệ người nhiễm thấp trước khi có sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến Việt Nam chậm chạp trong việc mua thuốc chủng ngừa. Tình trạng thiếu thuốc chủng ngừa, đặc biệt đối với các nước kém phát triển, càng khiến chương trình tiêm chủng của Việt Nam kéo dài. Khi biến thể Delta đang lan rộng ở Ấn Độ và đến Việt Nam, ĐCSVN vẫn đang chuẩn bị cho việc thay đổi lãnh đạo. Đại hội Đảng lần thứ 13 kết thúc vào đầu tháng 2, nhưng nội các chưa tahfnh hình cho đến tháng 5 và tháng 6 khi Quốc hội bỏ phiếu. Có thể cho rằng, vì ưu tiên chuyển giao quyền lực đó ĐCSVN đã xao lãng và trễ nãi trong việc mua thuốc chủng ngừa trong khi cả thế giới đang chạy đua mua thuốc ngừa Covid-19.

ĐCSVN cũng cho rằng họ có thể chờ thuốc chủng ngừa COVID-19 cây nhà lá vườn, với bốn thuốc chủng ngừa đang trong vòng thí nghiệm: Nanocovax của Nanogen, Covivac của Viện thuốc chủng ngừa và sinh phẩm y tế (IVAC), và hai loại khác của Cơ quan sản xuất thuốc chủng ngừa và sinh học. Công ty số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc chủng ngừa và sinh phẩm. Nanocovax, đã qua ba giai đoạn thí nghiệm trên người, chờ đợi được phê duyệt khẩn cấp nay mai và sản xuẩt vào cuối năm nay.

Nanogen vừa ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, sản xuất và phân phối thuốc chủng ngừa Covid, với công ty Vekaria Healthcare của Ấn Độ. Nguồn: Tòa Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Ấn Độ.

[Nanogen vừa ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, sản xuất và phân phối thuốc chủng ngừa Covid, với công ty Vekaria Healthcare của Ấn Độ và đàm phán sẽ bắt đầu trong tháng 8 này. – TM]

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiếu thuốc chủng ngừa. Trên thực tế, trường hợp của Việt Nam cho thấy rõ những khó khăn trong việc chống lại đại dịch với tài nguyên hạn chế. Việc kiểm soát chặt chẽ [trong những chế độ chuyên quyền như ở Hoa lục và Việt Nam] có thể giúp ngăn chận sự lây lan, nhưng khi nói đến các giai đoạn ứng phó tiếp theo, phải có tài nguyên mới có được thuốc chủng ngừa. Ngoài việc chậm trễ vì những lý do khác, như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đi sau các nước phát triển có thể mua thuốc chủng ngừa sớm hơn nhiều và đang trong giai đoạn tiêm chủng cho dân chúng với tỉ số cao hơn nhiều.

So với những nước láng giềng (chậm và đang phát triển) tỉ lệ dân số được chính ngừa ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Nguồn Our World in Data.

Khi đại dịch bắt đầu, hầu hết các cuộc tranh luận quốc tế đều tập trung vào việc hệ thống quản trị nào hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn virus:  chế độ chuyên quyền hay chế độ dân chủ. Mặc dù có vấn đề trong cuộc tranh luận này, đại dịch năm 2020 đã chứng tỏ hiệu quả của các chính phủ tập trung hơn, có quyền lực (đối với dân chúng) hơn cũng như được người dân tin tưởng. Tuy nhiên, ngoài khả năng “làm phẳng đường cong” bằng những biện pháp phong tỏa, giới nghiêm, cách ly, theo dõi, là khả năng của các chính phủ trong việc chủng ngừa cho công dân của họ. Đại dịch năm 2021 cho thấy sự phân chia thực sự là giữa những nước “giàu” và “không giàu”. Trong khi các nước phát triển dẫn đầu trong việc tiêm chủng, và một số ngay cả đã chuyển sang việc “tiêm thêm”, nhiều nước ở thế giới đang phát triển vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu thuốc chủng ngừa.

Thuốc chủng ngừa cũng đã trở thành một yếu tố cạnh tranh quyền lực lớn, vì vậy các khoản hiến tặng, quyên góp đã trở thành một nguồn quan trọng. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thu nhập thấp hơn nhận được ít hỗ trợ từ bên ngoài hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Indonesia, Philippines và thậm chí là Campuchia có dân số nhỏ hơn nhiều đã nhận được nhiều thuốc chủng ngừa do Trung Hoa viện trợ trước đó.

[Trà Mi | Campuchia và Lào là những nước nhận được nhiều thuốc chủng ngừa của Trung Hoa nhất trong khu vực và trên thế giới:  2,2 triệu liều (Campuchia) và 1,9 triệu liều (Lào) vì tầm quan trọng chiến lược của họ đối với Hoa lục. Quan hệ Trung Hoa-Campuchia khiến số thuốc chủng ngừa viện trợ đã  hơn gấp đôi con số mà giới truyền thông đưa tin hồi tháng Hai. Philippines và Thái Lan mỗi nước nhận được một triệu liều thuốc chủng ngừa do Trung Hoa viện trợ, như là phần thưởng vì giao dịch thương mại lớn hơn nhiều của họ với Hoa lục.]

TM: Thuốc chủng ngừa do Trung Hoa viện trợ cho những quốc gia Đông Nam Á. Nguồn: Khairulanwar Zaini, 2021/86 “China’s Vaccine Diplomacy in Southeast Asia – A Mixed Record”, The Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS)

Trong suốt đại dịch, Việt Nam không được Trung Hoa viện trợ vật dụng y tế, mặt bạ và y phục bảo vệ cá nhân như các nước láng giềng. Giới ngoại giao Trung Hoa thường xuyên đến Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia nhưng xa lánh Việt Nam. Việt Nam đã ban đầu đã ngăn chận được virus, nhưng căng thẳng trên Biển Đông có thể đóng một vai trò nào đó.

Đến nay, Việt Nam đã nhận được 1,5 triệu liều thuốc chủng ngừa Sinopharm (500.000 liều được viện trợ vào tháng 6 và 1 triệu liều mua hồi tháng 7), nhưng theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, thuốc chủng ngừa viện trợ sẽ được dùng cho công dân Trung Hoa tại Việt Nam, những người từ Việt Nam có kế hoạch làm việc hoặc học tập tại Trung Quốc và những người sống gần biên giới với Trung Quốc. Người Việt Nam cũng có mức độ e ngại đối với các sản phẩm của Trung Hoa và một số người đã cho thấy rằng sự thiếu tin tưởng là một yếu tố của việc không muốn dung thuốc chủng ngừa do Trung Hoa sản xuất. Đúng là Hà Nội đang cảnh giác với những tác động địa chính trị của việc phụ thuộc quá nhiều vào thuốc chủng ngừa của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, sự hào phóng của Bắc Kinh đối với Việt Nam cũng rất mỏng manh.

Công tác tiêm thuốc chủng ngừa rất chậm trễ và chỉ thực sự bắt đầu vào tháng Bảy. Tính đến giữa tháng 8, chỉ có 1% dân số được tiêm chủng đầy đủ hai liều và 7,7% với ít nhất một liều. Chiến lược tiêm chủng quốc gia mới được Việt Nam công bố định ​​sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho 70% dân số vào giữa năm 2022.

Việt Nam đã thành lập Quỹ Việt Nam về Tiêm chủng và Phòng ngừa Bệnh do Coronavirus, một quỹ công trị giá 1,1 tỷ USD để mua 120 triệu liều thuốc chủng ngừa vào cuối năm nay. Chính phủ cũng đã bắt đầu yêu cầu công chúng đóng góp để hỗ trợ quỹ. Đến đầu tháng 6, quỹ này đã nhận được 180 triệu đô la từ hơn 230.000 tổ chức và cá nhân, kể cả Samsung và Toyota.

Biến thể Delta rất dễ lây lan thách thức khả năng ứng phó hiệu quả trước đây của Việt Nam đối với đại dịch. Việc tiêm thuốc chủng ngừa chậm trễ và sự lây lan tràn lan các ổ dịch mới đặc biệt đã làm phức tạp các kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của Việt Nam. Mặc dù hoạt động kinh tế đầu năm 2021 của Việt Nam rất mạnh (với tăng trưởng GDP 6,6% trong quý thứ hai), nhưng dự báo sau tháng 6 sẽ kém hơn, vì các nhà máy ở các khu vực kỹ nghệ quan trọng của đất nước giảm công suất do dịch bệnh bùng phát. Hoạt động kinh tế và các dự báo có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu tình trạng ngừng hoạt động tiếp tục. Phản ứng yếu hơn đối với Delta ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Việt Nam và lòng tin trong nước đối với chế độ, đồng thời tạo ra khởi đầu khó khăn cho ban lãnh đạo mới của chính phủ.

Tính đến giữa tháng 8, tổng cộng 17,9 triệu liều thuốc chủng ngừa đã đến Việt Nam. Con số này kể cả hơn 11 triệu liều AstraZeneca do Nhật Bản, Úc và Anh viện trợ và được chính phủ mua, 5 triệu liều Moderna do Hoa Kỳ viện trợ và 1,5 triệu liều Sinopharm do Trung Quốc. Một triển vọng lạc quan cho thấy Việt Nam có thể xoay chuyển tình trạng thiếu thuốc chủng ngừa bằng cách trở thành nhà sản xuất thuốc chủng ngừa. Vào tháng 7, Việt Nam đã sản xuất thử thành công lô thuốc chủng ngừa Sputnik V của Nga. Việt  Nam cũng đang đàm phán với Hoa Kỳ để chuyển giao kỹ thuật và tìm cách trở thành một trung tâm kỹ nghệ thuốc chủng ngừa dựa trên mRNA.

Việt Nam đã trở thành một ví dụ điển hình cho thấy, bất kể chiến lược ứng phó COVID-19 của họ đã thành công như thế nào trước đây, nước nào cũng vẫn dễ bị dịch gây thiệt hại. Khi các biến thể mới vẫn tiếp tục, chiến lược đối phó với COVID-19 cần được liên tục xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Tăng vận tốc tiêm chủng là cấp thiết để đảm bảo an ninh con người, phục hồi kinh tế và lòng tin chính trị.

Tác giả | Huong Le Thu Nghiên cứu viên cao cấp – Viện Chính sách Chiến lược Úc và Nghiên cứu viên không cư trú, Chương trình Đông Nam Á – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:  ORDER FROM CHAOS | Huong Le Thu |  The Brookings Institution  | 11 Aug 2021. DCVOnline minh họa.