Mea Culpa: Quy trình chọn Lãnh đạo đảng Bảo thủ mà tôi đã giúp phát minh ra cần được đại tu

Geoff Norquay | DCVOnline

Mặc dù hội chứng thay đổi lãnh đạo như chong chóng của Đảng Bảo thủ Canada thường bị đổ lỗi cho sự chia rẽ nội bộ, nhưng quy trình lựa chọn người lãnh đạo có thể là một yếu tố góp phần. Nỗi nhớ về cảnh cũ sẽ không đưa đại hội thật với những màn phản bội trắng trợn và những trận đấu đá  sôi nổi trở về hiện tại, nhưng quy trình lựa chọn lãnh đạo hiện tại, một đảng viên một phiếu bầu, có những sai sót nghiêm trọng. Chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Bảo thủ  Geoff Norquay và một chủ nhân của tổ hợp tư vấn Earnscliffe Strategies, người đã giúp tạo ra hệ thống để bầu chọn lãnh đạo hiện tại của đảng Bảo thủ có một số đề nghị.

Đến ngày 10 tháng 9, Đảng Bảo thủ Canada sẽ dành tổng cộng 22 tháng trong 5 năm qua để tìm một người lãnh đạo mới. Đó là những gì mà hai người lãnh đạo mới đây đã thất bại và việc tìm một người thứ ba mang lại cho bạn đọc, và đó là một khoảng thời gian dài khủng khiếp để đảng cầm quyền thay thế của Canada bị cầm chân — bị  còng tay vì lãnh đạo lâm thời, không thể lập kế hoạch lâu dài hơn và không thể làm tròn trách nhiệm buộc chính phủ phải giải trình.

Lý do có cuộc tranh cử lãnh đạo kéo dài của đảng Bảo thủ là họ dựa trên hệ thống một đảng viên một phiếu bầu kèm theo việc công khai chiêu mộ đảng viên và như vậy có nghĩa là các ứng cử viên cần có thời gian để quy tụ thêm đảng viên mới. Chiêu mộ đảng viên công khai có những ảnh hưởng dễ bị chỉ trích — rằng việc ghi danh đảng viên mới tốn nhiều công sức và tốn kém — vì vậy đảng tự tạo việc có thể có những hoạt động gây quỹ không chính thức, mờ ám, mua hàng loạt thẻ đảng thay mặt cho người khác và có cả đảng viên giả mạo. Như Andrew Coyne, nhà báo của chuyên mục của tờ Globe and Mail gần đây đã viết,

“Ngay cả khi các ứng cử viên không tham nhũng, thì quy trình này vẫn đang hỏng hóc, tạo ra những ứng cử viên và người lãnh đạo rất khác biệt so với trường hợp khác.”

Andrew Coyne

Những sự kiện gần đây dẫn đến việc loại Patrick Brown khỏi cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ hiện tại minh họa cho những rủi ro này.

Chiêu mộ đảng viên công khai cũng làm cho quy trình chọn lãnh đạo dễ bị ảnh hưởng đến kết quả vì những nhóm lợi ích đặc biệt đang tìm cách ảnh hưởng đến chính sách miễn là ứng viên của họ  được chọn là người lãnh đạo.

Mặc dù những cuộc đua trang ghế lãnh đạo từng được tổ chức theo một cách hoàn toàn khác, qua đại hội của đại biểu được ủy quyền, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo cách đó. Trong 50 năm lịch sử đầu tiên của Canada, quy trình lựa chọn lãnh đạo là một quy trình không chính thức và dành cho giới ưu tú, với những người lãnh đạo cả hai đảng Bảo thủ và Tự do được lựa chọn qua sự tham vấn và với sự tham gia của những người lãnh đạo đã nghỉ hưu, dân biểu của đảng ở quốc hội, những nhân vật nổi tiếng của đảng và những người gây quỹ, và vị toàn quyền. Đến những năm 1920, cả hai đảng đã chuyển sang lựa chọn lãnh đạo tại những đại hội quốc gia, trong đó mỗi khu vực bầu cử cử một số đại biểu bằng nhau để bầu ra người lãnh đạo mới. Trong nội bộ Đảng Bảo thủ Cấp tiến trước đây, cách chọn một người lãnh đạo mới đã được áp dụng như vậy cho đến giữa những năm 1990.

Sau thất bại nặng nề của Đảng Bảo thủ Cấp tiến trong cuộc bầu cử năm 1993, khiến họ chỉ còn hai ghế trong Hạ viện, người lãnh đạo mới, Jean Charest, đã thành lập Ủy ban Tái cấu trúc Quốc gia để xem xét hoạt động, cơ cấu quản trị, phát triển chính sách và lãnh đạo của đảng, quy trình lựa chọn. Tiết lộ công khai: với tư cách là giám đốc nghiên cứu của ủy ban, tôi đã viết bài phân tích dẫn đến việc thông qua cách lựa chọn lãnh đạo chỉ với mỗi đảng viên một phiếu của chính đảng liên bang đầu tiên trong nước làm như vậy: Mea culpa!

Vì khi ủy ban họp với các đảng viên trên toàn quốc, họ phàn nàn rằng quy trình lựa chọn các đại biểu khu vực bầu cử tham dự đại hội bầu lãnh đạo đã “gây chia rẽ và phá hoại.” Họ lập luận rằng những vết sẹo do những trận chiến này để lại “đôi khi lâu dài hoặc vĩnh viễn, và cản trở tiến trình hòa giải và tái thiết phải diễn ra sau khi đã quyết định ai là ngườin lãnh đạo.”

Nhóm của John Crosbie đã  đem một khinh khí cầu không lồ vào đại hội đảng năm 1983 giúp cho việc bầu Brian Mulroney làm lãnh đạo đảng Bảo thủ Cấp tiến. Vậy thì có gì có thể đã sai?

Trong khi một số đảng viên cảm thấy rằng đại hội với đại biểu được ủy nhiệm “giữ lại và yểm trợ ảnh hưởng của khu vực cử tri trong tiến trình lựa chọn lãnh đạo”, do đó đảm bảo trách nhiệm giải trình trong tương lai của người lãnh đạo, đa số rõ ràng muốn chuyển sang hình thức đảng viên trực tiếp bầu chọn người lãnh đạo, coi cách lựa chọn mới là “dân chủ hơn, cởi mở và dễ thực hiện hơn.” Họ cũng lập luận rằng với việc mọi đảng viên đều có thể bỏ phiếu cho người lãnh đạo, “có một động lực rất lớn để chiêu mộ đảng viên mới vào đảng.” Một đại hội đảng sau đó đã ký kết thỏa thuận, chọn quy trình lãnh đạo bầu cử trực tiếp, theo đó, được Đảng Bảo thủ mới thành lập của Canada thông qua vào năm 2004. Tất cả những chính đảng liên bang ở Canada hiện đã áp dụng một số hình thức lựa chọn lãnh đạo dựa trên đảng viên.

Trên bề mặt, bầu cử trực tiếp người lãnh đạo có vẻ có ý nghĩa rất nhiều. Nó mang tính dân chủ toàn diện hơn so với đại hội với những đại biểu được ủy quyền, và nó có thêm lợi thế là mang “máu mới” vào đảng qua việc chiêu mộ đảng viên. Cùng với hệ thống 100 điểm cho mỗi khu vực bầu cử, hệ thống này đã ngăn chặn các khu vực bầu cử có 2.000 đảng viên có thể áp đảo những khu vực chỉ có 200 đảng viên, nó khuyến khích ứng cử viên lãnh đạo chiêu mộ đảng viên ở những khu vực mà đảng yếu nhất. Nhưng đây là những gì một người theo đảng Bảo thủ lâu năm nói về “lợi thế” đó: “Xếp  đặt ở chi bộ của đảng chưa lỗi thời trong tiến trình lựa chọn lãnh đạo của đảng Bảo thủ — nó chỉ đơn thuần là tràn vào (bằng cách mua 10 hoặc 20 thẻ đảng viên trong một số trường hợp) những chi bộ đảng hầu như  không hoạt động để giành lấy 100 điểm.”

Việc công khai chiêu mộ đảng viên mới và bầu cử trực tiếp cũng đã đẩy những đảng viên trong ban tổ chức của đảng và những đảng viên vững chắc nhất ở địa phương ra rìa, những người đã bỏ nhiều công sức, chiêu mộ và huấn luyện ứng cử viên tiếp theo, gây quỹ, điều hành văn phòng tranh cử và gõ cửa, vận động  từng nhà trong giai đoạn bầu cử. Ngày nay, ai biết được liệu hàng nghìn đảng viên mới được chiêu mộ sẽ hỗ trợ một ứng cử viên lãnh đạo cụ thể có gắn bó với địa phương để đóng góp lâu dài cho địa phương hay không?

Bất chấp những điểm không hoàn hảo của đại hội với đại biểu được ủy quyền, những chính đảng đã mất mát rất nhiều sau sự sụp đổ của hệ thống này. Những đại biểu đảng ở địa phương tham dự đại hội bầu lãnh đạo đã bị tước đi cơ hội gặp gỡ với tư cách là một đảng viên của đảng, gắn kết với các đảng viên khác và tham gia vào một sinh hoạt tầm cỡ quốc gia. Như sử gia John Courtney đã viết, “Một cuộc đua dành cho truyền hình, cho dù trong lĩnh vực chính trị hay thể thao” một đại hội chọn người lãnh đạo kéo dài vài ngày đã tạo cơ hội rất lớn cho đảng giới thiệu đảng với người dân cả nước trên truyền hình quốc gia. Qua các cuộc bỏ phiếu liên tiếp, cuộc cận chiến giữa các ứng cử viên có thể nhìn thấy rõ ràng và minh bạch, cũng như động lực và sự phấn khích của việc xây dựng liên minh trên sàn đại hội, trong thời gian thực.

Michael Wilson (P) và Peter Pocklington (T) đi sang ủng hộ Brian Mulroney sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại đại hội chọ lãnh đạo Đảng Bảo thủ Cấp tiến ở Ottawa vào ngày 11 tháng 6 năm 1983. Colin McConnell, Toronto Star Photograph Archive, được phép của Thư viện Công cộng Toronto

Tất cả những việc đó đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ:

Tại đại hội Tự do năm 1968 chọn Pierre Trudeau làm lãnh đạo, các máy quay truyền hình đã chụp được cảnh bộ trưởng y tế Judy LaMarsh cố gắng thuyết phục Paul Hellyer rút lui nhường cho Robert Winters để “ngăn chặn tên khốn Trudeau đó.”

Nhóm của John Crosbie đã  đem một khinh khí cầu không lồ vào đại hội đảng năm 1983 giúp cho việc bầu Brian Mulroney làm lãnh đạo đảng Bảo thủ Cấp tiến. Vậy thì có gì có thể đã sai? Quả khinh khí cầu đã mất kiểm soát và trở nên bất ổn, bay giữa 5.000 đại biểu, đâm vào khu của báo chí và máy thu hình. Đó là một phiên trực tiếp truyền hình tuyệt vời.

Tại đại hội bàu lãnh đạo của đảng Tân Dân chủ (NDP) năm 1989, ứng cử viên Simon de Jong đã suy nghĩ xem nên hỗ trợ ai sau khi ông bị loại khi cố gắng tìm mẹ để xin lời khuyên của bà: “Mẹ ơi, Mẹ ơi, con phải làm gì đây? Con nên đi đâu?

So sánh tất cả những chuyện đó với những gì diễn ra ngày nay trong các cuộc tranh cử lãnh đạo bằng hệ thống một đảng viên  một phiếu bầu. Tất cả các thỏa thuận để hỗ trợ bỏ phiếu vòng kế tiếp đều được thương lượng trước giữa các ứng cử viên và diễn ra trong bí mật. Một ứng cử viên có thể đưa ra bài phát biểu hay nhất trong cuộc đời của mình, nhưng điều đó không quan trọng, vì tất cả các phiếu bầu đã được bỏ ào phong bì, gửi đi và đã đếm trong những tuần trước đó. Trong một cuộc bầu chọn người lãnh đạo bằng những lá phiếu xếp hạng ưu tiên sẽ làm mất đi tình trạng hồi hộp chờ đợi của các cuộc bỏ phiếu liên tiếp và cách duy nhất mà một đảng  có thể duy trì tính sinh động của một cuộc trực tiếp truyền hình công bố tên người lãnh đạo mới là trì hoãn công bố kết quả của mỗi lượt đếm phiếu.

Hẳn là đại hội đảng với những đại biểu được ủy quyền sẽ không trở lại: những cải cách nhằm tăng cường sự tham gia và mở rộng dân chủ hiếm khi bị loại bỏ. Nhưng làm thế nào để mô hình Bảo thủ có thể được cải thiện, bắt đầu bằng cách rút ngắn nó?

Tiến trình thay thế Boris Johnson làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh cho một số ý kiến có ích. Đây là cách tiến trình đó diễn ra:

  • Johnson từ chức lãnh đạo vào ngày 7 tháng 7
  • Vào ngày đề cử, 12 tháng 7, tám ứng cử viên tuyên bố, đã nhận được sự ủng hộ của ít nhất 20 dân biểu để đi đến cuộc bỏ phiếu đầu tiên
  • Trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 21 tháng 7, các cuộc bỏ phiếu kín liên tiếp của đảng Bảo thủ cách nhau vài ngày đã giảm số ứng cử viên xuống từng người một, cho đến khi chỉ còn lại hai người.
  • Hơn 200.000 cá nhân đảng viên của đảng, những người đã trở thành đảng viên được ba tháng, sau đó có thể chọn người lãnh đạo bằng cách bỏ phiếu qua bưu điện, với kết quả sẽ công bố vào ngày 5 tháng 9.

Một số điểm của tiến trình này đáng được chú ý. Thứ nhất, trong giai đoạn đầu của phương pháp bầu lãnh đạo ở nước Anh, dân biểu Bảo thủ ở Quốc hội đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với đối tác Canada trong việc lựa chọn lãnh đạo; hệ thống của Anh đảm bảo ít nhất một mức hỗ trợ tối thiểu giữa các đảng viên đang là dân biểu quốc hội. Thứ hai, các cuộc bỏ phiếu kín từng vòng để giảm bớt số ứng cử viên, đơn giản hóa tiến trình bầu chọn cho cử tri của đảng và loại bỏ sự cần thiết phải có một lá phiếu xếp hạng ưu tiên có thể chuyển nhượng. Thứ ba, số đảng viên bị đóng băng kể từ ba tháng trước cuộc bỏ phiếu sau cùng, vì vậy nhu cầu chiêu mộ đảng viên mới của đảng đơn giản là không có. Thứ tư, toàn bộ quy trình của Anh từ đầu đến cuối phải được hoàn thành trong hai tháng, và tốn kép rất nhỏ và ít hao mòn hơn đáng kể cho những ứng cử viên và đảng so với cách bầu chọn lãnh đạo của Canada. Có lẽ quan trọng nhất, đảng sẽ không bị giảm xuống tình trạng như những người ngoài cuộc trong sáu tháng như ở Canada.

Khi Đảng Bảo thủ của Canada có những cuộc bầu cử lãnh đạo trong tương lai, đây là mô hình mà họ có thể muốn xem xét.

Tác giả | Nhà báo Geoff Norquay là cố vấn chính về chính sách xã hội tại Văn phòng Thủ tướng cho Brian Mulroney và giám đốc truyền thông dưới thời Stephen Harper tại Văn phòng Lãnh đạo đối lập từ năm 2004-06. Ông là một chủ nhân của tổ hợp  tư vấn Earnscliffe Strategies ở Ottawa.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Mea Culpa: The Conservative Leadership Process That I Helped Invent Needs an Overhaul |  Geoff Norquay | Policy Magazine | July 18, 2022.