Căng thẳng giữa Doug Ford với CUPE có thể đẩy Canada vào một cuộc khủng hoảng đoàn kết

Chantal Hébert | DCVOnline

Thiệt hại phụ thêm do quyết định đình chỉ quyền (đình công) của nhân viên ngành giáo dục của Ontario có thể vượt ra khỏi phạm vi tỉnh bang.

MONTREAL — Dưới bình phong của một đạo luật buộc trở lại làm việc đang gây tranh cãi, Doug Ford, Thủ tướng Ontario, đã ném một quả lựu đạn hiến pháp vào tiến trình thương lượng tập thể của Canada trong tuần này.

Thiệt hại phụ thêm do hậu quả của việc Ontario quyết định đình chỉ những quyền hiến định của công nhân viên ngành giáo dục của tỉnh bang, để áp đặt những điều khoản trong hợp đồng của họ, có thể sắp vượt ra ngoài biên giới và hệ thống trường học của Ontario.

Nếu mục đích duy nhất của chính phủ Ontario là muốn trường học mở cửa, thì họ đã vung tay quá trán. Mục tiêu ngăn chặn một cuộc đình công có thể đạt được mà không cần giày xéo Hiến chương Dân Quyền và Tự do.

Đây hầu như không phải là tranh chấp lao động đầu tiên mà chính phủ cố gắng kết thúc không có đình công bằng pháp luật. Nhưng đây là lần đầu tiên trong 40 năm Hiến chương Dân Quyền hiện hữu, có một chính phủ lập luận rằng họ phải đình chỉ những quyền tự do căn bản để áp đặt ý muốn của chính quyền lên một nhóm công nhân có nghiệp đoàn.

Việc Ford dùng điều khoản bất chấp của Hiến pháp về căn bản là để giúp chính phủ của ông tránh bị phiền toái khi sắc luật của họ bị đưa ra duyệt xét ở tòa án.

Để đạt được điều đó, chính phủ Ontario đã cắt đứt  quan hệ của với những nghiệp đoàn của tỉnh bang. Đã có những dấu hiệu cho thấy nó có thể đã tạo tiền đề cho một cuộc xung đột lao động lớn hơn nhiều so với cuộc xung đột mà nó đã tìm cách giải quyết.

Hành động của chính phủ Ontario cũng đã đưa ra lời kêu gọi toàn quốc đứng lên khi phong trào lao động của Canada động viên mọi người chống lại những gì mà họ coi là mối đe dọa hiện sinh đối với quy trình thương lượng tập thể và quyền đình công của công nhân viên có nghiệp đoàn.

Điều đó đã nâng cái giá phải trả trong một cuộc tranh luận chính trị đang diễn ra về việc lạm dụng điều khoản bất chấp để đánh phủ đầu của các tỉnh bang như Quebec và Ontario.

Công bằng mà nói, liệu Hiến chương Dân Quyền có tiếp tục có giá trị hơn tờ giấy in nó hay không nếu chính quyền cấp tỉnh bang thường xuyên gạt nó qua một bên khi làm luật ảnh hưởng đến những quyền tự do căn bản.

Cho đến nay, chính khách liên bang của Canada — kể cả Thủ tướng Justin Trudeau — đã bằng lòng ngồi bên lề cuộc tranh luận. Lập trường chính thức của liên bang về những thách thức đang diễn ra của tòa án đối với Dự luật 21 và Dự luật 96 của Quebec về chủ nghĩa thế tục và ngôn ngữ cho thấy Ottawa chỉ bước vào cuộc tranh cãi, khi kháng cáo, ở Tối cao Pháp viện.

Từ góc độ chiến lược, việc cho phép những tòa án Quebec là cơ quan đầu tiên xem xét những sắc luật gây tranh cãi của tỉnh là khá hợp lý.

Nhưng điều đó đã thay đổi trong tuần này khi Ontario cho chính phủ liên bang một lý do chính trị thuyết phục hơn để giải quyết các vấn đề theo ý mình. Với áp lực của giới công nhân có tổ chức cũng như đảng Tân Dân chủ NDP buộc Trudeau phải hành động, ông nói rằng ông đang xem xét những lựa chọn của mình.

Thủ tướng không có nhiều chọn lựa.

Chính phủ liên bang không thể làm luật loại bỏ điều khoản bất chấp. Loại bỏ điều khoản này đòi phải có tu chính hiến pháp. Một nỗ lực theo những hướng đó gần như chắc chắn sẽ thất bại vì thiếu sự ủng hỗ trợ của tất cả tỉnh bang.

Như thế còn lại hai con đường, cả hai đều không phải không có rủi ro.

Con đường đầu tiên là chính phủ liên bang có thể chuyển vấn đề áp dụng trước điều khoản bất chấp đến Tối cao Pháp viện để có ý kiến về việc liệu những tỉnh bang đã vượt quá lằn ranh hay không bằng cách giày xéo Hiến chương Dân Quyền.

Lần cuối cùng tối cao pháp viện tuyên bố về điều khoản này là vào giữa những năm 1980.

Hồi đó, nó có khuynh hướng chấp nhận sai lầm ở vĩ độ chính trị. Nhưng sự đồng thuận trong những ngày đó là điều khoản bất chấp sẽ chỉ được sử dụng trong những trường hợp ngoại lệ.

Với những phát triển mới nhất ở tỉnh bang, tòa án có thể xem xét lại cách giải thích ban đầu hoặc ít nhất là mở rộng nó theo cách đưa ra một số quy tắc căn bản.

Lựa chọn thứ hai là chính phủ liên bang mở hộp đồ nghề hiến pháp, dùng búa tạ quyền không cho phép của chính phủ liên bang.

Nó cho phép chính phủ liên bang không cho phép một luật của tỉnh bang được áp dụng. Vì quyền không cho phép được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt về mặt chính trị, nó đã không được sử dụng trong hơn bảy mươi năm qua.

Những người ủng hộ lộ trình đó tranh luận việc Ontario dùng điều khoản bất chấp này dẫn đến một cuộc tấn công hạch tâm vào Hiến chương do đó cần phải có phản ứng tương xứng của liên bang. Nhưng nó là lựa chọn rủi ro cao.

Trước nhất, hơn một vài học giả hiến pháp tin rằng quyền không cho phép đã không được sử dụng và có khả năng sẽ không đứng vững khi bị chính phủ tỉnh bang thách thức trước tòa.

Nhưng ngay cả khi nó xảy ra, nó có thể đặt các nhân vật chính của liên bang-tỉnh bang trong trận chiến này trên con đường dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau.

Việc bình thường hóa điều khoản bất chấp có nghĩa là hủy hoại Hiến chương Dân Quyền. Nhưng việc sử dụng quyền không cho phép (của liên bang) cũng phá hoại cấu trúc liên bang.

Dù cố tình hay vô ý, Ford đã đưa Canada đến gần hơn với cuộc khủng hoảng mất đoàn kết quốc gia hơn gần ba mươi năm. Trong một thế giới lý tưởng, những đầu óc bình tĩnh hơn những người vừa quyết định ở quốc hội Ontario sẽ chiếm ưu thế ở Quốc hội liên bang.

Tác giả | Chantal Hébert là nhà báo tự do tại Montreal viết chuyên mục về chính trị cho nhật báo Toronto Star. E-mail: [email protected] hoặc Twitter: @ChantalHbert

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Doug Ford’s war with CUPE risks throwing Canada into a unity crisis | Chantal Hébert · The Star · Nov 04, 2022.