Hồn ma của cựu thủ tướng Québec René Lévesque ám ảnh cuộc vận động tranh cử ở tỉnh bang

Eric Andrew-Gee | DCVOnline

Tội nghiệp cho việc viết sai cả tên của René Lévesque trên bích chương vận động tranh cử của họ như Đảng Bảo thủ của Quebec đã làm gần đây. Sự  báng bổ đó thật không phải lúc.

Cựu Thủ tướng Quebec, René Lévesque, phát biểu trong một cuộc họp báo năm 1977. Ảnh: BILL BRENNAN/OTTC

Tất nhiên, người lãnh đạo quá cố của phong trào đòi tự trị cho Quebec không phải là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tỉnh bang sắp tới, nhưng tên của ông ấy ở khắp mọi nơi ở Quebec ngay bây giờ, kể cả khu cử tri René-Lévesque, nơi những bích chương viết sai tên đó đã xuất hiện. (Không có dấu sắc trên chữ ‘e’ thứ tư.)

Ông Lévesque sẽ tròn 100 tuổi vào năm nay, và kỷ niệm một trăm năm đã thúc đẩy những lễ tưởng niệm từ Bán đảo Gaspé đến những khu không nói tiếng Anh ở Montreal.

Trong một cuộc đua gay gắt đảng tính, những kỷ niệm về người sáng lập Parti Québécois đã thống nhất cả tỉnh để đánh giá cao một chính khách của một thời đã qua. Gầy, hói nửa đầu và nhăn nhó, ông ấy từ các đài tưởng niệm trên khắp Quebec dõi mắt nhìn, trong những lễ kỷ niệm kéo dài đến Ngày Thánh Jean-Baptiste của năm tới.

Một nhân vật từng gây tranh cãi và rất con người — ngày hút hai bao thuốc lá, đánh phé thâu đêm và suýt tách Quebec ra khỏi Canada — hiện đang được phong thánh.

Sử gia Jean-Charles Panneton cho biết: “Chúng ta không miêu tả một người, chúng ta đang miêu tả một vị thánh.”

Làn sóng của tình cảm tích cực quanh ông Lévesque đang tràn ngập, ngay cả theo các tiêu chuẩn của nhận thức muộn màng sau lớp kính màu hồng. Bảy mươi tám phần trăm người dân Quebec ủng hộ ông trong một cuộc thăm dò ý kiến của Leger do tạp chí L’actualité ủy nhiệm vào đầu năm nay, cao hơn nhiều so với bất kỳ cựu thủ tướng nào khác.

Ông ấy chưa bao giờ được yêu quý như vậy trong suốt cuộc đời của ông. Panneton, tác giả của một nghiên cứu chuyên sâu về thời gian tại vị của ông Lévesque, cho biết:

Mặc dù ông lên nắm quyền vào năm 1976 trong một làn sóng nhiệt tình, nhưng cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền tự trị (cho Québec) năm 1980 là “đau thương”, chia rẽ nhiều gia đình và đã thất bại.

Nền kinh tế tồi tệ và xung đột lao động đã kéo sự nổi tiếng của ông xuống thấp vào đầu những năm 1980, trong khi phe chủ trương kiên định đòi độc lập trong đảng của ông mệt mỏi với sự phong cách ôn hòa của ông Lévesque đối với những vấn đề hiến pháp. Ông từ chức thủ tướng năm 1985 về mặt chính trị và thể chất kiệt quệ.

Tuy nhiên, khi ông đột ngột qua đời vì một cơn đau tim hai năm sau đó, những người Quebec đã nhớ lại những gì họ luôn yêu thích về “cher René” của họ trong sự bày tỏ đau buồn của công luận.

Từ khi còn là phóng viên nước ngoài tiên phong của Đài phát thanh Canada vào những năm 1950, ông đã tạo được mối liên hệ chặt chẽ với những người dân thường, nhờ cách nói đơn giản, nghiêm túc và  tính khiêm tốn thể hiện qua dáng người thấp bé và bộ quần áo đơn giản thường ngày.

Ông Panneton cho biết, khi lãnh đạo việc quốc hữu hóa công ty điện lực (Hydro Québec) với tư cách là bộ trưởng nội các của Đảng Tự do cấp tỉnh vào đầu những năm 1960, ông đã giúp những người Quebec nói tiếng Pháp cảm thấy “tự hào” vì họ tin rằng họ có nhiều quyền kiểm soát nền kinh tế hơn.

René Lévesque  đã biến công ty điện lực (Hydro Québec) thành tài sản của tỉnh bang. Nguồn La Presse.

Những cải cách của chính phủ PQ đầu tiên của ông đã tạo ra Quebec của thế kỷ 21 theo nhiều cách, đặc biệt là Đạo luật 101, yêu cầu dân di cư cho con cái đi học bằng tiếng Pháp và biến tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ làm việc chung cho các công ty lớn.

Ông Panneton nói: “Thực sự có một sự gắn bó tình cảm, rất tình cảm giữa Lévesque và dân Qubec. Nó vượt qua nhiều thế hệ và vượt thời gian.”

Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều chính khách đã cố mượn một số phép thuật của Lévesque trong mùa bầu cử này. Tại lễ ra mắt chính thức kỷ niệm 100 năm Lévesque hồi tháng 6, giới lãnh đạo đảng lần lượt giới thiệu mình là người thừa kế thực sự  di sản của Lévesque, từ Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc François Legault, đã nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc của ông Lévesque; người lãnh đạo đảng Tự do ủng hộ di cư hơn, Dominique Anglade, đã nói rằng ông Lévesque được yêu mến vì sự cởi mở với thế giới.

Sự vinh quang được phản ảnh bằng ký ức của ông Lévesque đã giúp ích rất ít cho đảng cũ của ông, trớ trêu thay, đảng này tiếp tục được dân chúng chọn ở vị trí thứ năm và đang tranh đấu để giành lấy một vài ghế còn lại của đảng trong Quốc hội. Điều đó đã không ngăn được Parti Québécois tận dụng ngày kỷ niệm, như khi người lãnh đạo đảng, Paul St-Pierre Plamondon, lên tiếng phản đối một bức biếm họa xã luận trên tờ Montreal Gazette vẽ một con chó của một bà già, khoác trên mình một lá cờ Canada, đang đi tiểu ngay dưới tấm bích chương hình ông Lévesque. Khuôn mặt của Lévesque. Người họa sĩ khẩn khoản nói rằng ông ta đang châm biếm những thái độ cũ của người nói tiếng Anh, chứ không lặp lại chúng.

Biếm họa của Boris trên nhật báo Gazette. Nguồn The Gazette

Dân Anglophones và người Quebec không phải gỗ Anh hay Pháp (allophones) đã có cái nhìn thiện cảm với ông Lévesque trong những năm qua. Theo cuộc thăm dò của Leger, nhiều người có quan điểm ủng hộ ông ngày nay — khác xa với ý kiến của cộng đồng vào những năm 1970, khi Bill 101 đã mở màn cho một cuộc di cư sang Ontario.

Ngay cả Robert Libman, cựu lãnh đạo của Đảng Equality đồi bình quyền cho người Quebec nói tiếng Anh hiện đã không còn hoạt động, gần đây đã viết trên nhật báo Gazette về sự ngưỡng mộ của ông khi hồi tưởng đến ông Lévesque, ca ngợi tinh thần dân chủ và sự đồng cảm của ông đối với những nhóm dân thiểu số.

Ông Libman nói trong một cuộc phỏng vấn: “Ông ấy luôn giao tiếp với cộng đồng người nói tiếng Anh và ông ấy luôn tạo cho chúng tôi ấn tượng rằng ông ấy quan tâm.”

Ngược lại, vị kiến trúc sư Montreal này cho biết ông Legault đã đối xử hống hách, kiêu căng với những người nói tiếng Anh trong việc tăng cường luật ngôn ngữ của ông Lévesque trong năm nay. Sự so sánh và lịch sử đang qua đã kết hợp để tạo ra một “nỗi luyến tiếc” nhất định cho người tranh đấu đò chủ quyền và tự trị cho Quebec những năm xưa.

Jocelyn Létourneau, giáo sư khoa sử tại Đại học Laval, cho biết: Sự kiên định đối với thời đại Lévesque có thể xuất phát một phần từ sự “sự tỉnh cơn mê” chính trị kể từ những năm 1960, khi chính phủ được coi là con đường đáng tin cậy để chuyển đổi xã hội bằng việc áp dụng các lý tưởng vĩ đại.

Nếu các chính khách ngày nay dường như không thể sánh được, ông nói, “có thể nói chung trên bình diện chính trị, chúng ta đã bước vào thời đại mà chúng ta cần các chính khách giải quyết vấn đề nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể, hơn là những người có tầm nhìn xa. hoặc các nhà tiên tri.”

Nhìn một cuộc triển lãm ngoài trời về cuộc đời của ông Lévesque dọc theo lối đi dạo Promenade des Artistes ở trung tâm thành phố Montreal vào tuần trước, Gérald Pharand, 66 tuổi, đã vô cùng ngạc nhiên trước tầm cỡ của những thành tựu “anh hùng” của ông Lévesque. Ông Pharand buồn bã nói, ngày nay ít có những người vĩ đại như thế.

Cuộc bầu cử này, ông ấy sẽ bỏ phiếu cho đảng của François Legault, nhưng ông không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chính trường hôm nay có thể so sánh với René Lévesque.

Ông Pharand nói: “Ông ấy có vóc dáng thấp bé, nhưng ông ấy là một người tuyệt vời. Đi vừa đôi giày của ông là điều rất khó.”

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Former premier René Lévesque’s ghost haunts provincial campaign trail in Quebec  | Eric Andrew-Gee | The Globe and Mail | Sept 15, 2022.