Bảy năm sau Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa

David Dollar | Trần Giao Thủy

Ghi chú của biên tập viên | David Dollar phác thảo ảnh hưởng mà Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa đã tạo ra trong bảy năm qua, cũng như những cơ hội và thách thức địa chính trị và kinh tế rộng lớn hơn mà nó đã đem lại cho cả Hoa Kỳ và các tác nhân trong khu vực. Bài này được Ripon Society (Volume 54, No. 4, October 2020) đăng đầu tiên.

Nguồn: Oriental Image qua Reuters Conne. Bản quyền: Han Jiajun

Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Hoa đã đề xuất Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI) trong một bài phát biểu vào năm 2013. Tại Kazakhstan, ông đã vạch ra tầm nhìn về việc khôi phục các đường thương mại trên đất liền từ Trung Hoa đến Trung Á và châu Âu — “Con đường tơ lụa” cổ đại. Tại Indonesia, ông đưa ra khái niệm “con đường tơ lụa trên biển”, căn bản là hành lang biển vốn đã thông suốt ở phía Nam từ Trung Hoa đến Trung Đông và châu Âu. Trong bảy năm thực hiện, dự án này đã gây ra khá nhiều tranh cãi, đặc biệt là ở phương Tây. Cuộc tranh cãi xẩy ra vì sự thiếu minh bạch khiến khó có được thông tin đáng tin cậy về nguồn tài chính liên quan đến tổng thể dự án, cũng như các dự án cụ thể và các điều khoản của chúng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nỗ lực hàn lâm nhằm thu thập và phân tích dữ liệu về BRI, với một loạt các phát giác phù hợp.

Mặc tên gọi, đó là một chương trình là toàn cầu, không giới hạn trong hành lang cụ thể nào. Phần chính, nó là một chương trình tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Khoảng 2/3 nguồn tài chính dành cho nguồn điện và vận tải. Tổng số tiền tài trợ là 50-100 tỷ đô la mỗi năm. Hầu hết các khoản vay bằng đô la theo điều kiện thương mại rộng rãi hơn các nước đang phát triển có thể nhận được từ giới đầu tư tư nhân, nhưng đắt hơn nhiều so với vốn từ giới tài trợ phương Tây hoặc các cơ chế ưu đãi của các ngân hàng phát triển đa phương. Một số khách hàng lớn của Trung Hoa là các quốc gia nổi tiếng như Iran hay Venezuela. Nhưng nhìn chung nguồn tài chính của Trung Hoa cho những quốc gia nhận tài trợ không liên quan đến những tiêu chuẩn dân chủ: nói cách khác, những con nợ lớn khác là các nền dân chủ như Nam Phi, Kenya, Tanzania, Indonesia hoặc Brazil.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2019 đã xem xét các dự án giao thông dọc theo những con đường bộ và đường hàng hải. Nó kết luận rằng có thể có những lợi ích lớn đối với các nước nhận tài trợ và đối với thế giới nếu chi phí vận tải có thể được giảm xuống qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong nhiều trường hợp, trở ngại về chính sách lớn hơn trở ngại về cơ sở hạ tầng — nghĩa là, thuế nhập cảng, hạn chế đầu tư, chậm trễ thuế quan, quan liêu, hành chánh rườm rà và tham nhũng thường làm tăng chi phí thương mại một cách đáng kể. Điểm rõ ràng từ nghiên cứu này là cải thiện môi trường đầu tư là một bổ túc cần thiết cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Một cách thực tế để làm điều này là qua các hiệp định thương mại sâu rộng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm một số nền kinh tế đang phát triển quan trọng như Colombia, Malaysia, Peru và Việt Nam. Mỹ, lẽ ra, có thể gắn bó chặt chẽ hơn với nhóm các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương này với hệ thống của chúng ta nhưng [Donal Trump, tổng thống thứ 45 của] Mỹ đã rút ra, đứng ngoài. Trong khi đó, Trung Hoa đã đạt được thỏa thuận tự do hóa thương mại giữa các nước ASEAN, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia và New Zealand. Đây không phải là một thỏa thuận thương mại sâu sắc, nhưng nó loại bỏ thuế nhập cảng đối với các bộ phận và linh kiện và đặt nền tảng cho chuỗi giá trị châu Á không có Mỹ.

BRI đặt ra một số vấn đề đối với Mỹ. Giới chức chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ trích chương trình này là “ngoại giao bẫy nợ”. Nỗi sợ hãi này dường như được phóng đại. Hầu hết các quốc gia vay của Trung Hoa cũng vay từ các nhà tài trợ phương Tây, các ngân hàng đa phương và các chủ nhân của trái phiếu tư nhân. Họ có nguồn tài chính đa dạng, và không có lý do gì để nghĩ rằng họ đặc biệt chú ý đến Trung Hoa. Trường hợp ngoại lệ sẽ là các quốc gia cùng khổ, và trong việc phát triển chiến lược đối phó với Venezuela hoặc Iran, điều quan trọng là phải tính đến các khoản đầu tư và lợi ích của Trung Hoa ở đó.

Mặc dù khó có thể tìm thấy bằng chứng về ngoại giao bẫy nợ, nhưng có những lo ngại thực sự về tính bền vững của nợ liên quan đến tất cả các bên cho vay. Nợ nước ngoài khác với nợ trong nước ở chỗ cuối cùng nó phải được trả qua xuất cảng và có những giới hạn rõ ràng về số nợ mà các nước nghèo có thể gánh chịu. Hơn nữa, đại dịch và suy thoái khiến nhận thức về tính bền vững có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào. Theo phân tích của IMF, trước COVID-19, hầu hết các nước đang phát triển có vẻ tốt về tính bền vững của nợ. Nhưng suy thoái kinh tế đang có ảnh hưởng tàn phá đến GDP và xuất cảng. Trong số các khách hàng chính của Trung Hoa ở châu Phi, phần lớn hiện đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ lãnh nợ cao. Trung Hoa đã cùng các nước G20 khác đưa ra lệnh cấm thanh toán nợ cho các nước nghèo trong năm 2020. Đối với 15 khách hàng lớn của Trung Hoa ở châu Phi, tỷ lệ thanh toán nợ năm 2020 của họ là khoảng 1/3 — một con số cho thấy tầm quan trọng của tài chính Trung Hoa nhưng cũng như các chủ nợ chính thức khác và khu vực tư nhân thậm chí còn quan trọng hơn. Sự tham gia của Trung Hoa trong việc cắt giảm nợ là điểm tích cực, mặc dù đó chỉ là một bước nhỏ đầu tiên  vì lãi suất sẽ tích lũy và gánh nặng nợ tăng lên. Một số quốc gia có khả năng cần tái cơ cấu hoặc xóa nợ, thường được tổ chức thông qua Câu lạc bộ Paris, mà Trung Hoa không phải là thành viên. Mỹ quan tâm đến việc lôi kéo Trung Hoa vào Câu lạc bộ Paris và hợp tác với Trung Hoa trong việc xóa nợ để  bảo đảm rằng không có một vòng khủng hoảng nợ mới nào làm tê liệt thế giới đang phát triển.

Mỹ đã đưa ra một tổ chức tài chính phát triển mới để cạnh tranh với Trung Hoa. Cung cấp cho các nước đang phát triển nhiều nguồn tài chính hơn là một chiến lược khôn ngoan, nhưng chính sáng kiến này có lẽ sẽ không thay đổi được bức tranh nhiều lắm. Các nước đang phát triển đã có nhiều nguồn tài trợ khác nhau. Họ thích dùng nguồn tài chính của Trung Hoa cho các dự án lớn về giao thông và năng lượng vì những lý do cụ thể. Nguồn vốn tư nhân quá đắt và ngắn hạn (thường tối đa là 5 năm). Các nhà tài trợ phương Tây và các ngân hàng đa phương của họ viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với những điều khoản đặc biệt hào phóng. Nhưng những nhà tài trợ truyền thống này thích tài trợ cho các dịch vụ xã hội, hành chính, thúc đẩy dân chủ — họ đã thoát ra khỏi những dự án về cơ sở hạ tầng gần như hoàn toàn. Trong những ngày đầu thành lập, 70% tài trợ của Ngân hàng Thế giới là dành cho cơ sở hạ tầng kinh tế; bây giờ, nó là khoảng 30%. Liên quan đến vấn đề đó, việc làm cơ sở hạ tầng lớn với các nhà tài trợ phương Tây rất quan liêu và tốn thời gian; về căn bản, các nước nghèo phải tuân theo các quy định của thế giới thứ nhất. Vì vậy, các quốc gia đó (chọn) phân bổ hợp lý để cho Trung Hoa làm về giao thông và điện lực, các nhà tài trợ phương Tây làm ở những lĩnh vực xã hội, và các chủ trái phiếu tư nhân để cung cấp tài chính ngân sách chung, ngắn hạn.

Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa. Nguồn: Asia Briefing Ltd.

Tóm lại, một phản ứng hiệu quả hơn đối với BRI từ phía Hoa Kỳ sẽ: nắm lấy các hiệp định thương mại sâu rộng mới có thể cải thiện môi trường đầu tư ở các nước đang phát triển và gắn kết những nước đó chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ; dẫn đầu một cuộc cải cách các ngân hàng đa phương và tổ chức tài chính mới của nó sẽ hợp lý hóa dải băng đỏ (quan liêu hành chánh) xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng và cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn; hạ thấp luận điệu chống Trung Hoa; và khuyến khích Trung Hoa minh bạch hơn và đưa ra các điều khoản hào phóng hơn cũng như tham gia vào việc xóa nợ khi cần thiết.

Tác giả | David Dollar là chuyên viên nghiên cứu cao cấp — Chính sách đối ngoại, Kinh tế toàn cầu và Phát triển, Trung tâm Trung Hoa John L. Thornton

© 2021 DCVOnline 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: Seven years into China’s Belt and Road |  David Dollar | The Brookings Institution | Oct. 1, 2020.