Xã hội Dân sự và Dân chủ
Trần Giao Thủy
Khái niệm hay nhóm chữ xã hội dân sự thật ra là một cụm từ bắt đầu có và trở thành thời thượng từ thế kỷ 18, 19 nhưng đã rơi vào lãng quên và trong một thời gian khá lâu chỉ là vấn đề đáng chú ý đối với những nhà sử học.
Khái niệm xã hội dân sự
Các nhà khoa học xã hội, cũng đã từ lâu, cho rằng loài người sống trong một xã hội lưỡng cực kinh tế–chính trị, gồm hai khu vực riêng biệt, một bên là thị trường và bên kia là nhà nước. Cả ½ thế kỷ qua, người ta đã bỏ tất cả năng lực nghiên cứu, biện luận, lý giải về hai thành tố chính và “quan trọng” này trong đời sống xã hội. Vì thế trong một thời gian dài, xã hội dân sự vẫn là một cụm từ mù mờ, một khái niệm trừu tượng trong không gian riêng của những nhà nghiên cứu lý thuyết hay các triết gia, các nhà khoa học xã hội.
Các yếu tố chủ chốt của một xã hội dân sự là: sự có mặt có hạn định của chính phủ, phổ thông đầu phiếu, tính pháp trị (rule of law), tự do lập hội (quyền liên kết), tự do ngôn luận; nền kinh tế thị trường có điều tiết và mở; giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, người già, bệnh hay khuyết tật và sau cùng là văn hoá dân sự mang tính đa nguyên, tôn trọng tự do cá nhân và yêu cầu kết đoàn của nhân loại và có cùng viễn kiến lý tưởng chung.
Một cách khác, xã hội dân sự gồm tất cả những tổ chức, hội đoàn dân lập cấu thành một xã hội hoạt động thay vì những cơ sở, cấu trúc xã hội dựa trên cơ sở quyền lực của nhà nước (bất kỳ nhà nước theo chế độ nào) hay những cơ sở và tổ chức thương mại.
Ứng dụng phổ quát ngày nay của khái niệm “xã hội dân sự” bắt nguồn từ Adam Ferguson (1). Ferguson cho rằng sự phát triển một nhà nước thương mại (“commercial state”) là một cách giải quyết và thay đổi tệ trạng của một xã hội phong kiến mục nát cùng lúc củng cố quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, trong Khảo luận 1767, Ferguson không phân biệt nhà nước với xã hội. Đến năm 1820, triết gia Đức, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, đã làm việc này qua cuốn Elements of the Philosophy of Right (Grundlinien der Philosophie des Rechts) (2). Ở đây Hegel bàn đến khái niệm ý chí tự nhiên và ý chí tự nhiên này chỉ có thể thành hình bằng quyền tư hữu và tương quan trong phạm vi xã hội phức tạp, khế ước, cam kết đạo đức, đời sống gia đình, nền kinh tế, hệ thống pháp lý, và một xã hội có tổ chức.
Theo định nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự của trường Kinh tế London, Xã hội dân sự là môi trường hoạt động và tương tác của tập hợp những động thái tự nguyện (không vì bắt buộc) quanh những giá trị, mục đích và quyền lợi chung. Mặc dù trên lý thuyết, những cơ sở của xã hội dân sự đều khác biệt với cấu trúc, cơ quan thuộc nhà nước, gia đình và thị trường, thực tế cho thấy phân ranh này khá phức tạp, bị nhoà đi và cũng có thể bị vượt qua. Xã hội dân sự gồm nhiều thể loại không gian, nhân tố và cơ quan đa dạng khác nhau từ hình thức, mức tự quản và quyền lực. Thành phần xã hội dân sự thường có các cơ quan thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ, các hội đoàn quần chúng (cùng tôn giáo, cùng quê quán,…) các hội phụ nữ, chuyên gia, công đoàn thương nghiệp, phong trào xã hội, hội đoàn của thương nhân và doanh nghiệp, đoàn thể vận động (bảo vệ môi trường, xóa mù chữ,…)
Từ tiền bán thế kỷ XVIII, nhà tư tưởng, sử gia Pháp Alexis de Tocqueville đã bắt đầu đưa những liên kết giữa xã hội dân sự và nền dân chủ qua hai tác phẩm nổi tiếng Nền dân chủ Hoa Kỳ (De la démocratie en Amérique/Democracy in America, Bộ I & II, 1835 & 1840) và Chế độ cũ và cuộc Cách mạng (L’Ancien Régime et la Révolution/The Old Regime and the Revolution (1856). Trong những tác phẩm này, Tocqueville khảo sát tỉ mỉ hệ quả của sự bình đẳng giữa xã hội, con người và nhà nước đang nở rộ ở các xã hội Tây phương. Đến thế kỷ XX hai lý thuyết gia Gabriel Almond và Sidney Verba (3) khai triển sâu sát và kết luận xã hội dân sự là điều kiện sống còn của một chế độ dân chủ.
Almond và Verba cho rằng thành tố chính trị trong nhiều tổ chức của xã hội dân sự đã giúp công dân thuận tiện hiểu rõ, nắm bắt tình hình rõ hơn để đi đến các quyết định bầu cử chín chắn, hay tham gia hoạt động chính trị và làm áp lực để chính phủ phải có trách nhiệm trả lời dân chúng. Nội lệ của các tổ chức, cơ sở của một xã hội dân sự được xem là những hiến pháp nhỏ giúp thành viên quen thuộc với nghi thức sinh hoạt và lề thói quyết định dân chủ.
Nhà khoa học chính trị đương đại Robert Putnam tiếp tục nghiên cứu và khẳng định ngay cả những tổ chức phi chính trị trong xã hội dân sự là thành tố sinh tử cho nền dân chủ. Trong Making Democracy Work: Civic Traditions in Modern Italy (cùng viết với Robert Leonardi và Raffaella Nannetti, 1993), tác phẩm đầu tay về vốn xã hội (social capital), Putnam làm một nghiên cứu so sánh các chính phủ cấp vùng của Italia và cho rằng dân chủ thành công được là nhờ những những liên kết, những khế ước hàng ngang trong xã hội dân sự. Vốn xã hội (lòng tin và những giá trị chung), theo Putnam, là kết quả của những tổ chức thuộc xã hội dân sự được chuyển vào phạm vi chính trị, giúp gắn bó thành tố xã hội với nhau, giúp phát triển sự cảm thông và hiểu biết về những tương quan giữa mọi thành phần và quyền lợi trong xã hội.
Trên đây là vài nét rất sơ lược về bước phát triển xã hội dân sự bắt từ khái niệm ở những thế kỷ trước đến thực tế hôm nay và vẫn còn trong tiến trình thay đổi, bổ khuyết. Tất cả vẫn chỉ là các học giả Âu Mỹ viết về xã hội dân sự ở Mỹ ở Âu.
Xã hội Dân sự và Dân chủ Bền vững
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Trung và Đông Âu, sự kiện lịch sử quan trọng hàng đầu trong thế kỷ 20, đã đánh thức các nhà khoa học xã hội phương Tây nhìn về chủ đề xã hội dân sự. Đến nay, người ta đã ý thức rõ hơn tầm quan trọng của khối “thứ ba” này trong đời sống xã hội hiện tại, không còn là lưỡng cực nữa.
Xã hội dân sự không chỉ thích hợp với các quốc gia ở Trung và Đông Âu hay các quốc gia đang phát triển khác mà cũng là quan tâm của Liên hiệp châu Âu. Điển hình, Cuộc đối thoại Dân sự là cố gắng đầu tiên Liên hiệp châu Âu đưa thành phần “thứ ba” – không thuộc nhà nước, cũng không phải của tư bản – vào hội nghị bàn tròn làm chính sách chung tại Brussels ở thập kỷ 1990.
Tác động đa chiều trên cả ba khối kinh tế (thị trường), Xã hội dân sự, và chính trị (nhà nước) là điều hiển nhiên, và tương quan chặt chẽ của hệ thống xã hội này là điều không thể phủ nhận hay bỏ qua được nữa.
Trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản còn sống (1917–1990), ở các nước theo chủ nghĩa xã hội (CNXH) khi nói đến chính trị, người ta chỉ có 1 loại nhà nước – không phải là nhà nước pháp quyền (État de droits) hay nhà nước pháp trị (Rule of Law). Ở các nước theo CNXH chỉ có nhà nước chuyên chính vô sản và chỉ một mà thôi. “Đặc điểm” này của XHCN đã tự động loại luôn thành phần thứ hai, thị trường, trong xã hội lưỡng cực ở các quốc gia theo chế độ dân chủ. Đến thời “Perestroika” người Nga mới bắt đầu có khái niệm về nhà nước pháp quyền. Nhưng di sản XHCN chưa ra khỏi não trạng của con người xã hội XHCN nên ở các nước cộng sản dù đã “đổi mới” cũng chỉ có “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nguyên nhân tại sao có cụm từ này có lẽ cũng không khác tại sao lại hiện hữu một nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Cả hai khái niệm này đang được dùng và phổ biến rộng trong nước. Để cho mọi người biết “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là một loại nhà nước do dân làm chủ nên người ta mượn và gắn luôn nhóm chữ “của dân do dân và vì dân” vào thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân.
Ở Việt Nam, từ ngày sao lãng Mác Lê, quẳng búa liềm, ném sách hồng, vứt dép lốp, mặc vét tông, đeo cà vạt đi làm kinh tế thị trường, dù đang định hướng XHCN, lãnh đạo cộng sản vẫn không dấu được thế giới là họ đang phè phỡn, chén chú chén anh trên mâm cỗ tham nhũng vĩ đại. Ở thời cửa đã mở, ở thời WTO, cọ sát và giao tiếp với thế giới bên ngoài bắt buộc Đảng Cộng sản Việt Nam tập đọc và tập làm bài xã hội dân sự.
Hơn nửa thế kỷ quen sống với văn hoá “nhà nước chuyên chế vô sản”, hôm nay cùng lúc phải tìm cách ứng xử với hai nhân tố xa lạ: thị trường tự do, không định hướng xã hội chủ nghĩa, và mới hơn nữa là xã hội dân sự, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân” của các ông Mạnh, Triết, Dũng và đồng Đảng ắt phải lúng túng.
Làm sao, làm thế nào để cắt nghĩa và thuyết phục thế giới, hay gần hơn là các cơ quan đang viện trợ (4) tại sao ở Việt Nam xã hội dân sự
– Sẽ sinh ra đối lập với chính quyền,
– Là vấn đề nhạy cảm, không được bàn,
– Có tác động vào xã hội rất thấp,
– Không có môi trường phát triển,
…
Tại Việt Nam nhóm từ xã hội dân sự chỉ mới được xuất hiện trên mặt báo trong vài năm gần đây.
Theo Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (VIDS), trong bài Đừng sợ xã hội dân sự trả lời báo Tuổi trẻ:
“Năm 2002, Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) (5) vào Việt Nam phối hợp cùng UNDP tìm đối tác nghiên cứu về xã hội dân sự nhưng sau gần hai năm vẫn không có đơn vị nào nhận, bởi lúc đó khái niệm xã hội dân sự được xem là nhạy cảm.”
Đặng Ngọc Dinh
Nhưng đến 2005, Tổ chức Phát triển Hoà Lan (Netherlands Development Organisation, SNV), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) “được phép” đến Việt Nam hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế tìm hiểu về xã hội dân sự tại đây. Kết quả, Viện Những vấn đề Phát triển (VIDS) năm 2005 đã tiến hành Dự án Công cụ Đánh giá Ngắn gọn (SAT) Chỉ số Xã hội dân sự (CSI) (6). Trước khi đi tìm hiểu thêm về Viện Những vấn đề phát triển (VIDS) là gì, từ đâu mà ra, hoạt động khi nào, xin được trở lại với ông Viện trưởng Đặng Ngọc Dinh.
Cũng ở bài nói chuyện với báo Tuổi trẻ, Đặng Ngọc Dinh cho biết:
“… Xã hội dân sự đã tồn tại ở VN từ rất lâu. Nói nôm na, đó là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung.
Như vậy, thành phần quan trọng của xã hội dân sự là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng.
… Mặt khác có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận thì xã hội dân sự vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.”
Đặng Ngọc Dinh
Dù không chia sẻ toàn phần, nhưng lời tuyên bố của ông Viện trưởng VIDS nghe khá ngon lành – So với 3 năm trước “khái niệm xã hội dân sự được xem là nhạy cảm”, là điều cấm kỵ không được bàn luận cởi mở tại Việt Nam. Nhưng tuyên bố rổn rảng (và khơi khơi) như vậy chỉ có tính thông tin khoa học và thiếu tính Đảng, ông Đặng Ngọc Dinh phải tiếp tục cho bá tánh khắp nơi biết phần quan trọng nhất trong cuộc nói chuyện:
“Theo quan niệm đó thì ở Việt Nam Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân…), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…”
Đặng Ngọc Dinh
Để xem nguyên nhân nào ông Viện trưởng VIDS lại có nhận định “ưu việt” như trên người ta cần biết VIDS là gi, từ đâu mà ra. Trang nhà của VIDS cho biết Viện Những vấn đề Phát triển mới do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vietnam Union of Science and Technology Associations, VUSTA) thành lập từ tháng 3 năm 2004. VIDS là 1 tổ chức bất vụ lợi (not-for-profit), ngoài chính phủ (nongovernmental), chuyên nghiên cứu chính sách.
Thế VUSTA là gì? VUSTA được thành lập do Quyết nghị 121/HĐBT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bản điều lệ của VUSTA (Nhiệm kỳ IV năm 1999 – 2004), ngày Điều 1 ghi rõ:
“Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội Việt Nam) là tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Liên hiệp hội Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Liên hiệp hội Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”
VUSTA (2004)
Một tổ chức chính trị – xã hội tổ chức và hoạt động theo nguyện tắc tự nguyện? Ai tự nguyện khi nhà nước CHXHCNVN dùng Quyết nghị 121/HĐBT đẻ ra cái “tổ chức tự nguyện” này? Trong Điều 6, phần 1b, Bản điều lệ của VUSTA(7) “tự nguyện” ghi:
“Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng pháp luật, tăng cường củng cố an ninh – quốc phòng; tham gia giám sát độc lập đối với các đề tài, công trình quan trọng.”
VUSTA (2004)
Vẫn ở Điều 6, Bản điều lệ cũng viết rõ:
“Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. (phần 3, Thực hiện công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ, mục b.)
Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (phần 4, Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mục b.)”
VUSTA (2004)
Để cho tròn vẹn, nhân đây xin được nhắc lại Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) bằng ngay chính Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.”
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Như thế, sau hơn 70 năm hoạt động, thay họ đổi tên, MTTQ chung quy vẫn chỉ là công cụ do Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, từ ngày 18/11/1930. Và dĩ nhiên các tổ chức loại dây leo, chùm gởi trong MTTQ lại còn là hạng tay sai của công cụ. Loại này chỉ xứng đáng là hàng nhái, hàng rách trong xã hội dân sự.
Vào thế kỷ 21, dù sính ăng lê hơn ngôn ngữ của Stalin, và dù Đảng Cộng sản Việt Nam có đẻ ra thêm nhiều “vít” hay “vút”, tất cả vẫn không có gì mới. Đấy vẫn là những tiểu sảo lừa mị dân chúng, lừa đảo quốc tế, không ngoài mục đích củng cố và cập nhật cái “nhà nước chuyên chính vô sản” sang “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” có-vẻ-có sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự dưới sự toàn trị của một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do đó không phải chỉ có những “nhà khoa học” ở VIDS hay VUSTA kéo đàn vĩ cầm bài “xã hội dân sự” mà sẽ còn nhiều bài viết khác, về chủ đề này; Một số sẽ tiếp tục nhấn mạnh, đề cao vai trò của các tổ chức ngoai vi của Đảng CSVN như là những tổ chức xã hội dân sự – MTTQ là một thí dụ); Số khác, ý thức đúng đắn, sẽ không ngần ngại khẳng định vai trò tương tác bình đẳng của các tổ chức xã hội dân sự với các tổ chức nhà nước và các cơ sở thương mại. Một thí dụ, trong bài Chống tham nhũng bằng cách phát huy xã hội dân sự, của Nguyễn Chính Tâm (Vietnamnet) đăng ở mục nghiên cứu ở trang VLC (Các nhà tư vấn pháp luật Việt Nam), tác giả viết:
“Cho đến nay nhiều người vẫn cho rằng cơ quan Mặt trận Tổ quốc chỉ đóng vai trò “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước. Điều này phản ánh một thực tế: khả năng phản biện của tổ chức này phần nào bị đóng trong một cái khuôn hẹp.”
Nguyễn Chính Tâm
Ông Nguyễn Chính Tâm nói như thật! Nhờ ông xem lại “Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tí cho bà con cô bác nhờ. Đã là con đẻ của Đảng, do Đảng lãnh đạo thì khả năng phản biện của cái tổ chức ngoai vi này là zero, nil, nada chứ còn đóng khuôn hẹp với rộng gì nữa!
Ông Tâm lý luận:
“Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tham nhũng thường phát hiện bởi thư tố cáo của dân hay do các cơ quan báo chí phanh phui hơn là được phát hiện ngay trong nội bộ. Vì vậy chống tham nhũng là gì nếu không phải làm sao tập hợp tiếng nói của người dân ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn?”
Nguyễn Chính Tâm
Và tác giả còn ao ước Đảng cộng sản Việt Nam “Tôn trọng hơn nữa quyền lập hội của nhân dân”. Ông Tâm viết tiếp,
“Đảng và Nhà nước cần một đối tác để cùng bàn chính sự. Hợp tác là bình đẳng, hai chiều, chứ không phải một chiều. Để làm được điều này, thiết nghĩ, một dự luật hội hoàn chỉnh (đang được Quốc hội thảo luận) là vô cùng cần thiết.”
Nguyễn Chính Tâm
Ở một bài viết khác có tựa đề Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, của tác giả Tương Lai, đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, tác giả viết:
“Xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của nhà nước chứ không phải là cái đuôi của Nhà nước, về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội đối với Nhà nước, kể cả đối với phẩm chất và hành vi của viên chức Nhà nước.”
Tương Lai
Để các mong ước của tác giả Nguyễn ChínhTâm (quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng, tiếng nói của người dân ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn,…) trở thành sự thật, để Việt Nam thực sự là một xã hội dân sự có sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự “thật” đúng nghĩa của nó – không phải là cái đuôi của Nhà nước (như tác giả Tương Lai xác quyết), không phải là công cụ tay sai của Đảng và cũng không lệ thuộc vào các tổ chức và cơ sở thương mại – Việt Nam cần có môi trường thuận lợi để các tổ chức xã hội dân sự sinh hoạt và phát triển và đó nhất định không thể là thể chế độc đảng chuyên chính, độc tài toàn trị như hiện tại.
“Xã hội dân sự là điều kiện sống còn của một chế độ dân chủ” như kết luận của Gabriel Almond và Sidney Verba hay nói một cách khác nền dân chủ sẽ không ổn định nếu ở đó không hiện hữu một xã hội dân sự thật và hiệu quả. Quốc nạn tham nhũng là một thí dụ cụ thể thế nào là sự bất ổn định ở nền “dân chủ có thừa” (Nông Đức Mạnh), “dân chủ cực kỳ” (Nguyễn Minh Triết) hay “dân chủ một đảng” (Tôn Nữ Thị Ninh).
Ở quốc gia dân chủ, vai trò căn bản nhất của những tổ chức xã hội dân sự là giới hạn và kiểm soát quyền lực của nhà nước. Ở Việt Nam không xẩy ra chuyện này được vì đây là phạm trù của đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất.
Tổ chức xã hội dân sự sẽ báo động với quần chúng khi quan chức nhà nước hối mại quyền thế, tham nhũng. Xã hội dân sự cũng cho người dân cơ hội vận động để được tự do thông tin và quyền công dân này được xác định bằng luật pháp rõ rệt. Khi có luật về tự do thông tin khi ấy sẽ có báo chí, và các phương tiện truyền thông đại chúng không thuộc bộ máy của đảng và nhà nước. Lật tẩy, đưa ra trước công luận tác phong quan liêu mục nát của quan chức tham nhũng là một vai trò khác của xã hội dân sự. Dù có luật chống tham nhũng, có kêu gọi, có chủ trương chống, tham nhũng vẫn hoành hành vô phương cứu chữa tại Việt Nam vì ở đó không có một xã hội dân sự thật để yểm trợ và tham gia vào cuộc chống tham nhũng.
Một vai trò khác của xã hội dân sự đóng góp không nhỏ cho chế độ dân chủ bền vững chính là khuyến khích, cổ xuý người dân tham gia hoạt động chính trị. Ở chế độ dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự sẽ hướng dẫn người dân thế nào là quyền và trách nhiệm của công dân dân chủ; tham gia hoạt động chính trị là theo dõi chương trình vận động tranh cử của ứng cử viên, đặt vấn đề với những người làm chính trị, tranh luận, bày tỏ quan điểm chính trị và đi bầu cho người mình chọn. Ở CHXHCN Việt Nam mọi hoạt động chính trị khác việc phấn đấu vào đoàn, phấn đấu làm đối tượng đảng, hay tham gia những hoạt động “chính trị” do đảng lãnh đạo đều có thể xếp vào loại hoạt động nhậy cảm, hay nguy hiểm hơn là diễn biến hoà bình hoặc tuyên truyền chống nhà nước.
Trên đây chỉ là đôi ba lợi ích và vai trò của xã hội dân sự trong chế độ dân chủ. Như thế cũng đủ để thấy chế độ dân chủ đa nguyên là điều kiện ắt có, là môi trường thuận lợi, là cơ chế cần thiết để từ đấy nẩy sinh và phát triển một xã hội dân sự tương tác sinh động với hai khối chính trị (nhà nước) và kinh tế (thị trường).
Nói chuyện phát triển xã hội dân sự trong chế độ “dân chủ một đảng,” “dân chủ có thừa” và “dân chủ cực kỳ” ở nước CHXHCNVN chẳng khác gì nói chuyện liêm sỉ của cộng sản Việt Nam.
Nói xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay chỉ là nói dối không nháy mắt; Làm xã hội dân sự ở Việt Nam hôm nay vẫn chỉ là làm tiền quốc tế và phỉnh mị người dân.
© 2007-2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài đănng lần đầu trên DCVOnline ngày 13/03/2007
Ghi chú:
(1) Năm 1767 Adam Ferguson viết Khảo luận về Lịch sử Xã hội Dân sự (An Essay on the History of Civil Society, 5th ed. (London: T. Cadell, 1782).
(2) Berlin, 25/6/1820. S. W. Dyde dịch sang Anh ngữ 1896.
(3) Almond, G., & Verba, S.; The Civic Culture: Political Attitudes And Democracy In Five Nations; Princeton, NJ: Princeton UP, 1963.
(4) Ngân hàng Phát triển (World Bank), Quỹ tiền tệ thế giới (Internatinal Monetary Fund) và Ngân hàng Phát triển Á châu (The Asian Development Bank, ADB) hàng năm làm việc với cả ngàn tổ chức thành viên của các xã hội dân sự khắp nơi trên thế giới.
(5) www.civicus.org, World Alliance for Citizen Participation, CIVICUS, gồm khoảng 1000 thành viên tại 100 quốc gia trên thế giới hoạt động hơn 10 năm qua để củng cố tác động của các tổ chức xã hội dân sự và của công dân đặc biệt tại các quốc gia quyền tham gia dân chủ, quyền liên kết, lập hội của người dân bị đe doạ.
(6) The Civil Society Index Shortened Assessment Tool (CSI-SAT).
(7) Điều lệ, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, (Nhiệm kỳ IV năm 1999 – 2004).