Tập Cận Bình quẹo trái
Jeremy Page – Trà Mi lược dịch
Giang Trạch Dân mô tả Tập Cận Bình là “một người lãnh đạo khôn ngoan thực sự có thể làm mọi việc”.
Vũ Hán, Trung Quốc – Trong một chuyến đến Vũ Hán hồi tháng Bảy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi đến một biệt thự ven hồ, nơi Mao Trạch Đông đã nghỉ hè trong những năm 1950 thụ hưởng những hàng xa xỉ như hồ bơi và máy điều hòa không khí. Khai mạc cuộc triển lãm ở đó và không đề cập tới hàng triệu người đã chết dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng biệt thự đó phải là một trung tâm giáo dục thanh thiếu niên về lòng yêu nước và cách mạng.
Một tuần trước đó, ông đã đi thăm một ngôi làng mà Mao đã dùng làm căn cứ tấn công Bắc Kinh vào năm 1949.
Ở đó, ông Tập đã thề rằng “quốc gia đỏ của chúng tôi sẽ không bao giờ đổi màu.”
Nó không chỉ là lời suông của ông Tập Cận Bình đang mang hào quang chủ nghĩa Mao trong những tháng gần đây.
Ông đã vay mượn từ cuốn sách chiến thuật của Mao Trạch Đông, tung ra một chiến dịch “chỉnh sửa” để làm sạch Đảng Cộng sản, trong khi thắt chặt giới hạn về những cuộc thảo luận về những ý tưởng như dân chủ, pháp quyền và thực thi hiến pháp.
Hướng khuynh tả rõ rệt của ông Tập hiện hình khi chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị cho phiên tòa sắp tới xử Bạc Hy Lai, cựu ngôi sao đang lên, và cũng là người đứng đầu một phong trào hồi sinh chủ nghĩa Mao cho đến khi bị đánh gục từ năm ngoái.
Hai luật sư của ông Bạc Hy Lai cho biết họ dự kiến phiên tòa xử họ Bạc về tội tham nhũng sẽ diễn ra vào tuần tới.
Trước khi ông bị bắt, Bạc Hy Lai bác bỏ những cáo buộc ông tham nhũng.
Khuynh hướng Mao-ít của chủ tịch Trung Quốc đã làm thất vọng nhiều người ủng hộ đổi mới chính trị, những người hy vọng rằng sự sụp đổ của họ Bạc báo hiệu một sự thoái trào của phong cách lãnh đạo độc đoán và có thể đi đến việc tăng cường chế độ pháp quyền và giới hạn quyền lực đảng.
Nhưng ứng xử gần đây của ông Tập Cận Bình đã khuyến khích và làm nhiều người ủng hộ họ Bạc Bo vui mừng. Đây là nhóm ủng hộ một chế độ lãnh đạo tập quyền mạnh mẽ hơn và coi đó là giải pháp cho vấn đề của TQ.
“Chủ tịch Mao là một nguồn tài nguyên phong phú cho chúng tôi,” Hu Angang, một chuyên viên kinh tế và là thành viên hàng đầu của “cánh tả mới” của nhóm trí thức hỗ trợ họ Bạc, cho biết.
“Tôi không ngạc nhiên thấy những gì ông Tập Cận Bình đang làm.”
Zhang Hongliang, một chuyên gia kinh tế khác thuộc “Cánh tả mới”, cho biết trong một blog đăng hồi tháng trước cho rằng “Cánh tả mới” nên hỗ trợ ông Tập Cận Bình vì bài phát biểu gần đây của ông cho thấy ông đã hấp thụ đầy đủ nghị trình chính trị của họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thường trả lời các yêu cầu từ các báo chí nước ngoài, đã không trả lời yêu cầu bình luận cho bài viết này.
Sử dụng hình ảnh, tu từ và chiến lược của chủ nghĩa Mao ông Tập Cận Bình đã đứng xa hai người tiền nhiệm của ông, cả hai đã chủ trương tập thể lãnh đạo, và cho nhiều người trong đảng thấy rằng ông sẽ không theo đuổi các đổi mới chính trị có ý nghĩa trong suốt 10 sắp tới, thời gian ông dự kiến sẽ là người nắm quyền lực.
Trong thực tế, ông Tập Cận Bình dường đang dùng cả hai mô hình chính trị độc tài của Trung Quốc, vay mượn một số của của Bạc Hy Lai: chủ nghĩa phục hưng Mao-ít và sự hiểu biết cách lợi dụng truyền thông để tự đánh bóng và làm dấy lên sự ủng hộ đảng trong quần chúng, theo một số chính khách và giới phân tích.
Tháng trước ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch kéo dài một năm nhằm tăng cường và làm sạch đảng mà nhiều người trong cuộc cho là tiếng dội của phong trào “chỉnh sửa” của Mao để tẩy trừ đối thủ và thi hành kỷ luật về ý thức hệ.
Ông đã ra lệnh cho các tướng lĩnh quân đội và sĩ quan cao cấp đi vào “quần chúng” bằng cách phục vụ như binh nhì tối thiểu 15 ngày.
Sự lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng đã ra lệnh cho cán bộ chống lại sự lây lan của “bảy vấn đề nghiêm trọng”, gồm các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự và đọc lập tư pháp.
Đồng thời, phương tiện truyền thông nhà nước đã có một loạt các cuộc tấn công vào xã hội dân sự và “chủ nghĩa hợp hiến” – khái niệm cho rằng quyền lực của đảng phải được hạn chế bằng hiến pháp hiện tại của Trung Quốc.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người hoạt động chính trị trong những tuần gần đây, gồm cả Xu Zhiyong, một luật sư hiến pháp đã kêu gọi giới quan chức kê khai tài sản công khai.
Chính phủ chưa có lời bình về việc ông Xu bị giam giữ.
Thái độ của ông Tập về mặt đổi mới chính trị là một vấn đề quan trọng ở Trung Quốc, vì nước này có thể đang bước vào một thời gian dài với sự tăng trưởng kinh tế chậm hơn và bất mãn tăng cao trong công chúng về vấn đề môi trường, dịch vụ công cộng chắp vá và nạn tham nhũng tràn lan.
Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã gửi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ công bố một gói cải cách kinh tế trong năm nay để kích thích tiêu dùng trong nước như một động cơ tăng trưởng thay thế cho đầu tư và xuất khẩu, cácđộng lực chính của nền kinh tế trong 30 năm qua.
Trên mặt cải tổ chính trị, tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã không cho thấy có dấu hiệu nào để xét đến ngay cả sự tự do hóa hạn chế, giới thông thạo nội bộ đảng nói.
“Họ Tập thực sự bắt đầu lộ rỗ bản chất của mình,” một người bạn thuở nhỏ nhớ lại Tập Cận Bình đã bỏ hàng giờ đồng hồ để đọc sách về chủ nghĩa Mác và lý thuyết của Mao khi là một thiếu niên.
“Tôi nghĩ rằng đây chỉ là khởi đầu.”
Người bạn đó và những người khác đã biết các ông Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai từ nhiều năm cho hay họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc vì kinh nghiệm của cha họ, cả hai là anh hùng cách mạng, đã bị Mao bỏ tù trong những năm 1960 và chỉ phục hồi sau khi Mao chết.
Tuy nhiên, thay vì mất niềm tin vào chế độ độc đảng, cả hai ông Tập Cận Bình và ông Bạc Hy Lai đã làm nhiều hơn nhiều đảng viên đương thời để chứng minh lòng trung thành của họ với Mao khi còn trẻ, và đã ý thức được rõ làm thế nào để tiến thân trong chính trường Trung Quốc.
“Suy nghĩ của họ khá giống nhau: Họ được giáo dục cùng một chủ nghĩa Mao, cùng nền tảng gia đình đỏ, và cùng những kinh nghiệm lớn lên,” Zhang Lifan, một sử gia có cha là một quan chức cấp cao cho biết.
“Khi gặp vấn đề, họ nhanh chóng trở lại với tư duy Mao-ít.”
Không ai nghĩ rằng Tập Cận Bình sẽ quay lại thời đại Mao Trạch Đông, trong đó hàng triệu người Trung Quốc đã chết vì các chiến dịch chính trị và một nạn đói nhân tạo.
Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, cũng đã tỏ lòng tôn kính công khai với Mao, cũng như chủ tịch trước đó, Giang Trạch Dân, và cả hai đều thực hiện các chiến dịch hạn chế để nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong đảng.
Nhưng cả hai, Giang và Hồ, đều không đưa ra những chiến dịch đó ngay từ đầu nhiệm kỳ của họ, hoặc bằng ngôn từ rốt ráo của chủ nghĩa Mao.
Điệu bộ chính trị của Tập Cận Bình còn ấn tượng hơn trong bối cảnh những tranh cãi xung quanh sự kiện Bạc Hy Lai, có vợ đã bị kết án năm ngoái về tội đã giết chết một doanh nhân người Anh.
Sau khi Bạc Hy Lai đã bị bắt giữ, nhiều người trong đảng đã kết luận rằng ông đã gây thù nghịch trong giới quyền lực vì chính sách ở Trùng Khánh, thành phố dưới quyền của họ Bạc, trong đó kể cả một cuộc đàn áp các băng đảng và một chiến dịch để làm sống lại những giá trị của chủ nghĩa Mao bằng hàng loạt những màn đại đồng ca các bài hát cách mạng.
Tuy nhiên, nay tin trong nội bộ đảng nói rằng tội của ông Bạc Hy Lai ít nghiêm trọng hơn người ta nghĩ.
Họ tin rằng ông Tập Cận Bình đã thỏa hiệp với phe ủng hộ Bạc Hy Lai và những “thái tử đảng” khác – con ccủa thủ lĩnh đái cua giới lãnh đạo đảng – theo đó ông Bạc Hy Lai sẽ nhận tội nhẹ hơn với điều kiện là [đảng] không có thêm hành động trấn áp đối với gia đình và các đồng minh, hoặc những thái tử đảng khác mà gia đình họ đã trở nên giàu có trong những năm gần đây.
Đổi lại, nhiều đảng viên trong phe đã ủng hộ họ Bạc và một số thái tử đảng có quyền lực sẽ đứng sau những nỗ lực của họ Tập để khẳng định mình là một người lãnh đạo mạnh hơn người tiền nhiệm của ông, những người trong đảng cho biết.
Ông Tập Cận Bình dành nhiều thời gian trong vài tháng đầu tiên trong vị trí mới cố gắng để thống nhất các nhóm lợi ích khác nhau, gồm cả những người ủng hộ cải tổ chính trị hạn chế như những con trai của Hồ Diệu Bang, một người lãnh đạo đảng có khuynh hướng đổi mới, thân với cha của ông Tập Cận Bình, nhưng đã bị phe bảo thủ lật đổ vào năm 1987.
Nhưng những người trong phe đổi mới [có giới hạn] đã giật mình khi nghe ông Tập Cận Bình phát biểu hồi tháng Mười Hai, khi ông tuyên bố rằng Liên Xô đã sụp đổ vì giới lãnh đạo thiếu niềm tin ý thức hệ, và vì không có người “đủ dũng cảm” để ngăn chặn quá trình sụp đổ.
Vào tháng sáu, bản ghi lại lời phát biểu của con trai thứ ba của Hồ Diệu Bang, Hồ Đức Hóa, đã được đăng trực tuyến; trong đó ông Hồ Đức Hóa trực tiếp mâu thuẫn với những phân tích của ông Tập Cận Bình, cho rằng Liên Xô sụp đổ vì một tầng lớp đặc quyền đã giành độc quyền quyền lực và tài nguyên cho lợi ích riêng của phe mình.
“Chúng ta đổ lỗi cho tất cả mọi người khác, nhưng không bao giờ cố gắng để nhìn vấn đề từ bên trong. Đây có phải là một thái độ đúng đắn hay không?” ông Hồ Đức Hóa nói.
Hồ Đức Hóa xác nhận rằng bài ghi lại đã đăng trực tuyến là của mình, nhưng từ chối bình luận thêm, nói với WSJ, “Tôi đã nói tất cả những gì tôi muốn nói.”
Người trong đảng nói rằng quan điểm của Hồ Đức Hóa được những đẩng viên cấp cao chia sẻi, nhưng nhiều người trong số họ hiện đang ở tuổi 70 hoặc 80 và ảnh hưởng chính trị của họ đã suy giảm .
Những người ủng hộ tự do hóa chính trị đã thất vọng hơn nữa trong những tuần gần đây vì một loạt các cuộc tấn công vào chủ nghĩa hợp hiến và xã hội dân sự trong các ấn phẩm nổi bật của đảng, một số bài đó do phe Cánh tả Mới đang lên viết.
“Cũng như nhóm tự do đặt hy vọng là họ Tập sẽ hỗ trợ khuynh hướng của họ, phe Cánh tả Mới nhìn thấy cơ hội Tập Cận Bình rẽ sang bên trái và đi theo chủ nghĩa Mao,” Joseph Fewsmith, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Boston cho biết.
Quan trọng hơn, ông Tập Cận Bình đã được một sự ủng hộ cao bất thường trong tháng trước từ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, đã từng là một người bảo trợ của ông Bạc Hy Lai và vẫn được coi là người lãnh đạo của một nhóm các quan chức đảng hiện nay và những người đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng.
Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao cho biết ông Giang Trạch Dân đã gặp Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, ở Thượng Hải và tuyên bố rằng “một nước lớn như Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ người cần một nhà lãnh đạo mạnh và có khả năng.”
Ông Giang mô tả Tập Cận Bình là “một người lãnh đạo khôn ngoan thực sự có thể làm mọi việc,” tuyên bố nói.
Góc nhìn khác về vụ án Bạc Hy Lai (Tròng tréo trong nội bộ đảng CS Trung Hoa)
© 2013 DCVOnline
Nguồn: China’s Leader Embraces Mao as He Tightens Grip on Country. Jeremy Page. WSJ. Aug. 16, 2013. DCVOnline minh họa và bổ sung.
Đọc thêm: Outspoken China princeling takes on President Xi. Ching Cheong. The Straits Times. Publication Date: 28-06-2013
Nếu đọc bài viết ông Tập Cận Bình nói chuyện nội bộ với một số cán bộ cao cấp thì thấy ông ta có chủ trương không thể bỏ chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông. Về cách hành động thì phải làm vừa lòng các phe trong đảng, cả phe chủ trương ôn hòa lẫn phe cứng rắn.
Tập Cận Bình hạ bệ Bạc Hy Lai, là kẻ dựa vào những kẻ tiếc nhớ thời Mao, nhưng Tập Cận Bình lại nói và làm theo cách thời Mao nghĩa là Tập Cận Bình cướp lấy quần chúng của Bạc Hy Lai. Hay nói cách khác, Tập Cận Bình thấy là trong đảng CS và trong dân chúng vẫn còn một số tiếc nhớ thời Mao nên không thể làm ngơ những người này mà phải làm cho họ hài lòng, nếu không họ sẽ chống lại đảng CS. Vợ Tập Cận Bình là nữ văn công đỏ chóe mà!
Mặc dù Tập Cận Bình nói với cán bộ rằng vụ đảo Điếu Ngư không thể nào đẩy xa hơn nhưng mới đây, vào cuối tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu tuần duyên thay vì tàu hải giám đến vùng đảo Điếu Ngư. Trung Quốc vừa mới tung ra sử dụng tàu tuần duyên để đưa đến các vùng biển tranh chấp, trong đó có các vùng tranh chấp với Nhật và Philippines. Tàu tuần duyên có vũ trang mạnh hơn tàu hải giám. Đó là dấu hiệu Trung Quốc leo thang trong việc lấn chiếm biển. Phe hiếu chiến trong đảng CS Trung Quốc liệu sẽ đẩy vụ Điếu Ngư đến mức sẽ gây chiến với Nhật hay không? Nếu Tập Cận Bình muốn làm vừa lòng phe hiếu chiến hoặc chính Tập Cận Bình cũng muốn thế thì cuộc đụng độ Hoa – Nhật sẽ xảy ra.