Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt (I)
Trần Văn Chánh (Tp Hồ Chí Minh)
…khi khảo sát về thói hư tật xấu, cần có sự tách biệt giữa người dân bình thường với thành phần cán bộ viên chức nhà nước, chứ không thể gộp chung thành một đống được…
Mở đầu
Thời gian gần đây, nhiều người được biết đến câu chuyện một nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật do nghi ngờ xách lậu hàng ăn cắp về Việt Nam. Văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo bị lục soát, tổ bay bị điều tra, cảnh sát Nhật nói họ nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của hãng hàng không này liên quan đến vụ xách lậu (xem báo Tuổi trẻ, số ra ngày 27/3/2014). Chuyện tưởng nhỏ nhưng liền sau đó trở nên lùm xùm, nhưng không phải đối với người Nhật, mà lại đối với người Việt Nam. Báo chí trong nước lên tiếng. Người ta cho đây là hành động gây tiếng xấu chung cho uy tín người Việt.
Thật ra, chuyện người Việt khá thường ăn cắp đồ tại các siêu thị ở Nhật hay ở một số nước khác không mới lạ. Ông Tai Odaka, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ (31/3/2014), cho biết người Việt (gồm cả người lao động xuất khẩu và người định cư) hay ăn cắp một số đồ vật như xe máy, máy ảnh, máy quay phim, mỹ phẩm…, và khi bị cảnh sát bắt thường chối tội không chịu khai thật (khác với người Nhật quen khai thật). Người ta hỏi ông Odaka nghĩ gì khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí” thì ông tế nhị không trả lời thẳng, mà nói quanh co bằng cách so sánh một vài tính cách khác biệt giữa người Việt Nam với người Nhật (như người Nhật có thói quen giữ vệ sinh trong ăn uống hơn, tôn trọng giờ giấc hơn, trong giao tiếp nói nhiều câu “cám ơn” hơn…).
Nói “không mới lạ” vì chuyện người Việt có thói quen ăn cắp vặt từ lâu đã “nổi tiếng” ở nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Hà, một độc giả tham gia diễn đàn “tính xấu người Việt” trên báo Tuổi trẻ , kể lại:
“Năm tôi học tiểu học, tức đã 50 năm trôi qua, tròn nửa thế kỷ. Thầy tôi, thầy Huỳnh Quốc Tuấn, dạy Pháp văn nổi tiếng thời đó, đi Pháp về và ông đã chia sẻ: ‘Đi sang Pháp thầy thấy nhục nhã quá. Ngay trên bãi biển… (thầy có nói tên nhưng tôi quên rồi) có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt Việt Nam” (Attention aux voleurs Vietnamiens).
Thầy cho biết người Việt nổi tiếng ở Pháp về thói ăn cắp vặt. Câu chuyện đó tôi nghe và quên đi… Giờ đây, qua báo chí tôi đã biết trên thế giới ngoài nước Pháp còn có những cảnh báo về thói xấu này. Tại sao nhiều người có tính “táy máy” đến vậy?”
(Tuổi trẻ, số ra ngày 13/4/2014).
Câu chuyện xấu hổ liên quan cô nữ tiếp viên hàng không trên kia còn làm nhắc nhớ một câu nói nổi tiếng cách nay mấy năm, hồi năm 2008. Trong một bài phát biểu của ông Ngô Quang Kiệt (Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội) khi họp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông đã tình thật phát lên câu nói dẫn đến việc chính quyền và các cơ quan truyền thông tại Việt Nam bắt bẻ, đặt vấn đề về lòng yêu nước của ông, cũng là thêm một lý do phụ để người ta thu xếp cho ông được nghỉ ngơi sớm hơn so với kế hoạch:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ!”
Ông Ngô Quang Kiệt hẳn có suy nghĩ tốt, nhưng chắc do cách diễn đạt mà bị hiểu nhầm. Ý ông chỉ buồn rằng người Việt ở nước ngoài đã làm không ít việc tai tiếng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, nên Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều nữa để khắc phục những tính cách, lối ứng xử chưa phù hợp với tập quán của nền văn minh hiện đại trong một thế giới đã toàn cầu hóa.
Nói về tính cách xấu, thì có lẽ một trong những tính cách xấu gần gũi nhất của người Việt Nam nói chung và của các nhà chức trách Việt Nam nói riêng là tính “tốt khoe xấu che”: không chịu nhận những sự thật phũ phàng, đi liền với việc phô trương và thường phóng đại quá lẽ những mặt được / tự coi là tốt, mà sự kiện bị bắt bẻ của ông Tổng Giám mục nêu trên cũng là một trong những thí dụ rất sinh động, cụ thể.
Từ gần thế kỷ trước, ngay trong quyển Việt Nam sử lược (in lần đầu năm 1919), phần đầu sách viết về “Người Việt Nam”, cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra những nhận xét về tính cách tốt, xấu của người Việt theo kiểu chân thật thấy sao viết vậy, nhưng trong một bản in tái bản vào năm 1999, một nhà xuất bản nọ đã biên tập cắt bỏ hết những đoạn “nói xấu” về người Việt, chỉ giữ lại phần “hơi xấu” hoặc “tốt”. Đối chiếu lại nguyên văn thì thấy ngay phần nhận xét “xấu” đã bị cắt bỏ:
“Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác …”
(xem Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa-Thông tin, 1999).
Nhận xét khá đúng, nhưng vì tâm lý vẫn muốn che tránh những sự thật “bất lợi” nên người ta phải biên tập bỏ bớt. Nên nhớ rằng, các cán bộ biên tập nhà xuất bản tùy tiện làm như thế chẳng phải không lý do, mà do họ đã được đào tạo kỹ nên lúc nào cũng sợ bị quy kết sai quan điểm lập trường dân tộc hay lập trường giai cấp này khác, với hậu quả tai hại là nếu làm sai ý cấp trên, nhiều khả năng họ có thể bị phê bình, thậm chí cách chức. Ở đây, còn lộ ra thêm khuyết tật người công chức Việt Nam luôn nơm nớp lo sợ, thiếu trung thực, và thường phải giữ kỹ ý tứ để bảo vệ nồi cơm thay vì hành động, quyết định theo đúng lương tâm chức nghiệp của mình.
Những thái độ “dè dặt” trong mấy câu chuyện kể trên, thật rất khớp với câu nói khá nổi tiếng của nhà văn-nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”.
Ngày nay, đọc khắp các sách biên khảo và giáo khoa của Việt Nam được biên soạn trong suốt hơn nửa thế kỷ (chủ yếu từ sau 1954), đặc biệt về các môn chính trị, sử địa, văn học…, không đâu thấy có một chữ nào nêu lên tính cách xấu của người Việt, nước Việt, trái lại đọc tới đâu cũng thấy toàn “con Rồng cháu Tiên”, “bốn ngàn năm văn hiến”, “rừng vàng biển bạc”, “nhân dân ta rất anh hùng”, (đều là những tiểu mục ở đầu sách Sổ tay văn hóa Việt Nam của Trương Chính, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978), “yêu nước, yêu lao động, hy sinh, dũng cảm, bất khuất…” Đây là cách chỉ muốn dạy cho học sinh thấy toàn một chiều về mặt tốt của đất nước, con người mình, mà che bớt đi các mặt khuyết điểm. Kết quả là các thế hệ trẻ đã nhận thức sai lệch, từ đó sinh ra ảo tưởng về đất nước, con người Việt Nam, nên cứ thế người trong cả nước an nhiên sống bay bổng, tưởng dân tộc mình là thần thánh trăm trận trăm thắng, như đã từng đánh bại oanh liệt hai, ba đế quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới vậy.
Ở đây, trước hết đã có một nhận thức phiến diện về lòng yêu nước và cách yêu nước. Vì yêu nước đã thường được dạy, được hiểu chủ yếu gắn với tinh thần bất khuất, hy sinh dũng cảm chiến đấu thắng lợi vẻ vang, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…, thay vì lẽ ra nên nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh yêu nước ở lòng tự trọng, ước muốn hoàn thiện bản thân-rèn luyện nhân cách, ý thức chấp hành bổn phận và kỷ luật…, thể hiện qua những hành động bình thường hằng ngày của công dân.
Tính ra như vậy, trong khoảng 60 năm nay, những người đương thời và đương cuộc đã chẳng chịu học hỏi gì nhiều ở các cụ tiền bối cách mạng đi trước, từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1908), với phương châm “khai dân trí, chấn dân khí” như của cụ Phan Châu Trinh, trên cơ sở phản tỉnh (tự xét lại), phản tư (suy nghĩ lại), trước hết tự xét lại mình về các mặt khuyết điểm để từ đó sửa chữa tiến bộ, thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nỗ lực phấn đấu theo kịp đà phát triển chung của văn minh thế giới.
Tuy nhiên, để rạch ròi chuyện tốt, xấu, cũng cần xét lại một số định nghĩa và khái niệm. Đại khái, cần phân biệt giữa tính cách xấu hay thói xấu với những tính cách / tập quán tuy mang ý nghĩa tiêu cực có vẻ chống lại sự tiến bộ nhưng không hẳn đã xấu. Các cụ trí thức thời trước, chủ yếu vào khoảng đầu thế kỷ XX, sau khi tiêm nhiễm Tây học hoặc được đọc qua các “tân thư” dịch từ sách Tàu, thường có thái độ mặc cảm nhìn lại người Việt Nam thấy cái gì cũng xấu, hoặc hễ trái với kiểu sinh hoạt tiến bộ của phương Tây là xấu. Tuy thái độ tự phê phán trung thực này về cơ bản là tốt, cần thiết, nhưng cũng có chỗ hơi quá đà, chưa thấy hết tính cách / đặc điểm riêng biệt đương nhiên giữa các dân tộc, do những điều kiện khác nhau về phong thổ, khí hậu, địa lý, dân số, hoàn cảnh sống và mức phát triển kinh tế, khoa học-kỹ thuật quy định.
Chẳng hạn, từ năm 1913, trên Đông Dương tạp chí, cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) có loạt bài viết “Xét tật mình”, trong có nội dung chê người Việt Nam có tật “gì cũng cười”, thì cái “tật” này tuy có khác với phong cách dân một số nước châu Âu nhưng chưa chắc đã là tật xấu thật. Hoặc như vài cụ khác đồng thời với cụ Vĩnh, chê người Việt Nam mê làm thơ, thích uống rượu, có óc tri túc hiếu cổ, coi thường nghề mua bán…, thì những tính cách này cũng không hẳn xấu đâu. Chúng chỉ có thể ngăn cản phần nào óc phấn đấu tiến bộ như kiểu Tây phương thôi, trong khi sự tiến bộ một chiều theo mô thức Tây phương chưa chắc đã đem lại những hệ quả hoàn toàn tốt đẹp về hạnh phúc và sự an toàn cho loài người, như chiến tranh thế giới, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu, tai nạn tàu-xe-máy bay…, phần lớn đều là hậu quả khốc hại ngày càng tăng và vô phương cứu chữa của nền khoa học-kỹ thuật, kinh tế và sản xuất do các nước Âu Mỹ dẫn đầu. Giả định ngược lại, một xứ sở đa số gồm những người thích uống rượu ngâm thơ và tri túc hiếu cổ thì lại khác… Cho nên, trong một số trường hợp (phần nhiều có tính lý thuyết và do giả định), vài thứ tính cách bị coi “khuyết điểm” có khi lại cần thiết cho đời sống con người để lập thế thăng bằng với những trạng thái vượt tiến quá đà khác.
Ngoài ra, còn một số tính cách khác, khó phân định tốt xấu, như tính phung phí không biết cần kiệm kiểu công tử Bạc Liêu của người Việt Nam Bộ.
Nếu chơi với bạn, chắc ai cũng thích bạn sẵn sàng phung phí với mình, thay vì dè sẻn, nên không cần kiệm về một mặt khác/ ý nghĩa khác cũng là đức tốt của người hào sảng rộng lượng. Trái lại, tùy theo thái độ phung phí, tính này cũng có thể bị coi là khoe mẽ, ngông cuồng, có hại cho sự nghiệp làm ăn lâu dài.
Tương tự như vậy, một người không có ý chí phấn đấu vì cho trần gian chỉ là cõi tạm phù du, thì thái độ “vô vi” này của anh ta chưa chắc đã xấu, nếu không muốn nói có khi còn tỉnh táo, minh triết nữa là khác! Cho nên, cái gọi thói xấu người Việt hay “người Việt xấu xí” trong vài trường hợp bị nêu ra chỉ có ý nghĩa tương đối, vì thật ra đó chỉ là những tính cách hạn chế bị coi tiêu cực, gây trở ngại chung cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trong thời hiện đại. Còn những tính cách thật xấu xí, phải kiên quyết khắc phục, chỉ nên hiểu bao gồm những thói tật không chỉ gây trở ngại cho sự tiến bộ xã hội mà còn vi phạm khế ước xã hội cũng như xúc phạm đến những mối tương quan thuộc về con người.
Một điều khác nữa có lẽ không nên quên là tập quán và nền văn minh, hay nói chung văn hóa, vốn không có một tiêu chuẩn chung nhất định cho mọi dân tộc. Theo Claude Lévi-Strauss (1908-2009), nhà nhân chủng học-dân tộc học-triết gia Pháp đặt nền móng cho Cơ cấu luận (Structuralism) từ những năm
50 của thế kỷ trước, thì
“Các nền văn hóa khác biệt chỉ là những biến tấu trên cùng một chủ đề, và đều đáng kính trọng như nhau, bởi vì không có một tiêu chuẩn hợp nhất nào cho phép ta kết luận rằng cái này là cao hơn cái kia về mọi mặt, để biện minh cho việc sắp xếp chúng trên một bậc thang tiến bộ duy nhất cả. ”
(Xem Phạm Trọng Luật, “Từ ‘Sự đụng độ giữa các nền văn minh’ và nhân chủng học nhìn lại chủ nghĩa tương đối văn hóa”, Đại học Văn hóa Hà Nội, huc.edu.vn).
Ngay trong nội bộ một quốc gia, một dân tộc, nói về tính cách tốt, xấu, cũng không có sự đồng nhất giữa các vùng miền. Ở những nơi đất rộng người thưa tài nguyên phong phú thì người dân thường có tính rộng rãi, hơi lười, ít chú ý tiết kiệm… và ngược lại. Theo Sơn Nam, “So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống. Người dân thảnh thơi ‘vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn’” (Cá tính miền Nam, Nxb Trẻ, 1997, tr. 7).
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa-phong tục Toan Ánh (1916-2009), vì là người gốc Bắc vào Nam sinh sống và làm việc rất sớm, nên ông đã có những nhận xét khá chính xác về đặc điểm đất nước, con người Nam Bộ:
“Có thể nói rằng ở đây thò tay ra chỗ nào cũng có tiền. Vườn dừa bát ngát, vườn chuối mênh mông… Dừa, chuối hái xuống, chất đống bên đường, không người coi cũng không sợ mất… Miền quê ở đây, ít có trộm đạo… Ấy là vì đời sống ở đây dễ dàng nên người dân không phải vật lộn tranh đấu, không cần lo đến ngày mai, không biết phòng xa, không có cái lối ‘chín xu đổi lấy một hào’.”
(Người Việt đất Việt, Nxb Trẻ, 2003, tr. 462).
Có người đem những câu tục ngữ của người Việt để kể tật xấu người Việt, cho rằng “tục ngữ cũng là tấm gương phản chiếu những tật xấu, nhân sinh quan của một bộ phận người Việt” (xem Nguyễn Đức Dân, “Làm trai cứ nước hai mà nói”, báo Tuổi trẻ , 9/4/2014). Cách làm này hay nhưng xem ra cũng chưa mấy được công bằng, vì một câu nêu lên tính xấu luôn có hai mặt, trong đó có mặt để phê bình chính tính xấu đã nêu ra, hoặc thậm chí dùng để khen. Như nói “Của người Bồ tát, của mình lạt buộc” là một thói xấu, nhưng cũng dùng để phê phán thói xấu đó của những kẻ có tính ích kỷ, bủn xỉn. Câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tùy theo ngữ cảnh sử dụng, khi thì để chê kẻ ngu chuyên ôm những việc bao đồng thiên hạ vào mình, khi thì để khen người có tính vị tha, biết quan tâm tới cộng đồng và công việc, nỗi lo toan của người khác. Những câu khác như “Đánh chó phải ngó chủ”, “Gió chiều nào che chiều ấy” (cốt sao được an toàn), thường chỉ có ý nghĩa dạy khôn, trung tính, mà dùng để chê bai như một tính xấu, vẫn được.
Một số tác giả viết về phong tục, tính cách người Việt cũng thường chủ quan, qua việc quy nạp chưa đủ căn cứ, khi họ khảo sát tập quán xấu hay tốt của một cộng đồng vùng miền nào đó rồi quy chung cho cả người Việt. Tình trạng này thường thấy xảy ra ở những tác giả gốc Bắc, như Phan Kế Bính (với Việt Nam phong tục), Nhất Thanh (với Đất lề quê thói)… trong khi tính cách, phong cách sống của người Việt miền Bắc có một số đặc điểm không giống với người Việt miền Trung và Nam Bộ. Như vậy, trong cái chung vẫn có cái riêng.
Tác giả Sơn Nam viết Cá tính miền Nam (Nxb Trẻ, 1997) cũng là “nhằm khẳng định cái riêng, sự đa dạng phong phú được bắt nguồn từ cái chung cội nguồn của tính cách con người Việt Nam…” (trích “Lời nói đầu”). Ngoài ra, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng cần phân biệt dân tộc Kinh (3 miền) với 53 dân tộc ít người khác (gồm cả người Hoa, người Khmer) với đặc điểm khác nhau của từng dân tộc mà một số thói hư tật xấu của người dân tộc Kinh lại có thể và thường không có ở những dân tộc khác (như ăn cắp vặt, cờ bạc…) Nói chung, chỉ ở những nơi đất chật người đông, người khôn của khó thì thói hư tật xấu mới có xu hướng và nhiều cơ hội để phát triển.
Một câu nói vui nhưng rất hay, “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”, cho thấy ngay trong một khu vực địa lý như nhau vẫn có những tính cách con người hoàn toàn khác nhau, nên việc xác định tính cách chung của vùng miền cũng chỉ có tính tương đối. Phần nhiều phải nói, “đa số”, “phần lớn”… chứ không thể vơ đũa cả nắm hết được.
Nhìn chung, để xác định cái nào là căn tính cố hữu của người Việt là không dễ, vì tính cách con người có thể thay đổi theo thời gian, không gian (vùng miền), điều kiện chính trị (chế độ phong kiến, dân chủ cộng hòa, dân chủ xã hội chủ nghĩa…, chính sách cai trị tốt hay xấu của từng chế độ), điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện giáo dục (trình độ học vấn)… Có những tính cách khoảng một trăm năm trước là phổ biến nhưng nay đã không còn, hoặc thậm chí thay đổi ngược lại, như óc thương mại… Nhưng vài tính cách khác, như óc mê tín dị đoan, ưa cờ bạc, thích học giỏi để thi đậu làm quan… thì người Việt bây giờ nói chung vẫn chưa khác xưa là mấy. Vì thế, có lẽ chỉ những tính cách hoặc thói xấu có tính lâu bền, vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến đến ngày hôm nay mới đáng gọi là căn tính của người Việt, mà những căn tính này hay thói xấu này thì cũng không bất di bất dịch. Chúng vẫn có thể thay đổi trong tương lai vài chục hay vài trăm năm tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể và ý thức phản tỉnh của dân tộc.
Sau hết, trước khi liệt kê, khảo sát thói xấu/ tính xấu của người Việt, tưởng cũng cần phân biệt ý nghĩa khác nhau của một số danh từ có ý nghĩa gần giống nhau và dễ lẫn lộn: tính, tính cách, tính khí, tính tình, cá tính, tập tính, dân tộc tính, đức tính, lối sống, nếp sống, nhân cách, phong cách, bản sắc, nét đặc trưng, phong tục, tập quán, thói, tật, bệnh, khuyết tật, khuyết điểm, nhược điểm, mặt hạn chế…
Thời trước, các nhà viết sử Việt Nam thường không phân biệt tính cách với phong tục tập quán, nên trong bộ Đại Nam nhất thống chí chẳng hạn, họ luôn mô tả tính cách và phong tục tập quán của từng vùng miền gộp chung vào mục “phong tục”. Phong tục xấu cũng có nghĩa là các tính cách xấu hay thói xấu, và ngược lại. Riêng những phong tục tập quán đúng nghĩa thì cần hiểu theo quan điểm lịch sử cụ thể để chỉ coi chúng là phong tục tập quán truyền thống của dân tộc được hình thành trong sinh hoạt xã hội gắn với hoàn cảnh lịch sử của thời đại, nên dù có một số phong tục nay đã lỗi thời, chúng ta cũng không thể đồng hóa chúng với thói hư tật xấu.
Các chữ “thói”, “tật”, “bệnh” thường dùng theo nghĩa “xấu” nhiều hơn.
Theo cách hiểu Việt Nam, chữ “tính” với “tính cách” nghĩa gần giống nhau, nên tính cách xấu đồng nghĩa với tính xấu, thói xấu, tật xấu, hay nói gộp chung: thói hư tật xấu. Thói hư tật xấu thuộc nề nếp, lối sống, quy củ sinh hoạt không tốt trong xã hội, chứ chưa hẳn là tệ nạn xã hội (ma túy, đĩ điếm…), mặc dù về mặt logic thì giữa chúng vẫn có mối tương quan nhân quả với nhau. Có những tính cách không hẳn thói hư tật xấu, mà chỉ là nhược điểm, như người Việt trước đây có nhược điểm không coi trọng thực nghiệp…
Cần phân biệt thói xấu liên quan đạo đức cá nhân riêng của từng người với thói xấu chung của một bộ phận dân tộc, như tính tham lam, tật tham ăn, tật nói láo, thói giả dối, thói bủn xỉn…, vốn thuộc phạm trù đạo đức chung của loài người mà người dân của xứ nào cũng có thể mắc phải.
Ngoài ra, cũng rất cần phân biệt giữa thói xấu với tội phạm. Tham nhũng hối lộ, lừa đảo, đâm chém, cướp của giết người… đang phổ biến tràn lan thành quốc nạn vô phương cứu chữa ở Việt Nam hiện nay là những tội phạm, chủ yếu phát sinh do tình hình chính trị-xã hội và sự quản lý chưa tốt gây ra, nên không thể nói người Việt có thói tham nhũng hối lộ, thói lừa đảo, thói đâm chém, thói buôn bán ma túy, thói cướp của giết người…, vì trước đây thì vẫn có nhưng không nhiều đến như thế. Về thành phần thì tội tham nhũng hối lộ chỉ liên quan đến những kẻ có chức có quyền trong một cơ chế quản lý công quyền và kinh tế vừa mập mờ vừa thiếu dân chủ; các tội phạm hoặc tệ nạn xã hội ma túy, đĩ điếm, trộm cắp, cướp của giết người… chủ yếu liên quan đến thành phần nghèo thất học và thất nghiệp trong điều kiện suy thoái chung về văn hóa đạo đức của toàn xã hội. Riêng tội tham nhũng vặt và ăn cắp vặt thì có phần hơi giống với thói hư tật xấu, nhưng tùy theo mức độ nặng nhẹ và hậu quả gây ra mà có thể xếp chúng vào loại tội phạm hình sự hay chỉ là thói xấu thiên về đạo đức (như trường hợp học sinh ăn cắp một hai cuốn sách trong hiệu sách, chị hộ lý hay bác sĩ bệnh viện nhận phong bì của bệnh nhân…)
Vì thế, trong điều kiện cụ thể Việt Nam hiện nay, khi khảo sát về thói hư tật xấu, cần có sự tách biệt giữa người dân bình thường với thành phần cán bộ viên chức nhà nước, chứ không thể gộp chung thành một đống được, mặc dù thói hư tật xấu của cả hai hạng người này vẫn có sự liên quan khá chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ chung-riêng.
(Còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công Nghệ Thừa Thiên, Huế, Số 3-4 (110-111). 2014. http://skhcn.hue.gov.vn/
DCVOnline minh họa.