Cưỡi Ngọn Sấm

Trịnh Bình An

cnsMột Câu Chuyện Về Vinh Dự Và Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam
Ride The Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph

Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph. Nguồn:  WorldNetDaily
Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph. Nguồn: WorldNetDaily

Cưỡi Ngọn Sấm kể lại câu chuyện có thật về tình “huynh đệ chi binh” hiếm có của một toán nhỏ cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa trên một mặt trận hết sức đặt biệt của Chiến Tranh Việt Nam: Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của cả hai bên nên dù bị đẩy vào một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt họ vẫn làm nên một chiến tích lẫy lừng: chặn đứng bước tiến của Cộng quân tại cầu Đông Hà.

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trận đánh 1972 đã thể hiện trọn vẹn trên khắp các vùng bị Cộng quân tấn công. Vì thế phải cần nhiều cuốn sách mới có thể ghi nhận đầy đủ về tình hình chiến sự cũng như về nhân cách của các chiến sĩ đã tham gia trận đánh.

Riêng tác phẩm “Ride The Thunder” của Richard Botkin chú trọng tới mặt trận Quảng Trị – Đông Hà trong đó câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: Trung Tá Gerry Turley, Đại Úy John Ripley và Thiếu Tá Lê Bá Bình.

Đại úy John Ripley (thứ hai từ trái sang) cùng Đại tá Gerald Turley (thứ hai từ phải sang) ngày trước khi bắt đầu các cuộc tấn công mùa Hè đỏ lửa (Easter Offensive 1972) tại một căn cứ quân sự phía Tây Đông Hà. Nguồn: http://nobility.org/
Đại úy John Ripley (thứ hai từ trái sang) cùng Đại tá Gerald Turley (thứ hai từ phải sang) ngày trước khi bắt đầu các cuộc tấn công của CSVN trong mùa Hè đỏ lửa (Easter Offensive 1972) tại một căn cứ quân sự phía Tây Đông Hà. Nguồn: http://nobility.org/

Trung Tá Gerry Turley có mặt trong Trung Tâm Hành Quân Chiến Thuật Ái Tử hai ngày trước cuộc tấn công trong một cuộc viếng thăm bình thường dự tính chỉ chừng vài ngày. Nhưng khi cuộc chiến nổ ra, ông được cấp chỉ huy gọi riêng và trao cho quyền tạm thời đảm trách toàn bộ hoạt động tại trung tâm này.

Đại Úy John Ripley là một “skipper”- sĩ quan chỉ huy, của Đại Đội Lima 6 TQLC Hoa Kỳ tại VN. Ông trở thành cố vấn cho Tiểu Đoàn 3-Sói Biển TQLC cuối năm 1971. Ông đã sát cánh với hơn 700 chiến sĩ VNCH đồn trú tại căn cứ Alpha 2 nằm trong tỉnh lỵ Đông Hà. [Chức vụ sau cùng của TQLC John Ripley là Đại tá TQLC Mỹ (USMC) – DCVOnline]

Trung Tá Lê Bá Bình trình diện Tiểu Đoàn 3 TQLC cuối năm 1962 với chức vụ thiếu úy và đã tham dự nhiều trận đánh trên khắp các vùng chiến thuật. Ông từng được huấn luyện tại Trường Căn Bản Quantico tại Virginia năm 1964. Năm 1972, ông giữ chức vụ Thiếu Tá -Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 3 TQLC.

Thiếu tá Lê Bá Bình đứng ở Quảng Trị trước khi bị thương lần thứ 9, 1972. Nguồn: OntheNet
Thiếu tá Lê Bá Bình đứng ở Quảng Trị trước khi bị thương lần thứ 9, 1972. Nguồn: OntheNet

Trận chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” (tên tiếng Anh: Easter Offensive) là một kế hoạch táo bạo của Bắc Việt nhằm đánh một trận quyết định để tiêu diệt nền Cộng Hòa miền Nam đang mất dần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Giữa trưa ngày 30 tháng Ba 1972, quân đội Bắc Việt đã phối hợp bộ binh, thiết giáp, pháo binh cộng thêm hệ thống phòng không tối tân nhất của Liên Xô đã viện trợ, đồng loạt tấn công 12 căn cứ quân sự VNCH trải dài từ Đông sang Tây trong vùng phi quân sự và từ Bắc xuống Nam sát với biên giới Lào. Những đợt pháo kích đầu tiên nhắm vào các vị trí pháo binh VNCH mà chúng đã rõ. Đàng sau những cuộc pháo kích là hơn 30.000 lính Bắc Việt và – lần đầu tiên tại VN – xuất hiện hàng trăm chiến xa T-54 và PT-76 do Liên Xô cung cấp. Không chỉ hạn chế ở các mục tiêu quân sự, Cộng quân còn pháo kích vào các khu đông dân cư nhằm gieo rắc hoảng loạn và phá chặn các mạng lưới giao thông quan trọng, từ đó làm chậm thêm phản ứng của Quân Lực VNCH.

Với tình hình chiến sự thảm hại diễn ra khắp phía Bắc Vùng I Chiến Thuật, Tướng Vũ Văn Giai ra lệnh cho những người Mỹ phải rút ra khỏi TTHQCT Ái Tử. Riêng Trung Tá Gerry Turley, với tư cách là sĩ quan Hoa Kỳ thâm niên nhất, phải ở lại điều hành công việc với một nhóm nhỏ và tiếp tục hướng dẫn các hỏa lực yểm trợ cho đến khi nào tổng hành dinh mới được thiết lập xong. Dĩ nhiên Turley không đồng ý với quyết định ấy với lý do mình chỉ là “một thằng TQLC ghé thăm”. Thế nhưng, cuối cùng “gã TQLC” này vẫn phải nhận lãnh trọng trách.

Rạng sáng ngày Chúa Nhật-Lễ Phục Sinh, khi 10 căn cứ hỏa lực lớn đã bị Cộng quân chiếm đoạt, khi xe tăng địch đã tàn phá hết phía bắc sông Cam Lộ-Cửa Việt, khi trong vùng chẳng còn mục tiêu nào đáng cho chúng tấn công nữa, Trung Tá Turley nhận ra rằng mũi nhọn tiến công của chiến xa và bộ binh Bắc Việt đang nhắm thẳng tới Đông Hà. Nếu chúng vượt qua được cây cầu này thì toàn bộ tỉnh Quảng Trị, và rồi Huế, sẽ lọt vào tay bọn chúng. Không cần suy tính lâu, Turley quyết định: bằng mọi giá phải phá nổ cây cầu Đông Hà. Trớ trêu thay, vì thời tiết xấu không thể xử dụng lực lượng Không Quân để ném bom, do đó cách duy nhất là phải có người trèo lên cầu và đặt chất nổ.

Cầu Đông Hà đã được “Toán Ong Biển” – một tiểu đoàn Công Binh Hải Quân Hoa Kỳ, xây mới vào năm 1967. Đó là một con “mãnh long” kiên cố có bộ khung bê tông và thép khổng lồ với những phiến gỗ chắc nịch. Để chống lại sự phá hoại của bọn đặc công, những hàng rào xích sắt và dây kẽm gai được dựng lên dày đặc dưới gầm cầu. Muốn phá hủy cây cầu ấy dù trong lúc bình thường cũng không hề là điều dễ dàng, nên khi ra mệnh lệnh cho toán Alpha 2–Bình/Ripley: “somehow destroy the bridge”, Turley hiểu rõ rằng ông đã ký vào bản khai tử cho họ.

Để đến gần Cầu Đông Hà, toán Alpha 2 đã bắn hư một chiếc xe tăng T-54. Khi thấy Cộng quân không tỏ dấu hiệu tiến lên thêm, John Ripley, Jim Smock và Lê Bá Bình nhanh chóng chạy tới chân cây cầu. Bộ ba chỉ có chưa đầy 4 tiếng đồng hồ và 500 cân thuốc nổ để thực hiện sứ mạng. Ripley từng được huấn luyện tại trường US Army’s Ranger School. Tại đây, ông đã được học về cách xử dụng chất nổ. Do đó, trong toàn thể binh sĩ nhóm Alpha 2, Ripley là người duy nhất biết cách phá hủy cây cầu. Trước tiên, Ripley đu người qua những hàng rào kẽm gai sắc lẻm. Sau khi nhận khối thuốc nổ do đồng đội chuyển qua rào, ông phải thực hiện công việc khó khăn nhất: leo lên cầu. Với sức mạnh và sự dẻo dai không ngờ, Ripley bám lấy những thanh sắt chữ I, đu người lên, và cuối cùng, bò vào trong khoang cầu. Bên dưới cầu là dòng nước sông chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng đi kẻ nào không may tuột tay rớt xuống. Phải mất 12 lần “đánh đu tử thần”, Đại Úy John Ripley mới đặt được hết toàn bộ khối thuốc nổ dọc theo cầu. Bốn tiếng đồng hồ tưởng chừng vô tận! Và rồi đất trời rung chuyển với một tiếng nổ vang dội. Ngày 2 tháng Tư năm 1972, Cầu Đông Hà bị phá hủy.

Tranh của Đại tá Charles Waterhouse của Đại tá John Ripley treo lủng lẳng trên sông Cửa Việt như Angry lính Bắc Việt bắn vào anh ta. Nguồn: http://nobility.org/
Tranh của Đại tá Charles Waterhouse vẽ cảnh Đại úy John Ripley đu lủng lẳng trên cầu Đông Hà ở sông Cửa Việt trong làn mưa đạn của cộng quân Bắc Việt. Nguồn: http://nobility.org/

“Cưỡi Ngọn Sấm”, tuy nhiên, không phải là câu chuyện chỉ có cơ bắp và hành động, cũng không phải là truyện ca ngợi vài đấng anh hùng theo kiểu phim Viễn Tây. Để kể lại thấu đáo “Một Câu Chuyện Về Vinh Dự Và Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam” thì bên cạnh những nhân vật sáng chói như Turley, Ripley, Bá Bình, tác giả đã không bỏ quên những con người khác. Họ là những chiến sĩ Mỹ và Việt như Phillip, Eisenstein, Goggin, Lương, Nhã, Lượm,.. Họ cũng chính là vợ con, cha mẹ của các chiến sĩ đang ngày đêm trông ngóng tin xa như Bunny, Moline, Bành Cầm. Họ còn là những người dân bất hạnh vô tên vô tuổi bị Cộng quân tàn sát trên đường chạy loạn mà hình ảnh thảm khốc của họ đã đập vào mắt những người lính đang cố thủ tiền đồn. Chính tình cảm, suy tư, hành động của những nhân vật tưởng chừng không quan trọng ấy đã tạo nên cái nền vững chắc để rồi trên đó những người anh hùng mới có đủ quyết tâm và dũng khí để làm những điều họ phải làm.

“Cưỡi Ngọn Sấm” – qua 700 trang sách, trong khi kể về Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 nhưng không quên nhắc lại Tết Mậu Thân 1968; trong khi kể về sự thành lập lực lượng Thủy Quân Lục Chiến VNCH nhưng vẫn nhắc đến các cuộc huấn luyện TQLC tại Hoa Kỳ, kể chi tiết về các trận đánh và cũng rất tỉ mỉ trong các vấn đề kỹ thuật. Cuộc sống và tâm tư của thân nhân các chiến sĩ được mô tả cặn kẽ dù đó là Bunny-vợ Turley, Moline-vợ Ripley, hay Bành Cầm-vợ Bá Bình, cho thấy dù Mỹ hay Việt bất kỳ người vợ lính nào cũng đều phải chịu đựng những thiệt thòi, lo sợ, đau đớn không khác gì nhau.

Những gì còn đọng lại trong tâm trí những người đã từng thấy, từng nghe, về trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa thường là cảnh tượng kinh hoàng của bom đạn, hỗn loạn và xác chết. Thế nhưng, ít ai biết trong những thời khắc đau thương tột cùng ấy đã từng có những câu chuyện cảm động về tình người, tình chiến hữu mà “Cưỡi Ngọn Sấm: Một Câu Chuyện Về Vinh Dự Và Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam” là một.

***

Người viết bài này thuộc một thế hệ lớn lên sau chiến tranh, trong đời chưa từng nghe một tiếng súng nổ, một tiếng bom rơi dù sống ngay trong lòng nước Việt từ 1962. Cuộc sống hồn nhiên của đứa nhỏ ấy trong nhiều năm dài có được là do đâu? Nếu như năm 1972 miền Nam bị rơi vào tay Cộng quân thì nó sẽ ra sao? Những câu hỏi ấy chợt bùng lên sau khi đọc những dòng máu lệ Ride The Thunder, và rồi cứ ở mãi trong đầu…

Phải cần bao nhiêu hy sinh mới có được Tự Do?

Câu trả lời ở những chiến sĩ quyết tâm giữ vững bờ cõi thật đơn giản:

Chỉ cần duy nhất một hy sinh – Đó là hy sinh mạng sống của chính mình.

Những ngày cuối năm 2014.


Nguồn: bài do tác giả gởi. DCVOnline minh họa.

Về tác giả Richard Botkin

cns2Là cựu Thiếu Tá Thúy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), từng phục vụ suốt 15 năm (kể cả thời gian trừ bị từ 1980 tới 1995). Hiện đang làm việc cho tổ hợp tài chính Morgan Stanley với chức vụ Senior Vice President, phụ trách phân bộ Quản Trị Tài Sản. Tác giả đã bỏ ra hơn năm năm để nghiên cứu về Chiến Tranh Việt Nam, phỏng vấn hàng trăm nhân vật có liên quan đến cuộc chiến, và cũng đã đến tận Việt Nam để nghiên cứu thêm và quan sát thực tế tại những địa danh như Đông Hà, Quảng Trị, Ái Tử, Khe Sanh.

Một phần tiền bán sách “Ride The Thunder” sẽ được tặng cho hội “Injured Marine Semper Fi Fund”.

Cưỡi Ngọn Sấm (Tập I) là bản tiếng Việt do nhóm Lý Văn Quý (California), Nguyễn Hiền (Netherlands), Nguyễn Hoàng Diệu (California) là những cựu sĩ quan Quân Y của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và  Trịnh Bình An (Maryland) lớn lên sau chiến tranh, dịch và phát hành. Bạn đọc có thể đặt mua sách hiện bán ở Amazon hoặc liên lạc với người dịch qua điện thư: Trịnh Bình An tại: [email protected].

Cưỡi Ngọn Sấp (Tập I). Nguồn: Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và  Trịnh Bình An.
Cưỡi Ngọn Sấp (Tập I). Nguồn: Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An.

Ride The Thunder được hãng phim KostersFilms bắt đầu dàn dựng vào tháng Tư 2014 và dự tính sẽ trình chiếu vào cuối tháng Giêng 2015. Trang nhà của “Ride The Thunder Movie”.

Một cảnh trong "Ride The Thunder Movie". Nguồn: KostersFilms
Một cảnh trong “Ride The Thunder Movie”. Nguồn: KostersFilms