Thế cờ đến Đài Loan của Nancy Pelosi

Michael Schuman | DCVOnline

Đài Bắc đang ăn mừng; Bắc Kinh đang sôi sục. Việc này có thể là một thời khắc gây hậu quả trong cuộc đối đầu giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ không chỉ đối với tương lai của hòn đảo mà còn của cả thế giới.

Phủ Tổng thống Taiwan. AP

Nhìn bề ngoài, chuyến đi của Nancy Pelosi đến Đài Loan giống như một chiến thắng của người Mỹ. Chủ tịch của Hạ viện Hoa Kỳ đã bay đến thủ phủ của đảo quốc vào ngày hôm qua, không hề nao núng trước những lời đe dọa của Trung Hoa và thông báo về những cuộc tập trận ở vùng biển xung quanh. Khi bà gặp tổng thống Đài Loan, Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) và nói chuyện với quốc hội của nước này, người lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình chỉ có thể bất lực đứng nhìn, không thể làm gì hơn là ra lệnh cho Giải phóng Quân Nhân dân tràn ra vùng biển gần đó để bày tỏ sự giận dữ và vô ích.

Câu chuyện này có những yếu tố của sự thật, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Chuyến đi của Pelosi có thể chỉ là khởi đầu chứ không phải kết thúc của cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ – Trung. Bắc Kinh có thể kéo dài phản ứng trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng với những hậu quả không thể lường trước được. Chỉ vài giờ trước khi Pelosi đến, Bộ Ngoại giao Trung Hoa cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ “phải trả giá” cho sự thách đố này. Ảnh hưởng thực sự của chuyến công du của Pelosi có thể không hiển hiện hết trong nhiều năm sắp tới.

Thế cờ Đài Loan của Pelosi đã củng cố những khuynh hướng trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa đang khiến cả hai quốc gia hướng tới xung đột ở Đông Á. Tham vọng hơn bao giờ hết, Bắc Kinh tin rằng Trung Hoa có quyền trở thành cường quốc tối cao trong khu vực và Mỹ đang cản đường họ. Tại Washington, D.C., giới hoạch định chính sách coi tương lai của Mỹ phụ thuộc vào châu Á và quyết tâm duy trì hoặc thậm chí mở rộng hệ thống liên minh trong khu vực để thu hút ảnh hưởng của Mỹ và kiềm chế Trung Hoa.

Đài Loan nằm ngay trên đường động đất giữa hai cường quốc cạnh tranh này và nghị trình của họ. Đối với Mỹ, Đài Loan không chỉ là một đồng minh lâu năm mà còn là một đối tác kinh tế quan trọng và là một mắt xích trong mạng lưới các nền dân chủ nhằm nâng cao sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đối với Trung Hoa, Đài Loan là một thành phần không thể thiếu trong quá trình vươn lên tầm vóc siêu cường của đất nước. Tuyên bố chủ quyền ở Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Hoa kể từ khi nước này đánh đuổi kẻ thù Quốc dân đảng ra khỏi đại lục chạy đến hòn đảo vào cuối cuộc nội chiến năm 1949. Cho đến ngày nay, Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh và vẫn là một phần không thể thiếu của Trung Hoa.

Chuyến đi của Pelosi đến Đài Loan đã làm gia tăng sự bất an trong giới lãnh đạo Trung Hoa về việc đạt được mục tiêu đó. Họ đã lo sợ rằng chính phủ ở Đài Bắc đang ngày càng lún sâu vào quỹ đạo của Mỹ, khiến cho “sự thống nhất hòa bình”, như họ gọi, ngày càng ít có thể xẩy ra hơn. Chuyến viếng thăm của Pelosi đã cho thấy những giới hạn về quyền lực của Bắc Kinh đối với hòn đảo — đặc biệt là với việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan — và những rủi ro gây ra cho chế độ Cộng sản. Theo nhận thức của Bắc Kinh, chuyến thăm của Pelosi đem lại tính hợp pháp cho chính phủ dân chủ của Đài Loan. Và nếu tất cả những lời dè bỉu và đe dọa của Bắc Kinh không thể xua đuổi ngay cả một người dân California tuổi bát tuần, thì làm gì có thể ngăn một đoàn những chức sắc nước ngoài đến thăm Đài Loan để thách thức Trung Hoa? Kết quả, giới lãnh đạo Trung Hoa lo sợ, có thể là Đài Loan sẽ chính thức tuyên bố độc lập  — một hành động mà họ không bao giờ có thể khoan nhượng.

Tất nhiên, Bắc Kinh đã phàn nàn về sự “can thiệp” của Mỹ vào Đài Loan trong nhiều chục năm qua. Và chuyến đi của Pelosi không phải là không có tiền lệ. Dân biểu và nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ thường xuyên đến Đài Loan, và một Chủ tịch khác của Hạ viện, Newt Gingrich, đã đến thăm Đài Loan 25 năm trước. Nhưng vấn đề Đài Loan đang có tầm quan trọng lớn hơn ở Trung Hoa vì những thay đổi đáng kể trong chính trị nội địa Trung Hoa. Ông Tập đã biện minh cho chế độ độc tài độc diễn của mình bằng cách hứa với công chúng Trung Hoa rằng ông sẽ đạt được cái mà ông gọi là “giấc mơ Trung Hoa” về sự trẻ trung hóa đất nước — việc này không thể thực hiện được nếu không thống nhất được với Đài Loan.

Những mục tiêu mang tính dân tộc chủ nghĩa như vậy cũng đang trở nên trung tâm hơn đối với chế độ Cộng sản như một nguồn cho sự hợp pháp. Trong nhiều chục năm, Đảng Cộng sản tin tưởng vào chương trình phát triển kinh tế thành công của họ để xác thực quyền [và độc quyền] cai trị, nhưng với việc nền kinh tế đang chậm lại, lập luận đó không còn giữ vai trò quan trọng nữa. Vì vậy, thông điệp đã chuyển từ “đảng sẽ làm cho Trung Hoa giàu có” thành “đảng sẽ làm cho Trung Hoa trở nên vĩ đại”. Điều đó không chỉ đòi hỏi phải  thống nhất được với Đài Loan, mà còn tìm cách trả thù những kẻ thù cố gắng ngăn cản và “kìm hãm Trung Hoa”.

Lựa chọn này thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc gia của Trung Hoa. Trong phần lớn bốn mươi năm qua, giới lãnh đạo có khuynh hướng đặt tăng trưởng kinh tế lên trên những mục tiêu chính sách khác. Do đó, cách giải quyết của họ đối với những vấn đề đối ngoại — tập trung vào những vấn đề phát triển — thường có thể dự đoán được. Giờ đây, đảng này đang chuyển sự chú ý đến việc chiến thắng trong chính sách đối ngoại, những chính sách của những nước mà họ cho là thù địch như một bằng chứng về năng lực của đảng và như một phương tiện để tập hợp sự ủng hộ trong nước.

Do đó mới có phản ứng cuồng loạn của Bắc Kinh đối với chuyến viếng thăm Đài Loan của Pelosi. Đối với giới lãnh đạo Trung Hoa, chuyến công du Đài Loan của bà ấy là một sự sỉ nhục khác do Hoa Kỳ gây ra, và một sự sỉ nhục không dễ dàng được tha thứ hay lãng quên. Nhưng ông Tập đã tự bôi tro trát trấu vào mặt mình. Phản ứng cực đoan của Bắc Kinh đối với chuyến đi được đã nâng cuộc thách đố lên mức bế tắc trực diện gữa siêu cường và Pelosi không chớp mắt. Ông Tập, người được cho là người vô địch của Trung Hoa, đã bị coi là yếu đuối trong mắt thế giới và tệ hơn nữa là trong mắt người dân của ông, những người đã theo dõi chuyến đi của Pelosi trên mạng xã hội.

Sự kiên trì của Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng làm gia tăng sự lo ngại ở Bắc Kinh rằng Washington đang tích cực làm việc để ngăn cản tiến trình thống nhất với Đài Loan. Về mặt chính thức, Hoa Kỳ vẫn duy trì “chính sách một Trung Hoa”, nhưng Bắc Kinh không tin vào điều đó. Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc Washington tuân theo chính sách một Trung Hoa “giả tạo” trong cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào tháng 10. Theo bản tóm tắt chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Hoa, trong cuộc thảo luận giữa giới lãnh đạo hai nước vào tuần trước, ông Tập đã cảnh cáo Tổng thống Joe Biden về vấn đề Đài Loan, nói với ông rằng “những kẻ đùa giỡn với lửa sẽ bị diệt vong.”

Việc Pelosi bất chấp những lời cảnh cáo như vậy khẳng định niềm tin ngày càng tăng của Bắc Kinh rằng Trung Hoa có thể không bao giờ đạt được sự vĩ đại của quốc gia khi Hoa Kỳ còn cố thủ ở Đông Á. Điều đó có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường nỗ lực phá hoại trật tự toàn cầu do Mỹ hậu thuẫn và củng cố quan hệ đối tác chống Mỹ của Tập với Vladimir Putin. Chuyến đi Đài Loan của Pelosi sau đó có thể gây ra hậu quả vượt xa eo biển Đài Loan và thậm chí cả Đông Á.

Lời chào mừng Chủ tịch Hạ viện Mỹ  Nancy Pelosi có thể nhìn thấy từ xa trên tòa nhà chọc trời “Đài Bắc 101”. Nguồn: Taipei101/AFP

Nhưng điều đáng lo ngại nhất, theo quan điểm của Bắc Kinh, là phản ứng đối với chuyến thăm của Pelosi từ chính Đài Loan. Giống như Pelosi, Tổng thống Thái Anh Văn gạt sang một bên các mối đe dọa của Hoa lục trong chuyến thăm vừa qua. Và thay vì co mình lại trước một Đảng Cộng sản phẫn nộ, người dân Đài Loan đã tuyên bố thách thức bằng ánh đèn của họ trên tòa nhà chọc trời cao nhất Đài Bắc, với thông điệp: Chủ tịch Hạ viện Pelosi… chào mừng bà đến với Đài Loan. Nói một cách đơn giản, Đài Loan đã xỉ nhục Tập Cận Bình. Bắc Kinh sẽ coi điều đó như một dấu hiệu cho thấy chuyến thăm của Pelosi đã khuyến khích Đài Loan chống lại Trung Hoa và giấc mơ thống nhất của Hoa lục.

Thật không may, tất cả những điều này làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn ở Đông Á. Để đối phó với sự xuất hiện của Pelosi, quân đội Trung Hoa đã thông báo bốn ngày tập trận tập trung xung quanh hòn đảo (bắt đầu từ thứ Năm, sau khi bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ rời Đài Loan), và có thể xâm phạm lãnh hải của đảo quốc. Điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra những hậu quả không lường trước được có thể dẫn đến xung đột toàn diện. Trong thời gian ngắn, các cuộc tập trận có thể gây hiệu ứng phong tỏa, có thể làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng. Bắc Kinh cũng đã chuyển sang chiến thuật thù địch thông thường của họ là biến thương mại thành vũ khí của nhà nước bằng cách cấm nhập cảng một số mặt hàng thực phẩm từ Đài Loan.

Không ai biết chuyện này sẽ kết thúc ra sao. Khi Đài Loan đứng vững, và Bắc Kinh ngày càng tuyệt vọng, mức độ ép buộc của Trung Hoa có thể tăng lên — tại một thời điểm nào đó nó có thể thuyết phục giới lãnh đạo Cộng sản rằng chỉ có chiến tranh mới có thể chiếm được Đài Loan. Khi những sự kiện này diễn ra, việc Mỹ và đồng minh có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực là điều không khó tưởng tượng. Sau đó, chuyến thăm của Pelosi là một bước trong quá trình biến cuộc chiến tranh vì Đài Loan từ một chuyện xa vời thành một nguy cơ thực sự khiến cả thế giới phải lo lắng.

Đó là lý do tại sao chuyến đi của Pelosi đến Đài Loan sẽ vẫn còn gây tranh cãi và một cuộc tranh luận gay gắt sẽ tiếp tục ở Hoa Kỳ về việc liệu các mối nguy hiểm của nó có xứng đáng với phần thưởng hay không. (Người dân Đài Loan cũng không thông nhất về vấn đề này.) Bởi vì tính chất biểu tượng thuần túy của chuyến thăm và với rất nhiều hệ quả, luận lý lạnh lùng cho thấy nó không đáng.

Nhưng đánh giá như vậy bỏ sót những gì mà đám đông phấn khích đã gặp Pelosi ở Đài Bắc chắc chắn hiểu. Người dân Đài Loan đã sẵn sàng quảng cáo sự xuất hiện của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ đỉnh tòa nhà cao nhất của họ, đến những gì có thể xẩy ra vì những lệnh trừng phạt và áp lực của Bắc Kinh. Sự hiện diện của Pelosi là một tín hiệu cho thấy người Đài Loan không đơn thân đối phó với một Trung Hoa độc tài, tức giận. Một cây bút xã luận trên Thời báo Đài Bắc đã hoan nghênh Pelosi là “một chiến hữu trong cuộc chiến chống lại chế độ chuyên chế và theo đuổi tự do.” Khi Hoa Kỳ và Trung Hoa tiến tới đối đầu, việc thể hiện quyết tâm của Pelosi có thể là điều cần thiết — để cho người Trung Hoa và thế giới thấy rằng Hoa Kỳ cũng không sợ hãi.

Tác giả | Michael Schuman là một nhà báo cộng tác với The Atlantic, và là tác giả của Superpower Interrupted: The Chinese History of the World và The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Gamble of Nancy Pelosi’s Visit to Taiwan  | Michael Schuman | The Atlantic | August 3, 2022.