Những cơ chế của sự nhầm lẫn (1)
Dương Thu Hương
Vì lẽ đó, người phương Tây không hiểu chính chữ Trung Hoa đã nói lên cái nghĩa tiềm ẩn, tức là niềm tin cố hữu và khát vọng thâm sâu nhất của dân tộc Trung Hoa: Trung Hoa nhất gia – thiên hạ nhất nhân.
Đông và Tây: những cây cầu chưa kịp bắc
Khoảng giữa mùa đông năm 2006 và mùa xuân 2007, vào một bữa cơm tại nhà M., chị bạn Pháp của tôi, có một cuộc bàn cãi náo nhiệt, vượt ra khỏi những cuộc chuyện trò thường lệ quanh một bàn ăn. Cuộc bàn cãi này liên quan tới sự kiện vừa xảy ra vài ngày trước đó: Trên một ngàn người Trung quốc biểu tình tại quảng trường Public, để phản đối báo chí Pháp đã “nói xấu tổ quốc Trung Hoa” của họ. Lúc này, đảng cầm quyền thuộc cánh hữu UMP, phản ứng của chính phủ là lặng im, một sự lặng im khó cắt nghĩa, và sự lặng im này làm khởi dậy những bàn tán xôn xao trong dân chúng, đặc biệt trong đảng đối lập cánh tả. M là nhà báo và nhà văn, phòng khách của chị vốn là một trong các phòng khách Pa-ri nửa văn chương nửa chính trị cánh tả, thế nên cuộc bàn cãi ở bữa cơm tối đó dường như chỉ xoay quanh cuộc biểu tình. Vì lẽ tôi là người châu Á duy nhất có mặt, không những châu Á mà lại là Việt Nam, tổ quốc của tôi trước đây là một trong các xứ chư hầu cũ kỹ của Tầu, đương nhiên tôi buộc phải trả lời những chất vấn của mọi người.
Trước tiên, đám người Pháp tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Họ nói:
“Đây là lần đầu tiên có một sự phản ứng trắng trợn, ngang ngược như thế của dân nhập cư, cho dù nước Pháp là nước có truyền thống đón người nhập cư nhưng không ai có thể ‘nuốt nổi’ sự lộng hành này. Quyền tự do ngôn luận vốn là quyền được từ lâu tôn trọng, chính quyền còn không thể đàn áp báo chí, huống hồ là những người nhập cư?”
Đương nhiên, ai cũng hiểu rằng sứ quán Trung Hoa chính là người tổ chức cuộc biểu tình và hành vi của họ là Động tác Nắn gân nhà cầm quyền Pháp . Sự im lặng “Tảng lờ như không biết” của chính phủ cánh hữu được coi như kết quả của con tính lờ lãi, một sự nhục nhã cần cam chịu để có thể bảo vệ các cuộc đầu tư vào đất nước trên một tỉ dân. Bây giờ, những người cánh tả lạc quan nhất cũng phải mở cuốn “Hiểm hoạ da vàng” của ông cựu bộ trưởng và viện sĩ hàn lâm Alain Peyrefitte ra đọc lại.
Họ nói:
“Có lẽ Alain Peyrefitte sinh ra dưới một ngôi sao tương ứng với chức bộ trưởng. Ông ta đã không rời khỏi cái ghế này qua cả ba triều đại: De Gaulle, Pompidou và Giscard d’Estaing. Vì ông ấy làm quan lâu quá nên không tránh khỏi sự chế riễu của mọi người. Thế nên, khi cuốn Quand la Chine s’éveillera ra lò, ai cũng riễu là trò đùa, hoặc là tác giả mắc chứng hoang tưởng bị hại. Giờ mới hiểu đó hoàn toàn chẳng phải trò đùa, cũng không là một giả thuyết thông thường, lại càng không thể là ảo tưởng.”
Điều họ thắc mắc hơn cả là khả năng biến hình của “con thằn lằn Trung Hoa”.
Câu hỏi mà rất nhiều người lặp đi lặp lại với tôi là:
“Không thể hình dung những con người nhẫn nại, hiền lành, khiêm nhường thậm chí nhút nhát như thế bỗng chốc lại trở thành những kẻ hung hăng, lố bịch. Một số đông nhà báo đã đến quảng trường Public để quan sát, sự biến hình của đám dân Trung Hoa khiến họ sửng sốt đến nỗi gần như không tin vào mắt mình”.
Tôi trả lời:
“Trong cuộc đời, bất cứ ai cũng có những lúc cảm thấy không tin vào mắt mình, ấy là do hiện thực có muôn chiều, sự vật có nhiều bề mặt mà chúng ta không đủ điều kiện để quan sát khắp lượt. Nói cách khác, một phần sự thực luôn luôn lẩn trốn chúng ta. Điều ai cũng nhìn thấy là người châu Á, đặc biệt dân Trung Hoa là những người lao động cần cù và nhũn nhặn. Các ông chủ Pháp rất thích thuê công nhân châu Á vì cùng một mức lương nhưng họ lao động nhiều hơn, cả về thời gian lẫn đảm bảo về chất lượng, thêm nữa, họ ít gây gổ, ít đòi hỏi. Tóm lại, họ là đám công nhân đem lại lợi nhuận cho các ông chủ Pháp nhiều hơn những kẻ cùng giai cấp. Về tư cách con người, họ cam phận dân nhập cư theo nghĩa cổ điển nhất của từ Exilé: Bị bứng khỏi gốc rễ của mình, phải chịu đựng nỗi thống khổ tinh thần như một điều kiện tiên quyết và một nguyên tắc (condition préalable et prémisse). Cái hiện thực đó là hiển nhiên, không thể chối cãi. Nhưng ẩn núp sau cái hiện thực nổi còn những hiện thực chìm nếu muốn ví đời sống nhân quần như một tảng băng. Trong lịch sử cận đại, phương Tây chỉ nhìn thấy một nước Trung Hoa lạc hậu, tả tơi rách nát dưới thời Từ hy thái hậu, tiếp đó lại là một nước Trung Hoa dũng mãnh nhưng điên cuồng của Mao trạch Đông, nơi các cuộc cách mạng do Mao khởi xướng đã dẫn đến hàng chục triệu người chết, hoặc chết vì đói, hoặc chết vì giết hại lẫn nhau, nhưng Mao vẫn nghiễm nhiên là một Hoàng đế vĩ đại và cuộc trình diễn sự vĩ đại này đã làm choáng váng không ít người trên thế giới. Tại nước Pháp, sau các cuộc thăm viếng Trung Hoa của tổng thống và đặc biệt là của bộ trưởng bộ văn hoá André Malraux, một số người cánh tả Pháp đã từng tự xưng là các Maoiste, cổ võ một cách nồng nhiệt cho Mao, gọi ông ta là Kẻ cứu rỗi nhân loại vĩ đại (Le Grand Sauveur) Một thời gian sau, sự thực lộ ra dưới ánh mặt trời, họ vỡ mộng, người điên, người tự tử, người sám hối, tuyệt đại đa số thì lẳng lặng thủ tiêu nhiệt tình cách mạng để quay lại, tìm cuộc sống theo lối tư sản cũ. Chính bạn tôi, M cũng đã từng là một Maoiste và sau này, chị đã viết một cuốn sách về sự kiện ấy: “Les Maos en France”.
Mọi người thường nhắc đi nhắc lại chi tiết sau đây:
Vào thời kỳ cách mạng Mai-68 đã qua đỉnh cao nhưng vẫn còn vang âm đắc thắng, một nhà báo cánh tả sau khi đi thăm Trung quốc về Paris đã tuyên bố: “Chúng ta đã nhầm lẫn. Mao không phải kẻ cứu chuộc thế giới mà là một kẻ sát nhân.”
Lúc đó, một trong số các đồng chí của ông thuộc đảng cánh tả đã hét: “Nói láo, treo cổ nó lên.”
Như thông lệ, cần phải treo cổ kẻ đầu tiên nói lên chân lý!
Phải một thời gian lâu sau đó, với các bằng chứng hiển nhiên như phim tài liệu, ảnh chụp, các băng thu âm, người Pháp mới hiểu rõ tình hình xã hội Trung Hoa.
Sự thật này không có gì đáng ngạc nhiên bởi theo một định nghĩa khá xa xưa: Con người là con vật của ảo tưởng
Ảo tưởng làm nên một phần hiện thực của xã hội loài người và cái không tưởng này được biểu hiện thường trực bằng một màng lưới kết cấu các ý tưởng lẫn hình ảnh. Như thế, con người khó tránh khỏi nhầm lẫn, bởi ảo tưởng với nhầm lẫn đã là các yếu tố tiền định gắn kết với thân phận người. Sự hạn chế của tư duy do văn hoá quyết định. Con người luôn luôn là tù nhân cho nền văn hoá của chính họ, đặc biệt là tù nhân cho chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chỉ có một số rất ít người, do biết nhiều ngôn ngữ nên tiếp xúc được nhiều nền văn hoá khác nhau, thêm nữa, phải có sự từng trải và trí thông minh mới có thể nhảy qua các bức tường của cái nhà tù bản thể. Vì lẽ đó, người phương Tây không hiểu chính chữ Trung Hoa đã nói lên cái nghĩa tiềm ẩn, tức là niềm tin cố hữu và khát vọng thâm sâu nhất của dân tộc Trung Hoa: Trung Hoa nhất gia – thiên hạ nhất nhân
Thành ngữ này xuất phát từ nửa sau thời Đông Chu, để tổng kết sự tan rã của chế độ thị tộc, sự phát triển mạnh mẽ của chế độ gia tộc nhưng sau đó, ngữ nghĩa nguyên thuỷ đã phát triển, biến hình để trở thành Ý tưởng cốt lõi, thành Ngọn cờ của mọi triều đại, thành Giấc Mơ giữa ban ngày của dân chúng:
Nước Trung Hoa là trung tâm của trái đất, trung tâm của mọi nền văn minh, thiên hạ phải quy về đó.
Các ý nghĩa trên có thể tóm tắt bằng một danh từ: Chủ nghĩa Đại Hán.
Giấc mơ Đại Hán có cơ sở: Nền văn hoá của người Hán có sức mạnh chinh phục và đồng hoá không thể chối bỏ. Ánh sáng lẫn bóng tối của nền văn hoá này chiếu toả và trùm phủ một phần lớn địa cầu, kể các các quốc gia khá mạnh như Nhật cũng không thoát khỏi “ảnh hưởng của Nền văn hoá cầm đũa”.
Sức mạnh văn hoá đó làm nẩy sinh hai yếu tố:
1. Lòng kiêu hãnh nội tại.
2. Sự khinh bỉ một cách vô lý, thậm chí đến mức điên rồ với tất cả những gì ở bên ngoài nó.
Vua chúa Trung quốc có thói quen gọi tất cả các nước chư hầu như Hàn quốc, Việt nam, Thái lan, Lào, Campuchia, Miami….là các con vật: chó, lợn, chồn cáo, sâu bọ. Họ gọi những người Arabe và người châu Phi là Lũ Quỷ đen. Người châu Âu là Lũ Bạch quỷ hoặc Lũ quỷ có lông. Một trong đám Quỷ lông lá này, những người Anh đã làm cuộc chiến tranh Nha phiến và buộc bà hoàng Từ Hy phải bán đất. Sau cuộc chiến tranh ấy, nước Trung Hoa rơi vào vực sâu, khi những người dân Hồng Kông buộc phải đọc các tấm bảng cắm trong công viên bằng chính ngôn ngữ tượng hình của họ: “Cấm chó và người Trung quốc”
Cái thực tiễn ấy cùng một lần, khiến các vị hảo Hán đau khổ và nuôi dưỡng lòng căm thù đối với ngoại giới. Nhưng sự kiêu hãnh nội tại của Một nền văn minh Trung tâm và Cốt lõi thì vẫn còn nguyên. Cứ đọc những lời lẽ sau đây của một học giả Trung Hoa nổi tiếng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là rõ:
“Người Anh học vấn rộng nhưng không tinh thông sâu sắc, người Đức tinh thông sâu sắc nhưng lại không hiểu biết rộng, chỉ có người Trung quốc vừa hiểu biết rộng nhưng lại tinh thông sâu sắc”
Và:
“Người Mỹ nghiên cứu văn hoá Trung quốc có thể thu được tính chất uyên thâm, nếu người Anh nghiên cứu văn hoá Trung quốc có thể thu được tính chất hùng vĩ, người Đức nghiên cứu văn hoá Trung quốc có thể thu được tính chất giản dị, người Pháp nghiên cứu văn hoá có thể thu được tính chất tinh vi.”
Tác giả những lời lẽ trên đây là nhà văn Cô Hồng Minh, sinh năm 1857 chết năm 1928 giáo viên trường đại học Bắc Kinh, rất giỏi về ngôn ngữ, được miêu tả là: Phía sau mọc cái đuôi lợn (tóc tết sam dài ) mồm đọc thơ tiếng Anh, rất thú vị khi:
“Ông Cô Hồng Minh đến trước mặt họ, gặp người Anh dùng tiếng Anh chửi người Anh, gặp người Đức dùng tiếng Đức chửi người Đức, gặp người Pháp dùng tiếng Pháp chửi người Pháp, những ông Tây nọ người nào bị chửi cũng tâm phục khẩu phục.”
(Trích trong cuốn Thiên tài và vận mệnh do Ngô Quang Viễn biên tập, nhà xuất bản Văn hoá Thông tin Việt Nam, dịch từ bản tiếng Trung, do nhà xuất bản Hàng không dân dụng Trung quốc ấn hành năm 2000.)
Ngoài lòng kiêu hãnh bắt nguồn từ thời xa xưa ấy, người Trung Hoa được vũ trang một thứ vũ khí vô cùng lợi hại: Nhẫn nại.
Khẩu hiệu: Đội Đầu Chữ Nhẫn, được truyền thụ từ đời nọ qua đời kia
Chữ Nhẫn được coi như một phẩm chất bắt buộc để tồn tại và thành công, được giảng dạy từ thời niên thiếu, không phải bằng lý thuyết trừu tượng như ở phương Tây, mà bằng bài học cụ thể của ông Hàn Tín: Hàn Tín thuở long đong, nghèo khốn, gặp phải một gã bán thịt lợn hung bạo, ngang ngược. Trước mặt dân chúng, y buộc ông ta phải chui qua đít y nếu muốn được sống. Hàn Tín, sau khi nghĩ ngợi một giây, liền bò xuống đất như con chó, luồn qua đũng quần tên bán thịt. Tên bán thịt cười ha hả, tha chết cho ông ta. Con người chấp nhận sự nhục nhã đó sau này thành đạt, phú quý giầu sang, thường nhắc lại bài học của chính mình như một kinh nghiệm cốt lõi của sinh tồn “bài học trả bằng vàng” theo sự đánh giá của hậu thế.
Nghiệm sinh của Hàn Tín được coi là một trong các báu vật của người Trung quốc, là Nguyên Tắc Xử Thế bất di bất dịch của họ. Quả thật, kinh nghiệm Hàn Tín đã trở thành ánh sáng soi đường trong thời đen tối, là niềm an ủi dài lâu khi cuộc sống bế tắc, một yếu tố căn để tạo nên Sức Mạnh Tâm Thế Trung Hoa.
Trong mỗi người dân Trung Hoa có một ông Hàn Tín.
Lòng kiêu hãnh về nguồn gốc và văn hoá xây nên một pháo đài trong tâm hồn. Sự khiêm nhường và cam chịu được coi như một chiến lược để thích ứng với thời cuộc (Adaptation positive). Hai phẩm chất này tồn tại song hành, cái trước không loại trừ cái sau mà trái lại, bổ sung cho nhau. Cái hiện thực này tồn tại một cách phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội, từ sang xuống hèn, từ các bậc uyên thâm xuống đám lê dân mù chữ .
Hãy đọc lại chuyện A.Q. của Lỗ Tấn:
“….Mỗi khi A.Q bị bọn thiếu niên túm đuôi tóc dập đầu vào tường, trong bụng y lại tự bảo: Mày đập đầu tao cũng như đập đầu bố mày thôi! A! Mày đánh bố mày đấy à?…Trong khi mồm y van xin lia lịa: Xin tha, xin tha, tôi là con sâu, tôi là con bọ, đồng ý chưa?”
Khả năng thích ứng của người Trung Hoa vô cùng linh hoạt và to lớn, những dân tộc khác khó lòng thấu hiểu, lại càng khó bắt chước. Lòng kiêu ngạo về cội rễ của họ cũng vậy, nó mang tính thần bí trước con mắt người phương Tây, nói cách khác, nó được bao phủ bởi sương mù, một thứ sương mù quá dầy đặc khiến người ta không thể thấy rõ.
Sự kiêu hãnh nội tại, khi tích cực nó cho dân Trung Hoa lòng can đảm để vượt qua mọi trở ngại, khi tiêu cực nó đưa họ đến chỗ điên cuồng với các hành động phi nhân. Tôi xin kể một câu chuyện đã xảy ra ở thành phố Lạng sơn năm 1979:
Ai cũng biết rằng Việt nam chỉ là một bản sao méo mó và mờ nhạt của Trung Hoa. Nhưng vì lạc hậu, nhỏ bé, không đồng bộ nên đôi khi, Việt nam tránh được cái gọi là Hiệu quả của Sự Tận cùng, Sự triệt để. Vào thập kỷ 60, khi nước đàn anh phương Bắc bước vào Đại nhẩy vọt, Đại tiên tiến bị rơi vào nạn đói đến mức ở một số tỉnh, các gia đình phải đổi xác người thân cho nhau để ăn. Lúc đó, vì chưa theo kịp đàn anh Trung Hoa nên Việt nam đỡ đói hơn. Lúc đó, ở vùng biên giới, nếu cô dâu Trung quốc nào có chồng Việt nam là cả một ân sủng đối với gia đình. Họ có thể đưa về cho người thân ít nhất là các chai mỡ lợn, các tảng thịt ướp muối, lạc, đậu và vừng, dân gọi việc này là tiếp tế nóng. Có trường hợp những người Trung quốc nhịn đói quá lâu, khi có chai mỡ trong tay, đã húp mỡ đến chết vì sặc. Vào những năm đói kém nhất, có hai bố con người Trung quốc vượt qua biên giới đến tìm đường sinh sống ở Lạng sơn. Người bố, kiệt lực vì lội suối trèo đèo, sớm chết. Đứa con trai, lúc đó khoảng hai mươi, nương dựa vào đám Hoa kiều, ngày ngày bán Lục tào xá, thứ chè đỗ xanh có vỏ quýt, để sống. Rồi, bất ngờ, anh ta lạc vào một gia đình thợ mộc giàu có. Ông thợ mộc này chỉ có một cô con gái, vừa xinh xắn vừa ngoan nên quý như vàng. Do duyên số, hoặc do anh chàng đẹp trai, cô gái đem lòng yêu mến. Người cha biết ý, thu nhận anh ta, dạy cho nghề mộc, sau một năm tổ chức lễ cưới và anh ta đã trở thành một đứa con rể may mắn nhất trong dãy phố, theo như đám Hoa kiều nhận định là “Chuột sa chĩnh gạo.” Cuộc sống hạnh phúc êm đềm trôi qua cho đến năm 1979, khi quân Trung quốc tiến vào, anh chàng vận đỏ này mừng hú lên để đón đồng bào, và để có thể quay về quê hương một cách hiển vinh anh ta đã chạy theo quân Trung Hoa, sau khi ném lựu đạn để giết cả gia đình, bao gồm vợ, ba đứa con hai trai một gái và bà mẹ vợ hơn bẩy mươi tuổi vì lúc đó ông thợ mộc đã chết. Sự kiện này khiến cho dân cư Lạng sơn bàng hoàng. Chết chóc, bom đạn cũng không làm họ sởn da gà lên như lúc chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó. Bởi sự phản bội có thể xẩy ra dưới nhiều hình thức, nhưng sự phản bội đến mức phi nhân tính như vậy thì quả là hiếm hoi vì nó vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Hành vi của người đàn ông này chỉ có thể giải thích như biểu hiện của sự cuồng tín. Tôn giáo mà anh ta thờ phụng phải có một sức mạnh tương tự như sức mạnh của thánh Allah đối với dân theo đạo Hồi, tôn giáo đó có thể đặt tên là tôn giáo nước lớn.
Tôn giáo nước Lớn không phải là mặt hàng mới lạ. Bất cứ dân nước nào, khi ở thế cường thịnh đều có niềm kiêu hãnh. Người Pháp đã viết hàng ngàn cuốn sách về Napoleon. Người Anh có câu nói nổi tiếng: “Mặt trời không bao giờ lặn trến đất Anh”. Dân Mỹ bây giờ tự hào vì Mỹ là nước tiêu biểu cho nền dân chủ, nơi mà: “Cơ may được chia đều cho mọi người, nơi mà Tự do và Ý chí là hai động lực cốt lõi cho mọi thăng tiến cá nhân cũng như phát triển xã hội”. Nhưng Tôn giáo nước lớn, nói cách khác tư tưởng Đại Hán của người Trung Hoa là dị biệt, bởi phân biệt chủng tộc được xây đắp trên sức mạnh chinh phục về văn hoá của dân tộc Hán đối với tất cả các dân tộc còn lại trên toàn cõi Trung Hoa. Dù trên lá cờ của nước này, năm ngôi sao tượng trưng cho năm dân tộc có chiều kích ngang nhau nhưng trên thực tiễn sự thống trị của dân tộc Hán là bằng cứ không chối cãi được. Chính một bà giáo dạy tiếng Tầu sống ở Paris nhiều năm đã nói với đám học viên: “Chỉ cần đến Bắc kinh sống vài tháng là đủ hiểu người thủ đô khinh dân các tỉnh ra sao. Tính hơn hẳn của văn hoá Hán khiến cho các dân tộc khác không thể và không dám đòi hỏi sự bình đẳng.” Dẫu không tuyên bố thẳng thừng là “Có dòng máu Xanh” như Hitler nhưng những lời thầm thì trong đáy tâm hồn của người Trung Hoa cũng có cùng cảm nhận. Bản tính người phương Đông vốn kín đáo, họ có thói quen nói một đường nghĩ một nẻo, thói quen đó có thể là một phẩm chất, cũng có thể là một khuyết tật, tuỳ theo cách đánh giá. Nhưng chắc chắn nó là một trong các vũ khí tuỳ thân. Tính thần bí của Tôn giáo nước Lớn Trung Hoa nằm ngay ở cội nguồn ngôn ngữ của họ, như trên đã dẫn, khởi thuỷ từ nửa sau thời Đông Chu, trước công nguyên, có nghĩa là tuổi thọ của nó dài hơn tuổi thọ của Công lịch. Nếu chúng ta đã chấp nhận rằng tính Ảo tưởng Utopie làm thành một bộ phận của đời sống nhân loại, lẽ đương nhiên chúng ta cũng thấy rằng Tính thần bí, Mythologie làm nên một bộ phận của cuộc sống ấy. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà thơ phương Tây đã thở than:
“Ôi, xứ sở không còn huyền thoại thì vô cùng lạnh lẽo.
Nó giống như một ngôi nhà không còn lò sưởi
và con người sẽ run rẩy rồi chết cóng khi tuyết phủ ngoài trời”
Tư tưởng Đại Hán là tôn giáo chính thống, là huyền thoại cứu rỗi của người Trung Hoa, nó thấm nhuần từ bậc thượng lưu cho đến những kẻ bần cùng như phu quét rác hoặc đám ăn mày.
Một đặc điểm nữa cần chú ý: Người Trung Hoa có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn hai tính chất trái chiều: Tính thực tiễn và khả năng Nuôi dưỡng huyền thoại.
Về tính thực tiễn, không ai có thể hơn người Trung Hoa, một dân tộc có khả năng buôn từ thứ hàng hoá lạ lùng độc đáo như Vua (Vua là món hàng mà Lã Bất Vi đã kiếm không biết bao lời lãi) đến những vật vô cùng cụ thể như cua cá, tôm ốc. Họ thành công từ những mối buôn to lớn như buôn toàn ngành than, điện, ngành dệt may cho đến vật bé nhỏ như cây kim sợi chỉ, cái tăm xỉa răng, cái thoa cài tóc. Cốt lõi của tính thực tiễn ấy có thể tóm tắt vào câu nói của Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng mèo đen đều tốt cả.”
Nhưng hình ảnh của ông Hàn Tín mới thực sự là biểu tượng đặc trưng cho tinh thần ấy. Cái việc chấp nhận bò bằng bốn cẳng như chó để chui dưới đít một tên bán thịt không chỉ biểu trưng cho chữ NHẪN, nó còn là hình tượng độc đáo cho tính THỰC TIỄN. Một hình tượng lên đến chóp của tính biểu hiện.
Qua nhiều thế kỷ, tinh thần thực tiễn cộng với óc sáng tạo, sự mềm dẻo trong vận hành đã khiến cho các ngành sản xuất và thương mại của người Trung Hoa, đặc biệt là các Hoa kiều, những người đã vượt khỏi biên giới để kiếm miếng cơm ở xứ khác, phát triển không ngưng nghỉ. Nhưng dù ở trong nước hay sống ở nước ngoài thì cái huyền thoại về một Đế Quốc Vĩ Đại, nền văn minh trung tâm của nhân loại vẫn tồn tại như Một pháo đài bất khả xâm phạm trong đáy sâu tâm hồn mỗi người Trung Hoa. Đó hoàn toàn không phải một thứ Nostalgie trường tồn mà là một Niềm tin dài lâu và vững chắc, một Tôn giáo với tất thảy các tính chất kèm theo nó.
Trở lại mùa đông năm 2006, tại phòng khách nhà M., sau khi tóm lược sơ sài những điều vừa kể trên, để kết luận, tôi nói với đám người cánh tả nước Pháp:
“Đông và Tây luôn luôn là hai thế giới riêng biệt, tạm ví như hai vùng đất thuộc hai bờ một con sông lớn. Chúng ta chưa có đủ những cây cầu bắc qua hai bờ sông ấy cho nên sự Bất khả tri là điều phải chấp nhận một cách đương nhiên. Sự Bất khả tri này bộc lộ trong chính ngôn ngữ Pháp, hãy nhớ lại ca khúc Mon mec à moi do Patricia Kaas hát. Trong đó, danh từ Chinois chỉ những điều bịa đặt, những câu chuyện huyền hoặc, tối nghĩa, không ai hiểu nổi. Danh từ này sẽ còn sống rất lâu. Bây giờ, để giải thích cho sự sửng sốt của các vị trước đám biểu tình tại quảng trường Public, tôi xin dùng hình ảnh này: Những người dân Trung Hoa nhập cư năm xưa nhũn nhặn, khiêm nhường, thậm chí rụt rè sợ hãi là gương mặt của Hàn Tín ở thời điểm phải bò bằng bốn chân luồn dưới đũng quần của gã bán thịt. Nhưng bây giờ, thời đại đã thay đổi, nước Trung Hoa hùng cường đang ở thế thượng phong, các ông Hàn Tín đang chuẩn bị nhẩy lên ngai vàng.”
(Còn tiếp)
© 2013 DCVOnline
The author is Sinophobiac. I do not think he cares about the feelings of 1 million nguoi Hoa living in Vietnam and many more million Vietnamese who are the descendants of “nguoi Minh Huong” who have been assimilated and integrated into the main stream of Vietnam.