‘Không còn gì ngoài nỗi sợ’: Nhân viên nhà máy ở Việt Nam ngại quay lại làm việc giữa dịch Covid-19

DCVOnline | Tin Bloomberg

HÀ NỘI (BLOOMBERG) — Liệu những chiếc quần tập yoga và giày Air Jordans có xuất hiện dưới cây thông Noel ở Hoa Kỳ và Châu Âu còn tùy vào những công nhân dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam như bà Lê Thị Mỹ.

Những công ty thiếu nhân viên đang yêu cầu công nhân trở lại làm việc trong thời điểm phải sản xuất nhiều quần áo mùa đông và quà tặng mùa Giáng sinh. Ảnh AFP

Bà Mỹ là một trong những công nhân di cư của những nhân viên nhà máy đã trở về quê của họ từ vành đai kỹ nghệ ở miền Nam Việt Nam, tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus tồi tệ nhất nước.

Hàng triệu người khác đang sẵn sàng bỏ thành phố về quê, vì những hạn chế về di chuyển kéo dài hàng tháng khiến người lao động phải sống trong những ngôi nhà chật chội đến gần đây mới được nới lỏng. Bà Mỹ, hiện đang trở về nhà ở tỉnh Tây Ninh dọc biên giới Campuchia sau khi rời thành phố Hồ Chí Minh, nói,

“Chúng tôi gần như không còn gì ngoài nỗi sợ hãi. Chúng tôi đã thấy tận mắt ​​nhiều người chết vì Covid-19 trong khu phố của chúng tôi.”

Cuộc bỏ chạy khỏi trung tâm kỹ nghệ ở miền Nam Việt Nam – theo ước tính của chính phủ có đến hơn hai triệu việc làm có thể bị bỏ trống — theo sau một đợt phong tỏa ngày càng nghiêm ngặt bắt đầu vào tháng 7 để chống lại biến thể Delta.

Những nhà máy hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa, xóa sổ hàng tháng sản xuất của những công ty như Nike và làm trầm trọng thêm những vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rối ren.

Giờ đây, những công ty thiếu nhân viên đang yêu cầu những công nhân như bà Mỹ quay trở lại với công việc cào lúc cần sản xuất thật nhiều quần áo mùa đông và quà tặng mùa Giáng sinh. Chính phủ đang cung cấp dịch vụ vận chuyển trở lại và những công ty đang tăng lương và phúc lợi, nhưng không có nhiều hiệu quả.

Chuyên gia phân tích Camilo Lyon của BTIG cho biết: “Đây là chặng đường chưa ai đi qua”; Lyon ước tính rằng chỉ riêng sản lượng của Nike đã giảm 180 triệu đôi giày. “Không ai hiểu được tốc độ trở lại sản xuất sẽ nhanh hay chậm.”

Tuy nhỏ nhưng Việt Nam đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, cung cấp mọi thứ, từ đồ nội thất Walmart, giày thể thao Adidas đến điện thoại thông minh Samsung.

Theo Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ,  sau Trung Hoa, nước này là nơi cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai cho Mỹ. Tầm quan trọng của nó tăng lên trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Hoa khi ngành sản xuất chuyển sang đó để tránh thuế nhập cảng.

Tại thời điểm này, thương hiệu như Nike không thể làm gì hơn, gần đây đã cắt giảm dự báo bán hàng phần lớn do thiếu hàng từ Việt Nam. Những nhà máy ở những nước khác đang quá tải không thỏa mãn được đơn đặt hàng, và sẽ mất hàng tháng để huấn luyện công nhân và di chuyển máy móc.

Theo Lyon, việc sản xuất bị bỏ lỡ sẽ đặc biệt hiện rõ tại những nhà bán lẻ vào tháng 12 và kéo dài sang quý đầu tiên; Ông cũng dự đoán rằng mứ sản xuất của Việt Nam sẽ không bình thường cho đến giữa năm 2022.

Ông nói, ảnh hưởng đầy đủ của biến động này đã chưa được tính vào giá cổ phiếu của những công ty may mặc và giày dép có quan hệ lớn với Việt Nam.Lyon nói: “Những thách thức vẫn chưa kết thúc.”

Việc nhà máy ngừng hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến những công ty kỹ thuật như Apple, có thể khiến việc phân phối iPhone 13 bị gián đoạn do việc đóng cửa của những nhà cung cấp đồ phụ tùng. Một đơn vị sản xuất đồ điện gia dụng của Samsung tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ đạt được chỉ tiêu xuất cảng nếu có thể nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

Việt Nam đã ngăn chặn Covid-19 vào năm ngoái, tạo cho người dân một cảm giác sai lầm rằng nước này đã tránh được đại dịch. Nhưng biến thể Delta đã tấn công mạnh vào mùa xuân, đem lại những thực tế khắc nghiệt của loại virus mà hầu hết thế giới đã trải qua một năm trước đó.

Số người nhiễm bệnh và chết tăng đột biến, trong đó có hơn 15.000 người ở Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa hè.

Điều đó đã khiến nhà chức trách phải áp đặt những hạn chế nghiêm trọng, chẳng hạn như cấm mua sắm thực phẩm và giới nghiêm.

Những nhà máy được chỉ thị phải áp dụng chính sách “3 tại chỗ” — về cơ bản buộc những nhân viên muốn làm việc phải sống trong lều, ăn trong xưởng — hoặc tạm thời đóng cửa. Điều này khiến nhiều công nhân vẫn không có tiền lương trong nhiều tháng, tiết kiệm cạn kiệt và phụ thuộc vào những gói thực phẩm của chính phủ do binh lính chuyển đến.

Ông Vũ Tự Thành, Trưởng đại diện Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ — ASEAN, cho biết kinh nghiệm này đã khiến nhiều công nhân di cư cư bị chấn thương. Thay vì tự cô lập trong nhà trọ ở xưởng, hoặc ở nha mà không được phiếu lương, nhiều công nhân đã trở về về quê của họ.

Việc dỡ bỏ một số hạn chế ở Thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận vào đầu tháng này chỉ tiếp thêm động lực cho những người chưa rời bỏ đi.

Thêm một nỗi lo nữa là Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất ở Đông Nam Á. Chỉ có khoảng 14% trong số 98 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.

Hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ đã vận động chính quyền Biden viện trợ nhiều vắc xin hơn cho Việt Nam.

Quá tuyệt vọng, chính quyền địa phương đã nhắn tin cho công nhân để thuyết phục họ quay trở lại. Họ cũng thuê xe buýt để đưa công nhân từ quê trở về thanh phố.

Bà Trần Thị Hoa, 31 tuổi, có hai con, cho đến nay vẫn bỏ ngoài tai những lời cầu xin này. Bà không có kế hoạch trở lại công việc của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức; công việc khâu quần áo của bà kiếm được khoảng 350 đô la Mỹ (474 ​​đô la Singapore) một tháng.

Bà Hoa ở Vĩnh Long, một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi bà hiện đang sống với con và chồng, một công nhân lái xe ôm đang thất nghiệp, nói,

“Tôi không thể đưa gia đình trở lại thành phố bây giờ, vì vẫn còn quá nhiều nguy nhiểm. Là người phụ nữ của gia đình, tôi phải nghĩ đến gia đình mình trước tiên.”

Với việc nới lỏng những hạn chế vào đầu tháng 10, mức sản xuất tại một số nhà máy đang tăng lên.

Theo trang tin Zing của Việt Nam, Pouyuen Việt Nam, một công ty con thuộc Tập đoàn Pou Chen của Đài Loan, nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, đã trở lại sản xuất vào thứ Tư tuần trước với không quá 30% công nhân. Hơn 40.000 công nhân vẫn chưa trở lại, và công ty này có thể không đạt được mục tiêu hoạt động hết công suất vào giữa tháng tới.

Tuy nhiên, theo trung tâm truyền thông của thành phố, có những dấu hiệu cho thấy tình hình có thể đang có tiến bộ. Những khu kỹ nghệ và khu sản xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết khoảng 57% công nhân đã trở lại vào thứ Tư tuần trước, tăng từ 24% trước khi nới lỏng những hạn chế.

Mặc dù đại dịch đang bắt đầu giảm bớt — số người mới nhiễm bệnh hàng ngày trong tháng này đã giảm xuống còn khoảng 5.000 người từ trung bình 10.800 người trong tháng 9 trung bình — quốc gia này cần tiếp tục đẩy nhanh chương trình chích ngừa. Chính phủ Việt Nam đã nói rằng họ hy vọng sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 70% người lớn vào cuối tháng Ba.

Hiện tại, ngay cả việc cung cấp những bữa ăn miễn phí tại nơi làm việc và một khoản lương bổng cũng không đủ để kéo bà Hoa trở lại làm việc. Bà nói,

“Tôi cảm thấy tiếc nếu ai đó ở Mỹ không thể mua cho chồng hoặc con bà ấy một số quần áo mới cho Giáng sinh. Nhưng tôi cũng không thể bỏ mặc gia đình ở đây.”

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: ‘Nothing left but fear’: Factory staff in Vietnam hesitate to return to work amid Covid-19 | https://www.straitstimes.com/ | Oct 11, 2021.