Với Trung Hoa, một dự án kinh đào của Campuchia cho thấy Sáng kiến ​​Một Vành Đai Một Con đường chỉ có thể ảnh hưởng đến một mức độ nhất định

Ji Siqi | Trà Mi

Với sức tái định hình những tuyến đường thương mại và ảnh hưởng đến những mối quan hệ địa chính trị, kinh đào Funan Techo đã trở thành phép thử cho những quan hệ đối tác dự án của Trung Hoa ở nước ngoài

Brian Wang trình bầy

Sớm hơn nhiều tháng so với dự tính ​​ban đầu, một dự án kinh đào gây chia rẽ, do Trung Hoa hậu thuẫn, đã khởi công tại Campuchia vào ngày 5 tháng 8 — đúng ngày sinh nhật lần thứ 72 của Hun Sen, cựu thủ tướng Campuchia và là người đứng đầu chính phủ tại vị lâu nhất trong lịch sử nước này.

Trong lễ ra mắt, đương kim Thủ tướng Hun Manet tuyên bố, “Chúng ta phải xây kinh đào này bằng mọi giá.

Không mất nhiều thời gian để kinh đào Funan Techo đi từ bản vẽ đến công trường sau khi được công bố vào đầu năm 2023. Vào tháng 10, trong chuyến thăm Trung Hoa để tham dự Diễn đàn Một Vành Đai Một Con đường thường niên, Hun Manet — con của Hun Sen — đã có mặt tại lễ ký kết thỏa thuận khung với Tổng công ty Cầu đường Trung Hoa (CRBC) của chính quyền Hoa lục.

Campuchia coi Trung Hoa là đối tác tự nhiên mà họ có thể cùng xây dựng kinh đào đã rất được mong đợi này. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hỗ trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Campuchia trong những năm gần đây, nhưng kinh đào này là kinh đào đầu tiên thuộc loại này.

Với Trung Hoa, quốc gia có nghị trình riêng là thúc đẩy vệc kết nối với những nước Đông Nam Á bằng đầu tư vào những đường giao thông khu vực — gồm một kinh đào nội địa đang được xây dựng tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Hoa cũng như một số đường sắt xuyên biên giới — đường thủy dài 180 km (110 dặm) ở Campuchia chắc chắn mang đến một cơ hội hấp dẫn.

Kinh đào Campuchia

Kinh đào Funan Techo (mầu tím) chay song song dọc biên giới Campuvhia-Việt Nam nối sông Mekong với vịnh Thái Lan

Nhưng sự tham gia của Trung Hoa dường như đã bị hạ thấp trong câu chuyện chính thức về con đường thủy này sau thông báo ban đầu, có lẽ là do cả Phnom Penh và Bắc Kinh đều trở nên cảnh giác hơn về việc biến dự án thành một chiến trường địa chính trị – quan điểm này được củng cố lời thề thệ của giới chức chính quyền Campuchia vào tháng 5 rằng kinh đào sẽ không trở thành “vấn đề khu vực hoặc quốc tế”.

(SCMP) Quan hệ Campuchia-Việt Nam căng thẳng vì kênh đào mới do Trung Hoa hậu thuẫn| Trong nhiều chục năm, Sok Kouen đã sống trong một túp lều nhỏ bên Sông Mekong ở phía đông nam Campuchia, thu lượm các thùng nhựa và bán nước mía để nuôi sống gia đình. Nhưng ngôi nhà của bà có thể sớm trở thành một phần của dự án Kinh đào Funan Techo khổng lồ của Campuchia. Con đường thủy do Trung Hoa tài trợ sẽ chạy từ Sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh thẳng ra biển, với mục đích thúc đẩy nền kinh tế của nước này.

Sau khi được công bố, đề án kinh đào đã nhanh chóng làm dấy lên mối lo ngại từ nước láng giềng Việt Nam, Hoa Kỳ và giới hoạt động môi trường. Một số người Việt Nam lo ngại rằng kinh đào có thể được tàu chiến Trung Hoa sử dụng và làm giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào những hải cảng của Việt Nam, ảnh hưởng đến những nguồn lợi tức địa phương. Washington coi dự án này là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa trong khu vực. Và những chuyên gia về bảo tồn lo ngại rằng kinh đào có thể làm giảm lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, một trong những con sông có đa dạng sinh học nhất thế giới.
Brian Eyler, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, cho biết, “Khi dự án được khởi công, nó trông và có cảm giác rất giống một dự án của Sáng kiến ​​Một Vành Đai Một Con đường điển hình”, ám chỉ đến sáng kiến ​​kéo dài hàng chục năm của Bắc Kinh nhằm liên kết những nền kinh tế vào mạng lưới thương mại mà Trung Hoa làm trung tâm.

Nhưng kể từ [khi thông báo], nó đã biến thành một dự án được đóng khung như một dự án của địa phương vì lợi ích địa phương cho chính phủ Campuchia và những ngành kỹ nghệ liên quan.” Eyler cũng nói thêm rằng bằng chứng “không thuyết phục” về nguồn gốc hình thành khái niệm kinh đào này.

Khán giả tham dự lễ động thổ kinh đào Funan Techo tại Campuchia vào ngày 5 tháng 8. Ảnh: AFP

Vào tháng 5, phương tiện truyền thông Campuchia trích lời Hun Sen nói rằng: “Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến ​​Một Vành Đai Một Con đường của Trung Hoa. Dự án này do Campuchia khởi xướng 100%.”

Với chi phí ước tính ban đầu là 1,7 tỷ đô la Mỹ, con đường thủy này sẽ nối lưu vực sông Mekong với bờ biển Campuchia, giúp giảm sự phụ thuộc kinh tế của quốc gia này vào Việt Nam. Hiện tại, khoảng 33 phần trăm hàng hóa đến và đi từ Campuchia đi qua những cảng của Việt Nam qua sông Mekong.

Eyler cho biết, tuy nhiên, phí tổn có thể tăng trong những năm tới vì chi phí bảo trì ngắn và dài hạn của kinh đào chắc chắn chưa được tính trongo dự toán đó.

Chính phủ Campuchia gọi dự án này là cơ hội để Campuchia “thở bằng chính mũi của mình”, cũng như là “bước ngoặt” cho chính trị quốc tế của vương quốc này.

Gu Jiayun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Campuchia tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết, với Bắc Kinh, việc tham gia vào dự án kinh đào là một “hoạt động kinh doanh”.

Gu, cũng là một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Charhar, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết,

“Về bất kỳ cân nhắc [chính trị] nào khác, tôi không nghĩ là có [đối với Trung Hoa]… dự án này hoàn toàn tập trung vào Campuchia. Trung Hoa thậm chí còn không biết Campuchia muốn xây kinh đào cho đến khi họ đến với chúng tôi.”

Gu Jiayun

Ông nói thêm, vì vậy, cho đến nay, kinh đào không đáp ứng được nguyên tắc của những dự án của Sáng kiến Một Vành Đai Một Con đường – “tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và lợi ích chung”.

“Tôi nghĩ ý nghĩa chính của kinh đào Funan Techo là để Hun Manet củng cố sự nổi tiếng và hình ảnh của chính mình như người lãnh đạo mới của Campuchia”

Sokvy Rim, Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia


Sokvy Rim, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia, cho biết thay vì Bắc Kinh dựng lên kinh đào, dự án này do Hun Sen khởi xướng và Hun Manet thúc đẩy.

Rim cho biết, “Tôi nghĩ ý nghĩa chính của kinh đào Funan Techo là để Hun Manet củng cố sự nổi tiếng và hình ảnh của chính mình như người lãnh đạo mới của Campuchia. Ông ấy phải hoàn thành một điều gì đó quan trọng, giống như cha ông ấy đã làm. Người dân Campuchia nhìn dự án này một cách lạc quan, vì họ tin rằng dự án có thể giúp Campuchia giảm sự phụ thuộc vào Việt Nam.”

Mặc dù việc xây dựng đã bắt đầu và dự định ​​sẽ hoàn thành trong vài năm nữa, nhưng thông tin chi tiết về dự án vẫn còn rất hạn chế. Ban đầu, người ta cho rằng dự án được xây dựng theo mô hình hợp tác xây dựng-vận hành-chuyển giao, theo đó CRBC sẽ phát triển kinh đào và chi trả theo thỏa thuận với chính phủ Campuchia, đổi lại sẽ nhận được những nhượng bộ trong nhiều chụ năm. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 5, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho biết, “30 năm, 40 năm hay 50 năm — điều đó sẽ được thảo luận trong quá trình đàm phán của chúng tôi.”

Vào tháng 6, Hun Manet cho biết kinh đào không còn là dự án phần lớn do nước ngoài đầu tư nữa và chính là do những công ty Campuchia nắm giữ 51% cổ phần phụ trách.


Theo một báo cáo của The Cambodia China Times, nguồn tài trợ cho tiến trình phát triển dự án hiện là của những doanh nghiệp nhà nước Campuchia, những doanh nghiệp tư nhân địa phương và CRBC.

Tòa án Campuchia bỏ tù những người bảo vệ môi trường bị cáo buộc hoạt động chống nhà nước

Zeus Lam, giám đốc Trung tâm Kinh doanh Campuchia, cho biết sẽ mất từ ​​ba đến năm năm để hoàn thành kinh đào và ông dự đoán ​​chi phí sẽ vượt quá 2 tỷ đô la Mỹ.

Nhưng cho đến nay, theo Eyler của Trung tâm Stimson, ông nói, “Chưa có hợp đồng lớn nào được ký kết để xây dựng kinh đào — do những nhà thầu Trung Hoa hoặc Campuchia hoặc những bên khác — cũng như chưa có khoản vay lớn nào được cấp.Vì vậy, việc ai là chủ và trách nhiệm tài chính cuối cùng cho dự án vẫn chưa được quyết định.”

Eyler nói thêm, trong khi đó, căng thẳng và sự nhậy cảm về địa chính trị có thể đã dẫn đến một số sự do dự của giới đầu tư, điều này có thể cũng bắt nguồn từ sự không chắc chắn liên quan đến những luồng lợi tức có thể thu được. Eyler nói, “Rốt cuộc, những con tàu đi biển lớn nhất sẽ không thể sử dụng kinh đào và [có] một đường xa lộ chạy song song với một hải cảng nước sâu đã được xây dựng tại Sihanoukville.”

Trong khi đó, đường xa lộ song song đó cũng do CRBC làm chủvà vận hành. Eyler cũngcho hay, vì vậy, có thể công ty của nhà nước Trung Hoa này không muốn tiếp tục xây dựng kinh đào vì muốn bảo vệ khoản đầu tư vào đường xa lộ họ đã xây. Ông nói thêm, “Hàng hóa đến Thái Bình Dương có thể vẫn sẽ được vận chuyển dọc theo sông Mekong thay vì kinh đào để tiết kiệm thời gian — kinh đào sẽ đổ ra Vịnh Thái Lan chứ không ra Biển Đông. Những yếu tố này và những yếu tố khác có thể làm nản lòng giới đầu tư.

Ngoài ra, ông lưu ý rằng kinh đào đi qua một vùng đồng bằng ngập lụt có nước chảy từ Campuchia sang Việt Nam nhiều tháng trong mùa mưa. Eyler cho biết, “Những trận lụt theo mùa — hiện đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sinh kế ở miền nam Campuchia — sẽ tràn vào những đê cao của kinh đào, đôi khi làm làm chúng xụp đổ hoặc xói mòn nền móng của đê và sẽ cần vô số tài nguyên để bảo vệ trong suốt thời gian thực hiện dự án.

“Toàn bộ vấn đề là chính trị – nó không bao giờ là một dự án kinh tế thuần túy.”

James Wang Jixian, Trung tâm Bay Area Hong Kong



Và Gu của Viện Charhar cho biết rằng ngay cả sau khi hoàn thành việc xây dựng, trong ngắn hạn kinh đào cũng sẽ không ngay lập tức thúc đẩy kết nối giữa Trung Hoa và Campuchia. Gu lưu ý rằng hầu hết hàng hóa liên quan đến Trung Hoa sẽ tiếp tục được vận chuyển qua hải cảng Sihanoukville, gần Khu kinh tế đặc biệt Sihanoukville – một liên doanh giữa những công ty Trung Hoa và Campuchia theo kế hoạch Một Vành Đai Một Con đường.

Ông nói, “Trước hết, cần phải đào kinh đào, sau đó có thể dần hình thành dòng chảy thương mại và tăng dần lưu lượng hàng hóa.” Đồng thời cho biết thêm rằng độ sâu của nước theo kế hoạch sẽ khiến một số tàu lớn nhất, chứ chưa nói đến tàu chiến Trung Hoa, không thể hoạt động được.

Gu nói thêm rằng lợi ích kinh tế có thể tiến bộ chậm và có thể mất hàng chục năm.

Ông nói, nhìn chung, những khoản đầu tư và hoạt động cơ sở hạ tầng do Trung Hoa hậu thuẫn tại Campuchia – từ sân bay đến xa lộ – không hề sinh lợi.

Gu nói thêm, “Chúng tôi không lỗ, nhưng lợi nhuận cũng không quá nhiều.”

Ông nói, tuy nhiên, sự tham gia của Trung Hoa vào cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế của Campuchia có thể được coi là hình mẫu cho nhưng nước khác ở Đông Nam Á, vì một số quốc gia vẫn có thể hãy cảnh giác với việc hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Hoa.

Về sự tham gia của Trung Hoa vào những dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, kinh tế không bao giờ là yếu tố duy nhất cần cân nhắc. Mặc dù hai chính phủ không còn thừa nhận mối liên hệ giữa kinh đào và Sáng kiến ​​Một Vành Đai Một Con đường, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò của Bắc Kinh có thể được tăng cường hơn nữa ở một quốc gia mà họ đã có ảnh hưởng lớn.

James Wang Jixian, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Bay Area Hong Kong cho biết, “Toàn bộ vấn đề là chính trị – nó không bao giờ là một dự án kinh tế thuần túy. Trung Hoa đã giúp Campuchia về vấn đề này, nhưng trên thực tế, họ cũng đã củng cố ảnh hưởng của chính mình.”

Những đập do Trung Hoa xây dựng đe dọa hệ sinh thái sông Mekong

Sự phát triển không bền vững đe dọa sức khỏe và sự đa dạng của quần thể cá trên sông Mê Kông, với một phần năm các loài cá ở động mạch chính của Đông Nam Á đang phải đối đầu với nguy cơ tuyệt chủng, theo báo cáo của các nhóm bảo tồn.

Một phúc trình của những nhóm bảo tồn cho biết, phát triển không bền vững đe dọa đến sức sống và sự đa dạng của quần thể cá sông Mekong, với một phần năm những loài cá ở giòng sống chính của Đông Nam Á đang phải đối đầu với nguy cơ tuyệt chủng.

Wang, cựu trưởng khoa Địa lý tại Đại học Hồng Kông, cho biết đối với Campuchia, tầm quan trọng của kinh đào nằm ở quyền tự chủ lớn hơn mà nó có thể có trong khu vực.

Ông nói, “Cách tốt nhất để giúp người là gì? Dậy họ cách câu cá và bạn sẽ nuôi họ ta cả đời. Trung Hoa giúp Campuchia xây một lối thoát ra biển — tức là dậy họ cách câu cá — để họ không cần lúc nào cũng phải đi qua Việt Nam.

Naubahar Sharif, trưởng khoa chính sách công tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hong Kong, cho biết Bắc Kinh đã nỗ lực trong một chục năm để kết nối với Campuchia, cùng với Lào và Thái Lan, chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hướng đến Trung Hoa.

Sharif cho biết, “Kinh đào và xa lộ biến Trung Hoa thành điểm đến hợp lý cho thương mại trong nước, gồm cả hàng hóa vận chuyển từ Campuchia đến Trung Hoa từ những nhà máy do những nước thứ ba như Nhật Bản đầu tư. Sà lan có thể hoạt động trên kinh đào.

Bất chấp những phản đối ban đầu phần lớn do giới học thuật Việt Nam nêu lên thay vì đi qua ngả chính thức, Hà Nội đã ủng hộ dự án sau lễ khởi công vào tháng trước và bầy tỏ sự tôn trọng đối với những nỗ lực phát triển của Campuchia.

Gu cho biết, khoản lợi tức quá cảnh mà Việt Nam sẽ mất vì Campucjia có ​​kinh đào mới là quá nhỏ để ảnh hưởng đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Campuchia và Việt Nam.

Eyler cho biết, Việt Nam ngay cả có thể đầu tư vào kinh đào nếu họ chơi đúng bài, đồng thời nói thêm rằng, “bất kỳ kinh đào nào có ý nghĩa xuyên biên giới đều thay đổi bàn cờ địa chiến lược.” Ông giải thích, kinh đào này có mục tiêu tạo ra cách điều động nguồn nước vào và ra khỏi Campuchia theo những cách thức và phương tiện mà trước đây không thể có được — nếu không có sự đồng ý của Việt Nam — và điều này rõ ràng sẽ thay đổi phép tính thương mại và chuỗi cung ứng đối với Việt Nam và Campuchia đồng thời cũng ảnh hưởng đến những chiến lược quốc phòng tương ứng của họ.

Eyler cho biết: “Việc Trung Hoa có tham gia vào sự thay đổi địa chiến lược hay không phụ thuộc vào ý chí của chính phủ Campuchia và khả năng của Campuchia, Việt Nam và những nước khác trong việc đi đến thống nhất về mục đích sử dụng và ích lợi của kinh đào.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: For China, a Cambodian canal project shows how Belt and Road Initiative can go only so far | Ji Siqi | SMCP | 24 Sep 2024. Ralph Jennings đưa tin bổ túc.