Cuộc chiến của Putin: Sự thật và Hậu quả

Bob Rae | DCVOnline

Vladimir Putin nghĩ rằng cuộc hành quân của ông sẽ đặc biệt, nhanh chóng và được thực hiện cấp kỳ. Ông ấy sai rồi. Ông ta không phải là bạo chúa đầu tiên đã tính toán sai lầm khủng khiếp, và ông cũng sẽ không phải là người cuối cùng.

Đại sứ Canada tại LHQ Bob Rae phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 24 tháng 3 về việc buộc Nga phải giải trình về cuộc xâm lăng Ukraine. — Sophie Galarneau, Phái đoàn Canada tại LHQ

Giới thiệu | Khi cái giá phải trả bằng xương máu và kho báu cho hành động xâm lăng bất hợp pháp của Vladimir Putin ở Ukraine đã tăng lên và động cơ hệ thống cho hành động gây hấn đó đã rõ ràng, Đại sứ của Canada tại Liên Hiệp Quốc, Bob Rae, đã nổi lên như một người bảo vệ hùng hồn cho các giá trị dân chủ và nhân quyền. Trong bài mới nhất này dành cho Policy, Rae xét cuộc khủng hoảng hiện tại và vị trí của nó trong lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế.

Quyết định tai hại của Vladimir Putin khi mở cái mà ông gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” tấn công Ukraine vào đêm 24 tháng 2 năm 2022 đã gây ra chết chóc và tình trạng hỗn loạn trên khắp Ukraine và thiệt hại chưa thể hiểu hết cho nền kinh tế thế giới. Nó cũng đặt ra những câu hỏi căn bản về bản chất của thế giới hiện đại và các thể chế của nó, kể cả Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta đang là nhân chứng lịch sử và rất khó để đánh giá tất cả những ảnh hưởng của các sự kiện khi chúng diễn ra xung quanh chúng ta. Nhưng rõ ràng đây là một bước ngoặt và buộc chúng ta phải đánh giá toàn bộ ảnh hưởng của cuộc chiến của Putin.

Cùng với nhiều đồng minh, phản ứng của Canada rất rõ ràng: các lập luận và biện minh của Nga cho cuộc xâm lăng đã bị bác bỏ như một điều vô nghĩa nguy hiểm mà  rõ ràng chúng là như vậy. Trong khi Nga viện dẫn cả quyền tự vệ và cáo buộc diệt chủng chống lại việc Ukraine đã đối xử với những người nói tiếng Nga ở nước đó, những lời bào chữa này đã bị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) kiên quyết bác bỏ là một lời biện minh chính đáng cho cuộc xâm lăng của họ.

Vào ngày 11 tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng động cơ của Nga trong việc tấn công Ukraine là để xúc tác “chấm dứt tham vọng thống trị thế giới của Hoa Kỳ” — một tuyên bố đưa chúng ta trở lại với tuyên truyền thời Chiến tranh Lạnh.

Chính Putin đã đưa ra một biện luận khác để xâm lăng trong một bài báo dài đã đăng vào mùa hè năm 2021; một lý luận trích dẫn quá khứ, không phải tương lai. Putin viết, Ukraine và Nga về căn bản là một dân tộc; lịch sử, văn hóa và “không gian tâm linh” chung của họ đã có từ hàng ngàn năm trước, và những cố gắng hầu đưa ra một “câu chuyện sai sự thật” về chủ nghĩa và bản sắc dân tộc riêng biệt của Ukraine luôn là bất chính, cho dù được những người Bolshevik, Đức Quốc xã hay NATO ủng hộ. Ông ấy viết: “Quan hệ thân thiện” là con đường duy nhất để tiến tới. Đó là lý do tại sao cả “phi quân sự hóa” và “phi quốc xã hóa” đều là những đặc điểm căn bản của giáo điều và hành động tàn nhẫn trong chiến tranh xâm lăng của Putin. Đối với Putin, các trung tâm nghệ thuật, ngôn ngữ và văn hóa Ukraine là những mục tiêu thiết yếu để cướp bóc và phá hủy.

Putin rõ ràng hy vọng rằng một đợt phô trương sức mạnh ngay từ đầu sẽ dẫn đến việc nhanh chóng chiếm được các thành phố lớn, kể cả Kyiv, và “sự kinh ngạc và kinh sợ” sẽ phát huy tác dụng của nó, giết chết hàng ngàn người trên đường đi của họ và dẫn đến sự sụp đổ và đầu hàng của Chính phủ Zelenskyi. Tất cả sẽ kết thúc trong vài ngày.

Chắc chắn đã có những cái chết và sự hủy diệt, nhưng không phải là sự sụp đổ, và không phải là sự đầu hàng. Kể từ khi Henri Durant, kiến trúc sư người Thụy Sĩ của Hội Hồng thập tự, chứng kiến cảnh tàn sát trong trận Solferino vào giữa thế kỷ 19, giới hoạt động, và sau đó là các chính phủ, đã cố gắng tạo ra quy tắc ứng xử cho chiến tranh. Ngay cả khi xung đột gay gắt, những chính phủ hiếu chiến vẫn phải tuân theo các quy tắc cơ bản của nhân loại và khuôn phép lễ nghi, đã được hệ thống hóa trong Công ước Geneva năm 1949.

Phần bổ túc cho nội dung của luật nhân đạo quốc tế (IHL) đã được đặt ra khi nhân loại xem xét khả năng gây ra tội ác có tổ chức, kể cả: tại các phiên tòa ở Nuremberg và Tokyo sau Chiến tranh thế giới thứ hai; trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc; trong việc thành lập ICJ; trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người; trong các công ước về tra tấn và diệt chủng; và sau đó là Quy chế Rome, thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và hệ thống hóa các tội ác chống lại loài người có thể được điều tra và có thể dẫn đến việc buộc tội, xét xử và trừng phạt.

Đồ án và cấu trúc của thế giới phức tạp này còn lâu mới hoàn hảo. Lỗ hổng chính là đối với tất cả tham vọng của chúng, về căn bản đây là những thỏa thuận giữa các quốc gia có khát vọng mạnh hơn là muốn thực thi. Phát biểu tại Fulton, Missouri, năm 1946, Winston Churchill, trong bài phát biểu nổi tiếng “Bức màn sắt”, nhắc nhở người nghe rằng các tòa án và thẩm phán cần có một cảnh sát tốt. Nếu không thực thi luật sẽ dẫn đến lạm dụng và bất kính. Đó là số phận của Liên minh các Quốc gia, và việc tương tự sẽ xảy ra một lần nữa trừ khi thế giới sửa đổi những sai sót.

Một giả thiết khác về kiến trúc thời hậu chiến là cái gọi là P5 — những thành viên thường trực, nắm quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc — sẽ cùng nhau hợp tác để cảnh sát thế giới. Họ sẽ là cốt lõi của sở cảnh sát, những người thực thi hệ thống an ninh toàn cầu.

Ukraine là một ví dụ về những gì sẽ xảy ra khi một cảnh sát trở thành tội phạm, một người thi hành công vụ trở nên thối nát, một nước mang tiêu chuẩn của hệ thống toàn cầu trở thành một nước côn đồ. Giới phê bình cho rằng đây không phải là lần đầu tiên kể từ năm 1945, các cường quốc trên thế giới nắm lấy quyền quyết định giải quyết vấn đề cho chính mình. Có vô số ví dụ — Anh và Pháp ở Suez năm 1956, Hoa Kỳ ở Việt Nam, Liên Xô ở Hungary và Tiệp Khắc, cuộc xâm lăng Iraq năm 2003 của liên minh do Mỹ và Anh dẫn đầu, chỉ là một vài ví dụ. Tất cả đều dựa trên giả định rằng quyền lực và lợi ích quốc gia có thể biện minh cho những cuộc xâm lăng. Nhưng cũng có cảm giác rằng họ can thiệp bởi vì họ có thể, xây dựng một casus belli hay đơn giản là dùng phương tiện để biện minh cho cứu cánh.

Tất cả đều được coi trong thời đại của họ là những sự kiện hiện sinh cho cả Liên Hiệp Quốc và nhà nước pháp trị, không hiểu rằng Liên Hiệp Quốc không bao giờ được coi là một chính phủ thế giới, rằng chủ quyền quốc gia được công nhận như một trụ cột của hiến chương của nó, và rằng hy vọng rằng bằng cách nào đó các thành viên thường trực sẽ vượt lên trên tư lợi quốc gia của họ để cung cấp an ninh toàn cầu luôn là một giấc mộng hão huyền.

Nhưng điều quan trọng là không tham gia cùng với người Nga và các đồng minh của họ rơi vào chủ nghĩa tương đối và ngụy biên “còn đó thì sao”. Nga đã xâm lăng Ukraine. Các thi thể bị trói tay sau lưng và đạn bắn vào đầu tìm thấy ở Bucha không phải là tin giả. Việc Mariupol và nhiều thành phố khác đang bị tàn phá không phải là chuyện viễn tưởng. Chúng có thật, và chúng là tội ác. Khi các cuộc tấn công diễn ra và bom rơi, Ukraine tiếp tục kháng cự, với thành công đáng kể về quân sự, và Nga tiếp tục cuộc tấn công tàn bạo bằng đường trên không, trên bộ và trên biển.

Canada đã tham gia cùng các nước khác trong một cách giải quyết gồm 5 phần: yểm trợ quân sự cho Ukraine để có thể phòng thủ hiệu quả; viện trợ tài chính và nhân đạo cho Ukraine và các cơ quan quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và ảnh hưởng kinh tế và xã hội tàn khốc của cuộc xâm lăng của Nga (hiện có hơn 11 triệu người phải di tản khỏi nhà của họ); các biện pháp trừng phạt chống lại Nga được phối hợp và nhắm mục tiêu trên một phạm vi chưa từng có; theo đuổi trách nhiệm giải trình tại ICJ, ICC, và các phương tiện khác để giữ tội phạm phải giải trình; và cung cấp bất kỳ sự yểm trợ nào mà chúng ta có thể cho một tiến trình thương lượng và những nỗ lực hòa giải đã được tiến hành một cách lặng lẽ trong vài tuần.

Chúng ta cũng đã tham gia vào một chiến dịch ngoại giao công khai để tố cáo hành động gây hấn như nó là, gọi đúng tên của nó và làm nó xấu hổ càng nhiều càng tốt, để chống lại những lời nói dối và tuyên truyền đã là dấu ấn trong chính sách của Nga trong nhiều chục năm (bạn có thể đưa hắn ra khỏi KGB nhưng bạn không thể đưa KGB ra khỏi hắn) và giải thích mối liên hệ giữa năm điểm trong chiến lược đó.

Điểm bổ túc quan trọng là không có biện pháp nào tụ nó là cứu cánh. Đây không phải là một bài tập về đánh dấu x việc cần làm. Đó là về tính hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu của chúng ta: bảo vệ đời sống con người; để thúc đẩy tự do, an sinh và thịnh vượng của Ukraine và các quốc gia có chủ quyền khác; để duy trì sự ổn định toàn cầu; và để tăng cường nên pháp trị và theo đuổi công lý và trách nhiệm giải trình. Nếu các phương tiện được lựa chọn cho đến nay không đủ để đạt được các mục tiêu này, thì phải thực hiện những bước khác.

Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép các quốc gia tự vệ trước hành động xâm lăng và cho phép các quốc gia khác tham gia vào hoạt động tự vệ đó. Chúng ta đừng bao giờ quên mất nguyên tắc đó. Chúng ta cũng không nên quên sự cần thiết của Đại hội đồng để hành động khi Hội đồng Bảo an bị đóng băng hoặc bế tắc. Việc ngưng bắn cần sự giám sát. Gây hấn là một tội ác. Cũng vậy, việc trục xuất cưỡng bức, việc sử dụng vũ lực, tra tấn không cân xứng và các nỗ lực tiêu diệt một quốc gia và dân tộc cũng vậy. Các cáo buộc về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội ác xâm lăng và tội ác diệt chủng đều phải được điều tra kỹ lưỡng và Điện Kremlin không thể mong muốn chúng biến mất.

Vladimir Putin nghĩ rằng cuộc hành quân của ông sẽ đặc biệt, nhanh chóng và được thực hiện cấp kỳ. Ông ấy sai rồi. Ông ta không phải là bạo chúa đầu tiên đã tính toán sai lầm khủng khiếp, và ông cũng sẽ không phải là người cuối cùng. Nhưng quyết tâm của chúng ta phải rõ ràng: ông ta không thể thành công trong việc thực hiện hành động tàn ác và tội ác này. Ông ta cũng không thể trốn tránh trách nhiệm về những gì ông ta đã bắt đầu và làm tại sao quân đội dưới sự chỉ huy của ông ta đã thực hiện cuộc tàn sát như vậy. Như Churchill đã nói một cách khéo léo “khi bạn đang đi xuống địa ngục, hãy tiếp tục mà đi.” Đó là những gì chúng ta phải làm bây giờ.

Chúng ta cũng phải đối phó với những ảnh hưởng rộng lớn hơn của cuộc xâm lăng đối với nền kinh tế toàn cầu. Các lệnh trừng phạt đối với Nga, phá hủy những hải cảng, cơ sở hạ tầng, đất đai, nông nghiệp, di tản người tị nạn, tất cả những điều này đồng nghĩa với sự hỗn loạn trong các nền kinh tế địa phương và thị trường toàn cầu. Sáu mươi quốc gia hiện đã được xác định là đang đối phó với các cuộc khủng hoảng nợ. Tình trạng thiếu lương thực và thậm chí là nạn đói có thể xảy ra ở nhiều quốc gia. Bất ổn xã hội và chính trị luôn kéo theo lạm phát về giá lương thực và năng lượng. Putin nghĩ rằng “vấn đề địa phương” của mình có thể giải được quyết nhanh chóng. Ông ấy đã sai quá là sai.

Như  Talleyrand[1], từng nói: “Điều đó còn tồi tệ hơn tội ác. Nó là một sai lầm.”


Tác giả | Bob Rae là Đại sứ của Canada tại Liên Hiệp Quốc.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Putin’s War: Truth and Consequences | Bob Rae | Policy  | 28 April 2022. Chú thíc của DCVOnline

[1] “C’est pire qu’un crime, c’est une faute.”

Phản ứng trước vụ xét xử năm 1804 và hành quyết Louis Antoine de Bourbon, Công tước xứ Enghien, theo lệnh của Napoléon. Nguồn khác, Tự điển Danh ngôn Oxford, cho đó là nhận định của  Antoine Boulay de la Meurthe, dân biểu của Meurthe; theo John Bartlett, Danh ngôn quen thuộc, ấn bản lần thứ 10 (1919), http: / /www.bartleby.com/100/758.1.html, thì người nói câu trên là Joseph Fouché, cảnh sát trưởng của Napoléon.

Nguồn: https://quotepark.com/quotes/1894062-charles-maurice-de-talleyrand-perigord-it-is-worse-than-a-crime-it-is-a-mistake/