Về một thứ chủ nghĩa dân tộc sô vanh (2a)
Nguyễn Văn Lục
Mới đây, trên DCVOnline.net có cho đăng một bài báo của nhà sử học Lê Minh Khải (bản dịch của Trà Mi), ngày 13/02/2016, nhan đề Hà Văn Thùy và tộc Việt cổ (BBC điên rồi chăng?)
Chauvinisme trong ngành sử học
(Tiếp theo phần 1a, 1b)
Nhà sử học Lê Minh Khải ngạc nhiên vì bài tham luận của ông Hà Văn Thùy có thể tóm gọn tất cả mọi người và tất cả mọi thứ ở Châu Á đều có nguồn gốc từ Việt Nam với người Việt Nam.
Nếu tôi được phép có thêm một nhận xét – qua hình chụp ông Hà Văn Thùy – thì ông quả thực là một mẫu hình tiêu biểu của một thứ văn hóa vật thể còn sót lại.
Sau đây xin trích dẫn nguyên văn câu của ông Hà Văn Thùy:
“Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.”
Để đi tới một kết luận táo bạo như trên, người ta phải vận dụng đến nhiều ngành học đủ loại và cần viết cả một vài pho sách, vị tất đã viết xong.
Sự khẳng định chắc nịch như trên của ông Hà Văn Thùy đối với cá nhân tôi không lấy gì làm lạ. Nó xuất phát từ một lối viết ‘lên gân’, lối học từ chương, nhồi sọ, giáo điều, khẩu lệnh của đảng và não trạng đã bị bào mòn.
Lối viết như thế không thiếu nơi các bài tham luận, các tài liệu học tập, ngay trong sách giáo khoa. Trước bàn làm việc của tôi, có một bộ Giáo trình Lịch sử gồm 6 tập cũng viết theo một văn phong chắc nịch mang tính áp đặt như thế!
Tôi thú thật là không có đủ kiên nhẫn để đọc tập sách đó.
Nhưng đối với một người ngoại quốc như tác giả Lê Minh Khải (Liam C. Kelley) – dù ông ăn phở, chấm nước mắm đã quá quen – cũng không tránh khỏi một cú ‘xốc văn hóa’.
Hy vọng trong tương lai, ông sẽ khui trần những kẻ viết sử cả trong nước lẫn hải ngoại viết kiểu lên gân và áp đặt.
Nhưng cái xốc thứ hai của nhà sử học là bài tham luận của Hà Văn Thùy được đăng trên BBC. Vậy, dựa trên căn bản nhận thức nào, ban biên tập Việt ngữ của đài BBC quyết định đã cho đăng?(1) Cái này lại cần tìm hiểu thêm nguồn đào tạo của một số nhân viên làm cho BBC hiện nay xuất phát từ đâu?
Sự chấp thuận cho đăng bài viết của ông Hà Văn Thùy trên BBC đặt vấn đề trách nhiệm cũng như nghi vấn về trình độ nhận thức và suy xét của Ban Biên Tập, ban Việt ngữ đài BBC.
Thật ra không phải chỉ có riêng đài BBC mà còn có một số diễn đàn điện tử khác cũng cho đằng bài của ông Hà Văn Thùy.
Riêng Danchimviet.info chẳng những cho đăng một bài mà còn nhiều bài khác của ông Hà Văn Thùy.(2)
Hiện tượng Hà Văn Thùy là tiêu biểu cao cho một khuynh hướng viết sử mà tôi gọi là “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, muốn áp đặt – muốn kéo dài quá khứ lịch sử dân tộc Việt không phải chỉ hơn 2000 năm – mà tròn số là 4000 năm.
Đối với tôi, cái hãnh tiến lịch sử phải nhường bước trước sự thật lịch sử. Nếu tổ tiên đã có thời ăn lông ở lỗ – cởi truồng đóng khố đi nữa – thì cũng vẫn là tổ tiên. Mà nhiều phần chắc là như thế!
Nhưng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sô vanh, cực đoan thì lại cố tình khoác một hào quang lên quá khứ người Việt cổ. Đó là một quá khứ dưới mắt họ phải trọn gói – hoàn tất – đã có ngôn ngữ chính thức, có một nền văn minh, đã trải qua những cuộc tranh đấu kháng chiến, chống phong kiến dành độc lập, qua nhiều thử thách và trải dài trong suốt 4000 năm.
Niềm tự hào không đúng chỗ, đối với tôi, trước sau cũng chỉ là sự lừa bịp. Hoặc một chính sách ngu dân không cần thiết!
Những khẳng định như thế dĩ nhiên đã thỏa mãn niềm tự hào dân tộc của một số đông người, vì đã đòi lại những cái mình không có hay chưa hề có từ tay người Tầu. Chẳng hạn phủ nhận không có cái gọi là từ Hán Việt, Hán mượn Việt chứ không phải Việt mượn Hán.
Nói theo một cách trình bày khác trong bài “Bách Việt và sự vắng mặt của lịch sử hậu thuộc địa ở Việt Nam” của Lê Minh Khải, cũng do Trà Mi dịch(3) thì người dân thuộc địa thường viết ngược lại những gì người thuộc địa nói về họ.
Đây là một nhận định trái chiều mà tôi lần đầu ghi nhận được.
Thông thường, hội chứng hậu thuộc địa thường được hiểu là sự ‘bắt chước’, theo đuôi nếp sống thời thuộc địa như trường hợp người Pháp sang Việt Nam. Khi chấm dứt chế độ thuộc địa “nhiều người Việt gốc quốc tịch Pháp còn khinh văn hóa Việt, lối sống Việt vì họ coi là quê mùa, hủ lậu”(4) vẫn sính nói tiếng Tây, hãnh tiến xuất thân trường Tây, nếp sống tây.
Ở đây, hội chứng hậu thuộc địa lại mang tính chất đối kháng – phủ nhận.
Chẳng hạn, người Tầu coi Bách Việt là man di mọi rợ thì phải nói ngược lại ta văn minh, Tầu mới mọi rợ.
Lập luận kiểu đó nên bất chấp các sự kiện, bất chấp đúng sai vượt lêm trên cái lương tri của một con người!
Nhưng thật ra trong giới sử học không phải chỉ có một Hà văn Thùy mà có nhiều Hà Văn Thùy.
Thời 1955–1960, đã có những vị có tiếng tăm như Nguyễn Khắc Viện, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Quốc Vượng và nhiều người cầm bút khác cũng vướng mắc phải chứng vĩ cuồng trong sử học.
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi cũng có đề cập đến trường hợp tác giả Ngô Nhân Dụng với cuốn Đứng vững ngàn năm như một cách mở đầu cho bài viết này và sắp tới.
Bài học Hà Văn Thùy để dành cho người cộng sản trong nước. Bài học Ngô Nhân Dụng thì dành cho người Việt hải ngoại.
Nguyên nhân cá nhân
Trước hết, đi tìm hiểu tại sao lại có lối biên khảo ‘tưởng tượng học thuật lịch sử’ (historiographic fantasy) thì thấy rằng nó có thể có nhiều lý do: Khoe chữ cũng có, háo danh, che đậy cái dốt, lừa phỉnh, tự sướng cũng có.
Nhưng đặc biệt muốn khác người, độc đáo, và hơn người.
Trước hết, xin đưa ra một nhận xét nghiêm chỉnh của nhà sử học K. W. Taylor viết năm 2013:
“Vietnamese scholars have endeavoured to project a sense of national identity back into the past as far as possible. In the modern period, it became common for Vietnamese to affirm a national history going back for thousands years to when archaeologists date artifacts that they have assembled and categorised under the name of Phung Nguyen Culture. Phung Nguyen is defined as a late stone and early bronze culture that represents a level of archaeological uniformity in the Red River Plain that did not previously exist. Many Vietnamese scholars are inclined to draw a line of continuity in cultural, and even ethno–linguistic, development from Phung Nguyen to modern Viet Nam. This inclination, however, makes an exuberant use of evidence.”(5)
“Học giả Việt Nam đã cố gắng phóng chiếu một ý thức căn cước dân tộc trở về quá khứ, càng xa càng tốt. Trong thời hiện đại, người Việt khẳng định một lịch sử quốc gia hàng ngàn năm về trước, khi giới khảo cổ xác định thời đại của cổ vật mà họ đã thu tập và phân loại theo Văn hóa Phùng Nguyên đã trở thành chuyện bình thường. Phùng Nguyên được định nghĩa là thời kỳ giữa đồ đá muộn và văn hóa sơ kỳ thời đại đồ đồng, tượng trưng cho một độ khảo cổ học đồng nhất không hiện hữu ở đồng bằng sông Hồng trước đó. Nhiều học giả Việt có khuynh hướng vẽ một đường liên tục về sự phát triển văn hóa, và ngay cả về dân tộc-ngôn ngữ, từ thời Phùng Nguyên đến Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, khuynh hướng này dùng tùm lum chứng cứ.”
Sự lạc quan coi một số chứng liệu khảo cổ học như một bằng chứng hiển nhiên này được mô tả một cách chi tiết, triệt để, khai triển tùy tiện không cần bàn cãi nữa, ngay cả ở các sách giáo trình lịch sử dùng cho sinh viên. Chẳng hạn bộ sách Giáo Trình Lịch sử Việt nam, gồm 7 tập do nhiều người phụ trách biên tập như Đàm Thị Uyên, Nguyễn Cảnh Minh, Trần Đức Cường Đào Tố Uyên, Võ Xuân Đàn, Nguyễn Xuân Minh, Vũ Thị Hòa.(6)
Tôi nhìn ra những tai hại tiềm ẩn trong những khẳng định lịch sử này mà e ngại! Xin trích dẫn hai tài liệu mới đây thôi cho thấy sử học miền Bắc chỉ là sự dối trá, che đậy và lừa bịp.
Một là bài viết, “Sao lại làm ngơ cuộc chiến 1279 trong sách Giáo Khoa?” Tác giả Tuấn Khanh, viết ngày 18 tháng hai 2016 ở Sài Gòn.
Hai là bài “Ai kiểm soát các sử gia Việt Nam viết sách?” Trao đổi với BBC nhân một sử gia Việt Nam, gs Vũ Dương Ninh, mới tiết lộ với truyền thông nước này rằng các nhà viết sách giáo khoa ở Việt Nam về chiến tranh biên giới Việt–Trung (1979) bị buộc phải giảm từ 4 trang xuống 11 dòng, vì lý do ‘quan hệ tế nhị’ vào đầu thập niên 2000, Ông Phạm Viết Đào nói, “Tôi nghĩ rằng giới trí thức, báo chí Việt Nam, nói chung họ yếm thế rất nhiều. Bây giờ trên họ bảo thế nào, thì họ cứ thế họ viết.”
Tôi thật sự không biết khi đọc xong hai trích đoạn trên, người ta còn dám xác quyết sử ký miền Bắc có “bước đi bảy dặm” trước 1954 và sau 1975 không? Không biết phải nhìn nhận định “bảy dặm” bằng con mắt gì cho đúng?
Xin trích dẫn “Lời Nhà Xuất bản” (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông) trong cuốn Nhìn lại sử Việt, Từ tiền sử đến Tự chủ, viết về Tập San Sử Địa miền Nam như sau:
“Cũng do không bị một ý thứ hệ đặt vòng kim cô lên đầu nên ngay trong một lãnh vực tưởng độc chiếm của miền Bắc là nhà Tây Sơn, các sử gia miền Nam cũng tỏ ra khách quan cân nhắc hơn sau này ảnh hưởng ngược lại vào sử học Mác Xít.”(7)
Thắc mắc ở đây là không biết quý vị đã đọc kỹ Tập San Sử Địa hay chưa?
Xin đưa ra lời thú nhận của Nguyễn Nhã, người chủ trương Tập san sử địa trả lời phỏng vấn viết:
“Lê Quang Chánh, thành ủy viên, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân đân thành Phố tuyên bố ngày 10–10– 1982: Chúng ta còn xử dụng khả năng hoạt động công khai hợp pháp, đưa nội dung tiến bộ và cách mạng vào các tờ báo Tia Sáng, Tiêng Nói dân tộc, Đất tổ và các tạp chí đối diện, TSSĐ.”(8)
Tôi không dám chụp bất cứ thứ mũ gì cho ai cả, vì một lẽ đơn giản là tôi không có tiền triệu đô-la nộp phạt vì tội vu khống!
Còn nói về ba số đặc biệt về tập san Sử địa. Tôi không dám chê trách gì các tác giả đã cộng tác viết bài. Do hoàn cảnh lúc bấy giờ còn khan hiếm tài liêu, chưa có điều kiện tiếp cận với tài liệu gốc của Trung Hoa – nhiều vị không rành tiếng Hán.
Tài liệu tiêng Pháp thì đã có bà Đặng Phương Nghi có thiện chí dịch một số các Thư của Thừa sai Ba Lê nhưng lại không dám dùng, vì các thư đó thường phê phán nặng nề quân Tây Sơn là ăn cướp.
Cái lỗi lầm đáng nói là sau này ở hải ngoại vẫn còn những cuốn sử ký viết theo lối mòn quá khứ.
Nhiều con số đôi bên được thổi phồng thành những con số ảo khó tin được. Số quân Tầu chết chất thành núi mà đến những người như cụ Nguyễn Đăng Thục còn mắc phải.
Tôi cũng không thể nào đồng ý với Lời Nhà Xuất bản giới thiệu một cách hồ đồ trong cuốn sách của tác giả Lê Mạnh Hùng, Nhìn lại sử Việt, Từ tiền sử đến Tự chủ như sau:
“Từ đó (1920), sử học Việt Nam đã có những bước đi bảy dặm, ở cả hai miền (Nam Bắc thời gian 1954–1975 và sau 1975 ở trong và ngoài nước)”(9).
Cũng ngay sau đó, tác giả Lê Mạnh Hùng ghi nhận như một lời cảm tạ nguồn sách của giáo sư Keith Taylor (The Birth of Viet Nam) đã giúp ông hoàn thành cuốn sách.
Cuốn sách mà 30 năm sau, chính Keith Taylor thú nhận những nhận định của ông cần phải được nhìn lại lại trong cuốn A History of the Vietnamese.
Một thiếu sót của tác giả Lê Mạnh Hùng là không cập nhập tài liệu, giống y hệt trường hợp Ngô Nhân Dụng, mà chúng tôi đã có dịp đề cập đến trong phần 1b.
Tôi có một vài nghi ngờ đặt ra với tác giả Nhìn lại sử Việt. Đó là ông có thông thạo chữ Hán và các tài liêu sưu tập được có đọc thẳng bằng chữ Hán hay không. Chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này trong một lần khác.
Vấn đề sử Việt thời Tiền sử, xin dành phần chuyên môn này cho giáo sư Lê Minh Khải – Ông sẽ là người có đủ thẩm quyền tinh thần và tính chính danh để nhận định về cuốn I của tác giả Lê Mạnh Hùng.
Chúng ta chỉ việc chờ xem trong một ngày không xa. Chúng tôi hiện cũng chưa có cuốn 4 và 5 nên cũng đành chờ thôi.
Từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa Sô Vanh (Chauvininisme)
Lý do thứ hai; đây là lý do chính làm phát sinh ra lối “tưởng tượng học thuật lịch sử”. Đó là tự ái chủ nghĩa dân tộc sô vanh, độc đoán, cái tâm lý hậu thuộc địa còn rớt lại. Và đây cũng là chủ đề của bài viết này.
Tình yêu nước, yêu quê hương xứ sở, yêu tiếng nói, yêu con người, yêu mảnh đất, yêu thiên nhiên, v.v. là những tình cảm tự nhiên, đáng quý. Nhưng khi nó dần dần trở thành một hệ tư tưởng, một hình thức văn hóa, một phong trào thì tự nó đã có dấu hiệu báo động về một nguy cơ.
Đi thêm một bước nữa, nó được kết tụ thành một sức mạnh, một ý thức hệ và trở thành một chủ nghĩa dân tộc, một chiêu bài, thì thật đáng lo ngại.
Chủ nghĩa dân tộc trở thành tiếng nói dễ kích động, và khi có điều kiện, trở thành sức mạnh của đám đông, của quần chúng, có thể vận dụng đưa đến những hậu quả tàn khốc như các cuộc tàn sát, hoặc chiến tranh.
Nhân danh thứ chủ nghĩa dân tộc sô vanh, hàng triệu người Việt Nam vô tội đã chết oan uổng mà trước khi chết đã không biết tại sao mình đã chết!
Nhưng ai cũng hiểu rằng không phải chỉ có một thứ chủ nghĩa dân tộc, mà có nhiều dạng thức khác nhau.
Có thứ chủ nghĩa dân tộc xét theo chủ đích: có thứ tích cực như chủ nghĩa yêu nước mà bản chất là tinh thần tự vệ cả về mặt quân sự, chủ quyền đất nước lẫn văn hóa. Tiêu biểu được thể hiện trong các bộ sách sử của ta, như bộ Đại Việt Sử ký và Đại Việt Sử ký Toàn thư. Về loại này, ta có thể gọi là nó tiêu biểu cho sử quan của mỗi thời kỳ hay mỗi triều đại.
Có thứ chủ nghĩa dân tộc bị lợi dụng, nhân danh đảng phái như đảng Phát xít Đức và nhất là trường hợp đảng cộng sản, như chủ nghĩa Trosky, cộng sản đệ tam mà bản chất là thu tóm mọi quyền lực vào tay môt thiểu số người.
Bài viết này xin giới hạn vào hai phạm trù đầu tiên mà thôi.
- Có thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài ngoại. Chính sách bài Do Thái, bài người Tầu, bài người Nhật.
- Có thứ chủ nghĩa dân tộc dựa trên sự kỳ thị tôn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo như phục quốc Thiên Chúa giáo, Hồi giáo.(10)
1. Giai đoạn viết sử với tinh thần chủ nghĩa dân tộc giáo điều của các bộ sử
Người Việt thường tự hào nói tới lịch sử dân tộc Việt với 4000 ngàn năm văn hiến! Điều đó có đúng không và lấy gì làm bằng chứng? Trong 4000 ngàn năm đó, bộ môn sử thật sự chỉ mới có mặt từ thế kỷ 13 (Lê Văn Hưu, Đại Việt Sử Ký, 1272, lấy nhà Triệu, Triệu Đà, 207 TCN-136 TCN, làm khởi điểm cho việc dựng nước Đại Việt). Sử sách Viêt chỉ được viết bằng chữ Hán. Cách viết sử lại thường vay mượn bộ môn sử ký của Tư Mã Thiên trước công nguyên!
Vì thế, con số 4000 năm là một con số thổi phồng, không kiểm chứng được. Chính cái tham vọng muốn kéo dài sao cho đủ 4000 năm lịch sử đã tạo ra nhiều huyền thoại sử. Chẳng hạn lịch sử 18 đời vua Hùng Vương kéo dài trên 2000 năm. Hay chuyện đẻ trăm trứng, v.v. với rất nhiều huyền thoại, hoang đường. Và chỉ cần làm một con tinh nhỏ cho thấy mỗi đời vua Hùng phải kéo dàì ngót 200 năm!
An-Nam Chí lược – Viện đại Học Huế
Cuốn sử được coi như rất xưa là cuốn An–Nam Chí Lược của Lê Tắc biên soạn năm 1335, thế kỷ 14.(11) Tuy nhiên, cuốn sách của Lê Tắc cũng là cuốn sách gây tranh cãi nhiều. Vì Lê Tắc lưu vong sang Tầu nên viết từ bối cảnh ấy.
Vì thế, khi Đại Học Huế có quyết định cho dịch và in lại cuốn này vào năm 1961, linh mục viện trưởng lúc bấy giờ là Cao Văn Luận – trong Lời nói đầu – đã không tiếc lời thóa mạ Lê Tắc. Ông cho Lê Tắc là một tên phản bội dân tộc, một tên quên mình là người Việt Nam, thường trình bày những đoạn văn giọng điệu kiêu ngạo, tự tôn của vua nhà Nguyên. Nhưng lại tự hạ mình khi trình bày các bản tấu chương dâng lên vua Tầu.
Điều đó khiến cho ai đọc cũng cảm thấy vô cùng uất ức và đau đớn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, tự mâu thuẫn, linh mục Viện Trưởng lại nhìn nhận cuốn sách của Lê Tắc là cuốn sách xưa nhất và có nhiều sử liệu đáng quý nhất.
Cái sử liệu đáng quý mà Lm Cao Văn Luận không nói ra, chính là các chiếu biểu trao đổi giữa triều đình Trung Hoa và các vua chúa của ta.
Nếu đọc kỹ nội dung các văn kiện này thì quả thực có thể Việt Nam chưa hề bao giờ thu hồi được độc lập hay tự chủ chăng?
Vì lý do đó, Ủy ban phiên dịch sử liệu quyết định cho dịch, cho in, vì nó là đối tượng cho việc nghiên cứu sử liệu của ta. Huế ngày 22–04–1960. Viện trưởng Viện Đại Học Huế.
Ngày nay đọc lại cho thấy sự chê trách của Lm viện trưởng là không phải. Vì chính linh mục Viện trưởng mới là người chưa thoát khỏi não trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mang mặc cảm tự ái dân tộc.
Cuốn sách của Lê Tắc chú trọng vào phần ghi chép, dịch lại các chiếu biểu mà không quan tâm nhiều đến phần biên niên sử.
Cái quan trọng nhất của sử học là biết tôn trọng sự thật. Điều mà Lê Tắc đã làm được mà nhiêu sử gia sau này, do nệ cổ, đã không làm được.
Cụ Trần Trọng Kim cũng có cùng nhận xét khi viết:
“Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học chữ Tầu, chứ không học sử nước nhà.”(12)
Đại Việt sử lược (khuyết danh, thế kỷ 14)
Cuốn sách sử khuyết danh (1377 – 1388) này đã được giáo sư Nguyễn Gia Tường, nguyên giáo sư trường Sư Phạm dịch năm 1972. Sách dày 112 trang và phần lớn liệt kê niên hiệu các triều đại các vua chúa. Về nội dung nghèo nàn, không đóng góp đáng kể cho dòng sử Việt.
Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu, sử quan đời Trần và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Sử quan đời Lê
Lịch sử đời Lý–Trần đánh dấu một trang lịch sử mới trong dòng Sử Việt, giai đoạn tự chủ. Điều ấy được thể hiện trong sử quan của hai nhà viết sử: Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên.
Theo Yu Insun, giáo sư ban Sử Á Châu tại Đại Học Quốc Gia Hán Thành (Seoul National University)(13) người ta cần tìm hiểu sử quan của hai nhà viết sử trên để nhận ra thái độ của họ đối với sử học như thế nào?
Sử quan của Lê Văn Hưu
Theo Insun, sử gia Lê Văn Hưu nhận lệnh của vua Trần Thánh Tông, dựa theo phương pháp sử của Tư Mã Quang. Cuốn sử của Lê Văn Hưu gồm 30 cuốn. Ông bắt đầu từ Triệu Đà và chấm dứt vào cuối đời nhà Lý, 1225. Sự không kể đến phần huyền thoại sử đời Hùng Vương cho thấy là một quyết định mới mẻ.
Bộ Toàn thư của Ngô Sĩ Liên tiếp theo sau thì lại dựa theo bộ sử ký của Tư Mã Thiên – một bộ sử biên niên – khởi từ đời Hồng Bàng, khoảng 3000 năm trước công nguyên kéo dài tới cuối nhà Lê, vào năm 1428. Ngô Sĩ Liên theo lệnh nhà vua thu tập tư liệu và dựa trên bộ sử ký của Lê Văn Hưu, đối chiếu với sử liệu Việt Nam và sử liệu Trung Quốc.
Nhưng khác với thái độ viết sử của Lê Văn Hưu, ông chính là người đưa phần sử đời Hùng Vương vào trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư.
Việc gia cố thêm giai đoạn Hùng Vương vào dòng sử Việt tạo thành một tiền lệ tranh cãi, biện minh cho đến hiện nay cũng chưa có một giải đáp nào thỏa đáng.
Tác giả Lê Mạnh Hùng cũng dành gần 100 trang sách loay hoay biện luận về vấn đề này mà cũng không ra khỏi cái vòng kim cô “18 đời Hùng Vương”.
Đến cuốn Việt sử Tiêu Án với Ngô Thời Sỹ cũng đã không thiếu những phản biện về giai đoạn 18 đời Hùng Vương.
Chỉ xin trích dẫn Ngô Thì Sĩ(14) làm chứng liệu [nhấn mạnh của người viết]:
Trong đoạn chép về Kinh Dương Vương, Ngô Thì Sĩ viết
“Xét nước Việt ta lập quốc, tuy ở sau dời vua Hy và Hiệt nuớc Tầu, mà văn tự chưa có, ký tá còn thiếu, về phần thế thứ niên kỷ, chính trị phong tục dáng nghi hay đáng tin đều không có gì đủ làm chứng cứ. Ông Chu Tử nói rằng: “Ðọc sách không nên để sử quan dối được mình”; cho nên chữ Quách Công, Hạ Ngu trong sách Xuân Thu cung còn có sự nghi ngờ. Ông Mạnh Tử ở Thiên Vu Thành chỉ trích lấy hai ba đoạn mà thôi, nếu dẫn dùng lời nói mà không xét đến lẽ phải, tác giả dối ta, ta lại tin vào dó dể dối nguời sau, có nên không?
Sử cũ chép: Vua Lạc Long làm vua từ năm Nhâm Tuất, vậy nhà chép sử đã căn cứ vào đâu mà tính khởi đầu từ năm Giáp Tý cho đến năm Nhâm Tuất được? Sử ghi các đời vua Lạc Long, tại sao đến đời Hùng Vương lại chép sơ lược? Xích Quỷ là gì mà lấy làm tên kiến quốc? Một loại hoang đản như thế nên tước hết đi, là vì sử cũ sưu tìm truyện cổ, thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua.
[…] Đến như việc Kinh Dương lấy con gái Động Đình, Lạc Long lấy nàng Âu Cơ, loài ở nước, loài ở cạn lấy nhau, thần với người ở lẫn, lời đó tựa hồ không hợp lẽ thường.”
Rồi trong “Lời thông luận” về Họ Hồng Bàng, Ngô Thì Sĩ viết,
“Đến như Kinh Dương tới An Dương Vương, hơn hai nghìn sáu trăm năm (2600) mấy triều đại, mấy thế, mấy niên, năm giáp Tý này thì lên, đến năm Giáp Tý sau thì không còn. Họ Hồng Bàng khởi từ năm Nhâm Tuất, đến hết năm Qúy Mão, Hùng Vương mất nước, An Dương nổi lên, đích xác thuộc thuộc về năm 57 đời vua Chu noãn. Lại lấy con toán mà kể xem từ khoảng đời Kinh, đời Hùng, 20 đời vua 2622 năm, nhiều ít trừ đi bù lại, mỗi vua được 120 tuổi. Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy lại càng không không thể hiểu được. Sử và truyện khổ về nỗi văn hiến không đủ, lấy vua khở đầu là Kinh Dương, tất phải có vị vua nào là cuối, nhân tiện lấy số năm thừa, kể từ đồng thời với Đế Nghi đến năm nhà Tần đặt quân mà tính, mang số năm trở về trước cho vào đời Hùng Vương, trở về sau cho về đời An Duơng, cho đủ số hai kỷ.”
Tôi cũng có tìm đọc những tài liệu sử ấy mà khả năng thuyết phục về 4000 năm lịch sử thật quá ít ỏi. Và khi mà kết đoán lịch sử nước ta dài 4000 năm thì còn có gì thua kém gì sử Tầu?
Ngoài bộ An-Nam chí lược, các bộ sử Đại Việt Sử ký Toàn thư thường có lời bình của các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.
Đến cuốn sách của Trần Trọng Kim được coi là ngắn mà súc tích, cụ dành chương I, chưa tới 10 trang để viết về đời Hồng Bàng, tránh bớt được tình trạng vẽ rắn thêm đuôi. Trong lời mở đầu, cụ cũng kín đáo dè dặt đưa ra nhận xét:
“Thời đại thứ nhất là Thượng cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tầu, đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác.”(15)
Và cuối cùng là cuốn Việt sử Toàn thư của Phạm Văn Sơn, chi tiết hơn, nhưng lại không ra ngoài thông lệ, không có phản biện gì về thời Thượng cổ!
Nhận xét về các sách sử này, có lẽ không thể không đặt vào bối cảnh lịch sử, chính trị của từng thời kỳ để tránh những áp đặt thiên kiến.
Chính vì thế, khi đọc An-Nam chí lược của Lê Tắc, tôi không có cái tâm tình ‘bực bội’ như linh mục viện trưởng Cao Văn Luận.
Tôi hiểu những chiếu biểu được viết lại thời đó chỉ là một thứ ‘ngôn ngữ ngoại giao’, phải viết như vậy, nhưng sự thực có thể không như vậy. Thứ nữa cũng cần tìm hiểu, chính sách ngoại giao của người Trung Hoa như thế nào đối với các phiên thuộc như Việt Nam.
Xin trích một đoạn chiếu của Hoàng đế Trung Hoa cho vua An–Nam:
“Hồi trước khi nước Khanh mới nội phục, hễ có xin điều gì, ta cũng y cho cả, trong ý nói rằng theo lễ thờ phụng nước lớn, lâu ngày tự xét sẽ biết rồi tuân theo các điều khoản mà thi hành.”(16)
Về điểm này, tôi được đọc phải nói là khá đầy đủ tài liệu của tác giả Nguyễn Duy Chính,(17) nên nhiều điều, tôi không lấy làm lạ.
Trong tiểu luận Tặng phẩm ngoại giao của Thanh Triều, 10–2004. Ông Nguyễn Duy Chính cho người đọc có cảm tưởng rắng chính sách ngoại giao cũng như quan điểm của Thanh Triều – một nước lớn với phiên thuộc – đã định hình như vậy, và hai bên cứ thế mà tuân theo, với quan điểm hai bên đều có lợi, tránh được bất hòa và chiến tranh.
Theo Nguyễn Duy Chính, thế giới không phải trong cái tương quan Quốc Gia–Quốc gia, mà là tương quan giữa Thiên tử với chư hầu. Khi thì chinh phục, khi thì vỗ về qua những món quà ngoại giao. Và Nguyễn Duy Chính, chỉ đến đời Tây Sơn cũng cho rằng thế lực ngoại giao của Tây Sơn xem ra chiếm ưu thế qua những cuộc đón tiếp long trọng của nhà Thanh với những món quà hậu hĩ dành cho phái đoàn Tây Sơn. Hơn ai hết, Quang Trung hiểu được mối tương quan hai chiều ấy nên mới rắp tâm đòi lại đất cũng như đòi cưới hỏi công chúa.
Trong “Cuộc giao thiệp giữa Quang Trung và Càn Long – Vụ 16 châu và xây đồn Sầm Nghi Đống”, Lý Văn Hùng viết:
“Sau chiến thắng vẻ vang và được nhà Thanh nhìn nhận chánh thức, vua Quang Trung đòi hỏi lại những đất đai ấy và vua Càn Long cũng ưng thuận quy hoàn.”(18)
Phải chăng đã có một nền ngoại giao dựa trên quà cáp làm nền tảng cho các mối liên lạc ngoại giao giữa nhà Thanh và các phiên thuộc?
2. chủ nghĩa dân tộc sô vanh của người cộng sản trong sử học
Trong một cuốn sách mỏng nhan đề Phương pháp sử học,(19) của Nguyễn Phương, giáo sư Viện Đại Học Huế, tác giả đưa ra một số nguyên tắc chỉ đạo cho việc nghiên cứu Sử.
Không ngờ những nguyên tắc cơ bản ấy nay có thể trở thành nguyên tắc chỉ đạo cho những người cộng sản trong việc viết sử. Ông viết:
“Thực ra, sử học không phải là một môn dễ. Nghề chép sử chính là một nghề khó khăn, nó đòi phải có tài năng đã rồi, mà con đòi hỏi có công tâm và công phu. Một người xốp nổi không thể nghiên cứu sử, vì nghiên cứu sử cần phải có kiên nhẫn nhiều. Môt người có đầu óc đảng phái không thể nghiên cứu sử, vì nghiên cứu sử cần nói tất cả sự thật. Một ngươi bất tài không thể nghiên cứu sử một cách thành công, vì người đó sẽ không thể trình bày kết quả mình một cách khả quan để kẻ khác thèm đọc. Để thấy rõ việc khó khăn của việc học sử, chúng ta nên nhớ rằng sử học vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật.”
Thật vậy, Sử dưới mắt của người cộng sản xoay chung quanh nhân vật huyền thoại bác Hồ. Bác Hồ dạy, bác Hồ nói, theo gương bác Hồ, học tập bác Hồ.
Hồ Chí Minh đã có lần dạy như sau:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”
Sử ta là sử nào? Sử của đảng cộng sản? Cho đến nay càng học sử càng tối tăm thêm đến độ nay có dư luận muốn bỏ môn sử. Và theo một vị làm công tác viết sử nhận xét, Cho đến nay, theo tôi được biết thì chưa có một cuốn sách sử nào ở Việt Nam xứng đáng gọi là sử.
Những điệp khúc được nhai đi nhái lại như: Mừng xuân, mừng đảng, Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Đó là sự rập khuôn chính sách của nước Tầu trong hai mệnh đề: Chỉ có Đảng và Nhà nước.
Tôi có một cuốn sách nhan đề “Tự điển đường phố Hà Nội”.(20) Tôi thử tìm xem các danh nhân, các vị anh hùng, các trí thức yêu nước chống Pháp có tên trên đường phố Hà Nội không?
Tôi ngạc nhiên thấy không có tên bất cứ vị vua chúa nào đời Nguyễn như Gia Long, Duy Tân, Hàm Nghi, v.v. Cũng không có tên tuổi các nhà cách mạng thuộc đệ tứ như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu. Các danh nhân trong Nam cũng thật hiếm hoi. Tôi không thấy tên Cường Để, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đình Chiểu đâu cả.
Thiếu nhiều lắm. Thiếu tất cả.
Trong khi đó lại nhan nhản tên đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội. Đến nỗi thiên hạ rỉ tai nhau, các đồng chí lãnh đạo đảng ông nào cũng có một ước mơ: khi chết thì có tên trên đường phố Hà Nội.
Trong khi đó, hầu như không thiếu vắng bất cứ tên tuổi một ai cả trên đường phố Saigon trước 1975.
Phải chăng tên đường phố là một nút mở tắt (On–Off) chỉ dấu ai là người được đảng coi là bạn, ai là thù của chế độ!
(Còn tiếp phần 2b)
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(1) Ông Hà Văn Thùy còn có rất nhiều bài ‘giật gân’ với những kết luận không thể kiểm chúng được đăng tải rộng rãi trên KhoaHoc.net, Vietart.com , nhất là trên vanchuong.net
(2) Đó là những bài (từ 2011 đến 2014) đọc rất là nổ và chắc nịch, có nhan đề sau đây:
- Không có cái gọi là từ Hán Việt
- Lại nói về hòn đá lạ ở Đền Hùng
- Phát hiện chữ Việt cổ ở Quảng Tây
- Lịch sử khai sinh người Hán và sự hình thành của nước Tầu
- Việt mượn Hán, hay Hán mượn Việt?
- Thềm biển Đông, chiếc nôi của người Việt
(3) Lê Minh Khải, “Bách Việt và sự vắng mặt của lịch sử hậu thuộc địa ở Việt Nam”, Trà Mi dịch, DCVOnline, 18/01/2016
(4) Nguyễn Văn Lục, “Hội chứng Hậu thuộc địa”, Danchimviet.info, 14/04/2012.
(5) K. W. Taylor, “A history of the Vietnamese”,Cambridge University Press, 2013, trang 2–3.
(6) Nhiều tác giả, Giáo Trình Lịch sử Việt Nam, nxb Đại Học Sư phạm, in lần thứ hai, 2010.
(7) Lê Mạnh Hùng, “Nhìn lại Sử Việt, Tư tiền sử đến tự chủ”. Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 2007, Lời nhà xuất bản.
(8) Trích bài phỏng vấn Nguyễn Nhã của N&S
(9) Lê Mạnh Hùng, Ibid.
(10) Nhiều tác giả, Chuyên đề “Bao nhiêu Chủ Nghĩa Dân Tộc là đủ?” Tạp Chí Talawas Số Mùa Thu 2009.
(11) Cuốn An–Nam Chí Lược do Viện Đại Huế xuất bản, biên soạn: Ủy Ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam 1961. Lời nói đầu của Lm Viện Trưởng, trang 3.
(12) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển I, Bộ giáo dục, in lần thư nhất, trang VII.
(13) “Nhận thức của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về lịch sử Việt Nam”, bản lược dịch và nhận định về tiểu luận của Insun đã đăng trên tạp chí Truyền Thông, Communications, số 41–&42, Thu Đông 2011, trang 156–168.
(14) Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ, “Việt sử Tiêu án”, 1775. Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu. Bản điện tử, NXB Văn Sử, 1991. Trang 3, 6.
(15) Trần Trọng Kim, Ibid., trang IX
(16) Lời Chiếu dụ cho Thế-Tử An-nam Trần-Nhật-Huyền (Trần-Thánh-Tông) trong tháng 8 năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278).
(17) Ông Nguyễn Duy Chính có thể nói hiện nay là một trong những chuyên viên viết về nhà Tây Sơn với nhiều chuyên đề như: Giả Vương nhập cận. Việt Thanh chiến dịch: Vua Quang Trung ra Bắc, Từ chiến dịch Ai Lao đến trận thủy chiến Thị Nại, Tặng phẩm ngoại giao của Thanh Triêu, Khai quan thông thị, Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung, do hoạ sĩ nhà Thanh vẽ, Tương quan Xiêm Việt cuối thế kỷ 18.
(18) Lý Văn Hùng, “Cuộc giao thiệp giữa Quang Trung và Càn Long – Vụ 16 châu và xây đồn Sầm Nghi Đống”, Tập san Sử Địa, số 13, tháng 1,2,3–1960, trang 135.
(19) Nguyễn Phương, “Phương pháp sử học”, nhà in Sao Mai, Phòng Nghiên cứu sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964. Trang 10–11.
(20) Nguyễn Loan– Nguyễn Hoài, Tự điển đường phố Hà Nội, nxb Thế giới, 1994
Tôi không hiểu tại sao ông Nguyễn Văn Lục lại đưa vài hình ảnh của dân tộc thiểu số ở các vùng cao, và một người nằm hút thuốc phiện đề đại diện cho cả một lịch sử của dân tộc Việt?!?!
Tất cả các con chiên Catô Lích đều muốn đưa ra điều này, Việt Nam là nothing, chậm tiến, xấu xí, được các ông Tây sang khai hóa, nhồi nhét văn minh “Thiên Chúa” là phước tổ rồi, đừng có mà đi tìm nguồn gốc làm gì cho mệt!?
Ông Nguyễn Văn Lục ơi, ông đã đọc Địa Đàng Phương Đông (Eden in the East) của học giả Oppenheimer chưa? Nếu chưa đọc mà viết về lịch sử VN như ông chỉ là viết lăng nhăng thôi ông ạ.