Trường hợp kỳ lạ của ông Ngô Đình Cẩn

Trà Mi

John_HHơn nữa, tôi đã nói với Bộ Ngoại Giáo rằng, chiếu theo Cẩm nang Ngoại giao [FAM], một Lãnh sự quán không thể nhận người xin tị nạn và chúng tôi cũng không có thẩm quyền theo luật pháp quốc tế. (Hình cựu Lãnh sự Mỹ John J. Helble tại Huế 1963.)

Ông Ngô Đình Cẩn tại tòa án quân sự (Saigon  /4/1964). Nguồn UPI
Ông Ngô Đình Cẩn tại tòa án quân sự  (Saigon 22/4/1964). Nguồn UPI

“Tòa lãnh sự Mỹ quyết định trao trả Ngô Đình Cẩn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sáng ngày 5 tháng 11 năm 1963, tướng Đỗ Cao Trí cùng với một sĩ quan Mỹ và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đưa Ngô Đình Cẩn và mẹ ông này lên máy bay đi Sài Gòn theo lệnh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng.”

Trên đây là một đoạn trích từ bài Huế – những tháng ngày sục sôi – Kỳ 6: Số phận Ngô Đình Cẩn, của Nguyễn Đắc Xuân, viết trên Báo Tuổi Trẻ ngày 10/01/2012.

Sự thật như thế nào? Hãy nghe một nhân vật trong cuộc, có mặt ở Huế, liên quan trực tiếp đến sự kiện kể lại. Người đó là John Helble.

John Helble, Lãnh sự Mỹ tại Huế (1961-64) là người đã phản đối đề nghị cho ông Ngô Đình Cẩn tị nạn tại tòa lãnh sự ngược với quyết định của của Bộ Ngoại Giao Mỹ lúc đó.

John Helble sinh năm 1934 và lớn lên ở Wisconsin, làm việc với ngoại giao đoàn Hoa Kỳ từ năm 1956. Trước khi sang Việt Nam (1959-64) công tác John Helble đã làm việc tại Venezuela. Trở về Mỹ tu nghiệp một năm tại đại học Chicago sau đó John Helble làm việc tại bộ Ngoại giao từ 1965-1968 về các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Cuối cùng, 1968-1985, ông công tác ngoại giao tại Mã lai, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, và Honolulu trước khi nghỉ hưu về Virginia trồng nho và hoa hồng.

John Helble đã được Thomas F. Conlon phỏng vấn vào ngày 5 tháng Tư năm 1996. Dưới đây là phần trích dịch lời ông John Helble thuật lại việc tị nạn của ông Ngô Đình Cẩn.

Một cử chỉ rộng lượng của một người độc tài

Ông có bao giờ có quan hệ mật thiết với ông Cẩn không?

Tôi chỉ gặp ông Ngô Đình Cẩn một lần. Tôi đã được người tiền nhiệm, Tom Barnes cảnh báo là ông Cẩn không nhận tiếp Lãnh sự Mỹ. Vì vậy, tôi đã kiên nhẫn chờ đợi cả ba tháng sau khi tôi đến Việt Nam. Đến tháng Chín, năm 1961, tôi đã tìm được một người là cố vấn hàng đầu của ông Cẩn và người mà tôi có thể liên hệ trực tiếp. Tôi đã hỏi ý kiến của ông ta và nói với ông ấy rằng tôi muốn điện thoại cho ông Cẩn. Tôi nói rằng tôi muốn có cơ hội thảo luận với ông Cẩn về một số các vấn đề của khu vực, về tình hình địa phương, và những điều như vậy. Một thời gian sau đó người trung gian này đã trở lại liên lạc với tôi và nói rằng ông Cẩn không thể gặp tôi. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu muốn, tôi có thể viết xuống một số câu hỏi, và ông Cẩn sẽ sẵn sàng trả lời tôi bằng văn bản. Tôi quyết định rằng đó không phải là một phương pháp hữu ích, vì vậy tôi đã không làm theo đề nghi đó.

Hinh chụp từ trên cao Lăng Vua Tự Đức, Huế. Nguồn: adst.org
Hinh chụp từ trên cao Lăng Vua Tự Đức, Huế. Nguồn: adst.org

Tôi có thể nói rằng Cẩn, người nổi tiếng được coi là có ác cảm với người ngoại quốc nói chung, đã làm một số cử chỉ, hoặc những gì tôi tôi cho là cử chỉ, “chấp nhận” tôi trong cộng đồng, ít nhất là đối với ông ấy. Vì vậy, tôi kết luận rằng tôi đã chưa làm bất cứ điều gì đã quá “sai”. Ví dụ, vào dịp Giáng sinh ông Cẩn đã cho tôi gửi một giỏ lớn thức ngon Việt Nam gồm giò sống với gia vị gói trong lá chuối. Đây là món thường được ăn kèm với “nước mắm” nổi tiếng của Việt Nam.

Một lần tiếp xúc khác trực tiếp với ông Cẩn … là một đặc ân mà ông ấy đã giành cho tôi và vợ tôi. Thực sự đó là một cử chỉ rộng lượng. Nó liên quan đến cái chết của con gái chúng tôi tại Việt Nam. Khi cháu mất, chúng tôi nghĩ đến một nơi lý tưởng để an táng con gái nằm trên sườn đồi ở phía trước của lăng vua Tự Đức, nhìn ra sông Hương, với với một góc nhìn tuyệt vời ở phía tây bắc hướng về những rặng núi Việt Nam, phía sau cánh rừng và dòng sông yên tĩnh và thơ mộng này. Tôi biết rằng vùng đất tôi định dùng làm nơi chôn cất con gái của chúng tôi là đất của ông Ngô Đình Cẩn. Trừ một cái hầm cũ từ thời Pháp thuộc vẫn nằm trong khu vực, nói chung không có cấu trúc nào khác ở đó. Đó là một khoảng đất trống, có một vài cây chà thông. Phó Lãnh sự của tôi, một nhân viên CIA, đã xin đươc phép của ông Cẩn cho chúng tôi chôn con gái của chúng tôi ở đó. Đó chắc chắn không phải là một điều mà ông Cẩn phải làm…

Thiết Quân luật sau cuộc đảo chính

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 là ngày quân nhân đảo chánh Tổng thống Diệm.

Saigon Round Up (08 November 1963) - William Colby Collection
Thành phần Hội đồng Quân nhân Cách mạng và Chính phủ VNCH Lâm thời. Nguồn: Saigon Round Up (November 8, 1963) – William Colby Collection

Thiết quân luật áp dụng ngay tại Huế. Tuy nhiên, khi cuộc đảo chính thành công khá nhanh thì thiết quân luật không còn có ý nghĩa nữa. Dân chúng trong hầu hết các nhóm ở Huế hân hoan đón mừng cuộc đảo chính thành công. Tình hình an ninh ổn định. Không có bạo động hay những sự kiện bất lợi. Với sự “giải phóng” – như nhiều người đã nghĩ – khỏi chế độ và tình hình thoải mái ngay sau đó, nói chung, người dân quan tâm chính đến việc thả bất kỳ tù nhân chính trị nào họ đã tìm được. Có một số tù nhân loại này đã được thả, nhưng tôi không có bất cứ một dự toán nào về con số.

Một trong những điều gây ấn tượng hơn cả xảy ra vào cuối buổi chiều sau cuộc đảo chính vào ngày 3 tháng 11, 1963, là việc khám phá ra một nhà tù kinh khủng cách Huế khoảng một hoặc hai dặm về phía Tây, về hướng của các lăng tẩm của triều đình. Hóa ra là đã có một số người bị giam giữ ở một khu vực trước đó là kho đạn của Pháp. Khi tìm ra nhà tù này một số tù nhân đã được phóng thích. Người dân Huế ùn ùn kéo hau đến đây coi. Tôi cũng đã đến đó xem. Các hầm chứa đạn nằm sâu trong một sườn đồi và đã được sửa thành các phòng giam dài khoảng gần 2 m, rộng khoảng 1 m và cao cũng khỏang 1 m. Phòng giam chỉ có nền trống, không có bàn ghế – không có gì trong đó, ngoại trừ phân người và rác rưởi đã tích tụ ở đó. Mỗi phòng giam có một cánh cửa khóa. Những phòng giam này có thể đã rất là khó ở…

Ngay cả người Việt Nam cũng không thể đứng thẳng?

Ngay cả người Việt Nam cũng không thể đứng thẳng người lên trong đó. Điều này, tất nhiên, đã gây phẫn nộ hơn nữa với sự thái quá của chế độ trước đó. Phe quân nhân chính đã bắt giam hay quản thúc tại gia để hạn chế sự di chuyển của một số những viên chức chính phủ cũ. Tuy nhiên, không có những vụ bắt bớ quy mô lớn. Một số người đã bị bắt, nhưng không nhiều. Phe đảo chính lo rằng có thể có một số người của chính phủ cũ trong quân đội, là những người có thể lật ngược cuộc đảo chính. Tuy nhiên, những lo ngại đó hóa ra là không có cơ sở.

Có một tin tình báo cho hay “Lực lượng Nhân dân” của ông Ngô Đình Cẩn sẽ tìm cách trả thù và đã xác tín là người Mỹ phải chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Cộng đồng người Mỹ ở Huế có thể ở trong tình trạng đe dọa. Tôi cảm thấy rằng điều này rất khó xảy ra, tuy vậy cố vấn cao cấp của Sư Đoàn 1 QLVNCH, Đại tá Ed Markey, đã thận trọng, và quyết định yêu cầu vị chỉ huy quân sự mới, Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn I, người đã có mặt tại Huế, đưa lính bảo vệ quanh tất cả các khu dân cư và các cơ sở của Mỹ. Khi tôi thấy một tiểu đội binh sĩ VNCH được đưa vào trong sân nhà tôi với mục đích này, đồng thời tôi được một trung úy cho biết là họ thi hành lệnh của bộ chỉ huy; tôi đã đi kiếm Đại tá Markey và nói một cách rõ ràng rằng ông ta không có quyền yêu cầu quân đội Việt Nam đưa lính gác quanh nhà ở của người Mỹ và cơ sở của Mỹ. Sau đó, tôi đã đến gặp Tướng Đỗ Cao Trí và yêu cầu ông rút ngay lập tức những binh lính đang ở khu của Mỹ. Tướng Trí đã đồng ý với yêu cầu của tôi. Điều này gây ra khó chịu cho Đại tá Markey. Sau khi vấn đề được bàn thảo tại Sài Gòn, trong vòng khoảng một tuần Đại tá Markey đã được thuyên chuyển đi nhận nhiệm vụ khác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 9-1963: Thiếu tướng Đỗ Cao Trí, 9-1963 (L-R) Brig. Gen Do Cao Tri, Gen. Maxwell D. Taylor & Secy of Defense Robert S. McNamara, as they question a Viet Cong guerrilla. Nguồn: LIFE magazine
Tháng 9-1963: Thiếu tướng Đỗ Cao Trí, đại tướng Maxwell D. Taylor & Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara, đang thẩm vấn một cán binh Việt Cộng. Nguồn: LIFE magazine

Cho một người độc tài bị khinh miệt tị nạn

Không có gì đáng chú ý đã xảy ra trong 24 giờ sau đó. Rồi có ba người, riêng rẽ, đến yêu cầu tôi cho ông Ngô Đình Cẩn, chưa bị bắt và đang đang ẩn trốn được “tị nạn” tại Lãnh sự quán của chúng tôi. Tôi trả lời cho từng người đến yêu cầu là tôi sẽ xem xét điều này. Ngay lập tức, tôi báo tin về cho Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn biết những cuộc tiếp xúc vừa xảy ra; Tôi báo cáo với Bộ Ngoại giao rằng, thứ nhất, tôi không thể biết chắc được căn cước thực của ba người vừa gặp. Dù tôi biết cả ba người đó ở những mức độ khác nhau, nhưng tôi không biết liệu một hoặc hai trong ba người đó có thể là phản gián hoặc là họ đã không nói thực mục đích của họ khi đến gặp tôi.

Hơn nữa, tôi đã nói với Bộ Ngoại Giáo rằng, chiếu theo Cẩm nang Ngoại giao [FAM], một Lãnh sự quán không thể nhận người xin tị nạn và chúng tôi cũng không có thẩm quyền theo luật pháp quốc tế. Theo FAM, định nghĩa tị nạn cho một ngoại giao đoàn rất giới hạn, chỉ trong những trường hợp người xin tị nạn đang gặp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Ví dụ, một người đang bị một đám đông giận dữ đuổi bắt. Tuy nhiên, ngay cả trong những hoàn cảnh như thế, sau khi tình hình không còn nguy hiểm nữa thì người xin “tị nạn” lập tức phải được đưa ngay ra khỏi Lãnh sự quán có nghĩa là đưa ra khỏi cửa.

Tôi cũng cho hay dưới quan điểm chính trị, người ở Huế, cũng như dân chúng ở những nơi khác, chắc chắn đã thấy nhẹ nhõm sau cuộc đảo chánh loại bỏ chính phủ của ông Diệm. Họ đã không ưa gì ông Cẩn và sự cai trị độc tài của ông từ nhiều năm qua. Để ông Cẩn tị nạn sẽ không cải thiện hình ảnh của người Mỹ ở Huế và khu vực xung quanh. Hơn nữa, tôi cũng báo cáo rằng nếu ông Cẩn được cho tị nạn ở Lãnh sự quán thì mọi người sẽ biết ngay, và tin tức sẽ lan nhanh như cháy rừng ở Huế. Với tình cảm của người dân ở Huế, những người vừa thấy những điều kiện khắc nghiệt của nhà tù … và nhiều người khác có nhiều phàn nàn, oán hận ông Cẩn, người dân Huế có thể quyết định giành quyền tự họ xử ông Cẩn. Vị trí của Lãnh sự cũng khó mà bảo đảm được an ninh cho Lãnh sự quán, nhân viên hoặc, thực sự, bất cứ ai trong cộng đồng người Mỹ ở Huế vào thời điểm đó.

Có sự trao đổi giữa tôi và bộ Ngoại giao. Tôi đã nhận được một phản ứng, từ Washington, nhưng không dứt khoát. Họ hỏi thêm một số câu hỏi khác. Tôi đã trả lời những câu hỏi đó và nhắc lại quan điểm của tôi rằng chúng ta không nên chấp nhận yêu cầu này, thậm chí nếu có một hoặc nhiều hơn những lời yêu cầu [để ông Cẩn tị nạn ở Lãnh sự quán] là những yêu cầu thực.

Điện tín từ Lãnh sự Mỹ ở Huế gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, 4/11/1963
Điện tín từ Lãnh sự Mỹ ở Huế gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, 4/11/1963

Trong vòng 36 giờ, tôi đã được lệnh để cho ông Cẩn tị nạn. Khi ông Cẩn đến Lãnh sự quán, tôi phải hỏi xem ông ấy muốn đi tị nạn ở quốc gia nào. Tôi được yêu cầu phải thông báo cho bộ Ngoại giao và tòa Đại sứ ngay khi ông Cẩn đến Lãnh sự quán và quốc gia ông chọn đi tị nạn. Khi được lệnh của bộ Ngoại giao, tôi cũng đã liên lạc với tòa Đại sứ ở Sài Gòn. Trong số những lần liên lạc đó tôi đã dùng điện thoại trên đường dây không bảo mật. Cố gắng nói chuyện bằng mật mã có lẽ là vô dụng, nhưng tôi đã ráng làm như vậy. Đại sứ quán đã cho tôi biết rằng họ sẽ gửi một máy bay vận tải C-46, một máy bay của CIA, đến sân bay Phú Bài ở Huế Nam sau khi ông Cẩn đến Lãnh sự quán.

“Tôi đã có chim trong lồng” – ông Cẩn đến Lãnh sự quán

Sau đó tôi đã liên lạc với người mà tôi coi là đáng tin cậy nhất trong số ba người đã đế gặp trước đây. Tôi báo với người ấy biết rằng tôi sẵn sàng nhận ông Cẩn [tị nạn] tại Lãnh sự quán. Ông ta đã liên lạc lại với tôi không lâu sau đó và nói rằng ông Cẩn sẽ ngụy trang đến Lãnh sự quán với một linh mục là người sẽ lái xe, lúc 11:00 sáng, nếu tôi nhớ đúng, vào thứ ba, tôi tin rằng đó là ngày 5 Tháng 11 năm 1963. Ông Cẩn thực sự tới tại Lãnh sự quán một giờ sau đó. Ông nằm trên ghế sau của một chiếc Citroen cũ. Tài xế là một linh mục Việt Nam.

Tôi đón ông Cẩn tại lối vào phía trước hiên nhà của Lãnh sự quán và mời ông lên lầu, và cố che để ông không bị một số nhân viên địa phương của tôi dòm ngó. Những nhân viên Việt Nam làm việc trong một văn phòng bên phải lúc tôi đưa ông Cẩn lên cầu thang. Tôi không biết sự kín đáo che chắn cho ông Cẩn của có thành công hay không. Ngay lập tức, tôi đặt câu hỏi với ông Cẩn câu hỏi về nơi “an toàn” ở nước ngoài mà ông muốn đi. Ông trả lời tôi tức thì, “Tokyo”.

Cũng ngay lúc đó tôi nhận được điện thoại của một nhân viên của tôi ở tòa Lãnh sự cho hay Tướng Đỗ Cao Trí đang có mặt dưới nhà và muốn gặp tôi. Tôi để Jerry Greiner, một Phó Lãnh sự CIA ở lại với ông Cẩn và đi xuống cầu thang để gặp Tướng Trí trong phòng tiếp tân nhỏ của chúng tôi. Tướng Trí bắt đầu bằng cách nói ngay, như thói quen của ông, là tôi “đã có” ông Ngô Đình Cẩn trong tòa Lãnh sự và ông, Tướng Trí, “muốn bắt” ông Cẩn. Tôi nói với Tướng Đỗ Cao Trí là dù tôi có Ngô Đình Cẩn hay không, đó là một vấn đề quan tâm của tôi và không phải của ông (tướng Trí). Sau đó Tướng Trí nói rằng, trong tình hình hiện nay ở Huế, à nhiều người không ưa ông Cẩn, nếu người dân Huế biết ông Cẩn có mặt trong Lãnh sự quán, thì ông (Tướng Trí) không thể bảo đảm sự an toàn của Lãnh sự quán hoặc của cộng đồng người Mỹ tại Huế nói chung. Ngay lập tức, tôi trả lời rằng đó là rõ ràng trách nhiệm của Tướng Trí phải bảo đảm sự an toàn của Lãnh sự quán, các cơ sở Mỹ, và các nhân viên Mỹ tại Huế. Và cùng lúc, tôi đã chính thức yêu cầu Tướng Trí nhận bảo đảm như vậy và tôi sẽ ngay lập tức báo cáo chuyện này với Đại sứ quán ở Sài Gòn và câu trả lời của tướng Trí. Ông Tướng không nhận bảo đảm anh ninh như tôi đã yêu cầu. Tôi nhắc lại rằng đó là trách nhiệm của Tương Trí, và tôi mong ông ấy làm như vậy, và đây là liên lạc và trao đổi chính thức về việc đó.

Sau đó Tướng Trí rời khỏi Lãnh sự quán. Tôi quay lại để thảo luận tình hình với ông Cẩn, nhưng cũng không có gì nhiều hơn để tôi cần phải nói chuyện với ông Cẩn, một khi chúng tôi đã xác định rằng Tokyo là nơi ông muốn đi. Tôi lập tức gọi Đại sứ quán ở Sài Gòn và thông báo với họ rằng: “Tôi đã có chim trong lồng”. Họ cho tôi biết rằng trong vòng hai giờ, chiếc C-46 sẽ đến sân bay Phú Bài, và tôi phải có mặt ở đó với ông Cẩn. Tôi ngay lập tức đã gửi một điện văn cho Bộ Ngoại giao nói rằng ông Cẩn đang ở Lãnh sự quán.

Tôi gọi một cố vấn Mỹ cao cấp của Sư Đoàn 1 QLVNCH, phó của ông, và một nhân viên CIA đồng nghiệp của tôi Phó Lãnh Greiner vào họp. Chúng tôi đã đề ra một kịch bản để một đoàn xe đưa ông Cẩn đến sân bay Phú Bài, cách Lãnh sự quán khoảng 14 km. Đoàn xe gồm có một chiếc xe jeep với một binh sĩ và một sĩ quan đi trước, tiếp theo là xe chính thức của tôi có viên cố vấn cao cấp của quân đội Mỹ, CIA Phó Lãnh sự, tôi, và ông Cẩn, và một chiếc xe jeep quân đội Mỹ có một binh sĩ và một sĩ quan, đi sau xe chúng tôi.

Cuộc chạy thoát không thành

Chúng tôi rời khỏi Lãnh sự quán chỉ đủ thời gian để đến sân bay Phú Bài cùng với giờ ước tính chiếc máy bay C-46 sẽ đến. Không có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi đến sân bay. Chúng tôi đã không gặp phải bất kỳ khó khăn nào. Chúng tôi đưa ông Cẩn trên máy bay. Tôi đã sắp xếp với Phó Lãnh sự Jerry Greiner để đi cùng với ông ấy, và tôi ra lệnh cho cho Jerry giao ông Cẩn lại cho Đại sứ quán và chỉ giao cho Đại sứ quán.

Greiner và ông Cẩn bay đến sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Khi cánh cửa mở ra, Greiner thấy chiếc máy bay đã đáp bên phía quân sự của sân bay Tân Sơn Nhứt và có đoàn quân khá lớn của quân đội VNCH vây xung quanh máy bay, và hai xe vận tải 2 tấn ½ bít bùng của QLVNCH ở cạnh bên.

Thiếu tá điệp viên CIA Lucien Conein, Nguồn: OntheNet
Thiếu tá điệp viên CIA Lucien Conein, Nguồn: OntheNet

Greiner được Lucien Conein, một sĩ quan CIA nổi tiếng, đón tiếp và nói với ông, “Được rồi, Jerry. Từ đây để tôi lo.” Jerry đã khẳng định rằng Conein không phải là Đại sứ quán và nói với Conein rằng Lãnh sự đã ra lệnh giao ông Cẩn lại cho Đại sứ quán.

Conein nói, “Vâng, cứ làm theo cách ông muốn, nhưng đây là phương tiện vận chuyển của các ông.” Vì vậy, Greiner và ông Cẩn leo lên một trong những chiếc xe tải 2 tấn rưỡi. Bạt vải đã đóng lại, và họ lái xe đi. Sau khoảng 15-20 phút, xe vận tải dừng lại, tấm bạt cửa xe mở ra, và Greiner thấy ông đã ở giữa khoảng gần một tiểu đoàn của quân đội VNCH trong một căn cứ của quân đội VNCH, ở một nơi nào đó ở Sài Gòn.

Conein lại xuất hiện và nói, “Đây là đoạn cuối của con đường.” Greiner không còn lựa chọn nào khác hơn là phải chấp nhận hoàn cảnh lúc đó.

Đó là tất cả sự tham gia trực tiếp của tôi và của Lãnh sự quán Mỹ tại Huế trong chương “tị nạn” của ông Cẩn. Như lịch sử cho thấy, cuối cùng ông Cẩn đã bị chính quyền quân sự Việt Nam đem ra tòa án quân sự xử, bị kết án tử hình và đã bị xử bắn.

Suýt làm dê tế thần

Bị xử bắn?

Ông Ngô Đình Cẩn ở tòa án quân sự tại Sài Gòn. Nguồn AP.
Ông Ngô Đình Cẩn, 53 tuổi, tại tòa án quân sự tại Sài Gòn, 23 tháng 4, 1964. Nguồn AP.

Bằng cách xử bắn. Những sự kiện này xảy ra ở Sài Gòn, và không có liên quan đến tôi – với một ngoại lệ.

Ngay sau khi xử bắn ông Ngô Đình Cẩn, đã có rất nhiều người ở Hoa Kỳ bất bình, phần lớn từ các cộng đồng Công giáo, nhưng những cũng có những người khác, những người thấy rằng gia đình họ Ngô đã phải chịu đựng quá đủ sau cuộc đảo chính, với ông Diệm và ông Nhu đã bị giết. Nó cho thấy Mỹ đã liên can vào vấn đề này bằng cách bắt ông Cẩn, giao ông lại cho chính quyền mới của Việt Nam, và sau đó “đứng yên” trong khi ông bị kết án và xử tử. Điều này với người Mỹ là hành động, chính sách sai lầm của Mỹ – hoặc một sự kết hợp của cả hai, hành động và không hành động.

Một người bạn của tôi, Larry Pezzulo, Tùy viên ở tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau đó nói với tôi về một sự kiện đã xảy ra khoảng hai ngày sau khi ông Cẩn bị xử bắn. Pezzulo liên can đến vụ việc này vì ông ấy là Tùy viên Trực của Đại sứ quán vào thời điểm đó. Một bức điện “khẩn cấp” gởi đến Đại sứ quán, trong khi Larry Pezzulo đang trực, và phải gửi đến ngay cho Đại sứ Henry Cabot Lodge. Pezzulo đem bức điện khẩn đến tư dinh của Đại sứ Lodge.

Tại nhà Đại sứ đâu đó ở Saigon, Đại sứ Lodge và Phó trưởng phái đoàn ngoại giao Mỹ, Bill Trueheart, đang trong bữa ăn.

Pezzulo gọi họ ra khỏi bữa ăn tối, cho họ xem bức điện tín, và cả hai cùng đọc. Đại sứ Lodge và Bill Trueheart dường như rất quan tâm vì họ đang bi “rắc rôi” chính trị. Theo lời Pezzulo kể với tôi thì Đại sứ Lodge hỏi Bill Trueheart, “Ông nghĩ chúng ta phải làm gì về vấn đề này?” Trueheart nói, trước mặt Pezzulo, rõ ràng là chúng ta cần một vật tế thần – một con dê để đổ lỗi. Trueheart được cho rằng đã nói, “Rõ ràng, Lãnh sự của chúng ta ở Huế có thể là một khả năng dùng được.”

Pezzulo hoảng hốt trước nhận định này, vì anh ấy biết rất rõ chuyện ông Cẩn với tôi. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ông Ngô Đình Cẩn ở Sài Gòn trong một chuyến tôi về Sài Gòn sau cuộc đảo chính nhưng trước các sự kiện của buổi tối đặc biệt này xảy ra. Nhưng kết cuộc không có chuyện gì xảy ra cả. Đó là một dấu hiệu nữa cho tôi thấy người ta không những cần nhiều may mắn, mà còn phải cẩn thận, để có thể thoát khỏi một số vấn đề có thể gây nguy hiểm cho sự nghiệp ngoại giao của mình.

Ông đã bao giờ tìm biết về nội dung bức điện tín đó hay không? Ông đã bao giờ nhìn thấy nó chưa?

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó.

Ông có bất kỳ ý tưởng nào về nội dung của bức diện tín không?

Đó là một bức điện tín từ Bộ Ngoại giao cho hay về sự “náo động” ở Hoa Kỳ về trường hợp ông Ngô Đình Cẩn. Đại sứ quán đã được yêu cầu của Bộ Ngoại Giao đề nghị những phương án cho Hoa Thịnh Đốn ứng xử trước tình hình “náo động” này. Tôi có thể nói rằng, trong những năm giữa thập niên 1960, sau khi tôi đã trở về Hoa Kỳ và đã làm việc về các vấn đề Việt Nam, tôi đã có dịp thảo nhiều câu trả lời cho rất nhiều thư từ của công chúng và yêu cầu của Quốc hội. Trong nhiều trường hợp thuộc những vấn đề mà tôi phụ trách là những sự việc liên quan đến vụ ông Ngô Đình Cẩn vì có nhiều người ở Mỹ tiếp tục đặt vấn đề với những gì họ coi là một “hành động bội bạc” của Hoa Kỳ và vẫn còn phàn nàn về nó. Vì tên của tôi bị coi là có liên quan đến sự kiện đó, trong nhiều bài viết khác nhau vào thời điểm đó, tôi đã thường xuyên trả lời thư, không phải cho chính tôi, mà với chữ ký của những người chức cao hơn tôi, trả lời những vấn đề mà trong đó tôi đã bị buộc tội. Đây không phải là điều mà tôi phải lo lắng nhiều, nhưng nó là một chú thích cho sự việc này.

Có vẻ những việc đó không làm tổn thương ông nhiều lắm. Đề nghị của ông phù hợp với Cẩm nang Ngoại giao và là một đề nghi đúng, đúng về cả lịch sử và truyền thống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng quyết định đầu tiên cấp tị nạn cho ông Thích Trí Quang trong Đại sứ quán sau cuộc tấn công chùa ngày 21 tháng 8 (1963) là một sai lầm. Quyết định cấp tị nạn cho Hồng Y Mindszenty ở Hungary trong tòa công sứ của chúng ta ở Budapest sau Cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956 cũng là một sai lầm. Tôi nghĩ rằng quyết định cho ông Ngô Đình Cẩn tị nạn tại Lãnh sự quán tại Huế là một sai lầm. Chúng ta không thể hành động như thế. Đó không phải là truyền thống hay tập tục của chúng ta…

 

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: 1. Thomas F. Conlon, Interview JOHN J. HELBLE, The Association for Diplomatic Studies and Training Foreign Affairs Oral History Project, April 5, 1996, pp 87-93, Copyright 1998 ADST.
2. FRUS, 1961-1963, Volume IV, Vietnam, August-December 1963, 291. Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State, November 4,1963 8 p.m.
3. FRUS, 1961-1963, Volume IV, Vietnam, August-December 1963, 292. Telegram From the Consulate at Hue to the Department of State, November 4,1963 10 p.m.