Thuế nhập cảng của Trump
Ana Swanson | DCVOnline
Hãy cùng tìm hiểu lời hứa của ông về việc đánh thuế nhập cảng lên những sản phẩm nước ngoài bán cho Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi Thuế nhập cảng là “chữ đẹp nhất trong từ điển.” Ông đã nói đi nói lại về chúng như một giải pháp cho mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với cả thế giới.
Thuế nhập cảng là chi phí cộng thêm vào giá của những sản phẩm nước ngoài khi chúng được đưa qua biên giới. Bằng cách làm cho hàng hóa nước ngoài đắt hơn, thuế nhập cảng khuyến khích người Mỹ mua sản phẩm nội hoá, do những nhà máy của Hoa Kỳ sản xuất.
Đối với Trump, đây là một cách thúc đẩy sản xuất của Hoa Kỳ, tạo ra việc làm mới và giảm thâm hụt thương mại quốc gia. Ông đã tuỳ tiện sử dụng chúng trong nhiệm kỳ đầu, đánh thuế hàng trăm tỷ đô la lên kim loại, tấm pin mặt trời và hàng hóa Trung Hoa. Trong khi tranh cử tổng thống năm nay, ông đã đề xướng mức thuế thậm chí còn cao hơn — 60 phần trăm trở lên đối với mạt hàng Trung Hoa và lên tới 20 phần trăm đối với hầu hết hàng hóa từ những quốc gia khác.
Một số người nghi ngờ liệu Trump có thực hiện những kế hoạch này hay không. Nhưng tôi nghĩ có thể yên tâm rằng ông ấy nghiêm túc về việc tiến hành một số trong những kế hoạch đó. Mục Buổi sáng đang đi một loạt bài về những chính sách mà Trump và đồng minh của ông trong quốc hội có thể thực hiện vào năm tới. Trong phần hôm nay, tôi sẽ nói về lời hứa đánh thuế nhập cảng của ông.
Liệu chúng có hiệu quả không?
Những cố vấn của Trump mô tả Thuế nhập cảng là “niềm tin cốt lõi” đối với tổng thống đắc cử. Ông đã ca ngợi chúng trong nhiều chục năm. Hôm nay, ông nói rằng chúng cũng có thể huy động tiền để tài trợ cho việc cắt giảm thuế và buộc chính phủ nước ngoài phải nhượng bộ về thương mại và nhập cư.
Liệu Thuế nhập cảng có thể đạt được những mục tiêu này không? Có lẽ là một phần. Chúng chắc chắn có thể khuyến khích sản xuất nhiều hơn tại nhà máy nội địa, ít nhất là trong những ngành kỹ nghệ cụ thể mà chúng bảo vệ: Khi Hoa Kỳ đánh thuế nhập cảng lên thép, quần áo và tủ bếp trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, những công ty ở đây thường sản xuất những mặt hàng đó nhiều hơn.
Tổng thống mới đắc cử đã đúng về một số điểm: Đầu tiên, Thuế nhập cảng thực sự huy động tiền cho chính phủ. Số tiền chúng đem lại đã tăng gấp đôi kể từ khi Trump mới nhậm chức (mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh thu của chính phủ). Thứ hai, Hoa Kỳ có mức Thuế nhập cảng thấp hơn nhiều so với hầu hết những quốc gia khác. Cả hai chính đảng đều đồng ý rằng một số mức Thuế nhập cảng giúp bảo vệ những ngành kỹ nghệ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Hoa.
Nhưng thuế nhập cảng cũng có nhược điểm và những nhược điểm đó có thể gâu thiệt hại lớn hơn lợi ích kinh tế. Công ty nhập cảng phải tăng gía bán cho người Mỹ để lấy tiền trả thuế đã đóng cho chính phủ. Và chúng mang tính thoái lui, nghĩa là chúng gây gánh nặng lớn hơn cho những gia đình nghèo so với những gia đình giầu có.
Thuế nhập cảng cũng có thể gây phản ứng ngược bằng cách gây thiệt hại cho giới sản xuất của Hoa Kỳ. Nhà máy của Hoa Kỳ sử dụng rất nhiều phụ tùng và vật liệu nước ngoài và Thuế nhập cảng khiến việc mua những thứ này trở nên đắt đỏ hơn. Ví dụ, Thuế nhập cảng đối với thép và nhôm của Trump đã khiến các công ty Hoa Kỳ sản xuất nhiều kim loại hơn — nhưng vì giá tăng nên những công ty khác sử dụng kim loại để sản xuất đồ vật, như máy móc kỹ nghệ và phụ tùng ô tô, đã sản xuất ít hơn.
Việc áp dụng thuế nhập cảng đối với hàng hoá của nước ngoài cũng khuyến khích họ làm điều tương tự đối với Hoa Kỳ. Đột nhiên, giới xuât cảng của Hoa Kỳ mất thị trường ở nước ngoài. Điều đó làm mất việc làm.
Một công cụ hùng mạnh
Trump có một số cách để áp dụng các khoản thuế mới ngay lập tức. Ông có thể sử dụng một cuộc điều tra thương mại hiện có từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình để đánh thêm thuế nhập cảng đối với Trung Hoa, như Tổng thống Biden đã làm vào đầu năm nay.
Ban cố vấn của ông cũng lập luận rằng ông có thể nhanh chóng đánh thuế nhập cảng nhập cảng đối với hàng hoá của những quốc gia khác bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn trương kinh tế. Hành động này có thể dễ bị hở sườn tại tòa án, nhưng mọi thách thức thường mất nhiều năm để giải quyết và thuế nhập cảng có thể sẽ tiếp tục trong thời gian chờ đợi.
Có một số lý do khiến Trump có thể kiềm chế. Một là ông có thể cố gắng đưa thuế nhập cảng vào dự luật thuế lớn vào năm tới. Khi đó, chúng sẽ rõ ràng là hợp pháp — và không thể thay đổi nếu không có một đạo luật khác của Quốc hội. Một yếu tố khác có thể là sự phản đối của những cố vấn ủng hộ kinh doanh hoặc sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Thuế nhập cảng sẽ giúp ích hay gây thiệt hại cho nền kinh tế? Điều đó thực sự phụ thuộc vào kích cỡ của chúng và phản ứng của những quốc gia khác. Dani Rodrik, một chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard, người đã viết về tác hại của toàn cầu hóa, cho biết nếu thuế nhập cảng thấp, có thể là 10 phần trăm, người Mỹ có thể chỉ phải trả nhiều hơn một chút cho hàng nhập khẩu của họ — không phải là vấn đề lớn. Nhưng nếu Thuế nhập cảng tăng đáng kể vượt quá mức đó, ông cho biết, nó có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại theo phong cách ở những năm 1930, trong đó những quốc gia trên thế giới tiếp tục trả đũa lẫn nhau bằng mức thuế ngày càng cao. Giá hàng hóa có thể tăng nhanh chóng.
Trong kịch bản đó, thuế nhập cảng của Trump có thể sẽ gây thiệt hại thay vì giúp ích cho công nhân Mỹ.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Trump’s Tariffs | Ana Swanson | The New York Times | November 21, 2024.