Ảo tưởng vùng cấm bay

Richard K. Betts | DCVOnline

Ở Ukraine, tốt bụng cũng không bù được một ý định không hay

Dân chúng di tản tránh cuộc giao tranh dữ dội, đi qua một cây cầu bị phá hủy khi quân đội Nga tiến vào Irpin, Ukraine, hôm thứ Hai, March 7, 2022. Chris McGrath/Getty Images

Trước cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga vào Ukraine, nhiều người ở Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy chính phủ của họ hỗ trợ quân sự nhiều nhất trong khả năng cho Kyiv. Một ý định mà một số trong giới quan sát và bình luận nổi tiếng đã đề nghị là thiết lập vùng cấm bay — nghĩa là sử dụng vũ lực (hoặc đe dọa bằng vũ lực) để ngăn máy bay Nga phải ở ngoài một phần của không phận phía trên Ukraine, nhằm ngăn chặn các cuộc không kích của Nga vào nhắm vào quân đội và dân thường Ukraine trong khu vực. Việc tạo ra một khu vực như vậy sẽ cần có sự kết hợp giữa việc thu thập thông tin tình báo hàng ngày, quan sát từ mặt đất, luân phiên tuần tiễu trên không bằng một con số lớn máy bay và phi công — và quan trọng là mối đe dọa khi phải ngăn cản máy bay đối phương xâm nhập vào vùng trời đã định.

Những đề nghị về vùng cấm bay lấy cảm hứng từ việc áp dụng khái niệm này từ những lực lượng Mỹ và NATO ở Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, ở Bosnia vào giữa những năm 1990 và ở Libya trong cuộc nội chiến năm 2011. Đáng chú ý, những trường hợp lập vùng cấm bay đó không áp đặt một khu vực cấm vào đối với một cường quốc; thay vào đó, là một quáo gia hùng mạnh, Hoa Kỳ, ra lệnh yêu cầu các nước đối thủ địa phương yếu kém không có tư cách để thách đố với họ. Không có ví dụ nào về cái gọi là “vùng cấm bay” đã áp đặt cho một cường quốc bên ngoài bối cảnh của các cuộc chiến giành ưu thế trên không trong chiến tranh quy ước.

Ý định thiết lập vùng cấm bay phản ảnh sự thôi thúc vì lòng nhân đạo để giảm bớt đau khổ của người dân Ukraine và “làm điều gì đó”trước cuộc xâm lăng của Nga. Nhưng làm như vậy sẽ có nguy cơ rơi vào một bi kịch bi thảm hơn nhiều. Điều này áp dụng ngay cả đối với một khu vực cấm bay hạn chế đã được hơn hai chục chuyên gia và cựu viên chức chính phủ đưa ra hồi đầu tuần — một ý tưởng nghe có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế lại vô cùng liều lĩnh.

VẤN ĐỀ NHIỀU RỦI RO

Ý tưởng về vùng cấm bay hạn chế nhằm mục đích chính là bảo vệ những hành lang di tản để thường dân có thể an toàn thoát ra ngoài, trước các cuộc không kích của Nga. Nhưng trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, ít nhất, các hoạt động không quân của Nga không phải là vấn đề chính. Pháo binh và hoả tiễn bắn từ mặt đất gây sát thương lớn hơn nhiều so với máy bay oanh tạc của Nga, và một khu vực cấm bay sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những cuộc tấn công như vậy.

Và ngay cả khi người ta chấp nhận tiền đề rằng việc hạn chế không cho Nga vào không phận Ukraine sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể, những đề nghị về vùng cấm bay cho Ukraine vẫn mắc phải một trong hai sai lầm quan trọng: hoặc là họ cho rằng kết quả trong trường hợp tốt nhất là Nga chấp nhận yêu cầu đó, hoặc họ chấp nhận rủi ro đáng kể vì có thể kích động chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga.

Có thể Nga sẽ thận trọng và chấp nhận yêu cầu ngừng hoạt động trong và xung quanh các hành lang cho thường dân di tản. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra: xét cho cùng, Moscow đã bước vào một cuộc chiến và ngay từ đầu đã tuyên bố là vì sự đe dọa của NATO thúc đẩy, giai đoạn đầu của cuộc chiến đã tạo ra kết quả đáng xấu hổ cho quân đội Nga, và Tổng thống Nga Vladimir Putin thì không thể làm bất cứ điều gì trông giống như một sự rút lui khi đối mặt với tối hậu thư của NATO.

Thiết lập vùng cấm bay có nguy cơ rơi vào một thảm kịch tệ hơn nhiều.

Nếu người Nga không công nhận vùng cấm bay, NATO sẽ phải quyết định có thực thi nó hay không, nghĩa là sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga — và khai hoả trước. Không nên nhầm lẫn: dù không chiến nhằm thiết lập và bảo vệ khu vực này hay không sẽ vẫn giới hạn trong không phận Ukraine, cuộc không chiến đó sẽ dẫn đến chiến tranh giữa NATO và Nga. Và ngay cả xung đột hạn chế cũng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới: đây sẽ là cuộc chiến trực tiếp đầu tiên giữa các cường quốc kể từ năm 1945.

Tất nhiên, Mỹ và đồng minh đã tham gia chiến đấu chống lại quân đội Nga, nhưng chỉ là gián tiếp, bằng cách cung cấp vũ khí và quân dụng cho Ukraine. Tuy nhiên, sự tham chiến như vậy vẫn ở dưới ngưỡng leo thang đã được thiết lập ngầm do  kinh nghiệm trong quá khứ. Ví dụ, Liên Xô đã yểm trợ cho Bắc Hàn và Trung Hoa trong cuộc chiến chống lại người Mỹ ở Đại Hàn vào những năm 1950, và một lần nữa viện trợ vũ khí và kỹ thuật cho những người cộng sản Việt Nam chống lại người Mỹ trong những năm 1960. Về phần Hoa Kỳ, họ đã viện trợ cho mujahideen chiến đấu với Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Trong những trường hợp nêu trên, người Nga và người Mỹ đã rất tức giận trước số thương vong mà sự viện trợ đó đã nhận được nhưng cố gắng không trả đũa bằng vũ lực chống lại những nước đã viện trợ cho phe địch, vì sợ rằng những cuộc chiến tranh nhỏ sẽ trở thành những cuộc chiến tranh lớn. Đúng là các phi công Hoa Kỳ và Liên Xô đã trực tiếp giao chiến với nhau trong một số cuộc không chiến trong Chiến tranh Đại Hàn. Nhưng cả hai bên đều giữ bí mật nghiêm ngặt này cho đến nhiều năm sau, chính xác là để hạn chế áp lực chính trị đưa đến việc mở rộng chiến tranh. Trong thế giới kỹ thuật ruyền thông rầm rộ và nguồn thông tin tình báo nguồn mở dồi dào ngày nay, sẽ không có chuyện không chiến ở Ukraine giữ được bí mật.

Ngoài ra, sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc không phải là rủi ro duy nhất do tuyên bố vùng cấm bay. Hãy xét xem điều gì có thể xảy ra nếu Nga không chấp nhận vùng cấm bay và trước sự bất cần của Moscow, NATO đã lùi bước và quyết định không thực hiện nó — chính xác là để tránh một cuộc chiến tranh rộng hơn. Tuyên bố về khu vực cấm bay sẽ bị coi là một canh phé tố kém cỏi — chỉ hơn một chút so với yêu cầu cấm bay. Mặc dù tầm quan trọng của sự tín nhiệm thường bị phóng đại và quá thường được sử dụng làm cái cớ cho sự lầm tưởng là những cam kết quân sự, nhưng trong trường hợp này, thiệt hại đối với uy tín của NATO sẽ là rất lớn. Một hành động như vậy sẽ không chỉ tiết lộ sự trống rỗng của tư thế giúp Ukraine mà còn làm nổi bật và tăng cường nghi ngờ về việc liệu liên minh có thực hiện tốt lời hứa căn bản về phòng thủ tập thể hay không, đặc biệt là khi nói đến các thành viên yếu hơn, mới hơn, chẳng hạn như các quốc gia vùng Baltic dễ bị thiệt hại.

MỘT SAI LẦM LỚN

Cuộc chiến ở Ukraine là kết quả đau đớn của phản ứng thái quá của Putin đối với hai lỗi của NATO. Lỗi đầu tiên là tuyên bố của liên minh, vào năm 2008, rằng một ngày nào đó Ukraine và Gruzia sẽ tham gia vào liên minh. (Trong trường hợp của Ukraine, một kế hoạch Phần Lan hóa quốc gia này sẽ tốt hơn, đánh đổi sự trung lập trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây lấy sự độc lập quốc gia và nền dân chủ trong nước.) Tuy nhiên, khi đã tuyên bố mục tiêu trở thành thành viên NATO , sai lầm thứ hai là không thực thể hoá nó ngay lập tức và do đó thiết lập ngay lập tức sự bảo đảm răn đe của NATO. Với quan điểm của Putin, việc mở rộng NATO là một mối đe dọa đối với Nga, giai đoạn mơ hồ này đã tạo ra động cơ — và cơ hội — để Putin mở một cuộc chiến phòng ngừa.

Kết quả là bi kịch thật đau lòng. Nhưng cố gắng đối phó với nó bằng cách trực tiếp tham chiến muộn màng — tuyệt vọng xác nhận một khu vực cấm bay mà không có gì đảm bảo rằng nó sẽ không dẫn đến một thảm họa lớn hơn — sẽ chỉ làm bi kịch tảm khốc hơn. NATO nên giúp Ukraine, nhưng sự trợ giúp của liên minh này phải duy trì dưới ngưỡng, không để leo thang. Điều đó sẽ gồm có ít nhiều những gì liên minh đã và đang làm: nếu có thể, cứu trợ nhân đạo cho thường dân tị nạn và viện trợ vũ khí, đạn dược, lương thực và hậu cần cho quân đội Ukraine.

Sự thôi thúc giúp đỡ Ukraine là điều đáng hoan nghênh. Nhưng việc tồi tệ hơn so với việc chứng kiến thất bại từ từ của Ukraine là lời hứa hẹn can thiệp quân sự trực tiếp và sau đó không thực hiện được hoặc tệ hơn là nâng cao giai đoạn trước và biến những gì bây giờ rõ ràng là một cuộc chiến tranh lạnh mới thành một cuộc chiến tranh nóng — một cuộc chiến có thể tạo ra sự tàn phá và thương vong trong một khu vực thế giới rộng lớn hơn khiến sự tàn phá của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine dường như không đáng kể.

Tác giả | RICHARD K. BETTS là Giáo sư Leo A. Shifrin về Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình tại Đại học Columbia, Thành viên  cao cấp phụ tá tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, và là tác giả của American Force: Dangers, Delusions, and Dilemmas in National Security (Lực lượng Mỹ: Nguy hiểm, Ảo tưởng và thế tiến thoái lưỡng nan trong lãnh vực An ninh Quốc gia.)

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  The No-Fly Zone Delusion | Richard K. Betts | Foreign Affairs |March 10, 2022.