‘Đi trên dây’: Tổng thống Đài Loan ứng xử với Mỹ và Trung Hoa như thế nào

John Liu, Amy Chang Chien, Chris Horton và Paul Mozur | Trà Mi

Được biết là người thực tế, thầm lặng, Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã mở ra kỷ nguyên hợp tác mới với Mỹ khi những lo ngại về sự hung hăng của Trung Hoa gia tăng.

Tsai Ing-wen, tổng thống Đài Loan, tại lễ Quốc khánh vào tháng 10 năm 2021. Ảnh: Lam Yik Fei cho The New York Times

Nhóm phóng viên đã phỏng vấn hơn hai chục đồng nghiệp và đối tác ngoại giao của bà Thái Anh Văn cho bài viết này.

Tại một hòn đảo nổi tiếng về chính trị huyên náo, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là một người lãnh đạo không giống như chính trường.

Những người thân cận mô tả bà là người uyên bác và yêu sách,  được biết bà là người thận trọng và ít nói. Vào năm 2016, bà đã ra lệnh cho nhân viên của mình giữ im lặng về cuộc điện đàm sắp tới với Tổng thống Donald Trump, mặc dù đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, một nhân vật lãnh đạo Đài Loan nói chuyện với một tổng thống Mỹ hoặc tổng thống đắc cử. (Ông Trump ít kín đáo hơn.)

Khi nắm quyền lãnh đạo đảng từ 15 năm trước, bà được biết đến như một chuyên gia kỹ trị chứ không phải một chính khách biến đổi cục diện.  Một công điện ngoại giao của Mỹ vào thời điểm đó khi đánh giá vị trí của bà trong chính trường Đài Loan đã viết, “Nhiều bình luận gia coi bà Thái Anh Văn là một nhân vật lãnh đạo chuyển tiếp và tương đối yếu.”

Thái Anh Văn, 66 tuổi, đang thực hiện một trong những chuyến công du cuối cùng trước khi rời nhiệm sở vào năm sau, sau hai nhiệm kỳ, với vị thế như một trong những nhân vật lãnh đạo quan trọng nhất trên thế giới. Ngồi ở giữa cơn bão xoáy ngày càng lớn giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ, bà đã lèo lái Đài Loan đi giữa những yêu cầu trái ngược nhau của hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, một nước tuyên bố đảo quốc này nằm dưới sự cai trị độc tài của họ và một nước khác coi nền dân chủ Đài Loan là một mũi nhọn trong cuộc chiến lớn hơn, đối đầu với Trung Hoa.

Chuyến công du của bà Thái Anh Văn trong tuần này, gồm cả cuộc gặp đã định với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, không phải về những đột phá ngoại giao, mà là về việc củng cố vị thế của Đài Loan trong suy nghĩ của giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị nghiêm trọng.

Bà Thái Anh Văn, khi là lãnh đạo của Đảng Tiến bộ Dân chủ, trong một cuộc biểu tình năm 2009 chống lại các chính sách Trung Hoa của tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ, Mã Anh Cửu. Nguồn: Sam Yeh/Agence France-Presse — Getty Images

Bà ấy đã giành được chỗ đứng trong mắt người Mỹ cũng như những nơi khác trên thế giới, như một người đối thoại đáng tin cậy.

Steve Yates

Steve Yates, chủ tịch Sáng kiến Chính sách Trung Hoa tại Viện Chính sách Ưu tiên Nước Mỹ, cho biết rất khó để bộ máy tuyên truyền của Trung Hoa miêu tả bà ấy như một loại rô-bô tấn công điên cuồng vào mọi thứ của Hoa lục.

Trong vai trò tổng thống, bà Tsai đã phát triển quan hệ ngoại giao gần gũi nhất với Hoa Kỳ mà Đài Loan đã có kể từ khi nước này trở thành một nền dân chủ đúng nghĩa gần 30 năm trước; Mỹ bảo đảm sự yểm trợ không chính thức cùng với lời hứa cấp vũ khí cho Đài Loan. Việc tăng cường liên kết Đài Bắc-Washington đã tạo không gian cho các quốc gia khác không chính thức công nhận chính phủ Đài Loan mở rộng quan hệ của họ, kể cả Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Điều này đã mang lại cho đảo quốc hy vọng tốt nhất để củng cố hệ thống phòng thủ trước những lời hù dọa ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh nhằm chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực. Bà Tsai cũng đã làm việc để đẩy Trung Hoa lùi lại mà không công khai đối đầu với một cường quốc kinh tế và quân sự chỉ cách eo biển Đài Loan 160 km.

Theo hai người đã làm việc thân cận, trong riêng tư, bà Tsai đã ví vị trí này giống như “đi trên dây”. Tìm một khung mẫu, bà ấy đã tìm đến cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, người giống như bà, xuất thân từ giới hàn lâm.

Bà Tsai, ở giữa, trong một cuộc tranh luận  tranh cử với Tổng thống Mã Anh Cửu, trái, và James Soong ở Đài Bắc vào tháng 12 năm 2011. Vài tuần sau, bà thua người đương nhiệm, ông Mã. Nguồn: Pool ảnh của Aden Hsu

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2015, bà Thái Anh Văn nói về bà Merkel,

“Sức hấp dẫn quần chúng không phải là thứ mà mọi người coi là thế mạnh của bà ấy. Nhưng khả năng quản lý, suy nghĩ, quyết tâm và quyết định của bà ấy thực sự là những đặc điểm tiêu biểu mà chúng ta cần thấy ở người điều hành một quốc gia hiện đại.”  

Thái Anh Văn

Khi dừng chân ở New York trong chuyến công du hiện tại, bà Thái Anh Văn có vẻ bình tĩnh và thoải mái, đôi khi cho thấy một vài nét hài hước mà bà chỉ tỏ ra với những người thân thiết.

Hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ

Hai quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế, tranh giữ lợi thế trên đất liền, trong nền kinh tế và trong không gian mạng.

Patrick M. Cronin, Chủ tịch an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, người đã nghe bài phát biểu kín, nhớ lại khi đề cập sâu sắc đến các tiuyên bố chủ quyền của Đảng Cộng sản Trung Hoa đối với Đài Loan, bà Tsai nói với những người Mỹ đang có mặt:

““Chính trị trong nước của tôi khó hơn của quý vị, bởi vì tôi có thêm một đảng muốn tham gia chính trị.” Đây là người lãnh đạo của Đài Loan, bảy năm trong nhiệm kỳ dưới áp lực và sự ép buộc hàng ngày không ngừng, bà vẫn lạc quan và khôi hài, đồng thời kết nối với khán giả Mỹ của mình như một chính khách lành nghề.”

Patrick M. Cronin

Khi bước lên lãnh đạo Đảng Tiến bộ Dân chủ vào năm 2008, bà Tsai không phải đối phó nhiều với sự cạnh tranh cho vị trí này. Đảng đang quay cuồng sau thất bại trong cuộc bầu cử và cuộc điều tra cựu Tổng thống Trần Thủy Biển về việc tham nhũng. Bà Tsai đã trấn an đảng viên và xây dựng sự ủng hộ của họ bằng cách quản lý nhu cầu tài nguyên bằng một chiến dịch gây quỹ mới, ở hạ tầng cơ sở.

Bà ấy phải làm công việc vận động tranh cử, ở Đài Loan bao kể cả ở những cuộc biểu tìnhh lớn với những bài diễn văn trong tiếng nhạc đầy kịch tính. Liu Chien-hsin, một phụ tá lâu năm của bà Tsai, nhớ lại: “Lúc đầu, bà ấy không nói trôi chảy được tiếng Đài Loan và không biết khi nào nên bước lên sân khấu.

BàTsai đã tìm ra phong cách của riêng mình, tận dụng mạng xã hội và hướng đến giới trẻ Đài Loan để kết nối rộng rãi hơn. Trong những quảng cáo, bà ấy chụp ảnh với con mèo Think Think, cổ động một khuynh hướng nhỏ về chính trị thú cưng.

Vận động tranh cử ở thành phố Đài Trung năm 2015. Bản tính trầm lặng và ít nói, bà Tsai đã phải nỗ lực học hỏi để vận động tranh cử, nhưng cuối cùng đã tìm ra phong cách của riêng mình. Nguồn: Billy H.C. Kwok cho Thời báo New York

Bà đã phải vượt qua sự hoài nghi địa chính trị. Bất chấp mối quan hệ thân thiết của bà với nhiều người ở Washington, giới lãnh đạo Mỹ không tin tưởng vào đảng của bà, một phần là do Tổng thống Trần Thủy Biển có khuynh hướng đưa ra những bài diễn văn nảy lửa khiến Trung Hoa tức giận và cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.

Vào năm 2011, bà Tsai, với tư cách là ứng cử viên tổng thống của đảng mình, đã đến thăm Hoa Kỳ để giới thiệu triển vọng chính sách đối ngoại của mình với chính quyền Obama. Sau đó, một viên chức cấp cao ẩn danh của Hoa Kỳ nói với The Financial Times rằng bà ấy đã rời Hoa Kỳ với “những ngờ vực rõ ràng” về khả năng của bà để sẵn lòng duy trì sự ổn định trong mối quan hệ của Đài Loan với Bắc Kinh, mối quan hệ lúc đó đang được cải thiện dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu. Nhận định như vậy từ phía Hoa Kỳ đã giúp chuyển cuộc bầu cử năm 2012 cho ông Mã Anh Cửu.

Theo Jiho Tiun, người viết diễn văn trước đây, bà Tsai đã học được từ thất bại đó để tránh bất cứ điều gì có thể được coi là hành động khiêu khích trực tiếp của Trung Hoa. Khi bà Tsai một lần nữa đến thăm Washington vào năm 2015 trước thềm chiến dịch tranh cử tổng thống cuối cùng thành công, bà đã định hình đảng của mình theo một tầm nhìn nhất quán: một Đài Loan đang âm thầm làm việc để củng cố chủ quyền và độc lập của mình mà không gây căng thẳng cho quan hệ Trung-Mỹ hay gây gổ. mối quan hệ.

Ông Tiun nói: “Bà ấy muốn đẩy vị thế của một quốc gia độc lập của Đài Loan đi càng xa càng tốt mà không khiến người Mỹ mất lòng tin vào bà ấy.”

Những người ủng hộ bà Thái Anh Văn trong một cuộc tập họp vận động tranh cử ở Thành phố Đài Bắc Mới vào tháng 1 năm 2016. Bà đã thắng cuộc bầu cử đó. Nguồn: Philippe Lopez/Agence France-Presse — Getty Images

Chiến lược đó đã giúp thắt chặt quan hệ ngoại giao. Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xẩy ra xung đột, vượt xa những người tiền nhiệm của ông và những cam kết chính thức đối với Đài Loan. (Mỗi lần, Tòa Bạch Ốc nói rõ rằng chính sách mơ hồ có tính toán của Hoa Kỳ đối với ý định bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xẩy ra xung đột không thay đổi.) Yểm trợ thêm về quân sự, bán vũ khí và những chuyến viếng thăm ngoại giao đã nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn.

Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ cho biết: “Bà Thái Anh Văn là người thẳng thắn – bà ấy đã tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ trước và tiếp nhận nhiều đề nghị của Hoa Kỳ.”

Gìn giữ mối quan hệ với Hoa lục là việc khó hơn. Bà Tsai đã có kinh nghiệm làm việc sâu sắc với giới chức chính phủ Trung Hoa do việc đã chủ trì Hội đồng Các vấn đề Đại lục hàng đầu của Đài Loan. Lúc đầu, bà hy vọng Bắc Kinh sẽ tham gia, mặc dù sự ngờ vực mang tính lịch sử đối với đảng của bà vì đảng này coi trọng bản sắc của họ là người Đài Loan hơn là người Trung Hoa.

Bà Tsai mừng chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1 năm 2016. Nguồn: Philippe Lopez/Agence France-Presse — Getty Images

Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2016, bà đã tìm cách để ngỏ cánh cửa, thừa nhận phiên họp năm 1992, mặc dù không đạt được sự đồng thuận mà giới chức chính phủ Trung Hoa và Quốc dân đảng, đảng chính trị đối thủ của bà. Trong khi tính hợp pháp của sự đồng thuận đang được tranh luận ở Đài Loan, Bắc Kinh đã nói rằng đó phải là nền tảng cho mối quan hệ của họ.

Bà Tsai, một phần vì đã ngầm liên lạc với Trung Hoa trước lễ nhậm chức, tin rằng sự đồng ý của bà với cuộc họp là một sự nhượng bộ. Nhưng giới chức chính phủ Trung Hoa đã phản bác lại rằng diễn văn của bà Tsai giống như “một bài thi chưa hoàn chỉnh”. Theo Raymond Burghardt, cựu chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan và là một người khác thân cận với chính quyền — từ chối nêu tên vì những nhạy cảm chính trị — thì bà Tsai đã sốc trước sự không khoan nhượng của Hoa lục.

Kinh nghiệm ảnh hưởng đến cách ứng xử của bà với Trung Hoa. Mặc dù thận trọng, bà ấy đã tìm thấy cơ hội để đối đáp. Theo Lin He-ming, cựu phát ngôn viên của văn phòng tổng thống và phụ tá lâu năm của bà Tsai, ông Liu, vào cuối năm 2018, chính quyền của bà nhận được tin tình báo rằng người lãnh đạo Trung Hoa, Tập Cận Bình, có kế hoạch cho một bài phát biểu quan trọng về Đài Loan. Lời thuật của họ đã được một người thứ ba quen thuộc với vấn đề này — từ chối nêu tên do tính nhạy cảm chính trị — xác nhận.

Quân nhân Đài Loan tập trận đổ bộ. Cuối năm ngoái, bà Tsai đã có thể kéo dài thời hạn đi quân dịch từ bốn tháng lên một năm. Nguồn: Lam Yik Fei cho The New York Times

Vào ngày 2 tháng 1 năm 2019, ông Tập đã đề nghị chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mới đối với Đài Loan, tương tự như hệ thống của Trung Hoa tại Hong Kong, trong đó Bắc Kinh kiểm soát thành phố, nhưng trên lý thuyết đã cho phép nó ở một mức độ rộng rãi, tự chủ trong nước.

Trong vòng vài giờ, bà Tsai đã bác bỏ ý kiến đó:

“Tôi muốn nhắc lại rằng Đài Loan tuyệt đối sẽ không chấp nhận ‘một quốc gia, hai chế độ’. Đại đa số người Đài Loan cũng kiên quyết phản đối ‘một quốc gia, hai chế độ’ và sự phản đối này cũng là một ‘sự đồng thuận của Đài Loan.’”

Thái Anh Văn

Ban truyền thông xã hội của bà ấy đã truyền tin trực tuyến. Họ biến lời bác bỏ của cô thành một bích chương trên mạng bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Những người ủng hộ khác đã dịch nó ra gần 40 ngôn ngữ.

Ông Lin, cựu phát ngôn viên cho biết: “Trung Hoa đã rất bối rối vè cách nào Tsai có thể phổ biến thông điệp của mình tới cộng đồng toàn cầu.”

Việc Bắc Kinh cô lập bà Tsai theo một cách nào đó đã tự chuốc lấy thất bại. Với việc thống nhất không được bàn cãi nữa, ông Tập có rất ít cơ hội để giành được trái tim và khối óc của dân chúng ở Đài Loan. Chính sách gần đây của Trung Hoa có sự kết hợp giữa cưỡng ép kinh tế, đe dọa của giới chức chính phủ và truyền thông nhà nước đưa ra, và đe dọa quân sự bằng việc tăng cường xuất kích của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom gần đó.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và bà Tsai tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc vào tháng 8 năm 2022. Bà là viên chức chính phủ cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm trong 25 năm qua. Bản quyền Văn phòng Tổng thống Đài Loan,  qua Reuters

Tư thế đó đã giúp bà Tsai hoàn thành những mục tiêu về chính sách. Khi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Loan vào năm ngoái, viên chức chính phủ cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm trong 25 năm, Trung Hoa đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh hòn đảo chính của Đài Loan. Sự đối kháng, kết hợp với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đã nâng cao cảnh cáo và củng cố sự đồng thuận để chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Trung Hoa có thể xẩy ra. Bà Tsai đã có thể kéo dài thời hạn thi hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm.

Mặc dù vậy, nhiều người ở D.C. đã lo lắng về sự sẵn sàng của Đài Loan. Trong khi bà Tsai có thể nói đến những thành tựu trong nước, kể cả việc cải cách hệ thống lương hưu, khả năng quản lý đại dịch và hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, thì những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan vẫn còn chậm chạp.

Bà Tsai mãn nhiệm tổng thống ở cuối nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới. Ông Burghardt thuộc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan cho biết, với nền chính trị ồn ào của Đài Loan, người kế nhiệm của bà ấy khó có thể có được kỷ luật như bà ấy, điều này có thể khiến chính sách “bên miệng hố chiến tranh” vốn đã nguy hiểm đối với hòn đảo càng trở nên nguy hiểm hơn. Ông nói,

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhớ bà ấy. Câu hỏi thực sự là liệu người Trung Hoa có nhớ bà ấy không. Hoặc liệu họ có cảm thấy khác hay không, khi bà ấy không còn là tổng thống, và nếu một người kém thận trọng hơn đảm nhận vị trí đó; việc đó có thể khiến họ trở nên kém thận trọng hơn. Đó là một dấu hỏi lớn treo lơ lửng về tương lai.”

Raymond Burghardt
Bà Thái Anh Văn hôm thứ Sáu trong chuyến ghé thăm New York. Nguồn: Văn phòng Tổng thống Đài Loan, qua Reuters
Văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vừa thông báo ông sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen vào thứ Tư, ngày 5 tháng 4 tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California.

Tác giả

  • Christopher Buckley đã góp phần viết tin.
  • John Liu làm việc với The Times vào năm 2021 và đưa tin về Trung Hoa. Trước đây, ông là phóng viên của The Myanmar Times, và đã viết về Đài Loan cho các hãng tin quốc tế. @JohnLiuNN
  • Amy Chang Chien đưa tin ở Hoa lục và Đài Loan. Bà làm việc tại Đài Bắc. @amy_changchien
  • Paul Mozur là phóng viên chuyên về kỹ thuật và địa chính trị ở châu Á. Ông ấy là thành viên của nhóm đã giành được Giải thưởng Pulitzer năm 2021 về hoạt động công ích vì đã đưa tin về đại dịch virust corona. @paulmozur

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: ‘On a Tightrope’: How Taiwan’s President Navigated the U.S. and China | John LiuAmy Chang Chien, Chris Horton and Paul Mozur |

The new York Times | April 2, 2023