Chiến Tranh Nga-Ukraine Sẽ Kết Thúc Thế Nào? (2)

Cao Tuấn

Nói một cách khác, trên toàn thế giới, Tầu là địch thủ chính của Mỹ, không phải Nga. Thách đố lớn nhất của Mỹ nằm ở Châu Á, không phải Châu Âu. Đối với Mỹ, trận đấu Đài Loan ở Châu Á phải coi là “điểm”, chiến trường Ukraine ở Châu Âu chỉ nên coi là “diện”.

Phần thứ hai: Cuộc chiến tại Ukraine nhìn trong chính trị của “thế chân vạc”

Như đã nói ở phần thứ nhất, để hiểu đầy đủ chiến tranh Nga-Ukraine, cần phải đặt nó trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của 3 đại cường quốc là Mỹ, Tàu, Nga. Vậy, cái bối cảnh ấy gồm những điểm đáng lưu ý nào?

“Siêu” nhưng không “siêu”

Mỹ, Tàu, Nga là 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, vượt xa các nước khác. Mỹ là siêu cường. Tầu là siêu cường. Hai nước mạnh gần như toàn diện. Nga không phải là siêu cường nhưng Nga “siêu” về kho vũ khí nguyên tử lợi hại; “siêu” về sản xuất và xuất cảng các loại vũ khí chiến tranh; “siêu” về kỹ thuật thám hiểm không gian; “siêu” về diện tích lãnh thổ, rộng gần gấp đôi toàn thể Âu Châu; “siêu” về năng lượng dầu hoả và khí đốt; “siêu” về tài nguyên thiên nhiên – vàng, bạc, sắt, đồng, chì, kẽm, uranium, than đá, đất, nước; “siêu” vì là đang là quốc gia Âu Châu “hung hăng” nhất trên lục địa này; “siêu” về hào quang là hậu thân của Liên Xô – có bộ binh mạnh nhất trong thế chiến 2, đã đánh bại đế quốc Nhật và nhất là đánh bại Đức Quốc Xã ; “siêu” về vị thế là một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

““Cái bẫy Thucydides” cho rằng khi một cường quốc toàn cầu sẵn sàng thay thế một cường quốc khác, thì chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Dù Trung Hoa đang dần bắt kịp Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu nhưng một cuộc chiến tổng lực khó có thể xảy ra.” Stanislaw Koziej.
 
Đồ thị trình bầy mối quan hệ giữa Trung Hoa, Nga và Mỹ. Có ba trục chính đối với cuộc cạnh tranh quyền lực lớn hiện đang diễn ra: quan hệ giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Trung Hoac và giữa Nga với Trung Hoa. © macpixxel cho nhóm chuyên gia cố vấn GIS.

Mặt khác, Nga chỉ có 144 triệu dân so với 335 triệu của Mỹ, 1420 triệu của Tầu. Tổng sản lượng GDP chỉ bằng 7% của Mỹ và 10% của Tầu tính theo hối suất chính thức (cao hơn một chút nếu tính theo mãi lực). Kinh tế của Nga trì trệ vì năng suất yếu, dân số giảm sút mỗi năm, sinh suất thấp hơn tử suất. Mức sống vào loại thấp nhất ở Âu Châu. Với những giới hạn này, Nga không có (vì không thể có) tham vọng làm bá chủ hay đệ nhất siêu cường như Mỹ hay Tầu mà Nga còn khó tiếp tục đứng độc lập trong thế chân vạc như hiện tại.

“Đông hoà Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” không phải là độc quyền chiến lược của Tập Cận Bình

Trong tương lai, Nga có thể “phải” chọn ký hiệp ước chính thức làm đồng minh chiến lược của Tầu giúp Tầu lật đổ Mỹ và lên ngôi đệ nhất siêu cường với “rất nhiều quyền lợi” và “tột đỉnh vinh quang”.

Nếu Mỹ chấp nhận thoả mãn một số đòi hỏi tối thiểu của Nga, Nga cũng có thể chọn làm đồng minh chiến lược của Mỹ giúp Mỹ chặn không cho Tầu vươn lên nữa, đồng nghĩa giúp Mỹ duy trì nguyên trạng “Pax Americana”. “Trong chính trị quốc tế không có bạn muôn đời, không có kể thù muôn kiếp mà chỉ có quyền lợi của quốc gia” và quyền lợi của …lãnh tụ !

Nếu Nga ký hiệp ước đồng minh quân sự dứt khoát đứng hẳn về một bên, Tầu hay Mỹ, thế giới sẽ không còn “chân vạc”, chỉ có “lưỡng cực”. Thế “lưỡng cực” có thể dẫn đến “nhất cực” nếu liên minh Tàu-Nga thắng Mỹ hoặc liên minh Mỹ-Nga buộc Tầu phải chịu bó tay.

Lẽ tất nhiên, Nga sẽ cố duy trì “thế chân vạc” – cho đến khi không thể duy trì được nữa – để có “triều đình riêng một góc trời” và để khỏi rơi vào tình cảnh khốn quẫn “chồn, thỏ hết, chó săn chết” hay “được chim bẻ ná, được cá quăng nơm”.

“Diện” và “Điểm”

 Mặc dù bị Tầu thách thức và cạnh tranh rất mạnh, Mỹ vẫn còn là đệ nhất siêu cường của thế giới. Cả Âu Châu và Á Châu đều cực kỳ quan trọng cho vị thế này của Mỹ. “Mất” châu nào trước cũng làm Mỹ suy sụp. Suy sụp rất nhanh vì “mất” châu này sẽ nhất thiết làm “mất” luôn cả châu kia.

Tại Âu Châu, đối thủ chính của Nga là Mỹ và đối thủ chính của Mỹ là Nga. Tuy nhiên Nga tự biết không đủ sức nên chiến lược của Nga không nhằm “hất” Mỹ khỏi Âu Châu. Nga chỉ đang tranh một chỗ đứng mà Nga nghĩ mình “xứng đáng” tại lục địa này. Sự khuấy động có phần hung hãn của Nga ở Âu Châu cũng không nhằm phục hồi đế quốc Cộng Sản Xô Viết, một mục tiêu đã lỗi thời và vượt quá tầm tay, mà là những biến đổi của sách lược lấy “công” làm “thủ” trong tình cảnh “bất tiến, tắc thoái” của Nga – sau khi Liên Xô tan vỡ. Nước Nga hay Liên Bang Nga, một mảnh vỡ lớn còn lại của Liên Xô, nếu không thật cứng cả đối nội và đối ngoại cũng sẽ vỡ thêm lần nữa thành những mảnh nhỏ hơn. Đó là nguy cơ có thật đối với Nga dù nhìn khách quan hay nhìn theo quan điểm của Putin. Tuy nhiên, cứng quá sẽ gặp phản ứng. Như “gieo gió thì gặt bão” – như nước Nga đang gặp “bão” ở Ukraine. Như chỗ đứng “xứng đáng” mà Nga muốn áp đặt tại Âu Châu đã và đang bị những đối thủ của Nga chống lại.

Tại Á Châu, đối thủ chính của Mỹ là Tầu và đối thủ chính của Tầu là Mỹ. Khác với Nga, Tầu có tham vọng vĩ đại hơn rất nhiều. Tầu ở thế công không phải thế thủ. Mặc dù bề ngoài mục tiêu của Tầu có vẻ khiêm tốn và chính đáng: “thâu hồi Đài Loan để giải quyết chuyện tranh chấp nội bộ nước Tàu, chấm dứt nội chiến, thống nhất tổ quốc”. Tuy nhiên ai cũng thấy kết quả sẽ không dừng ở đấy. Một khi Đài Loan và Hoa Lục hợp nhất thành một khối, thế trận ở Á Châu hoàn toàn đảo lộn. Vô cùng lợi cho Tàu. Vô cùng hại cho Mỹ.

Sự quan trọng của Đài Loan không chỉ là một hải đảo 36 ngàn cây số vuông, 24 triệu dân, thịnh vượng, tiên tiến mà còn ở vị trí chiến lược nằm án ngữ hải đạo huyết mạch nối liền Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vị trí chiến lược này của Đài Loan có giá trị được nhân lên gấp nhiều lần sau khi Tầu đã hoàn tất việc độc chiếm và quân sự hoá gần như toàn bộ biển Đông bất chấp sự phản đối vô vọng của Mỹ, đồng minh của Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới.

Đài Loan giống như một Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ, không bao giờ chìm, lợi hại gấp mấy chục lần tất cả các Hàng Không Mẫu Hạm của Mỹ gộp lại.

Nguồn: Nikkei Asia

“Mất” Đài Loan, sẽ đặt Nhật và Nam Hàn – đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Á Châu, nơi Mỹ có căn cứ quân sự – trong tình trạng bị uy hiếp nghiêm trọng.

Con đường giao thương tiếp tế sinh tử trên biển cho 2 nước này có thể bị Tầu phong toả bất cứ lúc nào, cắt đứt dễ dàng như trở bàn tay. Thiếu dầu, thiếu khí đốt, thiếu phân bón, thiếu thực phẩm, thiếu gạo, thiếu nguyên liệu … gần 180 triệu người Nhật, người Nam Hàn lúc ấy sẽ phải chọn giữa chết rét, chết đói và kéo cờ trắng.

Mất Đài Loan là Mỹ mất Đông Bắc Á. Sự hiện diện vốn đã yếu ớt của Mỹ ở Đông Nam Á cũng cáo chung rất sớm.

Lấy Đài Loan như vậy, đối với Tàu, không phải chỉ để thống nhất đất nước như tuyên truyền và kích động người dân mà chính là nhằm trục xuất Mỹ ra khỏi Á Châu rồi thừa thắng xông lên thay thế Mỹ làm đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới.

Nói một cách khác, trên toàn thế giới, Tầu là địch thủ chính của Mỹ, không phải Nga. Thách đố lớn nhất của Mỹ nằm ở Châu Á, không phải Châu Âu. Đối với Mỹ, trận đấu Đài Loan ở Châu Á phải coi là “điểm”, chiến trường Ukraine ở Châu Âu chỉ nên coi là “diện”.

Địa Lợi là then chốt

Đương đầu với Tầu trên toàn cầu, Mỹ, nói chung, có một số lợi thế – nhiều đồng minh, nhiều căn cứ, nhiều hàng không mẫu hạm ( tầu sân bay ), nhiều bom nguyên tử và tạm thời có thể in tiền đô la xài khắp thế giới, etc., nên vẫn được coi là siêu cường số 1, nhưng riêng ở Đông Á (gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á) thì Mỹ lại ở thế yếu vì không thể tập trung đủ lực lượng quân sự để đối phó với một địch thủ rất mạnh và có chiến lược tận dụng yếu tố địa lợi, tức là “gần nhà” với khả năng huy động nhân, vật lực gần như vô giới hạn. Đài Loan là đấu trường tại một vùng địa lợi do Tầu chủ động chọn lựa vì tầm quan trọng chiến lược để, nếu thắng, sẽ mở ra một cuộc diện hoàn toàn mới có lợi cho Tầu. Nếu thắng, Tầu sẽ ở trong “thế chẻ tre” như Nhật sau trận Pearl Harbour, như Liên Xô sau Stalingrad.

Mỹ có thừa đầu đạn hạch tâm, thừa bom nguyên tử để tiêu diệt toàn bộ nước Tầu 19 lần. Tầu chỉ có đủ hạch tâm, nguyên tử đủ để tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ 1 lần. Nhưng 19 lần hay 1 lần, trong trường hợp này, khác nhau thế nào? Ưu thế mà không hẳn là ưu thế.

 Đồng minh trong “bộ tứ Kim Cương” (Quad) của Mỹ chỉ có Nhật và Úc là “đáng tin cậy” còn Ấn Độ thì “khả nghi”. Đáng tiếc, Nhật, Úc đều không phải là cường quốc quân sự. Nhật ngày nay không phải Nhật trong thế chiến thứ hai, cả về tinh thần lẫn sự chuẩn bị chiến tranh. Ấn Độ có vũ khí nguyên tử tạm đủ cho mục đích “gián chỉ” nhưng trong chiến tranh quy ước Ấn Độ ở dưới thấp, Tầu ở trên cao (Tây Tạng) nên Ấn Độ sợ chiến tranh với Tầu hơn là Tầu sợ chiến tranh với Ấn Độ. Đại quân của Ấn Độ vừa không có kinh nghiệm vừa không có khả năng “vạn lý trường chinh” vượt Hy Mã Lạp Sơn tiến vào sâu vào đất Tàu. Thêm nữa, người Ấn, theo đạo Bà La Môn(1), tin vào nhân quả, luân hồi không thích đánh nhau(2), chưa kể Tầu đã chuẩn bị sẵn cho Pakistan ngáng chân Ấn Độ. Khi “hữu sự”, nhiều phần là Ấn Độ giữ thái độ “vô can”.

Khối AUKUS (Australia, UK, US) phảng phất lá bài chủng tộc Anglo-Saxon nhưng New Zealand, Canada(3) lại chọn đứng ngoài. AUKUS vừa trùng hợp với các tổ chức đồng minh khác của Mỹ vừa gây thêm chia rẽ nội bộ các nước đồng minh nên sẽ không có nhiều ảnh hưởng. Trường hợp Pháp mới đây phản đối Úc huỷ bỏ hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm của Pháp để mua tầu ngầm nguyên tử do Anh, Mỹ phối hợp cung cấp là một thí dụ.

Nguồn: Brooking.edu, Tanvi Madan Monday, October 5, 2020

Các nước Anh, Pháp, Đức nói riêng, các nước NATO Âu Châu nói chung cũng không có trọng lượng đáng kể ở vùng Đông Á. Chỉ đoàn kết miệng với Mỹ trong việc đối phó với sự bành trướng của Tàu. Khác Mỹ, vì lý do lịch sử, địa lý, tương quan lực lượng và cả thành kiến, các nước này cảm thấy mối nguy Nga gần gũi và hiển nhiên hơn mối nguy Tầu chưa kể bị Tầu dùng tiền hay các lợi ích kinh tế để mua chuộc và phân hoá. Chiến thuật “đi đêm” hay “đối tác song phương” với từng nước Âu Châu xem ra khá hiệu quả với Tàu.

Kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan… cho thấy Mỹ, trên lý thuyết, có khá nhiều đồng minh nhưng thực tế là Mỹ luôn luôn phải đảm đương 90% hay 95% gánh nặng của các cuộc chiến tranh mà Mỹ dẫn đầu.

 Nếu xung đột quân sự Mỹ-Tầu bùng nổ, Mỹ cũng chỉ có thể trông cậy vào… Mỹ, khó có thể trông cậy vào các ông “thợ vịn” đồng minh – bất kể Âu hay Á.

Như vậy vấn đề là Mỹ còn đủ mạnh hay không? Nhất là một nửa nước Mỹ lại cầu mong nửa kia bị thua kẻ thù của nước Mỹ cho …bõ ghét hoặc cho “phe ta” thừa dịp “mượn gió bẻ măng” lên nắm chính quyền.

Ai “thượng phong” và ai “hạ phong”?

Nếu chiến tranh quy ước xẩy ra ở Đông Á, hoả lực của Tầu, sau nhiều năm “canh tân”, “hiện đại hoá”, “thao quang dưỡng hối”, có thể không kém gì Mỹ hoặc giả sử còn kém hơn Mỹ một chút về phẩm chất nhưng lại hơn hẳn Mỹ về số lượng.

Mỹ, từ lâu, được xem là có ưu thế về Hải Quân và Không Quân nhưng Lục Quân không địch lại bộ binh đông như kiến của Tầu. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) Mỹ và 15 nước Đồng Minh như Anh, Pháp, Canada, Turkey, Netherland, Australia, Thái Lan, Phi Luật Tân, Bỉ, Hy Lạp… đã kinh nghiệm xương máu về chiến thuật “biển người” của Tàu. Sau 3 năm chinh chiến, chính Mỹ đã đưa đề nghị ngưng bắn để thương thuyết chứ không phải nước Tầu “khố rách áo ôm” của những ngày xa xưa ấy.

Tầu mất một triệu quân chẳng hề hấn gì, Mỹ mất 100 ngàn quân thì Tổng Thống Mỹ bay chức. Trong chiến tranh, Dân Chủ thất thế trước Độc Tài ở điểm chiến lược này.

Nếu bây giờ chiến tranh Mỹ-Tầu bùng nổ và mở rộng thì ngay cả (giả sử) các nước Đông Nam Á đều chọn đứng về phía Mỹ, Mỹ cũng chỉ có thể miễn cưỡng bảo vệ được các quốc gia hải đảo như Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei nhưng chỉ có thể chống mắt đứng nhìn quân Tầu tràn ngập 7 nước Đông Nam Á còn lại là Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Lào, Cao Miên. Các nước này đều quá yếu so với Tầu về mọi phương diện và là một cái gánh quá nặng cho Mỹ cưu mang. Đông Nam Á, nơi cư trú của hơn 40 triệu “Hoa Kiều Hải Ngoại” đang kiểm soát 80% kinh tế toàn vùng, đúng là sân sau của Tầu trong khi cách xa Mỹ nửa vòng trái đất. Tầu có thể đưa 3 triệu quân đến chiến trường trong vòng 1 tháng, Mỹ cần 2 năm. Nước xa không cứu được lửa gần!

10 năm, 15 năm trước đụng độ Hải Quân, Không Quân với Tầu chắc chắn Mỹ thắng, bây giờ thì không chắc chắn nữa, nhất là đụng độ trong vùng tranh chấp Đài Loan nơi Mỹ đã mất hết các căn cứ quân sự lân cận trong vùng như Cam Ranh, Long Bình, Pattaya, Utapao, Clark, Subic Bay…sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lực lượng đồn trú của Mỹ tại Nhật và Nam Hàn không đủ để đối phó với thế trận của Tầu ngoài ra chính những căn cứ này cũng có thể bị uy hiếp vì nằm trong tầm bắn của hoả tiễn tầm trung của Tàu.

Tầu đã quân sự hoá biển Đông với một tốc độ chóng mặt, công khai, chẳng còn thấy cần cải chính khi bị tố cáo – lấp biển làm thêm đảo nhân tạo, xây phi trường cho chiến đấu cơ, lập vùng nhận dạng phòng không, thiết lập các dàn hoả tiễn, đối hạm, phòng không, các căn cứ hải quân, căn cứ tầu ngầm, cơ sở quân sự, hành chánh đủ loại, tuần tiễu, tuần tra đêm ngày, trên trời dưới nước…phối hợp các căn cứ này với các căn cứ ở đảo Hải Nam, các căn cứ trên đất liền dọc duyên hải Trung Hoa suốt từ Mãn Châu xuống Quảng Đông làm thành một hệ thống quân sự chặt chẽ, chằng chịt, liên hoàn. Một thế trận lợi hại cho cuộc thư hùng quyết định ai sẽ là đệ nhất siêu cường hay bá chủ thế giới đã được đảng cộng sản Tầu chuẩn bị cẩn thận trong mấy chục năm từ thuở “ẩn mình chờ thời” cho đến khi “đối thủ biết được ý định thực của ta thì đã muộn”.

Cơn bão đỏ: Dự báo quân sự của Trung Hoa INDO-PACOM
Nguồn: Hans Kristensen • Ngày 15 tháng 9 năm 2020, Federation of American Scientists, FAS.org.

Mang lực lượng từ xa đến, đối với Mỹ, có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn vì thiếu căn cứ, Mỹ phải trông cậy vào hơn chục Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH). Nhưng dù tối tân đến đâu các HKMH này cũng có kích thước quá lớn và di chuyển quá chậm nên dễ làm mục tiêu cho các loại tên lửa đạn đạo, hoả tiễn di chuyển bằng vận tốc âm thanh, hướng dẫn bằng radar hay vệ tinh và gắn khối chất nổ khổng lồ. Chẳng hạn như các loại hoả tiễn Đông Phong DF-21, DF-26 của Tầu có tầm bắn xa hàng ngàn cây số đã được trình diễn trong cuộc diễn binh vĩ đại ở Bắc Kinh năm 2015. Câu hỏi quan trọng là: Tầu đã sản xuất được bao nhiêu hoả tiễn như thế? Và độ chính xác thế nào? Nếu Mỹ không biết hay chưa biết thì Mỹ có định mang các Hàng Không Mẫu Hạm trị giá từ 10 đến 20 tỉ đô la đến eo biển Đài Loan để thử sức với những hoả tiễn của Tầu chỉ có giá một vài triệu hay không?(4)

Nếu không, làm sao bảo vệ Đài Loan và các đồng minh trong vùng?

Lực lượng hoả tiễn đối không và đối hạm cùng các dàn cao xạ dầy đặc của Tầu đợi B52 của Mỹ xuất hiện còn được phối hợp với 2, 3 ngàn phi cơ xung kích sẵn sàng cất cánh từ các phi trường gần biển kể cả những phi trường tân lập trên các đảo nhân tạo ở biển Đông và phối hợp cả với những đội tầu ngầm quanh quẩn trong vùng…

Sự bố trí quân sự của Tầu tại biển Đông và miền duyên hải Trung Hoa nói chung chuẩn bị cho cả 2 trường hợp.

Trường hợp 1 (tốt nhất) không cần bắn một phát súng: Mỹ thấy thế trận quân sự của Tầu bầy ra Mỹ không phá nổi, đành phải rút lực lượng, có ký giấy hay không. Bất Chiến Tự Nhiên Thành của Tôn Tử !

Trường hợp 2: chiến tranh bùng nổ, Tầu thắng, Mỹ triệt thoái quân sự khỏi Á Châu, có ký giấy hay không.

Dĩ nhiên đối với Tầu trường hợp 1 tốt hơn hẳn, không sứt mẻ, lại không bị rủi ro chiến tranh nguyên tử và có thể nó chính là phương án mà Tầu đang thực hiện “chậm rãi nhưng chắc chắn” để “bức hàng” cả Đài Loan và Mỹ.

Mỹ tất nhiên cũng rất muốn “bất chiến tự nhiên thành” giống như Tầu – Win Without Fighting hay “ta không cần đánh mà người chịu khuất” — nhưng Mỹ bị giới hạn và bất lợi rất nhiều mặt nên ngay cả một thế trận “trung bình”, “coi được” mà các chiến lược gia của Mỹ đang cố gắng sắp xếp một cách lúng túng như “Quad”, như “Aukus”, như “Five eyes” để đối phó với thế trận của Tầu có thể cũng không hiện thực – trừ khi có một “sáng kiến chiến lược” với tầm cỡ… “Kissinger bí mật đi Tầu năm 1971” thì mới mong Tập Cận Bình phải chịu bó tay.

(Tháng 4/2023)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnnline hiệu đính, trình bầy và phụ chú.

(1) Theo điều tra dân số năm 2011, 79,8% dân số Ấn Độ theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo), 14,2% theo đạo Hồi, 2,3% theo đạo Cơ đốc, 1,7% theo đạo Sikh, 0,7% theo đạo Phật và 0,4% theo đạo Giai Na. Zoroastrianism (đạo thờ lửa), Sanamahism (đạo đa thần và đặt theo tên của Lainingthou Sanamahi,  một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Meitei) và Do Thái giáo cũng có một lịch sử lâu đời ở Ấn Độ, cả hai có hàng ngàn tín đồ. Ấn Độ có dân số lớn nhất của những người theo Zoroastrianism (đạo thờ lửa) và đạo Bahá’í (một tôn giáo có khoảng 5-7 triệu tín đồ ở khắp mọi nơi) trên thế giới. (Nguồn: Smith, Peter (2008). An Introduction to the Baha’i Faith. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-86251-6. Trang 94)

(2) Không kể đến rất nhiều cuộc chiến đã xẩy ra từ thời Cổ đại đến thời Trung cổ và hiện đại (c. 1850s to 1947 CE), Ấn Độ thời tiền hiện đại (từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19 CN) có khoảng gần 70 cuộc chiến tranh kể cả nội chiến và với chiến tranh lân bang và những nước châu Âu như Đế quốc Portugese, và Đế quốc Ba tư ở Trung Đông.

(3) Canada: Thỏa thuận AUKUS công bố vào giữa cuộc bầu cử liên bang Canada năm 2021. Chính khách đối lập đã đả kích Thủ tướng Justin Trudeau về việc Canada bị đặt đứng ngoài hiệp ước, và Trudeau đã trả lời, “Đây là một thỏa thuận về tàu ngầm hạch tâm, thứ mà Canada hiện chưa hoặc không biết đến khi nào mới cần có như Úc.” Lãnh đạo phe đối lập chính thức Erin O’Toole tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách gia nhập liên minh nếu được bầu làm thủ tướng.
New Zealand: vào ngày 16 tháng 9 năm 2021, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã  tuyên bố nhắc lại lập trường của New Zealand là không tàu ngầm nguyên tử nào được phép hoạt động trong vùng biển của New Zealand, đồng thời tuyên bố rằng họ không được 3 nước trong AUKUS nói chuyện về hiệp ước và rằng bà ấy cũng không đợi AUKUS đến nói chuyện. Ardern cho biết  lãnh đạo của ba quốc gia AUKUS “hiểu rất rõ” chính sách phi hạch tâm của New Zealand và đã “hiểu rõ quan điểm của chúng tôi về việc thành lập các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử”.

(4) Hải quân Hoa Kỳ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng bay của chiến đấu cơ và khả năng chiến đấu của HKMH trong vùng được gọi là nơi có vũ khí chống đến gần/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) bảo vệ…. Theo quan điểm của Ban lãnh đạo Hải quân Hoa Kỳ, A2/AD—như cách gọi hiện nay—đã hiện hữu từ buổi bình minh của chiến tranh khi con người nguyên thủy chiến đấu bằng đá và giáo mác. Theo thời gian, kỹ thuật A2/AD đã phát triển với tầm và mức sát thương ngày càng lớn hơn. Đá và giáo mác cuối cùng nhường chỗ cho cung tên, súng hỏa mai và đại bác. Do đó, sự ra đời của hỏa tiễn đạn đạo và hành trình tầm xa chống chiến hạm đơn giản chỉ là một bước tiến kỹ thuật khác của A2/AD.
Chỉ huy trưởng Hành quân Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, đã lập luận rằng sự phát triển vũ khí tầm xa của những quốc gia thù địch như Nga và Trung Hoa không phải là phần tử quan trọng nhất của những cuộc hải chiến. Ông cũng thách thức quan điểm cho rằng cái gọi là khu vực A2/AD là một khu vực ngăn cách không thể xâm nhập hay chỉ có thể xâm nhập ở mức nguy hiểm tối đa. Richardson không đồng ý với việc đơn giản hóa quá mức những tình trạng phức tạp và luôn là độc nhất trong cái gọi là khu vực A2/AD, đồng thời kết luận rằng Hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào họ cần đến, vào bất kỳ lúc nào và ở lại đó lâu nhất có thể. (Nguồn:  “China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities — Background and Issues for Congress”, RL33153, Updated December 1, 2022  Congressional Research Service, https://crsreports.congress.gov, RL33153, Appendix B. U.S. Navy’s Ability to Counter Chinese ASBMs and Hypersonic Weapons, trang 57-62.)