Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức: Một chọn lựa bất hạnh (I)

Nguyễn Văn Lục

3rdKhi tôi viết những dòng này thì ông Dương Văn Ba ở trong tình trạng sức khỏe đáng lo ngại. Ông bị tai biến mạch máu não lần thứ ba và nằm liệt tại chỗ từ nửa năm nay trong hoàn cảnh gia đình không mấy khá.

Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức: Un choix malheureux – Một chọn lựa bất hạnh

Dương Văn Ba (thứ hai từ trái), cựu dân biểu đối lập VNCH, Tổng Thư Ký Tòa Soạn báo Tin Sáng, Phó Giám Đốc Cimexcol Minh Hải, bị cáo đầu vụ trong oan án Cimexcol Minh Hải. Nguồn: OntheNet
Dương Văn Ba (thứ hai từ trái), cựu dân biểu đối lập VNCH, Tổng Thư Ký Tòa Soạn báo Tin Sáng, Phó Giám Đốc Cimexcol Minh Hải, bị cáo đầu vụ trong oan án Cimexcol Minh Hải. Nguồn: OntheNet

Gia đình ông sau nhiều nỗi gian truân của những lớp sóng chính trị xô đẩy vùi dập cuối cùng kết thúc là sự tù đầy. Ông bị kết án tù chung thân, nhưng chỉ ngồi tù hơn bảy năm và được thả ra nhờ sự vận động của nhiều người.

Nhưng tài sản của công ty Cimexcol lên đến bạc triệu cũng như nhà cửa của ông đều bị tịch biên hết.

Nay được tha ‘coi như trắng án’ thì theo lẽ phải trả lại hết tài sản của công ty Cimexcol – với tư cách phó Giám đốc – cho Dương Văn Ba mới phải. Căn nhà riêng của ông ở đường Đinh Bộ Lĩnh không đòi lại được vì thủ tục hành chánh. Một căn nhà khác ở làng đại học Thủ Đức cũng mất luôn. Khi tịch biên, người ta không quên bắt theo cả một đàn heo.

Lần đầu tiên, heo cũng bị ra tòa như chủ nó và chắc lãnh án tử?

Ra tù, ông toan tính xây dựng lại sự nghiệp từ đầu nên làm ăn lại như mở Restaurant, đấu thầu bếp ăn tập thể. Cuối cùng cũng thất bại luôn.(1) Nay tình trạng vật chất không khấm khá gì đến nỗi không có nổi một căn nhà, phải đi ở thuê. Phải nói là ông ở trong tình trạng túng quẫn theo một vài thông tin nhận được. Hiện ông đang ở địa chỉ 78-31 đường Nguyễn Thị Tú, Khu công nghiệp Tân Bình T.p. Hồ Chí Minh.

Vì sao nên nỗi? Bài viết này nhằm trả lời câu hỏi ấy.

Thật ra, tôi chỉ thực sự có ý định viết về ông khi được đọc hai cuốn hồi ký Hồi Ký Những ngã rẽ ông gửi cho viet-studies.info cách đây ít lâu, lúc mà ông biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Hồi ký ấy như muốn để lại một cái gì và tôi nghĩ nên được công bằng tìm hiểu, đồng thời giúp giới trẻ sau này biết tới một thời kỳ với rất nhiều biến động.

Biến động lớn nhất là đổi đời! Người xuống hàng trâu ngựa và trâu chó lên làm người.

Hồi ký thứ hai, cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận. Cuốn này tôi đã có dịp đọc bản thảo ngay từ khi chưa được phép xuất bản dưới dạng photocopy. Photocopy là một thứ dạng văn hóa chui để có mặt.

Chui ở Việt Nam là một nếp sống văn hóa.

Sau này bản photocopy này được sửa chữa khá nhiều, có chương mới liên quan đến những tranh chấp giữa Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận.

Bản hồi ký này của Hồ Ngọc Nhuận là để trả lời một số điều được coi là viết sai lầm trong hồi ký của Dương Văn Ba. Và sau đó được cho đăng trên Diễn Đàn Forum (diendan.org).

Bản hồi ký đã sửa chữa của Hồ Ngọc Nhuận, thêm nhiều chi tiết, đặc biệt chủ yếu nhắm vào việc phê phán Lý Quý Chung – từ những sự việc rất nhỏ đến không đáng nói – và một phần về Dương Văn Ba mà có thể trước đây ông đã cố tình im lặng để giữ hòa khí anh em trong lần đầu.

Lần này, ông xả láng như thể nói một lần cho xong. Khi một người theo cộng sản xả láng là lúc họ bắt đầu nói thật. Nói thật là thứ quý hiếm lắm nên cần phải đọc.

Cuốn hồi ký của Dương Văn Ba trên đây tôi nghe nói đã lâu, ngay từ khi Hồi Ký Không Tên của Lý Quý Chung được cho xuất bản lần đầu trong nước. Tôi hỏi bạn bè trong nước thì được biết có hai cuốn Hồi Ký không được phép xuất bản là cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận và cuốn Những ngã rẽ của Dương Văn Ba. (Lúc đó tôi không được biết tên cuốn hồi ký này).

Cũng vì thế ở đây cũng phải cám ơn ông Trần Hữu Dũng, của viet-studies.info, đã cho đăng lại cuốn Hồi Ký do chính ông Dương Văn Ba gửi ra hải ngoại. Nhờ đó ít ra một lần, Dương Văn Ba được bày tỏ, viết lại những hoạt động của ông từ thời sinh viên đến lúc làm báo, làm chính trị và làm kinh tế với chức vị Phó chủ tịch công ty Cimexcol, rồi bị án tù chung thân, bị sa cơ thất thế, bị rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, mất nhà mất cửa và bệnh hoạn như hiện nay.

Hành trình nhận thức thời tuổi trẻ với “những ngã rẽ” như ông viết đã đưa đến một kết thúc khá bi kịch của một người trí thức miền Nam. Ông trôi theo dòng bị đẩy đưa từ một thầy giáo dạy triết, ông trở thành người khuynh tả, rồi lực lượng thứ ba.

Rồi đến lúc nước ngập đến chân vào năm 1975, cuối cùng ông bám vào cái đuôi cộng sản như cái phao cứu sinh. Cái đuôi ấy đã giúp ông qua một dòng sông đi một đoạn đường dài. Nhưng cũng chính cái đuôi ấy quất ông chết chìm trước khi qua được bờ sông bên kia.

Kết thúc cuộc đời chính trị của Dương Văn Ba cũng là kết thúc vai trò của thành phần lực lượng thứ ba – kết thúc một ảo tưởng. Lý Quý Chung trước 1975 tự nhận là những người đứng giữa mà thực tế chính trị sau 1975 không thể nào cái lực lượng ấy có bất cứ vai trò gì cũng như lý do gì để tồn tại.

Đứng giữa tự nó là không đứng chỗ nào cả về mặt chính trị. Lực lượng thứ ba đối với phía cộng sản ví như con thuyền. Khi đã qua sông thì con thuyền chở qua sông sẽ trở thành gánh nặng nếu tiếp tục vác nó lên bờ.

Có ai dại khờ vác thuyền lên bờ không? Không. Cách tốt nhất là dẹp bỏ nó như một vật dư thừa.

Phải chăng tìm đọc lại hồi Ký Dương Văn Ba sẽ là một bài học muộn, bài học trễ cho tất cả những ai đã đang và không theo cộng sản?

Bất cứ ai cũng có thể rút ra một bài học cho mình. Ngay những người quốc gia như tôi thì giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin rằng cộng sản là một điều xấu – tồi tệ nhất trong các điều xấu. Vậy điều xấu nhất ấy là gì? Là họ mất tính người.

Nó biểu tượng cho một cái bi kịch làm người-ở-đời-trong chế độ cộng sản mà lúc ‘ngộ’ ra thì đã quá muộn. Sự chọn lựa của những người trí thức lực lượng thứ ba là một chọn lựa bất hạnh ngay từ đầu.

Đối với miền Nam, họ là những kẻ bội phản. Và đối với cộng sản, họ trở thành kẻ dư thừa sau 1975. Bất hạnh nằm ở chỗ đó.

Và những người như Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận và Ngô Công Đức đều đã có một chọn lựa có thể là sai lầm lúc thời trẻ? Chọn lựa ấy đến ngày hôm nay trở thành một chọn lựa bất hạnh – choix malheureux-?

Ngô Công Đức đã chết. Nguyễn Trọng Văn đã chết. Nguyễn Ngọc Thạch đã chết. Bành Ngọc Quý đã chết. Lý Quý Chung đã chết. Lê Hiếu Đằng đã chết. Dương Văn Ba kể cũng như chết. Lý Chánh Trung cũng vậy.

Nhưng nỗi bất hạnh vẫn đeo dính vào cuộc đời họ! Họ ăn năn cũng trễ, họ muốn chuyển trục cũng không còn cơ hội nữa.

Nay chỉ còn Hồ Ngọc Nhuận còn sống đại diện cho ít nhất ba người trong số họ. Liệu ông có gánh vác nỗi cái nỗi bất hạnh thay cho những người đã ra đi?

Mới đây nhất, vào ngày 23-7-2015, Ông Hồ Ngọc Nhuận đã viết một lá thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng lên án đảng cộng sản Việt Nam. Sự suy nghĩ lại của ông Hồ Ngọc Nhuận là điều đáng mừng.(2)

Trong Hồi ký không tên của Lý Quý Chung, có một đôi dòng thú nhận mà tôi cho là thấm thía và chua xót nhất của thân phận những kẻ đứng giữa, cần được trích lại ở đây của tác giả như sau:

“Nhưng trong 30 năm đó, tôi vẫn cảm nhận mình là người khách đặc biệt. Chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi cũng không hề phiền hà về cái quy chế không chính thức này. Là một người từng làm chính trị (dù là do thời cuộc mà làm), tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản tin dùng trọn vẹn một người không phải của mình…

[…]

Trong các cuộc đấu tranh hay mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan mà tôi từng cộng tác, cái chuẩn ‘Người của Đảng’ đáng tin cậy hơn ‘người ngoài đảng’ vẫn thường đuợc vận dụng.”(3)

Sự thú nhận của Lý Quý Chung cũng đã được ông Trần Bạch Đằng, người giới thiệu tập hổi ký viết, “Thật ra, giới trí thức Sài gòn như Lý Quý Chung, ‘phơi phới sống với chế độ mới’ là chuyện không thể có, tức không thể đòi hỏi.”(4)

Họ đã chịu đựng âm thầm, nhẫn nhục cố khuôn mình trong cái khuôn cộng sản hẳn là có.

Vậy mà cũng không xong. Mà xong sao được. Họ làm sao ‘phơi phới’ được. Nếu có phơi phới thì chỉ là đóng kịch mà thôi. Cái không xong sẽ bám dính lấy họ trong suốt cuộc đời còn lại.

Nguyễn Ngọc Lan về chầu Chúa sớm nhất vẫn còn mang theo nỗi bực tức cộng sản. Bành Ngọc Quý chết lãng xẹt bị xe đụng. Nguyễn Hữu Hiệp chết quá trẻ khi bị sốt rét ác tính khi đi làm gỗ với Dương Văn Ba bên Lào. Nguyễn Ngọc Thạch, một người lúc trẻ lúc nào cũng sẵn những câu chuyện vui tếu giữa đám đông bạn bè, cũng lẳng lặng ra đi.

Còn một số đông bạn bè còn ở lại. Họ muốn giữ thái độ im lặng trong tuổi già.

Không biết trong tất cả những bạn bè, những người quen biết ấy, vào lúc này, có can đảm cho rằng sự chọn lựa đi theo ‘con đường cách mạng xã hội’ là một chọn lựa đứng đắn nhất?

Tôi không tin một ai đó dám trả lời, đó là một chọn lựa đúng.

Những người còn lại có lúc gắn bó, tưởng chừng như anh em một nhà. Rồi cũng chia rẽ nhau, lên án, kết tội nhau trước Đảng (trường hợp Lý Quý Chung, Dương Văn Ba kết tội Ngô Công Đức. Hồ Ngọc Nhuận) Rồi còn bao nhiêu bạn bè, anh em họ hàng, vợ con họ cả trăm người sau 1975 sống bám vào tờ Tin Sáng, bộ mới để sống còn cho đến lúc tan đàn, tản mác mỗi người mỗi nơi.

Họ đành mỗi ngưởi tự tìm cho mình một lối thoát.

Lối thoát với dầy gian nguy và thử thách đó là vượt biên. Lối thoát không lối thoát chính là ở lại, tiếp tục cuộc sống lưu đầy trên chính quê hương mình.

Tôi sẽ lần lượt điểm mặt những khuôn mặt tiêu biểu để cho thấy chỉ là một đám người đối lập ‘phá làng, phá xóm’, chữ dùng của Hồ Ngọc Nhuận trước 1975 và sau 1975, chỉ là đám lục bình trôi. Ở đây cũng xin bỏ trong ngoặc trừ một số nhà giáo có căn bản học lực, thầm lặng cộng tác làm báo như Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Văn Điểm, Trần Ngọc Báu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng và vợ Nguyễn Thị Hợp, v.v.

Phần những người chủ chốt như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung kiến thức đều thuộc loại làng nhàng – học dở dang chưa ra ngô ra khoai! Hồ Ngọc Nhuận, chỉ đủ điều kiện theo học khóa sĩ quan Thủ Đức 14 ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Lý Quý Chung bỏ Quốc gia Hành Chánh khóa 10. (Võ Long Triều cho rằng Lý Quý Chung chưa có tú tài II) Riêng Ngô Công Đức thì kỹ sư Võ Long Triều trong Hồi ký của ông, chương 26 viết, “Dù biết rằng văn hóa của Ngô Công Đức rất kém, không có được văn bằng tú tài!”

Thật ra thì chuyện bằng cấp có chi quan trọng cần đến một sự miệt thị như thế! Nhưng cứ bình thường thì làm thế nào một chuẩn úy như Hồ Ngọc Nhuận ra trường, về dạy tại Trung Tâm Huấn Luyện vùng IV Chiến Thuật mãi miệt núi Thất Sơn, sau 1-11-1963, lại có công điện khẩn của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng gọi về trình diện. Trong công điện lại thòng thêm chi tiết: Nếu cần sẽ cho trực thăng đến đón!(5)

Tất cả câu chuyện bức công điện khẩn này có nguyên do của nó và đã xoay chuyển cuộc đời sự nghiệp chính trị của Hồ Ngọc Nhuận sau này.

Chi tiết nảy cũng làm tôi chợt nghĩ đến Lý Quý Chung với cuốn Hồi Ký Không Tên đã gây biết bao tranh luận sóng gió, đã bắt buộc Ngô Công Đức, chủ nhiệm Tin Sáng, bộ mới phải lên tiếng về những lời kết tội ‘giết Người’ của Lý Quý Chung. Nó cũng bắt buộc ông Hồ Ngọc Nhuận phải viết lại, sửa chữa một số chương trong cuốn Hồi Ký Đời của ông đến như đọc cuốn Hồi Ký Đời của Hồ Ngọc Nhuận đã sửa như thể Hồi Ký đã mang một bộ mặt khác. Và cũng như thế khi đọc Hồi Ký Những ngã rẽ của Dương Văn Ba.

Tôi có cảm tưởng khi đọc những hồi ký này, những nhân vật trẻ trên chẳng khác gì trường hợp Vi Tiêu Bảo trong truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung. Và có thể áp dụng cho Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức!

Vậy mà ông kỹ sư Võ Long Triều mà tôi gọi là ‘người hùng ngây thơ vô số tội’ đã bao che, nâng đỡ, cất nhắc, tài trợ tiền bạc để cho đám này và nhiều dân biểu gốc miền Nam ra tranh cử, tài trợ ra báo, dùng trung gian Nguyễn Cao Kỳ cất nhắc bọn họ có những chức vụ lớn trong chính phủ cho Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức.

Ngay cả bao che trốn quân dịch cho Lý Quý Chung, Dương Văn Ba để cuối cùng bọn họ đều phản phé ông cả.

Hồi Ký của ông Võ Long Triều, theo người viết nên dành hẳn một chương Hồi ký viết về những kẻ bội phản.

Riêng phần Dương Văn Ba, đảng thưởng cho ông 20 năm tù chung thân, rút lại ngồi tù hơn 7 năm mà trong Hồi Ký, Những ngã rẽ, ông cũng chỉ dám dành chương chót – chương 20 với nhan đề: Vài chuyện nhỏ về ông Nguyễn Văn Linh, người đã ra lệnh bắt tôi.

Chuyện án tù chung thân, mất nhà mất cửa, thân bại danh liệt mà ông gọi là chuyện nhỏ? Ông viết vỏn vẹn chỉ có 4 trang giấy thì quả là chuyện nhỏ thật? Trong khi đó, tôi nhận được hẳn một cuốn sách in photocopy do Hồ Ngọc Nhuận chịu khó thu tập tài liệu để trình bầy lại toàn bộ vụ án của ông, dài mấy trăm trang. Không có Hồ Ngọc Nhuận, người ta sẽ không cách nào hiểu nội vụ, đầu đuôi câu chuyện vụ án Cimexcol như thế nào.

Lúc ấy, tôi cảm nhận được là Dương Văn Ba cần tuyệt đối im lặng đễ giữ được cái mạng sống của mình, gia đình mình – mạng chính trị thì kể như đã tiêu tan – để cho Hồ Ngọc Nhuận lên tiếng thay cho anh ta.

Sau đây, xin lần lượt khai triển lại những gì Dương Văn Ba viết trong Hồi Ký Những ngã rẽ, phần nào đúng, phần nào sai, phần nào cường điệu, phần nào nổ, phần nào che đấu, phần nào nói thật. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng từng xuất thân từ cùng một ngôi trường, cùng học một thầy mà mỗi người đi theo những ngả khác nhau.

Phải chăng đó là cuộc đời, nhân sinh hệ lụy mà không một ai có thể biết trước được đời một người sẽ ra sao!

Dương Văn Ba và bạn bè thời sinh viên Triết Đà Lạt

Viện Đại học Đà Lạt. Nguồn: thunhan.org
Viện Đại học Đà Lạt. Nguồn: thunhan.org

Trong Hồi ký của mình, Dương Văn Ba đã dành hẳn một chương nói về bạn bè thời còn đi học của mình. Phải nói Dương Văn Ba sống vì bạn bè, lúc nào cùng có bạn bè bao quanh, thứ bạn bè đàn đúm, có thể làm việc chung, có thể chửi thề, có thể nhậu nhẹt, ăn tục nói phét, có thể sống bạt mạng, ngay cả uống máu ăn thề, rồi nuốt lời thề như chơi.

Tôi nghĩ Dương Văn Ba có một thứ đạo lý hay một thứ triết lý sống được gọi là thứ đạo lý giang hồ, thấm đậm tình tự con người dân của vùng đất mới mà tổ tiên họ có thể là những kẻ lưu dân hoặc trôi sông lạc chợ hoặc Phản Thanh Phục Minh.

Dương Văn Ba gốc gác người Triều Châu ở Cà Mâu mà tổ tiên đã trôi dạt từ bên Tàu sang ta lánh nạn.

Gốc gác ấy ở mặt triết lý sống như thế có thể là đẹp.

Vì thế, cuộc đời một người đôi khi có những dấu ấn định đoạt mang tính tiền định như một sắp xếp, một nếp gấp của tờ giấy và điều đó phải chăng có thể áp dụng trong trường hợp Dương Văn Ba? Trước sau gì nó cũng phải đi đến chỗ đó thôi.

Có thể, không bao giờ Dương Văn Ba, Nguyễn Trọng Văn nghĩ rằng có một ngày nào đó họ sẽ đóng một vai trò xã hội, chính trị trong một đất nước dưới sự cai trị của một đảng (duy nhất)? Và theo tôi, phải nhìn nhận, tuy họ đều là những người thông minh và có tài, lại trở thành nạn nhân của chế độ ấy.

Nguyễn Trọng Văn bị cấm cầm bút ngay từ những năm đầu sau 1975. Điều đó, theo sự hiểu biết của tôi, nó là mội nỗi đau, nỗi nhục không nói ra được, vì cá tính Nguyễn Trọng Văn mạnh lắm. Trước 1975, Nguyễn Trọng Văn viết như một kẻ bứt phá, ngòi bút lý luận sắc gọn, ngay cả khi cần viết truyện khiêu dâm.

Nghĩa là trước 1975, người cầm bút như Nguyễn Trọng Văn có một sự thỏa mãn trọn vẹn cá tính qua ngòi bút không bị cương tỏa. Nhưng khác hẳn Dương văn Ba, Nguyễn Trọng Văn vẫn là mẫu người khó tính không có bạn bè, cô độc và cô đơn một mình. Ngoài chuyện viết lách ra, Văn khó có thể chơi với ai mà có chơi rồi cũng đến lúc rã đám.

Dương Văn Ba cũng là một mẫu người cá tính mạnh, tung hoành không chỉ trong phạm vi làm báo, ngang dọc trong phạm vi chính trị, kết bè kết đảng xem ra đời sống phóng khoáng và thoải mái hơn Nguyễn Trọng Văn.

Nhưng tiếc thay, khi bỏ làm báo, ông lao vào vào việc kinh doanh gỗ, cấu kết với nhiều thành phần, cuối cùng lãnh bản án án tù chung thân và kể từ đó sống vất vưởng vay nợ, quỵt nợ để sống qua ngày cũng không xong.

Tôi vẫn tự hỏi với cá tính của họ, học vấn của họ, khả năng của họ liệu có thể đưa họ tới một vị trí vững vàng trong một xã hội cộng sản không?

Câu trả lời là không. Hoàn toàn không.

Cá tính càng mạnh như một vật cứng trong cỗ máy nghiền thì càng chết mau. Guồng máy đảng sẽ nghiền nát họ như cám.

Nguyễn Trọng Văn rơi vào trường hợp đó.

Những phát biểu thẳng thừng như dao cắt của Nguyễn Trọng Văn trước đám đông cựu trí thức miền Nam và lãnh đạo Đảng trong các buổi họp. Nhiều người nghe thấy lạnh gáy, sợ thay cho Nguyễn Trọng Văn! Võ Văn Kiệt là người dễ tính nhất cũng không chịu nổi Nguyễn Trọng Văn.

Biện pháp nhẹ nhất là cấm cầm bút. Nhưng phần Dương Văn Ba khôn khéo hơn nhiều rồi cũng chết.

Tôi vẫn còn giữ cái cảm thức về một Nguyễn Trọng Văn có vẻ vênh váo, hãnh tiến, cái vinh dự hão huyền vì còn được ngồi lại ở Đại Học Văn Khoa. Cũng như tôi vẫn còn giữ cái kỷ niệm trong khi tôi gò lưng dạp xe đạp vào một buổi trưa trên đường Bùi Thị Xuân, gần trường Nguyễn Bá Tòng, nghe tiếng gọi giật của Dương Văn Ba. Ông đang lái một chiếc xe Land Rover, mầu trắng, vẻ tự hào!

Sự cách biệt giữa chiếc xe đạp và chiếc xe Land Rover khác nhau xa quá.

Quả thực đã có hai thế giới giữa bạn bè? Sau này nghĩ lại thì khác, chúng tôi tất cả đều ngồi chung một nhà tù mà không biết.

Nhận xét đầu tiên có tính trổi bật đến như không chối cãi được là hầu như phần đông các sinh viên ấy đều thuộc một tầng lớp người có trí thông minh hơn người. Họ là những Nguyễn Đa, Vĩnh Đễ, khóa đàn anh, ngay từ thời còn sinh viên đã được anh em kính nể.

Nhưng có lẽ sự đánh giá họ trở nên chính xác hơn nếu ta dựa trên cái ta gọi là esprit de révolte, tinh thần phản kháng, theo Tây Phương. Khả năng ấy dấn xa hơn nữa trở thành thái độ ‘nổi loạn’, dấu hiệu của sự thông minh, trưởng thành?

Phần đông đám sinh viên ấy đều ít nhiều có sự phủ nhận như điều kiện ắt có và đủ để họ là họ.

Có nghĩa là họ khác người khác. Họ không bị lẫn vào đám đông.

Và nhiều khi người bàng quan nhìn vào họ như thể những hiện tượng không giống ai.

Mỗi người là một thế giới riêng -tôi là tôi và không là ai khác- tự tạo cho mình một nhân cách, một vóc dáng. Nói thẳng ra, họ tự coi như những đỉnh núi của đỉnh núi. Có những ngọn núi như Huỳnh Phan Anh, Dương Văn Ba, Phùng Quyên. Cho đến bây giờ phong cách Huỳnh Phan Anh vẫn vậy, vẫn thấy ngông nghênh một mình, vẫn có phong cách nghệ sĩ khác người, những suy tư một mình một cõi. Ông viết nhiều, dịch vô số kể, nhưng tôi chưa hề đọc một tác phẩm nào của ông. Phần dịch thuật, tôi thầm nghĩ, đó có thể chỉ là món nợ trả áo cơm, bia rượu và thuốc lá sau 1975.

Hay dở, nó ngoài khả năng thẩm định của tôi!

Thứ hai phần đông đều là thứ ‘mọt sách’. Trong giao tiếp, họ gián tiếp cho biết điều đó. Dương Văn Ba trong Hồi ký Những Ngã rẽ đã cho thấy anh đọc đủ thứ ngay từ tiểu học. Nhưng không thiếu người khác cũng đã đọc Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, đã đọc Tự Lực Văn Đoàn, đã đọc các nhà văn tiền chiến như Nam Cao, Trần Tiêu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan. Đã say mê các nhà thơ như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên.

Nhưng đã ít người nói đến Sáng Tạo, đến Mai Thảo, v.v.

Và chưa kể, họ liệt kê, bầy hàng về sự hiểu biết của họ về các nhà văn, nhà tư tưởng Pháp, nhà văn Nga hay Mỹ.

Người được viện dẫn nhiều nhất có thể là J.P. Sartre. Không nói về Sartre thì như thể chưa là trí thức.

Phần Dương Văn Ba, 16 tuổi đã đỗ tú tài. Không biết có khai gian tuổi không?

Thứ ba, phần đông bọn họ có nếp sống ngoài khuôn khổ, khác người trong lối ăn mặc, lối suy nghĩ như thể mỗi người cố tạo cho mình một phong cách, một cái gì riêng độc đáo, cố biểu hiện một tư cách không giống ai, một cái gì ngoài quy củ. Như ngậm ống píp, để râu, quần áo bỏ ngoài quần cẩu thả, hút thuốc lá đến hai ngón tay ám khói, tối ngày ngồi cà phê.

Và xem ra họ tự hào về điếu ấy và sự trình diễn phái tính nam tính một cách công khai chẳng khác giới phụ nữ. Nếu phụ nữ phô bầy cái vẻ đẹp, nét dịu dàng.

Họ làm ngược lại! Họ phơi bày cái nam tính trong tính cách thô kệch của nó.

Họ cho thấy sự thô bạo trong ngôn ngữ, buông thả trong những lối nhận định và luôn luôn tỏ ra bất cần đời.

Và đặc biệt không hề biết ngượng.

Dương Văn Ba sống phô bầy một cá tính mạnh mẽ trong lối nói, lối suy nghĩ, trong thứ ngôn ngữ đôi khi sắc sảo, đôi khi đao búa, hạ đối phương bằng được ngay cả bằng sự nhạo báng, báng bổ cay độc, qua cách cười của ông.

Tiêu biểu cá tính ấy có thể tụ lại trong một vài mẫu hình tiêu biểu như Huỳnh Phan Anh, Dương Văn Ba, Nguyễn Trọng Văn,

Họ chỉ một có một cái chung nếu gọi là cái chung. Đó là ‘thích’ triết học mà phần đông nghiêng về thái độ triết học tả phái, thái độ phủ nhận, hoặc thái độ hiện sinh vô thần hầu như trở thành một cái mốt.

Mốt sống hiện sinh! Là một thái độ sống phủ nhận tất cả.

Đối với họ, phủ nhận là thái độ tiến bộ, phủ nhận là đi tới, là khai phá, là tìm kiếm, là đi trên đường mà không phải là lối mòn, biết nói không trước nhiều sự kiện. Phủ nhận làm cho người đó lớn lên, nhân cách lớn lên. Ngay cả phủ nhận của phủ nhận. Phủ nhận điều mà ta phủ nhận và rơi vào hư vô.

Trên thực tế về mặt chính trị, họ phủ nhận và chống đối chiến tranh một cách gratuit! Họ là cực tả và việc theo cộng sản chỉ là bề mặt trái của sự cực tả.

May mắn thay là phần đông anh em sinh viên chúng tôi, đa số dù có là nạn nhân của chế độ cộng sản thì cuối cùng phần đông chúng tôi vẫn có một cuộc sống của người bình thường.

Sống bình thường đôi khi nghĩ lại mới thấy thực sự là khó và mới thực sự là có ý nghĩa của đời sống.

Bởi vì thế mới là sống thật. Những lo toan đời thường. Những bổn phận làm cha, làm chồng tưởng chừng dễ dàng lại là những mục đích ở đời, sống cho trọn kiếp người.

Lối sống kia mới thật là sống giả, sống vay mượn.

Phủ nhận trước hết và ngay cả tôn giáo mà đúng nghĩa ở đây là công giáo. Nơi một đại học được coi là công giáo. Phủ nhận thứ hai là các giá trị đạo đức, chính trị, xã hội đã được nhìn nhận.

Đi rốt ráo hơn là sự phủ nhận chính mình và rơi vào những suy tư siêu hình, trừu tượng, ảo tưởng như trường hợp Huỳnh Phan Anh, một người bạn thân thiết của Dương Văn Ba khi ngồi ở ghế đại học. Tôi nhớ không lầm thì Huỳnh Phan Anh viết cuốn Văn Chương và kinh nghiệm hư vô? Tôi tự hỏi mình kinh nghiệm hư vô là thứ kinh nghiệm gì?

Một vài dòng tóm tắt trên để thế hệ sau nảy hiểu được nếp sống của một số bạn bè chúng tôi trong môi trường đại học miền Nam. Lối sống ấy đã làm nền cho việc tìm hiểu cuộc đời Dương Văn Ba sau này đi vào những ngã rẽ.

Những ngã rẽ mà nhiều người trong chúng tôi tránh được trong khi Dương Văn Ba không tránh được. Dương Văn Ba không tránh được vì máu phiêu lưu mạo hiểm, máu liều, tính bạt mạng đã dẫn đường đến việc dấn thân vào chính trị thiên tả và cuối cùng theo cộng sản!

Theo tôi, thái độ cực tả là con đường ngắn nhất để đi tới chủ nghĩa cộng sản.

Cùng học một trường, cùng chịu ảnh hưởng một nền giáo dục lành mạnh, được giảng dạy bởi phần đông các vị giáo sư đủ quốc tịch, người ngoại quốc, mà đặc điểm của họ là sự hiểu biết thông thái, thái độ trí thức cởi mở, chấp nhận đối thoại, tinh thần khoan nhượng và khiêm tốn.

Họ diễn giảng như một mời gọi mà không có tính cách áp đặt hoặc tham vọng giảng đạo.

Nhưng quyết định chọn lựa một thái độ sống, thái độ hành động lại tùy thuộc vào mỗi người.

Điều này cũng đã được Nguyễn Trọng Văn kể lại khi anh ta dự kỳ thi nhập học ban Triết. Đề thi triết nhập học năm chúng tôi dự thi có nhan đề: Triết học là một thái độ luôn luôn đi trên đường (en route). Và vì thế, những câu hỏi thường quan trọng hơn những câu trả lời. Anh nghĩ gi về tư tưởng trên? Không biết Nguyễn Trọng Văn viết cái gì, chỉ biết bài viết của Nguyễn Trọng Văn có nhiều điều ‘chệch hướng’, đi ngược với hướng chung của phần lớn các triết gia hiện sinh. Người chấm bài của Nguyễn Trọng Văn là giáo sư André Gautier, dạy môn triết sử. Mặc dù nếu cứ theo thường tình, ông có thể đánh rớt Nguyễn Trọng Văn, nhưng đã chấm đậu và cho Nguyễn Trọng Văn đậu cao. Sau này, giáo sư André Gautier đã cho Nguyễn Trọng Văn biết điều đó. Dĩ nhiên là Nguyễn Trọng Văn cảm phục và nhớ ơn thầy.

Chẳng phải chỉ có mình A. Gautier mà còn nhiều giáo sư khác như Ch’en Ch’ung Ling, Joseph và ch’en Wen Yu, Claude Larre, Yves Raguin, Alberto Palacios, cha giáo sư Crass, tên Việt Đỗ Minh Vọng và nhiều người khác đã không nhớ hết tên.

Trong số giáo sư này, tôi đặc biệt nêu tên linh mục dòng Đa Minh, chi Lyon, giáo sư Bernard Pineau. Ông dạy môn luận lý. Ông ở Câu Lạc Bộ Phục Hưng, Sài Gòn và thường thích chơi thân với đám dân trường tây, trí thức tây hoặc các bà sơ tây ở các dòng tu nữ. Cũng vì thế, có thể ông rất gần gũi với tướng tá quân đội VNCH gốc Tây như Lê Văn Kim.

Khi học ông, tôi cảm thấy không gần gũi ông được, mặc dầu ông có cái bề ngoài đẹp trai, nhã nhặn, ăn nói lịch sự, khéo léo, tươi cười. Nhiều nữ sinh viên chắc là thích nói chuyện với Pineau. Tôi chưa hề nói chuyện riêng với ông một lần nào.

Trong con người chúng ta, có một giác quan thứ sáu. Đó là sự dị ứng hay linh cảm. Sự dị ứng ấy mười lần như một sau này tôi thấy là đúng.

Tôi dị ứng với ông Bernard Pineau là đúng.

Linh mục Bernard Pineau cùng với Lm Đỗ Minh Vọng làm tuyên úy hướng dẫn một nhóm nhỏ Thanh Sinh Công, phong trào này lúc đó có khoảng 4500 đoàn viên. Riêng phong trào Thanh Sinh Công (TSC, JEC, YCS) Việt Nam thì phần đông là sinh viên công giáo và nhóm nổi bật là sinh viên ở Câu Lạc Bộ Phục Hưng.

Sau 1963, linh mục Bernard Pineau đã giới thiệu một số sinh viên trong Phong trào Thanh Sinh Công với tướng Lê Văn Kim trong Hội đồng quân lực. Do sự giới thiệu của linh mục Bernard Pineau, một số người đang ở trong quân đội đã được gọi về Sài Gòn hoạt động. Theo Hồ Ngọc Nhuận, ông và Nguyễn Hữu An (kiến trúc sư) đã trình diện tướng Lê văn Kim vả được điều về Bộ Thanh Niên làm việc một cách bất ngờ.

Ngoài Nguyễn Hữu An còn có Hoàng Ngọc Tuệ, dược sĩ, nay ở trong Hội đồng quản trị báo Người Việt, Hồ Văn Minh, bác sĩ cũng thuộc nhóm này.

Chính việc giới thiệu này có thể là nguyên cớ mở đường cho Hồ Ngọc Nhuận và một số người khác lăn vào chính trị sau này. (Mặc dầu Hồ Ngọc Nhuận không phải công giáo nhưng lại chơi và quen biết nhiều giới công giáo vì học trường Taberd).

Sau này, tôi được biết ông Bernard Pineau bị chính quyền VNCH trục xuất ra khỏi Việt Nam mà nhiều phần bị nghi ngờ dính dáng cho một giải pháp trung lập miền Nam. Sự trục xuất này, tôi không lấy làm ngạc nhiên.

Phần Dương Văn Ba, chẳng ưa gì công giáo, nhưng cũng đành hạ bút viết:

Đức Ông Simon  NGUYỄN VĂN LẬP, Viện Trưởng Viện Đại Học Dalat (Từ 8-3-1961 đến 1-10-1970)
Đức Ông (Monsignor) Simon Nguyễn Văn Lập, Viện Trưởng Viện Đại Học Dalat (Từ 8-3-1961 đến 1-10-1970). Nguồn: thunhan.org

“Khi học ở đại học Đà Lạt, hình ảnh cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập thân thiết với chúng tôi như cha con trong gia đình, người đã dạy chúng tôi đạo đức làm người lương thiện, đi theo đường ngay lẽ phải. Chúng tôi là những Thụ Nhân, những cây thông con mọc giữa núi đồi Đà Lạt, phải đứng sững không cong queo. Cha Lập một truyền nhân đã đem tới cho chúng tôi niềm tin tưởng vào vào lẽ sống ngay ngắn, hòa đồng, tin vào tương lai.”(6)

Trong một số suy nghĩ của Dương Văn Ba, ông đã bày tỏ những khát vọng tuổi trẻ, một khát vọng mà ông gọi là thái độ nổi loạn, một thái độ mà ông cho là đa số sinh viên thời đó chọn lựa. Cái đa số mà ông nói đến ở đây không ra khỏi con số những người cùng học chung dưới mái trường đại học, môn triết thời đó.

Trước hết, hãy cứ viết lại những nhận định của ông:

“Nhiều người đã nổi loạn và có lẽ đã may mắn gặp con đường đi làm cách mạng theo kiểu cộng sản. Trong giới sinh viên đại học Đà Lạt thời đó, không thiếu những chàng trai âm thầm đi theo tiếng gọi của cộng sản. Võ Văn Điểm, Nguyễn Trọng Văn, sau nữa Cao Thị Quế Hương… là thể hiện tích cực của những tình cảm nổi loạn, bức phá.

Đại đa số đi theo chiều ngược lại. Hiện sinh, vô thần, không chấp nhận khuôn thước, rào cản, luôn đi tìm cái mới. Trong số những người này có Huỳnh Phan Anh, Huỳnh Đạt Bửu, Võ Văn Bé, Tô Văn Lai, Huỳnh Quan Trọng và nhiều thanh niên khác đứng giữa dòng cộng sản và tôn giáo.

Chúng tôi đi không bến bờ
Trước mặt là dòng sông, sau lưng là nghĩa địa
(Thơ Tô Thùy Yên, nhóm Sáng Tạo)

Não trạng sống của trí thức Sài Gòn, trí thức miền Nam lúc bấy giờ tương tự như thế. Còn ngày mai sẽ ra sao? Đó là những bến bờ không định trước được của lịch sử. Tôi và nhiều bạn bè đã rời ghế trường Đại Học trong hoàn cảnh suy tư đó. Chúng tôi đã bị xô đây và vùi dập bởi nhiều cơn sóng lớn nhỏ của lịch sử kể từ 1965 về sau này.”(7)

Theo tôi, từng là bạn cùng lớp với những bạn bè vừa kể trên, tôi cho phần nhận xét của Dương Văn Ba có tính cách tô hồng quá khứ tuổi trẻ, mặc cho nó một cái áo khoác quá rộng với một ngôn ngữ cường điệu, một thói quen của Dương Văn Ba!

Cuộc sống thực của chúng tôi hồi đó như thế nào? Chắc chắn không phải như Dương Văn Ba mô tả.

Số người cực tả là hiếm hoi lắm. Số người theo cộng sản đếm chưa đủ mười ngón. Đa số chúng tôi là những thày giáo dạy Triết, sống bình thường và thanh bạch.

Lớp chúng tôi là khóa 4, Đại học Sư phạm Triết Sài Gòn được lên học nhờ Đà Lạt.

Về vật chất với học bổng 1500 đồng/tháng. Bảo rằng thiếu vẫn là thiếu. Bảo rằng thừa vẫn là thừa. Tiền trọ 200 đồng, tiền ăn hai bữa, mỗi bữa 5 đồng. Nói chung ăn ở mất 500 đồng còn lại để chi tiêu. Ăn sáng tự liệu, mua bánh mì kẹp đường, uống sữa bột của viện trợ Mỹ.

Một cái bánh mì nóng hổi, hai đồng, mà tôi và Trương Đình Tấn, Nguyễn Văn Vũ thường ăn thêm, kẹp thêm mỡ shortening và đường trắng vào buổi tối. So sánh với giá một chiếc xe Solex là 3000 đồng một chiếc thì quả số tiền 1500 là một gia tài.

Phải nhìn nhận so với người lính VNCH, chúng tôi quá được ưu đãi. Chế độ Ngô Đình Diệm lo cho chúng tôi được ăn học, có tiền trợ cấp đầy đủ hơn cả lương một người lính.

Một người sinh viên hiểu biết nghĩ được tới cái chung phải biết điều đó mà bổn phận chính yếu của họ là lo chăm học sau ra giúp giới trẻ miền Nam được học hành tử tế. Tôi nhìn nhận rằng hơn 100 giáo sư Triết ấy đã tỏa ra khắp bốn vùng chiến thuật và dạy cho học sinh một giai đoạn vỡ lòng về triết học!

Những đóng góp nhỏ ấy có thể không được ai nhìn nhận, nhưng nó lại làm ra miền Nam là miền Nam và sau này cho thấy vốn văn hóa là cái vốn lớn nhất làm cho một dân tộc mạnh hay yếu!

Những trò khuấy động chính trị thật ra chỉ là nhất thời thôi.

Nhưng những người như Dương Văn Ba đã không nghĩ được như thế. Họ cũng như nhóm sinh viên phản chiến du học ở hải ngoại, nhận học bổng của chính phủ mà phản bội lại miền Nam. Dưới mắt tôi thì bọn những người như Dương Văn Ba, Nguyễn Trọng Văn, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức thiếu hắn một tấm lòng đối với miền Nam.

Từ con người đến cuộc sống của họ đáng được nói lại ở đây. Họ đã làm gì cho miền Nam ngoài sự phá rối!

Tôi đã từng chứng kiến những ‘kẻ nổi loạn’ khi còn sinh viên như đánh banh bàn cá độ 100 đồng! Họ chơi như thế đấy, họ sát phạt nhau như thế đấy. Tôi cũng đã từng nhìn cái cảnh họ cởi trần với chiếc quần sà lỏn, ngồi xổm trên bàn học, bên cạnh là một cọc tiền, được chặn bởi một con dao. Chung quanh là một vài con bạc sinh viên. Chắc là đang đánh phé! Phải chăng đó lá cách nổi loạn? Tiền chính phủ cho rộng rãi là để cho ăn học, nào phải để đánh phé?(8)

Họ có bao giờ dám đả động đến cái quá khứ yên hùng đó không?

Rảnh thì họ kéo nhau ra Cà Phê Tùng, xuống dốc Minh Mạng, phì phèo thuốc lá, nghe nhạc. Nhạc phản chiến hồi đó hình như chưa có thì phải.

Nếu cần nói một cách trung thực và công bằng thì phải nói: Có một đại đa số sinh viên chăm chỉ học hành và một thiểu số nhỏ nhoi làm ra vẻ mốt hiện sinh chán đời, sống bất cần đời.

Tôi gọi đó là thứ triết lý vỉa hè.

Triết học cao thâm không phải như thế. Có thể có một thứ triết lý sống mà thực sự không phải là thứ triết học.

Họ nhân danh chủ thuyết Hiện sinh để sống trác táng, ngoài khuôn khổ, nếu cần đánh mất cả nhân cách chỉ vì lợi lộc.(9)

Ngay những người được Dương Văn Ba hài tên ra, có thể ngoài Huỳnh Phan Anh là có vẻ sống ‘mốt hiện sinh’ một chút, xét theo bề ngoài. Những anh em bạn khác như Huỳnh Quan Trọng, Võ Văn Bé, Tô Văn Lai hoặc Huỳnh Đạt Bửu được xếp vào thành phần ‘nổi loạn’ thì quá đáng chăng! Tôi cũng không thấy dấu hiệu và bằng cớ gì cho thấy là họ theo cộng sản?

Trường hợp Nguyễn Trọng Văn thì tôi chơi khá thân với anh ta thời sinh viên; theo trí nhớ của tôi, Nguyễn Trọng Văn bàn cãi nhiều vấn đề triết lý với tôi, nhưng tên tuổi K. Marx là không thấy nhắc tới. Sau này, tôi đến nhà Nguyễn Trọng Văn tại khu Nguyễn Tri Phương, vào khoảng 1970 trở đi, Nguyễn Trọng Văn cho biết, anh được học trò ở Vĩnh Long móc nối và dọa rằng, “Nu thầy không theo MTGPMN thì việc đi đường từ Vĩnh Long-Saigon có thể gặp nguy hiểm.”

Sau này, sự móc nối chặt chẽ hơn với MTGPMN thế nào thì tôi không biết.

Nhưng khi Nguyễn Trọng Văn cho in bài nói chuyện tại trường Đại Học Văn khoa Saigon ngày 6-6-1971, sau đó cho in thành sách.(10) Cuốn sách có nhan đề: Phạm Duy đã chết thế nào. Tôi đọc xong cuốn sách, nhưng vẫn chưa nhận ra được con người thật Nguyễn Trọng Văn. Tôi vẫn cho là anh ta quá hăng say chỉ trích và bất mãn. Cũng như Nguyễn Trọng Văn khi cộng tác viết bài trên tờ Đất Nước do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm.,Trong một số Đất Nước, Nguyễn Trọng Văn viết bài: Hoàn cảnh những người cầm bút trước và sau 1963.(11)

Tôi vẫn cho rằng do ảnh hưởng lôi kéo của Nguyễn Văn Trung mà Nguyễn Trọng Văn viết như thế. Cũng trong số đó có bài thơ của nguyên Sa: Giã từ khóa đàn anh. Sự không nghi ngờ ấy cũng được hiểu tương tự như trường hợp anh Nguyễn Tử Lộc, một thày giáo dạy Triết khác lý tưởng, đầy lòng nhân ái, hòa nhã, đạo đức cũng có viết một bài khá danh thép: Vấn đề dân tộc đặt cho người công giáo.

Phải nhìn nhận rằng, ở cái thời kỳ đó, không dễ gì đánh giá ai là thiên tả, ai theo cộng sản, ai là quốc gia?

Chỉ sau này, tôi mới thực sự nghĩ rằng việc Nguyễn Trọng Văn phê bình Phạm Duy có sự điều động ngấm ngầm của cộng sản.

Phần tôi còn nhớ những kỷ niệm đẹp đời sinh viên nghèo. Những kỷ niệm rất tình người, rất bình thường của những con người bình thường.

Vào mùa hè, số tiền 1500 tiền học bổng không phải đụng đến, tôi mang xuống cho anh chị cả của tôi. nhà đông con, lương trung sỉ Bảo An Đoàn. Phải chăng đó cũng là cách nổi loạn của tôi?

Thật ra, những điều suy nghĩ của Dương Văn Ba chỉ là những suy nghĩ thuần túy sách vở, ngoài luồng và chỉ là sự nhái lại cái không khí thời thượng của thời thập niên 1945 bên Pháp?

Tôi thú thật nhiều khi ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi chán thứ chủ nghĩa hiện sinh đã mối mọt.

Tôi thích tìm về các tư tưởng đạo học trong triết học Đông Phương như của Lão Tử.

Việc học Triết nhiều khi là một công việc lao dịch, khổ sở, vất vả, kiên trì và tốn kém thời giờ. Không dễ dàng gì để hiểu hết. Nào những Apologie de Socrate trước tòa (biện luận của Socrate trước tòa án), Nào học thuyết lý tưởng của Platon, rồi sau đó tiếp đến các hệ thống của Descartes, rồi Kant và Hégel. Tiếp đến triết học kinh viện với thánh Thomas.

Học là để quên.

Ngay cả triết học Hiện Đại với Martin Heidegger đầy thi ca và thi vị mà tôi thích thú một thời rồi cũng trở thành những tư tưởng cứng đọng.

Triết học không phải là môn học mà không phải bất cứ ai cũng có thể bước vào ngưỡng cửa của ngôi trường Platon.

Triết học dạy tại trường Đại học Đà Lạt là có mục đích để đào tạo một số thầy giáo có thể chuyển tải một số kiến thức cơ bản về Triết như một thứ nhập môn triết học cho học sinh chứ không phải để đào tạo những triết gia hay nhà tư tưởng.

Những cao vọng và ước mơ của một số sinh viên ngay từ khi bước vào đại học đã tự cho mình một cái vai trò mà thực sự họ không xứng tầm! Nếu sau này họ có thể tiếp tục con đường ấy thì thật sự họ vẫn có đủ cơ hội để đi tiếp con đường mà đại học Đà Lạt chỉ là viên gạch lót đường.

Và theo tôi, trên nửa thế kỷ nay, ngoại trừ trường hợp thạc sĩ Trần Đức Thảo ngoài Bắc vào thập niên 1950. Kể từ 1995 cho dù các thế hệ thứ hai học Triết ở Việt Nam, ở Pháp, Đức, Mỹ đi nữa thì chưa một ai trong số đó vượt qua được bốn giáo sư Triết thế hệ đầu tiên ở Việt Nam là các giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm và Trần Văn Toàn.

Có một số những người tận tụy, hầu như để cả đời say mê với triết học, vẫn cầy bừa trên mảnh ruộng triết như một khai phá từ lúc trẻ đến giờ như Đặng Phùng Quân. Người khác như Bùi Văn Nam Sơn, học xong cử nhân triết ở đại học Văn Khoa, Sài Gòn, rồi sang học ở Đức học thêm, nay ông dành trọn thời giờ để dịch tác phẩm Triết từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Công trình dịch thuật quan trọng nhất của ông là cuốn Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần túy (Kritik Der Reinen Vernunft, 2004, dày 1260 trang).

Nhưng trước sau, họ vẫn là người học triết chứ không phải triết gia như một vài người đã lạm dụng danh từ. Vai trò của họ vẫn là vai trò người bửa củi chứ không phải vai trò người thợ mộc.

Hiểu như thế nên đại học Đà Lạt có thể hãnh diện vì đã có thể đào tạo được một số thầy giáo đáp ứng được nhu cầu giáo dục môn triết vốn còn quá mới mẻ ở Việt Nam.

  • Có những vị là thầy giáo dạy Triết gương mẫu như: Vĩnh Đễ, Trần Đức An, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Khánh (vừa quá vãng), Trương Đình Tấn, Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Đa, Hồ Công Hưng, chị Hoàng Mỹ Hiền, chị Đoàn Phi Loan (đã mất), chị Phan Thanh Gia Lai, Ngô Đức Diễm, Võ Doãn Nhẫn, Uông Đại Bằng, Huỳnh Quan Trọng và nhiều người khác không thể nhớ hết được. Tôi vẫn nghĩ rằng những thầy giáo này vẫn chưa được đánh giá đúng mức trong vai trò của họ. Một đất nước có chiến tranh như miền Nam mà vẫn duy trì được một một nền giáo dục nhân bản và khai phóng là nhờ vào những vị thầy này. Càng nhìn vào xã hội Việt Nam hôm nay thì càng nhận thức rõ vai trò giáo dục trong một đất nước nó quan trọng như thế nào.
  • Có một số nhỏ những người khác do thời thế đã tham gia vào một số hoạt động chính trị, phần đông là hoạt động đảng phái, hoặc làm việc cho Mỹ trong các chương trình xã hội, giáo dục cho Mỹ. Chẳng hạn các chương trình CPS của Mỹ trực tiếp tài trợ và hoạt động với Hà Tường Cát, Phan Văn Phùng, Charles Sweet, Phạm Phú Minh, Đỗ Ngọc Yến.
  • Có những người theo hướng khuynh tả như Nguyễn Hữu Hiệp (đã mất), Bành Ngọc Quý (đã mất), Vũ Ngọc Điểm, Nguyễn Ngọc Thạch (đã mất), Nguyễn Trọng Văn (đã mất), Dương Văn Ba. Thôi thì hãy coi đây là những ngã rẽ trong số sinh viên Đà Lạt. Số phận họ ra sao thì sau này đã rõ.
  • Lớp cựu sinh viên triết một cách không mời mà đến đã chọn thêm việc cầm bút một cách đông đảo hơn cả. Hình như cầm phấn viết bảng và cầm bút là khoảng cách gần hơn cả? Nguyễn Vĩnh Đễ, Bùi Ngọc Dung, Nguyễn Tử Lộc, Ngô Đức Diễm, Nguyễn Trọng Văn, Bành Ngọc Quý, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn (Đỗ ) Hữu Dư, Đặng Thần Miễn, Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Lục, Phùng Quyên, Nguyễn Văn Vũ, Võ Văn Điểm, bút hiệu Võ Trường Chinh. Các chị Hoàng Mỹ Hiền, Chu Kim Long, Phan Thanh Gia Lai, Đoàn Phi Loan, Thanh Tân. Rồi Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Đỗ Dũng, Võ Doãn Nhẫn, Nguyễn Nhật Duật, Tô Văn Lai (sinh hoạt văn nghệ), Nguyễn Đồng (hội họa).

Thử hỏi rằng các sinh viên trong nhóm này này đâu có cái tâm trạng bất mãn, chán chường rồi sau này trở thành những thành phần quá khích, quậy phá miền Nam như Dương Văn Ba quyết đoán?

Ngã rẽ thứ nhất của Dương Văn Ba: gia nhập nhóm Liên Trường

Câu hỏi đặt ra là có thể nào suốt đời Dương Văn Ba sẽ cặm cụi làm một thày giáo Triết không ? Câu trả lời của tôi nghĩ là không. Với cá tính con người ấy, với tham vọng và sự thông minh ấy, nó sẽ vùng dạy khi thời cơ đến. Đúng vậy, trong chương 5: Làm chính trị vào Quốc Hội. Dương Văn Ba đã viết:

“Chúng ta ngụp lặn trong dòng chảy cuộc sống không phải như cánh bèo. ‘Bèo dạt hoa trôi’. Mỗi người như con cá trong dại dương. Cá kình hay cá chép là do trong cọ xát của dòng chảy, mỗi người đã vận động như thế nào, đến mức nào, với những ai.

Dòng chảy trong cuộc đời thầy giáo của tôi sớm gặp nhiều khúc quanh.”(12)

Lý Chánh Trung là người gốc gác ở miền Nam nên đã cùng với Võ Long Triều tổ chức một buổi họp mặt vào năm 1965. Trong buổi họp mặt này dĩ nhiên là những quan hệ quen biết đều là cánh miền Nam cả. Từ một khởi đầu mang tính dịa phương, tính miền và tham vọng đóng góp vào sự phát triển và thăng tiến cho miền Nam. Và một lúc nào đó, nó biến thành mộ tham vọng và một lực lượng chính trị.

Trong số những người có mặt hôm ấy có ba anh em giáo sư là: Trần Bá Phẩm, Lâm Văn Bé và Dương Văn Ba. Thật ra còn có cả Bành Ngọc Quý (Triết khóa 3), giáo sư Nguyễn Văn Trường, giáo sư Lê Thanh Liêm, Cao Thắng, kỹ sư Lê Văn Danh, đại học Bách Khoa và ký giả thể thao Lý Quý Chung.

Sau này Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Bành Ngọc Quý. Cả bốn người sau đó đều tham gia sinh hoạt chính trị khởi đầu bằng cách ra một tờ báo ở Mỹ Tho với sự tham dự của một số giáo sư như Lê Thanh Liêm, Phan Công Minh, Trần Bá Phẩm, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Cầu, Võ Văn Điểm. Báo Tiếng gọi miền Tây, theo Hồ Ngọc Nhuận sau đó phải tự đóng cửa vì những bài viết đặc sệt mùi kỳ thị Nam Bắc của bác sĩ Trần Văn Tải, chủ nhiệm báo. Nhưng theo Dương Văn Ba thì báo Tiếng Gọi Miền Tây xuất bản được 8 tháng với 30 số báo thì bị Nguyễn Cao Kỳ rút giấy phép. Cho đến nay thì tôi không có chút xíu tài liệu nào về tờ báo này.

Từ chỗ nghỉ làm báo, họ xoay ra làm chính trị.

Thứ chính trị khuynh đảo, một thứ chính trị thời thượng được nhiều người trân trọng. Họ đều nộp đơn ứng cử dân biểu Quốc Hội. Và cả bốn đều đắc cử do sự tài trợ tiền bạc của ông Võ Long Triều và bà vợ ông Triều là bà Tô Thị Viễn, học ở Anh Quốc về, hiệu trưởng trường London School.

Nhiều yếu tố đã giúp họ thành công trong việc đắc cử vào Hạ Nghị Viện như yếu tố miền, yếu tố tôn giáo, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và ngay cả sự ủng hộ ngầm của cộng sản. Tiền thì không có, nhưng đã có tổ chức cung ứng đầy đủ. Từ chỗ đó họ trở thành một lực lượng, một phong trào!

Tôi có nhận xét rất sát thực là một trong những câu ý nghĩa nhất, nó gói ghém trọn vẹn ý đồ của nhóm Liên Trường nằm trong câu phát biểu của Võ Long Triều như sau:

“Đã tới lúc anh em mình nên hợp tác lại làm một cái gì đó có lợi cho dân miền Nam. Không thể để cho nhóm Nguyễn Cao Kỳ muốn làm gì thì làm trên phần đất quê hương của chúng ta”(13).

Nguyễn Cao Kỳ đinh ninh là mua chuộc được phe cánh miền Nam, đặc biệt giới trí thức khoa bảng Nam Kỳ, qua trung gian Võ Long Triều để cân bằng lực lượng với Nguyễn văn Thiệu.

Lá bài của Nguyễn Cao Kỳ đã hoàn toàn thất bại nếu không nói là ông đã trở thành con cờ cho phái Liên Trường xoay sở ông. Câu phát biểu của Võ Long Triều, nếu đúng như ở trên, cho thấy ông Triều chơi lá bài hai mặt: Đi với Nguyễn Cao Kỳ để lợi dụng và đồng thời hạ bớt tay chân của Nguyễn Cao Kỳ.

Việc quét sạch đám giáo chức chung quanh giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng như thay Trần Ngọc Ninh, nhóm Học Đường Mới với Nguyễn Văn Trường là một thành công nhỏ phải chăng của Võ Long Triều-Lý Chánh Trung-Nguyễn Văn Trường-Dương Văn Ba? Tôi biết ông Nguyễn Văn Trường là người hiền lành mà sự có mặt của ông mang tính tình cờ lịch sử, đúng thời, đúng lúc mà vị tất bản thân ông đã muốn như thế!

Từ đây, con đường làm chính trị của Dương Văn Ba đã có một số credit để sẽ đưa ông đi xa hơn nữa trong vai trò dân biểu đối lập.

Việc thứ hai không kém quan trọng là việc vận động để thiết lập Đại Học Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây Nam Phần. Về mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động này thì đây là một việc đáng làm, nên làm, và phải làm. Không có lý do gì mà miền Tây lại không có một Viện Đại học so với Huế, Đà Lạt và Sài Gòn. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng lên tiếng ủng hộ việc này.

Nhóm Liên Trường đã một lần nữa lợi dụng Nguyễn Cao Kỳ trong công việc này.

Cuộc vận động này do các ông Võ Long Triều, Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trường khởi xướng. Ở tỉnh Cần Thơ thì có Nguyễn Trung Quân, hiệu trưởng trường Trung Học Phan Thanh Giản đứng ra tổ chức hội thảo.

Ở Mỹ Tho thì có sự vận động của các bác sĩ Trần Văn Trực, Trần Văn Tải và bộ ba giáo sư Trần Bá Phẩm, Lâm Văn Bé và Dương Văn Ba của trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu.

Nhờ những sự vận động ấy, qua trung gian Võ Long Triều-Nguyễn Cao Kỳ. Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh thành lập đại học Cần Thơ và bổ nhiệm giáo sư Phạm Hoàng Hộ làm Viện Trưởng đầu tiên.

Đây là một điều đáng mừng và hãnh diện cho các tỉnh phía Nam. Cũng như sau này mở thêm cái đại học Cao Đài, Đại học Hòa Hảo mà phẩm chất giáo dục đáng nghi ngại, chỉ là sự vá víu vay mượn giáo sư ở Sài Gòn.

Nhưng đây cũng là một bước tiến thêm nữa về mặt ảnh hưởng chính trị cho Dương Văn Ba và Lâm Văn Bé theo cái kiểu rượu gọi thêm rượu, một công đôi ba việc. Sau này, ông Lâm Văn Bé trở thành Khu trưởng Khu giáo dục miền Tây kiêm nhiệm thêm chức Tổng Thư Ký Viện đại Học Cần Thơ. Cũng phải nói thêm là theo lời Dương Văn Ba, qua quen biết với bà chị của vợ ông Nguyễn Văn Thiệu là bà chị Năm Jacqueline nên Dương Văn Ba và Lâm Văn Bé thường ghé nhà bà Năm ăn nhậu. Và đến cuối tuần, Trung tướng, chủ tịch Ủy Ban lãnh đạo Quốc gia về thăm nhà bên vợ, đánh cách tê hoặc đánh xì phé với các anh em bạn rể, trong đó có cả Lâm Văn Bé và Dương Văn Ba. Dương Văn Ba viết: Tôi thường đến chơi nên lần lần mặc nhiên được các bà chị của phu nhân trung tướng Thiệu xem như người thân.(14)

Có một nhận xét mà tôi thấy cần đưa ra ở đây là, ngoại trừ hồi ký của Dương văn Ba, trong các Hồi Ký Võ Long Triều cũng như trong cuốn Đời của Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký Không Tên của Lý Quý Chung, nhất là Lý Chánh Trung, tôi không thấy họ nhắc đến hai chữ Liên Trường. Không hề đả động đến các buổi họp mặt, các sinh hoạt ra báo, các vận động của Liên Trường, v.v. Xem ra đó là trò ném đá dấu tay.

Người húy kỵ và né tránh vấn đề này nhất lại chính là Lý Chánh Trung. Nó không có một chữ nào trong các bài viết của ông. Nhưng người phát động phong trào ấy cũng chính lại là ông.

Họ có nói tới một số vấn đề vận động Viện Đại Học Cần Thơ. Nhưng như không nhắc tới Nhóm Liên Trường. Lý Chánh Trung cũng vậy mà tất cả những thành viên khác như Lâm Phi Điểu, Lâm Văn Bé, cũng như Bành Ngọc Qúy, Lê Thanh Liêm đều tránh né, im lặng, v.v.

Nếu Dương Văn Ba không bộc lộ rõ ra trong Hồi Ký, chắc câu chuyện Liên Trường sẽ không được ai biết tới nữa!

(Còn tiếp phần II, phần Kết)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(1) Hồ Ngọc Nhuận, “48 năm, một mẩu chuyện nhỏ”.
(2) Hồ Ngọc Nhuận, “Thư gửi Nguyễn Phú Trọng”, diendan.org
(3) Lý Quý Chung, “Hồi ký Không tên”.
(4) Lý Quý Chung, Ibid., Lời giới thiệu của Trần Bạch Đằng, bản chưa sửa chữa
(5) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., Chương XIII
(6) Dương Văn Ba, Hồi ký “Những ngã rẽ”, Chương 5, Làm Chính trị, vào Quốc Hội.
(7) Dương Văn Ba, Ibid., phần vài nét tiểu sử.
(8) Hồi Ký Võ Long Triều kỳ 26, 2007. Tính mê cờ bạc và bê bối tiền bạc sau này Võ Long Triều đã viết lại trong Hồi Ký của ông như sau:

“Với tư cách là Đặc Ủy Viên thanh niên vùng IV Chiến thuật, thay thế cho anh Lâm Phi Điểu, ứng cử Dân biểu ở Vĩnh Long. Với tư cách Đặc Ủy Viên, tôi yêu cầu anh Ba ghé các tỉnh miền Tây, nơi có những ứng cử viên do tôi ủng hộ. Có một lần tôi gửi thêm mỗi người ba chục ngàn đồng dùng làm vận động phí. Dương Văn Ba đam mê cờ bạc tôi không biết, anh ta đã thua hết số tiền tôi gửi cho anh em. Mãi đến khi Bành Ngọc Quý và Lâm Phi Điểu kêu vang là đã ‘cạn dầu’, tôi hỏi ra mới biết là Dương Văn Ba đã giở trò ma giáo. Anh ta liền viết cho tôi một thư từ chức và nói rằng: “Em là thằng đốn nhứt đời, không còn mặt mũi nào gặp anh nữa, từ nay em sẽ trở về vị trí một ông giáo làng.” Gặp lại Dương Văn Ba, trách mắng xong, tôi đưa cho anh 90.000 để giao lại cho Bành Ngọc Quý, Gò Công, Trần Văn Tuất Mỹ Tho, Lâm Phi Điểu, Vĩnh Long.”

(9) Hồi ký Võ Long Triều, Ibid., Võ Long Triều viết thêm:

“Sau khi vào Quốc Hội,, Nguyễn Cao Thăng, phụ tá Tổng thống Đặc trách Liên lạc Quốc Hội, bỏ tiền mua chuộc Dân Biểu để lập một khối gia nô và một số dân biểu vòng ngoài, tùy cơ hội, trong đó có Dương Van Ba (…) Nhuận cho biết là Dương Văn Ba lấy tiền của Nguyễn Cao Thăng bỏ phiếu những điều khoản nghịch lý, phi dân chủ, hại cho đại cuộc, lợi cho địa vị hay cá nhân Tổng Thống. Anh em đề nghị khai trừ Dương Văn Ba. Tôi gọi Ba đến nhà và hỏi sự thật, anh có lấy tiền của Nguyễn Cao Thăng không? Anh chối quanh co, cuối cùng phải thú nhận là có. Tôi suy nghĩ không nên loại bỏ một tay chân hữu ích khi cần, nên tôi đề nghị:

‘Nếu cậu hứa với tôi sẽ tuyệt đối tuân theo chỉ thị của tôi khi cần thiết thì tôi cho phép cậu lấy tiền của Nguyễn Cao Thăng, nhưng trước khi lấy cậu phải hỏi và được tôi cho phép, tùy theo tầm quan trọng của sự biểu quyết lần đó. Nếu tôi không cho phép, cậu phải bỏ phiếu theo khối của anh em, bằng không thì tôi sẽ để cho anh em khai trừ cậu vì lý do nhận tiền của hành pháp. Nhục nhã ấy sẽ làm hư cả đời cậu.’

Dương Văn Ba đồng ý và tiếp tục sinh hoạt trong điều kiện anh đã hứa với tôi cho đến ngày anh thất cử.”

(10) Nguyễn Trọng Văn, “Phạm Duy đã chết thế nào”, Văn Mới
(11) Đất Nước, tạp chí xuất bản hàng tháng, 11-1968
(12) Dương Văn Ba, Ibid, chương 5.
(13) Dương Văn Ba, Ibid, chương 5.
(14) Trước đây, dư luận cứ đồn thổi rằng giáo sư Lâm Văn Bé trong ngành giáo dục đã lên như diều vì có quan hệ họ hàng với bà Thiệu. Đây là dịp để cải chính tin đồn thất thiệt ấy ấy. Ông Lâm Văn Bé chỉ quen các bà chị của phu nhân tổng thống. Vậy mà tương lai sự nghiệp cũng đã phất lắm và hơn mọi người. Phần Dương Văn Ba sau này làm dân biểu hạ viện thì chống lại Nguyễn Văn Thiệu. Tội nghiệp cho bà chị Năm Jacqueline bị bọn thanh niên lợi dụng.