Putin trước những lựa chọn hóc búa

 Michael Kimmage và Maria Lipman | Trà Mi

Tại sao kẻ chuyên quyền Nga không thể huy động cũng như không thể rút lui

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, tháng 12 năm 2018. Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rơi vào một vị trí không ai muốn. Nước của ông có đủ tài nguyên để mãi mãi gây thiệt hại cho Ukraine. Nhưng vì giai đoạn đầu của cuộc chiến quá tốn kém cho Nga và vì quân đội Ukraine kiên cường chiến đấu chống xâm lăng, nên Nga đang gặp phải nhiều khó khăn trầm trọng nếu muốn đạt được bất cứ điều gì có ý nghĩa trên chiến trường mà không cần dùng đến nhiều quân hơn hiện nay.

Về mặt lý thuyết, việc động viên một số lớn lính trừ bị và đặt xã hội Nga công khai vào tình trạng chiến tranh sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng đó là điều dân Nga không được chuẩn bị. Cho đến nay, Putin gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “hành quân đặc biệt” và chỉ tổ chức một cuộc tập họp lớn để ủng hộ chiến tranh. Việc tổng động viên, khiến chiến tranh trở thành một thực tế không thể tránh khỏi trong cuộc sống của người Nga, sẽ cách mạng hóa chế độ mà Putin đã xây dựng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000. Chủ nghĩa Putin là một công thức: chính phủ không khuyến khích người dân can thiệp vào chính trị, và phần lớn để yên cho họ, và dân chúng sẵn sàng từ bỏ trách nhiệm của họ về việc lấy quyết định. Năm 2014, Putin đã đạt được những mục tiêu quân sự ở Ukraine mà không cần triệt để định nghĩa lại nền chính trị Nga. Điều đó nay không còn là một lựa chọn nữa.

Nếu Putin quyết định tổng động viên, ông ấy sẽ thay đổi thỏa thuận đã có với dân Nga và có thể gây bất ổn cho chế độ của ông ta. Trong lúc Hoa Kỳ quan sát từ bên lề, họ có thể cảm thấy muốn khuyến khích người Nga quay lưng lại với Putin. Tuy nhiên, không có ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng thực sự đến dư luận Nga, chính quyền Biden có thể cố gắng hết sức để tránh những sai lầm tai hại. Điều quan trọng nhất sẽ là nỗ lực để hiểu cách thức và lý do tại sao người Nga nghĩ những gì họ làm. Trong cuộc xung đột lâu dài đang diễn ra, sự tò mò sẽ là một mặt hàng quý giá.

KHÔNG CÓ GÌ Ở ĐÂY ĐỂ XEM

Trong khoảng mười năm đầu tiên kể từ khi Putin nắm quyền, “hiệp ước không tham gia” giữa Điện Kremlin và dân Nga đã có hiệu lực. Đó là một thỏa thuận bất thành văn giữa người cai trị và người bị trị: “Đừng lay thuyền, và bạn sẽ được hưởng sự ổn định, thịnh vượng tương đối và cơ hội hoàn thành ước nguyện hoặc làm giàu.” Nhưng cả hai bên đều vi phạm hiệp ước này vào tháng 12 năm 2011. Thất vọng trước việc Putin trở lại vai trò tổng thống và những cuộc bầu cử quốc hội gian lận, những người biểu tình đã hô vang, “Nước Nga không có Putin”. Đáp lại, Điện Kremlin bắt đầu cắt đứt những quyền và tự do mà xã hội Nga được hưởng cho đến thời điểm đó, khiến đa số người yêu nước mất đi những quyền mà chế độ này coi là “hiện đại hóa” và “phương Tây hóa” quá mức. Sau cuộc đụng độ này, một phiên bản của sự bình thường đã trở lại, nhưng sự ưa chuộng đối với Putin giảm sút và tính hợp pháp của chế độ bắt đầu bị xói mòn. Chương mới này của nhiệm kỳ tổng thống của Putin bắt đầu — khoảng năm 2011 — bằng một sự chua chát.

Vào mùa thu năm 2013, Putin đang chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi, một thị trấn nghỉ mát của Nga trên Biển Đen.  Dường như ông không có những cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài trong chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, cuộc nổi dậy Maidan ở Ukraine ủng hộ châu Âu và việc tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovych, bị lật đổ bất ngờ đã thay đổi cách tính toán của Putin. Ông coi Yanukovych là người của mình và mong ông ta giữ Ukraine trong quỹ đạo của Nga. Khi Yanukovych đổ, đó là một tình trạng mà Putin cảm thấy vượt khỏi tầm kiểm soát của ông ta. Putin sáp nhập Crimea và can thiệp vào phe nổi dậy có vũ trang ở miền đông Ukraine, dần dần cài đặt quân đội Nga và giao cho Moscow một vai trò gần như đế quốc ở Donbas.

Việc sáp nhập Crimea đã đi một chặng đường dài để khôi phục sự ủng hộ của công chúng đối với Putin. Nó tạo ra một sự bùng nổ lòng yêu nước tự phát và xác nhận tâm trạng đối đầu với phương Tây. Nhưng Điện Kremlin đã không để cuộc xung đột xâm phạm quá nhiều vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân Nga, để phần lớn xã hội sinh hoạt bình thường.

Hoa Kỳ và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và làm kinh tế suy giảm mạnh vào năm 2015, nhưng theo thời gian, nền kinh tế ổn định và người dân có thể điều chỉnh. Nếu những hoạt động chính trị chống lại chế độ bị đàn áp, thì những tổ chức xã hội dân sự vẫn được phép hoạt động. Những công tác từ thiện, giáo dục và văn hóa vẫn tiếp tục: những tổ chức phi chính phủ, những tổ chức tư vấn và giới truyền thông không đồng hành với chính phủ có thể thực hiện công việc riêng của họ. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ (vì nhiều lý do khác nhau) đôi khi bị trấn áp tàn bạo, nhưng mỗi khi làn sóng phản đối đến thì nó lại bùng lên nhưng không gây ra bất cứ phong trào nào và không có lý do gì để Điện Kremlin phải lo lắng nghiêm trọng. Bằng cách này, Putin đã thay đổi bản chất của chính trị Nga vào năm 2014 mà không hoàn toàn phải đúc lại nó.

Những cuộc giao tranh ở Donbas diễn ra từng đợt. Khi cường độ giảm đi phần nào sau năm 2014, chính sách đối ngoại đã mờ dần trong nhận thức của công chúng ở Nga. Nội chiến Syria, nơi quân đội Nga tham chiến như đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dường như ở rất xa và không gây thương vong lớn cho quân Nga. Mặc dù không bao giờ thiếu những cuộc khủng hoảng quốc tế, nhưng những ai muốn bỏ qua thì đã không màng đến.

MỘT CUỘC CHIẾN KHÔNG QUÁ XA

Đến năm 2020, chính phủ Nga không còn lạc quan về viễn cảnh bất đồng chính kiến. Nhân vật đối lập hàng đầu của Nga, Alexei Navalny, phải gánh chịu hậu quả của sự tức giận ngày càng gia tăng của chính phủ. Ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok vào tháng 8 năm 2020 và phải sang Đức để dưỡng bệnh. Khi Navalny trở lại Nga vào tháng 1 năm 2021, ông ta đã bị bắt. Sau khi Navalny bị bắt, nhóm của ông đã công bố một trong những video đặc điểm phân biệt của ông ta phơi bày sự tham nhũng của thượng tầng giới tinh hoa, và lần này mục tiêu bị lộ là chính là Putin. Navalny không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với quyền lực của Putin. Tuy nhiên, ông là đối trọng với sự được ưa chuộng của Putin, một vấn đề được Điện Kremlin quan tâm hàng đầu, vì địa vị không bị thách đố và tỷ lệ được chấp thuận cao của Putin là nền tảng chính của sự ổn định chính trị.

Sự bình thường và ổn định có thể là ảo tưởng đối với dân Nga vào năm 2020 và vào năm 2021. Tuy nhiên, đó là những ảo tưởng bền vững. Cuộc chiến mà Putin bắt đầu vào tháng Hai năm nay đã phá tan những ảo tưởng này. Phạm vi của cuộc xâm lăng của Nga lớn hơn rất nhiều so với bất cứ chuyện gì đã xảy ra trong năm 2014, và sự rạn nứt giữa Nga và phương Tây gần như chưa có tiền lệ: phạm vi trừng phạt, hạn chế đi lại, đóng cửa hoặc rút lui những thể chế phương Tây ra khỏi Nga. Và vì vậy, trong những tháng tới, Putin sẽ phải đối phó với một sự lựa chọn nghiêm trọng. Ông có thể xuống thang chiến tranh và cố gắng hàn gắn quan hệ với phương Tây. Hoặc ông có thể tiến hành chiến tranh toàn diện nhằm vào Ukraine, đào sâu thêm mối quan hệ đã rạn nứt với châu Âu và Mỹ.

Chiến tranh toàn diện ít nhất sẽ đòi hỏi gia tăng huy động. Nhờ đó, Putin có thể có nhiều lựa chọn ở chiến trường hơn. Ở đây, “huy động” có hai nghĩa: chuẩn bị một đội quân cho chiến tranh bằng cách động viên quân trừ bị và chuyên gia và định hướng xã hội Nga hoàn toàn theo hướng chiến tranh. Công tác huy động đó khuấy động vào cả hai hoạt động đối nội và đối ngoại; nó có khuynh hướng xác định chính trị là gây hấn và gây hấn là chính trị; và nó khuyến khích chủ nghĩa jingoism (sô-vanh hiếu chiến). Nếu Putin chọn huy động theo cả hai nghĩa của từ này, thì ông ấy sẽ cần phải xây dựng một lý luận vững chắc để kêu gọi được lòng yêu nước của binh sĩ. Ông ấy sẽ phải định hình cuộc đối đầu rõ ràng hơn như một cuộc chiến chống lại phương Tây, trong khi coi Ukraine là kẻ thù. (Hiện nay, người Ukraine thường được gọi là “anh em”, “cùng một dân tộc”, trong khi Điện Kremlin tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại “Đức Quốc xã”.) Cuộc sống quy ước sẽ chấm dứt, không tái sinh đến khi chiến tranh kết thúc bất cứ khi nào nó có thể xảy ra và xảy ra như thế nào.

Việc huy động toàn dân sẽ khiến chiến tranh trở thành một thực tế không thể tránh khỏi đối với cuộc sống của người Nga.

Đối với Putin, sự huy động sẽ mở rộng ra một loạt các mục tiêu chiến tranh: một cuộc tấn công một lần nữa vào Kyiv, một cuộc tấn công cắt Ukraine thành hai nửa phía đông và phía tây, hoặc một nỗ lực phối hợp để biến Ukraine thành một quốc gia thất bại, cơ sở hạ tầng, những thành phố và nền kinh tế của nó bị phá hủy hoàn toàn.

Việc huy động sẽ đồng thời gây ra những nguy hiểm chính trị lớn cho Putin. Ông xây dựng chế độ của mình dựa trên việc tách rời công chúng khỏi chính trị và chính sách đối ngoại. Và như vậy sẽ rất nguy hiểm khi công bố một cái gì đó giống như một cuộc chiến tranh nhân dân, trái ngược với một “cuộc hành quân đặc biệt”. Việc huy động sẽ đòi hỏi dân Nga phải tích cực tham gia vào cuộc chiến và hậu thuẫn những lý lẽ và mục tiêu của nó, điều này sẽ phải rõ ràng và chắc chắn. Cho đến nay, những lý do chính thức của cuộc chiến vẫn còn mơ hồ và đang thay đổi. Việc huy động quần chúng cũng không nhất thiết phải  là một tiến trình có kiểm soát. Nó có thể triệt để giao quyền cho phe diều hâu nhất trong giới tinh hoa, kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa theo những cách không thể đoán trước, đặc biệt nếu chiến tranh không diễn ra suôn sẻ.

AI TIN NHỮNG VIỆC NÀY?

Luận điệu chính thức về chiến tranh của Nga cũng quen thuộc và trôi chảy. Bị phương Tây khiêu khích và bằng những hành động tàn bạo do chính phủ Ukraine gây ra ở Donbas từ năm 2014, nên Nga đã buộc phải tham gia vào một “cuộc hành quân đặc biệt”. Ngay từ đầu và không liên tục, luận điệu này đã gắn liền với việc “phi quân sự hóa” và “phi quốc xã hóa”  Ukraine và sự độc lập hoàn toàn của các vùng Donetsk và Luhansk (hoặc oblasts), một hành động dùng để biện minh cho cuộc chiến kiên định nhất. Sự sống còn của Ukraine như một phần mở rộng tự nhiên của “thế giới Nga” cũng được nhấn mạnh. Cốt lõi của những luận điệu này là dự đoán rằng NATO sẽ tấn công Nga, khiến “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine về bản chất là phòng ngừa. Cuộc chiến diễn ra ở một không gian giữa một thứ gì đó bị giới hạn, một thứ gì đó ít hơn nhiều so với một cuộc chiến và “cuộc đấu tranh hiện sinh” chống lại phương Tây, chống lại NATO và chống lại những mẫu hình của Hoa Kỳ và các đồng minh lớn ở châu Âu.

Tất nhiên, các kiến trúc sư của “cuộc hành quân đặc biệt” nói rằng nó đang diễn ra tốt đẹp. Luận điệu chính thức ngụ ý nói rằng nếu Hoa Kỳ và đồng minh của họ không trang bị vũ khí cho Ukraine, thao túng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thông qua việc ông ta kích động chủ nghĩa dân tộc Ukraine và “chủ nghĩa Quốc xã” thì mọi việc sẽ tốt hơn. Trong luận điệu của Điện Kremlin, có rất nhiều nhân vật phản diện — không chỉ Hoa Kỳ, mà còn cả Anh, Ba Lan, các nước Cộng hòa Baltic và những đồng minh lớn ở Châu Âu.

Một số người Nga phản đối chiến tranh, một số không muốn nghe tin xấu về cuộc chiến và tức giận khi phải đối diện với bằng chứng của những hành động tàn bạo. Một số thì lo lắng ủng hộ chiến tranh, và một số, những người hết mực tin tưởng, kiên quyết ủng hộ chiến tranh. Quan trọng nhất, nhiều người không muốn vướng bận: đó là cuộc chiến của Ukraine; đó là cuộc chiến của Điện Kremlin; nó không phải là cuộc chiến của họ. Không có dữ liệu khảo sát nào có thể làm rõ những điều chỉnh của kính vạn hoa về cảm giác và thái độ trong một quốc gia đang có chiến tranh. Những căng thẳng và mâu thuẫn không chỉ diễn ra ở các nhóm người khác nhau. Chúng diễn ra trong tâm trí của từng người.

Điều thích đáng nhất đối với công luận Nga là cuộc chiến vẫn chưa được cảm thấy ngay tại Nga. Có rất ít cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự ở Nga. Đối với hầu hết mọi người, việc hạn chế đi lại và áp lực kinh tế của những lệnh trừng phạt đã không làm cuộc sống hàng ngày của họ thay đổi đáng kể. Đối với những gia đình có thành viên trong quân đội và đối với những gia đình của những người lính bị gọi đi quân dịch thì cuộc chiến đương nhiên không phải là việc xa vời. Điện Kremlin hầu như không đề cập đế số thương vong, khiến nhiều người Nga không biết. Đối với đại đa số người Nga, chiến tranh hầu như không thấm vào đâu. Đó là lý do tại sao việc huy động sẽ đặt ra một thách thức lơn như vậy: nó có nghĩa là chuyển từ “cuộc hành quân đặc biệt” sang “chiến tranh nhân dân” và cùng với đó, mất đi ảo tưởng rằng chiến tranh xa ở đâu đâu. Những đau khổ và thương vong của một cuộc chiến toàn diện sẽ cần phải được đáp ứng bằng những hy sinh tương xứng ở trong nước. Nỗi sợ hãi và tức giận sẽ lan rộng khắp xã hội Nga mà nhiều chục năm qua đã được khuyến khích tránh xa những cảm xúc mạnh về chính trị.

KHÔNG LÀM HẠI

Nếu Putin quyết định tổng động viên, và Điện Kremlin thất bại, Hoa Kỳ có thể muốn tận dụng lợi thế của tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ muốn trục xuất quân đội Nga khỏi Ukraine. Ít nhất một số trong giới chức chính phủ Hoa Kỳ đã bàn đến việc đi xa hơn và về việc đẩy nhanh tiến trình tan rã tổng thể của quân đội Nga. Một số người tin rằng cần làm việc đó để làm bẽ mặt Nga. Nhưng Hoa Kỳ ở vị thế là phương tiện phản đối chiến tranh hoặc tinh thần chống Putin trong nội bộ Nga không chỉ là điều không chắc sẽ xảy ra mà gần như chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng ngược. Hoa Kỳ nên cố gắng và  chính thức tỏ ra  không thể biết nội tình chính trị của Nga, kiềm chế bình luận công khai và không liên kết với những phong trào đối lập. Điều này không liên quan gì đến việc lo sợ về sự nhạy cảm chính trị của Điện Kremlin. Mục tiêu là để không gian chính trị Nga rộng mở cho người Nga tiến tới một nước Nga thời hậu Putin bằng chính động cơ của họ.

Tuy nhiên, tiến hành một cách nhẹ nhàng và thận trọng, chính quyền Biden nên hành động đối với công luận Nga theo hai cách. Chỉ nên làm những gì nhỏ có thể để nuôi dưỡng thiện chí. Washington có thể giải thích rằng mong sự tốt lành cho Ukraine  không chuyển thành cầu cho việc xấu xa xảy đến với người dân Nga. Hành động này có thể khó dung hòa với sự phẫn nộ của nhiều người Mỹ về cách mà Nga tiến hành cuộc chiếnxâm lăng. Những biểu hiện thiện chí cũng có thể khó nhận ra. Chính phủ Hoa Kỳ có ít phương tiện để giao tiếp với công chúng Nga. Nhưng giá trị của những biểu hiện này là hiển nhiên. Vô lý mà chính phủ Hoa Kỳ lặp lại tổng cộng bằng không, ta so với địch, nhị phân Đông-Tây mà Putin đã dùng để giải thích và biện minh cho cuộc chiến của ông ta.

Khi những tu từ công khai của Tổng thống Biden là điều phải quan tâm thì quy tắc căn bản phải là không gây hại. Với việc Hoa Kỳ mạnh mẽ đứng về phía quân đội Ukraine, khả năng thuyết phục trực tiếp người Nga hoặc thu hút bất kỳ loại cảm tình nào cho Biden là rất khiêm tốn. Điều thú vị là, Biden đã cố gắng gửi một thông điệp thiện chí tới người dân Nga khi ông đến thăm Warsaw vào tháng Ba. Trong một bài phát biểu, Biden cố gắng không coi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine là trái ngược với lợi ích của người dân Nga. Nhưng một đoạn ở phần cuối, nói về Putin, ông cương đại  — “Lạy Chúa tôi, ông này không thể tiếp tục nắm quyền” — đã là chủ đề  của những cuộc thảo luận trong nhiều ngày sau đó. Thông điệp thiện chí của Biden bị thổi bay mất. Ở Nga, người ta nghi ngờ rằng bất kỳ phần nào trong bài phát biểu của Biden ngoại trừ những lời của ông về Putin được phát đi trên truyền hình. Cho rằng mục tiêu của Hoa Kỳ không thể là sự đầu hàng vô điều kiện của Nga, việc nói về việc đánh bại Nga và thậm chí làm suy yếu Nga là đánh lạc hướng: tốt hơn là một loạt các mục tiêu liên quan đến chủ quyền và độc lập của Ukraine. Là một chiến lược truyền thông đối với Nga, việc nói về việc đánh bại hoặc làm suy yếu Nga càng đào sâu thêm sự xa lánh với phương Tây của đại đa số người dân Nga, kể cả những người nghi ngờ về cuộc chiến.

Đối với đại đa số người Nga, chiến tranh hầu như không thấm.

Tỷ lệ giữa dân số Nga với dân số quốc gia ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. (Bảng dữ liệu của Öncel Sencerman)

Cuối cùng, chính quyền Biden có khối tài nguyên đáng kể trong cộng đồng người Nga. Hiện có hàng trăm ngàn người Nga có trình độ học vấn cao, sống ở các thành phố trên khắp châu Âu, ở Trung Á, ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở Nam Kavkaz. Một số đã rời đi vì lý do kinh tế, nghĩ rằng tương lai tài chính của Nga rất mù mờ. Nhiều người đã bỏ đi vì họ không thể đối phó với chiến tranh. Họ không thành lập một chính phủ lưu vong và không có khả năng dẫn đầu một tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Nga. Vì đã bỏ đi, họ có thể không được chào đón đặc biệt ngay cả ở một nước Nga thời hậu Putin. Những người bỏ Nga đi trong một làn sóng di cư trước đó, sau Cách mạng Nga năm 1917, không bị ảnh hưởng gì đến các diễn biến chính trị ở Liên Xô. Rất ít người từng quay trở lại, và chỉ một số ít sống sót để chứng kiến nó sụp đổ vào năm 1991. Tương tự như vậy, cộng đồng người Nga hải ngoại ở thế kỷ XXI khó có thể trở thành phương tiện để biến đổi nước Nga. Họ cũng có thể không bao giờ trở lại.

Người Nga gốc Do Thái di cư đến Thành phố Quebec khoảng 1911. Ảnh: Topley Studio/https://www.collectionscanada.gc.ca

Tuy nhiên, dù những đóng góp của cộng đồng người Nga ở nước ngoài cho nền chính trị Nga có thể là rất nhỏ, nhưng không phải là không có ý nghĩa. Cộng đồng người Nga hải ngoại sẽ duy trì những mô hình sáng tạo văn hóa không bị chế độ Putin ràng buộc. Vào thời điểm mà việc đi lại và giao thương giữa Nga-phương Tây đang giảm dần, cộng đồng người Nga ở nước ngoài sẽ đóng vai trò như một cầu nối kinh tế giữa người Nga và thế giới không thuộc Nga. Nó sẽ tạo ra những cuộc thảo luận và tranh luận lan sang Nga qua ngã gia đình, bạn bè và bằng những mạng truyền thông xã hội. Nó sẽ là hiện thân một nước Nga không tương đương với các chiến lược và tuyên bố của Putin.

Năm 1990, sử gia Marc Raeff đã công bố một khám phá tinh tế về một cộng đồng di cư Nga thay thế cho Liên Xô. Ông đặt tên nó là ‘Nước Nga ở hải ngoại, Lịch sử văn hóa của cuộc di cư của người Nga, 1919-1939’. Raeff là con của những người Nga rời bỏ đất nước của họ sau cuộc Cách mạng Bolshevik, và là sản phẩm của mội trường châu Âu mà cha mẹ ông sinh sống sau khi họ di cư. Nhưng trong công việc, Raeff đã tránh được cả những hoài niệm và sự cay đắng thường đi theo như một hệ luận của đời lưu vong. Thay vào đó, ông nhìn thấy sức mạnh và tiềm năng của một cộng đồng di dân phương xa. Raeff viết, lúc đầu, những người di cư “‘không mở’ mà chỉ ngồi trên vali của họ” vì họ chắc chắn rằng Liên Xô sẽ nhanh chóng sụp đổ. Trong niềm hy vọng đó, họ đã thất vọng, nhưng theo thời gian, họ đã chứng minh “cách một cộng đồng lưu vong có thể tiếp tục sự hiện hữu một cách sáng tạo, bất chấp sự phân tán và những thua thiệt về kinh tế xã hội hoặc chính trị.”

Tiềm năng tương tự giờ đây nằm trong một phiên bản mới của “Nước Nga ở hải ngoại”. Nó không nên bị bỏ qua.

Tác giả

  • Michael Kimmage là Giáo sư Sử tại Đại học Thiên chúa giáo Hoa Kỳ và là Thành viên thỉnh giảng tại Quỹ Marshall của Đức. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông làm việc trong khối Nhân viên Lập Chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phụ trách mục đầu tư của Nga/Ukraine.
  • Maria Lipman là Thành viên Nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Châu Âu, Nga và Á-Âu của Đại học George Washington và là Đồng biên tập viên trang web Russia.Post mới ra mắt của Viện.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Putin’s Hard Choices | Michael Kimmage and Maria Lipman | Foreign Affairs | May 31, 2022.