Tại sao những người bảo thủ dễ bị chủ nghĩa cực đoan thu hút đến vậy?

ANDREW COYNE | DCVOnline

Đoàn xe rối rắm đang ngăn chặn giao thông trên đường phố của Ottawa dường như đã thất bại trong hầu hết các mục tiêu mong đợi. Chính phủ Canada không bị thay thế bằng một ủy ban gồm ban tổ chức biểu tình, Toàn quyền và Thượng viện. Những quy định về chủng ngừa và các biện pháp y tế công cộng khác vẫn được áp dụng trên hầu hết các tỉnh bang.

Biểu ngữ trước Quốc hội Canadada. Nguồn: Twitter.com

Dư luận, không tập hợp về phía họ, ngày càng trở nên chán ghét hơn. Bốn mươi bốn phần trăm người Canada nói rằng cuộc biểu tình đã khiến họ ủng hộ việc duy trì những hạn chế về sức khỏe cộng đồng hơn so với trước đây. Gần 3/4 muốn cuộc biểu tình kết thúc bằng vũ lực nếu cần. Hai trong ba người ủng hộ việc sử dụng Đạo luật Tình trạng Khẩn trương.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cuộc biểu tình đã thành công rực rỡ: Nó đã thống nhất được cánh hữu. Trong khi những người Bảo thủ từ lâu đã ve vãn chủ nghĩa dân túy, thì cho đến nay họ đã cố gắng tránh xa các hình thức cực đoan hơn của nó, nếu chỉ để thoát khỏi mối liên hệ với thảm họa Trump ngày càng lún sâu ở Hoa Kỳ. Sự ra đi của Maxime Bernier để thành lập Đảng Nhân dân Canada hứa hẹn sẽ thu hút càng có nhiều phần tử độc hại từ đảng Bảo thủ, được kiềm chế tbằng chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng của chính ông ta trong đảng Nhân dân Canada.

Không còn thế nữa. Trong sức nóng của cuộc khủng hoảng, quan điểm bảo thủ đã cực đoan hóa. Trong khi công chúng nói chung đã chán chường với những người biểu tình, khối người Bảo thủ và những người ủng hộ tuyên truyền của họ rõ ràng đang bị nhóm biểu tình bị thu hút. Những con đê ngăn sóng trước đây đã từng ngăn cách giữa cực hữu, trung hữu và chính thống — những con đê ngăn sóng mà cựu lãnh đạo Erin O’Toole đã phải cố gắng gìn giữ — đều đã đổ, vỡ.

Những người bảo thủ từng được coi là một phần của khuynh hướng chính thống đang đi xuống, theo vòng xoáy, giống như ông Bernier và những người khác trước đó. Trong ba tuần, thủ đô của Canada đang bị bắt làm con tin, cựu lãnh đạo của đảng Bảo thủ, Andrew Scheer, lãnh đạo lâm thời của đảng, Candice Bergen, và nhân vật có thể lãnh đạo trong tương lai, Pierre Poilievre, đều công khai đứng về phía những kẻ bắt cóc, không còn có thể phân biệt được tu từ của họ với ngôn ngữ của ông Bernier.

Các dân biểu đảng Bảo thủ đã chụp ảnh với nhưng nhân vật lãnh đạo cuộc biểu tình. Những người khác đã xem nhẹ việc chiếm đóng, với sự vô luật pháp và sự đe dọa, chỉ là “sự bất tuân dân sự”. Trong giới bình luận bảo thủ, cuộc biểu tình được ca ngợi như một cuộc nổi dậy của quần chúng, đúng là một thách thức ngạo mạn đối với sự thật: người dân đang đứng lên, đoàn xe đang chiến thắng, giới truyền thông đang nói dối, và những lời nói sáo rỗng điển hình khác — cái có thể được gọi là chủ nghĩa dân túy hào nhoáng, nhưng không có giá trị thực sự.

Hiệu quả của cuộc biểu tình đã làm mờ những gì khác biệt trước đây, để thu tóm khoảng cách giữa các điểm khác nhau trên phổ ý thức hệ. Ý kiến của phe cánh hữu, trước đây bị phân tán, giờ đây tự hiện hình như một thứ gì đó liên tục, chạy suốt từ những trang báo như The Rebel qua True North đến chuỗi báo Sun và than ôi, cả National Post. Thay vào đó, những người bạn đọc từng nghĩ sẽ có thể phát giác được sự nghiền nát này cách đó cả dặm đã bị nó say mê, cứ như thể những người anh em dở hơi trong đoàn xe thực sự “đấu tranh cho tự do của chúng ta” và không bao che cho hành động phân biệt chủng tộc vô chính phủ của nhóm lãnh đạo của họ.

Những người khác đang bận rộn, đối phó với sự kiện mất trật tự công cộng lan rộng nhất trong nhiều thập kỷ — và sự kiện ít chính nghĩa nhất — với vẻ ngoài khôn ngoan, thanh toán hận thù, ám ảnh về những sai lầm trong “giới truyền thông” (luôn được coi như một thực thể duy nhất ) và nếu không thì hiểu lầm một cách khá ngoạn mục. Có thời, họ có thể đã chế giễu kiểu giẫy nẩy vì bị châm chích thế này! Nhưng những gì bắt đầu như một biệt đội giả hình — chống lại việc chiếm đóng — dường như kết thúc, tất yếu, trong sự hậu thuẫn vững vàng. Chủ nghĩa dân túy là một lỗ đen, hút tất cả những người đến gần nó.

Điều gì có giải thích cho cuộc xuống hố tập thể này? Thật dễ để đổ cho nguyên nhân đơn giản là trình độ thiếu phán xét về đạo đức và chính trị, như giữa một việc tự do vị tấn công thực sự và một biện pháp y tế công cộng thông thường, hoặc giữa một cuộc biểu tình ôn hòa và một vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Nhưng đó chỉ mô tả được triệu chứng, chứ không phải là bệnh. Tại sao rất nhiều người bảo thủ lại bất ngờ thất  mất khả năng nhận định, đánh giá cùng một lúc?

Một phần của nó là sức hấp dẫn của chủ nghĩa bộ lạc, bầy đàn. Có thể tin rằng Justin Trudeau là một thủ tướng tồi tệ, người đã phá vỡ niềm tin của cử tri, hủy hoại nền tài chính của đất nước, và điều hành đất nước như thể ông ta là chủ tịch của một ban đại diện học sinh đặc biệt tỉnh táo, không phải vội vàng theo  bất kỳ nhóm nào chửi bới ông ấy vào lúc này.

Nhưng những người bảo thủ dường như có khuynh hướng giữ thế thủ một cách điên cuồng. Trong giới bảo thủ, kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta là chưa đủ — hắn cũng phải là bạn của kẻ thù tồi tệ nhất của kẻ thù của ta. Những người bảo thủ gần đây trở thành những người ba hoa chính trị, chộp lấy bất cứ thứ gì hào nhoáng trước mặt họ, bất kể nó không mạch lạc, không thể chấp nhận hay viển vông, miễn là nó chọc giận những người theo chủ nghĩa tự do.

Cũng có vẻ như đang có một cuộc chiến tranh giai cấp đang diễn ra — chiến tranh giai cấp rởm, nhưng nó đã đến mức đó.

Giới bình luận bảo thủ đã tự thuyết phục mình, hoặc bằng mọi giá muốn thuyết phục người khác, rằng những người tham gia cuộc phong tỏa, do một số người trong số họ mang theo xe vận tải, là đại diện thực sự của những người lái xe vận tải như một nhóm, hay hơn nữa là giai cấp công nhân. Điều đó hoàn toàn không đúng — 90% tầng lớp công nhân đã chích ngừa đầy đủ và đang đi làm — nhưng nó hợp với tham vọng bảo thủ của chủ nghĩa dân túy là tránh xa khối cử tri thuộc tầng lớp lao động cánh tả, những người mà họ cáo buộc là quan tâm hơn đến chính trị theo căn cước chủng tộc và giới tính hơn các vấn đề truyền thống của giai cấp công nhân.

Nhưng nó cũng tếu! Hóa trang làm chiến binh đấu tranh giai cấp là một kế sách tuyệt vời để chia rẽ kẻ thù của họ. Đó chỉ là một loại chính trị bản sắc khác; những người diễn có thể khác nhau, nhưng vở kịch thì giống nhau. Thay vì chơi “trò sắc tộc” để cướp chỗ đứng của đối thủ, họ hát bài đấu tranh giai cấp: Nếu có sự phê bình phản đối việc chiếm đóng trung tâm thành phố Ottawa hoặc phong tỏa các cửa ngỏ biên giới quan trọng, thì đó không phải là vì họ cảm thấy mọi người có thể tự do đi lại, sinh hoạt hàng ngày mà không bị quấy rối hoặc cản trở, hoặc vì họ nghĩ rằng luật pháp là điều phải tuân theo chứ không phải để bất tuân, hoặc vì họ nghĩ rằng sự khác biệt chính kiến cần/nên được giải quyết bằng bầu cử chứ không phải bằng vũ lực. Nhưng vì họ hợm hĩnh!

Không nghi ngờ gì nữa, nó đang làm họ say xưa. Nhưng tuy nhiên, được nhiều người thích và lập lại ý kiến mà những người bảo thủ có thể đang thu thập trên mạng với những thứ này thì họ càng làm công chúng xa lánh họ hơn — đó là những người, nếu tôi nhớ không lầm, sẽ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và chọn chính phủ.

© 2022 DCVOnline   

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: How did conservatives come to be so attracted to extremism? | ANDREW COYNE | The G&M | 18 Feb, 2022.