Chế độ chuyên quyền lớn nhất thế giới

Adrienne LaFrance | Trà Mi

Facebook đang hành động như một thế lực thù địch của nước ngoài; đã đến lúc chúng ta đối xử với nó theo cách đó.

Facebookland, Chế độ chuyên quyền lớn nhất thế giới. Danielle Del Plato

Năm 1947, Albert Einstein, viết trên tạp chí này, đề nghị thành lập một chính phủ duy nhất trên thế giới để bảo vệ nhân loại khỏi mối đe dọa của bom nguyên tử. Rõ ràng là ý nghĩ không tưởng của ông đã không thành hiện thực, nhưng ngày nay, một tầm nhìn xa khác đang xây dựng hình bóng của một chế độ vũ trụ.

Mark Zuckerberg, không giống như Einstein, không tạo ra Facebook vì nghĩa vụ đạo đức, hay sự nhiệt thành vì hòa bình thế giới. Vào mùa hè năm nay, dân số của chế độ siêu quốc gia của Zuckerberg lên đến 2,9 tỷ người dùng hàng tháng, nhiều hơn số người sống ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới – Trung Hoa và Ấn Độ – cộng lại.

Đối với Zuckerberg, người sáng lập và CEO của Facebook, họ là công dân của Facebookland. Từ lâu, ông ấy đã bắt đầu gọi họ là “mọi người” thay vì “người dùng”, nhưng họ vẫn ăn khớp nhau trong một ma trận xã hội rộng lớn, một đống dữ liệu để thỏa mãn giới quảng cáo đã rót 54 tỷ đô la vào Facebook chỉ trong nửa đầu năm 2021 — tổng số doanh thu đó vượt qua tổng sản phẩm quốc nội của hầu hết các quốc gia trên trái đất.

GDP là một sự so sánh đáng kể, không chỉ vì nó thể hiện sức mạnh phi thường của Facebook, mà vì nó giúp chúng ta thấy Facebook thực sự là như thế nào. Facebook không chỉ đơn thuần là một trang web, một mạng xã hội, hoặc một nhà xuất bản, hoặc một diễn đàn, hoặc một thư mục trực tuyến, một công ty hoặc một tiện ích. Nó là tất cả những thứ đó. Nhưng Facebook cũng thực sự là một thế lực thù địch của nước ngoài.

Điều này rõ ràng là có thể thấy trong sự tập trung nhất điểm của nó vào sự phát triển của chính nó; quyền miễn tố của nó đối với bất kỳ nghĩa vụ công dân nào; hồ sơ của nó về việc tạo điều kiện cho việc phá hoại các cuộc bầu cử; ác cảm của nó đối với tự do báo chí; sự nhẫn tâm và kiêu ngạo của những người cai quản nó; và độ thờ ơ của nó đối với sự trường tồn của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Một số nhà phê bình lớn tiếng nhất của Facebook cổ động cho luật chống độc quyền, hủy bỏ các  vụ mua lại của nó, bất cứ điều gì có thể làm chậm sức mạnh ngày càng lớn của nó. Nhưng nếu nghĩ về Facebook như một quốc gia – một thực thể tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác – bạn đọc sẽ thấy rằng chúng ta cần có một chiến lược phòng thủ dân sự giống như quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

Hillary Clinton đã nói với tôi vào năm ngoái rằng bà ấy luôn nhận ra sự độc đoán của Zuckerberg. Hillary nói,

“Tôi cảm thấy đôi khi như đang đàm phán với một thế lực nước ngoài. Ông ấy mạnh vô cùng.”

Hillary Clinton

Một trong những câu thần chú ban đầu của ông ấy trên Facebook, theo Sheera Frenkel và Cecilia Kang trong cuốn sách của họ, An Ugly Truth: Inside Facebook’s Battle for Domination (Sự thật xấu xí: Bên trong cuộc chiến giành quyền thống trị của Facebook), là “công ty trên đất nước”. Khi công ty đó có tất cả sức mạnh của một quốc gia, thì câu thần chú đó mang một ý nghĩa đen tối hơn.

Các thành phần cơ bản của quốc gia như sau: Bạn cần đất đai, tiền tệ, triết lý quản trị và con người.

Khi là một người theo chủ nghĩa đế quốc trong metaverse (nguyên vũ trụ), người ta không cần phải lo lắng quá nhiều về diện tích thực – mặc dù Zuckerberg là chủ 1.300 mẫu đất ở Kauai, một trong những hòn đảo Hawaii ít người ở. Đối với những mục còn lại trong danh sách, Facebook đã có tất cả.

Facebook đang phát triển tiền của riêng mình, một hệ thống thanh toán dựa trên blockchain được gọi là Diem (trước đây là Libra) mà giới quản lý tài chính và ngân hàng lo ngại có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và phá hủy đồng đô la.

Cần có một chiến lược phòng thủ dân sự giống như quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đối với Facebook.

Và trong nhiều năm, Zuckerberg đã nói về các nguyên lý quản trị cho đế chế mà ông ấy xây dựng: “Kết nối là một quyền của con người”; “Bầu cử là tiếng nói”; “Quảng cáo chính trị là một phần quan trọng của tiếng nói”; “Vòng cung vĩ đại của lịch sử nhân loại uốn cong theo hướng mọi người đến với nhau với số lượng lớn hơn bao giờ hết.” Ông ấy đã mở rộng những khái niệm đó ra bên ngoài theo một kiểu chủ nghĩa thực dân mới – với việc Facebook thôn tính một cách hiệu quả những vùng lãnh thổ mà số lượng lớn người chưa trực tuyến.

Chương trình Free Basics gây tranh cãi của nó, cung cấp cho mọi người quyền truy cập Internet miễn phí miễn là Facebook là cổng thông tin của họ vào web, được coi là một cách để giúp kết nối mọi người. Nhưng mục đích thực sự của nó là biến Facebook trở thành Internet thực tế ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Tất nhiên, thứ mà Facebook có nhiều nhất là con người – một quần thể khổng lồ gồm những cá nhân chọn sống dưới sự cai trị của Zuckerberg. Trong các bài viết của mình về chủ nghĩa dân tộc, nhà khoa học chính trị và sử gia Benedict Anderson đã gợi ý rằng các quốc gia được xác định không phải bằng biên giới của họ mà bằng trí tưởng tượng. Quốc gia cuối cùng chỉ là tưởng tượng bởi vì những công dân của nó “sẽ không bao giờ biết hầu hết những công dân khác của họ, gặp họ, hoặc thậm chí nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí của mỗi người  hình ảnh của sự hiệp thông của họ đang sống.” Do đó, các cộng đồng phân biệt được hầu hết “do phong cách mà họ được tưởng tượng ra.”

Zuckerberg luôn cố gắng khiến người dùng Facebook tưởng tượng mình là một phần của nền dân chủ. Đó là lý do tại sao ông ấy nghiêng về ngôn ngữ quản trị hơn là chữ dùng trong doanh nghiệp. Vào tháng 2 năm 2009, Facebook đã sửa đổi các điều khoản dịch vụ để người dùng không thể xóa dữ liệu của họ ngay cả khi họ đã thoát khỏi trang web. Cơn thịnh nộ trước tình trạng giám sát của Facebook diễn ra nhanh chóng và rầm rộ, và Zuckerberg đã miễn cưỡng rút lại quyết định, nói rằng tất cả chỉ là một sự hiểu lầm. Đồng thời, ông ấy đã giới thiệu trong một bài đăng trên blog khái niệm về Tuyên ngôn Quyền và Trách nhiệm của Facebook, mời mọi người chia sẻ ý kiến của họ — nhưng chỉ khi họ có trương mục Facebook. Ông viết,

 “Hơn 175 triệu người sử dụng Facebook. Nếu là một quốc gia, nó sẽ là quốc gia đông dân thứ sáu trên thế giới. Các điều khoản của chúng tôi không chỉ là một tài liệu bảo vệ các quyền của chúng ta; đó là tài liệu quản lý về cách mọi người trên thế giới sử dụng dịch vụ.”

Mark Zuckerberg

Kể từ đó, dân số của Facebook đã tăng lên gấp 17 lần. Trên đường đi, Zuckerberg đã nhiều lần tự nhận mình là người đứng đầu quốc gia của Facebook. Nỗi ám ảnh của ông ta về sự thống trị thế giới dường như do định mệnh khi nhìn lại – mối quan tâm lâu dài của ông ta đối với đế chế La Mã nói chung và cụ thể là Augustus Caesar, phiên bản kỹ thuật số của Risk mà ông ta viết mã khi còn là một thiếu niên, mối quan tâm thường xuyên của ông đối với tâm lý con người và sự lây lan cảm xúc.

Vào năm 2017, trong một tuyên ngôn quanh co về “cộng đồng toàn cầu” của mình, Zuckerberg đã diễn đạt theo cách này:

“Nhìn chung, điều quan trọng là việc quản trị cộng đồng của chúng ta phải dựa trên mức độ phức tạp và nhu cầu của người dân. Chúng tôi cam kết luôn làm tốt hơn nữa, ngay cả khi điều đó liên quan đến việc xây dựng hệ thống bỏ phiếu trên toàn thế giới để mang lại cho bạn nhiều tiếng nói và quyền kiểm soát hơn.”

Mark Zuckerberg

 Tất nhiên, như trong bất kỳ doanh nghiệp nào, số phiếu bầu duy nhất quan trọng đối với Facebook là phiếu bầu của các cổ đông. Tuy nhiên, Facebook cảm thấy cần phải che đậy hành động trục lợi của mình bằng những lời ngụy biện sai lầm về các giá trị dân chủ mà nó đe dọa.

Giả vờ thuê cơ sở bên ngoài lấy những quyết định gây nhiều hậu quả nhất của ông ta trước những giả mạo trống rỗng của những cơ chế dân chủ đã trở thành một phương tiện hữu ích để cho Zuckerberg tránh trách nhiệm giải trình. Ông ta kiểm soát khoảng 58% cổ phần có quyền biểu quyết tại công ty, nhưng vào năm 2018, Facebook đã thông báo về việc thành lập một loại chi nhánh tư pháp được biết đến, theo phong cách Orwellian, với tên gọi Ban Giám sát. Hội đồng quản trị đưa ra các quyết định khó khăn về các vấn đề hóc búa liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung. Vào tháng 5, nó đã đưa ra quyết định giữ nguyên việc Facebook cấm chỉ Donald Trump. Facebook nói rằng các thành viên của hội đồng quản trị là độc lập, nhưng họ là người Facebook thuê và trả tiền.

Hiện nay, theo The New York Times, Facebook đang xem xét việc thành lập một loại cơ quan lập pháp, một ủy ban có thể đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan đến bầu cử — thiên vị chính trị, quảng cáo chính trị, sự can thiệp của nước ngoài. Điều này sẽ càng làm chệch hướng sự giám sát nhằm vào ban lãnh đạo Facebook.

Tất cả những sự sắp xếp này đều mang cảm giác của một hệ thống công lý Potemkin, một hệ thống công lý cho thấy Facebook thực sự là như thế nào: một quốc gia nước ngoài, dân chúng là những người không có chủ quyền, do một nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối cai trị.

Những người bảo vệ Facebook thích lập luận rằng thật ngây thơ khi cho rằng sức mạnh của Facebook là có hại. Mạng xã hội đã ở đây, họ khẳng định, và chúng sẽ không bỏ đi đâu hết. Đối phó với nó. Họ đúng khi cho rằng không ai muốn quay trở lại hệ sinh thái thông tin của những năm 1980, 1940 hoặc 1880. Dân chủ hóa ngôn luận và đăng tải là một điều kỳ diệu; Tôi vẫn tin rằng cuộc cách mạng ba mặt của internet, điện thoại thông minh, và mạng xã hội là một lợi ích ròng cho xã hội. Nhưng điều đó chỉ đúng nếu chúng ta nhấn mạnh vào các diễn đàn vì lợi ích tốt nhất của công chúng. Facebook không như vậy.

Facebook là một công cụ phổ biến dối trá về sự sụp đổ của nền văn minh. Nó tạo môi trường cho phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, làm giảm sự tương tác của con người với việc bấm vào các nút. Thuật toán hướng dẫn người dùng một cách chắc chắn về những điểm ít sắc thái hơn, khắc nghiệt hơn, bởi vì đó là thứ gây ra phản ứng hiệu quả nhất. Người dùng được ngầm tập cho thói quen đi tìm phản ứng với những gì mình đăng, như thể chu kỳ đăng bài, nhấp nút phản ứng, xúc cảm sẽ không bao giờ ngưng. Các giám đốc điều hành của Facebook đã dung túng cho việc quảng cáo trên diễn đàn của họ là tuyên truyền, tuyển mộ khủng bố và diệt chủng. Họ chỉ ra những đức tính dân chủ như tự do ngôn luận để tự bảo vệ mình, đồng thời phá bỏ nền dân chủ.

Tự do hủy hoại bản thân là một chuyện. Tự do phá hủy xã hội dân chủ là hoàn toàn khác.

Những hành động đạo đức giả này giờ đây đã trở thành danh tiếng của Zuckerberg về sự tàn nhẫn. Facebook đã tiến hành các thí nghiệm tâm lý đối với người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ. Nó đã xây dựng một hệ thống cấp độ bí mật để miễn cho những người dùng nổi tiếng nhất của Facebook khỏi bị giới hạn do số quy tắc kiểm duyệt nội dung nhất định và ngăn chặn nghiên cứu nội bộ về ảnh hưởng ác ôn của Instagram đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Facebook đã theo dõi những cá nhân trên web, ngầm lập hồ sơ của những người chưa bao giờ có trương mục ở Facebook để nó có thể theo dõi những người than quen của họ. Nó thề chống lại tin vịt và thông tin sai lệch, đồng thời đánh lừa giới nghiên cứu đang nghiên cứu những hiện tượng này và làm loãng việc có thể nhận tin tức có phẩm chất trên diễn đàn của họ.

Ngay cả những người trung thành với Facebook cũng thừa nhận rằng đó là nơi dành nhiều rác thải, đầy cường điệu, đầy xuyên tạc — nhưng cho rằng mọi người nên tự do đong đo lấy lượng chất độc đó. Giám đốc điều hành lâu năm của Facebook, Andrew “Boz” Bosworth đã viết trong một bản ghi nhớ năm 2019,

“Mặc dù Facebook có thể không chứa nicotine, nhưng tôi nghĩ nó có thể giống như đường vậy. Giống như tất cả mọi thứ, nó có lợi nếu biết điều độ… Nếu tôi muốn ăn đường và chết sớm thì đó là một chọn lựa hợp lệ.”

Andrew “Boz” Bosworth

Điều Bosworth không thể nói là Facebook không chỉ có khả năng đầu độc cá nhân; nó đang đầu độc thế giới. Khi có 2,9 tỷ người tham gia, điều cần thiết là điều độ về quy mô, chứ không phải điều độ về của mỗi cá nhân. Tự do hủy hoại bản thân là một chuyện. Tự do phá hủy xã hội dân chủ là hoàn toàn khác.

Facebook đã bán và quảng cáo với công chúng bằng cách hứa hẹn trở thành một lối thoát cho tự do ngôn luận, cho sự kết nối và cho cộng đồng. Trên thực tế, nó là một vũ khí chống lại web mở, chống lại sự tự hiện thực hóa và chống lại nền dân chủ. Tất cả những điều này để Facebook có thể treo dữ liệu của bạn trước các công ty quảng cáo.

Ở mức độ này hay cách khác, đây là điểm chung của Facebook với công ty con Instagram và các đối thủ Google, YouTube (mà Google là chủ) và Amazon. Tất cả đều coi sự tồn tại của họ, bằng cách nào đó, là cao quý — mục đích khác nhau của họ là giúp mọi người chia sẻ cuộc sống, cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi khó nhất và cung cấp những gì bạn cần khi cần. Nhưng trong số những công ty khổng lồ, Facebook là công ty phô trương nhất trong việc thoái thác đạo đức của mình.

Facebook cần người dùng của mình tiếp tục tin rằng sự thống trị của nó là đương nhiên, bỏ qua những gì nó đang làm với nhân loại và sử dụng các dịch vụ của nó. Bất cứ ai tìm cách bảo vệ quyền tự do cá nhân và quản trị dân chủ đều phải bận tâm bởi sự chấp nhận hiện trạng này.

Các cơ quan quản lý đã để mắt đến Facebook vì lý do chính đáng, nhưng mối đe dọa mà công ty này gây ra cho người Mỹ còn hơn nhiều so với sự độc quyền của họ đối với kỹ thuật mới nổi. Sự trỗi dậy của Facebook là một phần của phong trào chuyên quyền lớn hơn, phong trào đang xói mòn nền dân chủ trên toàn thế giới khi các nhân vật lãnh đạo độc tài thiết lập một giai điệu mới cho quản trị toàn cầu. Hãy xem xét cách Facebook thể hiện mình như một đối trọng với một siêu cường như Trung Hoa. Các giám đốc điều hành của công ty đã cảnh cáo rằng những nỗ lực can thiệp vào sự tăng trưởng không theo khuôn khổ của Facebook — ví dụ như thông qua việc điều chỉnh tiền tệ mà nó đang phát triển – sẽ là một món quà cho Trung Hoa, quốc gia muốn tiền điện tử của mình chiếm ưu thế. Nói cách khác, Facebook đang cạnh tranh với Trung Hoa theo cách mà một quốc gia cạnh tranh với một nước khác.

Có lẽ người Mỹ đã trở nên hoài nghi đến mức họ đã từ bỏ việc bảo vệ quyền tự do của mình khỏi bị giám sát, thao túng và bóc lột. Nhưng nếu Nga hoặc Trung Hoa làm những hành động tương tự để phá hoại nền dân chủ, người Mỹ chắc chắn sẽ cảm thấy khác. Việc coi Facebook là một thế lực thù địch của nước ngoài có thể buộc mọi người phải thừa nhận những gì họ đang tham gia và những gì họ từ bỏ khi họ đi vào trang Facebook. Cuối cùng, nó không thực sự quan trọng Facebook là gì; điều quan trọng là Facebook đang làm gì.

Chúng ta có thể làm gì để đối lại? Các công ty “có trách nhiệm với xã hội” có thể tẩy chay Facebook, bỏ đói Facebook vì doanh thu quảng cáo giống như cách mà các biện pháp trừng phạt thương mại tước bỏ quyền ngoại hối đối với những nước chuyên quyền. Tuy nhiên, trong quá khứ, các cuộc tẩy chay của các tập đoàn lớn như Coca-Cola và CVS hầu như không tạo ra một chút gợn sóng. Có thể các nhân viên của Facebook có thể vận động hành lang để cải tổ, nhưng không thể nhỏ hơn những cuộc đình công  hàng loạt, kiểu bãi thị khiến việc Facebookcó thể  tiếp tục hoạt động trở nên bất khả thi, sẽ có nhiều tác dụng. Và điều đó sẽ đòi hỏi lòng can đảm phi thường và hành động tập thể.

Người dùng Facebook là nhóm có khả năng đòi hỏi sự thay đổi nhiều nhất. Facebook sẽ chẳng là gì nếu không có sự chú ý của họ. Công dân Mỹ và những người thuộc các nền dân chủ khác, có thể tránh xa Facebook và Instagram, không chỉ đơn thuần là một lựa chọn về lối sống, mà còn là một vấn đề nghĩa vụ công dân.

Liệu có đủ người đến cùng nhau để hạ bệ đế chế này hay không? Chắc là không. Ngay cả khi Facebook mất đi 1 tỷ người dùng, nó sẽ còn lại 2 tỷ nữa. Nhưng chúng ta cần nhận ra mối nguy hiểm mà chúng ta đang đối diện. Chúng ta cần phải rũ bỏ quan điểm cho rằng Facebook là một công ty bình thường, hoặc quyền bá chủ của nó là không thể tránh khỏi.

Có lẽ một ngày nào đó thế giới sẽ tụ họp lại thành một, trong hòa bình, như Einstein mơ ước, không thể để bị phân chia vì những thế lực đã phát động chiến tranh và làm sụp đổ các nền văn minh kể từ thời cổ đại. Nhưng nếu điều đó xảy ra, nếu chúng ta có thể tự cứu mình thì chắc chắn sẽ không phải nhờ Facebook. Chúng ta phải bất chấp nó.

Tác giả: ADRIENNE LAFRANCE là biên tập viên điều hành của The Atlantic. Trước đây bà là biên tập viên và nhân viên cao cấp của The Atlantic, và biên tập viên của TheAtlantic.com. Trước khi gia nhập The Atlantic vào năm 2014, LaFrance là phóng viên điều tra của một số cơ sở truyền thông địa phương và quốc gia, viết về chính trị, kỹ thuật và truyền thông. LaFrance là cựu phóng viên của Digital First Media, Nieman Journalism Lab, WBUR, Hawaii Public Radio, Honolulu Weekly và Honolulu Civil Beat. Bài viết của LaFrance cũng đã đăng trên The New York Times, The Washington Post, và một số tờ báo và tạp chí khác.

Bài này đăng trong ấn bản tháng 11 năm 2021 của tạp chí The Atlantic với tựa đề “Facebookland.”

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Largest Autocracy on Earth | Adrienne LaFrance | The Atlantic | Sep 27, 2021.