Bài “Tháng Tám cờ bay” của Vũ Đình Huỳnh
Nguyễn Hồng Kiên | Vũ Thư Hiên
“Điều mà tôi tin là đối với bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng …”
DCVOnline | Nước CHXHCNVN lại sắp tổ chức kỷ niệm “ngày sinh” của Hồ Chí Minh và trang mạng xã hội Facebook đang sốt với một số “thông tin” cũ về sự kiện này. Facebook của Nguyễn Hồng Kiên đã trích đăng lại “Tháng Tám cờ bay”, Hồi Ký của Vũ Đình Huỳnh cùng một số hình ảnh. DCVOnline xin giới thiệu với bạn đọc phần trích dẫn và nhận xét của nhà văn Vũ Thư Hiên về cái gọi là Hồi ký “Tháng Tám Cờ bay” đó.
Về lễ kỷ niệm lần đầu tiên 19/5/1946
Trích hồi ký “tháng tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh (thư ký riêng của hồ chủ tịch) – đã đăng báo văn nghệ, tháng 9/1993
“…Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
– Này, chú thông báo cho các vị trong chính phủ biết ngày mai là sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn bác.
Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình?
Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:
– Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.
Tôi gọi dây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi. Mọi người cằn nhằn với tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh cho rằng tôi đã được biết sinh nhật bác mà không nói trước.
Tuy nhiên, rồi người nọ báo thêm cho người kia, cho nên cả những người tôi quên rồi cũng được biết vào chiều ngày 18.
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.
Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp cao uỷ đác-giăng-li-ơ [georges thierry d’argenlieu – NHK] và ông xanh-tơ-ni [jean sainteny], cũng tại bắc bộ phủ.
Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch.
Thì ra bác đã tính toán trước tất cả.
Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng. Nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá.
Thế là ngày sinh nhật bác được thông báo.
Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông thấy là giành cho ông.
Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường, có cả các cháu thiếu nhi vẫy cờ và hoa.
Cuộc thăm viếng xã giao vô hình trung biến thành cuộc đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều mà tôi tin là đối với bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng …”
Vài lời về bài viết Tháng Tám Cờ Bay
Vũ Thư Hiên
Tôi thấy cần phải nói vài lời về bài viết Tháng Tám Cờ Bay (Vũ Đình Huỳnh: Tháng Tám cờ bay. Hồi ký, Báo Văn Nghệ, tháng 9-1993).
Cha tôi không tự viết hồi ký này. Nó được một người ghi lại chuyện cha tôi kể, chính tôi cũng được nghe, rằng ngày 19.5 không phải là ngày sinh của ông Hồ. Ông đã bịa ra nó, như một kế chính trị.
Cha tôi mất năm 1990, cái gọi là hồi ký này được in ra năm 1993, tất nhiên cha tôi không được đọc để có thể nói về nó. Câu chuyện được một người có cảm tình với cha tôi (tôi xin giấu tên vì lý do tế nhị), một người có ý tốt muốn giữ lại một lời chứng về một sự kiện có thật. Tiếc rằng người ghi vốn là một văn nô đã quá quen với cách hành văn xưng tụng, nên lời lẽ trong văn bản này đã được tô vẽ theo tinh thần nịnh bợ.
Thí dụ những câu như: “thì ra bác đã tính toán trước tất cả…, điều mà tôi tin là đối với bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng v.v…” không thể là câu nói của cha tôi, một người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1925, 5 năm trước khi đảng cộng sản được thành lập, vốn không có sự sùng bái cá nhân với bất cứ ai trong các chiến hữu.
Một số nhà văn, nhà chính trị, vì thiếu hiểu biết, hoặc vì thói quen gia nô, trong nhiều bài viết đã miêu tả sai cách xưng hô thời bấy giờ của những người làm việc với ông Hồ Chí Minh, dường như mọi người đều gọi ông là Bác, xưng Cháu. Bản thân tôi được biết cách xưng hô nọ, xin làm chứng rằng những cộng sự của ông Hồ gọi ông bằng Bác là theo cách người Việt mình gọi thay các con, chứ vào năm 1945-1946 ông Hồ mới có 55, 56 tuổi, người ta đâu có xưng Cháu với ông. Chưa kể một ngoại lệ là ông Bùi Lâm quen ông Hồ từ thời cùng ở Pháp, mãi mãi chỉ gọi ông Hồ bằng Anh xưng Tôi.
Mới đây thôi, có một ông giáo sư hay tiến sĩ gì đó, thuộc một học viện nào đó, viết về ông Trần Duy Hưng, thị trưởng Hà Nội, xưng Cháu với ông Hồ. Điều này không đúng sự thật. Các ông Trần Tiến Đức, Trần Duy Nghĩa… con bác sĩ Trần Duy Hưng thường có dịp ăn cơm cùng ông Hồ chắc sẽ cười lớn khi nghe lời bịa đặt này.
Việc trong quá khứ thuộc chính trựờng được ghi lại gọi là sử. Nên ghi cho chính xác, đừng xuyên tạc, dù trong những chi tiết.
Nguồn:
– Facebook Nguyễn Hồng Kiên. May 18, 2015.
– Facebook Vũ Thư Hiên. May 20, 2015.