Kiev và Moscow đang ở trong hai cuộc chiến khác nhau

Lawrence Freedman | Trần Giao Thủy

Chiến tranh ở Ukraine đã cho thấy xung đột đương đại ra sao


Một người lính Ukraine bắn súng phóng lựu (RPG), ở Vùng Zaporizhzhia, Ukraine, tháng 1 năm 2023
Stringer/Reuters/Foreign Affair minh họa

HAI LOẠI CHIẾN TRANH

Phương thức chiến tranh cổ điển, vốn thống trị tư tưởng quân sự trước Thế chiến thứ nhất, là tất cả về các trận chiến. Chiến lược tập trung vào việc đưa quân vào vị trí sẵn sàng chiến đấu; chiến thuật liên quan đến chính cuộc chiến. Chiến thắng quyết định dựa trên nhưng yếu tố quân đội nào chiếm trận địa, số quân địch bị giết hoặc bị bắt và số vũ khí và quân cụ bị phá hủy. Theo cách tính này, trận chiến quyết định kết quả của những cuộc chiến tranh. Quan điểm này được củng cố bằng luật Chiến tranh kể cả việc đối xử với tù nhân và những người không tham chiến và cho rằng kẻ bại trận sẽ chấp nhận phán quyết ở mặt trận.

Ngay cả trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã có nhiều lý do để nghi ngờ mức độ mô hình chiến tranh này đi sát với thực tế như thế nào, đặc biệt là cách nó nhất định tách biệt lĩnh vực dân sự và quân sự. Nhưng mô hình cổ điển tiếp tục định hình kỳ vọng trong thời gian sắp diễn ra Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, cuộc xung đột đó đã biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, trong đó sức mạnh kinh tế và kỹ nghệ sẵ có đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với kết quả đơn thuần ở chiến trường. Và khả năng máy bay có thể tấn công các thành phố của địch quân đã đặt thách đố khái niệm về một chiến trường riêng biệt, tách biệt với xã hội dân sự. Con người và tài sản trở thành mục tiêu tự nhiên.

“Đối với nhiều chiến lược gia, ném bom vào thành phố trông như một cách dẫn đến chiến thắng đơn giản hơn là chiến thắng ở mặt trận.”

Lý luận để đặt mục tiêu là những trung tâm dân cư rất đơn giản: quân đội dựa vào cơ sở hạ tầng dân sự để chiến đấu. Những nhà máy sản xuất đạn dược dựa vào lực lượng lao động dân sự. Khi chính phủ cần thêm quân, họ bắt dân đi quân dịch. Nói cách khác, khi cả một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, không có người nào không có hại. Hơn nữa, chính phủ quyết định chiến tranh và hòa bình phụ thuộc vào sự ủng hộ của dân chúng. Những người dân dễ bị thua thiệt, đang phải hứng chịu những đợt oanh tạc không ngừng, có thể trở thành phản chiến, thậm chí đến mức họ yêu cầu phe của họ đầu hàng. Đối với nhiều chiến lược gia, ném bom vào thành phố trong như một cách dẫn đến chiến thắng đơn giản hơn là chiến thắng ở mặt trận. Theo cách này, chiến tranh trở thành tổng lực, dẫn đến các cuộc không kích khủng khiếp trong Thế chiến II và quyết định của Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945. Sau đó, dân thường chỉ được tha trong các cuộc chiến ngắn hạn và xẩy ra ở xa thành phố.

Nhưng ba diễn biến đã khiến các chiến lược gia phương Tây thay đổi suy nghĩ về chiến tranh tổng lực. Trước tiên, logic của chiến tranh tổng lực đã dẫn đến thảm họa hạch tâm. Nếu muốn tránh điều đó, thì phải tìm ra một cách để hạn chế chiến tranh. Thứ hai, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng các cuộc tấn công vào thường dân gây ảnh hưởng ngược. Đây là kết luận của những nghiên cứu thực hiện ngay sau Thế chiến II về ảnh hưởng của những chiến dịch oanh tạc chiến lược của Đồng minh, và sau đó là kinh nghiệm sau này trong Chiến tranh Việt Nam, khi những cuộc hành quân tìm và diệt Việt Cộng đã gây ra nhiều thương vong dân sự.

Bản đồ Ukraine sau 1 năm kháng chiến chống quân xâm lăng Nga. Nguồn: The Economist

Bước phát triển thứ ba là sự ra đời của các loại đạn đạo chính xác vào những năm 1970. Trên nguyên tắc, những cải tiến đáng kể trong việc nhắm mục tiêu chính xác nhờ tiến bộ kỹ thuật như vậy có nghĩa là không còn lý do gì để bào chữa cho việc gây thiệt hại cho người và vật thể không tham chiến. Có thể mở những cuộc hành quân tránh được dân thường và chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự. Với vũ khí nhắm đích chính xác, có thể có cơ hội hồi sinh chiến tranh cổ điển bằng cách tập trung vào việc phá hoại cơ sở quân sự của kẻ thù bằng những cuộc tấn công sâu vào lòng địch và hành quân thần tốc. Đây là bài học rút ra từ lần Hoa Kỳ đánh bại quân đội Iraq một cách quyết định trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Tuy nhiên, mặc dù sự thay đổi học thuyết này đã thể hiện rõ ràng trong việc lập kế hoạch can thiệp quân sự gần đây của phương Tây, nhưng chiến lược chiến tranh cổ điển thường bị gạt sang bên lề một khi chiến tranh đó biến thành những cuộc hành quân chống quân nổi dậy, như ở Iraq và Afghanistan. Trong cả hai cuộc xung đột, Hoa Kỳ và đồng minh đã nỗ lực tránh làm hại thường dân để duy trì sự ủng hộ của họ và tránh châm ngòi cho những cuộc nổi dậy, nhưng những nỗ lực này có khuynh hướng bị lơ là khi lực lượng của chính họ gặp nguy hiểm. Với quân đội phương Tây, một nguyên nhân gây căng thẳng khác là cộng đồng địa phương thường không hân hoan chào đón họ, đặc biệt là khi phương Tây ủng hộ một chính phủ—chính xác là vì chính phủ này dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài—thiếu tính chính thống.

SỰ TÀN ĐỘC CỦA NGƯỜI NGA, SỰ KIỀM CHẾ CỦA NGƯỜI UKRAINE

Về phần mình, trong những thập niên sau Chiến tranh Lạnh, Nga chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ mô hình chiến tranh tổng lực. Đây là trường hợp ngay cả khi họ đang dùng đạn đạo chính xác. Ví dụ, ở Syria, quân Nga đã chứng minh rằng việc tránh các mục tiêu dân sự là vấn đề lựa chọn chứ không phải dựa vào kỹ thuật, khi họ cố tình tấn công bệnh viện của quân nổi dậy. Ngay cả khi đánh ở gần hậu phương, Nga đã dùng các chiến thuật không khoan nhượng, đặc biệt là trong Chiến tranh Chechnya trong những năm 1990 và trong chục năm đầu tiên của thế kỷ này, khi đó Moscow áp đặt vũ lực trực tiếp vào những khu vực và thành phố dân sự.

Đến nay Nga đang hành động tương tự ở Ukraine. Nhưng lần này, quân phải đối đầu với một đội quân ngày càng được tổ chức quy củ và chuyên nghiệp. Khi Điện Kremlin trở nên thất vọng hơn với cuộc xâm lăng, họ đã thường xuyên tấn công vào xã hội của thường dân và nền kinh tế Ukraine. Chiến thuật đó gồm việc nhắm bắn hỏa tiễn vào Kyiv và các thành phố khác, san bằng những khu chung cư và đôi khi cả thị trấn, tấn công cơ sở hạ tầng điện lực của Ukraine và mở những cuộc bao vây kéo dài, chẳng hạn như ở Mariupol vào mùa xuân, ở Severodonetsk vào mùa hè và Bakhmut gần đây hơn. Đây là những hoạt động dùng địa pháo khiến những thành phố trở thành đống hoang tàn đổ nát và buộc người dân ở đó phải di tản, chạy trốn (nếu chưa thiệt mạng).

Bất chấp những mục tiêu tối đa của Nga ở Ukraine, có thể lập luận rằng họ không theo đuổi một cuộc chiến tranh tổng lực. Lý do là Nga đã hạn chế dùng vũ khí hạch tâm — biểu tượng cuối cùng của chiến tranh tổng lực đương đại. Trên thực tế, vũ khí hạch tâm đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vạch lằn ranh giới hạn cuộc chiến. Khi bắt đầu chiến tranh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng vũ khí hạch tâm để đe dọa và cảnh cáo NATO chớ nhúng tay can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến,. Đồng thời, vì ý muốn tránh chiến tranh đối đầu với NATO đã ngăn cản ông ta không dùng vũ khí hạch tâm dù ở mức nhỏ hơn ở Ukraine và không ra lệnh tấn công các nước láng giềng NATO. Tuy nhiên, ở hầu hết những mặt khác, Nga đã mở chiến tranh tổng lực mà nước này đã dùng trong các cuộc xung đột khác kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong khi đó, Ukraine đang tự vệ bằng chiến tranh cổ điển. Để bảo vệ các thành phố, cơ xưởng và nhà máy phát điện, quân đội Ukraine có mọi lý do để tránh gây thiệt hại không cần thiết ở những khu vực dân sự và họ cần tiết kiệm đạn dược khan hiếm, dành cho các mục tiêu quân sự của Nga, có ưu tiên cao hơn. Hơn nữa, Kyiv cũng bị hạn chế bằng những giới hạn do những nước phương Tây đang viện trợ đặt ra. Một lĩnh vực mà điều này đã xảy ra — và một ví dụ khác về ảnh hưởng ngăn chặn mối đe dọa chiến tranh toàn diện — là việc Washington cố ý hạn chế khả năng Ukraine có thể tấn công vào lãnh thổ Nga, ít nhất là nếu và khi họ dùng vũ khí phương Tây. Quân đội Ukraine đã mở một số cuộc tấn công vào các mục tiêu bên trong nội địa Nga bằng máy bay không người lái và phá hoại, nhưng những cuộc tấn công này rất ít. Đáng chú ý, Mỹ đã từ chối viện trợ đại bác và máy bay tầm xa cho Ukraine để nước này không thể tấn công sâu hơn và thường xuyên hơn, mặc dù ảnh hưởng của những cuộc tấn công như vậy đối với một quốc gia rộng lớn như Nga chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tiễn.

Kết quả của những ràng buộc này là Nga đã tiến hành một chiến tranh tổng lực trên lãnh thổ Ukraine mà không phải đối đầu với những nguy hiểm quá lớn. Sự tương phản giữa loại chiến tranh của Nga và của Ukraine thậm chí còn trở nên rõ nét hơn khi chiến tranh tiếp diễn.

KHÁNG CỰ TOÀN LỰC

Vì Ukraine và Nga đều là một phần của Liên Xô cho đến năm 1991, quân đội của họ có lịch sử chung cũng như kinh nghiệm chung với vũ khí và quân dụng cổ điển thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Ukraine dần chịu ảnh hưởng quân sự của phương Tây. Tiến trình này đã tăng vận tốc trong trong thời gian chuẩn bị cho cuộc xâm lược năm 2022 của Nga, và thậm chí còn tăng nhanh hơn nữa khi chiến tranh bắt đầu. Hoa Kỳ và đồng minh đã viện trợ cho Ukraine bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả về huấn luyện, tình báo và các hệ thống vũ khí tiên tiến. Mặc dù Ukraine đã dùng các loại vũ khí cho phép họ nhắm mục tiêu vào các cơ sở của Nga ở xa phía sau tiền tuyến (chẳng hạn như căn cứ chỉ huy, bãi chứa đạn dược và trung tâm hậu cần) và những khu vực tập trung quân đội Nga, nhưng Nga có rất ít lựa chọn khác ngoài việc dựa vào pháo binh của họ, và sau khi được động viên, những cuộc tấn công của bộ binh Nga chỉ hình thành để khiến các thị trấn và thành phố của Ukraine không thể phòng thủ được.

Củng cố thêm sự tương phản, quân đội Nga đã cố gắng “Nga hóa” những khu vực dưới sự kiểm soát của họ—bằng cách áp đặt những bắt buộc về ngôn ngữ, giáo dục và tiền tệ với người dân địa phương—và đã dùng biện pháp tra tấn và hành quyết để ngăn chặn sự phản kháng của người Ukraine. Điều này cộng với các tội ác chiến tranh thường thấy mà họ đã phạm phải, kể cả bắt cóc, cũng như cướp bóc và lhãm hiếp, phản ảnh nỗi sợ bị phá hoại và rình mò của họ, cùng với sự vô kỷ luật, nói chung, ngay trong hàng ngũ của mình.

Cho đến nay, kết quả loại chiến tranh Nga áp dụng đã xác nhận những sự chỉ trích tiêu chuẩn về chiến lược chiến tranh tổng lực là đúng. Cuộc tấn công dữ dội vào xã hội dân sự Ukraine đã không làm giảm sự ủng hộ của quần chúng với chính phủ Ukraine. Thay vào đó, việc tích lũy bằng chứng về những vi phạm nghiêm trọng của Nga đã khiến Ukraine càng quyết tâm hơn để bảo đảm cho những lãnh thổ đó được giải phóng và không có vùng lãnh thổ nào sẽ nhượng bộ cho Nga (chiếm đóng) vô thời hạn. Hệ quả tàn nhẫn về mặt nhân đạo do những hành động của lính Nga cũng đã củng cố sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Ngoài ra, cuộc chiến tổng lực của Nga nhằm mục đích củng cố niềm tin của Ukraine là không có “hòa bình thỏa hiệp” hiển nhiên. Chiến thuật chiến tranh tổng lực của Nga cũng không cản trở chiến dịch của Ukraine.

Trong những tháng gần đây, Moscow đã đưa ra những lý do ép buộc phải có những cuộc cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, liên quan đến việc Ukraine từ chối chấp nhận việc Nga sáp nhập 4 tỉnh ở miền đông Ukraine vào tháng 9. Những cuộc tấn công này đã khiến cuộc sống của người Ukraine trở nên vô cùng khó khăn, thường dân thường xuyên bị giết và bị thương vì những cuộc tấn công chợt đến, và mất điện thường xuyên trong những tháng mùa đông. Nhưng người Ukraine đã học cách thích nghi, tiêu diệt ngày càng nhiều hỏa tiễn và máy bay không người lái bằng hệ thống phòng không và tìm cách đối phó với khó khăn trong đời sống dân sự. Sau một năm chiến tranh, ý chí chiến đấu của Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy là họ bị ảnh hưởng để suy sụp tinh thần.

SỰ TRỞ LẠI CỦA XE TĂNG

Một năm chiến tranh ở Ukraine càng làm chiến tranh tổng lực của Nga mất uy tín. Nhưng cuộc chiến đã tiết lộ điều gì về chiến tranh cổ điển? Ở đây, kinh nghiệm cảnh cáo rằng những chiến thắng ở mặt trận cần có trong loại chiến tranh này có thể khó đạt được khi quân phòng thủ dường như có những lợi thế có sẵn so với thế tấn công. Trong những tình trạng như vậy, quân đội có thể bị kẹt trong những cuộc đối đầu lâu dài và mệt mỏi. Có thể áp đảo một kẻ thù bằng cách chọc thủng các hàng ngũ của họ, nhưng điều này thường đòi hỏi phải di động bằng xe bọc thép, gây bất ngờ cho phe địch bằng những bước tiến bất ngờ, đạt được thành công bằng cách vây bủa và đẩy phe địch vào thế rút lui nhanh chóng đến điểm cuối cùng là không thể phục hồi được.

Kết quả như vậy không dễ dàng để đạt được. Ở Ukraine, những cuộc tấn công thành công nhất của cả hai bên đều diễn ra trong những tình trạng mà hàng phòng ngự rất mỏng manh trên mặt đất. Lợi thế của Nga đến trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến khi quân của họ ở thế bất ngờ và có thể di chuyển nhanh. Ở phía nam, họ gặp rất ít kháng cự, đặc biệt là ở những nơi phòng thủ có tổ chức kém, đặc biệt là ở Kherson. Tuy nhiên, ở phía bắc, họ đã chiếm các vị trí tiền tiêu không thể duy trì được, sớm gặp khó khăn trước các tuyến phòng thủ lanh lợi của Ukraine và buộc phải rút lui. Sau đó, trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, bắt đầu với trận chiến giành Donbas, những lợi thế của Nga rất ít, chỉ ở những khu vực hẹp và chỉ chiếm được chúng với cái giá phải trả rất lớn và mất nhiều tháng trời.

Về phía Ukraine, cuộc tấn công ấn tượng nhất của họ diễn ra ở Kharkiv vào tháng 9, khi quân đội Ukraine tận dụng lợi thế phòng thủ yếu kém và chuẩn bị kém trong khi bộ chỉ huy cao cấp của Nga tập trung vào Donetsk và Kherson. Tuy nhiên, tại những khu vực mà hệ thống phòng thủ của Nga đã chuẩn bị sẵn sàng, và sau đó được hỗ trợ bằng số binh sĩ mới tham chiến sau cuộc động viên một phần, tiến độ của Ukraine đã chậm lại. Quân đội Ukraine bị hạn chế hơn nữa khi mùa đông bắt đầu, vì mặt đất trở nên lầy lội. Cuộc phản công của Ukraine để chiếm lại Kherson khởi đầu chậm chạp vào cuối mùa hè, và các quân của họ chỉ có thể tiến khi có thể cắt đứt các đường tiếp tế của Nga, do đó khiến Thành phố Kherson trở nên không thể phòng thủ được. Dân ở đó đã di tản vào tháng mười một.

Nếu một đội quân cần di chuyển hỏa lực trên địa hình hiểm trở, thì thứ họ cần trông rất giống một chiếc xe tăng.

Trong những tháng tới, chiều hướng cuộc chiến cũng có thể được định hình bằng cán cân hỏa lực đang thay đổi. Khi có cơ hội tiếp tục tấn công, Ukraine sẽ ở lợi thế vì có nhiều xe bọc thép hơn, gồm xe tăng Challenger, Leopard và Abrams do châu Âu và Hoa Kỳ viện trợ, sau những cuộc thảo luận kéo dài vào tháng 1. Điều quan trọng là Kiev cũng sẽ nhận được các xe vận chuyển cho bộ binh, cải tiến hệ thống phòng không, đạn đại bác và hỏa tiễn tầm xa hơn.

Xe tank Challenger 3 của Anh. Nguồn: https://eurasiantimes.com

Nhưng sẽ cần thời gian để chuyển giao tất cả những vũ khí này và huấn luyện cách dùng cho quân đội Ukraine. Trong khi đó, Ukraine sẽ phải đối phó với một cuộc tấn công mới của Nga về cơ bản là tiêu hao lực lượng trong cách hành quân của họ, tùy thuộc vào việc Nga có sẵn sàng chấp nhận thương vong cao để đạt được lợi thế của mình hay không. Mặc dù sức mạnh về quân số có thể cho phép họ tiến lên ở một số khu vực, nhưng quân đội Nga vẫn chưa thể hiện được khả năng khai thác bất kỳ điểm đột phá nào bằng những cuộc tấn công nhanh và tiến về phía trước. Hiện tại, Ukraine bắt buộc phải đối phó ở mức tốt nhất có thể trước áp lực này, lo ngại về vận tốc dùng hết đạn dược, hy vọng giữ vững phòng tuyến của mình đủ tốt để khi và nếu cuộc tấn công mới của Nga bắt đầu lu mờ dần, họ sẽ phải có cơ hội để chuyển sang phản công.

Một chiếc xe tăng T-90 của Nga biểu diễn vượt qua bùn và nước. (Ramil Sitdikov/Sputnik)

Những khả năng mới của Ukraine sẽ được điều chỉnh để điều động chiến tranh. Trong những tháng đầu của cuộc chiến, nhiều người trong giới bình luận phương Tây tuyên bố xe tăng đã lỗi thời dựa vào số thiệt hại đáng kể mà quân Nga đã gánh chịu vì vũ khí chống tăng có điều khiển, máy bay không người lái và hỏa lực pháo binh. Trên thực tế, có những lời giải thích cho những tổn thất của xe tăng Nga, kể cả việc không tuân theo học thuyết vũ khí kết hợp của chính họ, khiến họ bị lộ dạng. (Một lý do khác cho sự yếu kém trong các cuộc tấn công của Nga là vai trò hạn chế bất ngờ của binh chủng không quân Nga. Thay vào đó, việc máy bay Nga có thể dễ bị lực lượng phòng không bắn hạ dường như xác nhận thêm cho điều đã trở thành một đặc điểm nổi bật của chiến tranh đương đại: dùng vũ khí tương đối rẻ tiền để vô hiệu hóa hoặc thậm chí phá hủy các hệ thống rất đắt tiền.)

Giờ đây, chính xe tăng, cùng với nhiều xe vận chuyển cho bộ binh hơn, là thành phần chính của những loại vũ khí gần đây mà phương Tây đã đồng ý gửi tới Ukraine. Nếu một đội quân cần di chuyển hỏa lực với xe thiết giáp bảo vệ trên địa hình nguy hiểm, thì thứ họ cần trông rất giống xe tăng. Hiếm khi có ích khi xét bất kỳ hệ thống nào mà không tính đến bối cảnh chiến lược mà chúng đang được sử dụng và những khả năng khác sẵn có của cả hai bên. Một cuộc tấn công mới của Ukraine, chống lại các tuyến phòng thủ cố thủ của Nga, sẽ là một thử thách quan trọng đối với loại chiến tranh cổ điển ở dạng thuần túy nhất của nó.

KẾT THÚC KHÓ BẮT ĐƯỢC

Vấn đề căn bản với những cuộc chiến tranh là chúng dễ bắt đầu hơn là kết thúc. Một khi những đòn tấn công ban đầu của Nga bị giảm sút, nước này sẽ rơi vào một cuộc xung đột kéo dài, khi họ không dám nhận thất bại ngay cả khi con đường dẫn đến chiến thắng vẫn còn rất xa và khó nắm được. Những cuộc chiến như vậy chắc chắn sẽ trở nên tiêu hao, khi kho quân dụng và đạn dược cạn kiệt và tổn thất về quân số ngày càng tăng. Sự cám dỗ để tìm một con đường khác hầu đi đến chiến thắng bằng cách tấn công vào cấu trúc kinh tế xã hội của phe địch ngày càng tăng. Nga đã không từ bỏ con đường thứ hai này mặc dù cho đến nay nước này dù lộ trình đó sẽ củng cố quyết tâm của Ukraine.

Nga đã kiên trì với những chiến lược kém hiệu quả và tốn kém, có lẽ với niềm tin rằng cuối cùng kích cỡ và sự sẵn sàng chấp nhận hy sinh của họ sẽ trả lời. Ngược lại, con đường dẫn tới chiến thắng của Ukraine phụ thuộc vào việc đẩy lùi quân Nga đủ để thuyết phục Moscow rằng họ đã lao vào một cuộc chiến vô ích. Vì Ukraine không thể nhắm mục tiêu vào người dân Nga, nên họ phải khai thác độ chính xác của các hệ thống vũ khí tầm xa hơn để nhắm mục tiêu vào quân đội của Nga, khiến những đường tiếp tế, mạng lưới chỉ huy và sự tập trung quân của Nga dễ bị thiệt hại. Nga tìm cách tạo ra những hoàn cảnh mà người dân Ukraine cảm thấy họ đã chịu đựng quá mức. Ukraine tìm cách làm cho quân đội xâm lăng Nga mất chính nghĩa. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quan trọng tiếp theo, những chiến lược này và cách tiến hành chiến tranh tương phản mà chúng đại diện sẽ phải đối diện với những thử thách khắc nghiệt nhất.



Tác giả • LAWRENCE FREEDMAN là Giáo sư danh dự về Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London và là tác giả của cuốn sách Command: The Politic of Military Operations From Korea to Ukraine.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Kyiv and Moscow Are Fighting Two Different Wars | Lawrence Freedman | Foreign Affairs | February 17, 2023.