Bí ẩn ở Mar-a-Lago: Mật vụ FBI muốn tìm cái gì và hậu quả là gì?

Becky Sullivan | DCVOnline

Cuộc khám xét bất ngờ hôm thứ Hai của FBI vào nhà của cựu Tổng thống Donald Trump — kể cả tủ sắt của ông ấy, theo Trump — đã đưa đến câu hỏi là việc khám xét có thể nói gì về một cuộc điều tra hình sự có thể xảy ra đối với cựu tổng thống và những người quanh ông.

Cảnh sát địa phương trước nhà của cựu Tổng thống Donald Trump tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Fla., hôm thứ Ba. Giorgio Viera / AFP qua Getty Images

Theo Christina Bobb, một luật sư đại diện cho Trump, cuộc khám xét bất ngờ liên quan đến hồ sơ tổng thống mà Trump đã đem ra khỏi Nhà Trắng khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm 2021.

Bobb cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba trên podcast Dinesh D’Souza, và nói thêm cuộc tìm kiếm kéo dài khoảng 10 giờ.

Việc thi hành lệnh khám xét cho thấy có sự leo thang đáng kể trong cuộc điều tra mà Bộ Tư pháp đã âm thầm thực hiện trong nhiều tháng qua.

FBI đang tìm những hồ sơ về chuyện gì?

Chúng ta vẫn chưa biết chính xác FBI đã tịch thu những gì trong cuộc khám xét bất ngờ. Nhưng cuộc tìm kiếm có thể liên quan đến 15 thùng tài liệu tổng thống đã được Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia (NARA) lấy ra khỏi Mar-a-Lago vào đầu năm nay.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland xác nhận vào tháng Hai là một số tài liệu thu được lúc đó là hồ sơ mật. Tập hồ sơ được cho là có cả thư từ giữa Trump và người lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un, cùng với một bức thư gửi do Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama viết cho Trump.

Vào thời điểm đó, NARA nói rằng các đại diện của Trump đang tiếp tục “tìm kiếm những hồ sơ bổ sung của Tổng thống thuộc về Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.”

Có thể cuộc khám xét bất ngờ hôm thứ Hai đã tiến hành để lấy về những tài liệu còn lại đó. Stephen Gillers, một giáo sư luật tại Đại học New York, nói,

“Theo tôi hiểu việc này, Bộ Tư pháp nói, ‘Chúng tôi đã chán ngấy. Chúng tôi không tin là quý vị sẽ trả lời. Quý vị đang đùa với chúng tôi, và chúng tôi sẽ đến tận nơi và lấy lại những gì mà quý vị đã hứa sẽ trả lại nhưng chưa làm.’”

Stephen Gillers

FBI cần gì để có được lệnh khám xét?

Nói tóm lại, lệnh khám xét cho thấy rằng nhà chức trách liên bang có bằng chứng về hoạt động tội phạm đang diễn ra tại địa điểm mà họ dự định thực hiện cuộc khám xét bất ngờ. Trát tòa thường được sử dụng trong những tình trạng mà nhà chức trách tin rằng trát đòi hầu tòa sẽ không có hiệu lực. Tự nó, lệnh khám xét không phải là một tội danh.

Nói chung, mật vụ liên bang muốn được phép khám xét bất ngờ phải cung cấp một bản khai hữu thệ có thông tin chi tiết và chính xác về tài liệu mà họ đinh sẽ thu giữ trong cuộc khám xét và lý do tại sao họ tin rằng nó nằm ở địa điểm mà họ xin khá xét. Một thẩm phán xem xét bản khai hữu thệ và ký cho phép nếu họ tin rằng các chi tiết do mật vụ cung cấp đủ tính pháp lý để khám xét.

Steve Vladeck, giáo sư luật tại Đại học Texas cho biết:

“Chúng tôi biết rằng đây không phải là một nhóm mật vụ FBI thức dậy vào một ngày nào đó và bỗng dưng quyết định đi khám xét cho vui.

Bản khai hữu thệ đi kèm với lệnh khám xét càng cụ thể càng tốt. Tôi nghi ngờ rằng đối với cuộc khám xét cụ thể nhà của cựu Tổng thống Trump hôm thứ Hai, bản khai hữu thệ có lẽ khá cụ thể.”

Điều quan trọng là chính lệnh cho phép khám xét thường có ít thông tin hơn nhiều so với bản khai hữu thệ cần có để xin phép khám xét. Bản khai hữu thệ thường không được công bố. Lệnh khám xét có thể không cho biết tội phạm bị nghi ngờ là gì, hoặc người nào bị tình nghi phạm tội.

Ai sẽ phải ký lệnh cho phép khám xét này?

Trên mặt lý thuyết, các tiêu chuẩn của lệnh khám xét liên bang đối với cựu tổng thống giống như đối với các công dân bình thường.

Nhưng thực tế mà nói, giới chuyên gia đồng ý rằng một cuộc khám xét nhạy cảm về mặt chính trị như vậy sẽ phải được phê duyệt ở cấp cao nhất của hệ thống tư pháp liên bang.

Bên cạnh thẩm phán liên bang, người đã phê duyệt lệnh, cuộc khám xét bất ngờ có thể cần có chữ ký của chính giám đốc FBI — Christopher Wray, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào năm 2017. Ngoài ra, vì tính nhạy cảm, có thể ngay cả Bộ trưởng Tư pháp Garland đã tham gia. Người phát ngôn của Garland và Phó Tổng chưởng lý Lisa Monaco từ chối bình luận.

Gillers nói: “Garland là một người rất thận trọng và chúng ta có thể tin chắc rằng ông ấy chắc chắn muốn rằng mọi thứ đã được thực hiện suôn sẻ để tránh những lời chỉ trích.”

Tòa Bạch Ốc nói rằng họ không tham gia vào cuộc khám xét bất ngờ. Phát ngôn viên Karine Jean-Pierre cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Ba,

“Tổng thống và Tòa Bạch Ốc đã biết về cuộc khám xét này của FBI từ những bản tin công khai. Chúng tôi đã biết giống như công chúng Mỹ đã biết ngày hôm qua. Chúng tôi không có được thông báo trước về hoạt động này.”

Những tội phạm nào có thể bị điều tra?

DOJ chưa bình luận về cuộc khám xét bất ngờ hoặc cuộc điều tra. Giới chuyên gia đã chỉ ra ít nhất hai vấn đề có thể xảy ra đang được điều tra hình sự.

Một sẽ là các đạo luật liên bang liên quan đến việc lưu trữ các tài liệu mật, như một số hồ sơ được thu hồi từ Mar-a-Lago hồi đầu năm nay.

Cựu công tố viên liên bang Brandon Van Grack nói với NPR vào tháng Hai, cho biết luật liên bang cấm xóa và lưu giữ trái phép những tài liệu mật:

“Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng khi tài liệu mật như thế này bị giữ trái phép. Nhìn bề ngoài, nếu đây là những tài liệu tuyệt mật và chúng chưa được giải mật, thì chúng đã bị lưu trữ trái phép.”

Vấn đề thứ hai là Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, một đạo luật năm 1978 yêu cầu các tổng thống phải lưu giữ cẩn thận tất cả các tài liệu lịch sử có liên quan đến thời còn đương chức — mọi thứ từ nhật ký điện thoại và phúc trình an ninh quốc gia đến email và ghi chú viết tay — và sau đó giao tất cả cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và Quản lý Hồ sơ khi rời nhiệm sở. Lauren Harper, giám đốc chính sách công và các vấn đề chính phủ cởi mở tại Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền truy cập công khai vào thông tin của chính phủ, cho biết trong một email,

“Hầu hết các tổng thống đều hiểu giá trị của việc tạo dựng và bảo tồn di sản của họ, vì vậy họ còn cẩn thận hơn (ngay cả khi đó là với con mắt biên tập nhạy bén) trong việc lưu trữ cẩn thận hồ sơ của mình một cách thích hợp.

Rất đơn giản là chưa bao giờ có một tổng thống nào lại không quan tâm đến cách lưu trữ hồ sơ của họ, khiến cho việc loại bỏ và tìm kiếm tiếp theo là việc không cần thiết trước đây.”

Lauren Harper

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại CPAC ở Dallas vào thứ Bảy. Ảnh: Brandon Bell / Getty

Có biện pháp bảo vệ pháp lý đặc biệt nào dành cho các cựu tổng thống không?

Ngắn gọn là không. Trong khi có những câu hỏi pháp lý quan trọng về việc liệu một tổng thống đương nhiệm có thể bị buộc tội hay không, điều tương tự không thể nói với các cựu tổng thống.

Kimberly Wehle, một cựu công tố viên liên bang, hiện đang dạy luật tại Đại học Luật Baltimore cho biết: “Ông ấy thực sự giống như một công dân bình thường, ngoại trừ những ảnh hưởng chính trị lớn và những điều đó không thể bị đánh giá thấp hơn ở đây.”

Và Trump không chỉ đơn giản là một cựu tổng thống — ông ấy đang suy nghĩ đên một cuộc tranh cử khác cho chức vụ này vào năm 2024, biến ông ấy thành một đối thủ có thể tranh cử của Biden, nếu ông ấy tái tranh cử. Giới chuyên gia cho biết, không thể bỏ qua việc nghi ngờ chính quyền của một tổng thống đương nhiệm khi buộc tội đối thủ.

Trong cuộc tranh cử năm 2020, chính Biden đã thừa nhận những hậu quả chính trị của một bản cáo trạng như vậy, ông nói vào tháng 8 năm 2020:

“Tôi nghĩ rằng đó là một điều rất, rất bất thường và có lẽ không  — tôi có thể nói sao đây? — tốt cho nền dân chủ khi nói về việc truy tố các cựu tổng thống.”

Hôm thứ Ba, Toàn Bạch Ốc nhắc lại rằng họ không liên quan đến các cuộc điều tra tội phạm do DOJ thực hiện. Jean-Pierre nói: “Bộ Tư pháp tiến hành các cuộc điều tra một cách độc lập và chúng tôi giao mọi vấn đề về thi hành pháp luật cho họ.”

Đây có phải là điều chưa từng có?

Về căn bản, đúng thế. Nơi ở của một cựu tổng thống chưa bao giờ phải chịu lệnh khám xét của liên bang.

Wehle nói, cuộc khám xét bất ngờ là “một việc rất lớn trong lịch sử”. Mặt khác, bà nói, “chưa có tiền lệ chuyển tài liệu ra khỏi Tòa bạch Ốc theo cách này.”

(Một tổng thống trước đây đã phải đối phó với cuộc điều tra hình sự. Sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức giữa vụ bê bối Watergate, ông phải đối phó với việc có thể bị liên bang buộc tội và xét xử. Nhưng, Tổng thống Gerald Ford đã ân xá cho ông, kết thúc cuộc điều tra.)

Việc này có thể có ý nghĩa gì đối với triển vọng tái tranh cử tổng thống của Trump?

Khó mà nói được.

Về mặt pháp lý, Hiến pháp không ngăn cản việc tranh cử của một ứng cử viên đã bị truy tố hoặc bị kết án với hầu hết những tội danh. Điều đó có thể kể cả việc lưu trữ hồ sơ mật trái phép hoặc vi phạm Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.

Mục 2071 của bộ luật hình sự Hoa Kỳ quy định rằng bất kỳ ai giữ hồ sơ công một cách “cố ý và bất hợp pháp” sẽ bị “tước quyền đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Hoa Kỳ.”

Nhưng có những câu hỏi về việc liệu điều khoản đó có thể có đủ cơ sở pháp lý khi nói đến việc tranh cử tổng thống hay không. Hiến pháp quy định cụ thể về tiêu chuẩn để trở thành tổng thống và đưa ra việc luận tội như một biện pháp khắc phục để cấm mọi người giữ chức vụ tổng thống. Một số chuyên gia pháp lý đã lập luận rằng Quốc hội không có thẩm quyền thay đổi những tiêu chuẩn đó. Câu hỏi chưa được thí nghiệm tại tòa án.

(Hiến pháp cấm những người “tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn” ứng cử vào những chức vụ trong chính phủ liên bang, nhưng hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đó là điều đáng kể trong cuộc khám xét của FBI hôm thứ Hai.)

Về mặt chính trị, cuộc khám xét bất ngờ diễn ra khi các phiên điều trần ngày 6 tháng 1 đã gây ra một số thiệt hại cho danh tiếng của cựu tổng thống. Một số đảng viên Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự không hài lòng về việc Trump có thể tranh cử vào năm 2024 và các cuộc thăm dò cho thấy nhiều cử tri Đảng Cộng hòa đã sẵn sàng ủng hộ một ứng cử viên khác.

Mặt khác, Trump vẫn là cái tên lớn nhất trong chính trường của Đảng Cộng hòa. Nhưng ứng cử viên trong các cuộc bầu cử sơ bộ trên cả nước đều muốn được Trump ủng hộ, và ở một số nơi, nó dường như đã tạo ra sự khác biệt.

Sau cuộc khám xét bất ngờ hôm thứ Hai, nhiều đảng viên Cộng hòa đang tập hợp xung quanh Trump. Một số người đã yêu cầu Wray và Garland phải ra điều trần trước Quốc hội. Và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cam kết sẽ điều tra các hành động của DOJ nếu đảng Cộng hòa chiếm lại Hạ viện vào tháng 11.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Mystery at Mar-a-Lago: What were FBI agents looking for and what are the consequences? |Becky Sullivan  | NPR | August 9, 2022. Bill Chappell của NPR và Jason Breslow của NPR đưa tin bổ túc