Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba (II)

Nguyễn Văn Lục

Ong-Ly-Chanh-TrungTừ đó nó cũng đặt câu hỏi phải chăng ông là người có tính xu thời, thứ chủ nghĩa cơ hội, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Tôi thật sự không dám dấn sâu hơn những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Lý Chánh Trung – người trí thức thiên tả – hoạt động Cánh tả

(Tiếp theo phần I)

“Những Ngày Buồn Nôn” của tác giả Lý Chánh Trung

Lý Chánh Trung (2011). Nguồn: tatrungtravinh.blogspot.ca
Lý Chánh Trung (2011). Nguồn: tatrungtravinh.blogspot.ca

Sau 1963, tình thế xã hội, chính trị, quân sự có nhiều dấu hiệu xấu đi. Tình thế mỗi ngày mỗi bi quan tỏ ra lúng túng, rối loạn, không đường lối, thiếu cả chính nghĩa đến tính hợp pháp. Sự bất tài càng rõ nét nơi các nhà lãnh đạo miền Nam sau 1963. Họ thay đổi chính phủ như cơm bửa tạo ra một tình thế bất ổn chính trị.

Nghĩ là có một khoảng trống chính trị về quyền lực nên một năm thay đổi ba bốn chính quyền.

Tâm trạng giới trẻ và giới trí thức rơi vào tinh trạng chán nản và mất tin tưởng hay trăn trở muốn đi tìm một giải pháp cứu nguy miền Nam.

Khuynh tả với thành phần thứ ba xuất hiện như một giải pháp của không giải pháp.

Kể từ đây, gió đổi chiều. Lý Chánh Trung nổi bật lên như một người trí thức tiêu biểu nhất! Trí thức khuynh tả đã ra đời trong hoàn cảnh này và thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần, nhiều mức độ.

Có loại như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm. Hầu hết thuộc giới tu sĩ công giáo hay Phật giáo. Cái lợi điểm của những vị này là bộ áo nhà tu – mầu nâu hay mầu đen không đáng kể – mặc bộ áo nhà tu như một thứ lá chắn chính trị không ai dám đụng tới họ. Phần lớn chỉ sau 1975, họ mới ló dạng và cho biết họ là ai.

Có loại trí thức tham gia tích cực như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Ngọc Nhuận, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Hữu Lục, Châu Tâm luân, Ngô Kha, Thế Nguyên.

Họ được coi là trí thức thiên tả và sau tự nhận là trí thức thuộc lực lượng thứ ba -Troisième force – rồi lần lượt ngả theo cộng sản và chịu sự chỉ huy của cộng sản.

Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường mà mức độ ngả theo cộng sản cũng khác nhau. Có theo đậm, có theo một cách chừng mực, nửa chân trong chân ngoài. Loại đông nhất chiếm đa số chỉ lên tiếng phản kháng – trí thức thiên tả – mà không hẳn ngả theo cộng sản.

Thành phần đông đảo chiếm đa số của nhóm trí thức thiên tả là thái độ không nhập cuộc. Có thể gọi chung là trí thức sa lông chỉ nói mà không dám làm, chỉ viết mà không thực sự dấn thân nhập cuộc.

Họ là những trí thức, giáo sư, nhà văn, có cả sĩ quan trong quân đội VNCH. Đứng đầu là Nguyễn Văn Trung rồi kéo theo Trần Bích Lan tức Nguyên Sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Nguyễn Đông Ngạc, Thảo Trường, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Thế Uyên.

Và nhiều tên tuổi khác viết cho Đất nước, Hành Trình như Nguyễn Quốc Thái, Du Tử Lê, Bùi Khải Nguyên, Trần Văn Toàn, Huỳnh Kim Khánh, Bùi Tiến, Sầm Thương, Thế Phong, Nguyễn Tử Quý, Ngô Thế Vinh, Trần Tuấn Nhậm, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Chu Vương Miện, Hương Khê, Thái Lãng, Luân Hoán.

Mặc dầu viết cho Hành Trình, Đất Nước hay Trình Bày, mặc dầu bầy tỏ thái độ băn khoăn có thể bất mãn, họ vẫn có tư thế độc lập.

Những tờ báo cũ. Nguồn: OntheNet
Những tờ báo cũ. Nguồn: OntheNet

Nhóm Hành Trình không phải đơn độc. Bên cạnh đó còn có nhiểu nhóm khác như Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, Phong trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Vận động Hòa Bình, Phong trào Bảo vệ Hòa Bình, Hạnh Phúc dân tộc và cuối cùng là Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc.

Những phong trào này – dù chỉ là những tên gọi khác nhau – có dấu hiệu cho người ta ngờ vực là con bài của cộng sản như trường hợp Thích Quảng Liên.

Bên cạnh đó còn có những phong trào văn nghệ phản kháng, trở về nguồn như Phong trào Du Ca, Tâm Ca, Da Vàng Ca. Những phong trào văn nghệ này thực chất có thể chỉ là những khát vọng Tuổi trẻ và không có những vận động chính trị hay sự xâm nhập của cộng sản.

Và vì thế, nó được nhiều người trong giới trẻ hưởng ứng tham gia.

Cho nên việc phân định ranh giới rõ rệt các nhóm trí thức khuynh tả không phải là một điều dễ dàng gì.

Nhưng nhìn chung, nhóm Hành Trình được coi là nhóm khuynh tả tiêu biểu. Đa số những người trong nhóm đã ở tuổi trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng và họ tham gia với tính cách tự nguyện.

Sợi dây nối kết họ lại với nhau chỉ vì họ có một số quan điểm khá tương đồng có thể gói trọn trong một số ý tưởng nòng cốt sau đây:

– Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Điều mà có thể chính ông Diệm, ông Nhu cũng chủ trương như thế.
– Chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra mà theo họ, đó chỉ là một thứ chiến tranh ủy nhiệm.
– Gián tiếp chống lại chính quyền miền Nam mà theo họ chỉ là tay sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
– Cổ võ cho một quan điểm Cách mạng Xã hội không cộng sản được gọi là đường lối thứ ba.

Phải nhìn nhận rằng đa số thành viên chính của tờ Hành Trình đểu là người công giáo, nhưng với chủ điểm và đường lối của họ đã tách rời khỏi đường lối chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam.

Nhất là nó đi ngược với đa số người công giáo nói chung.

Trên căn bản, những người công giáo đa số thầm lặng này vẫn khẳng định vị thế đối kháng với chính quyền miền Nam. Nhưng không có nghĩa là ngả theo cộng sản.

Nội dung các bài viết nhất là nhóm Đất Nước, Hành Trình thường bầy tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước và muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình.

Đó là các bài viết mang tựa đề như: Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu, Cách mạng của người nghèo, Độc tài hay dân chủ, Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng Việt Nam, Cách mạng và dân chủ.

Nhưng chỉ đến đây là điểm chung, điểm dừng lại, điểm rẽ ngoặc giữa Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung.

Họ khác nhau vì thái độ chọn lựa dấn thân, hành động hay không hành động.

Lý Chánh Trung cũng như Nguyễn Văn Trung và có thể nhiều người khác như giáo sư Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng đều nhận được những bức thư mật gửi đến họ dưới danh nghĩa sinh viên học trò gửi thầy mà thực sự do cộng sản nằm vùng giật giây. Trong đó, đại diện cộng sản tìm cách thúc dục đặt vấn đề tranh đấu, dấn thân cụ thể thay vì chỉ sống trong môi trường đại học viết bài.

Người thảo ra những bức thư ấy có thể là Trần Bạch Đằng, Phạm Chánh Trực hay Năm Nghị. Sau đó được giao những sinh viên như Trần Thị Lan tiếp xúc các vị trên.

Nhiều người trong số đó đã bị mắc bãy và chính họ – như trường hợp Lý Chánh Trung đã thú nhận.

Lý Chánh Trung viết:

“Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy bằng lời mời gọi của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người phải suy nghĩ.”

Nhất là trong bài viết: Nói chuyện với người học trò, ông ghi lại như sau:

“Theo con nghĩ, cần phải có một hành động cụ thể, kịp thời, không trí thức và hữu hiệu. Hành động cụ thể, kẻ cạn suy xét mới không ngộ nhận hành vi của thầy là một phản ứng nhất thời của lương tâm trí thức, hay một sự hiện diện tượng trưng, coi cho được với lịch sử.

Thầy chỉ suy tư về những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng của kẻ khác, mà thầy chưa nằm trong những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng đó.”

Thế đứng của thầy vẫn là ở ngoài, ở trên.

Thầy cũng đã suy tư về một cuộc cách mạng theo phương cách nào đó cho một lý tưởng công bằng xã hội mà em biết rằng thầy chỉ đứng ngoài cuộc cách mạng lý tưởng đó thôi.(17)

Đây là những lời lẽ khích động, đánh đòn tâm não, đánh vào tự ái của người trí thức. Lý Chánh Trung đã bị kích động và làm theo sự kích động ấy sau nhiều trăn trở, do dự. Ông đã bị đám sinh viên đằng sau là cộng sản giật giây và mua chuộc.

Và cũng kể từ đây có một Lý Chánh Trung đã lột xác, đã dấn thân, nhập cuộc.

Và cũng kể từ đây chia ngã rẽ với những người như Nguyễn Văn Trung.

Một bên rời bỏ tháp ngà suy tưởng, một bên tiếp tục con đường suy tư, nhưng ngại dấn thân, ngại nhập cuộc.

Và dần dần kể từ năm 1968, Lý Chánh Trung đã có thể tự coi mình là người của Đảng – đã tiếp xúc với người của Mặt trận, đã được đưa lên vùng mật khu, đã nhận chỉ thị, đã viết theo đường lối của Mặt trận.

Thay vì được điều động vào mật khu, Lý Chánh Trung được khuyến cáo ở lại thành phố, quấy phá bằng ngòi bút, có mặt trong các cuộc biểu tình, xuống đường của giới sinh viên.

Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ cùng lúc phải đối đầu với hai mặt trận.

Ngoài Sài gòn, cuộc chiến được giải quyết bằng bom đạn, bằng những trận mưa pháo ban đêm vọng về thành phố ngủ không yên giấc vì những tiếng ì ầm. Binh lính ngày đêm phải đối đầu trực diện với cái chết từng ngày, từng giờ.

Trong thành phố là một trận chiến bằng hàng rào kẽm gai, bằng lựu đạn cay và những biểu ngữ, hô hào đủ kiểu.

Và Lý Chánh Trung đứng bên ngoài cổ võ:

“Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày, cho những cánh đồng loang lổ vỉ bom đan, xơ xác vì thuốc khai quang, cho những thành phố tanh ôi mùi tinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ..
Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm, đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một tòa án mà không ai tin.”(18)

Có nhiều cách móc nối. Và cộng sản đã móc nối được nhiều người, trên dưới cả trăm người.

Tôi không biết ai đã móc nối Lý Chánh Trung mà cứ như những điều ông trình bày thì có thể là học trò. Trường họp Nguyễn Trọng Văn cũng vậy. Riêng Nguyễn Văn Trung thì có ông Thanh Nghị (chồng bà Tâm Vấn) rủ Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Ngọc Lan vào khu.

Nguyễn Đình Đâu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan: những nguofi dược rủ vào  khu. Nguồn: OntheNet
Nguyễn Đình Đâu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan: những người được rủ vào khu. Nguồn: OntheNet

Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu từ chối tham gia vào sinh hoạt chính trị. Chỉ có Nguyễn Ngọc Lan nhận lời và đã vào khu.

Những việc móc nối này, theo tôi, ngành mật vụ có thể biết, nhưng để yên, chỉ theo dõi. Bởi vì, theo một sinh viên hoạt động trong nhóm A17, đã có chỉ thị theo dõi và bắt Nguyễn Văn Trung. Nhưng rồi việc đó đã không được thực hiện.

Năm 1968 – Tết Mậu Thân là thời điểm quyết dịnh dứt khoát ai theo, ai không theo cộng sản. Có một lằn ranh rõ rệt, lộ mặt và nhiều khi không còn dấu diếm nữa.

Như Lý Chánh Trung tự thú nhận:

“Trong những năm đó, nhất là từ sau tết Mậu Thân, tôi đã tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố.”(19)

Ông xác định rõ hơn:

“Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu không có sự mời mọc, lôi kéo của những người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã không tham gia đến mức độ ấy.”(20)

Nhưng những cái chung đó không đủ để nối kết họ làm một.. khi tình thế chuyển biến.

Nguyễn Văn Trung dừng lại ở bình diện nhận thức, phân tích, tra hỏi, bới tìm, chứng minh bằng lý luận.

Lý Chánh Trung viết ít chú ý đến mặt lý luận với nhiều độ cảm tính, viết bằng cả tâm tình, khơi dậy, đánh động và nhất là nhập cuộc, tham gia vào các cuộc biểu tình, xuống đường, và ở cuối đường gia nhập tổ chức cộng sản(21).

Rồi đến 1975 thì kết quả một người bị đi tù, một người được trọng vọng, cất nhắc.

Nhưng số phận sau cùng dành cho họ ra sao. Đó mới là điều quan trọng.

Lý Chánh Trung và nhóm Liên Trường

Nhóm Liên Trường(22) còn được gọi là nhóm Phục Hưng miền Nam. Rất có thể là do những người đứng ra khởi đầu như các ông Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Văn Đạo, Lý Quý Phát. Vả sau đó được sự hỗ trợ của các ông Phan Khắc Sửu, nhất là cụ Trần Văn Hương.

Theo giáo sư Lưu Trung Khảo thì do gợi ý của tướng Mai Hữu Xuân với tướng Trần Văn Đôn như một điều chỉnh lại tình trạng lép vế của người miền Nam so với người miền Bắc.

Sự phục hưng miền Nam thật ra chỉ là đòi quyền lợi, đòi chia ghế, đòi chức vụ mà đăc biệt xảy ra dưới thời cụ Trần Văn Huong – đặc biệt trong ngành giáo dục.

Các trí thức trẻ trong nhóm Liên Trường coi cụ Trần Văn Hương như một mẫu người miền Nam trong sạch, đạo đức, không tỳ vết chính trị. Họ đã ủng hộ cụ trong việc thành lập chính phủ và chỉ thực sự chán nản khi cụ Hương quyết định đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu.

Vấn đề Liên Trường mặt trái của nó là vấn đề Nam-Bắc. Mà tiền sử của nó có thể từ thời Đàng Trong và Đàng Ngoài, thời Trinh-Nguyễn kéo dài gần ba thế kỷ.

Nó bắt đầu từ sự khoanh vùng địa lý, sở hữu đất đai và bảo vệ sở hữu đó nên phải đụng đến binh đao. Nhưng để biện minh cho một thứ chính nghĩa thì người ta phải vận dụng đến vấn đề lịch sử, luân lý và ngay cả một số huyền thoại, vấn đề chính tà để biện minh cho những tham vọng của cả hai phía.

Nhà Nguyễn thống nhất ngôi vua chưa đầy 60 năm chưa đủ thời gian để xóa, cào bằng những ranh giới phân biệt địa lý chính trị lịch sử giữa hai miền.

Khi ngưới Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã lợi dụng lá bài Nam-Bắc và chỉ 40 chục năm sau, 1940, họ đã đào tạo được những thành phần tay sai bản xứ có trình độ chuyên môn cho một loại trí thức Nam Kỳ tự trị. Thật sự thành phần này chẳng những kỳ thị Nam-Bắc, còn phân biệt giai cấp giàu-nghèo, giai cấp thống trị-bị trị như một thứ người ngoại quốc trên chính quê hương mình.

Khi người Pháp ra đi thì không có nghĩa là ảnh hưởng văn hóa Pháp không còn nữa. Nó tạo ra một tồn tích mà nay ta gọi là hiện tượng hậu thuộc địa.

Cái chết của Thủ tướng Thinh coi như một lời cảnh cáo cho những ai còn nuối tiếc nó.

Sau 1955, tưởng như vấn đề kỳ thị Nam-Bắc nay nó đã thuộc về lịch sử rồi. Nhưng cuộc di cư 1955 một cách gián tiếp như một cú sốc về văn hóa, xã hội. Cú sốc ấy hiểu được và không tránh khỏi được những đụng chạm phải có.

Ông Diệm có thể là người đã dẹp tan và giải mã được những đợt sóng ngầm ấy.

Sau 1963 – một thời kỳ nhố nhăng, đầy xáo trộn đã tạo dịp cho những cơ mưu chính trị ló đầu lên.

Cái nhen nhúm ấy thật sự chỉ nhằm một thế đứng chính trị chẳng khác gi cái thế đứng dựa vào các tôn giáo lớn như Phật giáo-Công giáo.

Người làm chính trị muốn có cái thế thì phải đi qua cổng nhà chùa hoặc cổng nhà thờ hoặc tính địa phương. Nhiều dân biểu đắc cử vì dựa vào cái thế địa phương của mình.

Theo lời Dương Văn Ba trong Hồi Ký Những ngã rẽ trong chương 5(23), của ông thì vào năm 1965, Lý Chánh Trung có gửi thư mời ba người là: Dương Văn Ba, Trần Bá Phẩm và Lâm Văn Bé đến làng Thủ Đức để dự một buổi họp.

Buổi họp này có đông đủ nhiều cánh miền Nam khác như các ông: Võ Long Triểu, Hồ Ngọc Nhuận, bác sĩ Hồ Văn Minh, Nguyễn Bá Nhẫn, Nguyễn Khắc Thành, Bành Ngọc Quý, Nguyễn Văn Trường, Lê Thanh Liêm, Lê Văn Danh, Lý Quý Chung.

Nói chung phần đông bọn họ tiêu biểu cho trí thức miền Nam được du học ngoại quốc hoặc tốt nghiệp ở Việt Nam.

Buổi họp mặc dầu được tổ chức ở nhà của Lý Chánh Trung, nhưng mọi chuyện ăn uống tố chức do Võ Long Triều đảm nhiệm. Như ăn thịt cừu nướng, uống bia và rượu mạnh. Chắc là do bà Tô Thị Viễn, hiệu trưởng trường anh văn London School thết đãi. Ông Lý Chánh Trung nói: “Tao nghèo không có những thứ này. Đây là của vợ chồng Võ Long Triều lo.”

Hôm đó, trong bữa ăn được coi là rất vui vẻ, ông Võ Long Triều có nói:

“Đã tới lúc anh em mình nên hợp tác làm một cái gì đó có lợi cho dân miền Nam. Không thể để cho nhóm Nguyễn Cao Kỳ muốn làm gì thì làm trên phần đất quê hương của chúng ta.”

Sau đo ông Triều có đề nghị thành lập một mặt trận chính trị công khai hoạt động cho quyền lợi các tỉnh phía Nam. Nhiều người có vẻ tán thành ý kiến của ông Triều. Giáo sư Trần Bá Phẩm hăng hái ủng hộ.

Lý Chánh Trung đưa ý kiến: “mình nên xuất bản một tờ tuần báo và để có ý nghĩa, tuần báo nên đặt trụ sở ở Mỹ Tho.”

Hầu hết mọi người đều đồng ý. Thế là Dương Văn Ba và Trần Bá Phẩm về lại Mỹ Tho mời bác sĩ Trần Văn Tải, đứng tên chủ nhiệm xin giấy phép.

Võ Long Triều gặp Nguyễn Cao Kỳ để xin giấy phép. Chỉ một tuần sau có giấy phép.

Tờ báo lấy tên là: Tiếng gọi Miền Tây với sự cộng tác của Lê Thanh Liêm, Phan Công Minh, Trần văn Nghĩa. Trần bá Phẩm, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Công Minh, Nguyễn Hữu Cầu, Võ Văn Điểm (bút danh Võ Trường Chinh). Đám người này hầu hết là bạn bè Dương Văn Ba lúc còn học ở Đại Học Đà Lạt và sau này hầu hết đều ở lại theo cộng sản. Ngoài ra còn có Âu Trường Thanh, người Gò Công, Trần Ngọc Liễng lo yểm trợ tài chánh.

Ngay sau đó, có phong trào vận động thành lập đại học Cần Thơ.

Kết quả là Nguyễn Cao Kỳ đã mời các nhân vật miền Nam này tham gia nội các chiến tranh.

  • Kỹ sư Võ Long Triều, Ủy viên thanh niên
  • Giáo sư Nguyễn Văn Trường, ủy viên giáo dục
  • Giáo sư Âu Trường Thanh, ủy viên kinh tế
  • Trần Ngọc Liễng, Ủy viên xã hội.

Các người khác như bác sĩ Hồ Văn Minh, giáo sư Hồ Ngọc Nhuận được Nguyễn Cao Kỳ giao cho trọng trách chương trình Xây Đời Mới tại quận 8.

CTUBHPTU Nguyễn cao Kỳ, PTT Mỹ Humphrey thăm viếng Quận 8 ngày 10 tháng 2, 1966, “Tôi đã nhìn thấy ở đây cuộc cách mạng xã hội” - Humphrey. Nguồn: Corbis
CTUBHPTU Nguyễn cao Kỳ, PTT Mỹ Humphrey thăm viếng Quận 8 ngày 10 tháng 2, 1966, “Tôi đã nhìn thấy ở đây cuộc cách mạng xã hội” – Humphrey. Nguồn: Corbis

Hồ Ngọc Nhuận trở thành quận trưởng quận 8 và kéo thêm một số bạn bè như Hồ Công Hưng, Võ Văn Bé, Uông Đại Bằng, phó đốc sự Mai Như Mạnh, luật sư Đoàn Thanh Liêm và bác sĩ Hồ Văn Minh.

Chương trình đang tiến triển tốt đẹp thì Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền đã cử đại tá Đỗ Kiến Nhiễu làm Đô trưởng Đô thành Sài gòn-Chợ Lớn.

Ông Đỗ Kiến Nhiễu buộc nhóm Hồ Ngọc Nhuận phải bàn giao lại chương trình kế hoạch Xây Đời Mới và phát triển cộng đồng về cho Đô thành-Chợ Lớn.

Chương trình Xây đời Mới tan thì nhóm này xoay ra làm chính trị, ứng cử dân biểu và đã đắc cử như Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung ở quận 1, quận 2, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ở quận 6, quận 8, Ngô Công Đức ở Trà Vinh, Bành Ngọc Quý ở Gò Công, Dương Văn Ba ở Bạc Liêu, Nguyễn Hữu Hiệp ở Đà Lạt.

Tất cả các ứng cứng cử viên này đền nhận được sự yểm trợ tài chánh của Võ Long Triều mà một phần tiền có thể từ Nguyễn Cao Kỳ, năm 1967.

Đây là cách để ông Nguyễn Cao Kỳ ‘cân bằng lực lượng’ với đám đa số dân biểu thân chính do ông Nguyễn Văn Thiệu đứng đằng sau.

Riêng Lý Chánh Trung được bổ nhiệm làm Đổng lý văn phòng Bộ Giáo Dục. Công việc của ông là dọn dẹp một số chức vụ chỉ huy trong ngành giáo dục và Vụ Học Đường Mới.

Việc làm này của Lý Chánh Trung là ném đá dấu tay, chơi cánh Bắc Kỳ mà không dám lộ mặt. Chỉ sau này, tôi mới biết rõ tâm địa của ông, vì hồi đó, ông chối hết. Đó là hành vi hết sức đáng trách mà một người trí thức không bao giờ làm.

Đây là những công việc trực tiếp do Lý Chánh Trung ký giấy tờ, Sự Vụ lệnh thuyên chuyển:

  • Thuyên chuyển giáo sư Đàm Xuân Thiều (gốc Bắc) vốn là một nhà giáo gương mẫu, thanh liêm và đạo đức từ Giám Đốc Nha Trung Học đầy lên Ban Mê Thuột.
  • Ông Đặng Trần Thường, cũng bị mất chức giám đốc Nha khảo thí cũng bị đầy lên cao nguyên.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh nói với tôi rằng chính ông là người đề ra Chương trình Học Đường Mới, có tên là CPS nhằm đưa giới trẻ vào các sinh hoạt ngoài phạm vi nhà trường. Có khoảng 30 gíáo sư nằm trong chương trình này. Ông đang đi dự một Hội Nghị Quốc tế về Giáo dục do Unesco tổ chức tại Bangkok mà lần đầu tiên Nga tham dự. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất – do áp lực của nhóm Liên Trường áp lực ông Nguyễn Cao Kỳ – buộc giáo sư Trần Ngọc Ninh phải từ chức. Họ đã thay thế Tổng trưởng giáo dục bằng một người khác là ông Nguyễn Văn Trường. Ông Trần Ngọc Ninh sau đó lẳng lặng rút lui.

Và những người thay thế là Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung đã xóa sạch toàn bộ các chương trình ấy.

Hiệu trưởng các trường trung học gốc Bắc như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục bị thay thế thế bằng người miền Nam. Trường hợp ông Lâm Phi Điểu – một người bạn tâm giao của ông Võ Long Triều được điều về làm Hiệu trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Chẳng may ông này bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ chức Hiệu trưởng nên các giấy tờ công văn, tùy phái phải đến nhà ông để ông duyệt xét ký.

Một số hơn 20 giáo sư trung học nằm trong chương trình Học Đường Mới bị trả về nhiệm sở cũ như các các ông Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Phan Văn Phùng.

Chính tôi đã hỏi thẳng ông Lý Chánh Trung về việc thuyên chuyển này, nhưng ông chối quanh và không nhận trách nhiệm do chính tay ông ký Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển.

Nhìn lại việc này, tôi vẫn cảm thấy bực bội về thái độ và cách hành xử của giáo sư Lý Chánh Trung và bao nhiêu những cảm tình tốt dành cho ông từ những năm làm báo Sống Đạo tan ra mây khói.

Những việc tranh đấu, những điều ông viết trở thành những dấu hỏi về tính lương thiện trí thức có hay không?(24)

Từ đó nó cũng đặt câu hỏi phải chăng ông là người có tính xu thời, thứ chủ nghĩa cơ hội, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Tôi thật sự không dám dấn sâu hơn những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Cũng may là bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, một người cũng miền Nam – một tổng trưởng liêm chính – sau đó thay thế ông Nguyển Văn Trường đã không đồng ý các việc giáng chức, bổ nhiệm có tính cách trừng phạt ấy.

Từ thiên tả đến thiên cộng chỉ là một bước nhảy

Sắc thái chung của những trí thức thiên tả, trong đó có Lý Chánh Trung được coi là những người đứng bên lề trái.

Đó là một sinh hoạt đứng bên lề trái, đứng để phê phán, đứng để chống lại cái chính thống. Đó là thái độ bất mãn thường trực với cái đang có, cái trật tự hiện có còn dở dang, chưa hoàn chỉnh, cái chính quyền hiện tại. Chống bất kể là ai, bất kể là đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa.

Chống là chống. Hay cũng chống, dở cũng chống, chống một phía.

Người cánh tả thường chỉ nhìn thấy những kẽ hở, những điều xấu, điều tiêu cực-quên đi những điều tốt đẹp – đứng về phía thiểu số hay đứng về phía kẻ bị coi là bị áp bức, người nghèo. Hoặc rộng lớn hơn họ đứng lên bênh vực các nước nghèo, nước bị trị, kém mở mang.

Sau này tạm đủ lớn mạnh, từ thiên tả, ông đã tự khoác cho mình một vai trò. Đó là tự nhận mình là thuộc thành phần lực lượng thứ ba (Troisième Force). Ý thức thiên tả vẫn có thể chỉ ở bình diện lý thuyết, nhưng khi gọi là lực lượng thứ ba có nghĩa là một phong trào hành động, có thực lực.

Tuy nhiên, lực lượng thứ ba là một thực thể hàm hồ, không rỏ rệt. Có chống, nhưng theo hẳn một bên thì không theo, vẫn muốn chọn cho mình một thế đứng độc lập.

Thiên một bên, nghiêng về một phía, nhưng không chọn đứng hẳn về một phía.

Có nghĩa không phải là Quốc gia chống Cộng mà cũng không hẳn là cộng sản. Nhiều chỗ trong những bài báo trên Hành Trình, Đất Nước, Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung gọi đó là một thứ Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản.

Trong tình thế đất nước chúng ta, lối hô hào xuông một chủ nghĩa xã hội không cộng sản là một ảo tưởng! Đó là một ước mơ và một đề nghị lơ lửng và còn tin rằng có thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản. Ông chọn một thế đứng chênh vênh như thế ở miền Nam trước 1975 cũng có phần nào hiểu được, nhưng nhiều phần đó chỉ là một ảo tưởng, lãng mạn chính trị.

Nhiều phần là không thực tế. Nếu không nói là ngây thơ, khờ khạo vì không hiểu được thực tại chính trị.

Ngay từ thời sinh viên khi còn học triết học ở Louvain vào thập niên 1950 cùng với nhiều sinh viên khác như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm, v.v. ông đã ngả theo khuynh hướng triết học Mác Xít, chống Pháp.

Sự ngả theo như thế hầu như là một cái mốt của giới trí thức trẻ. Phải tả phái mới được. Tả khuynh mới được coi là có đầu óc, trí thức.

Nó chẳng khác gì cánh trí thức tả của Pháp như A. Camus, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, André Gide hay các nhà báo như Bernard B. Fall, J. Lacouture, Stanley Karnow, Alain Ruscio, David Halberstam, Oriana Fallaci, v.v.

Và nếu nói theo khoa học bây giờ, người ta tìm thấy trong đầu con người có những loại genes đặc biệt như gène de dieu, có tên khoa học là VMT, gène về đồng tính, v.v. Người có gène tôn giáo này có những khuynh hướng thần tính, siêu nhiên khó mà cắt nghĩa được. Cái gène tôn giáo xác định cái căn cước, cái thần linh ngự trị trong cuộc sống của một người?(25)

Nếu đã có những gènes về tôn giáo và đồng tính thì cũng có thể có những loại gènes về chống đối, bất mãn và xung đột.

Nếu thực sự cũng có những gènes như vậy thì có thể lý giải được nhiều điều về cá tính con người cũng như cách hành xử của những người tả phái.

Họ có cái gene bất mãn nên luôn ở thế đối đầu, chống đối.

Phải chăng Lý Chánh Trung về phạm vi tâm sinh lý có một não trạng bất mãn thường trực và điều đó làm nên cá tính, nhân cách của ông chăng?

Nhưng nói chung, trong số thành phần trí thức thiên tả ngả theo cộng sản thì theo tôi người tiêu biểu về mọi phương diện là Lý Chánh Trung.

Tiêu biểu của ông có thể về mặt nhận thức, trí thức, về mặt dấn thân nhập cuộc, tiêu biểu cả về mặt thành thật hoặc không thành thật, tiêu biểu của việc đón chiều gió, tính cơ hội cũng có, khi nào cần phải lên tiếng và khi nào cần biết im lặng.

Có thể ông không phải là loại người quá khích, hung hăng sốc nổi. Trái lại điềm tĩnh và cân nhắc mỗi khi phát biểu, đôi khi dè dặt cẩn trọng, có tính toán, cân nhắc.

Vì ở thế đối lập, ông luôn tỏ ra thái độ từ bất mãn đến chống đối các chính thể từ Đệ Nhất sang Đệ Nhị Cộng Hòa.

Ông luôn có việc để làm, để chống đối mà không bao giờ sợ thất nghiệp.

Vậy mà ông đã thất nghiệp sau 1975, vì không có gì để chống đối nữa. Hay có thấy mà không dám chống đối nữa.

Giữa ông và Nguyễn Ngọc Lan có sự đố kỵ nhau khi cùng viết trên tờ Hành Trình. Ông từng phản đối Nguyễn Văn Trung khi ông này cho đăng bài của Nguyễn Ngọc Lan. Nhưng Lý Chánh Trung tỏ ra hèn khi cúi đầu im lặng thì Nguyễn Ngọc Lan lại có cái can đảm ngoài khuôn khổ chống đối lại chế độ cộng sản công khai mà ít ai có đủ đảm lược để làm như ông.

Chống độc tài, chống kỳ thị tôn giáo, chống gia đình trị, chống cá nhân ông Diệm, chống chiến tranh, chống Mỹ Ngụy, chống tham nhũng, chống cá nhân ông Thiệu như tay sai Mỹ.

Nhưng đó là thứ chống một phía.

Không bao giờ ông dám nhìn nhận sự thật phía cộng sản đang làm gì?

Chống chán rồi đòi. Đòi tự do, tự do báo chí, đòi dân chủ, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thả những sinh viên theo cộng cộng sản nằm vùng, ngay cả những đặc công cộng sản. đòi quyền sống cho phụ nữ.

Chống và đòi. Đó là hai công việc đi đôi với nhau của ông Lý Chánh Trung trước 1975.

Chính Lý Chánh Trung sau này cũng phải nhìn nhận rằng:

“Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác nào.”(26)

Chính vì mấy chữ này mà ông bị Nguyễn Trọng Văn viết tham luận tố giác ông và Nguyễn Văn Trung sau 1975.

Lý Chánh Trung đồng hành với các sinh viên tranh đấu

Việc từ bỏ tháp ngà của một giáo sư đại học văn khoa cũng như một công chức cấp cao của ngành giáo dục và quyết định dấn thân sát cánh với nhóm sinh viên tranh đấu thân cộng sản là một bước ngoặt trong cuộc đời sinh hoạt chính trị của ông.

Những băn khoăn, thắc mắc của tôi là tại sao ông chọn lựa thái độ dấn thân ấy?

Tôi đã thăm dò nơi một hai người bạn thân của ông nhưng kết quả không là bao nhiêu.

Tôi cũng không bằng lòng với những bài viết như thú nhận tại sao ông đã nhập cuộc và theo cộng sản vì lý tưởng cộng sản hun đúc từ thời sinh viên, vì nghĩ rằng nó có tính cách trang điểm cho những việc làm của ông sau này.

Bài viết của ông nhan đề: Làm Và Tin viết như một thứ trả bài làm tôi nghi ngờ tính lương thiện trí thức ở trong đó, bởi vì nó được nhắc nhở đến ngay từ hồi còn sinh viên mà Lý Chánh Trung đã có niềm xác tín như thế với Đảng cộng sản. Ông đã viết như sau:

“Lúc còn bên Pháp trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đã thắng tại Việt Nam, không những vì đó là hướng đi của lịch sử mà còn vì đảng cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay. Riêng tại Việt Nam, hiệu năng ấy còn tăng lên gấp bội vì ở đây, Đảng cộng sản đã lãnh đạo từ đầu cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp và mọi giới đồng bào.

Tuy không phải là người cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghỉa cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi chon rằng chỉ chủ nghĩa cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước. Những tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản như tin một sự thật khoa học, bất kể những điều kiện khách quan có thể biến đổi ra sao, thì thú thật là tôi chưa tin nổi.”(27)

Tôi đi tìm một lối giải thích khác và tôi nghỉ là nó chính xác hơn.

Ông đã chạy theo những đám thanh niên thiên tả mà một số là cộng sản nằm vùng. Đặc biệt nhất là sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm.

Đối với tôi thì sinh viên này trước 1975 là thứ phá hoại – một thứ phá làng phá xóm do cộng sản giật giây.

Giá trị của anh ta là ở chỗ ấy. Sau 1975, không dùng được vào việc gì cùng lắm dùng làm cảnh. Huỳnh Tấn Mẫm thêm vào danh sách những kẻ dư thừa, không biết dùng vào việc gì sau 1975.

Nguyến Đình Đầu (t), Huỳnh Tấn Mẫn (p): biểu tình trong phòng (27/7/2011). Nguồn: boxitvn.net
Nguyến Đình Đầu (t), Huỳnh Tấn Mẫn (p): biểu tình trong phòng để chụp hình (27/7/2011). Nguồn: boxitvn.net

Từ đó đến nay, gần 40 năm, anh sinh viên nay mang thân phận dư thừa. Không có chỗ đứng.

Có dịp đọc lại hết những hoạt động của Thành Đoàn TNCS của thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức được thành lập năm 1966, tôi thấy hết được bối cảnh chính trị miền Nam trong những năm tháng cuối cùng.

Chúng ta biết rằng có một cuộc chiến tranh trực diện, cuộc chiến tranh ở ngoài Sài gòn bằng bom đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng đô la để đổi lấy những xác chết – và cũng có một cuộc chiến bằng súng cối, bằng hầm chông, bằng ám sát, thủ tiêu và cuối cùng bằng xe tăng đại pháo với những xác người bị phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch.

Nhưng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào đả đảo, bằng lựu đạn cay và nước mắt và bằng những hàng rào kẽm gai. Cuộc chiến cân não này ít ai nói tới vì không thể đếm những xác người.
Nó cũng không có biên giới rõ rệt, trộn lẫn Ta và Địch, vì Địch cũng có thể là Ta.

Cuộc chiến trên đường phố ở Sài Gòn diễn ra ở hai mặt.

Mặt nổi là những cuộc biểu dương lưc lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái kia, ngay cả việc đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung đã có mặt trong những cuộc biểu dương này và ông đã viết như sau trong Một thời đạn bom, một thời Hòa Binh:

“Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung và Tiểu học tại tỏa Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy anh em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống.”(28)

Thế nào là trái phép? Bắt giam một anh cộng sản nằm vùng là trái phép? Đã không ai đặt ra câu hỏi này cả. Và sau 1975, Đã bao nhiều người đã vào tù một cách oan khuất, đã có lần nào, Lý Chánh Trung dám lên tiếng một lần?

Mặt thứ hai của cuộc chiến tranh đang diễn ra tại thành phố Sài Gòn là công tác được chỉ huy của các đồng chí như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Phạm Phương Thảo với vô số tên tuổi như Nguyễn Đông Thức, Hồ Dũng, Anh Ngọc, Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Phạm Chánh Trực.

Và với nhiều bí danh như Tám Lượng, Hai Nghị, Út Thu, Mười Hương, Ba Hoàng, Tư Kiên, Mười Hải, Mười Dũng, Ba Liễu, Tư Thanh, v.v. Đã có hằng trăm tên như thế.

Công việc của họ là ám sát các nhân vật có uy tín của miền Nam như giáo sư Nguyễn Văn Bông, ký giả Từ Chung, báo Chính Luận, chủ bút Chu Tử, hai giáo sư Y khoa là giáo sư Lê Minh Trí, giáo sư Trần Anh và sinh viên Lê khắc Sinh Nhật.

Những công tác của các tổ ám sát này sau được phép kể lại công khai trên báo chí như một thứ giải trí hay một thứ thành tích giết người đang được tự hào.

Sau nữa là việc đốt xe Mỹ xảy ra ở nhiều nơi.

Để hỗ trợ cho việc đốt xe Mỹ này, tờ Tin Sáng của nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung đưa ra một bản tin như sau:

Phong trào đót xe của sinh viên học sinh Saigon, thập niên 1960. Nguồn: OntheNet
Phong trào đót xe của sinh viên học sinh Saigon, 1960-70. Nguồn: OntheNet

“Phong trảo đốt xe Mỹ càng ngày càng vang dội vả được mở rộng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ở Thủ Đức, vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1971, đồng bào đã tự động phóng hỏa đốt một xe Đại Hàn. Hành động này, đồng bào Thủ Đức nói là hỗ trợ cho chiến dịch đốt xe Mỹ của Ủy Ban đòi Quyền sống đồng bào tổ chức nhằm trả thù cho đồng bào Bình Thạnh và các tỉnh miền Trung bị lính Đại Hàn giở trò man rợ.”(29)

Cũng tờ Tin Sáng số ra ngày 21 tháng 10 năm 1971 với hàng tít lớn:

“Từ tờ mờ sáng 20-10, sinh viên học sinh mở cuộc săn đốt xe Mỹ trong khu vực tam giác sắt Trần Quốc Toản- Cao Thắng-Kiều Công Hai.”

Việc đốt xe Mỹ này là do những tổ trinh sát thi hành. Tờ báo Tin Sang đã tuyên truyền bịp bợm đổ cho đồng bào một cách vô tội vạ.

Ngày nay, họ còn tỏ ra hãnh diện và công khai hóa những vụ ám sát này như một thứ thành tích đáng được biểu dương.

Một tờ báo như Tin Sáng thế mà không ai nghĩ đến việc đóng cửa và bỏ tù bọn họ.

Với hai mặt trận như thế mà chúng ta đành thua người cộng sản.

(Còn tiếp)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline biên tập và minh họa

(17) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Nói chuyện với người học trò, trang 80-81
(18) Lý Chánh Trung, Ibid., Khóc đi con, trang 40
(19) Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, Làm và Tin, trang 239
(20) Lý Chánh Trung, Ibid., 239
(21) Lý Chánh Trung, Ibid., trang 240
(22) Nguyễn Văn Lục, Nhìn lại vấn đề kỳ thị Nam-Bắc, DCVOnline.net
(23) Hồi Ký Dương Văn Ba, Những ngã rẽ, chương 5: Làm chính trị. Vào Quốc Hội
(24) Võ Long Triều, Hồi ký Võ Long Triều, trang 329
(25) Dan Burstein et Anne De Keijzen, Les secrets, des Anges & Demons, trang 267
(26) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 178
(27) Võ Long Triều, Ibid., trang 329
(28) Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, trang 229
(29) Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, một thời Hòa Bình, trang 62