Nga đã mất ‘một phần ba quân số trên chiến trường’ trong cuộc xâm lăng Ukraine

Tom Balmforth và Jonathan Landay | DCVOnline

LONDON / KYIV: Quân báo của Anh cho biết, Nga có thể đã mất khoảng một phần ba quân số trên mà họ đưa sang xâm lăng Ukraine và cuộc tấn công của họ ở khu vực Donbas “đã mất đà và tụt hậu đáng kể so với kế hoạch” .

Một xe tăng của Nga bị thiêu hủy. Ảnh của Bộ Quốc phòng Ukraine

Trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh cho biết:

“Bất chấp những lợi thế nhỏ lúc ban đầu, Nga đã không chiếm được phần lãnh thổ đáng kể của Ukraine trong tháng qua dù vẫn duy trì mức thiệt hại liên tục về quân số.”

Bộ Quốc phòng Anh

Mỹ đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa giới chức quốc phòng Mỹ và Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Nga hiện có thể đã tổn thất một phần ba số quân chiến đấu ở mặt trận mà họ đã đem sang Ukraine vào tháng Hai.”

Hoa Kỳ cho biết Nga không có khả năng tăng vận tốc hành quân một cách đáng kể trong 30 ngày tới.

Kể từ khi Nga xâm lăng vào ngày 24 tháng 2, quân đội Ukraine đã buộc giới chỉ huy của quân Nga phải bỏ cuộc tấn công vào thủ đô Kyiv, trước khi họ nhanh chóng tái chiếm lại lãnh thổ ở phía đông bắc và đẩy quân Nga ra khỏi Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine. 

Một cuộc phản công của Ukraine đang tiến hành gần thị trấn Izium do Nga kiểm soát, dù quân đội Ukraine đã báo cáo hôm Chủ nhật rằng Nga đang tiến quân ở những nơi khác trong khu vực Donbas, nơi diễn ra chiến tranh trong 3 tháng qua.

Các binh sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine kiểm soát một tầng hầm trong một cuộc trính sát tại một ngôi làng mới tái chiếm gần đây ở ngoại ô Kharkiv, miền đông Ukraine.

Quân đội Nga đã tập trung phần lớn hỏa lực vào Donbas trong “giai đoạn thứ hai” của cuộc xâm lăng được công bố vào ngày 19 tháng 4, sau khi họ không thể chiếm được thủ đô Kyiv từ phía bắc trong những tuần đầu cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết ông đang có những cuộc đàm phán phức tạp để tìm cách di tản một số lớn thương binh ra khỏi nhà máy thép đang bị bao vây ở hải cảng Mariupol, đổi lấy việc trả Ukraine tự do cho một số tù nhân chiến tranh Nga.

Mariupol, thành phố hứng chịu những trận giao tranh khốc liệt nhất trong gần 3 tháng chiến tranh, hiện đã nằm trong tay Nga nhưng hàng trăm binh sĩ Ukraine vẫn kiên cường cầm cự tại nhà máy thép Azovstal dù bị Nga bắn phá liên tục trong nhiều tuần.

Hình ảnh nhà máy Gang thép Azovstal trong cuộc xung đột Ukraine-Nga ở thành phố hải cảng phía nam Mariupol, Ukraine ngày 15 tháng 5 năm 2022. REUTERS / Alexander Ermochenko

Sau chiến thắng Eurovision của Ukraine, hôm chủ nhật,  Zelensky thề một ngày nào đó sẽ tổ chức cuộc thi hát hát ngay tại thành phố đang bị chiến tranh tàn phá này.

Dàn nhạc Kalush của Ukraine đã  đoạt giải trong cuộc thi nổi tiếng với bài hát Stefania, đã trở thành bài ca phổ biến của người Ukraine trong chiến tranh và việc nó đoạt giải là một động lực khích lệ tinh thần dân chúng. Zelensky nói trên Facebook

“Sự can đảm của chúng tôi đã gây ấn tượng với thế giới, âm nhạc của chúng tôi chinh phục châu Âu. Năm tới, Ukraine sẽ tổ chức Eurovision!” 

Zelensky

Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các tướng lĩnh của ông đã không lường trước được cuộc kháng chiến quyết liệt như vậy của người Ukraine khi họ mở cuộc xâm lăng vào ngày 24/2.

Ngoài việc mất đi một số lớn nhân lực và nhiều quân cụ, Nga đã bị ảnh hưởng do những lệnh trừng phạt kinh tế. Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, nhóm Bảy nền kinh tế hàng đầu phương Tây  (G7) cam kết  sẽ “gia tăng áp lực kinh tế và chính trị hơn nữa đối với Nga” và cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.

Vệ binh Quốc gia Ukraine tập trung trong một ngôi nhà dùng làm căn cứ tạm thời ở một ngôi làng mới được chiếm lại gần đây ở ngoại ô Kharkiv, miền đông Ukraine.

Cuộc xâm lăng của Nga, mà nước này gọi là cuộc “hành quân đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và bảo vệ Ukraine khỏi quân phát xít, đã gây xáo trộn an ninh ở châu Âu. Kyiv và các đồng minh phương Tây nói rằng sự khẳng định về chủ nghĩa phát xít là một lý cớ vô căn cứ để mở cuộc chiến tranh xâm lăng vô cớ.

Giới ngoại giao hàng đầu của NATO, kể cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, hôm Chủ nhật đã tập hợp về Berlin để thảo luận về cuộc chiến và những quyết định của Phần Lan (Finland), Thụy Điển (Sweden) và các nước khác muốn gia nhập liên minh quân sự phương Tây vì lo lắng về sự căng thẳng của Nga.

Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana nói:

“Cuộc xâm lăng tàn bạo (của) Nga đang mất dần động lực. Chúng tôi biết rằng với sự can đảm của quân dân Ukraine và với sự giúp đỡ của chúng tôi, Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này.” 

Mircea Geoana

Putin đã biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine bằng cách tuyên bố đây là một phản ứng đối với sự mở rộng của NATO ở Đông Âu.

Cuộc chiến đã khiến Phần Lan từ bỏ quan điểm lịch sử là trung lập về quân sự và tìm cách trở thành thành viên của NATO. Thụy Điển được cho là sẽ làm theo.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói với Putin qua điện thoại rằng đất nước của ông, có đường biên giới dài 1300 km với Nga, và Phần Lan muốn gia nhập NATO để củng cố an ninh của họ.

Ông Putin nói với Niinisto rằng sẽ là một sai lầm nếu Helsinki từ bỏ quan điểm trung lập lịch sử, Điện Kremlin cho biết thêm rằng hành động này có thể gây thiệt hại cho quan hệ song phương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ Sáu cho biết nước của ông, một thành viên NATO, không thể ủng hộ việc mở  rộng liên minh vì Phần Lan và Thụy Điển là những “nơi có nhiều tổ chức khủng bố”.

Các bộ trưởng ngoại giao của Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại Berlin vào cuối ngày thứ Bảy để cố gắng giải quyết những khác biệt của họ về việc gia nhập NATO.

Phát ngôn viên của Erdogan, Ibrahim Kalin, cho biết hôm thứ Bảy rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hòan toàn đóng cửa không chấp nhận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO mà muốn đàm phán với cả hai quốc gia và kiểm soát những gì họ coi là hoạt động khủng bố ở châu Âu.

Kalin cho biết Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) — được Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu coi xếp vào danh sách những tổ chức khủng bố — đang gây quỹ và tuyển mộ ở châu Âu và sự hiện diện của nó “mạnh và công khai” ở Thụy Điển. Kalin nói,

“Điều cần làm là rõ ràng: họ phải ngừng cho phép các cơ sở, hoạt động, tổ chức, cá nhân và các hình thức hiện diện khác của PKK… hiện hữu ở các quốc gia đó.”

Ibrahim Kalin
Vũ khí và quân xa của quân đội Nga bị quân Ukraine phá hủy và tịch thu.

Pháo binh của Nga của ORDLO (còn được gọi là “DNR / LNR”) trang bị súng trường Mosin (kiểu 1891) và mũ sắt của những năm 50 của thế kỷ trước ở Ukraine

Reuters, AP

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Russia has lost ‘a third of ground forces’ in Ukraine attack | Tom Balmforth and Jonathan Landay | Reuters & AP| May 15, 2022