Lúa Đông Nam Á và Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Việt
Le Minh Khai | Trà Mi dịch
Trong bài trước tôi đã viết về ý niệm Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Việt này rằng đã có một phân chia cổ đại ở châu Á giữa nhà nông (= tổ tiên của người Việt Nam) và dân du mục (= tổ tiên của người Hán Trung Quốc).
Để cho khái niệm này có ý nghĩa, nó cần phải chứng minh được rằng văn minh lúa đầu tiên xuất hiện đâu đó ở phía nam của thế giới Trung Quốc, chẳng hạn như trong khu vực Đông Nam Á, và sau đó nó mới lan rộng lên phía Bắc.
Đây là lập luận của những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và họ làm điều này bằng cách nói rằng con người trồng lúa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Có bằng chứng nào cho thấy việc trồng lúa đầu bắt đầu ở Đông Nam Á trước tiên hay không?
Không, không có. Thay vào đó, hôm nay cộng đồng khoa học quốc tế đã đi đến một đồng ý rằng các trung tâm trồng lúa đầu tiên là vùng ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, khu vực ngày nay là Trung Quốc, mặc dù có một số người cho rằng các thung lũng sông Hằng, ngày nay là Ấn Độ, là những địa điểm trồng lúa đầu tiên.
Dù sao đi nữa, khu vực Đông Nam Á cũng không được cộng đồng quốc tế của giới khảo cổ chuyên nghiệp xem là những địa điểm trồng lúa đầu tiên, và kể cả các nhà khảo cổ chuyên nghiệp Việt Việt Nam.
Tuy nhiên, đã có một khoảng thời gian vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 khi một số nhà khảo cổ “đề xướng” rằng Đông Nam Á “có thể là” nơi lúa được trồng đầu tiên, nhưng họ không có bằng chứng khảo cổ vững chắc để chứng minh cho đề xướng của họ, và kết quả là, ngày nay những quan điểm này không còn đứng vững nữa vì người ta đã được tìm thấy những bằng chứng khảo cổ vững chắc ở những nơi khác.
Ý niệm cho rằng khu vực Đông Nam Á có thể là nơi sản xuất nông nghiệp nói chung và đặc biệt là khu trồng lúa đầu tiên đã được nhà địa lý học người Mỹ Carl O. Sauer đưa ra vào năm 1952 trong cuốn “Agricultural Origins and Dispersals” của ông.
Sauer đã đưa ra giả thuyết này không dựa trên bằng chứng khảo cổ học, nhưng chỉ bằng sự suy đoán. Đây là những gì ông đã viết:
“Tôi đã đề xướng Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp sớm nhất. Nó đáp ứng các yêu cầu đa dạng về thể chất và hữu cơ cao, khí hậu ôn hòa với mùa gió ngược cho nhiều mùa mưa nắng, nhiều vùng nước để đánh bắt cá, ở vị trí ở trung tâm của thế giới cũ để giao tiếp bằng đường thủy cũng như đường bộ. Không có khu vực nào khác được tốt như như vậy hoặc được trang bị tốt như thế cho sự phát triển một nền văn hóa đánh cá-canh tác. “(24-5)
Nói cách khác, Sauer đầu tiên đã đưa ra một mô hình khái niệm về điều kiện môi trường nơi mà ông tin rằng nền nông nghiệp nên xuất hiện đầu tiên, và sau đó ông đã tìm đến một nơi trên hành tinh phù hợp với mô hình đó và đẫ tìm thấy… Đông Nam Á!
Một lần nữa, Sauer đã không cung cấp bằng chứng khảo cổ học để hỗ trợ cho tuyên bố của ông.
Tuy nhiên, nhà khảo cổ người Mỹ Wilhelm Solheim và các học trò của ông, Chester Gorman và Donn Bayard, ngỡ rằng họ đã tìm thấy bằng chứng khảo cổ như vậy ở Thái Lan trong những năm 1960 khi họ đi nghiên cứu ba địa điểm khảo cổ: Non Nok Tha và Ban Chiang ở đông bắc Thái Lan và Sprit Cave tây bắc Thái Lan.
Tại Non Nok Tha, họ đã tìm thấy những mảnh đồ gốm có từ khoảng 3.500 trước dương lịch có in dấu hạt ngũ cốc (mà Solheim tin là gạo), và một số di tích thực vật khác tìm thấy tại Spirit Cave (cuối cùng, có cả gạo).
Solheim gửi những mẫu di ích đó đến cho Douglas Yen ở viện Bảo tàng Bishop ở Honolulu để xem xét thêm. Yen cũng đi Thái Lan với Gorman để tìm thêm nhiều mẫu di tích.
Trong khi đó, Solheim đăng một bài báo khoa học ở Mỹ vào năm 1972 mang tên “Một cuộc Cách mạng nông nghiệp trước đây”, trong đó ông nói rằng
“Cuộc cách mạng nông nghiệp, được cho là đã xảy ra đầu tiên vào khoảng 10.000 năm trước đây trong các xã hội mới nổi thời kỳ đồ đá của Trung Đông, dường như đã đạt được một cách độc lập cách đó hàng ngàn dặm, trong khu vực Đông Nam Á.
“Cuộc cách mạng nông nghiệp biệt lập này liên quan đến thực vật và động vật phần lớn chưa biết đến ở Trung Đông, và nó có thể đã bắt đầu từ 5.000 năm trước đó.” (34)
Solheim nên đợi cho Yen hoàn tất các nghiên cứu của ông, bởi vì đến khi Yen công bố những kết quả của các cuộc thử nghiệm của ông vào năm 1977, thì chúng [những lết quả thử nghiệm cổ vật] không ủng hộ tuyên bố của Solheim, và sau cùng Yen kết luận rằng các mẫu gạo từ những địa điểm khảo cổ ở Thái Lan là lúa hoang hơn là lúa đã thuần hóa dùng trong việc cấy trồng.
Tuy sự phấn khích về khả năng có “một cuộc cách mạng nông nghiệp trước đó” ở Đông Nam Á đã truyền cảm hứng cho một số học giả, nhưng ngày càng có nhiều chứng liệu khảo cổ nhiều chi tiết, và sớm hơn, từ Trung Quốc cộng với việc thiếu bằng chứng rõ ràng (của di tích khảo cổ) trong khu vực Đông Nam Á đã đưa cộng đồng khảo cổ chuyên nghiệp đến kết luận rằng khu vực trung và ha lưu của sông Dương Tử là nơi trồng lúa gạo đầu tiên (mặc dù, như tôi đã đề cập ở trên, có một số học giả lập luận rằng khu vực sông Hằng là một địa điểm đã trồng lúa trước đó).
Tuy những sự kiện trên là những gì được được giới khảo cổ chuyên nghiệp tin vào nhưng khái niệm lúa gạo được trồng đầu tiên ở Đông Nam Á vẫn được tin ở mức độ phổ biến với nhiều người ở Việt Nam, và nó là một chủ nghĩa trung tâm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Việt, như sự phân đôi giả định giữa “nhà nông” và “dân du mục” sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó có thể chứng minh được rằng “nhà nông” đã có gạo trước.
Vì vậy, đã có những bằng chứng nào để hỗ trợ cho khái niệm này? Đó là các tác phẩm của Sauer, Solheim, Gorman, v.v., những tác phẩm không còn được coi là chính xác ở phương Tây, nhưng chúng vẫn cứ được trích dẫn di trích dẫn lại ở Việt Nam.
Chuyện bên lề – Học thuật hàn lâm và đại chúng
Trà Mi
Mới đây, đọc trên Facebook của Alex Thai via Le Minh Khai tôi đọc được đoạn trao đổi ngắn sau đây về bài “Southeast Asian Rice and Vietnamese Ultranationalism”, đăng trên Le Minh Khai’s SEAsian History ngày 19 jan 16:
Bill Duiker: Interesting article, but the facts aren’t all in yet. Let’s leave nationalism out of this.
Le Minh Khai: Which facts are those?
Có vài điểm đáng chú ý về đoạn trao đổi này.
1. Trong cùng bài nói trên ở SEAsian History blog của mình, Le Minh Khai viết trong phần ý kiến
“Academics should be on blogs, on Wikipedia, on YouTube… EVERYWHERE!!! In the digital age, the ivory tower is getting even more remote, when in actuality it has become easier than ever for academics to find a “popular” audience.”
“Giới hàn lâm nên xuất hiện trên blog, ở Wikipedia, trên YouTube… Ở khắp mọi nơi! Trong thời đại số cái tháp ngà càng ngày càng nghìn trùng xa cách, trong khi trên thực tế thì nó đã trở nên dễ hơn bao giờ hết để giới hàn lâm đến với khối khán thính giả bình dân, đại chúng.”
Và chính Khai là một trong những người đầu tiên nếu không phải là người đầu tiên đã đưa học thuật hàn lâm đến với giới bình dân, đại chúng. Ông cũng đề cập đến vài người khác như Johnathan Saha (UK) và Lam Thi My Dung.
Phải nói ngay, in full disclosure, tôi là một trong những người đã đi học, và tìm giải đáp cho những câu hỏi, những khái niệm về sử Việt Nam ở Le Minh Khai’s SEAsian blog từ khá lâu. Chắc chắn, tôi cũng không phải là bạn đọc duy nhất tìm đến SEAsian History Blog. Một điểm khác, cũng khá thú vị, có một bạn đọc DCVOnline cả quyết rằng Lê Minh Khải là một “thằng” Tầu cộng khi đọc những bài tôi dịch từ Le Minh Khai’s SEAsian blog. Tại đây Le Minh Khai chỉ để hình tấm ảnh con dê ở phần giới thiệu cá nhân. Bạn đọc DCVOnline đó sau này cũng đã kết bạn với “thằng” Tầu cộng trên Facebook khi ông để ảnh sinh hoạt thật trên tường nhà ông.
Và hôm nay, thật lý thú khi đọc trao đổi giữa Bill Duiker và Le Minh Khai trên Facebook. Bill Duiker trên Facebook chính là William J. Duiker, một tác giả nổi tiếng trong giới đọc sách người Việt Nam vì cuốn “Ho Chi Minh” xuất bản năm 2000. Ít nhất, Le Minh Khai có lẽ cũng vui khi thấy một người viết sử khác, trước ông cả thế hệ, cũng đã xuống núi, ra khỏi tháp ngà, trao đổi với bàn dân thiên hạ.
2. Điểm thú vị thứ hai là khi Bill Duiker bảo rằng “Bài hay đấy, nhưng chưa có đủ hết dữ kiện. Hãy để chủ nghĩa dân tộc sang một bên đã” thì ông giáo sử ở thế kỷ 21 đã hỏi ngay lại ông giáo sư sử thế kỷ 20, “Đó là những dữ kiện nào?”
Tại sao lại thú vị? Le minh Khai, theo lời tự khai, tổ tiên cũng là “người nông nghiệp” nhưng họ ăn khoai tây chứ không ăn gạo. Nếu Lê Minh Khải là người da vàng, là cháu Lê Lợi chẳng hạn, cũng ăn gạo như đa số dân ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long có lẽ ông đã không “dám” hỏi ngược đại ca, sư huynh, hay sư phụ Bill Duiker như trong đoạn đối thoại dẫn trên. Tóm lại, một trong những cái khác giữa người nông nghiệp ăn khoa tây và người nông nghiệp ăn cơm là ở cái ảnh hưởng của Nho giáo.
Lý do có câu chuyện nhỏ này vì tôi được biết về một trao đổi tương tự xảy ra giữa hai người có tổ tiên là “người nông nghiệp” ăn gạo.
Số là một người bạn vong niên của tôi, trẻ hơn Bill Duiker nhưng già hơn Le Minh Khai cả thế hệ, vừa viết một tiểu luận, đưa ra vài nhận xét và quan điểm về Trung Quốc, và có một vài phê bình về một cuốn sách đề cao dân tộc Việt Nam. Trong bài có nhiều trích dẫn Trần Quang Đức, Liam C. Kelley, và K. W. Taylor, ba tác giả ở ba thề hệ khác nhau.
Ông bạn vong niên của tôi có vẻ hài lòng với bài viết lắm. Nhưng trong câu chuyện kể, ông nói thêm rằng có nhận được một phê bình của một bạn đọc, “Anh viết chưa thuyết phục.”
Tôi hỏi, “Thế anh có hỏi, ‘chưa thuyết phục’ chỗ nào không?”
Ông bạn nói, “Tôi không nói gì cả.”
Chán thật! Dù Bill Duiker chưa trả lời Lê Minh Khai “Đó là những dữ kiện nào” nhưng ít nhất có sự trao đổi giữa hai người nông nghiệp ăn khoa tây trước mặt bàn dân thiên hạ. Còn chuyện giữa hai người nông nghiệp ăn gạo lại là chuyện 1 chiều, và chỉ là chuyện giữa hai người.
Hơn nữa, tôi tin rằng còn khối lời phê bình bài viết đó của ông bạn vong niên; nhưng đa số chỉ là những bản đồng ca trên bàn nhậu chứ không phải những bài phản biện, những câu hỏi, những phê bình ở trên báo, trên blog hay ở Facebook.
Thiển nghĩ, cái văn hóa phản biện, xuyên suốt và công khai chưa có đủ và cần được phát triển trong văn hóa của người nông nghiệp ăn gạo. Nói cách khác, cái gì tốt của anh hưởng Nho giáo thì cứ giữ nhưng nên học thêm những ứng xử tiến bộ của nên nông nghiệp ăn khoai tây. Được như thế khối tri thức tích lũy chung ngày sẽ phong phú hơn.
Xem bài “Một cái nhìn từ bên ngoài của người Tây phương và người Việt về nước Tầu” do ông bạn vong niên của tôi viết ở đây.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Southeast Asian Rice and Vietnamese Ultranationalism . Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 19 jan 16.